BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72637)
(Xem: 62055)
(Xem: 39154)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khu Trục Yễm Trợ An Lộc

11 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 2351)
Khu Trục Yễm Trợ An Lộc
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Lời người viết: Bài viết ghi lại chi tiết trận đánh từ một số đồng đội mà tôi liên lạc được. Xin quí NT từng tham gia trận chiến bổ túc thêm chi tiết cho bài viết được phong phú.

 

An Lộc, một địa danh không những quen thuộc với người dân miền Nam từ tháng Tư 1972 mà còn nổi bậc trên thế giới, nhất là giới quân sử, qua trận tử thủ khốc liệt 68 ngày. Nhiều nhà quân sử so sánh trận An Lộc không kém các trận chiến lịch sử của thời Thế Chiến. Người Mỹ hãnh diện về trận Khe Sanh vào tháng Ba 1968 sau 72 ngày tử thủ thì quân dân miền Nam cũng hãnh diện với chiến thắng ở An Lộc.

An Lộc, một tỉnh lỵ nhỏ với dân số hơn sáu mươi ngàn nằm về hướng bắc Saigon khoảng 100 Km, bắc có Lộc Ninh, nam là Chơn Thành, Lai Khê và Bình Dương trên cùng quốc lộ 13. An Lộc thuộc vùng III chiến thuật dưới sự yểm trợ của 3 Sư Đoàn Bộ binh 5, 18 và 25 cùng 3 đơn vị lưu động. SĐ-5 ở Lai Khê trách nhiệm về vùng Bắc, SĐ-18 ở Xuân Lộc trách nhiệm vùng Đông và SĐ-25 ở Tây Ninh trách nhiệm vùng Tây. Bản doanh Quân Đoàn III đặt tại Biên Hòa. Những đơn vị tăng phái cho chiến trường An Lộc gồm SĐ-21 và TĐ15/SĐ-9 từ vùng IV, Lữ Đoàn 81Biệt Cách Dù và Lữ Đoàn1Nhảy Dù.

Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tung 3 Công Trường (Sư đoàn của một vùng) 5,7 và 9 cùng với 2 Trung Đoàn 202 và 203 tăng, tổng số gần bốn chục ngàn quân từ biên giới Cao Miên cho cuộc Tổng Tấn Công vào đầu tháng Tư 1972. Các tiền đồn của ta lần lược thất thủ trong mấy ngày đầu, tiếp theo là tỉnh lỵ Lộc Ninh vào ngày 6 tháng Tư 1975. CT-5 sau khi chiếm Lộc Ninh tiến về hướng nam trên QL-13 đánh bung một tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 52/SĐ-5, tiểu đoàn còn lại lui về An Lộc. Trong khi CT-9 tiến đánh An Lộc từ hướng tây và CT-7 đóng chốt tại Tàu Ô trên QL-13 chận đường tiến quân của ta đến tiếp tay An Lộc.

An Lộc đứng vững là nhờ sự chiến đấu anh dũng đến giọt máu cuối cùng của người lính Cộng Hòa, trong đó chúng ta phải kể đến sự yểm trợ hữu hiệu của Không Quân Việt-Mỹ. Trong phạm vi bài nầy tôi xin ghi lại những phi vụ yễm trợ của phi cơ khu trục thuộc Sư Đoàn III KQ bên cạnh các đơn vị KQ tham chiến tại An Lộc.


Hàng đứng từ trái: Phạm V. Lượm, Nguyễn N. Lành, Trần V. Khiến, Nguyễn V. Chín, Nguyễn V.Tùng, Nguyễn T.Bá
Hàng ngồi từ trái: Nguyễn V. Chuyên, Lê V. Long, Nguyễn Q.Vĩnh, Nguyễn V. Hai, Nguyễn M. Xuân, Nguyễn V. Bé

Sư Đoàn III KQ gồm những phi đoàn:

- 2 Phi Đoàn Quan sát 112 và 124

- 2 Phi Đoàn Khu trục cánh quạt 514 và 518 (Skyraider)

- Phi Đoàn Khu trục phản lực 522 (F-5)

- Phi Đoàn Trực thăng Chinook 237, 4 Phi Đoàn Trực thăng UH-1 (221, 223, 231, 245) và một Biệt đội tản thương 259E.

Sư Đoàn V KQ gồm những phi đoàn tham dự trận An Lộc:

- Phi Đoàn 819 (AC-119G)

- 3 Phi Đoàn Vận tải (421,423 và425) C-123

- Biệt Đội Trinh sát 716( EC-47)

Một số phi công quan sát và trực thăng tăng phái từ vùng IV.

Không Quân Hoa Kỳ gồm quan sát, A-1 skyraider, F-4, C-130, AC-130 Specter và B-52.

Không Quân Việt Nam đã chứng minh sự lớn mạnh, kinh nghiệm và hữu hiệu qua sự yểm trợ An Lộc và đã thi hành tất cả những phi vụ giao phó một cách nghiêm chỉnh và can đảm trước mạng lưới phòng không đáng ngại. CSBV dùng phòng không 12.8 ly và SA-7, một số cán binh leo lên ngọn cây cao bắn vào đoàn trực thăng vỏ trang, chuyển quân, tiếp tế và tản thương. Các phi đoàn trực thăng đã đóng góp hữu hiệu vào cuộc chiến và cũng đón nhận thiệt hại khá to, đáng kể nhất là PĐ-223. Sau khi 2 chiếc Chinook (CH-47) bị bắn rớt, thành phần yểm trợ tiếp vận trên không được KQVN C-123 đảm trách kể từ ngày 12 tháng Tư. C-123 chỉ thả dù tiếp vận chính xác ở cao độ thấp nhưng lại bị cản trở bởi phòng không.

Chiếc C-123 đầu tiên bị bắn rớt ngày15-04 và chiếc thứ hai vào ngày 19-04. Kể từ giây phút nầy KQ Mỹ đảm trách yểm trợ tiếp vận bằng C-130 với kỷ thuật HALO (high altitude, low opening) thả từ 20.000 bộ dù tự động mở từ 500 đến 800 bộ. Trinh sát điện tử (EC-47) dò tần số, theo dõi điện đàm của VC.... AC-119 trang bị 4 Minigun 6 nòng với tốc độ 6.000 viên 1 phút. Đ/u Trần văn Tám ghi nhận không những bay đêm mà còn cả phi vụ ban ngày. Anh thấy rõ VC mặt quần cụt chạy như kiến trên mục tiêu giữa QL13 và đường rầy xe lửa phía Tây An Lộc. Anh hạ thấp cao độ và bắn cho đến hết đạn trước khi rời mục tiêu. Phi công quan sát bay hằng giờ trên mục tiêu, biết rõ vị trí bạn cũng như địch và hướng dẩn phi cơ khu trục đánh chính xác và hiệu quả vào mục tiêu mà quân bạn đang đối đầu.
Hai phi đoàn khu trục cánh quạt Skyraider cùng với phi đoàn khu trục phản lực F-5 yểm trợ cho An Lộc. F-5 mang 4 trái 500 cân và A-1 Skyraider mang 6 trái 500 cân hay 12 trái 250 cân cho mỗi phi cơ, phi công A-1rất ít sữ dụng 4 cây đại bác 20 ly mà chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp như yễm trợ cho chiếc bị rớt hay nhận rõ tính chất mục tiêu . Mỗi phi đoàn có khả năng trung bình từ 14 đến 16 phi xuất trong ngày. Mặc dầu chiến trường An Lộc bắt đầu sôi động nhưng Bộ Tư Lịnh KQ quyết định tăng phái PĐ-518 của chúng tôi ra Đà Nẵng 7 ngày kể từ 4-4 cho chiến trường Quảng trị. Nơi đó Đ/u Trần Thế Vinh và Đ/u Phan Quang Tuấn đã hy sinh cho Tổ Quốc . PĐ-522 và 514 yễm trợ quân bạn trong những ngày đầu cuộc chiến. Ngày 6-4 Đ/u Trần Văn Mười PĐ-514 dẫn phi tuần đến Lộc Ninh đã ghi nhận nhỉều phòng không 12.8 ly bắn lên kèm theo đạn lửa (tracer) và những đóm khói đen trên bầu trời của 37 ly từ các ụ phi cơ trong phi trường sau khi VC vào Lộc Ninh. VC rất ít dùng đạn lửa trừ khi vị trí bị lộ. Anh ghi nhận chưa bao giờ thấy nhiều phòng không bắn lên như vậy trong cuộc đời bay bổng.

Ngày 10-4 PĐ-514 ra Đà Nẵng thay PĐ-518. Chiều ngày 11-4 Đ/u Nguyễn Văn Chín PĐ-518 dẫn phi tuần 2 A-1 với 6 bom nổ 500 cân và chiếc số 2 là cố vấn Mỹ (Bennet) mang 6 trái bom xăng đặc (naphalm) 500 cân chận đánh đoàn xe tăng 5 chiếc trên QL-13 khoảng giữa Lộc Ninh và An Lộc. Đ/u Chín ghi lại các tăng chạy thật nhanh mặc dầu bị phủ đầu bởi những trái bom lửa với chiến thuật thả thấp 50 m trên đầu tăng để gây hiệu quả tối đa. Ông Bennet chịu chơi hết mình! Lâu lâu mới bay một phi vụ lại là lần đầu gặp 5 tăng thì còn gì sung sướng cho bằng, chẳng khác chi “lân thấy pháo”. Cũng may là không bị SA-7 nó chiếu cố cho bằng thích. Vì thắt mắc Đ/u Chín hỏi lính Dù về việc sao tăng có thể chạy được với sức nóng giết người như vậy? Lính Dù cho biết khi đạp chân ga vào là tăng ngừng lại, ngược với tăng VNCH. Không biết đây là lời nói chơi hay nói thật?

Buổi sáng ngày 12-4 lúc 10 giờ, tôi dẫn phi tuần 2 A-1 mang 6 trái 500 cân cho mỗi chiếc có mặt ở phía bắc An Lộc 2 km. Số 2 là một Tr/u nhưng không nhớ tên. Mục tiêu là 3 chiếc tăng chạy thật nhanh từ khu rừng già băng đồng cỏ tranh trống trải đến An Lộc. Sau khi chúng chạy được 2 km thì bị chận đánh, những quả bom rớt thật gần tăng nhưng không chận được 3 tăng, cuối cùng có hai chiếc đâm vào vòng đai thành phố còn chiếc thứ 3 quay đầu chạy ra hướng Đông-Bắc và sau cùng đâm xuống con sông. Phải chăng chân ga bị bỏ không?

Ngày 17-4 PĐ-514 trở về sau 7 ngày tăng phái, hợp tác với PĐ-518 và PĐ-522 để thực hiện những phi vụ dọc theo hai bên QL-13 gần An Lộc và Tàu Ô. Ba phi đoàn khu trục thực hiện trung bình 46 phi xuất mỗi ngày cho phía Tây, Tây-Nam An Lộc, đồi 169, đồi Gió nằm về phía Nam An Lộc 3 cây số và Tàu Ô. Th/t Nguyễn Văn Phong hay “Phong Già” PĐ-518 anh xuất thân từ hạ sĩ quan và cao niên hơn chúng tôi khá nhiều nhưng vẫn bay “mút mùa” như anh em khác. Anh ghi nhận tất cả các phi công bay hai phi vụ mỗi ngày. Số phi xuất nầy còn tùy thuộc vào số phi cơ khả dụng do hai đoàn bảo trì và vũ khí đảm trách. Họ làm việc ngày đêm để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của chiến trường. Tuy tầm vóc không so bằng người Mỹ nhưng biết khai thác dụng cụ đúng mức và kinh nghiệm có thừa đã hoàn tất nhiệm vụ giao phó trong thời gian tối thiểu.

VC dùng nhiều phòng không 12.8 ly, SA-7 và số ít 37 ly với những đóm khói đen ở trên không. Phi cơ là những con chim sắt nhào xuống kéo lên làm bia cho VC nhả đạn và “đạn tránh phi cơ, phi cơ không tránh đạn”. Các vị trí phòng không được ngụy trang khéo léo và không dùng đạn lửa, cho nên chúng tôi không bị áp đảo tinh thần mà bình tĩnh trong lúc vào thả bom. F-5 có nhiều lợi thế hơn qua hai yếu tố tốc độ nhanh và thả bom ở cao độ cao. Th/t Nguyễn Đình Lộc F-5 ghi nhận thời tiết trên mục tiêu không mấy khả quan.

Các phi vụ yểm trợ cho quân bạn gần như ở cùng vị trí từ ngày này sang ngày khác nhiều nhứt về hướng Nam, Tây-Nam An Lộc 3 km vì đôi bên tranh dành từng tấc đất. Hằng chục tấn bom do ba phi đoàn khu trục mang đến mục tiêu mỗi ngày và nện lên đầu bọn khát máu “sinh Bắc tử Nam” gần sát với quân ta nhưng không một trái bom nào lạc vào quân bạn. Đôi khi trên tần số FM (tần số liên lạc với bộ binh) chúng tôi nghe được lời yêu cầu của quân bạn là đánh sát hơn vào họ một chúc nữa. Nhưng vì sự chính xác và sức công phá của quả bom không cho phép người phi công vượt qua tầm giới hạn tối thiểu. Hai Trung đoàn 147/CT-7 và 275/CT-5 đẩy lui LĐ Dù ở đồi 169 và đồi Gió ngày 19-4. Trong lúc yễm trợ cho Tiểu đoàn Dù ở đồi Gió phi cơ của Đ/u Phạm Văn Huệ PĐ-514 bị trúng phòng không địch, anh nhảy dù và bị bắt làm tù binh, sau đó được trao trả tù binh vào năm 1973.


Công trưòng 5 và 9 quần thảo với 4.000 ngàn lính VNCH tử thủ trong An Lộc. Những người lính Cộng Hòa quyết đem xương máu bảo vệ từng tấc đất cho thành phố đổvỡ do trăm, ngàn trái đạn pháo trong ngày. Vào đầu tháng Năm, BV đem hai TĐ 141 và 165 thuộc CT-7 từ Tào Ô đến Nam và Tây-Nam An Lộc để hợp tác với thành phần còn lại của CT-5 và CT-9 quyết chiếm tỉnh lỵ nầy trong vài ngàynhưng không quá một tuần. Đó là lời hứa của Tuớng lãnh đạo CT-5 với BV. Phi cơ B-52 chiến thuật lại được tận dụng trong những ngày tới.

Hơn một tháng qua B-52 đã cày nát vùng phía Tây QL13 trong nhiều cây số vuông ở Tây An Lộc và Tàu Ô. Đó là vùng khai hoang trước đây, những thân cây khô giờ ngã xuống được thay bằng một vùng đất đỏ với những hố bom khổng lồ. Cũng trong thời gian nầy SĐ-21 tiến chiếm Tân Khai trên QL-13cách An Lộc 10 km để làm đầu cầu yễm trợ pháo cho An Lộc. TĐ-15/SĐ-9 từ vùng IV đến Tàu Ô ngày15-5. Trong thời gian cao đỉnh này, với sự yễm trợ hữu hiệu của KQVN, người lính Cộng Hòa quyết tử thủ và liên tục đẩy lui các cuộc tấn công khốc liệt từ 11-5 đến 14-5. CS liên tục thất bại và thất vọng trong việc chiếm An Lộc đành kéo TĐ-141/CT-7 trở về Tân Khai. Đ/u Nguyễn Thế Qui dẫn phi tuần, chiếc số hai là Đ/u Nguyễn Cao Hùng PĐ-514 đánh nhiều chiến xa ở Tân Khai ngày 20-5. Cộng quân cố quấy phá đầu cầu pháo và lập chốt chận mức tiến quân cuả ta .

Phi cơ của Đ/u Hùng bi SA-7, người phi công gan dạ nầy đã làm tròn sứ mệnh mà Tổ Quốc giao phó “Bảo Quốc Trấn Không”. Anh đã thoát khỏi phi cơ nhưng chiếc dù định mệnh lại không mở. Kính chúc hương linh người KQ quá cố siêu thoát trên vùng trời An lạc. Tinh thần chiến đấu của người lính Cộng Hòa lên cao điểm. Tuy VC bắn hạ được vài phi cơ nhưng không làm tê liệt sự yễm trợ hữu hiệu của ba phi đoàn khu trục Phượng Hoàng PĐ-514, Phi Long PĐ-518 và Thần Ưng PĐ-522 thêm vào nhiều phi vụ trải thảm của B-52.

Ba phi đoàn thực hiện 46 phi xuất hay 55 tấn bom mỗi ngày. Người lính Không quân chiến đấu dũng cảm đi vào vùng lửa đạn để hoàn tất nhiệm vụ giao phó và bình thản trước sự hiểm nguy. CS thất bại trong việc phòng không ở An Lộc. Phi đoàn khu trục bị thiệt hại nhẹ so với số phi xuất thực hiện cho chiến trường An Lộc. CS bị thiệt hại nặng không còn đủ khả năng mở những cuộc tấn công đáng kể sau ngày 26-5, rút khỏi vòng chiến trong đầu tuần tháng Sáu 1972 và để lại mười ngàn xác. CS chọn An Lộc là liều lĩnh vì hậu cần của chúng ở xa, trong khi căn cứ Biên Hòa gần An Lộc, mỗi phi vụ chỉ mất một giờ bay.
Thêm vào chiến thắng vang lừng của quân dân miền Nam ở An Lộc trong mùa Hè Đỏ Lửa vẫn chưa làm sáng mắt người Mỹ trong việc bán đứng miền Nam qua Hiệp Định Ba Lê ngày 27-1-1973. An Lộc trở nên vùng đất lịch sử sau 68 ngày chống trả với bọn xăm lăng khát máu dưới chiêu bài giải phóng miền Nam do đàn anh Nga, Tàu chủ xướng. Xương máu người lính Cộng Hòa đánh đổi bằng tấc đất và Tự Do cho người dân miền nam Việt Nam.

17-01-2010

Phi Long 31

 

· Tài liệu tham khảo: The Easter Offensive of 1972 của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

· Tài liệu qua sự hợp tác khả dĩ của các cựu Phượng Hoàng: Trần Văn Mười, Nguyễn Thế Qui; Phạm Văn Huệ; cựu Phi Long: Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Chín; cựu Thần Ưng: Nguyễn Đình Lộc và cựu Hắc Long: Trần Văn Tám.

· Bản đồ không hoàn toàn đúng kích thước về tỷ lệ ở cực Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn