Tôi có một câu hỏi không gay cấn, không liên can đến vấn đề nhạy cảm cá nhân hoặc chính trị mà chỉ thuộc dạng thông thường về một vấn đề tệ nạn xã hội. Áng chừng cả hỏi và trả lời chỉ dưới 10 phút. Tôi tìm trong trang web của Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội thấy giới thiệu 4 số điện thoại:
- Ông Cục trưởng Nguyễn Văn Minh: 38 246 115
- Ông Cục phó: Lê Đức Hiền: 38 246 113
- Bà Cục phó Lê thị Hà: 39 364 249
- Bà Cục phó Đỗ thị Ninh Xuân: 39 342 033
10 giờ 30 sáng ngày 24 tháng 6 năm 2011 tôi gọi điện thoại để hỏi. Vì nể người có chức vụ cao, tôi gọi từ số điện thoại ở dưới cùng cho bà Cục phó Đỗ thị Ninh Xuân. Đầu dây bên kia không phải tiếng phụ nữ mà là nam giới. Ông ta bảo tôi phải gọi sang số khác: 39 387 289. Gọi đến số này, nhận được câu trả lời bằng tiếng Anh mà người nghe phải tự dịch được nghĩa để hiểu là: “Tôi không sẵn sàng, đề nghị cho lưu lại số máy của quý vị để chúng tôi gọi lại sau”.
Đây không phải cơ quan đối ngoại. Sao câu trả lời không thể bằng tiếng Việt? Nếu người gọi đến không biết tiếng Anh thì sẽ ra sao?
Lần lên phía trên, tôi gọi cho bà Cục phó Lê thị Hà ở số 39 364 249. Đầu dây bên kia trả lời: “ Số máy này không có”. Hỏi 116 của Bưu điện Trung ương cũng được trả lời như vậy.
Gọi số máy 38 246 113 của ông Cục phó Lê Đức Hiền. Buôi sáng goi nhiều lần, không được; buổi chiều cũng không ai thưa máy.
Tôi đành gọi số máy còn lại cuối cùng: 38 246 115 của ông Cục trưởng Nguyễn văn Minh.
Rất mừng, đã có người thưa máy.
Tôi hỏi rất lễ phép: “ Xin cho tôi được nói với ông Minh ạ” .
Lời đáp: “ Ông là ai ?”
Tôi giật thót người. Như có ai bóp vào tim.
Một ông Cục trưởng, nếu ở các cấp học phổ thông quên chưa dạy đức dục hay công dân giáo dục thì ở các khóa đào tạo ở Nguyễn Ái Quốc hay ở trường Hành chính Quốc gia người ta cũng phải dạy cho ông những điều tối thiểu về tư cách của một viên chức chứ sao lại có thể có cái cách giao tiếp điện thoại thô lỗ, vô văn hóa thế này!
Tôi nén giận, nhỏ nhẹ: “Thưa ông tôi chỉ là một công dân thôi ạ!”.
- “Có gì thì ông cứ gửi công văn lên đây, tôi đang bận họp”
- “Thưa ông, tôi đã 77 tuổi và đã nghỉ hưu rồi ông ạ”.
-“ Vậy thì bác để lúc khác, tôi đang bận họp nhé!”
Tôi buồn quá, nghèn nghẹn ở cổ. Ngày xưa chúng tôi không đựợc học nhiều “Tư tưởng tác phong Hồ Chí Minh” như anh em cán bộ bây giờ mà nói chung không ai đến nỗi như ông Cục trưởng Nguyễn Văn Minh này và không cơ quan nào đưa người dân vào thiên la địa võng, không thể nào lần tìm được mối tiếp xúc như ở cơ quan này. Thật là đại tệ nạn ở một cơ quan chống tệ nạn xã hội.
Tôi đem chuyện này phàn nàn với mấy bạn già. Có cụ nổi giận mắng: “Cái bọn quan cách mạng bây giờ thật mất dạy. Thế hệ chúng ta rơi xương đổ máu giành chính quyền giao cho họ để họ trở nên quan liêu, hống hách, coi nhân dân không là kẻ thù thì cũng chỉ toàn những kẻ nhũng nhiễu cần tránh xa !”.
Cho nên dân oan mới nhiều đến thế, mới khổ đến thế, trong đó có cả những người từng có công lớn với cách mạng.
Đặng văn Thông
(Cựu chiến binh Điên Biên Phủ)
Khu TT BTL Lăng bác
Phường Cống Vị - Hà Nội
Ý kiến bạn đọc
09 Tháng Mười 20117:00 SA
nguyễn trung nam
Khách
chuyện cán bộ bây giờ quan liêu xa dân dường như không phải là chuyện gì quá bất ngờ nữa bác Thông ạ! Quan liêu từ cấp thấp, cấp địa phương như một điều đương nhiên, tất yếu, thì chuyện cán bộ cấp cao quan liêu là chuyện quá bình thường. Cho dù đó chính là cơ quan phòng chống các tệ nạn của chính phủ, vì quan chức bây giờ rất rất nhiều người không nghĩ mình là công bộc của dân (đây có lẽ là điều không tưởng, chúng ta tuyên truyền chỉ là hình thức thôi), quan chức bây giờ hiển nhiên cho mình là trên dân, vì họ có trình độ hơn, họ cố gắng phấn đấu là để chen được một chân vào chỗ béo bở nào đó, thế nên khi có được chức vị rồi thì họ phải được hưởng cái oai phong, họ ngạo ngễ và tranh thủ từng cơ hội để làm ăn, kiếm chác theo cái chức vụ mà họ đang nắm giữ. Đừng nói chuyện phản ánh về các tệ nạn xã hội, vì nó có vẻ xa vời quá, tệ nạn xã hội đầy rẫy và công khai trong xã hội ta, không chỉ là dân đen ít học mà cán bộ từ thấp đến cao đều có người tham gia và báo chí cũng đã phản ánh không ít. Bây giờ, nhân dân không biết phải bày tỏ nỗi niềm của mình với ai cho đúng chỗ, đúng nơi. Không biết tin ai nữa. Chỉ biết cam chịu và phụ thuộc, thí dụ như việc xin việc vào các cơ quan nhà nước là rõ. Sinh viên tốt nghiệp ra trường thì rất nhiều, đúng chuyên ngành, cơ quan thì đang thiếu so với biên chế. Nhưng nộp đơn lên thì năm lần bảy lượt không xong, đi mãi thì mới vỡ lẽ ông tổ chức, cán bộ làm luật làm giá, không đủ miếng thì kiên quyết không nhận, thậm chí còn công khai rằng giá bằng này, ai đến trước thì được, đã nhận tiền thì bảo đảm có việc. thật đáng buồn, thật thất vọng khi có không ít quan chức đang trở thành những kẻ hút máu dân nghèo, để cho nhân dân không biết tin vào ai, cũng không dám kêu ai, chỉ biết than thân, trách phận mình thôi.