Tại Bắc Kinh, ông Hồ Xuân Sơn đã gặp ông Đới Bình Quốc và Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân. Sau cuộc họp này, phía Trung Quốc, qua bản tin của Tân Hoa Xã ngày 28-6, kêu gọi công khai phía Việt Nam phải thi hành thỏa thuận song phương về vấn đề «biển Nam Trung Hoa» mà 2 bên vừa đạt được.
Vậy thỏa thuận song phương vừa đạt được có nội dung ra sao?
Cũng ngày 28-6, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng họp báo, buộc chặt phía Việt Nam vào cái gọi là «hiểu biết chung về thỏa thuận đã đạt được», mà 2 nội dung quan trọng nhất là «giải quyết tranh chấp bằng tham khảo hữu nghị song phương», tránh các động thái có thể làm cho tình hình trầm trọng hay phức tạp thêm, đồng thời «2 bên phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam».
Vậy 2 bên có thật đã thỏa thuận về nội dung 2 điểm trên đây không ?
Bộ Ngoại giao Hà Nội im thin thít, không dám xác nhận – vì sợ công luận, mà cũng không dám cải chính nội dung do phía Trung Quốc đưa ra – vì sợ Bắc Kinh công bố rõ mọi chuyện. Đây là nhận định của nhiều trí thức am hiểu tình hình, của nhiều đảng viên lão thành quan tâm đến vận nước.
Đã có 15 trí thức gửi thư chất vấn chính quyền về mối hoài nghi rất có cơ sở này. Bộ Ngoại giao lúng túng, như gà mắc tóc, hẹn sẽ làm rõ, nhưng sự ú ớ mua thời gian càng làm cho mối hoài nghi thêm dai dẳng và lớn thêm.
Trong khi đó có thêm nhiều yếu tố mới trong tình hình và trong công luận.
Một là tại sao Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn lại phải gặp ông Đới Bình Quốc. Ông Đới là ai? Đới Bình Quốc là một trong 5 ủy viên của Quốc vụ viện Trung Quốc, là nhân vật có quyền lực cao nhất trong ngành ngoại giao TQ, là Trưởng Ban Đối ngoại của đảng CS Trung Quốc, cấp trên của Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì.
Trong chuyến đi này, theo thủ tục ngoại giao, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn gặp Thứ trưởng Trương Chí Quân, người cùng cấp, là đủ. Vậy tại sao ông Sơn lại phải để ông Trương Chí Quân dẫn đến gặp ông Đới Bình Quốc, người có cương vị cao hơn đến 2, 3 cấp? Tất nhiên không phải để chào hình thức, cũng không phải để bàn bạc tay đôi, mà rõ ràng để nghe chỉ thị một chiều, mọi sự ông Đới dạy bảo đều phải cúi đầu: hảo hảo.
Điều thỏa thuận, nội dung hiểu biết chung là từ đó mà ra. Chính cũng do đó mà khi phía Trung Quốc ngày 28-6 vẫn lên giọng: biển Nam Trung Hoa hoàn toàn thuộc chủ quyền Trung Quốc là điều không thể bàn cãi,
Phía Việt Nam không hề phản ứng, cái lưỡi người phát ngôn bộ ngoại giao Hà Nội co rút lại.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Chủ Nhật 10-7 việc đàn áp anh chị em xuống đường biểu tình, tuần hành đã mạnh tay hơn hẳn mấy chủ nhật trước, phải chăng là để thi hành thỏa thuận trên?
Và cũng không phải ngẫu nhiên các báo lề phải và các buổi phát thanh lề phải sau khi làm ra vẻ găng với nạn bành trướng, nay lại cùng chung một giọng: hãy để cho chính phủ thương lương song phương giải quyết mọi sự, giữ tình hữu nghị truyền thống, tránh gây thêm phức tạp…
Cũng không phải ngẫu nhiên cuộc họp lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XI diễn ra suốt 7 ngày, không có một ai nói đến tình hình biển Đông, về quan hệ Việt - Trung, Việt - Mỹ gần đây.
Một điều hoài nghi quan trọng vẫn tồn tại trong dư luận trong nước và quốc tế là: có thật trong cuộc họp ở Bắc Kinh trên đây, 2 bên đã thỏa thuận là phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp biển Đông, với sự hiểu ngầm chủ yếu là thực hiện mưu đồ gạt hẳn Hoa Kỳ ra khỏi vùng chiến lược này, để cho bành trướng tha hồ vẫy vùng ?
Công luận trong và ngoài nước đòi hỏi mọi thông tin chính thức từ Hà Nội phải minh bạch rõ ràng.
Mọi sự che dấu khuất tất, thiếu minh bạch, úp úp mở mở chỉ làm tăng thêm những hoài nghi có cơ sở.
Bùi Tín
13-07-2011
Theo Blog Bùi Tín
Gửi ý kiến của bạn