BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73435)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đất thần kinh

08 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1514)
Đất thần kinh
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Thưa Em xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

(Bùi Giáng)

Tôi bỏ Nha Trang mà đi sau chuyến vượt biển không thành. Ý trời. Cả bọn mười mấy mạng bị sa lưới. Tôi và Vân vận hên lọt sổ, thất thần gặp nhau ở bến xe đò nửa mừng nửa lo và chẳng đứa nào nói được nên lời. Tôi dắt Vân về nhà ông cậu ngủ tạm một đêm. Đêm hầm hập nóng, mái tôn chuyển mình giãn nở kêu ca và bóng tối ngoài sân cát như biết dồn ép tới căn nhà nỗi bất an khiến đứng ngồi không yên.

Vân moi trong lưng quần ra một “cây” cuối cùng dành để “hộ thân hộ thổ”: Nhờ cậu tìm cách mua giúp con cái giấy đi đường… Tao vào Sài Gòn. Còn mày? Tôi ngó chăm vào cây đèn dầu. Ngọn lửa của nó thấp thỏm cháy, khiến sau lưng chúng tôi là mảng bóng đen, dính vào vách liên kết những hình thù quái dị, tựa hồ ai đó đang lặng lẽ dán sát mình để lén nghe. Tôi thử quan sát phản ứng ở người cậu râu tóc bạc trắng. Đèn thì đỏ quạch, câm nín vũng sáng. Mặt ông cậu thì đen đúa một nỗi chịu đựng quen thuộc, gần như lãnh cảm. Có vẻ ông ngầm ưng thuận lời yêu cầu của Vân. Quay sang tôi: Mi cũng nên trốn đi cho yên thân. Ông ho khan: Về Huế chẳng hạn.

Tôi nghe lời, chẳng gợn lòng tính toan. Hai hôm sau chính thức vượt biên dật dờ vào địa phận tỉnh Bình Trị Thiên. Vân rất tình nghĩa, giấy đi đường giả làm công nhân viên cung ứng vật tư tỉnh Phú Khánh, vé xe đò mua giá chợ đen và chút tiền dắt túi của tôi có được đều do bởi lượng vàng ròng chia hai hiếm qúy kia. Hôm chia tay, Vân ôm tôi, siết chặt như thứ hành động dành riêng cho tình nhân bạc phước. Hắn nói trong cúi mặt: Chúc mày tai qua nạn khỏi khi về chốn chó ăn đá gà ăn muối. Tôi không thấy bịn rịn. Tôi chẳng nghe ra chút bồi hồi thổn thức. Tôi đứng cứng đờ. Cảm xúc trong người tôi đã trút đi đâu? Là những thùng dầu chôn sâu dưới cát. Chôn mất dấu và bới tìm nhọc công. Tôi xô nhẹ Vân ra nhưng mấy ngón tay Vân vẫn cố bấu vào hai vai, mắt thì nhìn sâu vào mặt tôi. Hắn muốn thu giữ vào trí nhớ lần cuối? Hắn sẽ hôn vào môi nếu tôi là… con gái. Tôi nghĩ vậy. Và tôi xua đuổi: Thôi, mày đi lẹ kẻo trễ tàu. Không một lời chúc lành. Chẳng một tiếng cám ơn. Rồi Vân sẽ tự tìm lấy lý do: Chắc tại nó bị hứng cái “sốc” quá nặng? Chắc là khi cảm động, người ta thường để lộ sự vụng về? Vân gầm đầu đi, tôi ngó theo. Thằng bạn sót lại của tôi, cuối cùng đã biến mất theo kiểu ấy. Tựa những bàn chân người hằn xuống hỗn độn trên bãi bốc đã được sóng tràn vào liếm cho sạch dấu tích, trơ lại là bờ cát ẩm nằm trân tráo. Tôi chôn chân trên mặt đất Nha Trang rạn nứt những kỷ niệm, cô đơn vô bờ. Ông cậu nói như trấn an: Mi về ngoài nớ có gì thì con Cúc nó bao che cho một thời gian…

Xe đò rệu rã chạy dần vào thành phố. Huế có cơn mưa giông rãi xuống trắng xóa đón lấy tôi, mù mịt. Tứ bề là mưa, chẳng nhìn ra phương hướng. Tôi lẩm bẩm cái tên xa lạ của người chị. Cúc, Cúc, Cúc…

Đó là người đàn bà chẳng có gì để khiến người khác phải chú ý. Lần hồi, sau khi hai miền đã thông thương, hình như ai cũng tập làm cho con mắt quen dần với thứ hình ảnh gần như đồng dạng rập khuôn ấy. Cái áo cụt may có hơi chật làm khổ đôi vú, quần đen bèo nhèo hà tiện vải ngắn lên mắt cá và chân mang đôi dép có gót mà quai nhựa không ôm giữ nổi những ngón, làm chúng có vẻ luôn muốn “giải phóng” ra khỏi bàn chân đi bước nặng nề cục mịch. Tình máu mủ là cái gì thật trừu tượng, buổi gặp mặt lần đầu tôi ngồi lặng thinh đốt khói. Quà của chị Cúc mang vào cho là mấy gói thuốc Tam Đảo và ít phong lương khô sản xuất từ Trung Quốc. Chúng nó gợi lên sự háo hức tò mò nhiều hơn là đón nhận sự xuất hiện bất ngờ của chị ở cảnh đoàn tụ rất đỗi ngỡ ngàng mà thực tâm người ta không ai đủ tỉnh trí dọn lòng đón tiếp. Chị hỏi han tôi đủ chuyện, những dấu hỏi mang chở sự ngây ngô như một người lỡ ngủ quên ở giấc mộng dài mười năm không ngờ dòng đời vẫn thúc bước đi xa. Ban đầu chị gọi tôi bằng cậu, một lát thì kêu tên và sau cùng, như “tiếp thu” được cởi mở, chị mới dùng chữ em.

- Em đừng lo sợ và đừng che đậy. Trường hợp mấy người anh đó nếu họ thành tâm thì cách mạng sẽ khoan hồng thôi. Chị sẽ tìm gặp họ để động viên tinh thần…

Chị nói ra ở cửa miệng những chữ lạ, nghe rổn rảng. Tôi chẳng có gì để lo sợ, để gạn lọc tìm cách che đậy. Nếu có cảm nhận nỗi bất an nào, thì chị phải hiểu đó là do bởi ngôn ngữ chị dùng, chị nói thứ phương ngữ lạ lẫm khiến tôi lo âu. Tôi kể tên mấy ông anh cùng chức vụ họ có được sau bảy tám năm phục vụ mệt mề trong quân ngũ. Người anh hơn chị hai tuổi quân hàm đã là Đại úy và giờ này thì chẳng rõ anh ra sao? Tự tử? Dắt một ít tàn quân đóng chốt đâu đó và đánh hết rác ở ván bài cuối? Thoát ra được tàu Mỹ neo ngoài vịnh Cam Ranh? Hoặc như số đông, vượt vĩ tuyến 17 trong đêm bít bùng, ra ở tù tận ngoài Hoàng Liên Sơn?

Chị Cúc luôn thay đổi sắc diện, ngồi thu một chân trên ghế, mặt lộ ngao ngán, khi thì đăm chiêu lạc hồn. Miệng chị rộng, hai hàng lông mày thưa nhưng tóc thì quá rậm quá dày quá nhiều quá rối. Chẳng biết chị giống ai trong nhà, chị khác thường đủ mọi phương diện. Tôi hỏi chị làm gì ở ngoài đó? Chị không nói. Tôi rụt rè hỏi chị lập gia đình chưa? Chị thở dài. Tôi nghĩ, chị là một trong số đông những người chiến thắng. Ngày hôm nay, chị thong dong ngồi đây với thứ diện mạo ủ dột, váng vất niềm thất vọng thì kể cũng lỗ lã cho chị quá. Chị hy sinh nhiều thứ để cuối cùng cá nhân chị được bù đắp điều gì? Gia đình chẳng còn ai ngoài tôi, thằng em út chưa bị chiến tranh lôi kéo nhập cuộc, lí lịch sạch như một cuốn vở trắng. Nó không có tiền của vật chất, nó chỉ giàu sụ nỗi ngờ vực hoang mang. Nhen nhóm trong lòng tôi niềm trắc ẩn, gần như thương hại chị. Nỗi niềm đó đánh giạt phần nào sự ác cảm luôn mọc trong tiềm thức mỗi khi tôi nghĩ tới kẻ đến từ phương Bắc. Có đêm ngủ sâu giấc mộng mị tôi thấy Hà Nội được giải phóng, nhìn rõ cuộc đời chị Cúc đang rẽ sang bước ngoặt mới. Chị thơ thẩn bên hồ Hoàn Kiếm, dừng chân ở cầu Thê Húc mà mùa thu đang vờn gió nhẹ trên vạt áo dài may tay raglan thêu thùa hoa lá công phu. Chị uốn tóc, tô son kẻ mày và lấy được ông chồng… tư sản mại bản.

Tôi đứng lạnh run trước cánh cửa đóng chặt. Tôi đã thử gõ lên đó, từ tốn, cấp bách, dồn dập nhưng chẳng có kết quả. Tần ngần, tôi thu hai tay vào túi quần, đi nép sát mái hiên tránh mưa để tới bên một cái tủ bán thuốc lá có che bao ny-lông nằm nhô ra cách đó hai căn.

- Lấy cho anh mấy điếu thuốc.

Đứa nhỏ bán hàng ngó tôi như ngó thằng chuyên môn đi cướp giật. Nó ngồi thu lu, hai đầu gối cao tới mang tai.

- Đưa tiền đây. Thuốc gì? Bao nhiêu mới đủ mấy điếu?

Tôi nói tên một loại thuốc đen và trao vào tay nó tờ bạc nhàu nát.

- Em biết chủ nhà bên đó không?

- Con mẹ Cúc bộ đội hả? Ai mà không biết?

- Ừ. Con mẹ bộ đội tên Cúc. Tôi lập lại chậm rãi từng chữ. Miệng tôi đắng và Huế chưa hề cho tôi niềm vui nhỏ từ hôm tôi xuống tới bến xe. Thành phố ghẻ lạnh, dù tôi xa nó chưa bao lâu. Tôi thực sự là đứa con hoang, với tất cả những thành phố, không cứ là Huế thiết thân. Đứa nhỏ trao thuốc và vui vẻ loan tin:

- Giờ ni thì mụ ta có mặt dưới rạp chiếu bóng Khải Hoàn chứ mô có ở nhà. Bộ muốn tìm mụ Cúc hả? Dưới đó đang chiếu phim thần thoại của Liên-xô, tha hồ mà nghe mụ ấy thuyết minh kể lể chuyện hoang đường.

Tôi thắp một điếu thuốc. Buồn miệng chỉ biết hút, bởi chẳng thể kiếm được thứ gì để đút vào mồm. Lạ một điều là khói thuốc có thể giúp người ta cưỡng chống cơn đói, hoặc khi ngậm điếu thuốc, môi bận bịu, người ta sẽ bớt phát ngôn linh tinh. Con bé này có ngày tai ương sẽ đón đầu nó bởi nó có vẻ luôn ngứa miệng, ăn quàng nói xiên. Tôi thu cất những điếu thuốc vào chỗ khô ráo nhất trong người rồi cắm đầu chạy dưới mưa. Rạp Khải Hoàn kia rồi. Nó không thay đổi gì ngoài bề mặt ngoại trừ bất ngờ dung nạp thêm chị Cúc vào làm việc bên trong. Chuyện gì đã xẩy tới với chị để khiến giờ này chị phải thuyên chuyển công tác về làm cho cái rạp chiếu bóng cũ kỹ này. Tôi không tin là nhà nước thanh lọc lại cán bộ để phát hiện ra cái lý lịch “đen tối” do gia đình ở trong Nam ảnh hưởng đè nặng tới chị. Hai chị em đã có lần bất đồng ý kiến khi tôi điền bản tự khai trong tờ đơn đi xin việc với sự hướng dẫn của chị. Lần đó, chị hỏi:

- Kể chị nghe, vì sao mẹ chết?

- Bị bệnh ngặt nghèo. Năm 72 tụi này đưa mẹ đi nằm hai ba bệnh viện điều trị, xoay xở mãi vẫn không qua khỏi.

- Chắc không?

- Việc gì phải dấu chị điều đó?

- Thôi, như thế này nhé, ngang đây em cứ ghi bị chết vì bom đạn của Mỹ Ngụy trên đường sơ tán từ Quảng Trị vào Huế.

- Sự thật thì bao giờ cũng hơn. Vả lại có những điều không đáng để mình ngụy tạo.

- Sao là không đáng? Nghe lời chị đi. Em sẽ phải tìm ra một công việc thích hợp. Chế độ này ai cũng lao động cần cù…

Sau đó câu chuyện dẫn dắt tới một cuộc cãi vã nặng nề mà tôi là kẻ thua cuộc. Tôi dong hai tay đầu hàng cho chị khỏi mắng tôi bị “chúng nó” tiêm nhiễm tư tưởng phản động. Tôi buồn chán cuộc sống mới, tôi vơ một đống đồ kỷ niệm trong gia đình mang vào chợ trời bán đổ bán tháo. Tôi bỏ Huế, tôi đi bụi đời và tôi đi một mạch vào tuốt Nha Trang.

Lòng thù hận của con người thật khó hiểu, đã đành, sợi giây nối kết tình ruột thịt của chúng tôi thì sao? Gặp lại nhau lần thứ hai này, chị Cúc sẽ có thái độ nào? Tôi không biết. Xui cho tôi quá, lý ra giờ này tôi ngồi trên ghe và xa xăm ngoài trùng khơi là vùng đất của tự do, con người ở đó sẽ nhân đạo đưa tay cứu vớt chúng tôi, họ chẳng mấy thiện cảm nhưng họ ái ngại, thương hại cho lũ người bị chủ nghĩa cộng sản bức hại tận đường cùng.

Tôi đứng xếp hàng và mua một cái vé với giá rẻ nhất. Bán vé là gã đàn ông có vẻ kháu ó. Nhìn quanh, công nhân viên toàn là phái nam, họ làm việc chẳng mấy hứng thú, tuồng như bị bắt buộc, miễn cưỡng. Không riêng tôi, trông họ cũng đang đói rét. Cái ưu việt của giai cấp vô sản là chúng tôi không có hố sâu cách biệt: Xanh mét. Thèm ăn. Thèm ngủ. Tự mình đánh thắng những thèm muốn viễn vông khác. Thúc thủ!

Hơi ấm trong rạp mơn trớn vào da thịt khiến dễ chịu. Ngược lại, nhiều ngọn đèn không chịu “cần kiệm” đồng loạt thi đua mức độ ánh sáng chiếu vào những khẩu hiệu giăng đầy tường làm tôi choáng váng. Mọi thứ dùng để trang hoàng trong rạp chiếu bóng khiến nó biến đổi gần thành một tòa án, chỉ thiếu quan tòa, chỉ thiếu vành móng ngựa. Con người ngồi không yên chỗ kia thảy đều là tội đồ. Không phải sao? Đã là người thì ai mà chẳng tạo nên lỗi lầm!

Chỗ ngồi có ghi số trên tấm vé nằm sát lối đi vào phòng vệ sinh. Mùi hôi khai luôn xô đẩy ra từ sau tấm màn vải lem luốc treo thế cánh cửa, và ở vị trí này người ta thường giễu bằng cụm từ: Bắt tay với tài tử. Con bé bán thuốc lá quảng cáo có thể đúng, phim hấp dẫn không mà người đi xem cũng khá đông. Và khán giả thích thú với loại thần thoại hoang đường thì xem chừng cũng hơi khác thường. Họ dễ tính và cởi mở ra mặt, hơi bị vô tư. Một tên thanh niên cỡ tuổi tôi ngồi ghế bên lân la gợi chuyện:

- Phim ngộ lắm nghe. Tui coi lần này là lần thứ hai… Thiệt tức cười…

Giọng nói khan. Thứ giọng của người thường đến cửa quan kêu gào nỗi oan ức, hoặc của tên chuyên bán thuốc xổ sán mãi-võ-Sơn-đông mà ta thường bắt gặp ở những bến xe. Khản tiếng giống ông mù biết xuống sáu câu quanh quẩn những tụ điểm ăn nhậu. Khàn đục tựa tiếng rao của thằng bé bán bánh mì nóng mới ra lò. Có thể ca sĩ chuyên nghiệp cũng có thứ giọng đó, bởi người ta bảo: Tiếng hát át tiếng bom.

- Tui để ý rồi đó, trong phim của Tiệp, Hung, Ba Lan, Liên-xô không bao giờ mình trông ra bóng dáng một thằng “Tây đen”. Họ kỳ thị dữ lắm chứ không giỡn chơi đâu nghe.

Tôi ngó hắn bằng nửa con mắt, có nghĩa là nhìn mà không cần phải quay đầu. Tóc hắn lởm chởm, ướt nước mưa. Đã có tên thợ hớt tóc nào cố tình chơi khăm vọc dao vọc kéo lên đó để tiả thành lông lá một con nhím đang tới hồi bệnh hoạn. Ở khuôn mặt coi rất tếu đó luôn nở sẵn nụ cười ngây dại. Nụ cười của một người già trước tuổi, bao dung với những nghịch cảnh luôn tìm đến.

- Bỏ ra về nửa chừng là mang tội đó nghe. Tức cười thiệt. Phim hay ai lại dại dột chẳng muốn coi?

Như ngồi trên lửa, hắn ta luôn loay hoay trong phạm vi cái ghế gỗ chật hẹp. Khi ngả đầu vòng tay trước ngực, khi chồm người tới lấy móng tay khảy lên đường nứt trên lưng ghế trước.

- Tụi nó phá cho hư hỏng ra cả. Ba tui mà thấy được chắc ổng buồn lắm…

Tôi ngoái đầu lui dáo dác nhìn lên lầu, may ra bắt gặp bóng dáng chị Cúc đứng đâu đó gần buồng chiếu phim.

- Sốt ruột hả?

Tôi mỏi mệt tới độ không gióng lên được một tiếng: Ừ. Phải chi hắn ngồi yên, hắn bớt phát thanh, và rồi tôi có thể chợp mắt một khoảnh khắc.

- Thời đó ba tui luôn tôn trọng giờ giấc. Nói năm giờ là năm giờ chiếu, nói bảy giờ là đúng bảy giờ, không chơi trò linh động co giãn kiểu giây thun. Ba tui mà còn làm chủ, ổng chửi mấy thằng ni cho nát nước… Anh biết ba tui không?

Tôi buồn miệng muốn hút một điếu thuốc nhưng bảng nội quy “làm chủ tập thể” đã ngăn cấm. Thằng cha cà chớn này nhiều chuyện tới độ mình phải ngứa miệng:

- Ba của tôi thì làm tới giám đốc hãng xuất nhập cảng phim ảnh mà giờ này tôi thèm hút thuốc cũng phải ngồi bó tay ngáp ruồi thôi. Ở đó mà nói hoài!

Hắn sững mặt nhìn tôi giây lát, xong lại gầm đầu xuống như suy nghĩ việc gì đang rối bung. Tôi muốn bỏ hắn mà đi vào nhà vệ sinh hút chùng lén một điếu thuốc nhưng đèn trong rạp đã tắt ngúm. Giọng ai đó nói trong máy phóng thanh nhắc nhở bà con thể hiện nếp sống văn minh, giảng giải một hồi công lao thần thánh của Đảng và nhà nước đã mang lại sự quang vinh ngày hôm nay, người thôi bóc lột người, quê hương sạch bóng quân xâm lược…

Tôi rất sợ hãi, mà cái thằng ưa nói “tức cười thiệt” ngồi bên cũng đang thu nhỏ người lại, co quắp như bị trúng gió. Tôi cố tập trung đầu óc nghĩ tới một chuyện thật “đồi trụy”.

Tôi nhớ lại căn nhà dùng làm chốn ẩn náu trước khi ra “taxi”. Khi vượt biển, người ta phải dòm lịch để biết chắc đó là một đêm không trăng sao. Càng tăm tối càng tốt, càng ra đi trong khuya khoắt càng an toàn. Khuya khoắt, “taxi” chưa tới, tôi dóng tai nghe có tiếng động sau vườn cây đặc quánh mực xạ. Cửa sổ mở hé và một đôi nhân tình đang cho tôi xem xuất phim “hiện thực hoang đường” mà họ diễn rất đạt. Cặp ấy là hành khách đi chung chuyến ghe với tôi, họ từng bày tỏ cử chỉ âu yếm với nhau khi trời sáng và tối tăm thì họ làm chuyện đáng làm. Da thịt cô gái là điều gì đáng phàn nàn, bởi lẽ nó trắng quá, trắng tới độ phát quang. Đôi vú cô ta là cái đáng lên án bởi nó tròn trịa quá, nó phồn thịnh và căng cứng là chuyện hiển nhiên. Khi ngắm nhìn, kẻ ngoại cuộc buộc phải ganh tức với thằng con trai đang ra sức làm “taxi” mang cô gái tới bến bờ hoang lạc. Hắn hôn cô gái cùng khắp, gục đầu tóc rối xuống cụm lông mọc giữa hai chân người tình. Họ sướng, tôi biết chắc về điều đó, nhưng họ cố nén tiếng rên la. Và kiến, và muỗi trong vườn khuya sẽ có một buổi liên hoan phủ phê bữa tiệc máu. Tôi cũng có người yêu, nhưng cô ta đã vất tôi lại giữa đời sống cô quanh này để đi tìm ánh sáng cuối đường hầm. Giới hạn cuối mà người yêu dành cho là tôi chỉ được phép cầm tay và hôn vào môi thôi. Cấm “lấn đất dành dân” đi hoang tới vùng cấm địa. Tuy vậy tôi cũng biết tới mùi vị đàn bà, Vân đã dắt tôi đi chơi đĩ gọi là xả xui trước khi vượt biển. Người đàn bà đáng tuổi chị đã không thẹn thùng cho tôi ngắm “đầu mình và tứ chi”, cho tôi sờ mó và sau cùng dắt tôi đi lâng lâng tới tuốt vườn địa đàng. Thằng nhỏ khóc, tôi khóc. Người đàn bà mặc lại áo quần: Chớ nói là tôi phá nát đời trai của cậu nhé!

Tên có đội con nhím trên đầu thúc tay vào một bên hông làm tôi hoàn hồn:

- Thằng phi ngựa kia sẽ mang tên Du-ri-lốp-cốp. Để xem có đúng không?

Màn ảnh đang trình bày một bầu trời đỏ quạch như màu gạch nung, bóng một kỵ sĩ cưỡi ngựa trắng chạy vụt qua, vó câu rầm rộ cuốn theo cát bụi mù mịt. Giọng chi Cúc trỗi lên, trôi mơ hồ như từ rừng sâu vọng ra. Tôi không nhầm lẫn. Nó đặc biệt vì nó pha trộn ô hợp khi thì Huế, khi thì Hà Nội, lúc khác lại Nghệ An. Ông thủ trưởng nào cũng sáng suốt khi thu nhận chị về làm người thuyết minh phim. Một con vẹt tài giỏi ở trong gánh xiếc chắc phải bay tới chị để… ”đi thực tế”. Tôi mường tượng chị đang ngồi trên cái ghế đẩu thô cứng, ly nước lạnh đặt cạnh, một ngọn đèn mờ chiếu xuống đỉnh đầu; tay chị nắm chặt xấp giấy có ai viết sẵn và mở miệng ê a: “Ở vào cái thuở mà bầu trời thấp xuống và con người có thể đưa tay lên sờ mó được, mọi sinh vật tranh sống dưới ánh sáng khắc nghiệt của mặt trời, văn minh của loài người chỉ sản sinh ra chế độ sống bộ lạc… Chàng Yu ri Sê cốp luôn hoàn thiện những sứ mạng bằng chính sức mạnh…”

Thằng cha cà chớn ngồi cạnh há miệng cười hô hố. Hắn hay nói chữ “tức cười thiệt” và hắn sẵn lòng thực hiện cụ thể bằng hành động. Tôi chẳng thấy có gì đáng cười cả. Tủi hổ và thương hại thì có. Theo quy luật tự nhiên, thời đại đồ đá sẽ dẫn tới thời kỳ đồ đồng. Cớ sao những người chiến thắng lôi kéo chúng tôi từ thế kỳ này trở về sống lại thế kỷ trước. Từ bỏ phố phường sáng điện về thắp đuốc trong hang động để rồi lại mơ mộng phấn đấu cho bằng được: Không phải chỉ ăn no mà còn mặc đẹp. Mọi nhà tất yếu phải có Ti-vi, tủ lạnh…

Thằng “tức cười thiệt” bị xô đẩy vào góc tường. Mặt hắn tái mét, hai bờ môi run run. Có tiếng người nạt nộ:

- Mày muốn chạy trốn đấy phỏng?

- Chạy chớ. Độc lập tự do muôn năm mà…

Hắn nói không hết câu. Má hắn hằn đỏ năm ngón tay, miệng rỉ máu. Tôi thấy mắt hắn ứa ra những giọt nước.

- Đéo mẹ cái phường phản động này. Ngoan cố cứng đầu hả?

Hắn ôm mặt khóc hu hu:

- Ba ơi ba, cứu con với!

Một ông mặc sắc phục công an đến phụ hai người ăn vận đồ thường dân.

- Trói dẫn thằng này về đồn cho tôi. Thành phần phá rối nguy hiểm.

Kẻ mặc thường phục nói, quai hàm bạnh ra, vẻ đanh đá. Nạn nhân trì kéo, vùng vẫy cố thoát sáu cánh tay vươn dài như vòi bạch tuộc. Những sợi tóc hắn gần như mọc lên thẳng đứng. Con nhím cũng còn biết giận dữ tự bảo vệ, huống chi…

- Cái gì là nguy hiểm với phá rối. Oan cho tui quá… Ê, ê, anh kia. Cứu em với. Anh làm chứng giùm em có ăn nói chi bậy bạ không… Trời ơi là trời! Đừng là đồng minh tháo chạy chớ, xin hãy làm phước giúp em. Ba của anh làm tới chức giám đốc lận mà, sợ chi chớ!

Tôi đi như chạy xuống khỏi những bậc thềm trơn ướt. Người tôi nhẹ hẫng và nóng râm ran. Chỉ có sau ót tụ lại một điểm ớn lạnh. Nếu bị vây bủa tôi sẽ không bao giờ được như thằng Yu-ri sê-cốp, bởi giản dị tôi chẳng có một thanh kiếm nắm chặt ở tay. Và bầu trời, lạy Chúa, nó muôn đời là cao xanh, làm sao tay người có thể đưa tay ra sờ mó được.

- Đứng lại.

Bờ vai bên phải đau điếng. Tôi từng đi gánh nước, mỗi đầu là cái thùng nhôm chứa đựng bốn mươi lít, cái đòn gánh bằng tre cứng đờ không làm đau vai bằng năm ngón tay của ông bạn dân đang bấu víu kềm kẹp. Tôi co rúm người lại không hẳn vì trời mưa chăm chỉ nhỏ nước, tôi nghĩ tới tờ giấy đi đường mỏng manh gấp làm tư ẩn trong túi quần với con mộc đóng dấu hình ngôi sao le lói: “Yêu cầu các cơ quan liên hệ dành dễ dàng cho đương sự sớm hoàn thành công tác”.

Tôi không có tay để vuốt mặt. Mưa ràn rụa rơi, xuống tóc, trên hàng mi. Cảnh vật nhòe đi dưới mắt tôi, nó mông lung thoạt gần thoạt xa như hình ảnh cuối cùng được thu vô đồng tử của một kẻ bị sẩy chân chết đuối. Tôi thử vùng vẫy “bơi” loạng quạng.

- Mưa như thế này mà bỏ đi xăm xăm, kêu chả hề đứng lại. Mày là đồng bọn với nó chứ còn gì nữa?

Tay tôi bị khóa cứng lui sau. Phải chi đêm đó mình bị tóm ở Nha Trang. Không gì dễ chịu bằng khi bạn bị mang bản án “Phản bội tổ quốc”. Nó nhẹ nhất so với những tội danh khác của nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật sư sẽ biện hộ: Tha cho nó đi, thưa qúy tòa, thân chủ tôi bị chứng liệt dương, tìm đường trốn qua Mỹ chỉ mong chạy đúng thuốc để sớm được phổng phao.

Mưa bôi xóa hết. Tự cổ chí kim, mưa Huế vẫn vô địch cái khoản làm thúi đất. Nhưng trong phút giây, mưa đã nhượng bộ, giữa xóa nhòa mọi hình tướng của vật thể, nó không bôi được dáng đứng một người: Chị Cúc. Chị đứng ở bực thềm, biên giới giữa ướt át và ráo khô. Chị đứng với lẻ loi ngọn đèn vàng treo từ tấm panneau rọi hắt xuống một vũng màu. Chưa bao giờ chị Cúc mang được cái nhan sắc đẹp lạ lùng đến vậy. Sự khả ái dường như biết phát hào quang.

Tôi bắt chước thằng “phá rối trật tự” kia:

- Chị Cúc, cứu em với. Chị Cúc… là em đây… Chị Cúc… em bị bắt oan.

Nước mưa có khi rất mặn, người ta có biết điều đó không?

- Nó là em tôi. Đã có chuyện gì xẩy ra vậy?

- Cô là ai?

- Công nhân viên của liên doanh chiếu bóng tỉnh Bình Trị Thiên. Đảng viên… Có bằng nghiệp vụ từ Liên-xô… Biên chế năm…

Có thể do thói quen nghề nghiệp, chị Cúc thuyết minh một hơi dài. Chữ chị dùng thì lúc nào cũng gồ ghề, gây ấn tượng, nhưng chị “dọa” lộn người rồi. Thằng công an nếu biết được ba chữ “tức cười thiệt” thì hẳn nó đã nói.

- Rảnh thì về đồn công an làm tờ khai. Hãy để cho tôi thi hành công tác bảo vệ trị an.

Tôi bị lôi đi cùng thằng con ông chủ rạp chiếu bóng bị nhà nước tước đoạt. Chúng xâu hai đứa tôi lại bằng một đoạn dây thừng. Nếu là trâu, có lẽ người ta đang dắt hai đứa ra đồng, mặc dù đang chiều, cho kịp vụ mùa. Liên tưởng là trâu, bởi lẽ tôi đang có rất ít chất xám, tôi ngu si, đần độn và tôi chẳng thắc mắc về điều thiệt thòi đó. Trong tôi mọc lên chỉ một ý nghĩ: Chị Cúc có thông minh không? Nếu thông minh, chị sẽ bảo: Anh xem tôi là thành phần nào mà đi liên hệ với phường phản động kia?

- Em yên tâm. Hãy bình tĩnh đi theo họ. Chị sẽ nghỉ việc ở xuất chiếu tới để đến với em. Chị không tin là bao nhiêu năm phục vụ Đảng và nhà nước như chị đây lại không giải được tội oan cho em. Hãy tin chị, cũng như chị đã tin em.

Chị nói, qua màn mưa nghe như tấm tức, như nhão mềm úng thủy. Tôi ngó lui, chị đã bước ra tới lề đường, đội mưa dõi trông theo. Tay chị không bị ai trói nhưng trông chị bứt rứt vụng về như chỉ chực vứt bỏ nó đi. Đầu tóc chị xổ tung ra mặc mưa gội tắm. Phút giây đó, mặt chị có nét giống mẹ tôi. Xanh xao, hoảng hốt, muôn đời chân yếu tay mềm. Bột màu vẽ trên khung vải quảng cáo phim “Thiên đường hạ giới” bị trôi, hoen ố, rồi chảy xuống nhuộm đỏ khoảng xi-măng đang chôn chân chị Cúc.

Sau tất cả những đổ vỡ, tôi rất tin vào cái còn lại: Tình người. Nhất là thứ tình ruột thịt. Tôi hy vọng, một ngày rất gần, chị Cúc sẽ đọc dịu dàng giọng Huế đoạn thuyết minh cảm động: “Ở vào thế kỷ hôm nay, thời điểm này, tình cảm con người bộc lộ cho nhau nó tràn ra quanh mình và ta có thề đưa tay sờ mó cất dấu làm của riêng được”.

Tôi bước vào đồn công an. Cánh cửa đóng lại. Mưa tự do rơi bên ngoài, ướt nghe ngói một Huế điêu linh.

Hồ Đình Nghiêm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn