BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76242)
(Xem: 62975)
(Xem: 40380)
(Xem: 31976)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gỏi nhệch

25 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 1288)
Gỏi nhệch
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84
Thật ra quê gốc của tôi không phải vùng ven biển Nghĩa Hưng, Nam Định. Quê nội tôi, họ Đỗ sống nhiều đời ở Trực Ninh. Ông nội tôi trong cải cách ruông đất được đội(cải cách) phong là địa chủ cường hào đại gian đại ác. Theo báo Nam Định, tài sản của ông tôi bị tịch thu nhiều đứng thứ ba của tỉnh. Lệnh sửa sai, đã kịp thời cứu sống ông tôi từ nơi trường bắn. Chỉ tội cho ông Phi chủ tịch lâm thời huyện, người đã được ông tôi nuôi giấu khi còn hoạt động trong bóng tối, bị gán cho cái tội quốc dân đảng, ức quá tự mổ bụng, chết tức tưởi trước mặt đồng chí của mình hiện là những ông đội, ông phán.

 Quê ngoại tôi họ Đặng làng Hành Thiện, Xuân Trường. Dòng họ khoa bảng rất nhiều người thành đạt trong học vấn, và nhiều người làm quan to ở thời nào, chế độ nào cũng có. Như mẹ tôi chẳng được học hành nhiều, vậy mà khi về già vẫn còn đọc sách tiếng pháp toanh toách tôi nghe ù hết cả tai, chữ viết cứ tròn vành vạnh, tính toán, nữ công gia chánh đâu ra đấy. Không hiểu chế độ thực dân thối nát, nhồi nhét, đào tạo kiểu gì mà tài thế. Ngay bốn ông cậu em ruột mẹ tôi, ông chức vụ bé nhất cũng là vụ trưởng vụ kỹ thuật của một bộ.

Có lẽ tôi không được thừa hưởng tý ti nào gen bên ngoại, nên học hành vào dạng làng nhàng, độn sổ, năm học nào cũng nhận điểm vớt. Học hành đã dốt nát, lớn lên, đi làm chuyên chọc ngoáy cán bộ, nên luôn luôn được xếp vào dạng cá biệt, đã thế tôi còn khắc khẩu với các bác, các cậu bên ngoại. Có lần trong đám giỗ, có bác chức to đùng cùng đoàn tùy tùng, bảo vệ đến tham dự. Tôi dạng con cháu, ngồi mâm dưới. Đang chuyện gia đình, các bác chuyển sang học hành, và chuyện xã hội. Người đã khật khừ, tôi còn can tội nói leo, nói bậy làm phật ý các bác, bị ông cậu thứ hai bịt miệng, túm cổ lôi ra ngoài, bàn giao cho mấy ông cháu áp tải về nhà. Từ lần sau giỗ chạp, nếu tôi lò dò tới, chỉ được phép ngồi mâm các bà.

Ông ngoại tôi là sếp ở sở giây thép Hà Nội, chẳng biết là sếp to hay sếp bé nhưng về khoản cô đầu, cô đít thật sự ông tôi là sếp lớn, nổi tiếng đất Hà Thành. Ngày bà ngoại tôi còn sống hay cằn nhằn, ông ấy ăn chơi như vậy, thế mà Cả Khu ( TBT Trường Chinh) móc nối, rủ đi làm “giặc cỏ“ đấy. Yêu cô đầu, con hát còn hơn cả vợ con, làm sao ông ấy bỏ đi được. ( Vai vế trong họ, bà ngoại tôi là chị cụ Bốn Đễ thân sinh ra ông Trường Chinh- ngày đó trong họ, và chính quyền Pháp thuộc đều gọi ông Cả Khu là giặc cỏ, vì có ai biết cách mạng cách mẽo gì đâu, chỉ biết ông đang bị chính quyền truy bắt vậy thôi, nói như từ ngữ của ta bây giờ, tội phạm hình sự - Đây là lời kể của bà tôi và cô Đặng Thị Uẩn em kế ông Trường Chinh).

Tôi không nghĩ ông bà ngoại tôi ham giầu, mà cho mẹ tôi từ Hà Nội về làm dâu làng Cát Chử, Trực Ninh. Con nhà giầu ngày xưa làm việc còn cực hơn người ở. Mẹ tôi chửa xắp đến ngày sinh anh cả tôi, trời rét căm căm vẫn phải lội xuống ao vớt bèo, băm cám lợn.

Ông nội tôi mua rất nhiều ruông, đất vùng hạ Nghĩa Hưng. Nơi đây đất mới, ruông đồng mầu mỡ, lại được kẹp giữa hai con sông Ninh Cơ, và sông Đáy nên tôm cá rất nhiều. Từ đây ra biển chỉ một vài cây số, vì vậy hầu như nhà nào cũng có Te để đánh bắt tôm cá ven biển.(Te hình chữ V, mở ra khép vào như chiếc com pa, khung được làm từ hai cây tre khô, thẳng , người ta dùng dây đay đan thành lưới như một cái vợt, dụng cụ nặng nề này chỉ có đàn ông khỏe mạnh sử dụng được, dùng hớt cá ven bờ ).

Ông tôi cho bác cả, và ông chú dưới bố tôi về đây trông coi. Nghe tin đội cải cách rục rịch về, ông tôi bắt bố mẹ tôi trốn về Nghĩa Hưng. Vừa tới nơi,chú tôi giật mình bảo, anh chị đưa các cháu về Hà Nội ngay, ở đây có lẽ còn căng hơn ở trên quê đấy. Đêm đó bố mẹ tôi tìm đường ngược về Hà Nội nương nhờ bên ngoại.

Sửa sai được mấy tháng, bà nội tôi tay bị, tay gậy lên Hà nội kêu với trung ương xin lại cái từ đường họ Đỗ vừa để thờ và ở, vì ruộng đất nhà cửa bị tịch thu cả, hiện hai ông bà già đang phải tá túc ở cái chòi ngoài đồng, trước đây là nơi canh lúa. Bà ngoại tôi dẫn bà nội đi tìm cụ Bốn Đễ lúc này đang lang thang ngoài phố, viết câu đối bán. Chẳng hiểu cụ Bốn Đễ nói gì với ông Trường Chinh, hay văn phòng quốc hội, thời gian sau ông bà tôi được chính quyền trả lại cho cái từ đường.

Có lẽ do hoàn cảnh gia đình và Mỹ ném bom Hà Nội, nên mẹ gửi tôi cho ông chú ở vùng biển Nghĩa Hưng. Nhờ vậy tôi có năm tháng tuổi thơ đi qua miền đồng quê sông nước, với những mùa rạm trôi tháng tám, và những cánh đồng vỡ ải, thơm lừng khói bếp quyện mùi rươi rán đầu mùa. Khi mùa nếp đã chín vàng, là từng đàn két tụ về vạt sú ven đê. Mùa này chõ xôi của các bà các cô quê tôi không thể thiếu thịt két hấp béo ngậy, trong se se lạnh chớm đông. Trong cái se lạnh ấy, lũ trẻ chúng tôi sau những nhận thư hùng bằng những ván bi, ván đáo, thường tụ tập nhau trên những gò giữa đồng đang gặt, tìm bắt những con muôm muỗm béo tròn, đốt lửa lên, chúng tôi nướng. Hương của rơm mới bay đi với mùi thơm chín vàng rộm, bóng mượt của muôm muỗm, cho vào miệng, cảm giác bùi, béo ngọt, man mát như chiếc đòng đòng non khi lúa đương thì con gái, cho đến hôm nay đầu đã hai thứ tóc, nhưng khi nghĩ đến nó, tâm hồn tôi lại như được trở về với tuổi thơ.

Nhà chú tôi nằm chơ vơ giữa cánh đồng, nơi này trước đây là gò đất, bác cả cho dựng nhà tạm làm nơi nghỉ trưa của thợ cấy, thợ gặt. Cải cách, bác cả chạy thoát ra Quảng Yên, còn lại chú tôi nhà cửa, của cải, ruộng vườn bị tịch thu cả. Bị giam mấy tháng, đội đinh trục xuất về trên quê, nhưng chú tôi đã lấy vợ người địa phương, nên tạm thời cho ra ở ngoài này. Sau nhà con mương dẫn nước tưới cho cánh đồng lúa. Khi trời mưa rào, hoặc cống chính ngoài sông Đáy mở, nước lên, cá dưới mương quẫy đẻ nghe ùm ụp sau nhà. Những đêm như thế này, bao giờ đăng, đó của chú cũng đầy tôm, cá.

Chú từ bé đã sống ở thành phố Nam Định vì ông tôi cũng có nhà ở đó. Nhưng chẳng lo học hành, chỉ mải đàn ca, sáo nhị, năm hai mươi tuổi, ông tôi bắt chú về Nghĩa Hưng cho bác cả kèm cặp, và trông nom ruộng vườn. Nhưng chú cũng chẳng bỏ được cái thú chơi bời đó, có khi bỏ nhà đi rong chơi cả tháng, kể cả lúc đã có vợ có con. Ấy vậy mà chú tôi đã thay đổi hẳn tính nết, sau mấy tháng bị đấu tố, giam chung với lợn trong cải cách ruộng đất. Bây giờ nghe tiếng cá quẫy chú đã biết đó là loại cá gì, to hay bé. Chú đã là người sát cá nổi tiếng trong vùng.

 Hì họ, giật hầy, dừng ọ…ọ .. con trâu, và chiếc cầy trên tay chú dừng hẳn lại. Quẹt tay lau mồ hôi trên trán, chú bảo tôi, gẫy mấy cái lưỡi cầy 51, mới được như thế này đấy. Chú tôi đã lột xác thành lão nông thật sự, và đang cầy cầy, bừa bừa chính trên mảnh đất của mình. Trước và sau chú đều là chủ, nhưng bản chất quả thật hoàn toàn khác nhau.



Chú tự từ bỏ tất cả mọi thú vui, hay mọi thứ vui đã bỏ chú ra đi, nhưng cái mà chú không thể từ bỏ đó là rượu với gỏi nhệch hay gỏi cá mè, một thứ ăn quê dân dã, dễ tìm, dễ kiếm. Khi đã ngà ngà say chú thường hay ngồi bờ mương sau nhà thổi sáo, hoặc đánh đàn Mandolin hát đến thâu đêm. Tôi còn nhỏ quá nên không hiểu hết những tâm sự, u hoài của chú, nhưng tiếng sáo vọng trong đêm, giữa cánh đồng mênh mông, dưới ánh trăng mờ đục cuối tháng, gió nâng tiếng sáo lên, như tiếng hú gọi hồn làm tôi cứ chờn chờn, rợn rợn. Đàn Mandolin thường đệm, hòa âm cho những bài hát có giai điệu vui rộn ràng, nhưng không hiểu sao khi nghe chú đàn hát, tôi thấy chẳng khi nào vui. Buồn đến nỗi có lần chú đàn hát bài “Tình Đồng Chí“ ông chủ tịch xã đi qua tưởng chú hát nhạc vàng, nhạc phản động. Cấm. Chú bảo đó là của ông Chính Hữu, làm tướng tá trong quân đội đấy, ông lên Hà Nội mà bắt.

Khi ông mặt trời đỏ rực lên rồi tắt ngấm ở phia tây, đâu đó chỉ còn một vài vệt sáng hắt lên từ cuối chân trời, chú tôi vác Te, đi kheo ra hướng biển. Chú đi cà kheo lênh khênh như các diễn viên hề ở đoàn xiếc, nước biển càng sâu, cà kheo thấp dần xuống, khi nước biển đã tới ngang hông người, chiếc sào được cắm xuống, đèn bão được treo lên, một đêm đánh cá bắt đầu. Đứng trên đê nhìn trong đêm ánh đèn như những con đom đóm lập lòe trên mặt biển mênh mông.

Sáng, khi mặt trời tròn như một chiếc thúng bơi lên khỏi những con sóng nhấp nhô, hàng ngàn tia nắng sớm lung linh, muôn mầu như đang rụng xuống biển xanh. Những con còng còng hoa nhớn nhác đi tìm những ụ cát mới để ẩn náu, cũng là lúc những người đánh cá kết thúc một đêm ngâm mình vật lộn với sóng gió. Tôi và thằng Năm (con thứ năm của chú) chạy ra hướng biển. Chú đã buộc Te gọn gẽ, rọ cá đã được mang lên mặt đê như chờ chúng tôi. Nửa dưới người ướt sũng, da bấy nhợt, chú cười hỏi:

- Hai thằng mày ngủ quên hay sao?

Thằng Năm nhìn rọ cá reo lên:

- Hôm nay bố bắt được cả nhệch!.

Chú vác Te đi trước, tôi và Năm dùng sào làm đòn khiêng rọ cá lẽo đẽo theo sau. Tới nhà thím tôi chọn những con nhệch cỡ trung bình cho vào chum sành đậy lại, chiều làm gỏi. Còn lại thím mang ra chợ bán. Không hiểu sao chú tôi chỉ thích ăn cá đồng hay cá bắt dưới ao, chứ ít khi tôi thấy chú ăn cá nước mặn, ngoài nhệch ra. Khi bán cá có tiền chú hay dẫn tôi và thằng Năm ra hiệu sách cách nhà cả chục cây số, mua truyện. Truyện chú mua, tôi thích nhất cuốn truyện dịch của nước ngoài “ Chú Bé Đánh Trống“.

Hôm nào đẹp trời; nước rút (xuống thấp), bãi biển bồi nơi cửa sông tật ( lộ) ra, chú cho tôi và thằng Năm đi theo đào nhệch. Chú mang theo kẹp móc sắt trông như bát xà mâu của ông Trương Phi trong Tam Quốc để làm vũ khí chiến đấu. Nhìn những mà (lỗ) trơn, nhẵn chú đào, còn tôi và thằng Năm chạy loanh quanh nhặt những vỏ ốc được sóng đánh dạt vào bờ, tìm bắt những con còng mầu sắc sặc sỡ đùa nghịch. Lần đầu theo chú, đào được con nhệch to bằng cổ tay, dài ngoằng, chú đã kẹp vào đầu nó, thân và đuôi nó uốn ngược lên, tôi định đè nó xuống, chú hất tay tôi ra bảo, nó cuốn bẻ gẫy tay đó, xương nó cứng lắm. 

Xung quanh nhà chú tôi trồng đủ cây có liên quan đến gỏi, từ cây xung, khế, chuối xanh đến đinh lăng, xương sông diếp cá, gừng nghệ, tía tô, mơ, húng, mùi tầu .. .. Và hũ mẻ gác bếp chú cũng chăm sóc kỹ lưỡng. Bình thường ít khi chú vào bếp, nhưng món gỏi nhệch tuyệt đối chú không cho thím, hoặc bất kỳ ai động đến. Chú bảo món này không cầu kỳ nhưng nhệch nhiều nhớt, nên phải dùng lá lúa để tuốt và nước tro để rửa. Lọc thịt phải mỏng, khéo và nhanh tay dùng giấy bản thấm khô, rồi tẩm thính gạo tám thơm, bột đậu xanh, riềng, nước nghệ, bột ngọt, muối tiêu ngay khi thịt còn mầu hồng. Chú dùng mẻ, đường, gừng một chút bột ngọt, ớt… nấu thành một thứ nước sền sệt đó dấm bỗng, sau đó pha thêm hai bát nước chấm, một bát với nước mắm, một bát với mắm tôm, bát nào cũng sóng sánh cùng tiêu gừng, ớt, sả…

 Khi thím mang bánh đa vừng ra quạt, chú cho những khúc nhệch còn lại vào nồi canh củ chuối hột thái nhỏ như miến lên bếp, lúc này thằng Năm làm nhiệm vụ đi mời mấy ông bạn trong tổ cầy của chú. Tôi vừa rửa xong rổ rau thơm, đã nghe tiếng í ới ngoài ngõ, vào đến nhà ông nào cũng rút từ trong bụng ra chai rượu quốc lủi nút lá chuối khô, nhìn nhau cười ngất ngưởng.

Lúc đầu tôi sợ, chú tôi lấy những lá rau thơm đặt lên đó một chút da nhệch rán giòn, cho thịt vào rưới thêm một chút dấm bỗng cuộn tròn lại đưa cho tôi, bảo ăn thử. Tôi nhắm mắt lại, cho vào miệng, từ từ cắn, cảm giác thấy bùi bùi, ngọt của thịt, giòn giòn của da, tê tê nơi đầu lưỡi vị chua ngọt, cay cay của dấm như đang chảy vào trong cuống họng. Hương thơm của lá nhẹ nhàng đẩy cao lên cơ quan khứu giác, người thấy nhè nhẹ, như người ốm khỏe lại sau một nồi nước xông vậy. Tôi từ từ mở mắt, thằng Năm hỏi ngon không. Tôi gật đầu. Chú tôi cười khà khà bảo, ngon thì chiến đấu tiếp, xuống mâm dưới thằng Năm dậy cuốn, cái món này tự tay cuốn ăn mới ngon.

Sau này tôi được đi nhiều nơi, được ăn nhiều loại gỏi, trong đó có gỏi nhệch, tuy rằng mỗi vùng, mỗi người có cách chế biến khác nhau một chút, nhưng có lẽ trong đời ai đã một lần ăn gỏi nhệch, thì không bao giờ quên được cái dân dã, “ thi vị“ tuyệt vời đó. Và mỗi lần ngồi vào bàn ăn, tôi thấy dường như có chú còn đang ngồi đó, cuốn cho tôi chiếc gỏi nhệch đầu tiên.

Ngày nông nhàn, hoặc ngày giỗ, chú bảo tôi và thằng Năm lội xuống ao cầm xào đập để cá chạy, chú dùng vó bắt. Cá mè, chú lấy khúc giữa lọc để làm gỏi, cách làm, gia vị chế biến không khác gì gỏi nhệch. Tất nhiên món này nhiều người cho rằng không ngon bằng gỏi nhệch, nhưng nó được ăn chung với đầu cá mè nấu với hoa chuối, mẻ rất ngon, rất đặc biệt.

Năm sau thím tôi bị bệnh thấp khớp không lội ruộng được nữa, nên chú phải làm việc ngoài đồng nhiều hơn để tính công điểm với hợp tác xã. Mấy năm đó lúa bị sâu bọ nhiều, nên phải phun thuốc sâu, công việc nguy hiểm nặng nhọc này chẳng ai chịu làm, nên chú đảm nhận cả. Vài vụ như vậy, người chú gầy rộc, và ngã bệnh. Khám bệnh viện huyện, tỉnh người ta bảo chú bị nhiễm thuốc sâu, đã cháy các túi đựng oxy của phổi, chứ không phải bị lao phổi, nên không chữa được. Nghe giải thích nôm na như vậy, lúc đó y học chưa phát triển lại chiến tranh nữa, nên tôi cũng chẳng hiểu ra sao cả. Chỉ thấy chú nằm đó ngày một tiều tụy, thở vô cùng khó nhọc. Hiệp định Paris đã được ký kết, chiến tranh có lẽ xắp kết thúc, nhưng người con cả, con thứ của chú ở ngoài chiến trường năm, sáu năm không có tin tức, càng làm cho chú chán nản. Mẹ tôi về, định đưa chú lên Hà Nội khám, chữa, chú dứt khoát không đi. Hàng ngày vẫn có người của trạm xá xã đến tiêm thuốc kháng sinh cho chú. Mấy năm như vậy tấm lưng gầy gò của chú nổi trai từng cục, không còn chỗ để người ta chọc mũi kim vào để bơm thuốc.

 Sau này tôi có hỏi mấy người bạn là bác sỹ chuyên gia về bệnh phổi, bảo có thể chú bị ung thư phổi. Có lẽ mấy ông bạn tôi nói đúng vì người con cả của chú, sau khi bị lính VNCH bắt làm tù binh mấy năm, sau năm 1975 lại bị bộ đội bắt tù, ra tù một thời gian bị bệnh ung thư, hình hài của hắn giống hệt chú nằm trên giường trước khi về với thế giới bên kia. Trong truyện ngắn “ Cũng Một Kiếp Người“ tôi đã viết về hắn “ Bây giờ hắn nằm đó như một xác mướp khô. Hai chân hắn co quắp, khẳng khưu, đầu gối vồng lên như những mắt tre bị ai đó chém chặt nham nhở. Da của hắn trùng xuống nhăn nheo đeo thêm những cục sẹo trong chiến tranh và bị đánh trong tù, to tướng nặng nề, lệch hẳn sang một bên, đung đưa, đung đưa mỗi khi co chân lên như những hòn đọi của mấy ông thợ xây. Đầu hắn trọc lốc, hai mắt đờ dại sâu hoắm, vô hồn. Miệng hắn chẳng còn cái răng nảo, rúm lại, méo mó. Tiếng thở của hắn phì phà, phì phò, nhiều lúc rít lên như tiếng nhị. Môi hắn tím ngắt, phập phà, phập phùng, nhìn vào như da trống rách của mấy lão thợ cúng gần nhà…..“

Mẹ tôi định đưa tôi về Hà Nội, nhưng chú thím bảo cứ để tôi học hết năm rồi hãy tính. Tôi cũng không muốn xa chú, và thằng Năm trong hoàn cảnh này. Thím tôi đã khỏi bệnh và thay chú đi làm đồng. Mẹ tôi vẫn gửi tiền về, hàng tháng chú thím được lĩnh tiền đi B của hai người con đầu. Tôi và thằng Năm vẫn đi be bờ, đơm đó bắt cá, tôm nên chúng tôi không bị đói và thiếu thốn. Khác chăng chúng tôi không đi đào nhệch, và không còn tiếng sáo trúc réo rắt trong đêm nữa.

Sáng hôm đó chú tỉnh lắm, trước khi tôi và thằng Năm đi học chú còn ngồi trên võng, bảo tôi và thằng Năm đu võng và quạt cho chú một lúc, hình như chú định nói gì với chúng tôi rồi lại thôi. Đến giờ tôi và thằng Năm đi học bình thường. Lúc sau có người đến báo chú tôi sắp mất về ngay. Chúng tôi chạy vội về nhà đã thấy mọi người quây quần bên chú, hỏi chú muốn ăn gì nữa không, chú lắc đầu và bảo chú thèm một hớp bia thôi. Mọi người bảo may ra chỉ phố huyện Liễu Đề mới có, nhưng xa đến gần hai mươi km. Mọi người chưa biết làm thế nào, tôi kéo thằng Năm ra sân bảo, mày ở nhà xem chú thế nào nhé, tao đạp xe lên huyện tìm mua bia, may ra thì kịp. Ngày đó phương tiện đi lại vô cùng khó khăn, cả xóm chỉ tôi có xe đạp của cậu út đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan về cho.

Nói là phố huyện nhưng chỉ có mấy nóc nhà, lèo tèo vài ba hàng nước, và sửa chữa xe đạp. Góc đường có cửa hàng bách hóa huyện, nhưng hàng hóa trống trơn. Khi đi luống cuống, tôi quên mang theo tiền. Tôi đánh liều vào mấy quán nước hỏi, nhưng không hàng nào có. Sang cửa hàng bách hóa chị bán hàng bảo chỉ có xy rô thôi chứ không có bia. Tôi đứng tần ngần, nước mắt như muốn trào ra. Thấy lạ bác sửa xe đạp hỏi, cháu còn nhỏ mua bia làm gì thế này. Nghe tôi kể, bác sửa xe có vẻ thông cảm bảo, ngồi vào đây, bác chạy vào hỏi chị này hay lên Nam Định và Hà Nội cất hàng, may ra có. Lúc sau bác mang về một chai bia Trúc Bạch nhỏ. Tôi thú thật với bác quên mang tiền, xin bác trả tiền giúp, tôi có thể tháo một số phụ tùng xe lại để bác làm tin. Do dự một chút rồi bác bảo, thôi đạp nhanh về, xong việc lên trả cũng được, tôi tin ở cậu.

Về đến đầu xóm, mấy thằng bạn học gọi giật tôi lại bảo chú mày đã mất rồi. Chai bia như tuột khỏi tay, ngồi bệt xuống vệ cỏ, nước mắt tôi trào ra. Vậy là chú đã không đợi tôi về. Mấy ông bạn cầy của chú mở chai bia để bên cạnh bát cơm quả trứng.

Chú mất đi để lại một khoáng trống thật mênh mông, những con chim chích chòe, chim sáo dường như chúng cũng nhớ tiếng đàn, tiếng sáo của chú, mấy ngày đầu chúng xà xuống đậu quanh sân, trên nóc nhà, sục sạo, kiếm tìm, rồi bay đi, cứ cách vài ngày tôi lại thấy chúng quay trở lại….

Về nước lần nào tôi cũng về thăm quê thăm mộ của chú. Thằng Năm vẫn ở quê, ngôi nhà cũ của chú nó đã đập đi xây lại, con mương sau nhà nó cạn khô nước, là nơi chứa rác. Những cây họ nhà gỏi nó nhổ sạch, chỉ tay vào những chậu cây cảnh nó bảo toàn tiền triệu trở lên đấy. Mùa hè nhà nó bây giờ cũng phải dùng quạt máy rồi. Nghe kể nó làm đủ nghề, từ buôn gỗ đến mổ lợn bán. Dáng đi của nó như cua bò, bụng chứa toàn bia to như đàn bà chửa. Tôi hỏi còn đi đào nhệch về làm gỏi nữa không, nó bảo thời gian đâu mà đi hở bác, muốn ăn vào mấy quán trong làng, thích đi xa sang Kim Sơn Phát Diệm, hoặc vào Nga Sơn Thanh Hóa, phục vụ tới bến. Nói xong nó kéo tay tôi bảo hôm nay bác thích ăn gỏi nhệch trong làng hay đi xa em chiều bác. Tôi viện cớ bụng không được khỏe, từ chối.

Buổi tối thấy nó cứ mở bia bôm bốp, tu ừng ực, làm tôi nhớ lại chuyện chú tôi thèm một ngụm bia trước khi mất, ngoài trời không có gió mà sao tôi cứ nghe thấy tiếng hát karaoke của quán nào đó đập thình thình bên tai.

Đức Quốc 22-7-2011

 ĐỖ TRƯỜNG
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn