Nghe mấy vị có chức có quyền, hay đại biểu quốc hội “phản biện” chính sách “thay đổi giờ học, giờ làm” mà cứ ngỡ họ thuộc phe đối lập trong một chế độ dân chủ còn non nào đó, hay họ thuộc phái “nói theo” hoặc “dân túy” cũng chẳng rõ nữa.
Hay là, họ nói có lý, có lẽ vì họ “có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phản biện và tư vấn các công trình giao thông”, nhưng do người làm báo không hiểu nổi nên đã truyền đạt sai ý họ. Nếu vậy thì họ nên lên tiếng chắc chắn báo sẽ đăng tải đầy đủ ý họ, chứ không như ý của các nhà “phản biện” ngoài luồng.
Chưa biết ý thực của họ ra sao, nên buộc phải dựa vào lời lẽ của họ do báo chí đưa lại.
Ai cũng nói phải có “giải pháp tổng thể” nhưng có vẻ lại đả phá các thành tố của một giải pháp tổng thể. Ai cũng đòi nghiên cứu kỹ lưỡng, “phải có số liệu, phân tích giai đoạn, rồi đánh giá tổng thể mới biết hiệu quả” sau đó mới quyết định làm hay không. Đa số họ đều cho rằng do “ý thức của người dân”, như sếp của họ một thời đã lỡ miệng. Họ còn kêu gọi “đừng biến người dân thành ‘chuột bạch’ cho chính sách”. Nghe có vẻ rất bài bản và hợp lòng dân lắm.
Họ có bao giờ nghĩ mình là một phần của bộ máy ra quyết định chính sách hay chưa? Họ đã bao giờ nghĩ là dân ta đã bao lần bị biến thành “chuột bạch” cho các chính sách hoành tráng và vĩ đại hay chưa?
Chống ùn tắc giao thông đúng là một bài toán khó và cần giải pháp tổng thể. Từ quy hoạch đô thị, đường sá, chỗ đậu xe, số lượng phương tiện, ý thức của người tham gia giao thông, đến việc tổ chức giao thông.
Có những thứ đã có sẵn, khó thay đổi (như đường ở khu trung tâm). Đấy là các điều kiện cho trước. Tổ chức ra sao là việc quan trọng. Thay đổi giờ học, giờ làm việc là một trong các biện pháp của giải pháp tổng thể đó. Người ta đã thử cách này ở rất nhiều nơi và chẳng phải là giải pháp mới mẻ gì cả.
“Tất cả đều đi làm vào 7h không phải là thói quen mà là quy định của Nhà nước”! Đấy là thứ dễ thay đổi nhất. Mà tại sao lại phải do nhà nước trung ương quy định?
Phân tải (giao thông, điện, hay điện thoại) để tránh tắc nghẽn hay quá tải là chuyện kỹ thuật quá quen thuộc đối với các ngành liên quan. Và việc tính toán cũng không quá khó.
Số học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội cỡ 1,5 triệu trong đó gần một phần ba (gần 470 ngàn) là học sinh tiểu học; số người phải đưa đón con đi học cỡ 58 ngàn. Số cán bộ, viên chức và lao động ở các cơ quan, doanh nghiệp tại Hà Nội chắc cũng cỡ ấy. Điều chỉnh giờ làm việc của vài ba triệu người chắc chắn có tác động lớn đến phân tải giao thông và nếu làm khéo chắc chắn sẽ giảm đáng kể ùn tắc giao thông.
Cần có tính toán cẩn trọng. Thí nghiệm ở một vài nơi, một vài cơ quan sẽ không mang lại kết quả phân tải nào cả do không đạt ngưỡng về số lượng.
Với cương vị của mình, và nhất là vì có đầy đủ thông tin hơn người ngoài, các vị có chức có quyền hãy tham gia tư vấn và phản biện với tinh thần xây dựng thật sự đi thay cho việc phán chung chung hay làm ra vẻ “phản biện”.
Nguyễn Quang A
Theo ABS
Gửi ý kiến của bạn