Lời người viết: Để tưởng niệm 37 năm ra đi của hai phi công Trần Thế Vinh và Phan Quang Tuấn thuộc PĐ-518 ở Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa, tháng 4 năm 1972. Để chia xẻ với thân nhân những người đã bỏ mình sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 mà bọn CS cho họ là những người mang “nợ máu”.
Cái không khí mát mẻ trên một cao độ bình phi xoa dịu cái nóng chói chang trên bãi đậu phi cơ và làm khô đi cái lưng tẩm ướt mồ hôi. Những áng mây trắng bồng bền dưới đôi cánh nhẹ nhàng trôi qua trên nền xanh biếc của biển Đông. Dãy trường sơn Tây im lìm nhấp nhô núi đồi. Ôi, miền Nam tươi đẹp!
Ngày thứ tư 7/4/72 CSBV tiếp tục di chuyển về hướng Tây Đông Hà trong rừng cây cao để tìm đường vào mạn Nam sông Miêu Giang. Các phi tuần khu trục tiếp tục truy kích địch về hướng Tây Đông Hà. Đ/úy Phan Quang Tuấn sau khi hạ nhiều chiến xa và không may cho anh, chiếc phi cơ bị phòng không địch bắn rớt, không bóng dáng của chiếc dù, không một lời giã biệt, anh đã ra đi và để lại bao thương tiếc. Tôi được lệnh đi lấy một chiếc khu trục đáp khẩn cấp ở Quảng Ngải vì lý do kỷ thuật nên mất một phi vụ hành quân.
Về phía CSBV họ đã thua trận, hàng chục chiến xa bị đánh tan nát hoặc hư hại, cùng với sự thiệt hại nặng nề về nhân mạng. Họ trốn chạy khi thấy phi cơ xuất hiện, điều nầy cho thấy tinh thần chiến đấu của họ bị sa sút. Vị tướng chỉ huy của họ không có kế hoạch an toàn cho đoàn xe hơn trăm chiếc khi thời tiết bắt đầu tốt, dĩ nhiên là đoàn xe đã bị một trận mưa bom trong ngày đầu ở gần Đông Hà. Tôi có cảm tưởng như trận Trân Châu Cảng khi quân Nhật đánh bom vào hạm đội Mỹ ở Hạ Uy Di. CS thiếu khả năng và yếu kém về chiến thuật để làm vô hiệu việc đặt mìn và phá xập cầu Đông Hà của quân ta, trong khi CS cần chiếc cầu nầy để đoàn xe đi qua. Với chiến thuật “rừng” của các tướng lảnh đã đưa CSBV đi vào chổ chết và thảm bại.
Đã ba mươi bảy năm rồi mà tôi khó quên đi hai người bạn Trần Thế Vinh và Phan Quang Tuấn trong cùng đơn vị đã nêu cao gương anh dũng, không lùi bước trước phòng không địch và hy sinh cho Tổ Quốc. Các anh tô đậm màu cờ, làm rạng rỡ sắc áo và xứng đáng là những người trai hùng. Các anh đã đóng góp cho cuộc chiến thắng ở Quảng Trị và ra đi cho mọi người được tiếp tục cuộc sống tự do.
PĐ-518 với danh hiệu Phi Long thuộc Sư đoàn III/KQ ở Biên Hòa, được trang bị loại phi cơ cánh quạt Skyraiders có khả năng mang 4.000 cân (lbs) bom, hỏa tiển và 800 viên đại bác 20 ly. Hầu hết các phi vụ là yểm trợ tiếp cận cho quân bạn do sự chính xác, khả dụng trong thời tiết xấu và thời gian ở lâu trên vùng làm việc.
Vào đầu tháng tư năm 1972, nếu tôi nhớ không nhầm đó là ngày 4/4/72. Mọi sinh hoạt của phi đoàn được coi là bình thường cho đến chín giờ rưởi sáng, tiếng gọi họp khẩn cấp của vị PĐ Trưởng, Th/tá Hùng, còn gọi là “Hùng râu” được loan đi. Cái không khí ồn ào, hoang mang lẫn nghiêm trọng bắt đầu đến trong phòng hành quân của phi đoàn. Những người hiện diện bắt đầu liên lạc người vắng mặt, kể cả các phi công nghỉ trong ngày. Tất cả các phi công có mặt tập hợp ở phòng họp của phi đoàn ngay sau đó. Buổi họp chỉ kéo dài năm phút. Th/tá Hùng tiếp: PĐ-518 được lệnh đem phi cơ và tăng phái cho Đà Nẵng một tuần. Tất cả Phi Long có hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị.
Th/tá T, PĐ Phó, sắp xếp các phi tuần bay ra Đà Nẵng.
Phi đoàn chia làm năm phi tuần và mỗi phi tuần bốn chiếc khu trục.
Tất cả rời phòng họp. Tôi phóng nhanh để liên lạc người em vợ trong căn cứ và nhờ nó chuyển tin đi biệt phái về nhà tôi. Tôi trở về phòng để lấy những gì cần thiết cho bảy ngày tăng phái, rồi ghé qua câu lạc bộ và ăn vội một dĩa cơm trưa truớc khi trở lại phi đoàn. Tất cả phi công có mặt lần lượt ra phi cơ và cất cánh đi Đà Nẵng.
Đây là lần đầu cả phi đoàn được biệt phái xa. Không ai biết cái nguyên nhân của chuyến đi. Nhưng mọi người đều liên tưởng đến cái nhu cầu khẩn thiết về hỏa lực hùng hậu của phi đoàn và khả năng tác chiến của phi công và phi cơ. Tôi thoáng nghĩ rồi đây người dân lành vô tội phải trả một giá khá đắc cho cuộc chiến mà CS gọi là “giải phóng miền Nam.” Chúng không ngần ngại chui trốn trong dân, dùng dân làm bia đỡ đạn và rồi tuyên truyền những gì bất lợi cho phía Quốc gia. CS đến đâu gieo tang tóc đến đó!
Cái không khí mát mẻ trên một cao độ bình phi xoa dịu cái nóng chói chang trên bãi đậu phi cơ và làm khô đi cái lưng tẩm ướt mồ hôi. Những áng mây trắng bồng bền dưới đôi cánh nhẹ nhàng trôi qua trên nền xanh biếc của biển Đông. Dãy trường sơn Tây im lìm nhấp nhô núi đồi. Ôi, miền Nam tươi đẹp!
Phi tuần bắt đầu giảm cao độ, hợp đoàn sát cánh của bốn chiếc khu trục trông thật hùng hồn như được đơn vị địa đầu giới tuyến chào mừng. Sau ba tiếng rưỡi, tất cả phi cơ đến nơi an toàn vào lúc bốn giờ chiều. Chúng tôi được chuyển đến hai căn nhà di động (trailers) gần bãi đậu phi cơ, đó là chỗ tạm trú cho phi đoàn trong mấy ngày tới.
Hai chiếc pick-up trucks màu xanh chở chúng tôi đến một nhà ăn trong căn cứ cho bữa cơm chiều lúc sáu giờ. Đây là bữa cơm vui nhộn nhất từ trước đến giờ với sự họp mặt của tất cả các Phi Long. Không ai nghĩ đến chuyện không may sẽ xảy đến, nhưng rồi đây một vài người trong chúng tôi sẽ ra đi vĩnh viễn trong mấy ngày tới. Trong khi chờ đợi thức ăn chúng tôi thưởng thức những ly trà đá sau một ngày thiếu nước. Kẻ nói người nghe trong bầu không khí ồn ào của nhà ăn. Vinh hay đùa để trấn an đồng đội trước những phi vụ nguy hiểm với câu: “Nghĩ đến đạn bắn lên làm gì? Chưa chi đã rét thì còn đánh đấm thế quái nào được?”
Sau bữa cơm chiều, chúng tôi họp tại phòng hành quân để nghe thuyết trình về tình hình chiến sự, thời tiết và địa thế vào lúc tám giờ tối. Đây là mùa thời tiết xấu trong năm mà CSBV dùng nó để mở đầu cho cuộc Tổng Tấn Công nhằm mục đích chiếm trọn vùng I. Bọn chúng vượt vĩ tuyến 17 với nhiều chiến xa T-54, PT-76 và quân xa, cùng nhiều sư đoàn chính huy đánh chiếm các căn cứ ở phía Bắc và Tây-Bắc Thị xã Dông Hà (phía Tây-Bắc Quảng Trị) trong mấy ngày qua. Đoàn chiến xa đang hướng về Đông Hà trên quốc lộ 1 như chỗ không người. Sư Đoàn I /KQ không thể sử dụng phi cơ phản lực A-37 vì thời tiết xấu. Buổi họp kết thúc lúc chín giờ tối, một ngày tăng phái trôi qua.
Ngày thứ hai đã làm cho CSBV biết thế nào là hỏa lực của KQ/PĐ-518. Bọn chúng không còn được ưu đãi với thời tiết xấu như mấy ngày qua, hay định mệnh đã an bài cho kẻ xâm lăng. Vào lúc ba giờ chiều thời tiết bắt đầu tốt từ Đà Nẵng đến Đông Hà. Những đám mây trắng nhỏ ở cao độ năm ngàn bộ. Tất cả phi cơ A-1 được điều động cất cánh. Phi tuần do tôi hướng dẫn là phi tuần thứ nhất trên mục tiêu với hai chiếc AD-6, được trang bị 12 trái 500 cân(lbs). Sau khi liên lạc phi cơ quan sát (L-19) trên vùng để nhận tin về mục tiêu, phi tuần cách thị xã Đông Hà năm dặm. Đông Hà nằm về hướng Bắc sông Miêu Giang. Một chiếc cầu đúc bắt qua sông Miêu Giang trên quốc lộ 1 hướng về Quảng Trị (xem bản đồ trận chiến). Tôi nhận ngay mục tiêu là một đoàn xe hơn 100 chiếc nối sát nhau dài khoảng 3 cây số về phía Tây Bắc Đông Hà. Chiếc T-54 dẫn đầu cách đầu cầu 300 thước. Tôi quẹo trái về hướng Tây để điều chỉnh vòng đánh theo trục Tây Bắc-Đông Nam dọc theo quốc lộ 1 và quẹo trái sau khi thả bom. Tôi đánh 10 chiếc xe tăng đầu trong khi phi cơ số hai đánh những chiếc tăng kế tiếp. Sau lần thả thứ hai, đang lúc kéo phi cơ lên, một tiếng nổ long trời, chiếc phi cơ của tôi bị nẩy lên. Tôi hốt hoảng không biết chuyện gì, nhưng nghĩ ngay là chiếc cầu Đông Hà đã được quân bạn cho mìn nổ xập. Tôi thấy phòng không từ đoàn xe và những cụm khói đen của 37 ly trên bầu trời. Chúng tôi thả hết bom lên đoạn đầu của đoàn xe và rời mục tiêu để bảy phi tuần A-1 kế tiếp vào đánh suốt buổi chiều hôm đó. Chiến xa BV tìm đường tẩu thoát ra hai bên quốc lộ một cách chậm chạp và khó khăn do sự cản trở lưu thông, phía Đông và Tây của quốc lộ hầu hết là ruộng lúa, trừ đoạn đầu của đoàn xe. Tất cả các phi công đã hoàn tất nhiệm vụ giao phó trong tinh thần hăng say, bất chấp phòng không và trở về đáp an toàn.
Ngày thứ ba 6/4/72, thời tiết trên vùng rất tốt. Sau một đêm CSBV mất hết tinh thần và cố tìm đường tránh không tập, các chiến xa ẩn núp dưới những tàng cây to, nhưng không che dấu được cặp mắt của phi công quan sát. Phi tuần của tôi có mặt trên mục tiêu vào lúc tám giờ rưởi sáng cho hai mục tiêu gồm bốn chiến xa dưới một tàng cây gần bờ sông ở hướng Đông quốc lộ 1, và một chiến xa ở hướng Tây. Phi tuần phá hủy hai mục tiêu dễ dàng. Phi cơ tôi bị trúng một viên phòng không 12.7 ly ở phần che bánh đáp bên phải được tìm thấy lúc vào bãi đậu. Nhiều phi tuần kế tiếp thanh toán các chiến xa ở hướng Tây và Tây Bắc Đông Hà. Th/tá Hùng oanh kích nhiều chiến xa ở 6 cây số về phía Tây Bắc Đông Hà. Phi cơ của anh bị trúng đạn phòng không, anh cố lái phi cơ ra khỏi mục tiêu, phi cơ mất dần cao độ và cuối cùng bị cháy. Anh nhảy dù và lái chiếc dù về phía Nam Đông Hà. CS bắn theo chiếc dù nhưng may cho anh và cuối cùng anh được quân bạn tiếp cứu.
Ngày thứ tư 7/4/72 CSBV tiếp tục di chuyển về hướng Tây Đông Hà trong rừng cây cao để tìm đường vào mạn Nam sông Miêu Giang. Các phi tuần khu trục tiếp tục truy kích địch về hướng Tây Đông Hà. Đ/úy Phan Quang Tuấn sau khi hạ nhiều chiến xa và không may cho anh, chiếc phi cơ bị phòng không địch bắn rớt, không bóng dáng của chiếc dù, không một lời giã biệt, anh đã ra đi và để lại bao thương tiếc. Tôi được lệnh đi lấy một chiếc khu trục đáp khẩn cấp ở Quảng Ngải vì lý do kỷ thuật nên mất một phi vụ hành quân.
Thời tiết bắt đầu xấu trở lại, không một phi vụ nào được thực hiện trong ngày 8/4/72. Sáng ngày 9/4/72, các chiến xa đã di chuyển xuống hướng Nam sông Miêu Giang gần chân núi và tiến về hướng Đông, đồng thời huy hiếp một căn cứ QLVNCH nằm về hướng Tây Nam của Đông Hà khoảng 7 cây số. Phi tuần của tôi gồm hai chiếc A-1 được trang bị 12 trái 500 cân(bls) cũng là phi tuần đầu tiên được điều động cất cánh lúc chín giờ sáng. Thời tiết rất xấu bắt đầu từ Huế, phi tuần hạ dần cao độ và bay dọc theo bờ biển với cao độ thật thấp vừa đủ thấy bờ biển trong lúc xuyên qua một đám mưa. Thật nguy hiểm! Thông thường phi vụ nầy phải được hủy bỏ vì thời tiết, nhưng vì nhu cầu khẩn thiết của quân bạn, sự nhiệt tâm của phi công, tôi tiếp tục hướng về mục tiêu. Sau ba phút phi tuần ra khỏi mưa, tôi lấy cao độ và sắp đến Đông Hà. Tôi liên lạc phi cơ quan sát và nhận rõ mục tiêu là 20 chiến xa đang dàn hàng ngang về hướng Tây và cách căn cứ 200 thước. Trần mây dầy đặc ở cao độ 1900 bộ(ft) đã làm cho vũ khí mang theo không mấy thích ứng với mục tiêu vì phi tuần cần có một độ cao tối thiểu để thả bom cho chính xác, nếu được trang bị hỏa tiển (rocket) chống chiến xa thì tốt hơn. Phi tuần vừa đến mục tiêu thì các chiến xa xã khói đen chạy về hướng Tây. Chúng tôi vào thả hết bom ngay tức khắc trước khi chúng chạy vào bìa rừng, phi tuần xuyên qua một màn lưới phòng không của địch. Khi kéo phi cơ lên, cả hai chúng tôi đều bị chui vào mây nhưng đã gở ra được. Phi tuần kế tiếp do Đ/úy C hướng dẫn cũng báo cáo phòng không của địch bắn lên rất mạnh. Anh nói chưa bao giờ thấy phòng không bắn nhiều như vậy trong cuộc đời bay bổng của anh và tưởng sẽ bị rớt trong phi vụ nầy. Phi tuần thứ ba do Đ/úy Trần Thế Vinh dẫn, tiếp tục thanh toán mục tiêu, sau khi đánh hết bom anh còn dùng đến đại bác 20 ly. Không may cho anh, đây là Phi Vụ Cuối Cùng trong nghiệp bay của anh. Phi đoàn mất thêm một Phi Long tài ba lỗi lạc trong chuyến tăng phái nầy.
Ngày mai là ngày đổi phi hành đoàn, PĐ Khu truc cánh quạt 514 từ Biên Hòa ra thay chúng tôi, đây cũng là lần tăng phái cuối cùng. Tôi cũng được biết một số anh em trong PĐ-514 kể lại là CSBV rất lo sợ mỗi khi có phi cơ khu trục đến mục tiêu. Một phái đoàn Mỹ từ hạm đội đến thăm viếng PĐ Khu trục, họ rất ngạc nhiên trước những phi vụ mà phi công A-1 đã thực trong thời tiết rất xấu và gọi các phi công là những người làm xiệc trên không. Lực lượng xâm lăng của CSBV đã bị QLVNCH dập nát và không còn khả năng chiếm vùng I trong cuộc Tổng Tấn Công. Do bản thống kê của phòng Quân báo, Đ/úy Trần Thế Vinh hạ 21 chiến xa, tôi, Đ/úy L hạ 17 chiến xa và Đ/úy Trương Phùng hạ 16 chiến xa ...(Trương Phùng đã hy sinh cho Tổ Quốc rạng sáng 29/4/75 tại phi trường Tân Sơn Nhất). Tôi đuợc chọn và đại diện cho KQ để tham dự lễ chiến thắng tại Saigon.
Về phía ta BTL/KQ đã quyết định đúng lúc và kịp thời gởi hai PĐ Khu trục để tăng cường hỏa lực cho vùng địa đầu giới tuyến và đối phó với thời tiết xấu trên mục tiêu vì phản lực cơ A-37 ở Đà Nẵng không thể sử dụng đuợc. Với kinh nghiệm của phi công và tầm chính xác của Khu trục cơ A-1 đã gây thiệt hại nặng nề cho CSBV. Một khuyết điểm nhỏ là vũ khí mang đến mục tiêu đôi khi không thích ứng với thời tiết trên mục tiêu. PĐ-518 thực hiện 52 phi xuất và thả 78 tấn bom trong chuyến tăng phái. Hai phi công của PĐ-518 đã hy sinh cho Tổ Quốc và ba chiếc A-1 bị bắn rớt.
Về phía CSBV họ đã thua trận, hàng chục chiến xa bị đánh tan nát hoặc hư hại, cùng với sự thiệt hại nặng nề về nhân mạng. Họ trốn chạy khi thấy phi cơ xuất hiện, điều nầy cho thấy tinh thần chiến đấu của họ bị sa sút. Vị tướng chỉ huy của họ không có kế hoạch an toàn cho đoàn xe hơn trăm chiếc khi thời tiết bắt đầu tốt, dĩ nhiên là đoàn xe đã bị một trận mưa bom trong ngày đầu ở gần Đông Hà. Tôi có cảm tưởng như trận Trân Châu Cảng khi quân Nhật đánh bom vào hạm đội Mỹ ở Hạ Uy Di. CS thiếu khả năng và yếu kém về chiến thuật để làm vô hiệu việc đặt mìn và phá xập cầu Đông Hà của quân ta, trong khi CS cần chiếc cầu nầy để đoàn xe đi qua. Với chiến thuật “rừng” của các tướng lảnh đã đưa CSBV đi vào chổ chết và thảm bại.
Tuy thời gian trôi qua theo năm tháng nhưng lòng tôi không quên sự chiến đấu oai hùng, dũng cảm và hy sinh của người lính Cộng Hòa để bảo vệ tự do và an lành cho người dân miền Nam. Chúng ta xin thắp nến hương lòng và nguyện cầu cho hương linh người quá cố sớm siêu thoát. Người lính Không quân cho dù mai một bao giờ cũng thể hiện tinh thần “ không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”.
Phi Long 31
Xuân 2009
* Cựu PĐ Trưởng Tr/tá L.Q.Hùng hiện ở Hawaii sau hơn 13 năm tù cải tạo.
* Cựu PĐ Phó và 21 Phi Long hiện sống rải rác trên các tiểu bang Hoa Kỳ.
Gửi ý kiến của bạn