BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73458)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Dịch tinh và rau muống

23 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 967)
Dịch tinh và rau muống
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55
Hồi tháng 4, đề tài nghiên cứu "Thu nhận dịch tinh chiết từ băng vệ sinh sau khi sử dụng nhằm nuôi muỗi" đã đoạt quán quân cuộc thi “Ý tưởng Sáng tạo Sinh viên S-Ideas” của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Nuôi muỗi làm gì thì có thể trả lời ngay: Bảo vệ môi trường (Ý tưởng của đề tài nó thế), còn bảo vệ như thế nào, bảo vệ hay phá hoại thì lại là chuyện khác. Nhưng bản thân cái nguyên liệu để nuôi muôi trong đề tài này lại gây ra vô khối thắc mắc. Dịch tinh là cái gì? Tra google toét mắt cũng vẫn chịu. Muỗi chả nhẽ lại như heo, như gà, vật nuôi phải đầu tư, có giá trị kiềm hãm lạm phát? Muỗi, chả nhẽ thân gầy chín chục triệu dân chưa đủ mồi để sống mà còn cần phải nuôi bằng... cái đó trong cái đó của cái đó.

Cái đề tài này nó cao siêu quá hóa mù mờ nên đã gây ra rất nhiều đồn đoán trên giang hồ. Hay là nuôi muỗi để bán thuốc diệt muỗi? Hay là nó hút "dịch tinh" no rồi để khỏi đi đốt người? Hay là bắc kính hiển vi chọn muỗi đực cho nó ăn, rồi thả ra tự nhiên để chúng giao phối tùm lum làm thoái hóa... muỗi hoang? Hay là nuôi muỗi, rồi muỗi đẻ loăng quăng để nuôi cá, loại "Trinh nữ ngư" hoặc "Huyết nữ ngư"- biến nó thành loại đặc sản "Made in Viet Nam" chuyên dùng làm mồi nhắm với quốc lủi?

Có người còn dự đoán đề tài của năm 2012 sẽ là "Thu nhận tinh dịch chiết từ bao cao su sau khi sử dụng nhằm nuôi ruồi". Sau đó là gì chưa biết.

Nghiên cứu khoa học này, ngoài giải nhất, còn được giải "khán giả yêu thích nhất". Tại sao lại được yêu thích nhất? Có lẽ là do cái băng vệ sinh. Do đọc ngược hai chữ "dịch tinh". Hoặc việc "lấy mẫu" hơi bị lâu, phải đợi đến tháng, chưa kể sự thất thường của chu kỳ.

Có người nói cách tìm đề tài hơi bị "bản ngã". Chỉ nhìn những gì quanh mình. Chỉ tiếp cận những gì mình có.

Tác giả của đề tài này là 3 nữ sinh viên. Và với tài nghiên cứu biết đâu họ sẽ là tiến sĩ, sẽ trở thành nghị sĩ quốc hội. Nghị gì thì chưa biết.

Hôm qua, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dùng từ "Nghị sĩ rau muống" khi nhắc lại là ý kiến của ĐBQH Đỗ Văn Đương về lạm phát.



Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ông Đỗ Văn Đương phát biểu hội trường như sau: “Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực…Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 ngàn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5 ngàn đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2 ngàn, xuống nữa có khi rẻ hơn". Rồi thì "Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất”.

Không rõ ông Đương đã làm gì trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Trước hết xin nói về nhà. Vừa mới đây Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chả phải đã phát biểu "Người nghèo chả bao giờ mua được nhà...".

Nhà thu nhập thấp ít người mua không phải là do xã hội đã hết người thu nhập thấp, mà bởi giá nhà thu nhập thấp cao đến mức "Cấp Bộ trưởng, cũng phải 40 năm mới mua được nhà".

Còn chuyện rau muống, dường như "nghị sĩ rau muống" của chúng ta chỉ cúi nhìn mớ rau, loại hàng hóa đã được biểu tượng hóa bằng cụm từ "vảy cá, lá rau" để chỉ sự rẻ mạt, bèo bọt của...cuộc sống người dân, để so sánh đĩa rau muống xào Thượng Hải với mớ rau ngoài chợ cóc Việt Nam. Ông đã ăn gian khi quên so sánh mức thu nhập của những người ăn đĩa rau 200 ngàn và những người mua bó rau 2 ngàn. Vị tiến sĩ đã "chỉ mớ rau" để "nói lạm phát". Một phát biểu vừa dại vừa quan liêu. Và ông, khi đề nghị "xem lại chỉ tiêu lạm phát" trong tiếng cười ồ của các vị đại biểu QH, đang cho thấy sự vô tâm của mình. Sự vô tâm rất gần với ác tâm nếu đó là sự vô tâm với nỗi đau đồng loại.

Có người nói đã kinh ngạc khi nghe ông Đương phát biểu vì đây là một phát biểu thiếu hiểu biết nhất từ trước tới nay của quan chức về kinh tế- dù ông có bằng tiến sĩ luật. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan- qua trường hợp "nghị sĩ rau muống"- cũng tỏ ra lo ngại về chất lượng, về trình độ đại biểu.

Nhưng ngoài vấn đề tầm nhìn, sự thất vọng từ phía cử tri đối với "nghị sĩ rau muống" lại là ở vấn đề cách nhìn. Ông Đương, đã nhìn mớ rau muống của mình, nhưng cái nhìn là cái nhìn cá nhân, của một người đang có ghế, mong giữ ghế và lạm phát hai con số không hề ảnh hưởng gì đến ông.

Một đại biểu dân cử có thể không đủ trình độ để hiểu hết tất cả các lĩnh vực, có thể nhầm lẫn. Cái đó ông có thể học hỏi và cử tri hoàn toàn thông cảm cho ông. Nhưng một đại biểu không thể không có cách nhìn xuất phát từ nguyện vọng của những người đã cầm phiếu bầu cho ông. Một đại biểu không thể suốt ngày lải nhải "Tôi đi nước ngoài" để cưỡng bức giá "con cá lá rau trong nước" là rẻ.

Các báo sáng nay đã có một cái tít hay: Đừng để có nhiều "nghị sĩ rau muống". Muốn không có nhiều, thì việc "nâng cao trình độ" chỉ là một việc nhỏ. Điều quan trọng hơn là khi phát biểu, các nghị sĩ cần nhớ là mình đang đại diện cho ai và mình nói thế để làm gì. Xin các vị hãy nhớ đã từng hứa với cử tri rằng "Thường xuyên gần gũi với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân", rằng "Bảo đảm quyền của người dân, hợp lòng dân, vì dân"...

Sau "nghĩ sĩ IQ" là "nghị sĩ rau muống". Không biết sau rau muống thì còn nghị sĩ gì nữa đây.

Đào Tuấn

23-08-2011

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn