Bà Dương Thị Tân, vợ ông, đã nhiều lần khiếu nại đều không được trả lời. Bà cũng chưa hề được thăm viếng, gặp chồng ở nhà tù Long Khánh, nơi đang giam giữ ông như luật pháp cho phép.
Mới đây, bà Tân được một nữ sĩ quan công an đề cập ông Hải bị ‘mất tay’ trong nhà tù khi bà đến nhà giam Long Khánh ngày 5/7/2011 vừa qua. Bà làm đơn gửi Bộ Công An CSVN đòi trả lời lý do không cho thăm gặp, tình trạng pháp lý cũng như sức khỏe của ông Hải. Trong đơn thư, bà đề cập trường hợp ‘mất tay’ của chồng.
Dưới đây là nội dung báo Người Việt phỏng vấn bà Dương Thị Tân ngày 21/7/2011.
***
Người Việt (NV): Chúng tôi thấy phổ biến trên internet bức thư chị khiếu nại về trường hợp của chồng chị, ông Nguyễn Văn Hải bút danh Điếu Cày bị tiếp tục giam giữ dù đã hết hạn tù đã 9 tháng. Đặc biệt, trong thư, chị khiếu nại việc ông Hải bị “mất tay”. Xin chị xác nhận có phải thư khiếu nại đó do chị gửi đến Bộ Công An không?
Bà Dương Thị Tân (DTT): Dạ đúng rồi đó anh ạ.
NV: Từ khi anh Hải bị tù đến giờ, chị đã bao giờ được gặp mặt anh ấy chưa?
DTT: Dạ chưa anh ạ. Tôi chưa bao giờ được gặp mặt hay nhận được tin tức về tình trạng pháp lý cũng như tình trạng sức khỏe của ông ấy.
NV: Mỗi khi chị tới nhà tù xin gặp thì người ta nói với chị thế nào?
DTT: Họ chưa bao giờ trả lời vào câu hỏi của tôi cả. Một số người được đưa ra để nói chuyện với tôi thì luôn luôn nói họ ghi nhận yêu cầu của tôi và đề đạt lên cấp trên, còn họ không có trách nhiệm giải thích, không có thẩm quyền giải thích.
NV: Vậy chị có được tiếp tế tiền bạc hay đồ ăn gì cho anh không?
DTT: Mới có khoảng 5 lần trở lại đây, tôi được gửi một ít đồ ăn, nhưng mà cũng không nói lên vấn đề gì anh ạ. Không có một bằng chứng xác thực nào để thấy số đồ ăn đó có đến tay ông ấy hay không.
NV: Những lần thăm viếng, chị có yêu cầu xin được gặp mặt không?
DTT: Dạ có. Họ có hướng dẫn cho tôi làm đơn, rồi những mẫu đơn họ có sẵn mình chỉ điền vào thôi, gửi đi rồi họ cũng không nói gì tới những việc đó cả. Họ chỉ nói là trong giai đoạn điều tra thì không có cho gặp. Trong khi đó, tôi thấy những người khác bị bắt vào thời điểm đó thì người nào cũng có thân nhân, gia đình được gặp trừ trường hợp của tôi.
NV: Theo chị họ làm vậy có đúng luật không?
DTT: Hoàn toàn sai luật pháp.
NV: Chị có nhờ luật sư tư vấn chị trong những việc này không?
DTT: Tôi có tham vấn một số luật sư, hỏi rõ ràng thì những điều họ làm với gia đình tôi và ông Nguyễn Văn Hải là hoàn toàn sai qui định của luật pháp.
NV: Về chuyện anh Hải bị mất tay, chị có thể kể lại chi tiết cho nghe chị biết trong trường hợp nào?
DTT: Khi tôi đến Cơ quan An ninh Điều tra ngày mùng 5 Tháng Bảy, cũng giống như những lần khác, tôi gặp người tiếp dân ngồi ở cái bàn ngày hôm đó. Thường thường mỗi lần đi là tôi đều gặp người đó, đưa nguyện vọng, yêu cầu của gia đình tôi. Hôm đó là do cô trung tá Đặng Hồng Điệp khi mà tôi nói nếu làm bất cứ điều gì đều phải căn cứ theo luật pháp, cách đối xử với gia đình tôi là chúng tôi không biết một thứ tin tức gì, cũng không có một thông báo gì về tội danh hay là gia hạn tạm giam lần một, lần hai, hoàn toàn là họ không thông báo.
Tôi yêu cầu như thế thì cô ấy có nói với tôi là “chị nói thế nào chứ nếu chúng tôi không thông báo thì làm sao chị biết anh Hải mất tay”.
Tôi có nói rằng tôi không nhận được bất kỳ một thông báo nào. Cô ấy hỏi lại là “Nếu không nhận được thông báo thì ai thông báo cho chị cái tin đó”. Tôi nghĩ cô ấy nghĩ rằng tôi đã biết việc đó rồi nên tôi đến để yêu cầu cho biết về tình trạng sức khỏe của ông ấy.
NV: Làm sao chị biết anh Hải mất tay?
DTT: Thì thấy chính cái ngày hôm đó, tôi thấy ngày hôm đó căn cứ vào lời nói của cô ấy nói. Rõ ràng là phải có vấn đề gì với ông Nguyễn Văn Hải. Cô ấy nghĩ là tôi đã biết nên cô ấy nói ra như vậy. Ngày hôm đó, chính từ miệng cô đó.
Đơn khiếu nại của bà Dương Thị Tân có đoạn đề cập đến việc Điều Cày bị 'mất tay'. ((Hình từ blog ‘cohuynh.multiply.com’)
NV: Cô ấy có cho biết là anh Hải mấy tay phải, tay trái hay là mất cả cánh tay hay bị mất tay trong trường hợp nào không?
DTT: Khi cô ấy nói như thế, tôi có hỏi thêm vài câu thì cô ấy không nói gì thêm. Cô ấy chỉ nói sẽ đề đạt yêu cầu của gia đình tôi.
NV: Đề đạt yêu cầu gì ạ?
DTT: Đề đạt yêu cầu thông báo trường hợp của ông Hải, sống hay chết, tình trạng sức khỏe cũng như tình trạng pháp lý khi giam giữ người không đúng theo luật pháp thì phải thông báo tình hình cho chúng tôi biết.
NV: Chị có hỏi cô ấy khi nào thì việc điều tra anh Hải chấm dứt? Bao giờ thì sẽ xử án?
DTT: Không bao giờ họ trả lời, anh ạ. Họ chỉ nói họ chỉ là những người ghi nhận và việc giải thích là việc của cấp trên của họ chứ không phải bản thân họ có thể giải quyết vấn đề đó. Luôn luôn là như vậy. Tính sơ sơ, cứ nửa tháng một lần tôi nói chuyện với họ.
NV: Chị lên tận nơi hay gọi điện thoại?
DTT: Tôi lên tận nơi. Tôi đối diện nói chuyện chứ gọi điện thoại chắc gì người ta bắt điện thoại. Tôi lên tận nơi mà thậm chí họ còn né tránh người này đi họp, người kia đi công tác mà tôi ngồi như thế đến trưa thì tôi về.
NV: Bây giờ thì coi như chị bó tay?
DTT: Tôi chỉ hết sức mình làm như vậy, còn việc người ta coi thường luật pháp thì, ở bên này, anh biết rồi, luật pháp chỉ là để cho người dân thường thôi. Họ bảo luật pháp ở trong tay họ.
NV: Chính mồm họ nói?
DTT: Dạ vâng. Họ bảo chính họ có thể kiếm chuyện để bắt tôi được mà. Họ từng chỉ vào mặt tôi nói như vậy. Tôi nghĩ có cái gì mà họ không làm được. Luật pháp với họ cũng chẳng là cái gì cả. Anh thấy nhiều rồi, kể cả cảnh sát sắc phục đánh người, giết người là chuyện bình thường. Bản thân tôi cũng bị họ chận đường đánh mấy lần rồi. Khi mà nghe nói thì các anh cũng khó hình dung ra lắm. Phải ở đây và tận mắt chứng kiến thì mới thấy không thể tưởng tượng nổi. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam.
NV: Xin cám ơn chị về cuộc phỏng vấn này!
Nam Phương/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn