Các chiến sĩ Quân Lực VNCH trong giờ phút cuối vẫn tiếp tục ôm súng, quyết giữ vững trận địa. Trong thâm tâm họ luôn cho rằng họ có nhiệm vụ, trách nhiệm phải chiến đấu cho đến cùng để giữ miền Nam thân yêu. Mơ ước của họ rất bình thường, họ chỉ mong sao một ngày mai có được thanh bình để về thăm mẹ, thăm em, ngày ngày chăm lo mãnh vườn, nương khoai, ruộng lúa.
Lệnh trên ban xuống bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ vững vùng đất còn lại. Phải chăng cấp trên đã biết được những điều bất hạnh sẽ xảy ra cho đất nước, một đất nước đang bị bỏ rơi không thương tiếc? Chỉ đáng thương và thiệt thòi cho những người lính đã hiến cả quãng đời thanh xuân, đóng góp thân xác mình cho cuộc chiến. Họ vẫn cố gắng trong tuyệt vọng để làm chậm bước tiến của quân thù, giữ gìn từng phần đất còn lại.. Sự bỏ rơi Vùng 2 rồi Vùng 1 và bây giờ sắp sửa đến Vùng 3, đã làm cho họ cảm thấy xót xa, đau đớn.
Đơn vị anh được điều động đóng những chốt quan trọng hầu ngăn chặn cọng quân tiến vào Sàigòn từ phía Đông Biên Hòa. Cuộc di tản chiến thuật từ vùng địa đầu giới tuyến đã có phần nào làm cho họ mệt mỏi, hoang mang, tinh thần dao động. Tuy nhiên, là những chiến sĩ đã từng phục vụ trong một Binh chủng kiêu hùng, họ luôn nêu cao tinh thần kỷ luật và không hề nao núng trước kẻ thù. Quân số bổ sung cho đơn vị anh có nhiều tân binh chưa một lần xung trận, đối diện với cọng quân phương Bắc. Họ còn ngơ ngác trước sự thật, trước ván bài chính trị lừa bịp của người lãnh đạo đất nước và kẻ cả đồng minh. Hơn bao giờ hết, anh cảm thấy thương đồng đội dưới quyền mình. Những người tiểu đội trưởng vẫn đôn đốc anh em trong công tác phòng thủ, chiến đấu, dặn dò anh em những điều cần làm khi trường hợp bất trắc xảy ra. Họ thật sự chẳng biết được gì đang diễn ra trên cấp Quốc gia. Chính anh cũng vậy; có một vài điều anh hiểu được nhưng không thể chia sẻ cùng thuộc cấp vì e sẽ làm họ nản lòng.
Anh đã từng tham dự nhũng trận đánh khốc liệt, màu áo rằn ri sóng biển đã bạc màu khói súng. Giờ đây, ngồi một mình châm điếu thuốc cuối cùng còn lại, nhìn bâng quơ, lòng cảm thấy thương xót cho bao nhiêu đồng đội đã mất đi và những ai còn lại vẫn tiếp tục ôm chặt tay súng chờ đợi quân thù. Anh chợt cười khẻ với vẽ đầy cương quyết.” Chết là cùng “. Trong cơn miên man suy nghĩ, anh cho rằng cái chết ví như một giấc ngủ dài, một chuyến đi xa miên viễn, chỉ có khác lần nầy sẽ là chuyến đi đơn độc, không còn ai theo anh...Anh chợt nghiến răng “ Phải ngăn chặn bầy quỷ đỏ “; nhưng rồi lại tự hỏi “ Bằng cách nào đây khi quân thù đang tràn về như thác lũ, nếu không phải là hy sinh thêm bao nhiêu mạng sống của đồng đội trong giờ phút nhịp tim của miền Nam đang yếu dần trong cơn hấp hối “. Anh không tin sẽ có một giải pháp chính trị nào khả thi trong tương lai vì Cọng sản không bao giờ ngồi lại bàn hội nghị khi họ đang trong thế thắng. Rồi anh lắc đầu tự nhủ “ Không thể làm vậy được, phải cứu lấy anh em, họ phải sống vì vợ con gia đình họ đang ngày đêm mong chờ họ lành lặn trở về khi chiến tranh kết thúc “. Ý nghĩ nầy khiến anh thấy tình cảm mình như đã lấn lướt phần nào trách nhiệm của một quân nhân thuần túy.
Anh cho anh em kiểm tra đạn dược súng ống rồi liên lạc với cấp chi huy để xin lệnh. Nhưng tiếng trả lời trong máy làm anh lo lắng: “ Hãy giữ vững vị trí “!?. Bây giờ trung đội anh đang nằm trong rừng sâu, nếu rút ra Quốc Lộ thì cũng cần phải nhiều tiếng đồng hồ. Địch đang tiến sát vế hướng Biên Hòa; lực lượng địch quá đông có cả chiến xa dẫn đường. Nếu để địch phát hiện, trung đội của anh sẽ bị tiêu diệt ngay. Cứ để địch di chuyển qua rồi hạ hồi phân giải. Anh liên lạc về đại đội lần nữa để báo cáo tình hình, nhưng không còn ai trả lời trên máy. Anh bàn với anh em trong trung đội cần phải bình tỉnh, giờ phút nầy không còn ai yểm trợ nếu họ chạm địch, họ phải tự lực cánh sinh. Đạn dược và súng ống cá nhân chỉ đủ để dẹp những chốt lẻ tẻ của địch để mở đường ra khu vực tập trung khi tình hình bắt buộc. Anh cảm thấy buồn man mác, giờ đây không còn được yểm trợ dồi dào như trước từ hỏa lực pháo binh đến đạn dược, vũ khí v..v..Trước đây Binh chủng anh được coi như một đại đơn vị thiện chiến có quân số đông nhất, vũ khí, hoả lực mạnh mẻ nhất và nhờ đó lúc nào cũng ở vào thế thượng phong trước kẻ địch. Tinh thần chiến sĩ lúc nào cũng lên cao và họ luôn tự hào với chiến phục rằn ri mà họ đang khoác trên người. Những trận đánh lừng danh đã đi vào huyền sử mà anh cùng đơn vị đã được danh dự đóng góp công lao, tất nhiên cũng phải đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu của đồng đội.
Để chọn một giải pháp tương đối hoàn hảo, anh phải mất một đêm dài trằn trọc không ngủ. Anh có trách nhiệm hướng dẫn anh em về đến điểm tập trung rồi từ đó sẽ tùy tình hình mà bàn cách sẽ phải làm gì kế tiếp, nếu như không gặp lại đại đội. Trời vừa hừng sáng, anh đánh thức trung đội và ra lệnh “ cuốn gói “ để di chuyển về hướng Long Bình. Tiếng súng đã thưa thớt dần ngoài hướng Quốc Lộ 1, hình như không còn cuộc đụng độ nào đang xảy ra. Hay quân ta đã rút đi rồi chăng? Anh thấy vô cùng lo lắng. Chặng đường di chuyển rất chông gai, phải tránh các đường mòn vì sợ địch đang di chuyển trên đó, phải khai phá rừng để dọn lối đi. Cuối cùng trung đội cũng may mắn tìm về đến đại đội. Anh gặp lại đại đội trưởng để báo cáo tình hình đã qua. Anh tưởng sẽ được đại đội trưởng hỏi han an ủi về việc trung đội “ bị bỏ rơi “ trong rừng. Nhưng anh lại bị “lên lớp”, trách móc với lý do tự ý rời bỏ vị trí khi chưa có lệnh thượng cấp và còn bị dọa sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật đối với anh. Anh cảm thấy đau lòng và giờ đây mới thấm thía đời lính. Nhưng rồi anh tự nghĩ : có thể đây chỉ là cách phản ứng tự nhiên, thông thường cần được áp dụng của bất cứ một cấp chỉ huy nào trước những trường hợp như thế, nhất là khi tình hình nghiêm trọng như lúc nầy.
Theo lệnh cấp trên các đơn vị phải tập trung về Căn cứ Sóng Thần, hậu cứ của sư đoàn TQLC, để chờ lệnh mới. Anh hơi ngỡ ngàng: tại sao lại về hậu cứ trong khi địch sắp sửa chiếm Biên Hoà? Thật là khó hiểu! Khi về đến Căn cứ Sóng Thần thì tin như sét đánh ngang đầu được ban ra từ vị Tổng thống vừa mới nhậm chức cách đây mấy hôm: các đơn vị QLVNCH hãy ở tại chỗ, tránh nổ súng, chờ lực lượng “Giải phóng” đến bàn giao..Thế là đầu hàng rồi chứ còn gì ?! Anh thấy bàng hoàng như vừa tỉnh cơn mơ, mọi người chung quanh anh hình như cũng có cùng trạng thái đó. Một vài cấp chỉ huy tuy không khóc, nhưng đôi mắt đỏ hoe buồn bã pha chút nỗi bực tức lẫn căm hờn. Anh về lại trung đội để nhìn thấy anh em ngơ ngác trước lệnh đầu hàng nhục nhã nầy. Rồi chỉ thị cấp trên cho anh em giá súng vào kho, sau đó có thể trở về với gia đình. Chiến tranh đã đến hồi kết thúc. Trong một khoảnh khắc anh cảm thấy cô độc, đi tìm men rượu cho thật say để quên đời, mặc cho số phận có ra sao...Địch tràn đến bao vây ở phía ngoài, bọn du kích nằm vùng cũng có mặt với những tiếng hô vang “ hàng sống chống chết “. Anh rút chốt lựu đạn, tay run run, mắt hướng về sân cờ đơn vị như để ôn lại thật nhanh những kỷ niệm nào đó, có thể những hình ảnh tuyệt đẹp, oai hùng của những chiến sĩ mũ xanh trong các lần tập hợp chào cờ hay nghe nhật lệnh của đơn vị sau những chuyến hành quân dài xa hậu cứ. Những ngón tay anh từ từ buông lơi trái lựu đạn, cảm giác hầu như tê liệt, sự sợ hãi đã làm cho anh không còn ý chí đối diện với cái chết sắp đến. Trái lựu đạn rơi xuống nền xi măng lăn lóc, gây ra những tiếng lộc cộc khô khan rợn người. Anh gục đầu trong tư thế buông xuôi, đôi mắt nhắm lại như chờ đợi nơi Thượng đế sẽ lựa cho mình con đường sống hay chết. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, anh rùng mình... nhưng rồi anh cảm thấy tiếng nổ không xuất phát ngay chỗ anh ngồi như mong đợi, mà từ phía bên ngoài cửa sổ. Một bàn tay đặt trên vai anh, lắc nhẹ vài cái như động tác đánh thức một người đang trong cơn mê. Một giọng nói vừa ôn tồn vừa an ủi “ Sao lại có hành động nông nổi như thế? Hãy sống để về với gia đình chứ!.” Anh trở về với thực tại, mở mắt ra để chợt thấy vị đại đội trưởng đang đứng nhìn anh với vẽ thương hại nhưng không kém phần nghiêm nghị. Anh hiểu ngay chính ông ấy trong lúc đi kiểm soát các phòng ngủ binh sĩ lần cuối, đã nhìn thấy sự việc và kịp thời chụp trái lựu đạn ném ra ngoài cửa sổ để cứu anh...Anh không biết nên oán trách hay cám ơn ông ta. Nhưng có điều anh nhận thức ra rằng nếu vị đại đội trưởng đôi lúc rầy la khiển trách đơn vị, thì chẳng qua là muốn cho đơn vị chu toàn nhiệm vụ một các hoàn hảo mà thôi, nhất là vào những giờ phút nghiêm trọng; và đó cũng là trách nhiệm của ông ta. Trong thâm tâm ông lúc nào cũng thương mến anh em thuộc cấp của mình...
Sau ba mươi tháng tư, anh đã trải qua những chuỗi ngày dài trong kiếp tù đày tủi nhục cùng với bao đồng đội trong đó có nhiều vị chỉ huy cao cấp trong sư đoàn mà anh từng biết hay phục vụ dưới quyền. Anh càng thấy cảm phục và kính mến họ nhiều hơn. Chính cái số lượng nhiều vị chỉ huy cao cấp đã chịu chung cảnh ngộ như anh đã làm cho anh thêm phần hãnh diện. Trước cái tang chung của đất nước, anh không hề một lần trách ai mà chỉ buồn lòng khi không thể làm gì hơn để tiếp tục bảo vệ đồng bào. Người dân miền Nam luôn tin tưởng cũng như đánh giá cao khả năng và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ QLVNCH cho đến giớ phút cuối; và vì thế, dù muốn hay không, anh vẫn cho mình còn mang món nợ tinh thần khó trả nổi đối với dân tộc. Trước các thế lực chính trị quốc tế, sự thiếu liêm sĩ của một đồng minh tưởng chừng như “ cật ruột “, miền Nam sớm muộn cũng sẽ không sao tránh khỏi sự sụp đổ tất nhiên. Tuy là một cấp chỉ huy của đơn vị nhỏ, trách nhiệm cũng tương đối ít, nhưng anh luôn cảm thấy có được niềm an ủi lớn lao vì đã giữ được sự “ thủy chung “ đối với anh em đồng đội cho đến giờ phút cuối; cũng thế, anh không bao giờ để mất đi danh dự và niềm hãnh diện của một Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cọng Hòa.
Khải huỳnh
Gửi ý kiến của bạn