- Trường đại học Bách khoa Phúthọ vừa tổ chức thành công đại hội tổng kết các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong bốn năm qua. Kết quả được trung ương đánh giá cao. Trong buổi họp hàng tuần vừa qua, thành ủy đã khen ngợi nhiệt liệt các thành quả mà trường Bách khoa đã thu lượm được và mong ước trường chúng ta cũng tổ chức một đại hội tương tự. Đáng lẽ chúng ta đã tổ chức từ lâu vì chúng ta có nhiều đề tài nghiên cứu được trung ương khen ngợi. Hôm nay tôi muốn bàn với các anh các chi tiết cần thiết để chúng ta mở một đại hội tương tự như bên Bách khoa. Tôi biết như vậy là trễ, nhưng có còn hơn không.
Ba Chi, một đảng viên người Nam, hiệu trưởng tiếp lời:
- Tôi đã nghĩ đến việc này từ lâu. Tuy trường chúng ta có nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị, nhưng hầu hết đều do các anh em cũ thực hiện. Tôi ngại sinh viên và quần chúng sẽ cười. Điều lo ngại nhất của tôi là làm buồn lòng các đồng chí chi viện từ Bắc vào và từ R về. Trước đây chúng ta để hết tâm trí vào việc chống Mỹ cứu nước. Trong khi đó các anh em cũ ở đây chỉ chuyên tâm nghiên cứu nên họ hơn chúng ta là việc đương nhiên. Lâu nay tôi đã khuyến khích các đồng chí đảng viên cộng tác mật thiết với các giáo sư cũ vừa học hỏi vừa nghiên cứu, nhưng không có kết quả nào. Nhiều người trong chúng ta còn mặc cảm. Họ đã chê trách và làm khó dễ các giáo sư cũ nên hố phân cách ngày càng rộng khó lòng lấp bằng được. Không lẽ chúng ta tổ chức đại hội để đề cao các anh em cũ hay sao? Tình hình của ta khác xa bên Bách khoa. Trường ta hầu hết các anh em cũ đều ở lại. Bên Bách khoa một số các anh giỏi đã ra đi, một số đi cải tạo mới về nên việc điều khiển ít gặp khó khăn. Các đề tài của họ được các đảng viên đảm nhận nhưng phần thực hiện thì do các cải tạo viên mới về. Tôi nghĩ chúng ta phải tổ chức đại hội để khỏi bị lép vế, nhưng phải làm sao để giảm thiểu những thành công của anh em cũ và nêu bật các thành quả quan trọng của các đảng viên để chứng tỏ cho mọi người biết sự ưu việt của chế độ chúng ta.
Vân phát biểu tiếp:
- Tôi hoàn toàn nhất trí với anh Ba. Vì tình trạng tế nhị mà tôi muốn có một buổi họp kín hôm nay để chúng ta bàn cãi các kế hoạch chu đáo vừa hoàn tất được đại hội, vừa nêu bật được vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Anh Thu đã theo dõi các diễn tiến đại hội bên Bách khoa từ đầu đến cuối và đã nắm được các tin tức quan trọng, xin anh cho anh em rõ.
Thu là trưởng phòng tổ chức của trường, quyền hành đứng thứ ba sau bí thư và hiệu trưởng, người Bắc, mặt xanh xao vì sốt rét, có biệt hiệu "Năm tô", vì khi mới vào Nam được bà con dẫn đi tiệm, anh đã ăn một lúc năm tô phở tàu bay đặc biệt mà miệng và mắt vẫn còn thèm. Thu phát biểu:
- Báo cáo các anh, phần lớn anh em cũ bên Bách khoa đều trẻ nên không thoát khỏi quân đội. Sau khi học tập cải tạo về, họ dễ sai bảo, nhận bất cứ công việc gì trên giao. Đúng như lời anh Ba vừa nói, tất cả các đề tài nghiên cứu đều do họ thực hiện. Các giáo sư đảng viên chỉ đùng tên mà thôi. Hai đề tài được chính phủ khen ngợi nhất là:"Thiết kế một cần trục để đưa một kiện hàng năm tấn lên đỉnh một cao ốc và "phương pháp tân tiến tìm chỗ hư trong một máy bán dẫn" đều do hai cải tạo viên hoàn tất. Một người đã từ giã trường sau đó về đạp xích lô sinh sống, người còn lại vẫn tiếp tục làm việc nhưng tuyệt đối vâng lời cấp trên để yên thân. Một đề tài khác cũng hấp dẫn không kém là "bơm va đập". Một loại bơm dùng sự chênh lệch mực trong các dòng thác để bơm nước vào ruộng. Bơm này rất cần thiết cho các nông trường miền Đông và Cao nguyên. Đề tài này cũng do một cải tạo viên soạn thảo, nhưng khoa trưởng cơ khí đứng tên. Tóm lại bên Bách khoa có nhiều lợi điểm hơn ta vì các giáo sư cũ đều bị đi cải tạo nên đâm ra sợ sệt và mặc tình cho ban giám hiệu sai bảo. Trong khi đó trường ta không có ai đi cải tạo nên họ chưa nếm mùi cực khổ, không hiểu được sự khoan hồng của Đảng ta và thân phận của họ. Nếu trước đây Đảng cho họ đi cải tạo cả thì bây giờ chúng ta dễ điều khiển hơn. Mới đây giáo sư Thới trong giờ dạy đã chỉ trích Đảng không biết cách làm việc và kêu đích danh một đảng viên trong lớp đang cắm cúi ghi chép và bảo: "Anh định ghi chép về báo cáo với đảng ủy trường phải không? Khỏi cần. Tôi đã nói thẳng với thành ủy, trung ương về các bê bối của họ thì tôi đâu sợ ai mà anh định báo cáo?" Tại sao Đảng không cho ông ta đi cải tạo vài năm?
Vân giận tím người, đập bàn nói:
- Sao anh không báo cáo cho tôi biết? Ông ta cứng đầu và kiêu ngạo quá! Chúng ta phải làm cách nào để ông ta câm miệng mới được.
Bốn người yên lặng suy nghĩ. Một lát sau Thu phát biểu:
- Đề nghị của tôi hơi khó khăn, nhưng nếu thực hiện được thì chắc chắn chúng ta điều khiển được trường này dễ dàng. Báo cáo các anh tôi đề nghị tổ chức cho họ một cuộc vượt biên.
Ý kiến của Thu làm ba người kia sửng sốt. Vân bảo:
- Anh nói chơi? Công tác này vượt quá khả năng chúng ta, mà còn trái với chủ trương và đường lối của Đảng. Mới đây có một số bác sĩ trốn theo bọn Tàu ra ngoại quốc làm cho các bệnh viện chới với. Mình đang cần họ, lúc này không thể cho họ vượt biên được. Anh có thể giải thích rõ ràng ý kiến của anh cho chúng tôi hiểu được không?
Thu nói:
- Hiện nay chính phủ đang tổ chức cho một số Tàu Chợ lớn vượt biên. Ta trình bày kế hoạch cho thành ủy biết và nhờ công an tổ chức cho chúng ta một ghe. Tôi biết nhiều giáo sư cũ muốn ra đi, nhưng vì nhát, vì thiếu tiền nên không thực hiện được. Nếu tìm được một Ba tàu quen với họ đứng ra tổ chức, chắc họ bằng lòng bỏ tiền ra đi. Đến điểm hẹn, chúng ta chận một mẻ hốt hết cho vào tù. Để cho gia đình họ khổ sở, thiếu thốn trong trại tù vài tuần, rồi chúng ta đứng ra bảo lãnh cho họ về với điều kiện họ phải ký giấy cam kết phục vụ hết lòng. Tôi tin chắc chẳng có anh nào dám từ chối khi thấy gia đình sống trong khốn khổ. Bây giờ họ còn ít tiền nên khó bảo. Sau khi bị gạt hết tiền trong vụ vượt biên, họ sẽ ngoan ngoãn nghe lời vì chúng ta đã cột được cái bao tử của họ lại. Nếu tôi làm việc ở thành ủy, tôi đã dùng cách này để lùa hết bọn bác sĩ vào rọ, chứ không để cho thằng nào thoát ra ngoài đâu. Bao năm bọn nó được sung sướng ở đây, bây giờ lại tiếp tục sung sướng ở ngoại quốc thì không thể chấp nhận được.
Nghe xong cả ba người đều hoan hỉ. Họ không ngờ Thu đưa ra một giải pháp độc đáo như thế. Buổi họp chuẩn bị đại hội trở thành buổi họp tổ chức vuợt biên.
Thành, chủ tịch công đoàn trường lại đưa thêm ý kiến:
- Chúng ta xin thành ủy chia bớt số tiền tịch thu được để làm quĩ công đoàn. Các buổi liên hoan sẽ được tươm tất hơn.
Họ vui mừng hả hê chia tay.
Vân đã trình bày kế hoạch cho thành ủy và được họ chấp thuận một cách nồng nhiệt. Sau khi bàn cãi kỹ lưỡng, công an thành lãnh nhiệm vụ thi hành. Lạ một điều, bọn cộng sản rất dở trong việc soạn thảo các kế hoạch phục hưng kinh tế, đem lại cơm no, áo ấm cho toàn dân, nhưng trong những mưu toan ám hại, gạt gẫm người thì tỏ ra khôn ngoan và tài tình. Cả một tập thể giáo sư trường Tổng hợp cứng đầu, tự kiêu đã bị họ cho vào xiếc như chơi. Ở điểm tập trung, gặp mặt nhau, ai cũng ngỡ ngàng, vì họ đã dấu kỹ lưỡng không cho ai biết. Khi bị bắt vào trại tù họ mới ngã ngửa ra là đã bị công an chơi cho một vố đau. Mấy tuần sau thấy vợ con đói khổ, nheo nhóc, họ đã ký giấy nhận mọi điều kiện mà thành ủy muốn để đổi lấy tự do cho gia đình. Sau khi về trường họ không còn dám hó hé điều gì. Bốn tay đầu não hả hê vui sướng vì từ đây họ điều khiển trường dễ dàng và trôi chảy. Đảng viên "Năm tô" được đặc cách về làm việc tại sở công an thành phố với nhiều đặc quyền. Bốn người đều hiểu rằng đó cũng là một đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật độc đáo, chỉ tiếc một điều họ không thể trình bày cho quần chúng hiểu được.
Việc tổ chức đại hội tiến hành trôi chảy vì các giáo sư nổi tiếng đã chịu nhường công lao cho các đảng viên, chấp nhận chỗ đứng khiêm nhường và không dám phát biểu điều gì có hại cho uy tín Đảng. Điều lo ngại của đảng ủy nhà trường là làm sao có sự đóng góp ý kiến của vài giáo sư cũ. Nếu để cho các giáo sư đảng viên độc diễn thì lố bịch quá. Thảo luận mãi họ mới tìm thấy một người đáng tin cậy. Đó là giáo sư Tân trong khoa xã hội nhân văn. Trước 75, Tân là giáo sư triết. Ở văn khoa lúc bấy giờ có tình trạng trăm hoa đua nở. Một tình trạng nhiều cóp nhặt, ít sáng tạo, nghĩa là tằm ăn dâu mà không nhả ra tơ. Mỗi giáo sư chọn một hay nhiều triết gia Tây phương làm thần tượng. Nhiều khi ý tưởng các triết gia này đánh lộn nhau ầm ầm trong óc họ. Họ không còn biết phải binh ai hay bỏ ai. Có người đọc quá nhiều không tiêu hoá nổi nên bị trúng thực, dở khùng, dở điên. Có người xem tư tưởng của các triết gia Tây phương như khuôn vàng, thước ngọc. Trong các bài giảng, bài viết, họ thường kể ra ông X nói, ông Y bảo v.v... để chứng minh các lập luận hoặc phô trương sự uyên bác của mình. Họ không biết thương yêu đoàn kết cùng nhau xây dựng một triết lý nhân văn Việt căn cứ trên các đặc thù của dân tộc và tinh hoa của các dòng tư tưởng lớn trên thế giới. Họ chia bè, đả kích nhau. Mỗi giáo sư có một nhóm đệ tử trung thành. Họ đầu độc thế hệ trẻ bằng các quan điểm thiển cận và ích kỷ.
Tân chọn Mác để tôn thờ vì những lý do sau đây: Tân muốn phản đối xã hội lúc bấy giờ quá chú trọng tiền bạc mà không quí trọng tài năng và tư tưởng siêu đẳng của chàng. Tân muốn chứng tỏ mình thuộc giới trí thức tiến bộ. Cuối cùng nếu may mắn mà cộng sản chiếm miền Nam, chàng sẽ thừa cơ vùng dậy đập chết hết mấy thằng đồng nghiệp ngu dốt dám chống lại chàng và xây dựng một tương lai sán lạn như Mác đã hứa. Khi Sàigòn sụp đổ, Tân mau mắn hợp tác với cộng sản và được họ tin dùng. Nhưng cuộc đời không đúng như lòng mong ước của chàng. Càng sống trong thực tế cộng sản, Tân càng cay đắng. Chàng đã thức nhiều đêm trắng để ăn năn các lỗi lầm của mình khi tin vào một lý tưởng phi nhân, đặt quyền lợi đảng phái lên trên quốc gia dân tộc, bóp chết mọi quyền tự do. Chàng đã khóc tâm sự trước chân dung Mác: "Cụ đã lừa tôi rồi! Nếu cụ còn sống chắc sẽ bị các môn đồ nhốt vào trại cải tạo hoặc sẽ trốn qua các nước tư bản và âm thầm đốt hết sách vở đã viết ra".
Được bí thư Vân mời thuyết trình, ra dàn bài và giới hạn số chữ viết, rồi đòi kiểm duyệt luôn bài thuyết trình trước khi đọc, Tân mới thấy được hết cái tàn ác, dã man của một chế độ tự xưng là tự do, tiến bộ nhất. Trong suốt giòng lịch sử dân tộc chưa có chế độ nào áp bức tự do tư tưởng như chế độ này. Do đó Tân quyết phải làm một cái gì để chuộc lại những lỗi lầm đã phạm. Chàng soạn một bài thuyết trình đúng theo yêu cầu, đầy lời lẽ nịnh hót công lao của Đảng đã vạch ra một đường hướng mới cho ngành xã hội nhân văn sau này.
Trong đại hội có hai đề tài nghiên cứu có giá trị. Đề tài thứ nhất là: "Điều chế thuốc trừ sâu từ cùi bắp". Trong cùi bắp có một loại đường pentose. Qua một chu trình biến đổi, ta có furfural, một loại thuốc trừ sâu. Đề tài thứ là: "Điều chế dầu pha sơn từ hột cao su". Đây là một loại dầu pha sơn khá tốt. Phần cuối cùng của đại hội là bài thuyết trình của Tân. Trước khi lên diễn đàn, chàng bị bí thư lục cả người để coi xem có đem theo tài liệu nào ngoài bài thuyết trình đã được kiểm duyệt không? Trong đời Tân chưa lần nào nhân phẩm bị chà đạp như thế!
Tân được hiệu trưởng tâng bốc là phần tử tiến bộ đã thấm nhuần lý thuyết Mác-Lê và là một giáo sư gương mẫu của khoa xã hội nhân văn. Tân bước lên diễn đàn với sự đón tiếp lạnh nhạt của sinh viên vì phần đông đã ngán lý thuyết Mác-Lê đến tận cổ. Tân dở tập thuyết trình ra đặt trên bàn và phát biểu. Tân càng nói càng say sưa. Càng nghe, sinh viên càng khoái chí. Cả hội trường im phăng phắc. Cả nghìn cặp mắt hướng về Tân. Cả nghìn con tim đang rạo rực, thổn thức với Tân. Từ sau khi Sàigòn bị sụp đổ, họ chưa hề nghe được một bài diễn văn nào hùng hồn và hay ho đến thế! Tân như quên hẳn hiện tại, quên mọi đe dọa sẽ xảy đến.
Các giáo sư đảng viên thì thấp thỏm lo lắng. Ban giám hiệu thì loay hoay hội ý. Cuối cùng họ đành phải để cho Tân nói, vì phá đám hay can thiệp vào chỉ tỏ ra họ hèn kém thực sự. Bài nói của Tân là một bài học thuộc lòng khác hẳn với bài đã được kiểm duyệt. Đại ý Tân nói hết cái đốn mạt của một thằng trí thức ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, vì kiêu ngạo nên say mê một chủ thuyết phản dân, hại nước. Tân say sưa trình bày những đau khổ, dằn vặt, thao thức của mình khi đối đầu vớI thực tế tàn bạo, khủng khiếp của chế độ cộng sản. Cuối cùng chàng đưa ra các ví dụ chứng minh sự bất tài của giai cấp nhiều hồng hơn chuyên" . Ví dụ thứ nhất là việc xây đập Phú Ninh trong tỉnh Quảng Nam. Đảng đã huy động hàng chục triệu ngày công của dân chúng. Nhiều thanh niên đã chết hoặc bị tàn tật vì tai nạn lao động do sự tắc trách của ban giám đốc công trường. Chính phủ bỏ ra cả tỉ bạc để mua xi măng, sắt. Đập được đắp với mục tiêu trữ nước tưới ruộng cho các tỉnh miền Trung. Các cố vấn Liên xô đã không điều tra kỹ phần địa chất dưới đập nên không thấy các dòng nước ngầm. Khi công tác được hoàn tất thì mực nước chỉ dâng lên đến phân nửa chiều cao dự tính nên không thể xử dụng được. Sau đó phải bỏ ra hàng triệu mỹ kim thuê một phái đoàn Thụy Điển chuyên về đập đến sửa lại thì mới thành công. Ví dụ thứ hai là việc xây cất nhà máy xi măng Bỉm Sơn trên một vùng đá vôi. Vì làm việc tắc trách nên khi nhà máy hoạt động thì nền bắt đầu lún dần làm nhiều máy móc bị gãy đổ. Đảng phải chở xi măng ở các nhà máy khác về lấp các lổ trống khổng lồ và cuối cùng nhà máy mới hoạt động lại được. Cả trăm triệu mỹ kim mất vì kỹ thuật kém. Ví dụ thứ ba là đại hội đang khai diễn. Hầu hết các đề tài là do các giáo sư cũ thực hiện nhưng Đảng đã cướp công làm cho họ chán nản không muốn làm việc nữa. Cuối cùng Tân kết luận:
- Đảng muốn trí thức miền Nam phục vụ cho họ tận tình và vô điều kiện. Điều này không khó. Chúng tôi đã chấp nhận ở lại để cộng tác với các anh vì tưởng các anh có tinh thần độc lập, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân. Nay chúng tôi thấy rõ các anh quá dốt và làm tay sai cho Liênxô, bần cùng hóa nhân dân thì làm sao chúng tôi chấp nhận được? Tôi biết khi nói xong, tôi sẽ bị các anh cho đi cải tạo vì dám chống lại Đảng. Nhưng thà tôi hy sinh để nói lên tiếng nói đầy uất hận của đa số trí thức thầm lặng đau khổ bị các anh áp bức và để chứng tỏ cho các anh biết trí thức miền Nam không hèn. Nếu tôi có chết đi thì sẽ có các anh em khác thay tôi đứng lên nói thẳng vào mặt các anh những tội lỗi của các anh đối với dân tộc. Trí thức miền Nam đã chán ngấy bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của các anh, ghê tởm sự ngu dốt và kiêu ngạo của các anh.
Cả hội trường đứng dậy vỗ tay hoan hô lâu đến mười lăm phút khi Tân dứt lời.
Hôm sau thành ủy họp để xét trường hợp của Tân. Một số đề nghị bỏ tù và đưa ra tòa án. Một số đề nghị cho đi cải tạo. Một số yêu cầu thủ tiêu kín. Nhưng cuối cùng ai cũng công nhận là Tân đã nói một sự thật làm mất uy tín Đảng nặng nề. Áp dụng những biện pháp trên còn quá nhẹ vì bọn trí thức sẽ quên đi mau chóng hình ảnh của Tân và tiếp tục chống đối. Biện pháp cuối cùng là cứ để cho Tân được tự do, nhưng bằng mọi giá phải làm cho chàng trở nên mất trí để chứng tỏ những lời phát biểu của chàng vô giá trị. Công an được lệnh theo dõi Tân kỹ càng và làm khó dễ những ai tiếp xúc với chàng. Vì sợ liên lụy ai cũng xa lánh chàng. Bị mất việc, sống trong cô đơn và luôn luôn lo sợ bị ám sát hoặc bị hành hung, chàng mất tinh thần mau chóng. Một hôm đang uống cà phê trong tiệm, Tân bị một số thanh niên gây sự và đánh cho bất tỉnh. Từ đó người ta thấy Tân mất trí nặng. Không hiểu chàng điên thật hay giả điên để tránh sự trả thù của Đảng? Chàng lang thang suốt ngày ngoài đường, quần áo rách bươm, cổ quấn một chiếc khăn sặc sỡ đủ màu, đầu đội một chiếc nón rách, tay ôm một con mèo, miệng hát nghêu ngao. Trẻ con chạy theo được chàng dạy cho hát những câu nhại các bài hát cách mạng, nhưng với nội dung châm biếm, đại loại như:
"Tổ quốc ơi! Ta yêu người mãi mãi.
Từ trận thắng hôm nay ta ăn độn dài dài.
Từ trận thắng hôm nay ta ăn độn bằng hai..."
hay
"Hôm qua em mơ gặp Bác Hồ.
Chân bác dài bác đạp xích lô...".
Không hiểu Đảng hay Tân đã đạt được chủ đích của mình? Có điều dân chúng thích thú nghe bọn trẻ con hát lên được những uẩn uất của họ và bọn công an thì không làm khó dễ vì cho chàng đã điên.
Một hôm đi qua một xóm lao động, Tân nghe một đám trẻ con vừa cười, vừa hát:
"Một người ngồi trong công viên,
một người điên trong thành phố,
một người nghe bom lửa đạn,
một người ngồi ôm xác đứa con.
Một người mù coi ti vi,
một người câm đang tập hát,
một người què đi xe đạp,
một người cùi đang cắt móng tay...".
Tân dừng lại lắng nghe và lẩm bẩm: "Bài hát hay thật... Đúng là xạo hết chỗ nói..."
Hòa Mỹ
Gửi ý kiến của bạn