BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73510)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Niềm Đau

04 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1819)
Niềm Đau
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
"Người người cùng đứng lên....
Nhà nhà cùng đứng lên
và cuối cùng, cả trại tù đồng loạt đứng lên,
hùng dũng cất cao tiếng hát
"Này công dân ơi....đứng lên đáp lời sông núi...."

Tết Nguyên Đán năm 1980, trên ngọn đồi mang cái tên khá thơ mộng của tuổi học trò "Đồi Phượng Vĩ". Ngọn đồi nầy trước đây là Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn 52 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Đồi Phượng Vĩ thuộc xã Gia Rây, quận Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh, nằm ngay dưới chân núi Chứa Chan. Sau năm 1975, chánh quyền Cộng Sản dùng nơi đây làm Trại Tù Cải Tạo Z 30 A. Sau này nầy khu trại A dời xuống chân đồi và trở thành Z30C. Tên trại Z30A được dời vào khu trại giam mới, kiên cố nằm sâu trong rừng Gia Rây khoảng 3 cây số.

Sáng Mồng Một Tết, sau khi các cửa "nhà" được mở, "phái đoàn chúc Tết" tập trung tại hội trường và lần lượt đến thăm viếng các dãy nhà. Bên cạnh"phái đoàn" còn có một đoàn Lân của anh em Phục Quốc. Tiếng trống thùng thiếc, tiếng phèng la nghe rộn rã đượm đầy không khí Tết, tạo được vài giây phút ấm lòng cho người đang trong cảnh tù đầy.

"Phái đoàn hỗn hợp tù cải tạo" lần lượt đi thăm hầu hết các "nhà", được đón tiếp thật là chu đáo với phần "lì xì" gồm vài cục đường tán, vài nhúm trà, vài ba miếng mứt, vài ba gói mì, vài cục thuốc lào của những anh em bạn tù mới vừa được thăm nuôi.

Sau khi đi một vòng các "nhà" chúc Tết đầu năm, "phái đoàn" trở về lại "nhà" 23 của đội phụ trách nhà bếp. Khi tất cả mọi người đã an tọa, chúng tôi dùng một chai bia Quân Tiếp Vụ có ba lá cờ vàng ba sọc đỏ nhỏ trên đầu súng của người lính chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trang trọng đặt ngay giữa nhà được tô điểm thêm bằng vài cành hoa dại nhằm nguỵ trang cho lá cờ.

Tất cả khoảng 40 người đang im lặng như đang thả hồn mình về với quê hương dân tộc, với gia đình trong ngày đầu năm, tưởng nhớ đến những đồng đội đã ngả xuống cho lý tưởng tự do.

Trong khung cảnh trang nghiêm, Nguyễn Phước Thọ từ từ đứng lên cất tiếng hát trầm ấm vừa đủ nghe:

".....Nầy Công dân ơi........" để bắt giọng cho bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa.

Một diễn tiến hết sức bất ngờ, mà chúng tôi không hề dự đoán trước, là khi bài Quốc Ca được hát lên, tất cả mọi người trong nhà từ từ đứng lên trang nghiêm, cùng hát theo. Khí thế được nối tiếp chuyền sang các phòng khác, tất cả cùng đứng lên nghiêm chỉnh và cùng cất cao tiếng hát bài Quốc Ca với giọng thật hùng tráng.....

Tiếng hát vang vọng cùng khắp trại cải tạo, gây nên một khí thế thật hùng dũng và trang nghiêm giữa buổi sáng ngày đầu năm.

Khi tiếng hát còn đang tiếp tục vang vọng khắp trại, một toán vệ binh võ trang đầy đủ súng ống hối hả chạy vào. Bốn khẩu súng đại liên trên chòi cạnh và một vài khẩu AK ở bốn góc trại hướng nòng súng vào trung tâm trong tư thế sẵn sàng nhả đạn.

Vệ binh võ trang chia thành nhiều toán, nhanh chóng chạy đến các căn trại đang vang vọng lên tiếng hát, nòng súng chĩa thẳng. Với khi thế đang lên, anh em vẫn tiếp tục cất cao tiếng hát bài Quốc Ca cho đến khi chấm dứt.

Toán công an võ trang trong tư thế tác chiến, ghìm chặt tay súng. Khi bài Quốc Ca chấm dứt, tên cán bộ an ninh trại đứng giữa sân chỉ tay về phía các lán vừa hát bài Quốc Ca như thầm đe doạ:

-Tụi bây sẽ biết tay tao....

Bỗng đâu một cục đá bằng nắm tay quăng trúng vào đầu tên an ninh trại; hắn cố né nhưng cục đá trúng ngay giữa nón làm văng chiếc nón cối xuống đất. Sự việc này đã gây nhiều khó khăn cho chúng tôi sau này và là nguyên nhân của những trận đòn thù không thương tiếc.

Sau biến cố ngày mồng một Tết, tên trưởng phân trại cho tập hợp toàn trại vừa để trấn an, vừa để răn đe, trong khi đó một số anh em "được" âm thầm gọi lên an ninh làm việc để tìm ra kẻ chủ mưu.

Trước tiên là một số anh em đến tham dự, rồi anh em trong đội văn nghệ, rồi một số anh em lo việc phục vụ trà nước và sau cùng là tôi.

Bốn ngày sau khi xẩy ra biến cố, vào một buổi trưa, trại cho tập hợp tất cả anh em tù cải tạo lên hội trường để nghe Trưởng Trại nói chuyện. Tôi cũng đến tham dự tuy trong lòng đang mang nỗi lo âu không biết lành dữ thế nào.

Từ sau biến cố đầu năm, tôi lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Mặc áo 3 chiếc mặc dù giữa mùa hè oi bức, đề phòng khi vào xà lim chống chọi với cái lạnh ban đêm. Các thức ăn dự trữ tôi giao hết cho bạn bè nằm gần cất giữ, trong đó có soạn giả cải lương Yên Lang, ngoài ra còn căn dặn với hai người bạn thân ăn cơm chung, nếu tôi có mệnh hệ gì thì xin thông báo cho gia đình tôi.

Ở hội trường, khi buổi nói chuyện bắt đầu được 10 phút, tên Phân Trại Trưởng cùng với 2 cán bộ an ninh võ trang đi len lỏi đến từng đội và cuối cùng đến đứng trước mặt tôi. Tên Thượng Uý Phân Trại Trưởng nghiêm sắc mặt nhìn tôi hỏi:

-Có phải anh là.....Nguyễn Hữu Của?

Tôi bình tĩnh đứng dậy gật đầu, tên Thượng Uý ra lệnh:

-Theo tôi.

Hai tên cán bộ an ninh đi kèm vội kê họng súng vào lưng thúc tôi bước đi.

Khi còn cách vài bước đến phòng điều tra, tôi nghe rõ tiếng Nguyễn Phước Thọ đang kêu la, cùng với tiếng quát tháo của các tên cán bộ an ninh điều tra, chứng tỏ Thọ đang bị đánh đập tàn nhẫn.

Khi tôi vừa bước chân lên ngạch cửa, tên Trưởng Phân Trại đi trước xoay người lại đấm liên tục vào ngực và mặt tôi rồi quát to:

-Chúng mầy phản động hả?

Tôi chưa kịp định hồn, hai tay ôm lấy ngực thì ba tên cán bộ an ninh vây quanh phóng tới tấp những cú đấm, những cú đá vào mặt và bụng, cho đến khi tôi kiệt sức ngã quỵ xuống sàn nhà.

Mặc dù ngã xuống, nhưng tôi chưa bất tỉnh, bên tai tôi vẫn còn nghe tiếng nói văng vẳng:

-Có phải thằng này quăng cục đá vào đầu cán bộ an ninh không?

Một tiếng trả lời nhỏ:

-Không phải

Nằm bất động vài phút, tôi nghe tiếng tên Thượng Uý ra lệnh:

-Đưa nó vào đây.

Hai tên võ trang đến xốc tôi dậy dìu vào ghế ngồi, bên tai tôi còn nghe tiếng kêu la thảm thiết của Nguyễn Phước Thọ vang lên ở phòng bên cạnh.

Sau hơn 4 giờ liền thẩm vấn tôi với mọi thủ đoạn tàn nhẫn, tên Thượng Uý ra lệnh:

-Nhốt vào xà lim kiên giam.

Hai tên an ninh võ trang bước đến còng tay tôi đưa ra xe. Vừa ra đến xe, chiếc xe jeep màu xanh của cảnh sát ngày trước, thì hai tên an ninh khác cũng đang dìu Nguyễn Phước Thọ ra. Thọ bước đi không vững trông dáng thật thiểu não.

Khi bước vào xe tên an ninh còng hai tay tôi và Thọ chung. Thọ gục đầu vào vai tôi thở từng hơi thở mệt nhọc, thều thào nói:

-Chắc em chịu không nổi quá!

Tôi để tay lên ngực Thọ kề sát miệng vào tai nói nhỏ:

-Ráng lên Thọ.

Thọ mở đôi mắt yếu ớt ngước nhìn tôi:

-Em bị đánh nhiều quá chắc không chịu nổi anh ơi!

Nói xong Thọ nhắm nghiền đôi mắt, rồi lại mở ra nhìn tôi với giọng nhỏ nhẹ:

-Nếu em có chết anh nhớ cho Má em biết......Tội nghiệp Má em quá.......

Tôi cố nén xúc động, cổ họng nghèn nghẹn, tôi không còn cảm thấy đau đớn với những vết thương trên người tôi, mà tôi chỉ thương cho Thọ.

Tôi thầm nghĩ phải chăng đây là những lời trăn trối, vì Thọ đã biết sức của mình qua hơn hai ngày đêm chịu đựng những trận đòn thù không thương tiếc của bọn an ninh. Tôi nhìn vào đôi mắt đang nhắm hờ của Thọ, tay vuốt nhẹ trên ngực.

-Ráng chịu đựng Thọ ơi.......

Hai giọt nước mắt đọng trên đôi mi, rồi từ từ lăn dài xuống trên đôi gò má còn đầy những vết sưng húp và bầm tím của Thọ. Một vài chỗ còn đang rĩ máu. Hơi thở Thọ càng lúc càng có vẻ mệt nhọc.

Xe dừng lại trước dãy phòng giam xà lim có song sắt kiên cố. Hai tên an ninh đến mở còng bảo tôi và Thọ xuống xe. Thọ cố xoay người bước xuống thật khó khăn. Những vết thương trên người chuyển động làm cho Thọ đau đớn rên lên những tiếng nho nhỏ:

-Ôi đau quá......đau quá......trời ơi!

Tôi bước xuống sau, định ôm lấy cánh tay để dìu Thọ nhưng không còn kịp Thọ mất đà, ngã quỵ xuống đất. Tôi cúi xuống ôm hai vai Thọ dìu đứng lên, vừa lúc đó một tiếng quát to của tên an ninh:

-Để mặc nó.....Đồ phản động có chết cũng chả sao!

Tôi vội đứng lên quay nhìn Thọ lần cuối. Ánh nắng chiều vàng vọt chiếu vào mặt Thọ hiện rõ nét nhợt nhạt mất thần. Thọ nằm yên bất động hai tay buông xuôi, chân co quắp trông thật thảm hại.

Đó chính là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy nơi người bạn tù trẻ kiên cường, bất khuất, cho đến khi được tin Thọ nhắm mắt lìa trần.

Tên cán bộ an ninh trại áp giải tôi từ xe đi vào khu kiên giam. Khu kiên giam là một khu vực riêng biệt, chung quanh rào dày đặc. Có nhiều khu nhà nhỏ riêng biệt xây bằng gạch, mỗi nhà được chia ra 4 góc và mỗi góc là một xà lim được xây kiên cố dùng làm nơi kiên giam cho những người "tù cải tạo" được xem là "nguy hiểm".

Đi dọc hành lang lờ mờ đến trước cửa một xà lim, tên an ninh kéo cánh cửa sắt nặng nề rồi quay sang bảo tôi:

-Vào đi.

Vừa nói tên an ninh vừa để tay lên vai tôi đẩy nhẹ tôi vào. Vừa bước vào bên trong cánh cửa, một mùi hôi thúi pha trộn giữa mùi mốc cùng với mùi nước tiểu và phân người xông lên nồng nặc.

Tên an ninh lấy tay che mũi, một tay chỉ tôi đi vào giữa nơi có chiếc sạp đặc biệt dành cho "tội nhân". Sạp gồm hai miếng ván nhỏ cỡ hơn hai gang tay đặt trên nền xi măng cao khoảng 1 gang tay. Gian phòng thật im lìm, chìm vào một thứ ánh sáng mờ mờ ảo ảo ma quái, tạo cảm giác rùng rợn, mặc dù bên ngoài mặt trời đang còn ánh nắng.

Khi tôi đến ngồi bên chiếc sạp gỗ tên an ninh ra lệnh:

-Đưa một chân lên.

Tôi đang lưỡng lự chưa biết phải đưa chân phải hay chân trái thì tên an ninh quát:

-Chân nào cũng được!

Tôi vội vàng đưa chân phải lên, tên an ninh cầm một khoanh sắt hình móng ngựa hai đầu có hai cái khuy hình tròn tra vội vào cổ chân, rồi nhoài người về phía chân tường kéo ra một thanh sắt to được đút xuyên qua tường. Đến lúc này tôi mới nhận ra là một thanh sắt thật to ít ra cũng gần bằng ngón chân cái. Tên an ninh làm công việc khá thành thạo đút đầu cây sắt vào hai lỗ khuy và kéo dài ra cho vào một lỗ khác nơi bức tường đối diện cạnh bên cửa ra vào. Sau khi đầu cây sắt thông ra ngoài, hắn bước ra khóa vào một lỗ nhỏ ở đầu cây sắt. Sau khi khoá cùm xong tên an ninh đóng cửa sắt lại, tiếng kim khí va chạm kêu lên những tiếng lách cách thật ghê rợn, không khác những âm thanh ma quái nơi địa ngục.

Giờ đây còn lại một mình trong xà lim, tôi đưa mắt quan sát chung quanh. Trong ánh sáng lờ mờ, một chiếc thùng sắt loại thùng đựng đạn đại liên ngày trước của quân đội đặt ở chân sạp, một chiếc ca bằng nhựa không còn một giọt nước. Nhìn ca đựng nước tôi chợt nhận ra cổ họng khô đắng vì từ trưa đến giờ tôi không uống một chút nước nào. Bụng không thấy đói nhưng cơn khát thì dồn dập kéo đến. Tôi cố chịu đựng, cơn khát kéo dài dằn dặc. Mắt tôi hoa lên, những giọt mồ hôi bắt đầu rịn ra trên trán, thân thể tôi mỏi nhừ, tay chân rủ liệt không còn muốn cử động. Những vết đau nhức do những trận đòn thù thi nhau kéo về hành hạ thể xác vốn đã rã rời vì khát.

Tôi lịm đi lúc nào không hay. Đến khi nghe tiếng ổ khóa lách cách rồi cánh cửa lay động, tôi chợt tỉnh giấc nhìn ra. Một người trong bộ đồ tù cải tạo xanh nhạt đang mở cửa bước vào trên tay cầm một chén khoai mì xắc lát và một ca nước đầy. Anh nói vừa đủ nghe:

-Tôi phụ trách xà lim.

Nói xong anh liếc mắt nhìn qua cây sắt rồi nhìn xuống chân tôi, một tay đặt ca nước xuống, tay kia đặt chén khoai mì bên cạnh, rồi ôn tồn nói:

-Đây là phần ăn và nước của anh, mỗi ngày tôi sẽ mang đến cho anh một chén thức ăn và một ca nước, luật lệ xà lim mỗi ngày chỉ có vậy thôi.

Nói xong anh quày quả bước ra không quên nhìn vào mặt tôi một lần nữa. Như thầm nhắn nhủ:

-Hãy an phận đi đừng tìm cách trốn thoát.

Khi cánh cửa xà lim vừa đóng lại, tôi vội bưng ca nước lên hớp lấy hớp để. Từng ngụm nước mát chảy vào cơ thể làm cho tôi cảm thấy dễ chịu phần nào.

Khi cơn khát đã dịu xuống, tôi cố mở to mắt quan sát chung quanh. Ngay dước chân chiếc sạp của tôi nằm lốm đốm những vũng máu khô to bằng bàn tay, cho biết nơi đây đã từng diễn ra những trận đòn thù thật tàn nhẫn. Những vết máu rãi rác đó đây chứng tỏ nạn nhân đã vùng vẫy thật mãnh liệt trước những đòn tra tấn dã man của bọn người đang say máu. Tôi thầm nghĩ biết đâu nạn nhân - một đồng đội, một chiến hữu, một bạn tù của tôi đã trút hơi thở cuối cùng và ra đi vĩnh viễn ngay trên chiếc "giường hành xác" mà tôi đang nằm, và biết đâu đêm nay những oan hồn đó sẽ trở về nằm bên cạnh tôi hoặc lảng vảng, phất phơ trong căn xà lim này.

Nghĩ đến đây tôi cảm thấy rợn người, gai ốc nổi lên, các thớ thịt căng ra. Một cảm giác sợ hãi dâng tràn lên tâm trí tôi. Thần kinh căng thẳng, mồ hôi vã ra, tôi cố nhắm mắt lại để không cò nghĩ vẩn vơ nữa.

Sau một phút nhắm mắt định thần tôi nhớ lại mỗi lúc nguy hiểm nhất, hoặc những lúc sợ hãi nhất tôi luôn cầu nguyện, tức khắt tôi sẽ vượt qua được cơn sợ hãi. Nghĩ xong tôi vội vàng làm dấu thánh giá và nhắm mắt lại cầu nguyện. Sau vài phút cầu nguyện, tâm thần tôi hầu như trở lại bình thường. Tôi không còn cảm thấy sợ hãi nữa, trái lại trong tôi như đang có thêm sức mạnh giúp tôi chống chỏi với cơn khổ nạn.

Trong óc tôi chợt loé lên một ý nghĩ, nếu như những chiến hữu của tôi đã ngã gục nơi đây thì họ sẽ về phù hộ cho tôi có đủ sức chịu đựng để tiếp tục con đường của họ đang dang dở, cớ sao lại phá tôi hay làm hại đến tôi việc gì tôi phải sợ. Nghĩ đến dây tôi thấy an tâm, bình thản và không còn lo sợ vẩn vơ nữa.

Đến giờ này thì cơn đói lại kéo đến, tôi vội vang với tay lấy chén khoai mì xắc lát bỏ từng miếng vào miệng nhai. Nước muối được chan vào khoai mì, vì luật lệ nhà giam không cho đem muối hột vào, sợ tù nhân dùng muối hột làm rỉ mục các song sắt.

Sau khi nhai được gần nửa chén khoai, cơn đói đã bớt hành hạ tôi uống thêm ngụm nước xong ngả lưng xuống sạp. Cơn nhức nhối của những vết thương trên người làm tôi miên man chìm vào giấc ngủ.

Ngủ được một lúc lâu, lúc này thì tôi không còn ý niệm về thời gian nữa, tiếng bước chân bên ngoài của những tên cán binh đi tuần hay đổi gác đã làm cho tôi chợt thức giấc. Một tên cán binh đến nắm cây sắt cùm đẩy ra đẩy vào, rồi lắc lắc mạnh như muốn kiểm soát xem cây sắt có còn ở nguyên vị trí không. Mỗi khi cây sắt động đậy là lúc bàn chân và cổ chân tôi bị tê buốt vì từ khi bị cùm bàn chân không di chuyển được tạo cảm giác rất khó chịu. Cứ khoảng hai giờ hoặc ba giờ đồng hồ vào lúc đổi phiên gác hành động này lại tái diễn và tôi lại phải chịu cơn đau đớn hành hạ nơi cổ chân. Có đem bọn cán binh chỉ lắc cây sắt một hoặc hai lần, còn lại thì chúng gọi số phòng xà lim và người trong xà lim phải trả lời "có mặt" dù bất cứ giờ nào, thức hay đang ngủ.

Có nhiều đêm đang trong giấc ngủ tôi bị đánh thức vì những tiếng kêu la thảm thiết của những bạn tù xà lim ở chung quanh mà tôi không nhận được là tiếng của ai, cũng có thể là của Nguyễn Phước Thọ hay của một bạn tù nào khác. Tôi thầm nghĩ tội nghiệp nếu là Thọ thì làm sao Thọ chịu đựng nổi nữa. Thọ đã chịu quá nhiều sự tra tấn dã man và những trận đòn thù vô cùng tàn nhẫn, làm sao Thọ có thể đủ sức chịu đựng để vượt qua giai đoạn "thập tử nhất sanh" này. Tôi nhắm mắt lại cầu nguyện cho Thọ được bình an để còn trở về với bà mẹ già đang mong chờ như ước muốn của Thọ

Ngày một ngày hai, vết trầy nơi cổ chân sưng to lên. Máu mủ bắt đầu rỉ ra tạo nên một cảm giác nhức nhối vô cùng khó chịu. Mỗi đêm khi nghe tiếng bước chân của những tên cán binh đến gần là nổi kinh hoàng lại trở về. Tôi có cảm tưởng như những bước chân tử thần đang đến gần. Mỗi đụng chạm vào cây sắt là mỗi lần phải chịu một cực hình vô cùng đau đớn, lúc đầu tôi còn cố gắng cắn răng chịu đau, nhiều ngày sau không chịu đựng được nữa phải la hét thật to để giảm bớt phần nào cơn đau nhức.

Đến khoảng ngày thứ 10, vết thương nơi cổ chân bị làm độc sưng tấy lên. Máu mủ rơi rải khắp chung quanh. Vết thương làm cho tôi bị lên cơn sốt mê man không ăn được mà chỉ uống chút nước cầm hơi.

Ngay hôm sau, tên cai ngục đem thức ăn và nước uống vào thấy tôi nằm mê man như bất tỉnh, hắn vội vàng đi gọi cán bộ trực. Cán bộ trực cho đưa tôi ra ngoài tắm rửa, cho người y tá trại đến săn sóc qua loa với ít thuốc đỏ và vài viên thuốc dân tộc Xuyên Tâm Liên. Sau khi tắm rửa xong, tôi trở lại nhà cùm và thay đổi chân trái vào cùm, vết thương nơi chân phải mỗi ngày mỗi đau nhức triền miên trong khi chân trái bắt đầu vào cơn đau.

Một buổi sáng, khi tôi vừa thức dậy nhìn lên khe cửa nhà giam, một con rắn hổ mang to bằng nửa cườm tay không biết ở đó từ bao giờ, thân quấn chung quanh song sắt, đầu ngóc lên cao hướng về tôi như chực muốn phóng tới tấn công. Từ trước đến giờ tôi vốn rất sợ rắn, khi nhìn thấy rắn chỉ cách mìh có gần hai thước, tay không có một vũ khí để tự vệ nào, tôi hết sức kinh hoàng thầm nghĩ có lẻ số mạng mình đã đến tận cùng phần số rồi và con rắn này sẽ mang nọc độc đến để kết liễu cuộc đời mình.

Càng nghĩ tôi càng hết sức lo sợ, tay chân bủn rủn, trống ngực đập liên hồi, trong khi con rắn hổ cứ chốc chốc lại phùng mang lên, đầu hướng về phía tôi như chực chờ tấn công.

Trong giây phút tuyệt vọng, cơn sợ hãi lên đến tột cùng, tôi cố nhìn thẳng vào cặp mắt con rắn, miệng lâm râm cầu nguyện. Tôi cố dùng hết nhãn lực để nhìn vào con rắn không chớp mắt như để thôi miên, mà thực ra tôi có biết thôi miên là gì đâu. Tay tôi lần cởi chiếc áo ngoài - trước đó từ khi xảy ra biến cố tôi luôn chuẩn bị tinh thần mặc 3 cái áo để chống chỏi với cái lạnh. Chiếc áo được cởi xong, tôi cầm trong tay để trường hợp rắn có phóng tới tôi sẽ dùng như một vũ khí tự vệ. Thật lạ lùng, phương cách thôi miên bất đắc dĩ của tôi lại có kết quả. Mỗi khi tôi nhìn chằm chặp vào mắt con rắn, rắn thụt đầu lại và khi tôi ngó vào chỗ khác thì rắn lại phùng mang như muốn phóng tới tấn công tôi.

"Cuộc chiến thầm lặng" giữa người và rắn kéo dài rất lâu, tôi ước tính khoảng gần một giờ đồng hồ. Rồi bỗng nhiên rắn cựa quậy, tôi lại một phen kinh hoàng nữa, tưởng đâu rắn chuẩn bị tấn công nhưng thật không ngờ rắn quay đầu chui vào một lỗ nhỏ phía trên cửa và biến đi mất dạng, thật hú hồn.........

Một đêm tối đang mơ màng trong giấc ngủ, đang chịu đựng cơn đau từng chập nơi hai cổ chân, thì có tiếng người chạy rầm rập bên ngoài. Tiếng hò hét của những tên cán bộ, tiếng lên cò súng, tiếng quát tháo:

-Bắn bỏ mẹ nó đi.

-Các đồng chí quan sát kỹ nhé, đừng để cho nó thoát.

-Xem kỹ trên mái nhà và các bờ tường.

Rồi tiếng bước chân dồn dập, tiếng chí choé của các cán binh võ trang vang lên không dứt.

Tôi nghĩ ngay, có thể một người bạn tù nào đó đang vượt ngục. Tôi nhắm mắt lại cầu nguyện cho anh bạn đó đạt được ước nguyện, thoát khỏi chốn địa ngục trần gian này. Khoảng hơn nữa giờ sau không khí yên lặng trở lại.

Đến khoảng ngày thứ 25, buổi chiều sau khi ăn qua loa chén bắp nấu, tôi nằm suy nghĩ vẩn vơ, hai tay bóp hai cùm chân cho đỡ đau nhức thì tên cán bộ an ninh đến mở cùm và bảo tôi đi "làm việc". Tôi vội vàng cố đứng lên, hai cổ chân đau buốt đứng không vững suýt bị té ngã, tên an ninh vội nắm lấy tay tôi dìu đi.

Trí óc tôi lúc đó quay cuồng, nửa lo âu, nửa sợ sệt không biết lành dữ thế nào.

Hình ảnh người bạn tù cùng ngành Quân Báo bị xử tử hình tại trại tù cải tạo Suối Máu trước đó không bao lâu chỉ vì lý do trốn trại và bị bắt lại tại Tam Hiệp Biên Hòa cứ ám ảnh mãi trong óc tôi. Huyệt mộ đã được đào sẵn trên ngọn đồi phía sau trại, trước khi bản án tử hình được tuyên đọc trên hệ thống loa phát thanh trong toàn trại.

Nỗi lo âu đã lên đến tột cùng, đầu óc tôi choáng váng, chân bước đi không vữg, cái chết lởn vởn trong trí, vì kinh nghiệm cho biết mỗi khi người tù cải tạo nào ra đi vào buổi chiều tối thì cầm chắc người đó sẽ vĩnh viễn không còn trở về.

Tôi khép hờ mắt lại đọc thầm kinh ăn năn tội để nếu một mai có chết thì linh hồn được thanh thản. Tôi cũng không quên cầu nguyện cho tôi có đủ can đảm vượt qua những giây phút căng thẳng thần kinh này......

Khi ra khỏi xà lim, tên an ninh còng hai tay tôi, dẫn tôi đi loanh quanh qua những con đường ngoằn ngoèo trong doanh trại, một lúc sau đến trước cửa phòng Trưởng Phân Trại. Thoạt trông thấy tôi với cặp mắt đỏ ngầu như muốn vồ tới ăn tươi nuốt sống, tôi nhìn lại hắn với cặp mắt thản nhiên như thầm nói:

-Tôi chấp nhận tất cả hậu quả mà tôi đã làm.

Thấy tôi thản nhiên, tên Thượng Úy quát to:

-Phản động hả?

Rồi dùng ngón tay trỏ chỉ thẳng vào mặt tôi:

-Tao sẽ cho chúng mày biết tay.

Tôi từ tốn trả lời vừa đủ nghe:

-Tôi không phản động.

Hắn quắt mắt nhìn tôi rồi bước vào ghế ngồi nói:

-Mày đã sác động tù cải tạo chống lại "Cách Mạng" phải không?

Tôi bình tinh nhìn thẳng vào hắn trả lời:

-Không

Hắn hỏi tiếp:

-Có phải mày đã nén cục đá vào đầu cán bộ an ninh không?

Tôi cố giữ bình tỉnh:

-Tôi không hề làm việc đó.

-Thế ai?

Tôi dứt khoát trả lời:

-Tôi không biết.

Tôi vừa trả lời xong, tên Thượng Uý đập bàn hét to:

-Mày còn chối phải không?

Vừa nói tên Phân Trại Trưởng bước ra khỏi bàn, sấn tới trước mặt tôi giơ nắm tay định đấm vào mặt. Nhưng không hiểu sao hắn dừng tay lại, trở vào chỗ ngồi, nét mặt còn hằn nét giận dữ.

Sau khoảng gần một giờ căng thẳng thần kinh với nhiều câu thẩm vấn loanh quanh, tên Thượng Uý ra lệnh đưa tôi trở lại xà lim.

Bước vào căn phòng mà tôi đã trải qua hơn 25 ngày khổ nhục, lần này tôi cảm thấy như nhe, hẳn đi vì vừa thoát qua được những phút giây mà thần kinh căng thă/ng với nỗi lo âu tột cùng .

Nói về cái đói trong xà lim, nếu ai đã từng trải qua trại tù cải tạo thì chắc chắn không thể nào quên được cái đói triền miên cả ngày lẫn đêm. Khi bị biệt giam nơi xà lim cái đói còn tăng lên gấp bội phần. Với sức một người bình thường mà mỗi ngày chỉ ăn một chén nhỏ khoai mì, bắp hoặc cơm mốc với một ca nước khoảng nửa lít sử dụng cho việc ăn uống kể cả làm vệ sinh thì làm sao đủ. Ở bên ngoài khi đi ra rừng lao động còn tìm được chút rau tươi, một vài con tôm, con tép, con dế, cóc, nhái, bù tọt, chuột ,ễnh ương, rắn thậm chí cả côn trùng để bù đắp thêm cho phần ăn vốn đã ít ỏi. Còn cơn đói trong xà lim thì đành chịu, cơn đói triền miên, suốt ngày suốt đêm luôn hành hạ cái bao tử.

Có nhiều đêm trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy có được một chén cơm trắng, một miếng thịt kho mặn, một miếng khô nướng, một miếng cá nướng, một cục đường tán, hoặc một miếng bánh mì thế là cảm thấy sung sướng lắm rồi.

Một buổi sáng ngày thứ 30, tôi còn đang chập chờn trong giấc ngủ muộn, vì ban đêm đã phải chịu nhiều cực hình đau đớn, nhức nhối nơi hai cổ chân, bỗng tiếng lách cách chìa khóa va chạm vào cánh cửa. Cửa xà lim mở buổi sáng làm cho tôi cảm thấy lạ. Tôi tự nhủ:

Tại sao lại mở cửa vào giờ này? Lành hay dữ?

Vừa lúc đó, tên an ninh trại và người phụ trách xà lim bước vào. Tên an ninh kéo cây sắt cùm xong nhìn tôi ra lệnh:

-Đi ra!

Người phụ trách xà lim quay nhìn tôi rồi lấy tay nâng cây sắt cùm "móng ngựa" ra khỏi cổ chân tôi. Tôi dùng hai tay vịn vào miếng gỗ sạp cố đứng dậy, hai cổ chân đau buốt, vết thương nơi hai cổ chân vẫn còn sưng tấy, vài giọt máu đỏ rỉ ra. Sau khi tôi cố gắng chịu đau gượng đứng lên, tên an ninh ra lệnh:

-Theo tôi.

Tôi cố gắng lê bước chân đi, hai vết thương nơi hai cổ chân đau buốt giờ đay phải mang thêm thân hình " da bọc xương" của tôi lại càng đau nhức khó chịu thêm. Tôi bước đi từng bước nặng nề, khập khễnh, thỉnh thoảng như muốn mất đà ngã quỵ. Người phụ trách xà lim choàng tay qua lưng dìu tôi đi.

Buổi sáng nắng vừa lên, hơi sương lạnh còn phảng phất làm tôi cảm thấy dễ chịu. Người phụ trách xà lim khó khăn dìu tôi đi từng bước chậm rãi. Tên cán bộ an ninh nhìn thẳng vào mặt tôi giọng đanh thép:

-Cho về đội đi lao động.

Tôi im lặng khẽ gật đầu.

Người giữ xà lim dìu tôi thêm một đoạn đường rồi nói:

-Thôi anh về trại lao động, ráng đi coi chừng té.

Tôi cố lê từng bước đi về trại, hai vết thương nơi hai cổ chân vẫn còn đau nhức triền miên. Sau hơn một giờ lê gót chân với tấm thân què quặt vượt hơn 3 cây số đường, tôi về đến đồi Phượng Vĩ.

Sau khi tôi ra khỏi xà lim về trại lao động, vài bạn bè nhờ người nhà thông báo ngay cho gia đình tôi. Sau đó ít lâu vợ và hai con tôi đến thăm trong kỳ đi thăm nuôi gần nhất. Khi nhìn thấy tôi với một thân thể tàn tạ "da bọc xương", vợ và các con tôi không cầm được nước mắt. Kim Sa nghẹn ngào nói:

-Anh ráng giữ gìn sức khoẻ để còn trở về với mẹ con em.

Nói đến đây, vợ tôi quay nhìn hai con nhỏ, kéo vạt áo lau vội hai dòng nước mắt đang lăn dài trên má, rồi nhìn tôi:

-Em và các con mong đợi anh từng ngày, ráng giữ gìn.

Lúc đó hai con Hữu Trung sáu tuổi và Kim Nhung năm tuổi đứng nhìn tôi không chớp mắt với một dáng điệu thật xa lạ. Tôi gọi Kim Nhung đến gần rồi nắm lấy tay con bảo:

-Đến với ba!

Kim Nhung cố vùng vẫy, nói trong tiếng khóc:

-Không phải bố, không phải ba!

Rồi nhìn tôi Kim Nhung tiếp:

-Ba ở nhà đó, ba không phải ở đây.

Tôi quay nhìn vợ tôi......rồi nhìn con hỏi:

-Ba con ở nhà làm gì?

Kim Nhung nhanh nhẩu trả lời:

-Ba ở tấm hình treo trên tường.

Kim Sa cố gượng cười nhìn tôi nói:

-Nó thấy tấm hình của anh treo trên tường đó, không giống anh bây giờ.

Tôi cũng cười giả lả thầm nghĩ: Chút nữa mình đã hiểu lầm người vợ thủy chung đã không quản ngại gian khổ hy sinh chịu đựng vất vả để lo cho chồng và các con trong hoàn cảnh bất hạnh.

Tôi quay sang nhìn vào đôi mắt còn đang long lanh hai dòng lệ:

-Cám ơn em, ráng lo cho hai con.

Rồi quay sang hai con:

-Hai con ngoan để cho Mẹ và bà Nội, bà Ngoại được vui, chờ ngày Ba về.

Vừa lúc đó tiếng kẻng báo hiệu chấm dứt giờ thăm.

Tôi đứng lên cổ họng nghèn nghẹn như đang có cái gì chận lại.

Tôi cố nén hai dòng lệ đang chực trào ra, nhìn mặt người vợ thân yêu, người bạn đời chung thủy, và hai con bé bỏng, nói nhỏ:

-Tội nghiệp.....thôi em và hai con về đi.

Tôi quay lưng giấu vội hai giọt nước mắt đang lăn dài trên má.

Nguyễn Hữu Của

Trích sách viết "Chuyện Người Tù Cải Tạo" trang 7-23 tập I/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn