BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73536)
(Xem: 62253)
(Xem: 39449)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Ngày Đầu Về Binh Chủng

08 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 2500)
Những Ngày Đầu Về Binh Chủng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
8 giờ sáng ngày 7 tháng 1 năm 1963, 10 thiếu úy vừa tốt nghiệp khóa 16 Võ Bị Đà Lạt, không ai bảo ai, cầm tờ Sự Vụ Lệnh, cùng đến trình diện Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, bản doanh đặt tại trại Cửu Long, bên Thị Nghè. Binh Chủng TQLC vừa được "nâng cấp" từ Liên Đoàn thành Lữ Đoàn TQLC với lực lượng gồm 4 tiểu đoàn bộ binh tác chiến, 1 pháo đội TQLC sơn pháo 75 ly, và một số đơn vị yểm trợ thủy bộ. Vị Tư Lệnh lúc đó là Trung Tá Lê Nguyên Khang. Không biết BTL phân phối chúng tôi về các đơn vị theo thể thức nào, chẳng theo tên mẫu tự ABC, cũng chẳng phải do bắt thăm. Trịnh An Thạch và tôi được chia về Tiều Đoàn 1; Nguyễn Văn Kim và Nguyễn Xuân Phúc về TĐ2; Phạm Văn Sắc và Nguyễn Đình Thủy về TĐ3; Trần Ngọc Toàn, Nguyễn Đằng Tống và Đỗ Hữu Tùng về TĐ4. Riêng Tôn Thất Lăng “bị kẹt" ở lại BTL! Sau cuộc Cách Mạng lật đổ TT Ngô Đình Diệm 1 tháng 11 năm 63 , Lăng được đặc cách lên trung úy, bất thần từ giã 9 chúng tôi không kèn không trống để thuyên chuyển về một đơn vị "tác chiến thứ dữ" khác: Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, nằm sát bãi biển cát trắng Nha Trang, đêm đêm nghe sóng vỗ nhè nhẹ và tiếng thì thầm của những cặp tình nhân mới yêu nhau! Đờ Lăng đi, anh em mất một tay súng diệt Cộng, nhưng lại có ngay hai bạn cùng khóa "dữ dằn" khác về tăng cường, Nguyễn Văn Cảnh và Nguyễn Kim Đễ. Thế là “băng” chúng tôi ở Binh Chủng TQLC lại tăng lên thành 11 quan khóa 16 Võ Bị Đà Lạt.

Rời BTL, Thạch và tôi được xe TĐ1 đón về hậu cứ trại Yết Kiêu, Thủ Đức để được trang bị hành quân. Chỉ huy hậu cứ lúc đó là Thượng sĩ Đàm Quang Quảng đón tiếp chúng tôi niềm nở. Tướng ông trông thật phốp pháp, to bề ngang nhưng thiếu chiều cao, đi đứng bệ vệ với cái bụng ục ịch đi trước! Tôi được ông hạ sĩ quản kho cấp cho 2 bộ quân phục, quân trang quân dụng cần thiết, và thêm khẩu súng Colt45, biểu tượng quyền chỉ huy hơn là vũ khí giết địch. Tôi còn nhớ cái cảm giác sung sướng trào dâng, lần đầu tiên ôm trong đôi tay hai bộ đồ rằn ri màu sóng biển, loại vải nylon chính hiệu, trông đẹp tuyệt vời làm sao, vì chính nó mà năm trước ở Trường Võ Bị, đã "xúi bẩy" tôi chọn về TQLC, cái hôm vị sĩ quan Binh Chủng TQLC lên Trường tuyển mộ cán bộ. Dáng ông cao lớn, đội mũ béret xanh có con ó vàng nổi bật, bộ đồ rằn ri sóng biển màu da Cọp, vai mang cặp lon Đ/U kim tuyến trắng toát, trên ngực gắn hai ba hàng huy chương đủ màu, trông hùng ơi là hùng! Quả thực, tôi đã mê và nhủ lòng phải chọn cho bằng được về TQLC vì cái bộ đồ dữ dằn đó. Thêm vào đó chúng tôi lại được nghe Binh Chủng có chương trình gửi tất cả các sĩ quan đi tu nghiệp quân sự bên Mỹ nữa. Ôi thôi, sao lại có thứ lính lý tưởng tuyệt vời như vậy? Ngày chọn Quân Binh Chủng diễn ra thật hồi hộp. Theo thứ tự đậu cao thấp, chúng tôi được chia thành từng toán 10 người lần lượt chọn, trong 10 người đó chỉ được chọn mỗi Quân Binh Chủng 1 người. Tôi thuộc loại học hành lưng chừng, thứ hạng ra trường thứ 100 lẻ mấy, bị lọt vào toán số 11, trong khi TQLC chỉ chọn 10 người, hy vọng của tôi thật mong manh! Nhưng cũng may, Trường cho sinh viên sau khi chọn chỗ được đổi cho nhau. Anh Bạn thân Ngô Gia Tiến ngồi cạnh, học giỏi hơn tôi mấy bậc, đứng đầu toán số 9, nhưng lại chỉ thích về SĐ7, vùng chằng chịt sông rạch, có lẽ anh sẽ được tha hồ đi câu cá, mò cua bắt óc tối ngày! Tôi năn nỉ Tiến bắt giùm chỗ TQLC, còn tôi sẽ chọn SĐ7 cho anh. May mắn quá, Tiến bắt được chỗ TQLC, tới phiên tôi khỏe quá còn đến 5 chỗ SĐ7, thế là chúng tôi đổi cho nhau. Tôi thở phào sung sướng vì mai đây sẽ trở thành "người hùng" Cọp Biển! Tôi chẳng khác gì chàng trai mới lớn, say mê hình bóng cô gái mới quen, để nhất định cưới nàng cho bằng được, thề thốt sẽ phục vụ nàng suốt đời, bởi vì nàng có mái tóc thề óng ả và chiếc răng khểnh cười duyên chết người, mà không cần tìm hiểu xem tính tình cô ta hiền dữ ra sao, tài nội trợ phục vụ chồng con thế nào, sau này bị đời đá lên đá xuống tá hỏa tam tinh thì đã muộn! Tôi cũng không quên mẩu chuyện về bà chị ruột tôi, bà chị duy nhất có chồng lính thời Tây, tiểu đoàn BVN di chuyển từ Bắc vào Nam năm 54, tôi thường ghé thăm, gia đình tôi ở lại Miền Bắc cả. Sau ngày mãn khóa Võ Bị, tôi trình diện đơn vị đi hành quân tuốt luốt gần cả năm sau mới về Sài Gòn ghé thăm chị. Nhìn tôi từ đầu đến chân, đầu tóc râu ria lởm chởm, bà phang cho một câu tôi còn nhớ mãi đến giờ:

-Cậu ngu như con chó! Sao không xin về làm ở Sài Gòn, lại cắm đầu đi thứ lính chết bờ chết bụi như vậy?

Tôi nghĩ bụng, ơ lạ nhỉ, nhà binh sao lại có màn đi xin xỏ, học 4 năm Võ Bị ra ngon lành, sao lại xin về Sài Gòn làm nghề cạo giấy nhỉ? Mà tôi đâu đã chết, chết làm sao được! Năm 2001 tôi về VN viếng mộ ông bà cụ thân sinh ngoài Bắc và thăm chị trong Nam. Bà nay đã ngoài 70, vừa mừng vừa tủi bà ôm tôi nói nhỏ: Số cậu may mắn quá nhỉ!

Được Thượng sĩ chỉ huy hậu cứ cho xuất trại 1 tiếng đi ăn trưa trước khi ra trình diện hành quân, tôi và Thạch thoát nhanh ra cổng trại, phóng lên xe đò lambretta ra chợ Thủ Đức. Đã lâu tôi mới trở lại ngôi chợ có món ăn chơi hấp dẫn nổi tiếng: Nem chua Thủ Đức. Hai đứa tôi ghé vào một quán ăn trong chợ, bên ngoài treo lủng lẳng những bó nem chua gói lá xanh cột giây trắng hấp dẫn, bên trong thấp thoáng có cô chủ trông bắt mắt. Thạch và tôi vừa kéo ghế ngồi, chưa kịp nghĩ tới món ăn, thì cô chủ quán đã đứng sát ngay bên cạnh mỉm cười đưa tình bằng giọng Nam nhỏ nhẹ:

-Hai thiếu úy muốn ăng gì ạ?

Lạ nhỉ! Thạch và tôi mặc quân phục chưa kịp đưa cho thợ may lon vào, sao "người ta" lại biết chúng tôi là thiếu úy cà? Chưa kịp trả lời, nàng hỏi tới:

-Hai thiếu úy Đà Lạt mới dề TQLC hả, tiểu đoàn mấy dậy?

Điệp viên tình báo chắc? Thì ra, buôn bán ở ngôi chợ gần hậu cứ mấy tiểu đoàn TQLC này, mấy nàng ở đây biết rành mấy quan trẻ tuổi nhà ta thường "lê lết" ra mấy quán có bóng giai nhân, ăn uống là chuyện phụ, vui đùa tán tỉnh mới là chủ đích của những chàng lính trận ra đi không hẹn ngày về. Cho nên, cái huy hiệu "Rồng vàng ôm Kiếm thiêng" nhỏ xíu cài trên mép túi áo chúng tôi, đâu có qua mặt được mấy nàng, nhất là nàng nào đang ôm mộng làm người yêu của lính "Lạc Đà".

Sau bữa ăn trưa vội vàng đó, hai chúng tôi về trại và được đưa ra trình diện đơn vị hành quân ngay. Tiểu Đoàn 1 chúng tôi đang đồn trú tạm trong Hải Quân Công Xưởng, nằm phía trong trại Cửu Long Thị Nghè. Tôi còn nhớ lúc trình diện, ông Tiểu Đoàn Trưởng Trần Văn Nhựt mang cấp Đại úy, sau này lên tướng tư lệnh SĐ2/BB, ông có vóc dáng vạm vỡ, khỏe mạnh, cười nói oang oang, bộ râu mép làm ông trông dữ dằn thêm. Tôi bước vào văn phòng ông, đứng nghiêm chào và lớn tiếng trình diện. Thạch cao lều khều đứng cạnh tôi trình diện tiếp theo, nhưng lại xưng danh theo kiểu ngày nào: Sinh Viên Sĩ Quan Trịnh An Thạch khóa 16, số quân 59A... trình diện Đại Úy! Ông Nhựt không nhịn được cười, ông cũng xuất thân Võ Bị, khóa 10. Tôi được chỉ định về ĐĐ4 của Trung úy Nguyễn Kim Thinh khóa 14, còn Thạch về ĐĐ2 của Đại Úy Nguyễn Kim Ph., cũng VB khóa 10. Tôi được Trung Úy Thinh giao chỉ huy trung đội 2, đang do một Thượng sĩ người Nùng chỉ huy, và kiêm luôn chức Đại Đội Phó. Lần đầu tiên trong đời binh nghiệp thực sự chỉ huy, quân số đại đội quá nửa là người Nùng và người Miên, thứ lính dữ dằn, tôi oai quá đi chứ!

Trong đơn vị, Thạch và tôi thân thiết như hai anh em ruột. Nhiều lần Thạch tỏ vẻ buồn tâm sự với tôi về cấp chỉ huy của anh quá khắt khe, thiếu nâng đỡ hướng dẫn đàn em ngay khi anh mới về đại đội. Thạch và tôi cùng tham gia Cách Mạng 1 tháng 11 năm 63, phần lớn cấp chỉ huy được ân thưởng huy chương hay thăng cấp đặc cách. Tôi được đặc cách thăng trung úy thực thụ, Thạch không được một ân thưởng nào, có thể vì ảnh hưởng những ấn tượng cố chấp của đàn anh đối với Thạch chăng. Một tháng sau, ngày 3 tháng 12 năm 1963 Thạch tử thương tại mặt trận Tây Ninh, tuổi đời ngắn ngủi mới được 24 năm 7 tháng 17 ngày! Lần này thì Thạch được quân đội đền ơn. Đúng vậy, Thạch được Truy Thăng Trung Úy, vì anh đã hiến dâng mạng sống và tuổi xanh của anh cho đất nước! Theo đơn vị đi hành quân cả nửa năm sau tôi mới về lại hậu cứ Thủ Đức. Ghé nhà chị em Thạch thăm và phân ưu, tôi cùng gia đình lên nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp thăm nơi an nghỉ của Thạch. Bà chị Thạch thương em đã xin quân đội đưa xác Thạch về chôn cất ở nghĩa trang này vì có thể xây mộ lập bia cho em theo ý muốn của gia đình. Cũng theo người nhà cho biết, rất nhiều sĩ quan và gia đình khóa 16 dự đám táng và đưa tiễn Thạch đến nơi an nghỉ cuối cùng.

7-1-1963, ngày trình diện đơn vị, khởi đầu những năm tháng dài chinh chiến gian khổ của tôi với Binh Chủng TQLC, sát cánh bên những chiến sĩ Cọp Biển oai hùng, chiến đấu dũng cảm để đem lại cuộc sống An bình cho đồng bào và cho nền Độc Lập của Miền Nam VN. Tôi đã mất đi những bạn thân cùng khóa trong Binh Chủng, sau Thạch là Nguyễn Đình Thủy năm 1967 ở Cần Thơ, Nguyễn Xuân Phúc, Đỗ Hữu Tùng cuối tháng 3 năm 75 tại Đà Nẵng, Nguyễn Đằng Tống tại trại tù Yên Bái Bắc Việt năm 1977 và Nguyễn Văn Kim, bạo bệnh tại Bắc California Hoa Kỳ tháng 5 năm 1992. Thạch ra đi thật cô đơn, chưa có người yêu, để lại bà mẹ già, người chị và cô em gái đang học trường trung học Gia Long. Đời sống con người sao quá ngắn ngủi, nay còn mai mất, mỗi lần ra đi là chẳng bao giờ trở lại, để lại bao nhớ nhung thương tiếc...

Trần Văn Hiển
Houston, Texas.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn