Tải xuống để nghe.
Lý do vì sao suốt năm chủ nhật vừa qua từ ngày 5 tháng 6 tiếp đến chủ nhật ngày 3 tháng 7, công an và lực lượng an ninh Hà Nội vẫn để cho những cuộc tuần hành biểu tình diễn ra, mà đến ngày 10 tháng 7 lại ra tay bắt người biểu tình và giải tán họ?
Thông tin cho biết có hơn chục người bị bắt đi làm việc trong ngày 10 tháng 7 tại Hà Nội vì vẫn tiếp tục tập trung biểu tình phản đối chống Trung Quốc.
Trong số những người bị bắt có một số khuôn mặt có thể nói không xa lạ gì với cơ quan an ninh. Đó là nhà báo tự do Dương Thị Xuân, phu quân của luật sư Lê Thị Công Nhân: anh Ngô Duy Quyền, vợ tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội: chị Nguyễn Thị Huyền Trang.
Cuộc làm việc với công an của số những người bị bắt kéo dài từ khi xảy ra sự việc và kéo dài cho đến chậm nhất là sau bốn giờ chiều, và cuối cùng công an cũng phải thả tất cả ra về.
Lý do công an ra tay?
Một người chứng kiến hoạt động bắt người trong sáng hôm nay cho biết lý do mà công an và cơ quan an ninh ra tay bắt người sau năm tuần lễ để cho các cuộc biểu tình vẫn diễn ra một cách sôi nổi là vì tuần này lượng người ít đi, người này cho biết:
"Hôm nay người tham gia biểu tình không đông nên họ mới làm thế. Lực lượng công an chìm nổi, dân phòng… sử dụng các loại phương tiện để bắt đưa người đi. Họ cũng chặn hết mọi ngã đường đến Đại sứ quán Trung Quốc."
Một trong những người bị bắt là anh Vũ Quốc Ngữ đưa ra lý do về việc công an mạnh tay bắt người, chặn đứng biểu tình tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 7 như sau:
"Hôm nay ít người tham dự, ngoài ra không có những trí thức như ông Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Xuân Diện… tham dự. Theo tôi họ làm thế để dọa người khác."
Đúng là vào ngày 9 tháng 7, trên trang blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có thông báo sẽ nghỉ một ngày chủ nhật 10 tháng 7 không biểu tình.
Lý do được nói vì phía công an đã hứa không mời người thanh niên tên Phương đọc bản tuyên cáo trước Nhà Hát Lớn Hà Nội trong cuộc biểu tình ngày 3 tháng 7 vừa rồi. Lời hứa đó của phía công an được đưa ra như điều kiện là những người liên quan không xuống đường biểu tình trong ngày 10 tháng 7.
Tuy nhiên những người trong ngày 10 tháng 7 vẫn đến tại khu vực Công viên Lênin và Cột Cờ gần Đại sứ quán Trung Quốc vì lý do này hay lý do khác đã không nắm thông tin đó.
Nội dung làm việc
Những người bị bắt trong ngày 10 tháng 7 vừa qua ngay khi họ vừa bắt đầu giương biểu ngữ và hô khẩu hiệu phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được công an đưa về hai địa điểm khác nhau để làm việc.
Những người từng quen thuộc với an ninh như chị Dương Thị Xuân và anh Ngô Duy Quyền được đưa về đơn vị bí số PA24 của Công an Hà Nội tại số 8 đường Quang Trung ở Hà Đông.
Những người còn lại như anh Vũ Quốc Ngữ được đưa về đồn công an huyện Từ Liêm.
Nội dung làm việc được những người trong cuộc cho biết chủ yếu xoay quanh hai câu hỏi ai là người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình, cung cấp những biểu ngữ để đi biểu tình và lộ trình tuần hành biểu tình qua những tuyến nào.
Nhà báo tự do Dương Thị Xuân thuật lại:
"Nội dung làm việc là họ hỏi tôi ai đứng ra tổ chức, ai đưa biểu ngữ cho người biểu tình, và họ tra vấn liên tục về danh sách 15 người yêu nước…"
Cuộc làm việc với anh Ngô Duy Quyền, phu quân của nữ luật sư bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân cũng cho biết nội dung cuộc làm việc của công an với anh trong ngày 10 tháng 7:
"Ông Ngô Quang Du hỏi tôi lý do vì sao bị bắt vào đây. Họ hỏi tôi về lộ trình cuộc biểu tình, ai đứng ra tổ chức…"
Đối với những người chưa phải làm việc với cơ quan an ninh trước đây như hai người vừa lên tiếng là anh Vũ Quốc Ngữ thì nội dung làm việc tại cơ quan công an huyện Từ Liêm nhẹ nhàng hơn. Anh Vũ Quốc Ngữ cho biết:
"Cuộc làm việc cũng chỉ là cuộc nói chuyện thôi. Họ ghi biên bản và yêu cầu tôi ghi bản không bị hề hấn gì, không bị thu giữ gì. Tôi nghĩ họ chỉ muốn dọa người khác thôi."
Quyết tâm của người biểu tình
Theo lời của nhà báo tự do Dương Thị Xuân và phu quân của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân thì trước khi được cho về phía cơ quan an ninh yêu cầu họ không được đi biểu tình nữa.
Tuy nhiên bà Dương Thị Xuân trả lời:
“Tôi nhắc lại lời của cụ Phan Chu Trinh. Tuy nhiên họ nói luật pháp không cho phép biểu tình, và họ cũng nói nếu còn đi biểu tình sẽ bị bắt và có thể bị tống giam.”
Anh Ngô Duy Quyền cũng cho biết nội dung tương tự mà phía cơ quan công an cảnh cáo anh trước khi ra về:
“Họ hỏi tôi có đi biểu tình nữa không, và nói nếu còn đi sẽ bị xử lý."
Anh Vũ Quốc Ngữ thì lập luận cần phải kiên trì với hoạt động biểu tình cho đến khi có kết quả:
“Việc biểu tình phải liên tục để Trung Quốc thay đổi thái độ.”
Lâu nay cơ quan chức năng Việt Nam luôn cho rằng người dân không nên biểu tình mà hãy để chính quyền lo liệu về mối quan hệ giữa hai nước.
Hôm ngày 25 tháng 6 vừa qua, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc gặp người tương nhiệm Trương Chí Quân và ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc.
Sau đó hai phía ra thông báo đạt được đồng thuận trong việc giải quyết tình hình tranh chấp tại Biển Đông.
Phía Trung Quốc còn yêu cầu chính phủ Việt Nam phải định hướng dư luận không gây ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Tuy nhiên người dân không bằng lòng với giải thích của chính quyền và họ vẫn muốn xuống đường bày tỏ lòng yêu nước, phản đối những hoạt động gây hấn, kẻ cả nước lớn của phía Trung Quốc.
Gia Minh, biên tập viên RFA
10-07-2011
Theo RFA
Gửi ý kiến của bạn