BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77168)
(Xem: 63229)
(Xem: 40630)
(Xem: 32267)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngày nào vẫn còn đoàn quân Mũ Đỏ...

15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 2926)
Ngày nào vẫn còn đoàn quân Mũ Đỏ...
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Mến tặng các đồng đội thân thương của tôi thuộc tiểu đoàn 8 Nhảy Dù.

 Như một nén hương tưởng nhớ về trung úy Quách Giang, đại đội trưởng đại đội 84, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù. Sau khi trở về từ trại tù cải tạo, trung úy Quách Giang đã bị bắt lại khi chuyến vượt biên bị bại lộ. Và khi thực hiện cú vượt trại không thành công, cánh đại bàng đã tự kết thúc cuộc đời của mình ngay trong trại giam tù vượt biên.

 Vào những ngày chớm xuân của năm 1975, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù rút ra khỏi vùng chạm tuyến sông Bồ, về đóng quân trên đèo Phú Gia. Phú Gia là một ngọn đèo thấp, nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân, hướng về phía cố đô, thuộc quận Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Đại đội 84 giữ nhiệm vụ bảo vệ cho BCH tiểu đoàn, từng trung đội rải chốt trên các đỉnh đồi, đào hầm hố củng cố hệ thống phòng thủ. Anh em vươn vai thoải mái hít thở bầu không khí trong lành của những ngày cận Tết, tạm quên đi những năm tháng chật vật nhọc nhằn trong vùng chạm tuyến.

Đại úy Đồng văn Minh, đại đội trưởng đại đội 84 lên giữ chức vụ trưởng ban 3 tiểu đoàn. Trung úy Quách Giang, một trung đội trưởng kỳ cựu của đại đội 81, gốc Thiếu sinh quân, về nắm quyền chỉ huy đại đội 84. Trung úy Quách Giang quê quán ở Buôn mê Thuột, người tầm thước, dáng vẻ nhanh nhẹn, trong đêm tối anh em vẫn nhận ngay ra được trung úy Quách Giang nhờ giọng nói khàn khàn đặc biệt. Trước đó vào dạo cuối năm 1974 trong trận đánh ác liệt ở Thường Đức, Quảng Nam, các sĩ quan trung đội trưởng của tiểu đoàn 8 Nhảy Dù không một người nào còn sống sót mà không lãnh mảnh đạn vào nguời. Trung úy Quách Giang được tải thương từ mặt trận về tổng y viện Cộng Hoà điều trị vết thương, trại tổng quát 7 của tổng y viện Cộng Hòa ngày ấy chật ních các thương binh của su đoàn Nhảy Dù chuyển về từ mặt trận Thường Đức.

Trung úy Quách Giang về nắm quyền đại đội trưởng đại đội 84, dưới trướng là các trung đội:

- Trung đội 1: - Thiếu úy Vũ đình Hải, tức Hải râu hoặc Hải đen, trung đội trưởng.

- Chuẩn úy Phạm văn Hải, tức Hải nhỏ, phụ tá trung đội trưởng, từ tiểu đoàn 11 ND bổ xung về tiểu đoàn 8 ND sau trận Thường Đức.

- Trung sĩ I Lê viết Hưng, trung đội phó.

- Trung đội 2: - Thiếu úy Thanh, trung đội trưởng, từ tiểu đoàn 7 ND bổ xung về tiểu đoàn 8 ND trong trận Thường Đức.

- Trung sĩ I Thao, trung đội phó.

- Trung đội 3: - Thiếu úy Nguyễn minh Trung, trung đội trưởng.

- Chuẩn úy Lê văn Nam, phụ tá trung đội trưởng, từ tiểu đoàn 11 ND bổ xung về tiểu đoàn 8 ND sau trận Thường Đức.

- Trung sĩ I Trần phục Quốc, trung đội phó.

 *****


Chuẩn úy Phạm văn Hải dừng bước chân, lấy ra điếu thuốc châm lửa đốt:

- Hay là tụi mình vào quán kiếm chút gì ăn đi.

- Ừ, tôi cũng thấy đói bụng lắm rồi.

Cả ba người băng qua bên kia đường. Ngay phía đầu của khu chợ Thừa Lưu là một quán giải khát, phía bên ngoài treo một tấm biển đã ố vàng ghi dòng chữ - có bán mì, hủ tíếu. Quán khá rộng, bên trong bày biện vài bộ bàn ghế, trên vách tường treo vài bức tranh sơn thủy, mọi thứ có vẻ ngăn nắp, sạch sẽ. Thấy có khách vào, người con gái đang lim dim trên chiếc ghế bố bỗng choàng tỉnh dậy, cô ngượng ngùng đưa tay vuốt vội mái tóc, xốc lại vạt áo, cô e ngại không biết lúc mình đang nằm ngủ, người khác có nhìn thấy điều gì xấu xí trên thân thể của mình không.

- Chào thiếu úy, các thiếu úy cần dùng chi ạ?

Chuẩn úy Phạm văn Hải ngước mắt nhìn cô với vẻ không hài lòng:

- Ờ! ờ!...Tôi chỉ mới là chuẩn úy thôi. Cô đừng thăng cho tôi lên cố thiếu úy như vậy chứ.

Cô gái hoảng hồn ấp úng:

- Xin lỗi, xin lỗi…

Phạm văn Hải cố tình làm cho lớn chuyện:

- Cô biết không, nhà binh có những điều kiêng kỵ mà đã là người lính thì phải biết để tránh. Khi đi hành quân, người nào mà ăn thịt kỳ đà thì coi như đã tới ngày tận số. Hoặc là những người mới cưới vợ nếu đi trận thì phần lớn sẽ không có ngày trở về. Tôi cũng chẳng muốn lên cố thiếu úy đâu cô ạ.

Cô gái lại càng hoảng sợ như mình vừa phạm phải tội sát sanh, giọng cô như nài nỉ:

- Em, em…xin lỗi…anh.

Tiếng “ anh “ cô thốt ra thật nhỏ, chỉ loáng thoáng nhận ra.

Phạm văn Hải cười ha hả trong lòng khi thấy cá đã cắn câu, cứ ghép đại một tội lỗi nào đó vào một người thì sẽ dễ dàng nắm phần chủ động. Cô gái xinh xắn quá, cô có đôi mắt to của một con búp bê, làn da trắng mịn màng, vài nốt tàn nhang nghịch ngợm trên đôi má, chiếc mũi cao đài các, thân hình cao ráo thon thả.

Cô gái cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng khi thấy chuẩn úy Phạm văn Hải nở một nụ cười thật tươi:

- Cô ơi, quán có nhạc nghe cho đỡ buồn không vậy hở cô?

- Dạ có ạ, nhưng mà thiếu…

Cô kịp thời dừng lại, rồi nhanh nhẹn sửa chữa:

- Nhưng mà anh muốn nghe bản nhạc nào ạ.

Phạm văn Hải dùng những ngón tay gõ lên mặt bàn thành một điệu Rumba rồi cất tiếng hát nho nhỏ:

Qua một rừng hoang, gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai…

Một thoáng mến phục hiện lên khuôn mặt của người con gái, nàng nhanh nhẹn gật đầu:

- Có, bản “ Hoa trinh nữ “ này em thích lắm, để em mở các anh nghe. Nhưng các anh uống gì cho em biết.

- Cô cho chúng tôi 3 tô mì trước nhé.

- Vâng, xin các anh chờ một lát.

Nàng quay vào bên trong, vài phút sau đã nghe tiếng hát Thanh Lan ngọt ngào trong bản Hoa trinh nữ phát ra từ chiếc máy cassette.

Chuẩn úy Lê văn Nam nheo mắt cười:

- Thằng Hải nhỏ này chỉ thích… trinh nữ thôi.

Bỗng có tiếng nói từ bên trong nhà vọng ra:

- Hương ơi, lát nữa đi chợ nhớ mua thêm đường cát nghe con.

- Dạ mệ, con nhớ rồi.

 Cô gái trở ra, đặt lên bàn 3 tô mì nóng hổi bốc khói.

Hải nhỏ ngước mắt lên nhìn cô:

- Hương ơi, có ớt cho tôi xin vài trái nha.

Hương giật mình kinh ngạc, luống cuống làm rớt chiếc thìa xuống đất:

- Trời, sao lại biết tên em…

Nàng cúi xuống nhặt chiếc thìa, từ trong cổ áo thoáng hiện ra một cõi thiên thai, mềm mại một mầu trắng trinh nguyên của phấn hoa với chút nụ hồng, tròn trịa mịn màng, khiến người ta cảm thấy xao xuyến cả tâm can. Bầu ngực no tròn tràn đầy sức sống ấy gợi lên cái đẹp đẽ nhiệm mầu nhất của một đời con gái, như báu vật đặt ở chốn trang nghiêm trong tử cấm thành, tự dưng cái tà ý vừa mới trỗi dậy đã biến mất ngay, người ta lặng lẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu của tặng vật ấy một cách trang trọng hơn cả mớ triết lý vụn có trên cõi đời này.

Hương cầm chiếc thìa lên:

- Chờ em một lát, em đi lấy cái thìa khác.

Chính cái hồn nhiên vô tư, chẳng biết sự gì của Hương khiến cho người ta có cảm giác đã phạm phải một tội lỗi, cái tội nhìn trộm một người con gái trong trắng ngây thơ.

 Sau khi đã dằn bụng bằng tô mì thơm phức, mọi người cảm thấy tỉnh táo hẳn ra. Một hớp café đá vào buổi trưa trời đổ nắng sao mà thơm ngon đến thế, lại một hơi thuốc Capstan khiến cho cuộc đời lâng lâng nhẹ bớt nỗi ưu phiền.

Một bà bác, mái tóc đã điểm sương, từ trong nhà bước ra. Bà bác tiến đến gần khiến ba người vội vã cất tiếng chào:

- Chào bác !

Bà bác vội xua tay:

- Các cậu cứ tự nhiên cho. À, buổi ăn uống hôm nay là tôi đãi các cậu đó nghe, đừng e ngại gì cả.

Hắn cảm thấy không được an lòng nên cất tiếng:

- Thưa bác, bác cứ để chúng cháu trả tiền, nếu không lần sau chúng cháu sẽ chẳng dám ghé vào đây nữa đâu.

Bà bác nhìn lên cổ áo của hắn, cười cười:

- Thì ra cậu là thiếu úy, cậu là cấp chỉ huy của hai cậu chuẩn úy này phải không?

Hắn vội vã thanh minh thanh nga:

- Dạ không phải như thế, tụi cháu đều là bạn bè cùng chung một đại đội, cấp chỉ huy của chúng cháu là một ông trung úy cơ ạ.

Bà bác kéo một chiếc ghế, chậm rãi ngồi xuống, bà nhìn ba người lính với ánh mắt thật dịu dàng:

- Đã lâu lắm rồi tôi mới được nhìn lại màu áo hoa dù này. Các cậu biết không, tôi rất quí mến những người lính Nhảy Dù như các cậu.

Ba anh em cảm thấy bỡ ngỡ trong lòng. Ánh mắt bà bác đăm chiêu hồi lâu, và rồi như lui dần vào quá khứ:

- Hồi tết Mậu Thân, tôi về Huế chúc tết gia đình và kẹt lại ở đó giữa lúc chiến trận xảy ra ngay bên trong thành phố. Tôi cứ đinh ninh rằng phố Huế đã lọt vào tay địch quân và sẽ không bao giờ lấy lại được nữa, vì địch đã làm chủ thành phố hơn một tuần lễ, họ đông lắm, vác súng đi ngờ ngờ trên đường phố, lúc ấy tôi không biết quân của mình ở đâu, tôi không thấy ai cả. Thật là đau đớn, thật là tuyệt vọng. Nhưng rồi được tin Nhảy Dù đang về cứu lấy Huế thân yêu của chúng tôi ra khỏi tay địch quân, nghe tin ấy chúng tôi mừng đến chảy nước mắt. Chúng tôi nắm chặt tay nhau như truyền hơi ấm, chắc chắn một điều là Nhảy Dù sẽ chiếm lại Huế cho chúng tôi, thật là cám ơn trời phật chúng ta vẫn còn có một đạo quân tinh nhuệ, thiện chiến vô song. Buổi sáng hôm ấy tôi đã chứng kiến tận mắt những người lính Nhảy Dù, họ chia làm nhiều toán nhỏ và xung phong vượt qua cây cầu. Địch quân bắn ra dữ dội lắm, nhưng hình như những người lính Nhảy Dù không màng đến chuyện tử sinh, họ vừa bắn vừa xung phong, người này ngã xuống người kia tiếp tục xông lên. Chúng tôi khóc rống lên khi thấy những người lính Nhảy Dù trúng đạn ngã xuống không đứng dậy được nữa, chúng tôi chấn động cả tâm can khi chứng kiến những người lính Mũ Đỏ vô cùng dũng cảm, họ xông lên kiên cường như không có gì cản nổi. Cuối cùng những người lính Nhảy Dù hào hùng ấy đã chiến thắng, họ đã quét sạch địch quân ra khỏi thành phố, họ đã dành lại được Huế thân yêu cho chúng tôi. Từ đó chúng tôi nhận rõ ra được một điều, ngày nào vẫn còn đoàn quân Mũ Đỏ thì Huế của chúng tôi sẽ không bao giờ bị mất.

Câu chuyện dường như ngủ yên đã lâu trong lòng bà bác nay mới có dịp thổ lộ ra ngoài. Những người lính Nhảy Dù năm xưa đã vô tình viết lên những cảm tình sâu sắc vào trái tim của người dân xứ Huế, nét mực như vẫn còn mới nguyên trong tâm khảm của bà bác.

Hương ngồi xa xa trên một chiếc ghế cao, nàng lắng nghe câu chuyện mẹ kể mà thấy xuyến xao trong lòng, tự dưng ánh mắt của nàng ngập ngừng như muốn đi tìm ai, và nàng bỗng cảm thấy hai má hồng lên khi chạm phải đôi mắt của chuẩn úy Phạm văn Hải cũng đang say sưa nhìn nàng không chớp mắt.

Tiếng nói cười rộn rã của hai người con gái trước thềm nhà khiến bà bác ngừng câu chuyện, nghiêng người nhìn ra cửa:

- Thủy đã về rồi hở con?

Thủy vừa bước vào nhà vừa trả lời mẹ:

- Dạ mệ, con rủ Diệu sang nhà mình ăn cơm cho vui đó mệ.

Chợt thấy ba người lính đang ngồi bên trong, Thủy ngạc nhiên một thoáng rồi vui vẻ cất tiếng chào hỏi ngay:

- Chào các anh.

Ba anh em nhìn Thủy biết ngay là chị của Hương, cũng sống mũi cao, những nốt tàn nhang trên khuôn mặt, và cũng dáng người thon cao.

- Chào hai cô.

Diệu mắc cở hơi cúi đầu, mắt không dám nhìn thẳng, nàng đi tuốt vào nhà trong. Diệu nhút nhát và hiền lành lắm, khuôn mặt đẹp phúc hậu với đôi mắt buồn bâng quơ. Huế là của Diệu với giòng Hương Giang mãi mãi trôi êm đềm trong ký ức, Diệu là của Huế với âm vang thánh thót như tiếng chim non líu lo, đã nghe con gái Huế trò chuyện một lần thì suốt đời sẽ chẳng bao giờ quên được.

 Sau lần ấy, chuẩn úy Phạm văn Hải thường hay vắng mặt ở vị trí đóng quân. Hôm nay hắn nhận được lệnh của trung úy đại đội trưởng Quách Giang, trung đội sẽ đi lục soát từ đèo Phú Gia ra đến tận bờ biển. Trung sĩ I trung đội phó Lê viết Hưng đã thông báo cho các tiểu đội chuẩn bị cơm nước sớm sủa, súng đạn sẵn sàng.

Chuẩn úy Phạm văn Hải móc gói thuốc ra mời với nụ cười gượng gạo:

- Hải ơi, hôm nay tôi lỡ hẹn với cô Hương đi ra Huế xem phim, có gì nhờ ông che dùm cho nhé.

- Bạn cứ tự nhiên, không có gì phải lo lắng. Nếu không gấp thì làm một hớp café rồi hẵng đi.

Hắn vói tay lấy thêm một cái ly rồi chia phần café cho bạn, hớp café đầu tiên của buổi sớm mai bao giờ cũng tuyệt vời nhất.

Điểm danh quân số xong, anh em súng đạn gọn gàng, xếp hàng dọc bắt đầu tuột xuống chân đèo. Trần minh Hồng gọi máy về đại đội, thông báo trung đội đã bắt đầu di chuyển. Trung đội di chuyển dọc theo quốc lộ 1 về hướng bắc khoảng vài cây số thì rẽ phải, anh em trải rộng đội hình ra hai bên con đường đất, đi vòng cung dưới chân đồi của một căn cứ pháo binh. Những nòng súng đen ngòm thấp thoáng sau những ụ súng chất đầy bao cát. Bụi đỏ vui mừng tung bay trùm lên đoàn quân khi một chiếc GMC chạy qua, rồi hể hả nhìn theo đoàn quân đang cau có lầm lũi bước đi. Địa thế nơi đây thật trống trải, một giải đất mênh mông bằng phẳng trải dài mãi ra tới bờ biển, thỉnh thoảng mới thấy một vài khóm nhà thưa thớt. Suốt lộ trình lục soát không thấy có dấu hiệu nào khả nghi. Đến buổi xế chiều trên đường trở về, trung đội dừng chân nghỉ ngơi gần một khóm dân cư chỉ độ chừng dăm bảy căn nhà mái lá. Hắn nhìn vào thấy dưới mái hiên có 2 em bé đang tươi cười nhìn ra đầu ngõ. Đôi mắt của trẻ thơ lóng lánh tròn trịa như 2 viên bi ve khiến hắn nhớ đến các em của hắn đang ở nhà, giờ này đã vào những ngày cận tết, có lẽ trường lớp cũng đã đóng cửa để chuẩn bị đón Xuân. Hắn bước vào trước thềm nhà, đưa tay ra dấu thân thiện, hai chị em cũng ngước mắt tươi cười nhìn lên. Hắn thấy bàn tay nhỏ bé của đứa chị có 6 ngón tay, bên cạnh ngón tay út lại mọc thêm một ngón tay nho nhỏ nữa. Hắn hỏi thăm, trò chuyện một lát rồi móc túi lấy ra ít tiền lì xì cho hai đứa, hắn chẳng bao giờ quên được ánh mắt mừng rỡ sáng ngời của hai đứa bé, bởi vì còn có cả một trời ngạc nhiên trong ánh mắt thơ ngây ấy.

Trung đội về đến vị trí đóng quân trên đèo Phú Gia thì trời đã nhá nhem tối, anh em nhóm lửa chuẩn bị cho bữa cơm tối. Ráng chiều tắt lịm dần trên vùng đồi núi mênh mông, tiếng chim gọi đàn tan tác trong rừng cây mà vẫn chưa thấy chuẩn úy Phạm văn Hải trở về. Đã sắp đến giờ lên máy báo cáo quân số về BCH đại đội, hắn thấy thấp thỏm trong lòng, đứng trên mỏm đồi cao dóng mắt nhìn xuống chân đèo, con đường nhựa đã lờ mờ không còn nhìn thấy rõ. Bỗng hắn thấy thấp thoáng một bóng người đang len lỏi qua những lùm cây, hắn chợt thấy nhẹ cả người khi nhận ra chiếc mũ lưỡi trai.

Hải nhỏ ngồi phịch xuống chiếc thùng đạn đại liên, lột nón, đưa tay quệt mồ hôi trên trán:

- Mệt quá, cũng may còn đón kịp chuyến xe chót, ở nhà có gì lạ không vậy?

- Bình thường thôi.

- Trung đội đi lục soát có thấy gì không?

- Như một buổi đi du ngoạn, bạn đi Huế chơi có vui không?

Hải nhỏ tươi tắn buột miệng:

- Vui lắm, cặp đùi của Hương thật là tuyệt vời.

Hắn im lặng nhìn lên khuôn mặt của Hải nhỏ, rồi nhìn ra ngoài căn lều, trời đã tối đen như mực. 

 

Thời gian tiểu đoàn 8 Nhảy Dù đóng quân trên vùng đèo Phú Gia tuy ngắn ngủi nhưng cũng kịp để xe duyên cho một đôi uyên ương. Binh I Trần Thành, xạ thủ đại liên của trung đội 3, đại đội 84, đã không còn giữ trọn vẹn được trái tim xa quê hương nhớ mẹ hiền. Bây giờ thì ngày cũng như đêm, lúc nào chàng cũng nhớ nhung đến một người con gái xứ Huế có giọng nói thánh thót ríu rít như tiếng chim non. Giọng nói ấy tuy mềm mại nhưng đằm thắm và mạnh mẽ hơn bất cứ loại rượu mạnh nào. Trần Thành đã say khướt men tình, chàng khật khưỡng leo lên đồi đóng quân của BCH tiểu đoàn, nộp đơn xin cưới vợ. Ban 3 tiểu đoàn từ xưa tới nay chỉ chuyên vạch ra các kế hoạch hành quân, bỗng lúng túng khi nhận được một tờ đơn xin cưới vợ kỳ cục như thế này, thôi thì đành phải họp tham mưu giúp cho em út một phen. Trung úy Hà mai Trường, người cao ráo đẹp trai lại ăn nói có duyên, được đề cử đại diện cho đơn vị, hướng dẫn một phái đoàn đến nhà gái xin cầu hôn. Ngày hôm ấy đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời lãng tử của Trần Thành. Người chiến binh Nhảy Dù khi bước lên máy bay bao giờ cũng phải mang đủ một cặp dù trên người, một dù bụng, một dù lưng. Nay Trần Thành chỉ còn giữ lại cho mình một chiếc dù lưng, chiếc dù bụng chàng đã thân ái chia lại cho người bạn đời của mình. Từ nay đôi bạn sẽ sống chết nương tựa vào nhau, nếu có nhảy dù thì cũng phải ôm chặt lấy nhau mà nhảy.

 Đầu năm 1975, su đoàn Nhảy Dù thành lập thêm lữ đoàn IV. Cũng như các tiểu đoàn bạn, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù lấy ra một số quân nhân đưa về Sài Gòn đóng góp cho lữ đoàn tân lập. Lữ đoàn IV tân lập gồm toàn các chiến binh kỳ cựu, từ sĩ quan chỉ huy cho tới các tay súng trong từng tiểu đội đều được tuyển chọn về từ các tiểu đoàn tác chiến. Hắn được lệnh lấy ra 5 quân nhân trong trung đội để đưa về đơn vị mới, hôm ấy ngồi trên chốt trung đội, cầm tờ giấy trên tay mà hắn cứ phân vân mãi, biết chọn ai vào danh sách để gởi đi, anh em sống chung trong một trung đội đã lâu, tình chiến hữu theo ngày tháng đã gắn bó thân tình. Thiếu úy Nguyễn minh Trung, trung đội trưởng trung đội 3, cũng có tên trong danh sách về lữ đoàn IV, chuẩn úy Lê văn Nam lên thay thế giữ quyền chỉ huy trung đội. Buổi chiều hôm ấy đứng bên lề quốc lộ 1 trên đèo Phú Gia, thiếu úy Nguyễn minh Trung cởi chiếc áo field jacket của mình trao lại cho chuẩn úy Phạm văn Hải:

- Bạn ở lại đây cần chiếc áo này hơn tôi, nắng Sài Gòn bao giờ cũng ấm áp, tạm thời tôi không cần dùng đến nữa.

Vào thời điểm ấy, BCH tiểu đoàn 8 Nhảy Dù có nhiều thay đổi.

- Trung tá Đào thiện Tuyển vẫn giữ quyền chỉ huy tiểu đoàn 8 ND.

- Thiếu tá Nguyễn văn Phương, tiểu đoàn phó, đã phục vụ tại tiểu đoàn 8 ND một thời gian ngắn, nay thuyên chuyển về tiểu đoàn 2 ND giữ chức vụ tiểu đoàn phó.

- Thiếu tá Nguyễn viết Thanh, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn khóa sinh Vương mộng Hồng về giữ chức vụ tiểu đoàn phó tiểu đoàn 8 ND.

- Thiếu tá Trần cao Khoan, trưởng ban 3, thuyên chuyển về tiểu đoàn 15 ND để giữ chức vụ tiểu đoàn phó.

- Đại úy Đồng văn Minh, đại đội trưởng đại đội 84 lên giữ chức vụ trưởng ban 3 tiểu đoàn.

- Trung úy Quách Giang, trung đội trưởng thâm niên của đại đội 81 về nắm quyền đại đội trưởng đại đội 84.

- Trung úy Hà mai Trường, đại đội trưởng đại đội 80.

- Trung úy Ngô Huệ, đại đội trưởng đại đội 81.

- Trung úyTrần đình Ngọc, đại đội trưởng đại đội 82.

- Đại úy Phạm văn Hiệu, đại đội trưởng đại đội 83.

Đoàn quân bổ xung về lữ đoàn IV đã ra đi được hơn một tuần lễ, bất ngờ vào một buổi trưa có lệnh từ BCH tiểu đoàn, chuẩn úy Phạm văn Hải mang ba lô súng đạn trình diện ban 3 tiểu đoàn gấp. Sau đó có tin Phạm văn Hải đã rời khỏi tiểu đoàn 8 ND, Hải nhỏ ra đi thật bất ngờ, không kịp nói lời từ giã với anh em trong trung đội.

 ***


Cái tết năm 1975 thoáng qua thật nhanh, không để lại một dấu vết nào trên vùng đèo Phú Gia, hắn có cảm giác năm 1975 vắng hẳn một mùa xuân. Sau tết, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù về trung tâm huấn luyện Đống Đa thao dợt lại khả năng chiến đấu. Ban ngày các đại đội di chuyển ra bãi tập tham dự các buổi huấn luyện do các huấn luyện viên của trung tâm huấn luyện Đống Đa phụ trách. Vào một buổi chiều, khi thực tập bài học di chuyển dưới hỏa lực, anh em Nhảy Dù đang bò sát dưới đất, ngay trên đầu là những loạt đạn đại liên bắn liên tục không ngừng. Bỗng dưng anh em Nhảy Dù rủ nhau đứng dậy, thả bộ tà tà đi tới phía trước họng súng. Tiếng súng đột nhiên ngưng bặt, từ trên ụ bắn có tiếng hoảng hốt chửi bới om xòm:

- Trời ơi! Đ.m. muốn chết hay sao chớ?

Viên sĩ quan huấn luyện viên mặt tái xanh không còn một giọt máu, vừa sợ, vừa tức, khi nhìn những khuôn mặt đang híp mắt lên cười hềnh hệch.

- Trời ơi, các anh làm cái gì vậy hả? May mà không có ai trúng đạn…

- Bảo đảm hổng có sao đâu Trung úy. Tụi tui thấy hướng đạn bắn ra từ một góc cố định, tụi tui bước né qua một bên thì hổng có sao hết trơn.

Sau cơn hoảng vía, viên trung úy định thần lại và chợt hiểu ra, các ổ súng đại liên trên đài tác xạ đã được gắn chết vào một vị trí, tầm và hướng không thay đổi được.

Những buổi huấn luyện trong TTHL Đống Đa thật ra rất thoải mái, khoẻ khoắn như những buổi đi cắm trại ngoài trời. Làm sao so sánh được với những ngày tháng khổ nhục còn hơn con chó, thời tiểu đoàn còn đóng quân ở vùng núi Yên Bầu, hàng ngày anh em phải chui vào rừng chặt tranh tre tràm đem về nộp cho tiểu đoàn trưởng.

Buổi tối về đến doanh trại, tắm rửa sạch sẽ thơm tho, ăn cơm nhà bàn no bụng, chẳng lẽ lại nằm chèo queo, thật là uổng phí đời trai. Trước cổng TTHL Đống Đa lúc nào cũng có 2 ông kẹ của ban hai tiểu đoàn ứng trực, dù ra ngoài bằng phía bên hông chắc ăn hơn. Mấy lớp hàng rào chung quanh TTHL có nhằm nhò gì, anh em kiếm đâu ra được một tấm ván dài, thả lên trên lớp kẽm gai rồi bước lên, thiệt là êm hết biết, tới lớp hàng rào cọc sắt cao hơn đầu người, anh em đào trốc gốc thành một cái vòm, con voi chui qua cũng lọt. Chạy dọc theo lớp hàng rào là một giải đất trống có cắm những tấm biển sơn chữ “ mìn “, anh em đi tới đi lui muốn trụi lủi mà có thấy trái mìn nào nổ đâu. Ra tới quốc lộ 1, rẽ sang bên phải vài trăm thước là đã thấy nhấp nháy ánh đèn xanh xanh đỏ đỏ của thị trấn Phú Lương, café bia rượu thôi thì không thiếu một thứ nào. Ăn uống đã no say thì tìm đường rút về láng trại, làm một giấc tới sáng để ngày mai còn đi bãi, sáng ngày mai điểm danh mà vắng mặt thì e rằng đầu sẽ không còn sợi tóc nào để mà chải.

Trong thời gian hâm nóng ở TTHL Đống Đa, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù tiếp nhận một số quân nhân từ quân lao bổ xung về. Trung đội 1 của đại đội 84 nhận 7 người, có 2 người đã lớn tuổi, đó là Diên và Ưu, những người còn lại đều trẻ tuổi, trong đó có Sơn, Lộc, Nghĩa và Thương. Những ngày đầu mới về trung đội, anh em chưa quen với nề nếp sinh hoạt của Nhảy Dù nên lè phè lắm. Thổi còi tập họp 10 phút sau mới thấy chạy ra, quần ống cao ống thấp, giây giày chưa cột, áo còn chưa cài hết nút, mà vẫn cười nói ồn ào như cái chợ. Anh em bỗng khựng lại khi nhìn thấy trung đội đã hàng ngũ chỉnh tề từ lúc nào, 4 hàng ngang bên phải làm chuẩn, im phăng phắc không một tiếng sột soạt. 

Trung sĩ I trung đội phó gầm lên:

- Đ.m, thằng nào ra trễ bước qua một bên cho tao.

Anh em riu ríu đứng xích ra một bên, hồi hộp lo âu, nhìn những khuôn mặt lầm lì khó chịu của anh em cựu binh đã thấy ớn, rồi chạm phải tia mắt dữ dội của trung đội phó thì tự dưng thấy muốn nghẹt thở.

- Tao không cần biết tụi bay trước kia ở đơn vị nào, hễ đã tình nguyện về Nhảy Dù thì phải khép mình vào kỷ luật của Nhảy Dù, thằng nào không chịu nổi thì đào ngũ đi, giờ này vẫn còn kịp. Tụi bay phải nhìn những anh em cũ, người ta sinh hoạt như thế nào thì bắt chước theo…

Anh em tiu nghỉu buồn so khi bị trung sĩ I trung đội phó sỉ vả cho một trận tơi bời. Thời gian sau, những con ngựa hoang từ khắp xứ đổ về đã dần dần gò mình vào cái vòng kim cô, đã được thuần hóa để trở thành những con ngựa chiến, sẵn sàng yên cương cho những trận giáp chiến sống mái với địch quân trên chiến trường.

Tinh thần tự nguyện về Nhảy Dù và kỷ luật của binh chủng đã là xi măng và cốt sắt, hai thứ vật liệu này trộn chung với nhau thành một khối bê tông vô cùng vững chắc, khó có gì xô ngã nổi. Nhờ đó người lính Nhảy Dù đã sở hữu được một tinh thần chiến đấu ngoan cường, cho dù có mất liên lạc với cấp chỉ huy, đơn vị vẫn chiến đấu độc lập một cách vững vàng.

 Hôm nay các đại đội di chuyển ra bãi tập như thường lệ. Huấn luyện viên vừa chấm dứt bài học, anh em đứng dậy vươn vai, ưỡn lưng cho dãn xương sống, những tia lửa Zippo rộn ràng nhấp nháy mồi vào đầu điếu thuốc. Bỗng có tiếng đạn đại bác nổ dữ dội, những cụm khói bốc lên ngay trong bãi tập, địch pháo kích vào trung tâm huấn luyện Đống Đa. Đạn pháo rơi rải rác trên một diện tích rộng mênh mông của bãi huấn luyện, anh em thoải mái đứng nhìn những cụm khói lẫn với đất đá bắn tung lên trông thật vui mắt. Một lát sau, toàn bộ tiểu đoàn được lệnh trở về doanh trại trong TTHL Đống Đa, anh em dùng cơm trưa trong lúc các đại đội trưởng cầm bản đồ lên BCH tiểu đoàn họp hành quân. Tin hành lang cho biết đang có giao tranh trên núi Bông, núi Nghệ, núi Mỏ Tàu, là những cao điểm nằm trên vòng đai bảo vệ an toàn cho thành phố Huế, được trấn giữ bởi các đơn vị thiện chiến của su đoàn 1 Bộ Binh. Trung úy đại đội trưởng Quách Giang trở về đại đội với lệnh hành quân khẩn cấp, địch quân đã xâm nhập về quận Hương Thủy, đài phát thanh Thanh Lam đang bị đe dọa, tình hình khá nguy ngập vì địch đã tiến rất gần, chỉ còn cách đài phát thanh vài cây số. Một đoàn quân xa của đơn vị bạn trên đường di chuyển đã lọt vào ổ phục kích của địch.

Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù nhận lãnh trách nhiệm quét sạch địch quân ra khỏi quận Hương Thủy. Ba lô súng đạn đã giá thành hàng trên sân cờ, đoàn xe quân vận vừa dừng bánh thì trong chớp mắt anh em đã nhảy gọn gàng lên xe, họng súng chỉa ra hai bên đường, khẩu đại liên M60 đặt lên mui xe chồm ra phía trước, đạn đã lên nòng. Đoàn xe quân vận mở ga phóng nhanh trên quốc lộ 1 hướng về quận Hương Thủy, phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn địch trước khi họ kịp tấn chiếm đài phát thanh Thanh Lam. Đoàn xe rẽ vào một con đường nhỏ, chạy qua khỏi đài phát thanh một đoạn rồi dừng lại, đổ quân xuống ven đường. Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù nhanh chóng dàn thế trận, địch quân đang im lìm chờ đợi từ phía bên kia con sông Lợi Nông. Bộ chỉ huy tiểu đoàn nằm lại bên này sông. Bốn đại đội tác chiến đã vào vị trí xuất phát. Đại đội 84 do trung úy Quách Giang chỉ huy được lệnh di chuyển cặp theo bờ sông về phía bên phải, sau đó sẽ vượt sông đánh vào cạnh sườn. Các trung đội của đại đội 84 án ngữ bên này bờ sông chờ đợi, anh em ẩn mình vào những lùm cây dọc theo con đường mòn. Ngay khi nhận được lệnh vượt sông, những người lính của đại đội 84 vừa băng xuống dòng sông thì địch bắt đầu khai hỏa, đạn AK bắn ra từ phía sau một chiếc xe máy cày, và từ những căn nhà sau lũy tre làng. Trung đội còn ở trên bờ sông lập tức bắn xối xả sang bên kia ngăn không cho địch ngóc đầu lên, trung đội đã chạm nước thì cố gắng lội nhanh sang bên kia sông, nước sâu đến đầu gối, có chỗ ngập lên tới ngực. Khi anh em bám được vào giải đất bên kia sông và bắt đầu xung phong thì địch quân bỏ chạy, trung đội bung ra giữ vững vị trí đầu cầu để toàn bộ đại đội sang sông an toàn. Trung úy Quách Giang điều động các trung đội thọc sâu vào làng. Khi trung đội 1 vượt qua khỏi xóm nhà thì một cánh đồng trống hiện ra trước mắt, bên kia cánh đồng thấp thoáng những mái nhà sau lũy tre xanh, bầu không khí im ắng ngột ngạt. Ẩn náu sâu trong tình thôn xóm ấy, địch đang kín đáo dàn quân chờ đợi.

Hắn nhận được lệnh áp sát vào làng, trung đội di chuyển dọc theo bờ ruộng, giữ khoảng cách rất thưa vì địa thế trống trải của một cánh đồng. Dĩ nhiên từ phía sau những cánh cửa, những bụi tre xanh, địch đang theo dõi không sót một cử động nào của anh em. Tiếng đạn AK rít lên khi trung đội đã lội qua được gần một nửa đoạn đường, anh em nằm sát xuống mặt đất, men theo bờ ruộng tiếp tục bò lên. Tiếng đạn AK vẫn nổ ròn rã, cày lên mặt ruộng, hất tung lên những nắm đất. Bỗng hắn nghe có tiếng lao xao ở phía sau đoàn quân:

- Thằng Tốt bị thương rồi.

Theo phản xạ, hắn chồm người lên nhìn về phía sau, Nguyễn văn Tốt trúng đạn vào mông, mông của Tốt đã bự mà còn lổm nhổm nhô lên cao nên dễ lãnh đạn, địa thế chung quanh trống trơn không có vật gì để che chắn ngoại trừ bờ ruộng thấp lè tè.

- Kéo Tốt về phía sau băng bó, tất cả bò thật sát mặt đất.

Người khinh binh đi đầu vội vã nhoài người kéo hắn ngã xuống mặt ruộng:

- Thiếu úy, coi chừng.

Vừa lúc ấy một loạt đạn AK bắn rát ngay trên đầu, cả hai người lăn sát vào mép bờ ruộng, đạn bắn không trúng người trở nên giận dữ tát xuống mặt ruộng, văng đất lên tung toé. Hắn lặng lẽ đưa tay sờ lên vành nón sắt, lại thêm một lần chết hụt trong gang tấc. Mảnh đạn súng cối từ trận Thường Đức vẫn nằm im trong đầu hắn, giá mà nó nhích sâu vào một chút nữa thì cuộc đời của hắn đã chấm dứt từ lâu.

- Thiếu úy, có trung úy đầu máy.

Trần minh Hồng xốc lại chiếc máy truyền tin trên vai, bò sát lại bên hắn.

Hắn cầm ống liên hợp áp sát vào tai:

- Giang Nam, đây 161 tôi nghe.

- Anh dẫn con cái trở ngược về vị trí cũ, dặn anh em bò sát mặt đất, đừng để như thằng Tốt.

- Giang Nam, tôi nghe rõ 5/5.

Trung đội quay lưng bò dần về khu làng cũ, tổ chức phòng thủ qua đêm.

 Sáng hôm sau, hắn nhận lệnh lên gặp trung úy đại đội trưởng Quách Giang. Trung úy Quách Giang trải tấm bản đồ lên mặt đất, rút cây viết mỡ trong túi ra:

- Đây là chỗ mình đang đứng, anh dẫn trung đội ra điểm này, đánh theo hướng mũi tên vào bìa làng.

Trung úy Quách Giang vạch một mũi tên lên tấm bản đồ rồi nói tiếp:

- Nội trong buổi sáng hôm nay phải thanh toán xong mục tiêu.

Hắn mở tấm bản đồ của hắn ra và chép lại những dữ kiện.

Trung úy Quách Giang vói tay lấy ly café đã pha sẵn đưa cho hắn:

- Hải này, uống ly café rồi hãy về trung đội.

Hắn đưa tay đỡ lấy ly café, rồi lấy gói thuốc ra mời đại đội trưởng.

Khi hắn trở về trung đội thì anh em đã cơm nước xong xuôi, súng đạn đã chuẩn bị sẵn sàng. Trung đội lên đường tiến về điểm xuất phát.

Địa thế ở đây thuận lợi hơn nhiều, quãng đồng trống ngắn hơn, một con đường mòn nối liền bên này sang bên kia làng, vấp phải một cái miếu nhỏ rồi tới ngay căn nhà gạch mái ngói đầu tiên. Phía bên kia, trung đội 2 cũng đã sẵn sàng vượt tuyến xung phong, tiến chiếm bìa bên trái của khu làng. Trung đội căng thành một hàng ngang, hắn ra hiệu, anh em vừa tiến lên vừa bắn cầm chừng. Bỗng dưng hắn khựng lại, tròn mắt kinh ngạc, một đám dân làng toàn là đàn bà con nít chạy ùa ra ngay trước mắt trung đội, hắn hết hồn gào lên:

- Ngưng bắn! ngưng bắn!

Anh em cũng hoảng vía không kém gì hắn, cả trung đội lơi cò súng đứng chết trân giữa khu đồng trống. Anh em đưa tay chỉ sang hướng bìa làng, bà con hiểu ý vội vã chạy thoát thân ra cánh đồng. Ngay lập tức, từ những ổ kháng cự được che dấu kín đáo trong làng, địch quân bắt đầu tác xạ ngăn chặn vào đoàn quân mũ đỏ. Địch quân đã lộ diện nên trận đấu trở nên hào hứng, tổ khinh binh nhanh như chớp xông lên chiếm lĩnh ngôi miếu, toàn bộ trung đội ào lên, binh I Thuận hai tay kềm chặt khẩu đại liên M60, vừa chạy lên vừa bắn như giông bão, dây đạn đại liên vắt chéo trên hai vai của Thuận khiến cho hình ảnh của người chiến binh trở nên hào hùng, dũng mãnh hơn bao giờ hết. Tổ khinh binh chiếm xong ngôi miếu, hứng chí không chờ lệnh, đã băng qua khoảng sân rộng xông ngay vào căn nhà đầu tiên. Binh nhì Sơn, người quân phạm trẻ tuổi mới tăng cường về trung đội, dùng báng súng đập vỡ cánh cửa sổ, nép người sang một bên rồi rút chốt lựu đạn ném vào. Lựu đạn vừa nổ, nhanh như chớp Sơn quăng mình nhảy vào bên trong, tổ khinh binh đã chiếm xong đầu cầu trong chớp mắt. Trung đội xông lên nhanh và mạnh như con nước vỡ bờ, địch quân kinh hoàng bỏ chạy, chỉ trong khoảng 15 phút ngắn ngủi, trung đội đã hoàn toàn kiểm soát trọn vẹn mục tiêu. Trung đội bắn hạ tại chỗ 2 cán binh cộng sản, bắt sống 2 người khác, tịch thu toàn bộ vũ khí. Thật là may mắn khi anh em trong trung đội không có người nào bị xây sát, trầy sước.

Hai người tù binh ngồi bệt dưới đất, ánh mắt thất thần không dấu được nỗi lo âu. Hắn nhờ anh em nhóm lửa nấu nước, một lát sau 2 tô mì bốc khói được bưng đến mời 2 người tù binh, họ không khách sáo, nhận ngay tô mì và ăn rất ngon lành. Chờ họ ăn xong, hắn rút trong túi ra gói thuốc lá Capstan mời mỗi người một điếu, khói thuốc ấm áp chui vào buồng phổi khiến họ dần dần tỉnh táo lại.

Hắn vui vẻ cất tiếng hỏi một người tù binh:

- Quê quán của anh ở đâu vậy?

- Dạ, quê tôi ở Quảng Bình.

Anh em đưa cho hắn một xấp giấy tờ tìm được trong ba lô của người bộ đội, hắn nhìn thấy tấm hình chụp một người tây phương, đội mũ casquette, đang đứng trên bờ của một giòng sông. Hắn đưa tấm hình cho người tù binh nhìn thấy và hỏi:

- Anh có biết người này là ai không?

- Đấy là đồng chí Stalin vĩ đại.

Thì ra đây là thủ lãnh nổi tiếng một thời của đảng cộng sản Liên Xô. Hắn tò mò chọn lấy một lá thư và mở ra xem. Lá thư tình viết dở dang cho người yêu đang ở hậu phương bên kia giòng sông Bến Hải. Những dòng chữ khô khốc đã đốt rụi những nét tình tứ mượt mà, lẽ ra phải được chuyên chở trong một lá thư tình. Chẳng thấy được một chút ít rung động nào của đôi tim khi trong lá thư đầy rẫy những câu “ em ở nhà cố gắng tăng gia sản xuất cho đạt chỉ tiêu nhé “, rồi lại có đoạn “ vươn lên xốc tới quyết tâm giành thắng lợi “. Những từ ngữ trật búa kiểu này đã bóp cổ bẻ họng tình yêu đến nghẹt thở, còn hơi sức nào để mà tình với tự, để mà thương với nhớ. Lại có những từ ngữ hắn không thể nào hiểu được - Hồ hởi. Không hiểu nghĩa hồ hởi thì làm sao mà hồ hởi cho được.

Hắn trả lại xấp giấy tờ cho người tù binh rồi cắt cử một số anh em đưa họ về BCH đại đội. Trung đội bung ra, lục soát tỉ mỉ toàn bộ khu làng, đến xế chiều thì lại tìm thấy thi hài của một bắc quân nằm chết ngoài bờ ruộng. Trung đội đào hầm hố tổ chức phòng thủ qua đêm trước khi trời tối. Hôm nay tiểu đoàn 8 Nhảy Dù đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp, các đại đội đều gặt hái đuợc chiến công, tiêu diệt, bắt sống và tịch thu vũ khí, trong số vũ khí do đại đội 81 tịch thu có một khẩu K59 mới cáu cạnh.

Nhưng địch quân vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận kết quả của trận đấu. Giữa đêm khuya hôm ấy, bỗng nhiên có tiếng lựu đạn nổ, tiếp theo là tiếng súng vang cả một góc trời ở phía bên kia sông, nơi đóng quân của BCH tiểu đoàn. Tiếng súng thi nhau nổ ròn rã trong tiếng đệm của lựu đạn, của bê ta, địch quân sử dụng một lực lượng đặc công luồn theo giòng sông Lợi Nông áp sát lên bờ, toan tính đánh úp vào bộ chỉ huy tiểu đoàn 8 Nhảy Dù. Đoàn quân mũ đỏ đã giỏi về công mà thủ cũng không đến nỗi tệ, địch mới xâm nhập vào tới bên ngoài vòng đai phòng thủ của tiểu đoàn đã bị phát giác ngay, lập tức những trái lựu đạn được tung ra từ trong chiến hào khiến địch choáng váng, họ hoảng hốt ném lựu đạn và bê ta một cách bừa bãi. Đêm hôm ấy dù đã cố gắng hết sức nhưng địch quân vẫn không cách nào chọc thủng được phòng tuyến của BCH tiểu đoàn, họ đành phải nương theo bóng tối rút đi. Sáng hôm sau quân ta bung ra lục soát tìm thấy một số tử thi của địch quân, lại còn bắt sống thêm được mấy chú đặc công đang rét run dưới nước, người nào cũng chỉ mặc có mỗi một chiếc quần đùi, chất nổ quấn đầy trên người, lại còn đeo dính thêm cả mấy chục con đỉa đã hút máu no tròn căng cứng. Đêm hôm ấy tiểu đoàn 8 Nhảy Dù mất đi một người khinh binh, binh nhì Ngàn của đại đội 84 tăng cường về tiểu đoàn, Ngàn nhảy xuống nước và đã chết vì sức ép của chất nổ.

Sau khi đã quét sạch địch quân ra khỏi quận Hương Thủy, tiểu đoàn 8 Nhảy Dù bàn giao lãnh thổ cho đơn vị bạn rồi di chuyển về vùng Văn Thánh. Các tiểu đoàn ND về đây thường được dùng như một lực lượng trừ bị, khu vực này yên tĩnh, không có lực lượng chính qui của địch, chỉ có du kích lén lút hoạt động mà thôi. Trước đây khi tiểu đoàn 3 ND về nghỉ ngơi ở vùng này đã bắn hạ được một toán du kích khi họ đang di chuyển trong đêm. Từ Văn Thánh ra đến chùa Thiên Mụ không xa lắm, anh em có dịp dù ra Huế ngắm cảnh sông Hương núi Ngự, nhìn ráng chiều nhè nhẹ buông lơi trên cầu Trường Tiền, và nhất là bâng khuâng nhìn theo những tà áo trắng Đồng Khánh thướt tha, lính xa nhà thường hay mơ ước viễn vông.

Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù đang thoải mái đóng quân ở Văn Thánh thì bất ngờ có lệnh toàn bộ su đoàn Nhảy Dù chuyển quân về Sài Gòn, bỏ lại sau lưng một khoảng trống chiến thuật vô cùng nguy hiểm, lúc ấy là tháng 3 năm 1975.

Anh em đã thức giấc khi gà chưa kịp buông tiếng gáy, nổi lửa nấu cơm, chuẩn bị hành trang lên đường. Trời vừa hừng sáng thì trung đội được lệnh nhổ trại, tập trung về BCH đại đội, sau đó toàn bộ đại đội di chuyển về BCH tiểu đoàn. Đoàn xe quân vận im lìm xếp thành một hàng dọc bên lề đường, đoàn xe sẽ một lần cuối ân cần tiễn đưa tiểu đoàn 8 Nhảy Dù ra đến phi trường Đà Nẵng, lên xe tiễn anh đi chưa bao giờ buồn thế…

Đoàn xe xuôi nam trên quốc lộ 1, ngồi trên xe, hắn rất ngạc nhiên khi có những đoàn người, nam phụ lão ấu, già trẻ lớn bé, gồng gánh đồ đạc, cũng đang xuôi theo đoàn quân. Nhân lúc đoàn xe kẹt lại trên đường, hắn bước xuống xe và hỏi thăm cớ sự.

- Bác ơi, bà con đi đâu mà đông như thế này hở bác?

Ông cụ ngước mắt lên nhìn hắn, rồi nhìn vào bộ quân phục hắn mặc trên người với vẻ trìu mến:

- Thiếu úy không biết sao? Nhảy Dù rút đi thì chúng tôi ở lại đây làm gì nữa, chúng tôi phải tự tìm đường thoát đi mà thôi…

Hắn chấn động cả tâm can, thật vậy hay sao. Hắn ngỡ ngàng không thể tưởng tượng được rằng người lính Nhảy Dù lại là một điểm tựa quá ư to tát trong tâm khảm người dân xứ Huế, kể từ khi đoàn quân mũ đỏ về đây trấn đóng biên cương, dành lại văn miếu từ trong tay địch quân. Hắn đưa tay nắm chặt vào cửa xe, chiếc GMC bắt đầu lăn bánh vào một đoạn đường xấu, cái cảm giác hỗn độn nặng trĩu của sững sờ lẫn xót xa trong đầu hắn hình như cũng đang lắc lư nhảy múa.

Đoàn xe đã vượt qua đèo Phước Tường, từ đây đến cầu Thừa Lưu sẽ không còn bao xa nữa. Hắn thấp thỏm dõi mắt nhìn sang bên kia đường, ừ sắp tới Thừa Lưu rồi, mà tới Thừa Lưu thì đã sao? ở đó có gì để mà mong với đợi? Hình như có một điều hắn đã cố tâm nén chặt xuống tận đáy lòng. Giờ đây trong phút chia ly hình bóng ấy bỗng vụt bừng lên rạng rỡ ngay trước mắt, hắn mong muốn được nhìn lại người con gái ấy. Kỳ lắm, sao hắn lại cứ nhớ đến Diệu mãi thôi, nhớ đến cái dáng hiền lành nết na thùy mị của Diệu. Càng nghĩ đến Diệu, hắn lại càng không muốn cuộc đời của Diệu sẽ mãi mãi vời vợi, ngóng trông theo dấu chân chinh chiến hiếm có ngày về thăm. Diệu làm sao hiểu được trong lửa đạn sự sống và cái chết giáp mí với nhau như thế nào. Sớm muộn gì cái ngày hắn gục ngã trên chiến trường sẽ phải tới, hắn không nỡ để Diệu sẽ phải khổ đau dang dở. Thôi nhé Diệu ơi, trả Diệu lại cho Huế đó, chỉ ước mong được nhìn thấy Diệu một lần cuối để nhớ hoài mà thôi.

Đoàn xe chạy ngang qua khu chợ Thừa Lưu, cái quán café hiện dần ra trong tầm mắt với tấm biển ố vàng ghi dòng chữ - có bán mì, hủ tiếu. Một người con gái từ trong quán bước ra, Hương, đúng là Hương rồi, hắn nhận ra khuôn mặt xinh xắn với chiếc mũi cao kiêu kỳ. Hương sửng sốt khi nhìn thấy đoàn xe đầy ắp những người lính Nhảy Dù, nàng kiễng chân cố nhìn lên những chiếc huy hiệu trên cầu vai người lính, hình chiếc dù với con ngựa bay, đúng là tiểu đoàn 8 Nhảy Dù rồi. Hương hoảng hốt chạy theo đoàn xe, nhưng chậm mất rồi, chiếc quân xa cuối cùng đã lăn bánh qua khỏi khu chợ Thừa Lưu. Hắn thò đầu ra cửa xe ngoái cổ nhìn lại, Hương đang đứng chết rũ bên đường, nàng đưa tay chậm những giọt nước mắt khóc cho mối tình đầu đã sớm phôi pha. Có lẽ Hương vẫn chưa biết chuẩn úy Phạm văn Hải đã thuyên chuyển về lữ đoàn.

Đoàn xe bắt đầu gài số nhỏ để leo lên đèo Phú Gia hướng về phi trường Đà Nẵng, anh em nhìn lại cảnh cũ trên đèo Phú Gia một lần cuối truớc khi về Sài Gòn để dấn thân vào một chiến trường xa lạ, có thể là Phước Long hay Buôn mê Thuột không chừng. Hắn lại nhìn thấy vài nhóm người đang khăn gói vượt đèo xuôi về nam, họ đứng tránh vào một bên đường và vẫy tay chào. Tự dưng hắn cảm thấy áy náy trong lòng như một kẻ phạm tội thất tín, và hắn chợt nghĩ đến bà bác…” Ngày nào vẫn còn đoàn quân mũ đỏ thì Huế của chúng tôi sẽ không bao giờ bị mất “.

10-22-2008

 Vũ Đình Hải - KBC 3119

  • Thân gởi anh em hình ảnh thân thương của một thời chinh chiến, hầm chiến đấu, nón sắt, súng M16, dây đạn, ống sạc đựng nước… Đương sự trên chốt đóng quân, vùng suối Ô Lâu, bắc Thừa Thiên, năm 1974.

Ý kiến bạn đọc
22 Tháng Giêng 20118:00 SA
Khách
Bao giờ tôi mới được thấy lại hình ảnh này, những chiến sĩ mũ đỏ oai hùnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhớ quá ngày xưa ơi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn