BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73476)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đối phó bằng...nội tạng là một ví dụ

15 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 897)
Đối phó bằng...nội tạng là một ví dụ
52Vote
42Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.54
Sáng qua, các báo đồng loạt loan tin Bộ LĐ-TB và XH chính thức trình phương án tăng lương tối thiểu, cao nhất lên tới 2 triệu đồng/tháng. Trong một bản tin vài trăm chữ, Thanh Niên đã có một thông tin bối cảnh rất đáng chú ý: "Đây là lần đầu tiên trong một năm, lương tối thiểu được điều chỉnh hai lần".

Còn nhớ trong cuộc tiếp xúc cử tri 3 hôm trước, Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cam kết: Cải cách tiền lương dứt khoát được Quốc hội khóa này đặt ra nghiêm túc. “Mặc dù cũng đã có những điều chỉnh lương cơ bản rồi phụ cấp này kia nhưng tiền lương rõ ràng là không theo kịp với cuộc sống, đặc biệt trong tình hình lạm phát, giá cả tăng cao như hiện nay”- vị ủy viên Bộ Chính trị mà một cái nhíu mày có thể quyết định cuộc sống hàng chục triệu người phát biểu.

Việc tăng lương đột xuất, "trước thời hạn", cho thấy cuộc sống "Trường kỳ mì tôm, tăng sơ, giảm đạm, tự giác cắt điện, mui trần hai chân, tràn ngập muối vừng, tiêu bằng sức khỏe" của người nghèo mà biểu hiện bên ngoài là chỉ số lạm phát hơn hai chục phần trăm, là những cơn bão giá, là những cuộc đình công, rút cục cũng đã đến tai người có trách nhiệm.

Nhưng con số "có thể lên đến 2 triệu đồng" đang bao hàm một ý nghĩa dân chúng đã, đang, và sẽ phải sống dưới mức tối thiểu.

Báo Lao động từng dẫn lời Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, TS Đặng Quang Điều cho rằng: Ngay cả mức tăng như Bộ LĐTBXH đề xuất cũng không đáp ứng được yêu cầu (về mức sống tối thiểu). Theo khảo sát của Viện để đảm bảo mức sống tối thiểu (Được cấu thành bởi 3 nhóm yếu tố gồm lương thực phẩm, phi lương - thực phẩm và xác định nhu cầu nuôi con) ở Hà Nội (vùng I) phải chi phí tới 35.300 đ/ngày- cho nhu cầu cũng tối thiểu 2.300kilo calo/ngày. Tính bình quân nhu cầu nuôi dạ dày, mỗi tháng NLĐ đã phải chi tối thiểu 1.059.000đ. Và để đáp ứng mức sống tối thiểu, số tiền tối thiểu cần cho vùng I là 2,42 triệu. Lần lượt các vùng II, III, IV là 2,2; 1,9 và 1,5 triệu đồng.

Vị tiến sĩ của "liên đoàn bảo vệ công nhân" đã dùng từ "Còn khoảng cách" khi nói về mức lương đề xuất và mức chi phí thực tế.

"Khoảng cách" này chỉ cho thấy một thực tế rằng:

Lương tối thiểu 2 triệu- 7 con số- mỗi tháng, thực ra, không đủ cho một mức sống tối thiểu.

Việc tăng "trước thời hạn", trong thực tế, là chạy sau lạm phát.

Việc "điều chỉnh", cũng vì thế, chỉ là sự bù đắp còm cõi cho sự mất giá "phi mã" của đồng tiền.

Và cũng không phải bây giờ mới có khoảng cách giữa mức đảm bảo cuộc sống trong thực tế và đồng lương tối thiểu- được tính toán trên lý thuyết. Tác giả Đức Minh viết trên Doanh Nhân Sài Gòn: Nhìn lại các đợt tăng lương tối thiểu từ 10 năm qua thì chế độ tiền lương đã hoàn toàn bị bỏ xa trong cuộc chạy đua với lạm phát. Cụ thể, lương tối thiểu dù được điều chỉnh tăng bảy lần (từ 210.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng), song đã hoàn toàn trở nên lạc hậu so với tốc độ tăng GDP (khoảng từ hơn 6% - hơn 8% mỗi năm) và CPI (có ba năm dưới 5%, bốn năm từ hơn 6 - 9,5%, hai năm trên dưới 12%, một năm là 19,9%).

Và câu trả lời cho "khoảng cách": Việc điều chỉnh lương chưa căn cứ vào mức sống tối thiểu mà chỉ mới căn cứ vào khả năng đáp ứng của ngân sách. Một thực tế mà đại biểu QH Đồng Hữu Mạo đã tổng kết: "Tăng lương luôn đi sau việc tăng giá, tăng lương không đủ bù đắp việc trượt giá, đồng lương thực tế của người ăn lương đã giảm đi rất nhiều so với trước đây".

Một điểm rất đáng lưu ý là đợt tăng lương đột xuất trước thời hạn này là dành cho đối tượng người lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Thế còn 60% dân số là nông dân? Thế còn người nghèo đô thị? Thế còn đội ngũ công chức viên chức phi quan chức sống mòn trông cả vào lương còm? Còn thế hệ tương lai đang ngồi trên ghế giảng đường đại học? Họ lấy sức khỏe ra để bù đắp cho phần chênh lệch để đảm bảo có thể sống?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính và Ngân sách của QH, ông Lê Quốc Dung trong một bài trả lời phỏng vấn vào thời điểm lạm phát mới chỉ 10% đã cho rằng: "Lạm phát xảy ra tiếp tục cắt thêm vào khẩu phần ăn của người dân". Và để đối phó, họ đang ăn dần vào sức khỏe của mình.

Câu hỏi đặt ra là việc tăng lương khối doanh nghiệp để giải quyết vấn đề gì? Chống lạm phát? Không. Không ai đi chống lạm phát bằng việc tăng lương. An dân? Lại càng không. Vài trăm ngàn tăng thêm cho vài triệu công nhân chỉ khiến hơn tám chục triệu dân còn lại phải bóp mồm bóp miệng chịu đựng những cơn bão giá "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu".

Ông Dung đã nói hoàn toàn chính xác, rằng: Chỉ khi lạm phát dao động trong mức 3,5% mới đảm bảo cải thiện đời sống đi liền với mức tăng trưởng. Bởi lạm phát ảnh hưởng đến hầu hết mọi người, chứ không phải chỉ riêng công nhân, dù họ, cùng với nông dân, người nghèo, chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lạm phát. Cái ảnh hưởng đến cả chín chục triệu dân, là giá cả. Vấn đề là giá quá cao phá giá đồng tiền, trong đó có đồng lương. Đời sống khốn khổ túng quẫn là tình trạng chung của dân chúng là do giá quá cao chứ khiến đồng lương tối thiểu, dù đã dài đến 7 con số, trở nên bèo bọt.

Cách đây chưa lâu, đã có một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để đối phó với lạm phát "hai con số". Nhiều câu trả lời thực sự khiến người ta cảm thấy cay đắng: Đối phó bằng sức khỏe, đầu tiên tích trữ vào gan, rồi đến phổi. Dân nghèo phải ăn vào tương lai vì đang phải đối phó hiện tại bằng những khoản an sinh, tích lũy dành cho tuổi già.

Đối phó bằng nội tạng, bán thận chẳng hạn, cũng là một ví dụ.

Đào Tuấn

13-08-2011

Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn