BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76242)
(Xem: 62975)
(Xem: 40380)
(Xem: 31976)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lần theo bước chân tài hoa Đinh Hùng

20 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 1208)
Lần theo bước chân tài hoa Đinh Hùng
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Thi sĩ Đinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7, 1920 tại làng Trung Phụng, ngoại ô thành Hà Nội. Ngôi làng này nằm ngay sau lưng khu phố Khâm Thiên.

Những ai đã từng ở Hà Nội, đều biết Khâm Thiên là khu ăn chơi nổi tiếng nhất. Đây là nơi tập trung các nàng ca kỹ tài sắc bốn phương.

Gia đình ông thuộc giai cấp trưởng giả. Thân phụ ông sinh được sáu người con, hai trai bốn gái. Ông là con út. Theo tập tục, cũng như theo tâm lý, người ta thấy hầu hết những đứa con út trong gia đình thường được nuông chìu (quan niệm giàu con út, khó con út) và sớm phát triển các tình cảm, kinh nghiệm trên nhiều mặt hơn các anh chị.



Đinh Hùng cũng rơi vào định lệ đó. Hơn nữa, ông còn được thừa hưởng dòng máu hào hoa, nghệ sĩ của thân phụ. Thuở đó, thân phụ ông là một trong những khuôn mặt thân quen, một khách chơi thường trực của khu phố Khâm Thiên. Không chỉ thế, thân phụ ông còn đem cả cô đầu về nhà, tổ thức thù tạc với bạn hữu thâu đêm, suốt sáng. Do đó tuổi thơ của ông được nuôi dưỡng trong bầu không khí ẩm ướt tiếng ca, câu hò, tiếng sênh, tiếng phách. Trí óc non nớt của ông đã sớm in hằn thanh sắc của những nàng Kiều xóm Khâm Thiên, cùng cốt cách phong lưu tài tử của những tay ăn chơi lịch lãm. Cái cảnh trí mộng ảo quyến rũ mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương (cũng là anh rể của ông sau này,) đã ghi lại trong bài “Nghe Hát”:

“Phách ngọt, đàn say nệm khói êm

tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm

canh khuya đưa khách lời reo ngọc

mơ gác tầm dương thoảng áo xiêm

dù lạ nghìn thu xa tám cõi

sen vàng như động phía chân tiên

nao nao khói biếc hài thương nữ

trở gối hoa lê rụng trắng thềm.”

Sống trong khung cảnh đó, bản chất nghệ sĩ, nòi tình nơi Đinh Hùng như cá gặp nước, đã phát triển rất sớm.

Năm lên 6, 7 ông đã chứng tỏ có năng khiếu về hội họa. Một người anh rể của ông là Đ/U, nhiếp ảnh gia Vũ An Đạm cho biết, ngay từ tấm bé, Đinh Hùng đã vẽ rất đẹp.

Năm 13, 14 tuổi ông đã nghiện thuốc lào (một thứ kích thích cảm giác gấp trăm ngàn lần thuốc lá. Cái say của thuốc lào cũng ngất ngây, mê mẩn gần như thuốc phiện). Cũng tuổi này, ông mê một cô đào hát trẻ mới vào nghề, thường được thân phụ ông mời về nhà. Ta có thể coi đó là một hành vi hết sức táo bạo, liều lĩnh giữa một khung cảnh xã hội còn chịu ảnh hưởng sâu đậm đạo lý Khổng Mạnh. Giữa xã hội mà, người ta thường trực sống trong sự đề phòng miệng tiếng búa rìu. Mọi người hầu như không sống cho mình, mà sống cho cái khuôn mẫu ước lệ của xã hội ấy.

Ngay khi bước chân vào trường Bưởi, ông đã cùng một vài người nữa, làm những tờ bích báo. Hoạt động văn nghệ đó, gây tiếng vang lớn trong trường, khiến Đinh Hùng phải bỏ học sau này.

Năm đệ tứ, Đinh Hùng bắt đầu làm thơ. Nhưng ông giấu diếm không dám cho ai biết. Khi ấy, ông đã cảm thấy, thơ là một địa hạt của chữ nghĩa, kiến thức và kinh nghiệm. Bây giờ ông vẫn còn giữ nguyên quan niệm đó, và phủ nhận tất cả những trường hợp người ta gọi là thần đồng thi ca. Như cách đây khá lâu, ở Pháp, một thời dư luận xôn xao, bàn tán khi báo chí loan tin thần đồng thơ, cô bé Drouet 11 tuổi với những bài thơ nhỏ thật sâu sắc, trong sáng. (1)

Tới năm dọn thi tú tài phần nhất, ông mới bắt đầu để mọi người biết tư cách thi sĩ của mình. Sau khi đỗ tú tài phần nhất, một lần nữa, ông bị ban giám đốc nhà trường cảnh cáo, nếu muốn tiếp tục việc học thì hãy thôi làm văn nghệ. Ngoài ra, ông còn bị nhiếc móc về mái tóc bù rối nghệ sĩ nữa. Chạm tự ái, ông làm đơn xin thôi học.

Nhờ gia đình khá giả, ông tiếp tục sự học bằng cách tới thư viện. Nhưng cũng từ đó trở về sau, không bao giờ ông thi thêm một khóa nào khác.

Sau khi rời bỏ học đường, Đinh Hùng chính thức hoạt động văn nghệ, và bắt liên lạc với những văn nghệ sĩ đương thời. Tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trong giai phẩm “Mùa Gặt Mới” của ông Lê Văn Văn, giám đốc nhà xuất bản Tân Việt, ấn hành năm 1940. Tùy bút ấy sau được chọn đăng trong cuốn “Việt Nam Văn Học Bình Giảng” của Phạm Văn Diêu.

Song song với “Mùa Gặt Mới,” phê bình gia Vũ Ngọc Phan xuất bản tuần báo Hà Nội Tân Văn. Qua trung gian Nguyễn Đức Chính, bạn học của Đinh Hùng, ông đưa nguyên một tập thơ cho Vũ Ngọc Phan coi trước. (2) Ông Phan đồng ý nhận đăng dần dần những bài thơ có trong tập này.

Vài số sau, Vũ Ngọc Phan giao hẳn trang thơ cho Đinh Hùng phụ trách. Ông kể, thủa đó người làm thơ không bao nhiêu! Nên chẳng có ai gửi thơ tới. Chỉ có thi sĩ Vũ Hoàng Chương, lúc đó đang in cuốn thơ “Say,” đưa bản vỗ cho ông đăng dần, với lời giới thiệu của Mạnh Phú Tư. Sau hai tháng cộng tác, được 8 số, ông chấm dứt cộng tác với Hà Nội Tân Văn.

Cũng từ đấy, ông không còn chỗ để đăng thơ. Nhưng bù lại Đinh Hùng được quen biết nhà văn Thạch Lam.

Ông nhớ lại rằng, hồi đó Thạch Lam cho xuất bản cuốn “Hà Nội 36 phố phường,” ông viết thư cho Thạch Lam, đại ý nói là một trong những người hâm mộ Thạch Lam từ lâu, nay viết thư xin góp ý về bài “Thịt Chó.” Nhà Thạch Lam ở sâu trong xóm làng Trung Phụng, mỗi khi xuống phố đều phải đi qua nhà Đinh Hùng. Một hôm Thạch Lam ghé vào nhà Đinh Hùng. Ông sửng sốt, kinh ngạc... Những tưởng thư viết gửi Thạch Lam, cũng chỉ như trăm ngàn trường hợp khác. Ông nói: “Đây là một khích lệ lớn lao đối với tôi.”

Nhờ Thạch Lam giới thiệu, Đinh Hùng quen biết hầu hết các nhà văn trong nhóm T.L.V.Đ như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ... Và một số văn nghệ sĩ khác nữa, như Huyền Kiêu, Nguyễn Tuân... Riêng Thạch Lam, Huyền Kiêu và Đinh Hùng, sau này kết nghĩa anh em... Ngoài ra, ông còn kết bạn với thi sĩ Trần Dần. Cùng Trần Dần, lập một nhóm thơ, lấy tên là “Nhóm Thơ Tượng Trưng.”

Năm 1945, khi chiến tranh Việt Pháp lan tràn tới Hà Nội, theo lớp sóng tản cư, ông chạy vào Hà Đông rồi Vân Đình. Thời gian này ông bị V.M trưng dụng bắt làm việc cho Sở Thông Tin khu 2 (Liên khu 2).

Thời gian này, ông bị khai thác triệt để ở lãnh vực hội họa. Họ bắt ông vẽ ảnh của những người đang cộng tác với Pháp tại miền Nam, như BS Nguyễn Văn Thinh, Lê Khắc Hoạch, rồi cho in vào truyền đơn, kèm theo ít câu vè sỉ nhục...

Một trường hợp đau xót hơn cả là họ bắt ông vẽ lại chân dung nhà văn, lãnh tụ cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, rồi cho in vào truyền đơn đem phổ biến tất cả các khu, các vùng, với những lời chửi rủa thô bỉ...

Làm việc cho thông tin khu 2 được chừng 3 năm, khi VM ngày càng siết chặt, ép văn nghệ sĩ vào con đường phục vụ chính trị, ông cảm thấy không thể kham nổi, bèn cùng thi sĩ Vũ Hoàng Chương bỏ trốn về Thái Bình. Ở Thái Bình, ông cùng thi sĩ Vũ Hoàng Chương mở ngôi trường nhỏ trong một làng tương đối còn yên ổn. Nhờ dân làng đa số trọng chữ nghĩa, ông sống êm thấm được chừng 1 năm. Tới đầu năm 1950, quân viễn chinh Pháp cùng quân đội Bảo Hoàng mở cuộc hành quân tảo thanh Thái Bình. Một số dân chúng không chạy kịp, bị lùa về vùng do quân Pháp kiểm soát. Trong số những người bị lùa, có cả thi sĩ Vũ Hoàng Chương lẫn Đinh Hùng. Từ vùng Pháp kiểm soát, còn được gọi là vùng “tề,” ông cùng họ Vũ tìm đường trở về Hà Nội.

Với 5 năm lưu lạc gian truân, Đinh Hùng đã sáng tác được hai tác phẩm. Thơ là tập “Tiếng Ca Bộ Lạc,” và văn là tập “Tiếng Ca Đầu Súng,” loại bút ký.

Ở Hà Nội, Đinh Hùng cộng tác với một số anh em có mặt trong thành như Ngọc Giao, qua giai phẩm “Lửa Cựu,” “Hoa Sen.” Riêng giai phẩm “Kinh Đô Văn Nghệ” thì do chính ông chủ trương. Kế tiếp, ông lại cùng hai nhà văn Kỳ Văn Nguyên và Thanh Nam trông nom tờ tuần báo “Hồ Gươm.”

Năm 1951, ông lập gia đình. Các bút hiệu Thần Đăng, Hoài Điệp Thứ Lang của ông ra đời trong khoảng thời gian này.

Du Tử Lê

(Kỳ sau: “Đinh Hùng và ảnh hưởng của Thế Lữ.”)

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn