BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73457)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nổi Lửa Bên Hồ Lớn

18 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1929)
Nổi Lửa Bên Hồ Lớn
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
I- Khi Vào tháng Sáu: Anh đang ở trong tình trạng lắng đọng sau một loạt náo động, hỗn loạn, và di chuyển chỗ ở. Giờ ngồi yên lại, thấm đau lẫn kiệt sức với những xé cào xưa cũ, cũng có phần do đỗ vỡ tai họa hôm nay, sau hai năm nỗ lực "tập sống như một người bình thường" ở tuổi quá năm mươi, buổi quá đỗi muộn màn để bắt đầu lần làm lại!! Nhưng sự thể không hẳn như vậy. Khi những giọt mưa đầu mùa Hè rơi xuống, từ trong thăm thẳm, xa xôi, tận cùng trí nhớ - qua âm mưa ray rứt của tháng Sáu – cũng dần thành hình lại Nỗi Đau luôn hiện mới… Nầy đây, lần tháng Sáu 1965, ngày vỡ trận Đồng Xoài, bắt đầu từ những ngày sau 10, 11… nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, với hằng trăm, lên đến số ngàn xác chết của Tiểu Đoàn 2/7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Tiểu Đoàn 52 Biệt Động, và đơn vị thân thiết đầu đời, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, mà người chết không thể kiểm kê chính xác, chỉ biết lấy tổng số cơ hữu xong trừ cho đám người hiện có mặt. Người sống sót ngồi nhìn nhau ngơ ngác, vô hồn ở sân cờ tiểu đoàn, đang là bãi hỗn mang chen chúc, gào kêu những người vợ lính quấn dối những vành khăn trắng xổ tung tưởi do những con nhỏ bấu víu khóc ngất… Ba, ba đâu má ơi!! Anh lúc ấy chỉ là cậu thiếu úy tuổi vừa qua hai mươi tuổi, nhìn trân vào mỗi người vợ lính với cảm giác có tội - Tội sống sót khi người khác phải chết- những người rất mực cần thiết cho một đơn vị gia đình mà anh không hề ý niệm đến.

Rồi tháng 6, 1975 để chính bản thân anh có cảm giác như chết đi từng phần trong cơ thể, khi quấy xong bình sữa cho con, mang vội chiếc túi nhỏ với cảm giác tuyệt vọng… Lần đi nầy cùng đành như cơn tử biệt, bởi thấy rõ chiếc bẩy sự chết đang dần sụp xuống, chắc chắn siết cứng lại… Tiếp tháng Sáu, 1976, đúng Ngày Quân Lực, bước xống tàu Sông Hương ở Tân Cảng, góc cầu xa lộ Sài Gòn- Biên Hoà, nhìn ra xa, Sài Gòn xao xác ánh điện vàng đục, giòng nước sông cuồn cuộn lẫn màn đêm… Giữa cảnh sống thú vật, tệ hơn con thú vì phải ngồi im không cử động, tiểu, đại tiện trên cùng một chỗ trong suốt hành trình hai ngày đêm đi ra "miền Bắc xã hội chủ nghĩa", so với cái chết nơi giòng nước trong xanh của biển trời phương Nam, chắc chắn ngàn con người dưới những căn hầm tàu địa ngục nầy nếu có quyền chọn lựa, sẽ quyết định dễ dàng. Mười bốn năm sau, anh trở về với cảm giác đau xót nguyên vẹn của lần lâu dài bị lăng nhục. Bước chân vào căn phòng với tủ sách trống vốc, lăn lóc nhàu nát cuốn tập con anh tập viết những giòng chữ đầu đời. Con mình bây giờ ở đâu? Cũng tháng Sáu gớm ghê nầy của năm 1990, mười năm trước mà anh tưởng chừng như hôm qua, ngay hôm nay, khi anh từ phi trường Tân Sơn Nhất trở về… Vào căn nhà người vừa ra đi, nhìn lên tấm lịch - Hôm nay, 8 tháng Sáu, sinh nhật của Nh… Em và con bây giờ nơi đâu?

II- Cờ Lên Trong Vũng Lửa: Nhưng tháng Sáu không hẳn chỉ là thời điểm đau thương, tuyệt vọng, khốn cùng như trên, mà đã là lần lịch sử chuyển mình, núi rừng, đất trời miền Nam đồng vang dội chiến công- Quân Nam quyết liệt xốc tới nơi những chiến trường Quảng Trị, Bồng Sơn, Kon-Tum, An Lộc… hiện thực một lần nghĩa vụ linh thiêng muôn thuở của Người Lính – Bảo Quốc An Dân - Sứ mệnh không hề nói thành lời, và được hiện thực với chính máu xương của những con người vô danh cao thượng mà Đằng Phương, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy mấy mươi năm xưa đã viết nên những giòng máu lệ ngợi ca hùng tráng,
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…

Anh đến Chicago đúng Ngày Quân Lực, 18 Tháng Sáu 2000, để nói cùng những người lính lòng hy sinh vô hạn đáng tự hào nầy - Những người lính đã tồn tại sau mười, hai mươi, ba mươi năm dưới bom đạn cực độ, nơi những trại tùø như "Cổng Trời" Quyết Tiến ở Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Thanh Phong, Thanh Cẩm, Lam Sơn hậu thân hệ thống trại giam Lý Bá Sơ… Những địa danh có số mộ chí gấp đôi, gấp ba lần số tù hiện diện, và người sống sót cũng chỉ là những xác thân khô kiệt di động chờ ngày chôn xuống huyệt. Những người lính anh gặp ở Chicago mùa Hè năm nay là những người sống sót qua dài trận bão lửa thống khổ, nhục nhằn và nguy biến cực độ mà chắc rằng không một người lính của bất cứ quân đội nào, thuộc bất kỳ một sắc dân nào trên thế giới có thể bền bĩ chịu đựng với mức độ kiên cường siêu nhân kỳ lạ đến ngần ấy. Kỳ tích thầm lặng đơn lẽ với phận của "mỗi con người - mỗi người lính" nầy chắc chắn phải có một động lực vô vàn cao thượng thúc dục. Anh có bổn phận nói đúng, đầy đủ, và chính xác về nội dung xã kỷ, quên thân nầy, bởi nếu im lặng sẽ là cách đồng lõa với thái độ vô ân đáng nguyền rũa, và phải bị nghiêm khắc lên án.

Nội dung vĩ đại trên được thực hiện qua những cảnh tượng hùng tráng: Ngày 25 tháng 6, 1972, chiến dịch tái chiếm Quảng Trị khai diễn với các đơn vị, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, lực lượng diện địa của Tiểu Khu Quảng Trị, phối hợp với các chi đoàn chiến xa, thiết quân vận của Quân Đoàn I, được yểm trợ bởi các đơn vị pháo cơ hữu, và của vùng chiến thuật. Đoàn quân quyết tử phục hận đồng vượt tuyến xuất phát Sông Mỹ Chánh tiến theo trục chính Bắc với mục tiêu cuối cùng - Cổ thành Đinh Công Tráng hay Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng Trị - mà quân ta phải tạm lìa bỏ từ 29 tháng Tư do những ước tính sai lầm của những cấp chỉ huy, từ viên tổng thống tại Dinh Độc Lập, đến hàng tướng lảnh chiến trường. Sự sai lầm tai hoạ của những kẻ kia nay được chuộc bằng giá máu của vạn người lính xé thân nơi chiến trường.

Từ Ngã Ba Long Hưng, cửa ngỏ phía Nam Quảng Trị, điểm tiến quân cao nhất của Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù trong ngày 7 tháng 7, 1972, đến cổ thành đoạn đường dài khoảng một cây số, và bề ngang từ nhà ga phía cực tây đến làng công giáo Tri Bưu phía đông, khoảng cách cũng có bề rộng tương tự. Trên khoảng đất rộng hơn cây số vuông kia, mười lăm ngàn người lính của những đơn vị kể trên đã thay phiên nhau bò, trườn, ẩn núp, gọi pháo, đánh bom, ném lựu đạn, đánh cận chiến ngày lẫn đêm suốt đoạn thời gian liên tục 67 ngày, để đến ngày 14 Tháng 9, 1972 những người lính tiểu đoàn 1 và 6 TQLC đồng lần siết chặt mục tiêu, dựng ngọn Cờ Vàng bay lộng trên gạch đá điêu tàn, giữa tiếng đạn, khói thuốc súng của trận chiến đang hồi kết thúc.


Cờ lên
Cờ lên
Giữa vũng lửa
Quân, dân bật khóc nước mắt ứa
Một lần cờ bay trên thành xưa
Bao phần máu xương muôn lính đổ…

Để thực hiện được giây phút hùng vĩ cảm xúc nầy, mỗi người lính với thân thể nặng không quá năm mươi ký-lô phải mang một khối nặng tương tự trên lưng gồm hai bộ áo quần, poncho, chiếc võng và tấm đắp, bốn ngày lương thực và gạo, 250 viên đạn XM 16, hai hỏa tiễn chống chiến xa M72, sáu trái lựu đạn… Với khối nặng gần bằng thân thể kia, bắt đầu từ ngày khai diễn chiến dịch, họ chỉ ăn cơm sấy, uống nước hố bom lẫn thịt, xương người; họ chỉ có những giấc ngủ chập chờn đứt khoảng của ban ngày, và xử dụng bóng tối ban đêm để giành lại từng phân đất trên giãi chiến trường ngang dọc một cây số như vừa kể. Chiến tích kỳ diệu nầy ắt phải được nung nấu từ một nguồn thúc dục vô vàn mãnh liệt mà không thể mua bằng một giá biểu lương bỗng nào dầu cao đến bao nhiêu, chắc chắn cũng không do từ một huy hiệu, cấp bậc tưởng thưởng… Người lính đã bậm chặt môi, nghiến răng xốc tới bởi từ dưới những đụn cát loang lỗ vùng Hải Lăng, Giáp Hậu, chen giữa những xác chết nặng mùi có những dạng người cử động… Những người sống sót từ lần thảm sát khi rờøi bỏ QuảngTrị trong ngày 29 tháng Tư, trên đường chạy về Huế, lọt vào ổ phục kích vùng hoả tập tiên liệu của đơn vị cộng sản, chín cây số nam La Vang kéo dài đến cầu Câu Nhi Phường, xã Giáp Hậu, quận Hải Lăng. Những người sống sót hồi sinh với tiếng nói đứt khúc, thì thầm hấp hối… lính tới…lính cộng hoà tới

III- Tình Thương. Nguồn Ân Lộc Không Hề Cạn. Tham dự cùng cuộc trường chinh nhọc nhằn với người lính từ bước đầu khởi cuộc có một nhân dáng nhỏ bé, yếu đuối, âm thầm chịu đựng với nỗi chết canh cánh không rời- Người Vợ Lính. Đây là một đối tượng bị ngộ nhận một cách thô bạo và đáng chê trách qua tất cả những chữ nghĩa, văn hóa phẩm (của Miền Nam trước 1975, mà hiện nay ở hải ngoại thì lại hứng chịu cách đối xử lạnh nhạt, coi khinh)… Những người đàn bà nầy, từ lúc tuổi vừa qua hai mươi, đã gánh chịu những giờ phút nguy nan thắt thỏm mà không phương cách chống đở, làm nhẹ đi. Họ thức dậy rất sớm vào buổi sớm mai khi đơn vị di chuyển hành quân để sửa soạn cho người chồng bữa điểm tâm kham khổ với ý nghĩ không hề được nghĩ hết… Biết đâu đây là lần… chót!! Họ bế đứa con còn quá nhỏ không hề biết đang xẩy ra lần tạm biệt hay chia ly đành đoạn với người cha; hai mẹ con thu người lại dưới ánh đèn đoàn xe GMC đang rời hậu cứ… Và người đàn bà, cô thiếu nữ đang ở tuổi thanh xuân kia trở về khu trại gia binh để chờ đợi (một lần rất khả thể) vào một buổi nào đó… Viên sĩ quan chỉ huy hậu cứ sẽ đến gõ cửa nhà với câu nói khó khăn, ngắn lạnh - Chị chuẫn bị ngày mai theo xe hậu cứ lên nghĩa trang nhận… anh!! Và nếu biến cố bi thảm nầy không xẩy ra, người đàn bà dần qua hết tuổi trẻ để cùng chia sẻ với chồng một ngọn nguồn đau thương, cảnh sống cạn kiệt thống khổ, lần Miền Nam bị bức tử cùng đành, sáng sớm ngày 30 tháng Tư, năm 1975. Vợ và những đứa con người lính là đối tượng xếp hạng thứ 14 trong 15 giai cấp xã hội, loại sau cùng nầy là thành phần tù hình sự can án cướp của, giết người với trường hợp gia trọng theo cách định giá chính trị của chế độ cộng sản Việt Nam.

Con đường từ ga Thanh Hóa vào các trại tù Lam Sơn, Thanh Phong, Thanh Cẩm dài khoảng năm chục cây số đường chim bay; đây là đường thượng sơn nối vùng núi non thượng lưu sông Đà, dẫn lên mạn Lai Châu, Yên bái, Nghiã Lộ, Điện Biên Phủ… hành lang thông qua vùng trung và bắc Lào. Đường hiểm trở chạy quanh co giữa những rặng núi đá vôi dựng trường thành, làm thành một trở ngại thiên nhiên vô cùng lợi hại mà ngựa Mông Cổ thế kỷ 13 dẫu dẫm nát toàn cõi lục điạ Á, Âu vẫn không thể nào xâm nhập được. Đến thế kỷ 15, đạo binh xâm lược Nhà Minh đang ở đỉnh cao cường thịnh cũng không thể bén mảng vào đến những căn cứ địa Lam Sơn, Chí Linh của nghĩa quân Lê Lợi. Xe thiết giáp bọc sắt của quân đoàn viễn chinh Pháp trong chín năm 1945-1954 cũng đành thúc thủ dưới đồng bằng. Cuối cùng, biệt kích Mỹ với vũ khí tối hảo cũng không có cơ may đổ bộ, tấn công. Và bản thân những người lính bộ đội cộng sản, dẫu trong những ngày kháng chiến vệ quốc chưa lộ mặt, vẫn phải ngã gục trên đoạn đường gai góc nầy
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Chiến trường đâu có tiếc ngày xanh…
Để rồi, Anh bạn dãi dầu không bước nỗi
Gục bên mũi súng bỏ quên đời!!(Tây Tiến, Quang Dũng)

Nhưng, người đàn bà, người Vợ Lính, người Mẹ Miền Nam, đã đi đủ với chồng hằng mười năm, hai mươi năm khổ nạn quê hương. Họ ra đi lúc trăng non nơi Miền Nam, và đến trại lúc trăng nhạt màu héo úa, đầu trần chân đất, với gói quà cứu đói dành giụm từ Miền Nam để nói cùng chồng trong dăm mười phút thăm nuôi, lời trung hậu đơn giản… Anh yên tâm, ở nhà có em lo

Chỉ những tiếnglời nhỏ bé ngắn gủi vừa kể trên- Người Lính đã và vẫn kiên cường xốc tới bởi đã một lần nhận lãnh- vô lượng tấm lòng Người vợ Miền Nam.

Thủy chung anh chỉ có một tấm lòng để nói cùng những Người Lính ở Tháng Sáu đau thương nhưng bi tráng, kiệt liệt đáng tự hào - Tháng Sáu 1972 chỉ có một lần trong đời người.

19 tháng Sáu, 2000
Phan Nhật Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn