BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77440)
(Xem: 63325)
(Xem: 40775)
(Xem: 32393)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ Trung Tâm 3 TMNN qua Quang Trung đến Đồng Đế-Nha Trang

29 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 2704)
Từ Trung Tâm 3 TMNN qua Quang Trung đến Đồng Đế-Nha Trang
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Sau khi trình giấy tờ và hoàn tất mọi thủ tục tại Phòng Tuyển mộ Nhập ngũ Quân vụ thị trấn Sàigòn-Gia định, chúng tôi được chỉ định lên xe GMC không có mui che đậu sẵn ở trước cửa. Mỗi xe chở 30 tân binh, đoàn xe trực chỉ đi đến Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập ngũ.

Xe đi trở lại về hướng chợ Hòa Hưng, qua chợ Ông Tạ, đến ngả tư Bảy Hiền, rồi thẳng đường đi Quang Trung.

Tôi ngồi yên lặng trên băng xe phía sau, nhìn những quang cảnh sinh hoạt quen thuộc của đường Lê văn Duyệt, con đường mà tôi đã lớn lên với tuối học trò của những buổi trưa nắng, buổi chiều mưa…Tôi mở mắt to nhìn lại một lần chót, trước khi tôi rời xa khung cảnh thân thương quen thuộc ấy.

Xe cộ vẫn tấp nập ồn ào, con đường vẫn xôn xao như ngày nào.

Thấy đoàn xe chở tân binh đi ngang qua, dân chúng hai bên đường vẫy tay chào tạm biệt. Tôi nghe tiếng la ó từ trên xe của những người bạn tân binh vẫy tay chào lại, nhất là mỗi khi xe đi qua mặt các cô thiếu nữ đang đi xe đạp, xe gắn máy …

Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập ngũ


Đoàn xe rẽ vào cổng Trung Tâm 3 Tuyễn Mộ Nhập Ngũ và đi theo con đường quanh co dọc theo các dãy nhà, trại làm việc. Xe ngừng lại. Chúng tôi được lệnh xuống xe, xếp hàng ngồi chồm hỗm chờ các cán bô Trung Tâm sắp xếp công việc. Sau khi được các Cán bộ Trung Tâm 3 cấp phát quân trang tạm thời, đọc cho ghi số quân, trời đã gần nửa đêm, chúng tôi được các cán bộ TT3 dẫn đi đến các barrack để tìm chổ nghỉ lưng tạm, chờ sáng hôm sau làm việc tiếp.

Giường ngủ là hai dãy nền xi măng, chiều ngang khoảng 2m5, xây cao hơn mặt nền nhà khoảng 0.5m, song song theo hai bên vách của barrack, chạy dài từ cửa trước cho đến cửa sau. Chính giữa barrack treo cái bóng đèn tỏa ánh sáng lờ mờ, như thiếu hơi điện. Mọi người trưng dụng những quân trang tạm thời vừa mới được cấp phát, trải ra trên nền xi măng để nằm tạm qua đêm.

Đêm đầu tiên bắt đầu cuộc đời lính, được nếm mùi đời có chút hơi “bụi”, tôi cảm thấy khó ngủ vì đông đảo người ồn ào và khói thuốc lá bay mù mịt.

Tôi nằm trăn trở, xoay mình qua lại, cố dỗ giấc ngủ. Những hình ảnh của thành đô cứ ẩn hiện chập chờn trước mắt. Hình ảnh của gia đình, của bạn bè, của người yêu, người chưa yêu, hình ảnh phố xá tấp nập, hình ảnh căn phòng nhỏ của tôi có kê chiếc bàn vuông và kệ sách đựng đủ loại sách báo....

Buổi sáng ngày kế tiếp, các Tân Binh tập hợp xếp hàng dài, ngồi xếp bằng bẹp xuống đất, được các cán bộ của Trung Tâm 3 phát cho một xấp giấy có in sẵn các mẫu khai lý lịch, tình trạng sức khỏe v.v…

Ngồi chờ nghe các cán bộ giải thích, chỉ dẫn nầy nọ, nọ kia…Nắng lên, bắt đầu cảm thấy nóng nực, mồ hôi rịnh trên trán, hai chân tê mỏi, tôi muốn duỗi chân ra một cái cho thoải mái…mà không duỗi ra được!



Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, chúng tôi mới được tan hàng. Mọi người tụ năm tụm ba đứng đầy dưới những tàng cây Bá Đậu dọc theo hai bên con đường đi vào dẫy nhà lợp tôn dung làm chổ làm việc cho các cán bộ của Trung Tâm. Kẻ đi tìm nước uống, người ngồi phì phà nhả khói …

 Buổi chiều, chúng tôi được di chuyển sang một khu trại nhà tập thể, bên trong có để sẵn hơn 200 chiếc giường chồng hai tầng bằng gỗ, cũ kĩ. Chúng tôi được lệnh tạm trú tại đó, chờ đến khi có lệnh mới.

Một bồn nước được xe kéo đến, mọi người xúm nhau bu quanh để chờ hứng nước vào chiếc bình bằng nylon cá nhân, có hình dạng như cái gối nhỏ, chứa khoảng 5 lít nước. Cảnh chen lấn, hổn độn vô trật tự. Tôi đứng nhìn thấy mà chán! Không hiểu tại sao dân mình gì gì cũng dành giựt nhau, từ ăn uống ở các nhà hàng quán, cho tới các nơi giải trí chen lẫn nhau, xô đẩy nhau mua vé xem ciné, xem đại nhạc hội . .

 

Tôi đứng chờ cho bớt người dành giựt để hứng một ít nước cho vào chiếc bình nylon chứa nước của tôi, nhưng hết đợt nầy lại đến đợt khác, người người cứ tiếp tục giành giật. Nhìn thấy có nhiều anh đã lấy nước xong rồi, còn trở lại cởi áo ra tắm tại chổ, nước chảy tràn ngập ra sân…Chán nản, tôi bỏ đi sang Câu Lạc Bộ bên kia con đường, mua một ly cà phê đá và một gói thuốc lá ngồi nhấm nháp.

Tôi nhả khói, nhìn sang bên kia xem thiên hạ đang chen lấn, dành giựt la chí chóe.

Uống xong ly cà phê, phì phà vài điếu thuốc lá, tôi đi trở về căn phòng tập thể. Định ngả lưng ngủ một giấc, nhưng bên trong quá nóng nực, lại ồn ào và nực mùi khói thuốc. Tôi cũng hút thuốc lá lai rai, nhưng còn không chịu nỗi được với mùi khói thuốc dầy đặc nên đi ra ngoài, ngồi dựa lưng nơi gốc cây Bá Đậu có cành lá trải rộng và thiu thiu ngủ.

Mặt trời xế bóng, cán bộ Trung tâm 3 phát loa phóng thanh gọi tập hợp và có người hướng dẫn xuống nhà Bàn (phòng ăn)lấy thức ăn. Trong nhà tập thể đã nóng vậy, mà nhà Bàn còn nóng hơn!

Tôi đứng chờ đến phiên mình lấy thức ăn, mồ hôi chảy đẩm ướt mặt mày, quần áo. Nhà Bàn phất lên mùi hôi vì thiếu sạch sẽ. Ngửi mùi thôi.. là thấy đã muốn nhợn ói. Tôi không biết một lát nữa đây, thức ăn sẽ như thế nào?

Tôi chỉ lấy cơm thôi, không lấy thức ăn vì mùi cá tanh quá! Cơm nấu trong cái chảo to, có bỏ vitamine trên mặt màu hơi vàng. Trở lại Câu Lạc Bộ để mua thức ăn và ly trà đá uống để “chửa lửa”, tôi ngồi lì bên đó cho đến chập tối, khi có lệnh tập hợp mới trở về.

Chiều tắt nắng, không khí dịu bớt hơi nóng. Sau khi tập hợp xong, tôi tìm chổ tìểu tiện và tắm “dã chiến” một phát cho khỏe người, xong trở lại chiếc giường chồng hai tầng nằm mắm mắt.. để đó mà nghe chung quanh đầy những âm thanh không được êm dịu. .

Buổi sáng hôm sau, thiên hạ thức dậy ồn ào ở bồn chứa nước để rửa mặt, đánh răng. Một vài người xô đẩy, gây gổ dành đến phiên mình trước. Tôi dùng lượng nước còn lại ở trong bình dùng làm gối kê đầu để rửa mặt, chớ không đến bồn chứa nước.

8 :30 sáng, tập hợp. Mỗi người được phát cho một khúc bánh mì dài chừng 6 inches và một ít đường cát trắng để ăn với bánh mì. Sau đó cán bộ Trung Tâm đọc tên từng người lên nhận giấy phép cho về. Tôi không được phép về, vì bữa khai trong phiếu sức khỏe, mắt bị cận thị, nên họ giữ tôi lại chờ chở sang bệnh viện Cộng Hòa khám mắt.

Tất cả được về phép, chỉ còn khoảng 50 người ở lại chờ đi khám bệnh. Nhìn thấy thiên hạ đi phép mà tôi thèm thuồng. Mới xa nhà, xa thành phố có mấy hôm, tôi tưởng chừng như cả tháng…Tôi nhớ nhà vô cùng, nhớ phố phường, nhớ người yêu..khoắc khoải trong lòng.

Khu nhà tập thể vắng lặng, không tiếng ồn ào, không mùi khói thuốc lá. Bọn người ở lại chờ đi khám sức khỏe được tắm rửa no nê. Buổi tối, tôi sang Câu Lạc Bộ ngồi uống cà phê, khói lửa, nghe nhạc đến khuya mới về ngủ.

Ba ngày kế tiếp, mỗi buổi sáng thức dậy tập họp, có xe GMC đậu chờ sẳn chở sang nhà thương Cộng Hòa khám mắt. Xe chạy ngang qua các khu dân cư đang sinh hoạt, thấy không khí vui làm sao.. Nhìn những cặp tình nhân trẻ đang chở nhau trên xe gắn máy qua lại trông mà thấy phát thèm. Tôi liên tưởng đến mình của những ngày tháng cách nay hơn một tuần lễ, nữa tháng, mình cũng hạnh phúc được làm tài xế như vậy, rồi chợt tiếc nuối cho những ngày tháng đã vụt qua mau..

Đám người đi phép trở lại, hôm sau được gọi tên, mang quân trang lên xe GMC chờ sẵn đưa sang Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thụ huấn Giai đoạn I Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan. Cứ mỗi ngày, ngày nào cũng có người đi.

Năm 1972 là năm Tổng động viên. Tất cả sinh viên học sinh nếu không đủ điều kiện hoãn dịch theo luật tổng động viên mới của Chính phủ phải vào lính. Có tất cả 12 khóa Sĩ Quan Trừ Bị, mỗi khóa có từ 500-900 người. Tôi bị kẹt ở lại khám sức khỏe 2 tuần lễ, bị lọt xuống đến khóa 10B/72.

Tôi được cho về phép 3 ngày, sau khi có kết quả khám mắt. Chả được gì! Cận nặng, cận nhẹ, cận thị hay không cận gì cũng cá mè một lứa. Ba ngày phép tôi ở nhà, không muốn đi đâu, không muốn thăm em nào hết. Nằm trong Trung Tâm 3 thì nhớ nhung đủ thứ, giờ được về nhà, tôi lại không muốn đi đâu, mà cảm thấy lưu luyến cái không khí gia đình mình, tôi muốn đưọc gần gũi với cha mẹ, với anh chị em.

Hết phép, trở lại Trung tâm 3. Hôm sau tôi được gọi tên sang TTHL/Quang Trung để thụ huấn giai đoạn I Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan.

Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung

Sau khi thụ huấn hết giai đoạn I tại đây, các Khóa Sinh lên đường đi công tác, được tạm thời gắn Alpha.

Đoàn xe GMC chở đám SVSQ trớ lại Quân trường Quang Trung sau hơn 2 tháng đi công tác chiến dịch tuyên truyền cho Hiệp Định Paris 1973.

Chúng tôi thiểu não liệng cái ba lô nặng nề lại chiếc giường sắt 2 tầng với dáng vẽ mệt mỏi. Buối tối, mọi người được lênh tập họp ngoài sân của Liên Đoàn để nghe sĩ quan cán bộ Tiểu Đoàn Trưởng có đôi lời và sau đó về tập họp tại sân Đại đội trước barrack đang ở. Chúng tôi ngồi mà buồn ngủ, đầu cứ gật tới, gật lui.

Không có ai giơ tay lên thắc mắc, hay phát biểu ý kiến như những lần trước, mà hầu hết …hình như ai cũng chỉ chờ “tan hàng cố gắng”.

Tưởng là thiên hạ buồn ngủ, chờ cho tan hàng để ..ngủ nghê. Nhưng khi tan hàng rồi mọi người lại xúm nhau chụm đầu lại chuyện trò in ỏi. Họ kể cho nhau nghe 1001 chuyện những ngày đi chiến dịch. Anh nào cũng móc bóp ra khoe hình ảnh người yêu, hình má nuôi, chị nuôi, em nuôi .., không anh nào khoe hình cha nuôi và anh nuôi!.

Riêng tôi, mấy tháng đã quen sống thoải mái, giờ trở lại khu nhà tập thể ồn ào, đông nghẹt hơi người, tôi cảm thấy ngột ngạt, hơi khó chịu ..

Những ngày kế tiếp, chúng tôi không ra bải tập mà ngồi học trong phòng. Lệnh của Tiểu Đoàn bảo tất cả Khóa Sinh phải “tháo Con Cá”(Alpha) xuống, trở lại là Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan như trước.

Trớ lại ăn cơm ở nhà Bàn..ớn “ tới cổ. Bữa nào nhà Bàn cũng thu dọn cho heo ăn mệt nghỉ. Thực phẩm mang vào quân trường sau chiến dịch, đứa nào cũng còn đầy ba lô, ăn cả tuần lễ mới hết. Xuống nhà Bàn chỉ lấy cơm thôi, rồi mang sang Câu Lạc Bộ ngồi ăn.

Những câu chuyện sau khi đi chiến dịch về, không biết nói sau cho hết. Hể đến giờ học thì tạm ngưng, giờ nghỉ giải lao (Break time), giờ tan học là thiên hạ tiếp tục quay lại “Cuốn phim tạp lục” đi Chiến dịch trao đổi với nhau. Có anh thì nói nhiều, có người lại ngồi đăm chiêu trầm ngâm khó hiểu.

Tôi bắt đầu lấy giấy bút ra viết những bức thư gởi về thành đô cho những người tôi đã hứa. Tôi biết trước, cố gắng tránh né không “ kết” thêm những tình cảm vương vấn, mà giờ nầy vẫn phải trả nợ giấy bút..viết mỏi tay muốn rụng rời, ý là tôi cố gắng thu gọn, chỉ viết có vài dòng, viết vắn tắt cho mỗi bức thư.

Thư viết gởi cho bạn bè, là tay tôi nó muốn rã rời. Tôi chưa có thì giờ viết thư gới về cho gia đình của tôi nữa.

Buối tối trong barrack như ngày hội Tết, anh nào cũng ngồi kề bên cái rương cây đựng quần áo, bên nhọn đèn cầy cậm cụi, cấm cúi viết thư. Câu Lạc Bộ bán sạch hết đèn cầy, các “thư sĩ” phải trưng dụng đến đèn pin. Đêm nào sĩ quan cán bộ Đại Đội Trưởng đi kiểm soát cũng la hét ôm xồm vì một số anh em miệt mài “gởi dòng tâm sự” qua giấy bút, không ngủ đúng giờ qui định. Anh em áp dung phương cách ngụy trang “trùm mền”, mở đèn pin, nằm xấp viết thư kín đáo.

Buổi sáng, xếp hàng đi đến lớp học, đã có hơn phân nửa đứng sang một bên “khai bịnh” lên bệnh xá xin thuốc, chích thuốc. Anh em trong thời gian chiến dịch, đi uống “cà phê sửa”, còn “dấu sửa” mang theo quân trường. Một số khác thì cất dấu “hột xoài, hột mít” dưới háng đêm vô quân trường để trồng. Viên sĩ quan Đại Đội Trưởng khóa sinh phải buột miệng chửi thề:

-“Đ.M..! Thế nầy thì học hành, tập tành cái chó gì …”

Sau hơn một tuần lễ trở lại quân trường Quang Trung, chúng tôi được lệnh thu xếp quân trang, sang Trại Chuyển Tiếp để chờ đi quân trường khác thụ huấn tiếp giai đoạn 2.

Cuộc chiến tranh Việt-nam lên đến hồi khốc liệt từ trước và sau “Mùa Hè đỏ lửa” năm 1972. Năm 1972, có 12 Khóa Sĩ Quan Trừ Bị chính thức và các khóa phụ xếp theo vần như khóa 4, 4A hay khóa 8, khóa 9A, 9B, 9C, hay khóa 10, 10A, 10B, khóa 12, 12A, 12B v.v…, chưa kể một số khác tình nguyện vào các binh chủng Hải Quân, Không Quân, Vỏ Bị Đà lạt, Trường Chiến Tranh Chính Trị, Trường Cảnh Sát ..

Đất nước loạn ly, thanh niên xếp bút nghiên tòng quân nhập ngủ,

“Làm trai cho đáng nên trai

Xuống Đông, Đông tỉnh, lên Đoài, Đoài tan”

Các thanh niên, sinh viên học sinh chúng tôi nao nức, bồi hồi trăn trở theo từng nhịp thở của thời cuộc. Lệnh tổng động viên mới của chính phủ ban hành theo đó thì thanh niên trong hạn tuổi 18 phải xong năm thứ nhất đại học, 19 tuổi phải xong năm thứ hai, hoặc là xong năm thứ nhất ở các phân khoa Kỷ Thuật. Nếu không đạt được tiêu chuẩn yêu cầu của Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng đề ra ..thì các chàng trai hãy bắt đầu nghêu ngao hát:

…”Anh sẽ ra đi về miền cát nóng,

Nơi có quê hương mịt mờ khói súng …

Anh sẽ ra đi về miền mênh mông

Cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng …”

bài hát “Trả lại em yêu” của nhạc sĩ Phạm Duy và chuẩn bị bàn giao “Đào” cho người khác là vừa ..

Các phân khoa đại học “trai thiếu, gái thừa”. Gần hết những thanh niên thuộc dạng bình thường trông được trai đều xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao, lên đường tòng quân nhập ngủ, chỉ còn lại thành phần thanh niên được hoãn dịch vì lý do gia cảnh (con trai duy nhất trong gia đình có cha mẹ gìa trên 60 tuổi) hay bị tật nguyền

Quân trường Võ Bị Thủ Đức chật nức, không còn đủ chổ chứa nữa. Tổng Cục Huân Huấn mượn đỡ trường Đồng-Đế Nha Trang (Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế) để huấn luyện sĩ quan. (Có 12,000 SVSQ Trừ Bị tốt nghiệp trường Đồng Đế-NhaTrang và một số các SVSQ Không Quân, Hải Quân thụ huấn quân sự tại đây)

Tiểu Đoàn của chúng tôi được chỉ định đi đến trường Đồng Đế-Nha Trang.

Trường Đồng Đế-Nha Trang

Chúng tôi được cấp phát cho mỗi đứa một ổ bánh mì dài độ 1’-0” và 2 hộp cá mòi Sumaco để chuẩn bị lên đường. Đứa nào cũng hứng đầy bi đông nước và khệ nệ đeo trên vai ba lô, tay sách sacmaren (sách tay) nặng trĩu.

Sau khi được các sĩ quan cán bộ từ quân trường Đồng Đế dặn dò mọi chi tiết, chúng tôi bước lên những chiếc xe GMC đậu chờ sẵn. Đoàn xe lăn bánh rời khỏi TTHL Quang Trung vào khoảng 9 giờ sáng hôm đó theo ngả xa lộ Đại Hàn, ra xa lộ Biên Hòa rồi trực chỉ Quốc lộ 1. Có lính vỏ trang theo hộ tống và tôi nhìn thấy phi cơ L-19 thỉnh thoảng xuất hiện bay quần trên bầu trời để bảo vệ an ninh.

Đoàn xe đi xuyên qua các tỉnh Phan Thiết, tôi ngửi được mùi nước mắm thơm phức từ những vựa nước mắn nằm dọc theo hai bên quốc lộ; rồi đi qua địa phận các tỉnh Phan Rang, Phan Rí, nắng như lửa đốt. Đoàn xe đi chậm lại khi đi ngang xuyên qua phố xá. Nhìn những người dân địa phương đang đi bộ trên đường bị ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt, người nào mặt mày cũng hóc hác, da đen thui đen thủi, tóc le hoe ..

Quốc lộ 1 có một khoảng đi cặp sát theo bờ biển, một bên là núi đá. Gió biển thổi vào mát rượi, có lẫn mùi muối hăn hắc ..

Đoàn xe dừng lại ở một khoảng quốc lộ cạnh bờ biển, chúng tôi được phép rời xe 15’ để..”xã nước” và vương vai hít thở vài cái cho thoải mái, xong lên xe tiếp tục cuộc hành trình.

Gần xế chiều, chúng tôi đến điạ phận Cam Ranh có bải cát trắng tinh bao bọc những hàng dừa xanh lả lơi thơ mộng. Tôi mải mê nhìn ngắm những vẻ đẹp thiên nhiên của trời đất miền thùy dương mà đã nhiều lần nghe nói đến, nhưng giờ mới được diện kiến. Xe đi khoảng hơn một giờ sau thì vào đến thành phố biển Nha Trang. Đoàn xe vẫn đi trên Quốc lộ 1, xuyên qua phố xá một đoạn, qua cầu Xóm Bóng độ hơn nửa giờ thì dừng lại ở trại Tiếp Nhận trường Đồng Đế-Nha Trang, nằm dưới chân đèo Rù Rì.

Trại Tiếp nhận 3 tuần lễ, chờ sắp xếp để đưa sang quân trường Đồng Đế. Trại Tiếp Nhận trường Đồng Đế không lớn bằng trại Tiếp Nhận quân trường Quang Trung. Chỉ có 6 cái barrack nằm song song, mỗi bên 3 cái. Ở giữa là sân rộng, có một nhà tiền chế cho toán kiểm sóat cổng ra vào trại. Cuối sân là dẫy nhà dùng làm văn phòng cho cán bộ phụ trách. Trại Tiếp Nhận nằm trơ trọi dưới chân đồi, không một bóng cây. Ban ngày, nắng rọi vào mái tôn, nóng hừng hực như lửa đốt, chúng tôi phải ra đứng bên hiên nhà đế tìm chút gió thoảng.

Cán bộ trại cắt cử cho chúng tôi làm tạp dịch chung quanh doanh trại. Tối lại thì tập họp, tất cả ngồi bẹp xuống mặt đất cát, sỏi để nghe các cán bộ hướng dẫn nầy nọ và thỉnh thoảng coi văn nghệ “tài tử” tự nguyện của các Khóa Sinh chúng tôi hát cho nhau nghe đỡ buồn.

Khoá Sinh không được phép rời khỏi khu vực trại Tiếp Nhận. Mỗi ngày có xe kéo bồn chứa nước đến vào buối sáng. Khoảng hơn 11 giờ sáng và 5 giờ chiều mỗi ngày, xe nhà Bàn chở thức ăn đến. Ăn cơm với cá biển kho, mùi cá tanh không chịu nỗi. Lính “công tử” nào nuốt không vô thì đã có các ông cán bộ và lính phục vụ nhà Bàn có mang theo thức ăn “khá hơn” để bán lấy tiền. Trời trưa nắng gắt, các ông cũng ngụy trang kín đáo mang đến cà phê đá, trà đá, lén lút bán cho các Khóa Sinh. Đứa nào muốn mua gì gì khác, có thể nhờ các ông cán bộ nhà Bàn làm trung gian mua dùm, tính giá “văn nghệ” thôi.

Hằng ngày, kẻng đánh báo thức 6 giờ sáng, thức dậy ra sân tập thể dục, xong đánh răng rửa mặt, chia công tác, dùng cái rà-mèn đựng cơm ăn “chà láng” giao thông hào chung quanh trại. Nếu không có thêm công tác gì thì ngồi tán dóc, kể chuyện trời trăng mây nước, hoặc đọc sách, viết thư trong lúc chờ xe nhà Bàn đến lảnh cơm ăn.

Hơn một tuần lễ, sau khi đi công tác trở về quân trường Quang Trung, anh em phóng thư đi, giờ đã có thư lại. Thư từ Quang Trung được chuyển ra ngày nào cũng đầy ấp cả bao “chỉ xanh” loại lớn. Khoái nhất là mỗi ngày ngồi chờ cho ông Bưu tín viên (Mail man) của trại vác cái bao to tổ bố đứng giữa sân đọc tên. Chờ cho ông ta đọc trúng cái tên cúng cơm của mình, ra lảnh thư, hối hả mở ra xem. Có anh thì ra giao thông hào, ngồi trầm ngâm đọc thư, có anh nằm xấp trên giường ngủ đọc thư, có anh ngồi dựa lưng vào vách hè barrack đọc thư …

Tôi nhận được vài lá thư từ Sàigòn gởi ra, mừng và cảm thấy được an ủi vô cùng giữa khung cảnh đồi núi sỏi đá nắng cháy da. Những dòng chữ thắm đượm nồng nàng tình cảm chan chứa của người hậu phương đã cho tôi có được những giây phút lâng lâng hạnh phúc hồi tưởng nhớ lại mấy tháng đi chiến dịch..

Chuẩn bị sang quân trường Đồng Đế.

Đoàn xe chở chúng tôi đi độ hơn nửa giờ, thì đến cổng quân trường Đồng Đế. Quân Trường Đồng Đế tọa lạc sát cạnh bờ biển .Ngồi trên xe, tôi nhìn thấy khoảng trống mênh mông trời nước phía trước mặt ở cuối con đường .

Đoàn xe đi qua cổng gát, rồi dừng lại một bên sân Vũ Đình Trường. Cả đám Sinh Viên Sĩ Quan khóa đàn anh đang ngồi chờ, chào đón. Chúng tôi vai mang ba lô, tay xách sacramen nhảy xuống xe là đã nghe tiếng hò hét, quát tháo của cán bộ quân trường ra lệnh cho đám “Lính mới” dậm chân tại chổ, miệng đếm nhịp 1, 2, 3, 4 …1,2,3,4. Khi hàng vạn cái chân đã nhịp nhàng ăn khớp với nhau, chúng tôi bắt đầu chạy quanh Vũ Đình Trường chào sân. Sau mấy tháng đi chiến dịch “ăn hút” phây phả, anh em đã tạm quên “mùi” quân trường, cho nên mới chạy hết 3 vòng, đã có vài “chiến sĩ” ngả gục...và lác đác kéo dài qua đến vòng thứ 4. Sang vòng thứ 5, chỉ còn lại phân nửa đang chạy mà tôi có cảm tưởng như đang.. đi bộ! Tôi cũng rán cầm cự kéo dài qua được vòng thứ 5 thì..bắt đầu thấy sao trời chớp nhá, cổ họng tôi khô như có lửa cháy; tôi rán bước thêm vài bước nữa trước khi “gục ngả” nằm dài. Cán bộ quân trường nắm áo tôi kéo đứng dậy, bảo chạy tiếp, tôi lắc đầu, ra dấu tôi đã…hết “xíu quách”, chớ tôi nói không ra lời. Mặc cho cán bộ hò hét, tôi quị người xuống chiếc “giường đất” êm ái, để cho tới đâu thì tới, chớ tôi không còn bước nỗi nữa. Biết tôi “làm thật” chớ không phải làm giả, cho nên cán bộ quân trường “thông cảm” cho tôi nằm luôn tại chổ giống như bao nhiêu chiến sĩ khác...Tôi nghĩ anh nào mà còn ngoan cố dấu “hột xoài hột mít” dưới háng hay cà phê sửa mang theo từ Quang Trung ra Đồng Đế, có lẽ cũng..văng hột, xịt sửa ra ngoài, khỏi cần chờ ban Quân Y quân trường trao quà tặng 100 đến 500 ngàn đồng, tiền thưởng cho “chiến sĩ xuất sắc”!

Sau một lúc nằm dài thẳng cẳng, các chiến sĩ mới lác đác cục cựa mò cái bi đông tìm nước uống. Cán bộ quân trường ngồi ..rình, vừa thấy chúng tôi tay chân “mó máy”, bảo đứng dậy chạy tiếp. Vòng chạy đợt nhì nầy gây cấn hơn lần đầu. Cán bộ hướng dẫn hò hét dữ tợn hơn, vừa chạy theo sau lưng đếm nhịp, vừa đẩy người tôi đi tới. Tôi đi gần được một vòng thì thấy “ngàn sao”..và hết biết gì chung quanh nữa…

Màn ra mắt Quân Trường chỉ có vài tiếng đồng hồ thôi, một số anh em chúng tôi ê ẩm cả long thể.

Ba tuần lể huấn nhục bắt đầu sau 2 tuần chúng tôi đến quân trường Đồng Đế. Trong 3 tuần nầy, chúng tôi phải chịu nép mình chấp hành những qui luật của quân trường, thi hành những hình phạt, biểu gì làm nấy, bảo sao làm vậy.., phải thi hành, không được phản đối cũng như có ý kiến. Phải chịu đựng những kham khổ. Chúng tôi được cắt cử làm những công tác mà tay chân phải đụng chạm với bùn sình, chất thải dơ bẩn, không được phép thay quần áo, tắm rửa, để nguyên áo quần dơ và mang giầy vớ dơ ngủ một đôi ngày. Chân nhớt nhợt vì chất bẩn tồn động trong đôi vớ thối, nơi các ngỏ ngách thoát mồ hôi, chổ tiếp giáp của thân thể với tứ chi không được vệ sinh nên ”lên men”..cũng nhớt nhợt, phát ra mùi khó ngửi và ngứa ngái khó chịu vô kể. Chúng tôi không được nhân thư từ, không gặp gở, tiếp xúc với ai, ngoài những người bạn đồng ngủ và sĩ quan Đại Đội Trưởng Khóa sinh. Không được đi đến Câu Lạc Bộ, không hút thuốc lá …

Một số khoá sinh không chịu đựng nỗi gia đoạn huấn nhục đã bỏ cuộc nửa chừng, hoặc vì quá bức xức, quá sức chịu đựng của mình nên nổi khùng không kềm chế được mình, gây nên những hành động đáng tiếc ..

Hết 3 tuần lễ huấn nhục là một cuộc di hành từ trường lên đến đỉnh núi Đồng Đế có cái tượng “thằng Cù Lần” trên chót vót.

Không biết 2 câu thơ:

“Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,

Em nằm xõa tóc đợi chờ anh”

Do ai là tác giả? Và đã có từ lúc nào để diển tả khung cảnh bức tượng cao khoảng 25m, đúc bằng ciment, sơn màu trắng, đứng ở thế “nghỉ” của nhà binh đặt trên đỉnh núi; bên dưới chân của bức tượng là đường nóc của những dãy núi thấp. Đứng phía xa xa từ hướng thành phố Nha Trang, nhìn giống như những đường nét của một người phụ nữ, đang ở thế nằm nghiêng, tóc xõa dài.. đợi chờ ..

Vượt qua được ngọn núi cao để đến đỉnh đồi, rồi đi trở xuống lại chân núi, cũng phải đổ nhiều mồ hôi vì vai mang ba lô, đầu đội nón sắt cùng súng ống, đạn dược nặng nề.

Từ sáng sớm, các Khóa Sinh rời trại, di quân theo hàng dọc đường ra Ba Làng đến Bải Tiên vòng theo chân núi, một bên là vách đá, một bên là bờ biển. Buổi sáng sớm, thủy triều xuống thấp, bải cát dài, rộng, có lẫn đá lớn nhỏ lỏm chỏm. Đi khoảng 3 km, rẽ sang con đường mòn, đi leo lên những triền dốc. Có lúc gặp con dốc hơi thẳng đứng, Khoá Sinh phải rán khom lưng, hoặc bò, hay dùng đủ phương cách để vượt qua. Ì ạch theo chân các bạn mình, đến xế trưa, tôi cũng được “ôm chân” thằng Cù Lần. Một sĩ quan cán bộ ngồi sẵn ở dưới chân bức tượng ghi tên, ghi danh số để biết người nào đã đến nơi, người nào còn “chém vè” ở lưng chừng núi.

Trên đường xuống núi thì đỡ vất vả hơn lúc leo lên. Cứ đổ dốc mà..chạy! Có lúc dùng bàn tọa ngồi cho trượt xuống núi, và biết chắc là về barrack sẽ ..bỏ cái quần!

Xế chiều, tất cả các Khóa Sinh tập hợp đầy đủ dưới chân núi. Sau khi sĩ quan cán bộ kiểm điểm xem còn em nào ở nán lại để tâm sự với thằng Cù Lần không? Đầy đủ quân số rồi, chúng tôi trở về trại lúc trời nhá nhem tối.

Anh em được tắm một bữa thả dàn, để chuẩn bị sáng hôm sau mặc quần áo sạch sẽ, nguyên bộ vãi kaki mầu vàng nâu, có thắc cravat, đầu đội mũ lưỡi trai, dự lễ gắn Alpha, chánh thức trở thành Sinh Viên Sĩ Quan.



Sau buổi lễ gắn Alpha, chúng tôi được đi phép và phải trở lại quân trường lúc 6 giờ chiều cùng ngày .

Khu Tiếp Tân tọa lạc kế bên bờ biển, nằm một bên, phía trước cổng chính của quân trường Đồng Đế đông nghẹt thân nhân của các SVSQ đến thăm. Tôi thì..ra Nha Trang không có thì giờ đi dạo phố phường, chưa quen cô nào hết và gia đình lại ở xa nên..không có ai đến thăm!

Tôi thả bộ đi vòng vòng khu Tiếp Tân, nhìn thiên hạ lao xao một lúc rồi tấp vô ngồi nơi mấy cái quán cốc che tạm bằng những miếng vải nylon do vợ con của các nhân viên cơ hữu đang phục vụ trong quân trường bài bán thức ăn uống làm một bụng cho đả thèm, xong tôi la cà xuống những quán cốc khác bán dừa tươi dọc theo bải cát, chọn cho mình được một chiếc ghế bố, ở một vị trí mát mẻ, tôi ngồi nhìn ra khơi trời nước bao la, nghe sóng vỗ rì rào, gió vi vu nhăm nhi nước dừa ngọt, mát rượi.

Chú thích : Người viết chỉ nhớ man mán tới đâu viết ra tới đó. Quí vị cựu SVSQ Đồng Đế nào còn nhớ chi tiết nào bổ túc thêm cho để anh em cùng chia sẻ những ngày mới vừa “Xếp áo thư sinh từ giả kinh kỳ”.

Đa tạ

Minh Vũ
Ý kiến bạn đọc
05 Tháng Mười 202312:00 SA
Khách
..Theo mình còn nhō dó ban..thìK.6/69 ō QT mình thuoc TD Ng,Huê..thì mình hanh qwân ra Dông dê bang phi cō C130 ..chû khoông có di chuyên =xe ..Cám ôn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn