BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39443)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Góp ý xây dựng dự thảo Luật nhà thơ (chứ gì nữa, thắc mắc cái gì?)

04 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1007)
Góp ý xây dựng dự thảo Luật nhà thơ (chứ gì nữa, thắc mắc cái gì?)
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55
Lẽ ra thì không có entry này, vì tôi đang bận quá (nên lâu nay mới im ắng). Nhưng bận thì bận, việc quan trọng như thế này mà không lên tiếng tỏ rõ thái độ của mình thì … coi sao được, phải không?

Thì, tôi vẫn tự nhận mình là người có học, lại yêu nước (xã hội chủ nghĩa), nên những việc chung của xã hội, đặc biệt là những việc có chủ trương của cấp trên, tất nhiên là phải tham gia vào chứ. Sao có thể “mũ ni che tai”, “đèn nhà ai nấy rạng” như cái tụi tư bản “người bóc lột người”, quan hệ “con người với nhau là chó sói” được?

(Mở ngoặc chút đã: Chà, lúc này hình như là tại già, nên cái “trí nhớ nghịch thường” của tôi – quên chuyện mới xảy ra mà nhớ ngược về tận đẩu tận đâu – nó hoạt động quá xá! Mấy cái trích dẫn trong ngoặc kép ở trên là những gì tôi được học trong mấy bài học chính trị ngay từ hồi Sài Gòn mới “giải phóng” năm 75 lận đó, 36 năm rồi còn gì. Hồi đó nhớ đi học chính trị suốt ngày, thuộc bài như cháo, mở miệng ra là nói đúng công thức “rốp rốp”, ngon lành, viết báo cáo, thu hoạch các đợt học chính trị, hoặc thi triết, thi kinh tế chính trị Mác-Lê là khỏi cần nghĩ nhiều, cứ nhớ một vài câu đầu là mọi thứ cứ tuôn ra như cháo, viết không kịp thở luôn, đã thiệt!)

Bây giờ quay lại chuyện chính, như đã thấy trong cái tựa của entry này: tôi muốn góp phần xây dựng dự thảo Luật nhà thơ. Vì mặc dù có thể cái luật này chưa ra đời ngay (do có một số ý kiến phản đối, chắc do bọn xấu, lực lượng thù địch nó xúi giục), nhưng tôi nghĩ thế nào cũng có ngày nó được ban hành. Chứ gì nữa, bây giờ cái gì cũng nên có chủ trương, có chỉ đạo từ trên, cho nó chắc ăn. Bởi vì mối nguy diễn biến hòa bình, tự diễn biến vv có vẻ đã trầm trọng lắm rồi, đến nối cả từ “nhân dân” thôi mà cũng có người lợi dụng, xuyên tạc. mạo nhận để rồi từ đó mà chống phá nhà nước cách mạng của “nhân dân” ta.

(Nhân tiện, thực ra thì tôi cũng vẫn chưa rõ mình có phải là nhân dân không nữa, nhưng cứ hy vọng, nếu chưa được xem là nhân dân thì cũng là “cảm tình” nhân dân, “đối tượng” nhân dân, hoặc nhân dân “dự bị” gì đó, chứ không bị liệt vào hạng phản động, thù địch, chống phá, hic hic).

Vậy thì đây, xin cho tôi góp vào việc chung bằng mấy giòng góp ý xây dựng dự thảo cho Luật nhà thơ. Vì mặc dù có nhiều người phản đối nhưng tôi lại thấy rằng, cũng giống như Luật biểu tình (chưa có, không biết bao giờ mới có), chẳng thà cứ có luật cho nó rõ ràng, để mình còn biết đường mà hành xử, chứ nếu không thì ai muốn chụp cho mình mũ gì cũng được, phải không các nhà (tự nhận mình là) thơ - hoặc dùng tiếng Hán-Việt cho nó đẹp là “thi nhân” - của nước Việt Nam trong thời đại mới, thời đại xã hội chủ nghĩa (dù chỉ còn có vài ba nước) của chúng ta?

Dưới đây là một vài nét trong dự thảo đầu tiên của Luật nhà thơ do tôi phác thảo, xin được mạnh dạn đưa ra cho mọi người cùng góp ý. Chỉ mới là những nguyên tắc chính thôi – tôi hình dung Luật nhà thơ của chúng ta sẽ khá dài và có nhiều tranh cãi, và quá trình xây dựng dự thảo sẽ kéo dài, chẳng kém việc xây dựng dự thảo Luật giáo dục đại học chút nào đâu.

Nguyên tắc 1 – Luật nhà thơ cần đưa ra được định nghĩa thế nào là nhà thơ, và những tiêu chí khách quan để phân biệt nhà thơ với những nhà viết lách khác như nhà văn, nhà báo, nhà … blog, nhà facebook (mấy từ tiếng Anh này tất nhiên sẽ phải được Việt hóa). Vì hiện nay, do chưa có định nghĩa nên ai cũng có thể tự nhận mình là nhà thơ, dẫn đến tình trạng bát nháo, tạo điều kiện cho bọn xấu lợi dụng chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta.

Nguyên tắc 2 – Luật nhà thơ cần làm rõ quyền tự chủ của nhà thơ, bao gồm tự chủ trong sáng tác, kể cả việc ngẫu hứng “xuất khẩu thành thi”; tự chủ trong việc phố biến các tác phẩm thơ của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các mạng xã hội hoặc phổ biến qua email đến những bạn bè, người thân, độc giả trong và ngoài nước; tự chủ trong việc xuất bản thơ, kể cả việc tự chọn nhà xuất bản (trong nước hoặc ngoài nước) và ngôn ngữ xuất bản (tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài; ngôn ngữ chính thống hoặc ngôn ngữ tuổi “tin” với các thành ngữ sành điệu như “sát thủ (mà) đầu mưng mủ”, vv).

Nguyên tắc 3 – Luật nhà thơ cần làm rõ những trách nhiệm đi kèm quyền tự chủ của nhà thơ, ví dụ, trách nhiệm đăng ký tham gia vào Hội nhà thơ các cấp (bắt đầu từ cấp tổ dân phố), trách nhiệm sáng tác theo yêu cầu của nhà nước để phục vụ các chủ trương lớn (ví dụ: chủ trương khai thác bô-xít, chủ trương làm đường sắt cao tốc, chủ trương cấm cán bộ chơi golf, vv); trách nhiệm đóng góp đầy đủ hội phí và các khoản phí khác khi có yêu cầu, trách nhiệm tham gia bỏ phiếu chọn lãnh đạo hội nhà thơ các cấp....

Do cạn nghĩ, tôi chỉ mới nghĩ được đến đây. Các bạn – đặc biệt là những ai trước nay vẫn tự nhận (bừa) mình là nhà thơ – xin nghĩ tiếp và góp ý nhé. Phải thể hiện sự tích cực của mình, các bạn ạ; mình mà không góp ý, mai mốt Luật nhà thơ ra rồi mà không hài lòng thì đừng có kêu ca gì nữa nhé!

Vũ Thị Phương Anh

04-11-2011

Theo BlogAnhVu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn