Hôm ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng Trưởng Dân Vận-Chiêu Hồi xuống thăm và vui xuân với anh em trong ban vận động để tổ chức ngày Hội Ngộ của gia đình Thông Tin-Dân Vận-Chiêu Hồi VNCH, chúng tôi mới có một chút thời giờ ôn lại một giai đoạn làm việc khá gắn bó với nhau vào một giai đoạn đất nước có nhiều biến chuyển hệ trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước.
Trong hơn một thập niên làm việc trong ngành này, chúng tôi-được mệnh danh là những cán bộ trẻ tuổi vào lúc đó-đã trải qua nhiều đời tổng trưởng, từ hàng tướng lãnh, học giả, viên chức hành chánh, cho đến các chuyên viên hàng đầu. Tình thật mà nói, mỗi ông một vẻ, mỗi ông có cách đối phó, mỗi ông có thế lực chính trị riêng, đường lối chỉ đạo riêng, không ông nào giống ông nào. Vì thế, có nhiều cách nhìn về hiệu quả của công tác thông tin, dân vận và địch vận mà bên chính phủ gọi bằng từ ngữ chung “dân vận-chiêu hồi”.
Muốn xác định hiệu quả của công tác trên, tôi nghĩ cần phải có một cuộc nghiên cứu sâu rộng ngay từ đương thời. Rất tiếc vào lúc đó, do nhu cầu chiến tranh cấp bách, các thẩm định về hiệu quả của công tác thông tin, dân vận và chiêu hồi chỉ có tích chất cục bộ và trong một số trường hợp mang tính chủ quan. Điều oái oăm nhất cho những cán bộ quốc gia chúng tôi, sự thẩm định hiệu quả của ngành thông tin, dân vận và chiêu hồi VNCH lại do đối phương của chúng tôi thực hiện đánh giá sau khi họ chiếm được Miền Nam Việt Nam. Sự đánh giá của họ nổi hiện rất rõ rệt thái độ của những thẩm vấn viên Việt Cộng. Họ biểu lộ một thái độ giận dữ và thậm chí thù hận đối với những cán bộ quốc gia ngành thông tin, dân vận và đặc biệt là chiêu hồi khi họ thẩm cung chúng tôi trong các trại tù Cộng Sản.
Tôi nhớ rất rõ là trong cuộc thẩm vấn để “tuyển lựa” các thành phần “không thể cải tạo được” để tống lên trại trừng giới A-20 là một trại không có ngày về, theo một kế hoạch gọi là “Phương Án 4”, người thẩm vấn tôi là Thượng Tá Hoàng Thanh đã nói thẳng: “Người trong ngành tuyên truyền như chúng mày thì ngày về còn xa vời lắm. Chúng mày đã nhúng vào máu anh em chúng tao (Việt Cộng) nhiều rồi. Chúng mày đã chích nọc độc lẫn thuốc kích thích vào quần chúng lao động, nông dân, các thanh niên để họ cầm súng lao vào chống lại cách mạng. Giữ chúng mày lâu trong trại giam là khoan hồng rồi. Chỉ cần thả chúng mày ra ngoài cổng trại kia thôi là dân họ xé xác chúng mày”.
Viên sĩ quan công an cao cấp này còn nói rất nhiều, cho đến nay tôi không còn nhớ hết. Tuy nhiên, có một chi tiết mà tôi cũng rất khó quên và cho tới sau này trong trại tù khi trải qua bất cứ một cuộc thẩm vấn nào khác, tôi điều bị nhắc nhở. Đó là việc hồi chánh viên Lê Xuân Chuyên, Huỳnh Cự, Tám Hà, Xuân Vũ bị xử tử ngay tại cầu Bình Triệu. Tôi biết là bọn này hay dùng tên tuổi những hồi chánh viên “gộc” và cho họ bị xử tử đề hù chúng tôi. (Mãi 8 năm sau tôi mới kiểm chứng được chỉ có Lê Xuân Chuyên là cấp hồi chánh viên cao nhất bị hành quyết ngay hồi Tháng 5 năm 1975). Còn hồi chánh viên Huỳnh Cự tôi gặp lại tại trại Hàm Tân Z-30C và A-20.
Những năm sau cùng ở A-20, ông Huỳnh Cự cũng bị cùm trong biệt giam để Hà Nội vào điều tra một sự việc xem ra cũng rất nghiêm trọng mà chính ông cũng không hé môi. Ông được thả ra trước tôi vài tháng. Khi về tôi còn gặp lại ông tại căn nhà ở đường Hàng Sanh. Nhưng sau cái Tết năm 1990, một hôm đứa con gái ông lên nhà tôi báo cho biết “Bố bị đụng xe chết rồi”. Vụ đụng xe này có nhiều điều mờ ám mà chính chị Châu, vợ ông cũng cho tôi biết như vậy. Bà khiếu nại nhiều nơi đòi mở cuộc điều tra, nhưng nội vụ chìm xuồng luôn mà gia đình cũng chẳng được bồi thường đồng nào. Trước ngày tôi lên đường sang Hoa Kỳ, bà Huỳnh Cự có mời cơm tiễn đưa. Chị khóc và nói: “Anh mất rồi thành thử chị xuống tinh thần. Chị vẫn nghi cái thằng đàn em cũ của anh cố tình cán chết anh ấy. Xứ này chẳng còn đáng sống nữa. Em có đi thì cũng đừng thèm quay về cái vùng đất đầy hận thù và máu me này”.
Tôi nhắc lại một số kỷ niệm này chỉ để muốn nói rằng, bên cạnh cuộc chiến súng đạn, cuộc chiến thông tin, tuyên truyền, dân vận và chiêu hồi của chúng tôi cũng gây thiệt hại không nhỏ cho đối phương. Mức độ trừng phạt hay trả thù nặng đối những cán bộ quốc gia khi lọt vào tay Việt Cộng là cách đánh giá tương đối chính xác và thực tế. Tôi chưa thấy một trưởng ty thông tin, trưởng ty chiêu hồi hay sau này trưởng ty dân vận chiêu hồi nào dưới 5 đến 15 năm tù nếu chúng lượng định đúng mức điều mà chúng gọi là “có nợ máu nhân dân”. Nợ máu nhân dân là một nhóm từ để chỉ mức độ nhưng cán bộ quốc gia gây thiệt hại cho đối phương về phương diện chính trị hay chiến tranh tâm lý.
Cá nhân, tôi trải qua những giai đoạn thẩm cung của những thẩm sát viên Cộng Sản liên quan đến những dữ kiện sau đây:
-Có tham gia vào chương trình thả truyền đơn kêu gọi hồi chánh, giấy thông hành cho hồi chánh viên và đài (radio set) vào mật khu, vùng xôi đậu không? (Đây là chương trình của Bộ Chiêu Hồi trước đây và sau thành chương trình của Bộ Dân Vận-Chiêu Hồi)
-Có tham gia vào kế hoạch căng biểu ngữ, khẻ khẩu hiệu, thả truyền đơn, vẽ cờ quốc gia trước cửa nhà dân chúng trong các đô thị hay làng mạc hay không. (Chương trình của các Ty Thông Tin hay Chi Thông Tin, sau này thành Ty Dân Vận Chiêu Hồi hay Chi Dân Vận Chiêu Hồi).
-Có tham dự vào chương trình phát thanh trên loa phóng thanh từ máy bay không? (Thường thường trong các cuộc hành quân, có chương trình phóng thanh kêu gọi cán binh Việt Cộng buôn súng ra đầu hàng, nhưng đây là chương trình của Phòng Tâm Lý Chiến Sư Đoàn hay Quân Đoàn hợp tác với các đài phát thanh địa phương thực hiện).
-Có giúp phổ biến chương trình Chiêu Hồi “Tiếng Chim Gọi Đàn”, chương trình kịch “Gia Đình Bác Tám”, những bài bình luận đả kích cách mạng, các chương trình phóng sự chiến trường mà Cộng Sản coi là chích thuốc kích thích làm cho lớp thanh niên Miền Nam Việt Nam lao tới “bắn vào nhân dân”. (Những chương trình “ăn khách” nhất của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia).
Thật ra, lúc đầu bị hành hạ nặng mà mình chưa quen thì cũng có giây phút tuyệt vọng. Nhưng sau khi đã trải qua đến năm tù thứ tư thì không còn gì phải giấu diếm. Khi không còn phải giấu nữa thì sống bình thản vì biết rằng chúng hành hạ chán rồi cũng phải có lúc chúng chán trò hành hạ của chính chúng.
Chúng tôi bắt đầu giở trò “bựa” từ năm tù thứ năm bằng cách khai bừa vì biết rằng dù có khai thật, hay gian thì cũng vẫn tù lâu như thường và có thể chết trong tù. Chẳng hạn như có một lần, một thẩm sát viên thuộc A-24 của Cục Trại Giam Miền Nam (như lời chính anh ta tự giới thiệu) hỏi tôi: “Anh có biết ông Hoàng Đức Nhã, Bộ Trưởng Thông Tin đấy, bây giờ nằm trong tay chúng tôi không. Cải tạo cũng tốt rồi, chính phủ cũng sẽ khoan hồng thôi, nhưng chưa phải bây giờ”. Tôi phải nén lắm mới không bật cười. Tôi hỏi lại anh ta: “Thế ạ, bây giờ tình trạng sức khỏe ông ấy ra sao, thưa cán bộ”. Anh ta tỉnh bơ: “Nói chung là tốt, chính sách đặc biệt, tôi mới gặp ông ta tuần trước. Nói chung vào vào cái thuở thất tuần như thế thì nay khỏe mai yếu, không biết sao được anh ạ”. Vào năm đó, 1984, ông Nhã mới có 41 tuổi và đang ở Hoa Kỳ!
Những năm giữa của thập niên 80, các câu chuyện đại loại như thế này trở thành câu chuyện vui giữa đám tù nhân với nhau và tôi nghĩ chúng tôi thoát qua khỏi những nghịch cảnh có lẽ cũng nhờ những chuyện khôi hài đen như thế.
Nhìn chung chung thì lịch sử của ngành thông tin tuyên truyền là lịch sử của của những cơ cấu mà hành pháp VNCH sử dụng như là những phương tiện dân vận và địch vận hữu hiệu nhất. Tuy là mỗi tỉnh có một ty thông tin và nhiều chi thông tin ở nhiều quận, nhưng vì thiếu phương tiện và bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nên hoạt động cũng bị giới hạn rất nhiều.
Cho nên khi chiến tranh lan rộng và khi cuộc đấu tranh chính trị giữa tự do và Cộng Sản được đẩy lên cao điểm, xương sống của tuyên truyền chính là ngành truyền thanh, truyền hình và điện ảnh. Lý do dễ hiểu là vùng thẩm âm của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia có thể bao phủ 80% dân số VNCH và với làn sóng ngắn định hướng, có thể phủ sóng đến các vùng đồng bằng Bắc Bộ, và với một chiếc radio nhỏ mang theo khi ra đồng hoặc trong những nhà máy người dân Miền Nam Việt Nam có thể nghe được phần phát thanh Tiếng Nói Việt Nam Cộng Hòa phát thanh từ thủ đô Saigon trên sóng trung bình và sóng ngắn.
Dĩ nhiên, vào thời chiến, ngành truyền thanh, truyền hình và điện ảnh đều là của chính phủ cho nên chính sách đối với truyền thông đại chúng là chính sách chung phù hợp với đường lối chống Cộng. Nhưng đường lối để thi hành của mỗi cơ quan khác nhau và ngay cả mỗi thời kỳ của mỗi viên chức cầm đầu các ngành này cũng có những kế hoạch thi hành khác nhau trên con đường đi tới cùng một mục tiêu. Có ông đòi hỏi nhân viên của mình làm việc với vận tốc, có ông phải thật chín chắn chắc ăn rồi mới làm, có ông thích tư tưởng của Âu châu, có ông thiên về lối làm việc của Mỹ, có ông có những suy nghĩ bảo thủ thủ, có ông chủ trương cởi mở và cấp tiến mới thuyết phục được quần chúng.
Nói chung là mỗi vị chỉ huy có cái lý riêng để bênh vực cho đường lối thi hành chính sách tâm lý chiến của chính phủ. Tôi không đi sâu vào những tranh cãi, mà vào thời gian của giữa thập niên 60s, nó chỉ có tính chất lý thuyết chứ không đưa đến một quyết định cụ thể nào. Vào thời điểm ấy, hệ thống truyền thanh quốc gia có hai chương trình cùng có mục tiêu tố cáo tội ác Cộng Sản cả. Một là chương trình “Gia Đình Bác Tám” và một là chương trình “Tội Ác Cộng Sản”. Hai nhà sản xuất (producer) của hai chương trình khác nhau nên giọng điệu (tone) của chương trình cũng khác nhau.
“Gia Đình Bác Tám” một vở kịch truyền thanh ngắn mộ tả sinh hoạt của một làng xóm ở thôn quê Miền Nam Việt Nam. Sinh hoạt nông nghiệp, mối tình kín đáo, những câu chuyện ngộ nghĩnh ở làng quê là nội dung chính yếu. Thế nhưng chen vào giữa câu chuyện chòm xóm với nhau là một vài lời nhắc nhở đến chuyện Việt cộng đắp mô xa lộ làm tắc nghẽn chuyện làm ăn buôn bán của dân chúng, chuyện các pháo thủ cộng sản pháo kích vào chợ, vào trường học, đặt mìn các tiệm ăn trong thành phố có người Mỹ lai vãng, chuyện đêm đêm cán bộ kinh tài Việt cộng lẻn về thu thuế ở những làng xã xa xôi hẻo lánh... Nhiều khi chỉ một hai câu đối thoại trong kịch bản dài 25 phút, nhưng do công phụ thực hiện, tài diễn xuất của các nhân vật kịch, nhạc bối cảnh nghe là thấy hình ảnh một thôn xóm miền Nam rồi và đối thoại dí dỏm, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng đã hấp dẫn hàng triệu thính giả.
Đối lại, chương trình “Tội Ác Cộng Sản” là một ký sự truyền thanh được thực hiện cũng rất công phu, dựa trên một tài liệu rất quí của một cơ quan đánh giá công tác bình định HES, một cơ quan đánh giá và nghiên cứu Mỹ bên cạnh Bộ Nội Vụ VNCH cùng với những cuộc phỏng vấn các nhân chứng từng là nạn nhân Cộng Sản. Về phương diện chuyên môn, ký sự truyền thanh này hội đủ tính chất chuyên nghiệp của một chương trình phát thanh, nhưng số thính giả ở dưới mức so với chương trình “Gia Đình Bác Tám” đến 40% , theo cuộc thăm dò thính giả hàng năm. Lý do chỉ là vì cái “tone” cứng, mang vẻ một cáo trạng hay bạch thư của người viết chương trình. Hơn nữa phần phỏng vấn không được cân bằng nên thính giả không tin cậy lắm.
Tôi đưa ra một chi tiết nhỏ ở ngành truyền thanh của chúng tôi để thấy rằng đây là một căn bản và nền móng của nghề nghiệp, nhưng rõ ràng cách nhìn của người thực hiện chương trình không những đã khác xa nhau mà có khi còn khác với lối suy nghĩ của cấp chỉ huy trực tiếp của họ và trong nhiều trường hợp chính những cấp chỉ huy này lại không đồng nhất với những chỉ thị từ trên bộ thông tin, dân vận hay chiêu hồi.
Những năm chúng tôi mới chập chững bước vào nghề ở tuổi 22, 23, lý tưởng ngăn làn sóng đỏ còn cao nên thường hay có thói quen trình bày hết những gì chúng tôi nhận thấy có điều không ổn về thực tế hay lý thuyết với cấp chỉ huy của mình, đôi khi trong những buổi họp chỉ trích ngay cả những điều thừa thãi trong kế hoạch thực hiện một chiến dịch tuyên truyền. Thế là có đụng chạm, nhiều khi chỉ ngấm ngầm thôi, nhưng đôi khi làm tuổi trẻ thối chí.
Do đó, khi thử thách sinh mạng của mình ngay sát cạnh những người lính VNCH trên chiến trường, vài anh em chúng tôi tìm ra được con đường phục vụ, tránh được những va chạm, đại loại như các xác quyết: “Các cậu trẻ quá, chưa có kinh nghiệm. Làm như thế này, thế này thì địch nó sẽ lợi dụng khai thác”. Câu này tôi nhớ gần như nguyên văn, vì chính tai tôi đã từng nghe hàng trăm lần mỗi khi từ chiến trường về tôi đưa ra đề nghị cải tiến phương thức loan báo tin chiến sự hay thay đổi cách viết bình luận, phân tích về tình hình chiến sự. Cái kẹt cho chúng tôi trong một thời gian dài là không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của cách nhìn thực tế cuộc chiến của giới cán bộ trẻ được huấn luyện đầy đủ và những thành phần chỉ huy giáo điều. Thành thử mỗi người chúng tôi phải có những cách “lách” quan điểm đại loại “địch nó sẽ lợi dụng khai thác” để tránh kịch bản phóng sự truyền thanh của mình bị làm hỏng hay bị bỏ xó.
Trong suốt 11 năm làm việc cho Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, cơ quan của tôi trải qua nhiều đời tổng trưởng, nhưng chỉ có hai đời tổng trưởng là cơ quan của tôi làm việc “rộng chân, rộng tay và mạnh miệng”, không sợ phạm húy. Đó là thời Tổng Ủy Viên Thông Tin Nguyễn Bảo Trị, một tướng lãnh VNCH thời nội các chiến tranh và dưới thời một tổng trưởng mới có ngoài 30 tuổi, đó là ông Hoàng Đức Nhã.
Tuy là một tướng lãnh, nhưng Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị lại là người có một cách nhìn rất thoáng về chính sách thông tin, tuyên truyền. Ông chủ trương, người làm thông tin phải được huấn luyện chuyên môn. Dưới thời ông, cấp chúng tôi còn rất nhỏ chỉ là phóng viên truyền thanh thôi, nhưng mỗi lần gặp một phóng viên truyền thanh ông thường yêu cầu nán lại sau mỗi cuộc họp báo hay lễ lạt để trao đổi ít câu chuyện, khuyến khích chúng tôi đọc thêm sách, báo ngoại quốc, nghiên cứu sách báo của đối phương, trau dồi ngoại ngữ và có cơ hội là phải đi tu nghiệp ở nước ngoài. Tướng Nguyễn Bảo Trị cũng là người đầu tiên giúp Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia trở thành cơ quan tự trị và Bộ Thông Tin chỉ còn giám hộ về đường lối và cũng từ thời Tướng Nguyễn Bảo Trị, cơ quan chúng tôi trực tiếp nhận được học bổng tu nghiệp ở Hoa Kỳ nhiều hơn trước đây.
Người lãnh đạo ngành Dân Vận-Chiêu Hồi khi hai bộ thông tin, chiêu hồi sát nhập làm một là ông Hoàng Đức Nhã, một người còn rất trẻ tốt nghiệp ở Hoa Kỳ. Ông nổi tiếng là người gây ra những va chạm và bị lãnh tiếng thị phi chỉ vì kế hoạch cải tổ nhanh chóng và trẻ hóa ngành dân vận chiêu hồi. Những va chạm giữa ông và những người suy nghĩ ngược lại sự cải tổ và trẻ hóa không phải là những chuyện gì đặc biệt mà chỉ thời ông mới có. Đây là vấn đề đã lưu cữu trong ngành thông tin và chiêu hồi trong nhiều đời qua nhiều vị tổng trưởng, nhưng tới khi Hoàng Đức Nhã có cơ hội ngồi vào vị trí lãnh đạo ngành tuyên truyền đầu não, ông đã thực hiện ngay những suy nghĩ mới mẻ của mình.
Thực ra, những người có quan điểm bảo thủ rất khó chấp nhận những biện pháp có thể tạm gọi bằng danh từ “bạo tay” của ông Nhã vào thời điểm đó. Nhưng các biện pháp cải tổ đó mở ra một con đường cho giới trẻ chúng tôi thực hiện hoài bão của mình, giúp tiếng nói và những ý kiến của chúng tôi được tôn trọng hơn. Tuy nhiên, thế hệ lớn hơn chúng tôi lại thường nhìn những người trẻ như là những người chưa có kinh nghiệm điều hành một văn phòng, trong khi những công việc hàng ngày được chúng tôi thực hiện suông sẻ. Ai cũng biết tuổi trẻ thế nào cũng không thể tránh được những lầm lỗi, nhưng ngược lại họ có một thời gian dài trong công vụ trước mặt nên còn nhiều cơ hội để sửa chữa.
Một tháng, tôi có mấy ngày tạm rời mặt trận, tạm rời những tin tức chiến sự ở các vùng chiến thuật để về Saigon với gia đình, nghỉ ngơi, vui chơi với bạn bè, đồng nghiệp. Những dịp này, đám bạn tôi thường lo nhậu nhẹt và dẫn tôi đi “phá mồi” để nếu có đứa nào “xỉn” thì chở về giùm, nên cũng không màng bàn tới tương lai của mình. Nhưng rồi cũng tới một lúc chúng tôi nhận ra rằng, nếu tình trạng “bỏ ngoài tai chuyện công danh” thì đến một lúc nào đó lý tưởng của chính chúng tôi cũng bị hoen ố vì cách làm việc thủ cựu, câu chấp, quan cách hành chánh của một số người đi trước.
Ở cơ quan chúng tôi, một trưởng phòng phóng viên phải là người từ hàng ngũ phóng viên được cất nhắc lên, một trưởng phòng bình luận phải là một biên tập viên bình luận hay một chánh sự vụ của một sở chuyên môn tin tức sẽ không thể là một Phó Đốc Sự mà phải là những người đã từng lặn lội trong cái biển tin tức ồ ạt trùm phủ lên cả đất nước đang trong tình trạng chiến tranh. Nếu đúng cách nhìn chuyên môn và nghề nghiệp là phải như thế và nếu không đúng như thế thì phải cải tổ. Mà đã cải tổ là phải thay đổi. Nhưng thay đổi thì không tránh được phản ứng và người chủ trương cải tổ không tránh được tiếng thị phi, những lời dèm pha, nói xấu, thậm chí bóp méo hay bôi nhọ.
Hoàng Đức Nhã, một thanh niên mới ngoài 30 tuổi đã giữ một vị trí rất quan trong trong Hội Đồng Nội Các và khi mới ngồi vào ghế tổng trưởng được vài tháng, ông đã thực hiện ngay một kế hoạch trẻ hóa ngành Dân Vân-Chiêu Hồi. Những người trẻ tuổi tốt nghiệp từ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh hay tốt nghiệp cử nhân, cao học từ các trường đại học khác được tuyển dụng vào hạng chuyên viên hạng A, sau một thời gian ngắn nghe thuyết trình về kinh nghiệm của một số những người đi trước đã được bổ nhiệm vào các chức vụ phụ tá Tổng Trưởng, Tổng Thư Ký, Giám Đốc, Trưởng Ty, Chánh Sự Vụ, Chủ sự phòng… thay thế một số những người cũ. Dĩ nhiên, những người mới bước vào ngành như thế thì vui, nhưng người phải ra đi không vui. Bao giờ mà chẳng vậy?
Nhưng riêng trường hợp ông Nhã thì tiếng thị phi nặng hơn, lưu cữu mãi cho tới khi những cán bộ quốc gia gặp nhau trong tù Cộng Sản vẫn còn nghe, đại loại như “Ông Nhã bị Tướng Ngô Quang Trưởng đánh bạt tai ở phi trường Đà Nẵng”, nhưng khi hỏi tới ngày giờ, tháng, năm thì không ai cung cấp được, nào là tướng Phạm Văn Phú rút súng đòi bắn ông Nhã ở phòng Khánh Tiết Dinh Độc Lập, nhưng khi hỏi vào dịp nào và đều là sĩ quan cao cấp, các ông có biết khi bước vào dinh Độc Lập thì súng ông đã phải “clear” và gởi an ninh hay không, thì không ai trả lời một cách dứt khoát. Phần lớn những anh em trẻ trong tù khi nghe được những tiếng thị phi này thường bỏ ngoài tai và cho rằng mấy đàn anh của mình điên mới tin những chuyện nhảm nhí như thế ! Vả lại những tướng lãnh của VNCH đâu có phải là tướng lãnh của một đất nước vô chính phủ!
Thời gian của 40 năm qua, những niềm vui khi được cử nhiệm và những nỗi buồn khi phải rời chức vụ cũng đã không còn nữa bởi vì nước nay đã mất và tóc người nào cũng bác trắng rồi. Khi đã đủ can đảm cải tổ bao giờ cũng có nhiều điều hay nhưng cũng không thiếu điều dở. Cũng vậy, thời ông Hoàng Đức Nhã có những kế hoạch làm được, nhưng cũng có nhiều công tác không làm không được. Dù muốn hay không, khi đánh giá về một con người cần nghiên cứu, phỏng vấn, đối chiếu tài liệu cho thật chính xác, nhất là nay đã gần 4 thập niên sau.
Bài viết của tôi không có mục tiêu nghiên cứu mà chỉ thuần là viết ra cách nhìn của một cộng sự viên đã từng có thời gian chia sẻ với “big boss” của mình những giây phút quan trọng nhất vào giai đoạn nóng bỏng khi Henry Kissinger sang Saigon để ép buộc chính phủ VNCH phải ký tắt vào bản dự thảo Hiệp Đinh Paris nhưng đã bị chính Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã tìm ra tới 64 điểm trong đó có 28 điểm quan trọng cho thấy Mỹ trói tay VNCH. Tổng Thống Thiệu đã bác bỏ bản dự thảo Hiệp Định năm 1972 căn cứ vào những điều ông Nhã nêu ra và điều này dẫn đến việc Hoa Kỳ phải tái oanh tác Bắc Việt và phải sửa chữa lại bản dự thảo hiệp định.
Chuyện này đã trở thành quá khứ. Có người nhớ, nhưng có người cũng đã quên. Cựu Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã nay cũng đã bị xếp vào loại “senior” rồi. Ông cũng đã nghỉ hưu để có rộng thời giờ hơn để viết một cuốn sách liên quan đến các vấn đề chính trị và quân sự VNCH ở vào thời đại của ông và đi gặp những người đã từng làm việc với ông trong giai đoạn mất còn của đất nước để vui, để tâm sự hàn huyên và cũng là để đóng góp vào một database ông đang thành lập để cho thế hệ trẻ sau này có thể tra cứu và đối chiếu với những tài liệu đã bị phía Cộng Sản bóp méo. Ông nói: “Đó là cái giá chót mà tất cả mọi người chúng ta cần làm trước khi qua đời”.
Vũ Ánh
Theo Việt Herald
Ý kiến bạn đọc
01 Tháng Ba 20118:00 SA
haile948
Khách
Hòang-Đức-Nhã trong tư-cách Tổng-trửơng chiêu-hồi thời bấy giờ rất là gượng ép đầy miễn-cưỡng. Vì tư-cách, tư thế và quá-trình cá nhân của Ông ta. Quân-lực VNCH trừ bọn nịnh và thân-nhân của Ông ta, ngòai ra chả có ai tin tưởng Hòang-Đức-Nhã có khả-năng đó. Cho đến bây giờ số phận những người về chiêu-hồi với VNCH ( Thựơng-tá Tám-Hà.....Thiế-ta Trần-Quốc-Dân........) có tin báo "Không kiểm-chứng được" đã bị...bí-mật giao trả lại cho cọng-sản Bắc-việt ? Trên mạng chả thấy nói đến ! Báo Việt hải-ngoại cũng mù tịt âm u.