BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73503)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồi đáp ý kiến : Dân chủ có nhất thiết cần đa đảng không?

13 Tháng Ba 200612:00 SA(Xem: 875)
Hồi đáp ý kiến : Dân chủ có nhất thiết cần đa đảng không?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trân trọng cám ơn “Thương quê” có nhã ý đã gửi bài của Tác giả Huệ Đăng. Nếu chính là tác giả gửi thì rất hân hạnh vì bài viết nêu ra một số tư duy và lộ trình, khối lượng kiến thức cần thiết cho viêc hình thành và khẳng định nhân sinh quan thế giới quan của tôi. Tôi đã đọc bài này trên mạng rồi. Khi viết bài góp ý gửi Đại hội X và PTDCVN tôi đã thận trọng đối chiếu với các luận điểm của các tác giả đang viết bài cho báo đảng cùng với thực tế. Xin hồi đáp vài ý kiến để cùng nhau suy xét .

 1- Tác giả Huệ Đăng viết : ”Ngày nay, nhà nước pháp quyền, chế độ dân chủ và nền kinh tế thị trường là xu thế phát triển tất yếu của thế giới.”

 Tôi hoàn toàn tán đồng kết luận này nhưng hãy khách quan xét cơ chế nhà nước Việt Nam xem có được phép mang các mỹ danh này không ? Hoàn toàn không.

  • Danh xưng là nhà nước pháp quyền nhưng bản chất là đảng trị có cả bộ máy song trùng chi tiêu chiếm biên chế quá lớn làm tăng gắp 3 lần mức cần thiết. Với điều 4 , Đảng thực thụ là quốc đảng khi đứng trên chánh phủ, đứng trên luật pháp giống nhà nước Hồi giáo hơn. Việc Đảng sử dụng ngân sách chứ không phải đảng phí và đóng góp của người ngoài đảng ủng hộ là lập ra một Hoàng gia cho Đảng viên giống hệt Hoàng gia cho dòng tộc, có một số điểm giống gia đình trị của ông Ngô đình Diệm hơn. Trí thức và người ngoài đảng bị bốc lột, xua đuổi tận tình!
     

  • Đảng CSVN không nâng đỡ dân chủ: Họat động của Đảng luôn nói đến huy động sức mạnh toàn dân song để phục vụ sự lớn mạnh của Đảng chứ không phải của toàn dân. Phải hiểu thế nào khi 1945 đến khoảng 1978 ngoài miền Bắc nhiều người bị cấm học đại học do lý lịch?



    Trong Nam không hề có việc này! Trả lương thấp cho trí thức vốn luôn dễ tiếp cận được chân lý đã trở thành không đáng tin cậy dưới con mắt “mang kính râm” của Đảng hay tư duy “bốc mùi chuột chết ” của Mao Trạch Đông ”trí thức không bằng cục phân”. Đó là ngụy dân chủ! Nâng lương cao cho Công An Quân đội để dẫn dụ nắm bạo lực đàn áp dân chủ là con đường của Phát xít Hitler về nhà nước mạnh. Với một mục tiêu duy nhất “khó tán thành “của Đảng là kềm hãm dân chủ dành đặc quyền đặc lợi cho Đảng viên, Đảng dàn dựng ra một bộ mày nhà nước hỏng hóc khắp nơi vì không mang lại cuộc sống tốt so với các nước xung quanh và rệu rã vì tham nhũng.
     

  • Dân chủ dựa vào quyền đa số đồng thuận nhưng đa số của Việt Nam như trong quốc hội HĐND không chuyên là đa số ngụy tạo “làm chơi, ý kiến thật”. Đã được Đảng chỉ thị dàn xếp đa số Đảng viên cầm quyền áp đã trước mục tiêu là để chăc chắn thừa khả năng trấn áp ý kiến bất đồng . Với Đảng viên có tiêu chuẩn giai cấp không tiên tiến nên tính ngụy càng rất áp đão . Đó là thủ pháp chánh trị đáng chê trách nhất của Đảng CSVN .


Bà Tôn nữ thị Ninh có nói: Nay không ai nói như thế nữa! Ai cho phép muốn nói thì nói, muốn không thì không? Sai thì xúông chứ sao có việc sai thì sửa. Chánh trường Nhật vài tháng có thủ tướng mới. Dân có tha cho không mà sửa như chuyện CCRĐ. Sửa gì mà sửa, khi vẫn truy bức con địa chủ không cho đi học đại học. Ông HCM ít học, không được cho đi học nên ghét hết người đi học chăng, ông có vẻ giống Mao về điều ghét trí thức nên Ông chủ trì cuộc thảo phạt trí thức qua tay Tố Hữu. Tố Hữu làm thơ hay, nhưng làm chánh trị điên, làm kinh tế khùng. Cũng như hầu hết người CS nắm quyền lực, được tắm mình trong quyền sanh sát dẫn đến hoang tưởng về tài năng của mình ! Tố Hữu so mình với danh sĩ Tố Như và cho “ khúc vui” của mình so ra còn hay hơn “điệu buồn” của Nguyễn Du khi viết:

Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người


Về ý tưởng đồng thuận, tôi đã gửi ý kiến này cho một vị Đại biểu quốc hội không đưa lên mạng nay xin gửi “ Thương Quê “ để rộng đường dư luận và trao đổi ý kiến :

 Tôi kiêng dè chứ không phục sức mạnh của đa số. Sức mạnh của đa số không tiên tiến này cần được điều khiển bằng thiểu số ưu tú nắm giử quyền lực. Sự đồng thuận của nhóm người không tiên tiến chỉ là phản ứng bầy đàn. Nó có sức mạnh nhưng là lọai sức mạnh mông muội đáng sợ hơn là mong muốn. Sức mạnh này phải được dẫn dắt kềm hãm. Sự ưu tú sáng tạo không nằm trong đa số hỗn độn đó. Cơ chế đại cử tri bác bỏ biểu quyết của đa số và cơ chế veto phủ quyết là để bảo vệ thiểu số ưu tú .

 Tôi phát hiện ra rằng đồng thuận trong chánh trị, tôn giáo còn ẩn chứa một bộ mặt trái rất gần bảo thủ, cuồng nộ, cuồng tín, bè phái ...phải rất cảnh giác.

 Thiên Chúa đồng thuận quả đất vuông giết một nhà bác học đơn độc vì dám nói quả đất tròn! Việc nhà nước hiện nay đang cố dàn dựng ra sự đồng thuận, sự hợp pháp bằng cách tạo ra cảnh đa số đại biểu quốc hội và HĐND là Đảng viên cũng như tự ý quy định tất cả Chủ tịch Tỉnh, đầu ngành phải là Đảng viên khi dân đòi là người có tài là thiếu dân chủ.

 Sự việc này đang hiện hữu mạnh mẻ ở quốc hội và HĐND các cấp. Nó đã nuốt chửng tôi trong vai trò ở HĐND và nuốt chửng cả Ông trong vai trò ở Quốc hội. Đảng viên chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội HĐND và không có quyền làm khác chỉ thị của Đảng, là tạo bãi cát lún từng nhẹ nhàng nuốt chửng tôi trong đó. Tôi vô phương nhúc nhích càng cựa quậy càng mau lún chìm. Tôi làm đại biểu, cỏng hai thiểu số trên lưng, một là nữ 6% và ngoài Đảng 5 % nên trở thành Đại biểu làm kiểng.

 Trong kinh doanh Mỹ có luật cấm cạnh tranh phá giá để bảo vệ các cơ sở nhỏ khỏi bị tiêu diệt, không ai độc chiếm thị trường để khuynh đão.

 Trong chánh trị cơ cấu Đại cử tri của Mỹ là để gạt bỏ kết quả, khi đa số sức mạnh lấn át thiểu số ưu tú.

 Trong bài diễn văn mới nhất TT Bush Ông nói: “Con đường theo xu hướng cô lập hóa và bảo hộ có thể trông khá mời mọc, thế nhưng nó sẽ chỉ dẫn tới hiểm nguy và suy tàn". Đảng CS Việt Nam đang tách mình khỏi quần chúng và bảo hộ kín kẻ đặc quyền đặc lợi cho nên không thể có gốc rễ bám trụ trong lòng dân để trường tồn.

 Sự đồng thuận của nhóm nhỏ mang ý tưởng thiên kiến vô cùng nguy hiểm vì không những không giúp tìm ra chân lý mà còn cản trở chân lý. Tệ hại hơn là dựa vào sự đồng thuận mang dấu vết của tâm lý bầy đàn đó để làm điểm tựa, người ta không đối chiếu với thực tế mà cho phép mình càn quét các mô hình khác. Bản thân Đảng đang tự chặt chân bịt mắt mình và làm dấy lên chống đối chứ không phải là ai khác.

 Tôi từng trãi nghiệm cảm giác bị xem là “không bình thường ” khi một mình dơ tay phản đối trong các cuộc họp HDND mà biểu quyết thường phải là 100%. Phản đối làm gì khi không có kết quả? Không! tôi khẳng định là Hội nghị phải quan tâm ý kiến tôi vì tuy tôi là thiểu số, đã cẩn thận nghiên cứu ý kiến đa số mà không thể đồng thuận là có vấn đề nghiêm túc. Nhà thờ giết nhà bác học nhưng trái đất vẫn tròn.  

 [Tôi đang tìm bằng chứng nghi vấn lịch sử là Ông Cụ HCM không tán thành cuộc chiến vào Nam nhưng bị rơi vào “thiểu số ưu tú“ bị nhóm Ông Lê Đức Thọ và Ông Lê Duẫn đánh bạt bằng “đa số bầy đàn mông muội“ trong một cuộc họp Quốc Hội. Tội nghiệp Ông Cụ HCM không có kinh nghiệm không dành cho mình quyền phủ quyết vì quá dân chủ chuyện mà “Thương quê” lo đấy ! Nếu thương Quê có tư liệu hay ý kiến gì thì post lên mạng hay gửi cho xin, rất cám ơn ]

 Hủ tục hay mưu đồ chánh trị xấu thường hay kiếm tìm sự đồng thuận từ quần chúng đông đão ô hợp. Tôi xin Ông nhìn sâu vào phần ngầm của sự việc này. Chúng ta đừng để bị thôi miên vì sự hoa mỹ vô dụng của ngôn từ mà phải kiếm tìm một cơ chế để cái tốt nảy sinh, dung dưỡng tài năng còn như chồi non yếu ớt. Khủng bố cũng đang được người dân Trung Đông u mê ủng hộ cuồng nhiệt đấy. Sự đồng thuận của quần chúng ô hợp đã cho ta chứng kiến phần thú tánh của con người qua chuyện đấu tố ở Trung Quốc hay ném đá đến chết ở các xứ Trung Đông. Sự đồng thuận luôn là để bảo vệ quyền lợi của người nhóm bày tỏ đồng thuận, cổ vũ cho tính bè phái chứ không khuyến khích cố tìm điều có thể vượt lên bất đồng trong cái nhìn đa phương toàn diện. 

 ....Tôi nhận ra lộ trình tư duy và khuôn khổ, cách thức điều hành đất nước sa vào những sự sai lầm trầm trọng vì có sự gian dối khiến tôi đầy trăn trở, dù chưa phải là căm giận. Cán bộ nay phải báo cáo láo vì phát triển khoa học kỷ thuật không phải dễ dàng. Cán bộ đảng viên gốc nông dân ít học, học chánh trị sẽ là học vẹt không thể mang nổi nhiệm vụ khó khăn là phát triển KHCN. Chúng ta không được dựa vào sự đồng thuận giả trá qua báo cáo từ tô hồng đến hoàn toàn dối trá đó. Không chỉ dân mà nay quan nhỏ phải mua chức mua hạng chạy ngân sách thì đã bệ rạc lắm.

 Chính vì trí thức là những đỉnh cao mà Đảng không thể bảo họ đồng thuận đoàn kết trong một tổ chức chánh trị họ không có kiến thức hay không thấy tính ưu việt. Họ cũng không thể đoàn kết sinh họat với người khác lãnh vực chuyên môn vì không thể hoang phí thời gian. Để theo kịp đà tiến hóa nhà khoa học không có thì giờ tranh cải chánh trị cù nhầy.

 Các bệnh viện đa khoa các Trường Đại học đều phải tách dần thành bệnh viện đại học chuyên ngành là vì thế ...

 Tôi đích thân nghe Thủ tướng Khải chê trí thức không đoàn kết.

 Muốn trí thức đoàn kết dưới một Đảng không mang tính ưu việt hay xung quanh một Đảng còn kém như ta hiện nay... e là không thành công, hoang đường! Trí thức trẻ không thể mất thì giờ cho việc cải chày cải cối, làm chánh trị salon máy lạnh! Thì giờ để bắt kịp khoa học giử vững việc làm (job) thu nhập ổn định là hết sức khẩn trương rồi.

 Tôi đã đề xuất lộ trình hội nhập là hội thảo chuyên môn, tiếp theo thành lập tổ chức chuyên môn trong nước nối mạng với Việt Kiều và chuyên gia nước ngoài, theo học trên mạng trong nhiều lãnh vực để giúp nhau phát triển KHCN khi ta chưa có nền giáo dục tốt. Đó là xã hội dân sự tập trung trí tuệ, nghe theo kết luận của hội thảo của chuyên gia toàn cầu chứ không qua vài người thân cận là quyết định chánh sách .

 2- Đa đảng không phải điều kiện tất yếu hay đồng nghĩa với dân chủ .

 Rất đúng, đa đảng không phải là đủa thần. Đủa thần chính xác là tư duy thiện nhân tiến bộ, khoa học công nghệ đúng tầm.

 Cơ chế tất yếu phải có là quốc hội mạnh gắn chặt họat động với ý kiến dân chúng. Chưa có hình thái nào hay hơn để thay thế. Nhưng quốc hội cũng không phải theo đuôi dân chúng mà còn phải trình bày thuyết phục xây dựng lý luận khách quan để dần đạt được đa số đồng thuận vì đồng thuận là cơ sở thành công nên không thể thiếu. Nếu không đa đảng hay có một xã hội dân sự mạnh ai làm việc này? Không đồng tình với việc chống đối nhà nước VN một cách chưa đúng bài bản dân chủ của Việt Kiều, Đại sứ Mỹ tại VN đã gặp gở và thuyết phục Việt Kiều ở Mỹ về cách đấu tranh đúng đắn cho tự do dân chủ có thông tin chính xác không mang ấn tượng cộng đồng phải tuân hành luật pháp.

 Nhưng lộ trình dân chủ cần Đa đảng là cơ cấu cần thiết trong giai đọan đầu xây dựng nền dân chủ để làm đối trọng, làm đội tiền phong. Một nền dân chủ ổn định trong trọng điểm phát triển khoa học công nghệ Đảng chánh trị sẽ ít có việc làm mà Xã hội dân sự, hội đoàn chuyên môn lo về dân số, lo môi sinh, lo bệnh AIDS phải làm nhiều hơn. Dân đóng góp tiền cho Đảng cũng sẽ quyết định sự tồn tại của Đảng đó. Tôi mong “Thương quê” cũng an tâm ủng hộ dân chủ .

 Nói “vì dân” mà không có cơ chế dân chủ là ngụy biện . Mà đa đảng là một phần của cơ chế dân chủ, khi dân thấy cần thiết thì lập ra khi không cần thì yêu cầu giải thể thay đổi mục tiêu. Một đảng mà vô dụng sẽ không ai chịu vào, nhất là không ai chịu đóng góp sẽ bị dân chối từ không ủng hộ rồi phải tự phá sản. Đảng Cộng Sản không nên núp bóng điều 4 có tác dụng xài ngân sách .

 Ta đang đóng băng tư duy mình vào kiểu đảng CS VN hiện nay, trường tồn dù gây tai hại nên không chấp nhận có cái thứ hai thứ ba nào khác vì trở thành lực lượng hiển thị cái dở của Đảng CSVN đương quyền chứ gì?

 Đa đảng chẳng những không phải là tất yếu và không đủ mà còn phải cẩn thận vì người Châu Á tính Bè nhiều hơn tính Đảng. Nhưng, dân chủ cũng khiến Đảng nào không hiệu quả thì đảng đó không có cơ may tồn tại.

 Mục đich các Đảng và hội đoàn là chiếm ghế quốc hội để xây dựng một hệ thống đào tạo và đánh giá con người theo các giá trị thật được quốc hội thiết lập sau khi bàn cải. Sau đó nó phải hiển thị minh bạch qua Luật pháp. Thí dụ: Lương tối thiểu của lao động đơn giản, lương tối thiểu của Kỷ sư thực hành học 3 năm, 5 năm 7 năm.. để người lao động không bị bắt chẹt. Thí dụ Sức khỏe cho mọi người, giáo dục cho mọi người. Nhưng mức chăm sóc y tế và mức cưỡng bách giáo dục không thể giống nhau giữa các nước do kinh tế khác nhau ...

 Tôi nói đến giá trị thật vì chúng ta đang nhầm lẫn giữa lợi thế và giá trị. Sắc đẹp là lợi thế, không phải là giá trị. Hai kỷ sư làm cùng một việc, nếu kỷ sư nào đẹp trai đẹp gái được trả lương cao là không thể chấp nhận. Nhưng sắc đẹp và phong độ lịch lãm là lợi thế sẽ giúp dễ được tuyển dụng vào các vị trí có lương cao vì ngoài tài năng cơ bản như nhau còn có lợi thế là khả năng thuyết phục người khác. Một Cty các vị trí tiếp thị luôn hưởng lương cao được cung cấp phương tiện xe và luôn ăn mặc đẹp để thuyết phục về sản phẩm ký kết hợp đồng... Không phải không phát sinh tỵ hiềm nhưng cuối cùng thi sát hạch ứng xử không qua, làm không hiệu quả, phải chấp nhận mình ít lợi thế. Đó là lợi thế thực được chấp nhận. Còn Đảng viên không có cả giá trị bản thân còn chiếm lợi thế giả vì “làm chơi ăn thiệt

 Giai cấp là nhóm xã hội có hoạt động giống nhau, không phải giá trị. Giai cấp được coi là thế lực có giá trị là yếu tố có tính quyết định thường hay bị chánh trị dựa vào hay lợi dụng làm để làm những cuộc chánh biến có thể tốt, có thể rất xấu!

 Theo tôi nếu VN bỏ bộ máy song trùng của Đảng, xây dựng quốc hội chuyên nghiệp, gắn với các đảng có gốc từ dân mạnh mẻ vì họat động bằng tiền do dân đóng góp ủng hộ. Nếu Mặt trận được phân quyền độc lập, bầu chọn tự do, họat động như hạ viện bên cạnh quốc hội và mang tính địa phương hơn thì VN có chánh phủ dân chủ và nền xã hội dân sự trong trật tự. Không chỉ chửa cháy bằng hạn chế số đảng viên. 

 Ông Võ Văn Kiệt và Nguyễn Trung tuy đề xuất nhiều việc tốt nhưng vẫn cho là Đảng nên mở rộng dân chủ chứ không đề xuất đa đảng vì cũng lo ngại bât ổn chánh trị. Tôi cho là phải hiểu nguyên tắc dân chủ và không cần phải sợ dân chủ như sợ Ma .

 Dân chủ đích thực không chấp nhận con đường nào khác hơn là đấu tranh nghị trường cho đến khi đạt được đa số và không dùng bạo lực xâm phạm người bất đồng.

 Mỹ Anh và Châu Âu không chấp nhận ngồi lại với chánh phủ Myanmar dành quyền sau biến lọan là vì thế!

 3- Dân chủ có định nghĩa đơn giản là quyền trao gởi quyền lực nhà nước và tiếng nói của người bị cai trị .

 Định nghĩa đơn giản vậy thôi có gì mà không định nghĩa được? 1951 chưa có định nghĩa nhưng nay là 2006 định nghĩa đã rõ ràng mà! Nhưng tôi đồng ý xác định mức độ, định thời mở rộng dân chủ mới khó vì tùy thuộc dân trí, tục lệ, không dễ hiểu dễ thống nhất về cơ chế để có dân chủ. Phụ nữ không được tham gia chánh trị, đàn ông có quyền có 4 vợ lại đưa vào luật hẳn hoi là vi phạm nhân quyền (một nội dung của dân chủ ) đúng không? Hãy theo dõi ý kiến này ở các quốc gia Hồi Giáo xem ra sao? Khi một người Hồi giáo đòi đem 4 bà vợ mình sang Pháp chánh phủ Pháp đã từ chối vì trái luật pháp quy định chế độ một vợ một chồng của Pháp. Hay việc đội khăn choàng đầu, cắt âm vật, cà răng căng tai ...cũng vậy vì trái tự nhiên .

 Không chánh phủ nào kể cả chánh phủ dân chủ đa đảng muốn thực thi tốt quyền dân chủ đầy đủ. Chánh phủ không thích tiếng nói người dân vì khó thực hiện hết các yêu cầu sống đa dạng của dân với ngân qũy lúc nào cũng eo hẹp. J. J. Rousseau (1712-1778) cũng thấy khó nhưng vì 200 năm trước ông chưa thấy ra giải pháp là kiểm soát dân số. Trung Quốc quá khó quá khổ vì dân số nên quyết theo chế độ một con là vì thế. Đó là phát triển bền vững cân bằng với khả năng tái tạo của mội trường và trong quy mô dân số phù hợp với điều kiện kinh tế, để có khả năng cung cấp cho mọi người những điều kiện sống căn bản. Tôi không nhớ rõ nhưng có một đảng viên cao cấp trình bày đã nói điều này: Thụy Điển có 10 triệu dân mà thằng nào cũng giỏi. Đó là giải pháp Việt Nam cần theo và cuối cùng phải đạt được. Chúng ta đang đeo 2 cái gông khó gở: Bộ máy song trùng ngày càng mở rộng biên chế lên đến 6 triệu so với 2 triệu của Thailand. Quy mô dân số không phù hợp với khả năng tái tạo môi trường vừa không phù hợp với khả năng kinh tế. Cưởng bách giáo dục tốt cho dân cũng không dám làm vì không đủ trường lớp !

 4- Xã hội dân sự :

Chính xác phải dân chủ qua một xã hội dân sự chứ không chỉ là đa đảng mà phải với hàng ngàn tổ chức xã hội họat động chuyên môn song hành có tiếng nói trong quốc hội và trong nghề nghiệp. Đại biểu quốc hội khó đại diện chính xác cho một nhóm chuyên ngành nghề nghiệp. Một nhóm chánh trị không bám rễ vào dân, sẽ dành ngân sách cho các việc không phục vụ dân sinh. Mục tiêu của Xã hội dân sự là giúp nhà nước điều hành ngân sách sao cho phát triển một xã hội đa dạng ai cũng được chăm lo. Thí dụ tổ chức xã hội: Chăm sóc người già trẻ mồ côi sẽ đệ trình xin ngân sách nhà nước địa phương phải có phần kinh phí để hổ trợ cho người già trẻ em .

 Chế độ dân chủ đa đảng cũng có nhiều hỏng hóc như Nam Việt Nam trước đây. Chúng tôi gọi các ông là các nhà chánh trị Salon. Nhưng dân chủ thật sự rât đáng mơ ước .

 Điều đáng mơ ước đầu tiên là được tắm mình trong thông tin và phân tích các dữ kiện để xây dựng cho mình một nhân sinh quan và thế giới quan đúng tầm cao thời đại.

 Dù dân chủ là quyền đa số nhưng phải đảm bảo quyền thiểu số. Ở Mỹ ý nghĩa quyền thiểu số có nghĩa là quyền của các nhóm dân ít có đại diện. Ở VN trái lại có nghịch lý đảng là thiểu số mà chiếm đa số ở quốc hội.

Dân chủ không chấp nhận bạo lọan. Ở Mỹ Anh có thể biểu tình hô khẩu hiệu, trương bảng, nêu thông điệp, nhưng hai người một Mỹ một Việt xúc phạm Thủ tướng Phan văn Khải liền bị đưa ra tòa. Cô Hạnh cũng đang bị ngồi tù khi gây sự cố tự thiêu đe dọa khi Phó Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng sang làm việc ở Mỹ .

 Tôi đánh giá cao vấn đề an ninh. Nhưng tách ra hai việc cho minh bạch. Sức mạnh quân sự của Quân đội chống ngoại xăm khi bên cạnh là anh bạn khổng lồ, nghèo dỡ luôn có y cứơp giật là phải có đề phòng cẩn mật. Toàn dân nhất trí điều này. Việt Kiều cũng ủng hộ khi Trung quốc bắn giết ngư dân.

 An ninh nội an thì không thể theo tư duy trấn áp để có ổn định tĩnh, khá cần thiết phù hợp trong một giai đọan ngắn còn hỗn độn.

 Tư duy về ổn định trong trạng thái động để tiến bộ chưa được hình thành khi đã là một bức bách xã hội. An ninh hiện nay cần không phải là thứ an ninh chống ngọai xăm mà là chống tiêu cực chống hình thành băng đảng ngầm đang bộc lộ mạnh trong các ngành. Không phát hiện kịp lúc hay ngăn ngừa sự hủy diệt Đảng qua thế lực, cơ hội tiêu cực đen và ngầm thì ngành an ninh và Tòa án Việt Nam ta tỏ ra vô cùng kém cỏi.

 Chỉ biết lo trấn áp những người có mối ưu tư bức xúc trước nguy cơ phải lên tiếng công khai thì ngành công an tình báo VN không còn xứng đáng được tin cậy. 

 Cuộc vận động dân chủ mà tôi mong muốn tham gia chính xác là cuộc vận động tâm huyết, trí tuệ toàn dân tộc để đưa đất nước đi lên kịp thời đại.

 Tôi vận động đặt vấn đề dân chủ lên bàn đàm phán, lên nghị trình Đảng và quốc hội, để các nhóm muốn lập Đảng trong nước, tường trình trước quốc hội. Ấn định lộ trình, nguyên tắc, luật pháp, định thời để cùng nâng đỡ nuôi dưỡng nền dân chủ hình thành và lớn mạnh trong ổn định trật tự .

 Cuối cùng xin suy ngẫm một điều: Đức Phật dạy đệ tử: ”Kìa đệ tử hãy nhìn xem ngón tay ta mà thấy mặt trăng, nhưng ngón tay ta không phải là mặt trăng.“

Tổ chức Đảng CS nếu còn mang lý tưởng đúng chăng nữa cũng chỉ là ngón tay Phật, đừng ngộ nhận là mặt trăng chân lý. Tay Phật chỉ khi đàng Đông, khi đàng Tây, khi là ngự đỉnh trời tròn chính diện và đến một lúc không cần Tay Phật chỉ nữa khi phật tử đã giác ngộ. Đảng cũng vậy! Mặt trăng chân lý là dân chủ tự do công bằng trí tuệ mới trường tồn, Đảng không trường tồn. Đảng như hôm nay là đã không cam lòng chỉ làm vật chỉ đường cho mọi người cùng vui sống, tiến đền vùng trời tự do dân chủ tiến bộ. Ý niệm là “Vô sản “ mà nhiều quan chức cơ hội không chống chỏi nỗi lòng tham vơ vét tài sản, đã thành bàn tay quyền lực tội lỗi.

Trân trọng kính chào

HỒNG SƯƠNG


Tham khảo:

09 Tháng 3 2006 -

 Đa đảng không phải là điều kiện của Dân chủ

Huệ Đăng
Viết từ Sài Gòn

Ngày nay, nhà nước pháp quyền, chế độ dân chủ và nền kinh tế thị trường là xu thế phát triển tất yếu của thế giới.

Đó cũng là những giá trị chung của nhân loại mà chúng ta phải chấp nhận nếu muốn hội nhập quốc tế có kết qủa. Chỉ khi biết chấp nhận những giá trị chung, mỗi dân tộc mới có thể hội nhập thực sự và bảo vệ thành công những giá trị riêng làm nên bản sắc dân tộc mình trong qúa trình Toàn cầu hóa.

Là giá trị chung của nhân loại, của xã hội văn minh dân sự, Dân chủ và quá trình thực thi dân chủ có những nguyên tắc chung phải tuân theo ở bất kỳ quốc gia nào thực sự muốn dân chủ hóa. Nhầm lẫn chúng, hay cho rằng chúng là khác nhau đối với mỗi quốc gia, hoặc nghĩ rằng có thể sáng tạo nguyên tắc cơ bản mới cho nền dân chủ quốc gia, đều dẫn đến hậu qủa chung là dân chủ giả hiệu. Nhận thức đúng đắn về Dân chủ cũng sẽ giúp trả lời câu hỏi nóng bỏng tại Việt nam hiện nay, nên hay không nên thực hiện đa đảng, đa nguyên chính trị? và bước đi cụ thể đầu tiên là gì để khởi động qúa trình dân chủ hóa thực sự nước ta ?

Dân chủ là gì?

Dân chủ là một khái niệm không đơn giản chút nào. Đến nay, học giả của các ngành khoa học như Xã hội học, Luật học, Chính trị học ...chỉ có thể nhất trí rằng không thể có một định nghĩa thống nhất về Dân chủ. Điều này được thể hiện rất rõ qua hội nghị toàn thế giới về Dân chủ do UNESCO (Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc) tổ chức vào năm 1951. Hơn 500 chuyên gia từ khắp nơi đã tụ họp tại đây nhằm tìm kiếm một định nghĩa chung về Dân chủ. Nhưng số lượng những quan niệm khác nhau về Dân chủ đã vượt quá sức tưởng tượng và sự chờ đợi của ban tổ chức.

Tuyên bố kết thúc hội nghị đã không đưa ra được một định nghĩa nào về Dân chủ, mà chỉ lưu ý sự khác biệt rất lớn của những quan niệm Dân chủ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và thực hiện Dân chủ .

Hai thành tố của Dân chủ

Nói như thế không có nghĩa là muốn hiểu thế nào về Dân chủ cũng được để xây dựng một nền Dân chủ tùy hứng. Điều hết sức thú vị là vượt qua mọi khác biệt về quan niệm, hội nghị Dân chủ thế giới đã nhất trí khẳng định hai nền tảng làm nên (thành tố) Dân chủ là: Tự do và Bình đẳng. Nhiều học giả còn khẳng định Dân chủ đồng nghĩa với việc bảo đảm và bảo vệ Tự do, Bình đẳng của người dân.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng Tự do và Bình đẳng vừa bổ sung, vừa là điều kiện tồn tại của nhau. Lịch sử phát triển quyền cơ bản của công dân cho thấy trước hết là cuộc đấu tranh vì Tự do, sau đó mới là vì quyền Bình đẳng. Chính từ lập luận Tự do, Bình đẳng là những thành tố phụ thuộc lẫn nhau, cái này là điều kiện tồn tại của cái kia, mà một số học giả phủ nhận Dân chủ. Họ cho rằng Dân chủ dựa trên hai thành tố này chỉ là bánh vẽ, một thứ Dân chủ mị dân- ’’Dân chủ Tư sản’’- vì không thể nào đạt được sự Bình đẳng tuyệt đối và bình đẳng tương đối cũng chỉ có thể có được khi giới hạn tự do.

Nhưng, cách đây hơn 200 năm, J. J. Rousseau (1712-1778) đã nhận ra mâu thuẫn này của Dân chủ khi ông viết: ‘‘Làm thế nào mà ta có thể tìm được một hình thái tổ chức xã hội, trong đó mỗi thành viên đều được bảo vệ và che chở, đồng thời mỗi cá nhân- mặc dù liên kết với mọi người- lại chỉ tự tuân theo bản thân và như vậy vẫn hoàn toàn tự do như trước?‘‘

Nhận thức được mâu thuẫn này, loài người tiến bộ đã không ngừng đấu tranh hoàn thiện cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao, sao cho quyền Tự do của công dân được bảo đảm tối đa và tương quan Tự do- Bình đẳng được mọi người tự nguyện chấp nhận. (Lưu ý: Quyền lực tối cao đối với xã hội không phải lúc nào cũng trùng với quyền lực nhà nước tối cao. Quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền luôn là quyền lực tối cao)

Nguyên tắc hoạt động Dân chủ

Nguyên tắc toàn bộ quyền lực nhà nước từ dân mà ra:

Trong chế độ Dân chủ thực sự thì đây không phải là một nguyên tắc lãng mạn, có ý nghĩa tượng trưng như Rousseau viết trong ‘‘Khế ước Xã hội‘‘, mà là một nguyên tắc tổ chức phải được thực thi nghiêm chỉnh trong toàn bộ hoạt động thực tiễn của nhà nước và chính quyền. Theo đó, quá trình hình thành và thực thi ý chí, các quyết định của nhà nước khởi đầu từ dân và kết thúc ở cơ quan đại diện cao nhất của dân, nghĩa là từ dưới lên trên. Trong khi quá trình này ở chế độ độc tài là ngược lại: từ trên xuống dưới và bằng mệnh lệnh.

Quyền lực, đó là năng lực hình thành và thực hiện các ý muốn chính trị. Về bản chất, hoạt động Dân chủ xuất phát từ khẳng định mỗi cá nhân đều có năng lực này. Và vì vậy, nhà nước với chế độ dân chủ chính là một hệ thống đại diện từ dưới lên trên cho quyền lực của mọi thành viên trong xã hội. Trong bất kỳ hình thái tổ chức xã hội nào, thì giải quyết vấn đề quyền lực bao giờ cũng là vấn đề then chốt nhất. Trong Nhà nước pháp quyền với chế độ dân chủ, quyền lực bao giờ cũng phải gắn chặt không thể tách rời với trách nhiệm của người sử dụng nó trước người dân.

Hiện nay, dù còn nhiều vấn đề cần tranh luận xung quanh câu hỏi "Dân chủ là gì?" nhưng nguyên tắc quyền lực phải gắn chặt với trách nhiệm vẫn được giới học giả quốc tế nhất trí công nhận là nguyên tắc hoạt động để phân biệt chế độ Dân chủ với các chế độ khác. Một hình thái tổ chức xã hội, mà ở đó, quyền lực không gắn liền với trách nhiệm thì cũng không thể có chế độ Dân chủ. Ngược lại, dù là nhà nước Quân chủ, cũng có thể xuất hiện chế độ Dân chủ nếu quyền lực được gắn chặt với trách nhiệm (tất nhiên là với sự kết hợp thực hiện các nguyên tắc khác để kiểm soát, cân bằng và giới hạn quyền lực). Ngược với ‘‘dòng cHãy‘‘ quyền lực từ dưới lên trong chế độ Dân chủ là ‘‘dòng cHãy‘‘ trách nhiệm từ trên xuống: Chính phủ chịu trách nhiệm trước quốc hội, thành viên quốc hội chịu trách nhiệm trước người dân (Cử tri). Và nếu họ không hoàn thành trách nhiệm của mình, cử tri phải có thực quyền bãi nhiễm họ.

Như vậy, kiểm soát việc hoàn thành trách nhiệm của các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước là điều kiện không thể thiếu nhằm bảo đảm nguyên tắc quyền lực gắn liền với trách nhiệm. Kiểm soát, theo nghĩa rộng nhất của từ này, trong chế độ Dân chủ chính là sự kiểm soát của luật pháp qua hệ thống hoàn chỉnh của các toà án độc lập.

Theo nghĩa hẹp hơn, đó chính là sự kiểm soát của các cơ quan do hiến pháp quy định, mà quan trọng nhất vẫn là sự kiểm soát của quốc hội. Nhưng ai sẽ là người kiểm tra Quốc hội và những ‘‘người đi kiểm soát‘‘ khác? Nhiệm vụ này được trao cho Tòa án bảo vệ Hiến pháp (Tòa Bảo Hiến). Khác với chế độ Độc tài, nhiệm vụ của chế độ Dân chủ vì vậy phải là xây dựng một bộ máy hành chính, tòa án các cấp hoàn chỉnh, sao cho mỗi công dân trong thực tế đều có thể tham gia theo dõi hoạt động của các cơ quan nhà nước và chính quyền. Và khi thấy cần thiết, anh ta (cá nhân) có thể ngay lập tức buộc các cơ quan kiểm tra hiến định phải nhập cuộc. Ngoài ra, có thể dễ dàng thấy rằng, một trong những điều kiện không thể thiếu để người dân thực hiện quyền kiểm soát của mình với tư cách là người làm chủ nhà nước, chính là quyền tự do tiếp nhận thông tin trung thực.

Có những ‘‘nhà nước‘‘ với Hiến pháp không đến nỗi nào- thậm chí không khác gì lắm so với Hiến pháp của một Nhà nước pháp quyền- nhưng ở đó lại là những chế độ có quyền lực vô giới hạn đứng trên và đứng ngoài pháp luật.

Ở đây, Hiến pháp hoặc là bị vô hiệu hóa toàn bộ, hoặc là chỉ vô hiệu hóa những điều khoản giới hạn quyền lực. Chiến lược thường được những nhà nước kiểu này áp dụng là không thành lập một hệ thống toàn án hoàn chỉnh, mà đặc biệt là không cho phép thành lập Tòa Bảo Hiến. Có như vậy, giới cầm quyền mới có thể giải thích Hiến pháp một cách tùy tiện theo lợi ích chính trị của họ. Khôn khéo hơn là những chế độ Độc tài có cả Tòa Bảo Hiến, nhưng nó không được độc lập và hơn nữa: công dân ở đó không được hưởng quyền tự do thông tin.

Tất nhiên không thể bỏ qua một biến tướng ‘‘hiện đại‘‘ hơn: Nhà nước với hệ thống hoàn chỉnh các toà án kể cả Tòa Bảo Hiến được độc lập một cách tương đối, công dân được tự do thông tin, nhưng anh ta không có quyền buộc các cơ quan kiểm tra hiến định nhập cuộc (chẳng hạn: Toà Bảo Hiến không nhận đơn kiện hay khiếu nại cá nhân,v...v)

Vì vậy có thể khẳng định rằng, điểm cốt tử để bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước từ nhân dân mà ra, chính là việc phải xây dựng được trong thực tế một hệ thống hoàn chỉnh các cơ quan nhà nước, chính quyền, tòa án với cấu trúc và cơ chế hoạt động sao cho trong thực tế việc thực thi quyền lực bị gắn chặt với trách nhiệm cụ thể- mà người dân có thể kiểm soát vào bất cứ lúc nào- của các cơ quan công quyền.

Nguyên tắc nhà nước pháp quyền

Một số học giả cho rằng đây chính là nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Cụ thể hơn, nguyên tắc này qui định: mọi hoạt động của nhà nước và đời sống xã hội phải gắn liền và tuân theo luật pháp, bảo đảm công lý.

Ở đây nên lưu ý rằng, Công lý là một khái niệm tuyệt đối và không bao giờ có thể có Công lý tuyệt đối trong một thế giới luôn biến đổi như thế giới của chúng ta. Vì vậy, sẽ là sai lầm và không tưởng nếu lấy Công lý làm tiêu chuẩn đánh giá một nhà nước có phải là Nhà nước pháp quyền hay không. Điều quan trọng hơn cả là ý chí vươn đến Công lý trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, nguyên tắc nhà nước pháp quyền buộc ba cơ quan hiến định thực hiện quyền lực nhà nước chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động của mình sao cho có thể thực hiện công lý ở mức tối đa có thể được trong những hoàn cảnh cụ thể. Ngoài ra có thể dễ dàng thấy một hệ qủa quan trọng của nguyên tắc nhà nước pháp quyền là: Mọi thành viên xã hội đều bình đẳng trước pháp luật, không một ai- kể cả người bị kết án tù- không một tổ chức nào- kể cả các đảng phái chính trị, tổ chức, hội kín- có quyền đứng trên hiến pháp, ngoài pháp luật và đứng ngoài phạm vi chịu trách nhiệm của các cơ quan công quyền.

Nguyên tắc phân tập quyền lực

Quyền lực nhà nước là không thể chia sẻ, hay nói một cách khác: chỉ và chỉ có nhà nước là chủ thể duy nhất được nhân dân trao cho quyền lực tối cao. Nhưng hầu như ai cũng nghe nói về phân lập quyền lực nhà nước thành Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Vậy điều này có gì mâu thuẫn không?

Nếu như mục đích phân lập quyền lực của J. Locke và Charles Montesquieu (được coi là cha đẻ của khái niệm tam quyền phân lập) là hạn chế quyền lực tối cao của Hoàng gia bằng cách chuyển nó cho ba cơ quan nhà nước độc lập với nhau đảm nhận, thì ngày nay, ý nghĩa và mục đích của sự phân tập quyền lực lại là bảo vệ quyền tự do công dân, hạn chế đến mức thấp nhất sự lạm dụng quyền lực nhà nước tối cao thông qua việc kiểm tra, kiểm soát, cân bằng lẫn nhau giữa ba cơ quan hiến định thực thi quyền lực ấy.

Nguyên tắc phân tập quyền lực không còn được hiểu là nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước khác nhau, mà là nguyên tắc phân công trách nhiệm và quyền hạn sử dụng quyền lực này cho các cơ quan hiến định khác nhau.

Có thể khẳng định rằng để bảo đảm quyền tự do, quyền bình đẳng của công dân-hai thành tố của dân chủ- thì điều kiện tiên quyết phải là : a) giới hạn phạm vi hoạt động quyền lực tối cao trong một khuôn khổ pháp lý căn bản chung được mọi thành viên xã hội chấp nhận là Hiến pháp ; và b) việc thực thi quyền lực tối cáo phải luôn luôn được kiểm soát và cân bằng trên cơ sở tản quyền và với sự tham gia tối đa của người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lạm quyền.

Nguyên tắc đa số

Là nguyên tắc nhằm đảm bảo sự hoạt động trôi cHãy của chế độ Dân chủ. Nguyên tắc này thường bị hiểu là được dẫn ra từ lý tưởng Bình đẳng: Hoặc là vì ý kiến của đa số có trọng lượng hơn thiểu số, hoặc là vì quyết định của đa số đúng hơn...

Đây là một sự ngộ nhận. Nguyên tắc đa số trong hoạt động dân chủ được dẫn ra từ quyền Tự do, với mục đích bảo đảm Tự do cho nhiều người nhất. Nếu một quyết định không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, thì phải làm sao để nó có thể phù hợp với quyền tự do của nhiều cá nhân nhất như có thể được. Nhưng ở đây, bảo đảm quyền Tự do cho nhiều người nhất chỉ có thể được thực hiện một cách công bằng khi tôn trọng hai nguyên tắc hoạt động khác là Bình đẳng và Nhà nước pháp quyền.

Ngoài ra, vị thế của người công dân trong Nhà nước pháp quyền-dân chủ luôn luôn thay đổi, khi thuộc khối đa số, lúc lại thuộc khối thiểu số. Vì vậy, tính công khai của mọi quyết định nhà nước và chính quyền- nhằm đảm bảo cho người dân được tự do khi quyết định mình thuộc vào khối nào- cũng là một điều kiện cơ bản khác cho hoạt động dân chủ.

Chế độ Dân chủ không hứa hẹn quyền tự do tuyệt đối, nó chỉ bảo đảm rằng quyết định về sự hạn chế cần thiết các quyền tự do căn bản được thực hiện theo nguyên tắc Bình đẳng.

Như vậy, mặc dù trái với những suy nghĩ cảm tính, hấp tấp, chế độ Dân chủ vẫn có khả năng xuất hiện và trưởng thành ngay cả trong hình thái quân chủ và các biến thể của nó, một khi các nguyên tắc căn bản cho hoạt động Dân chủ nói trên được thực hiện trong thực tế.

Đa đảng là thành tố, điều kiện tiên quyết hay nguyên tắc hoạt động của Dân chủ?

Ngày nay, người ta không thể hình dung nổi đời sống chính trị và xã hội tại các Nhà nước pháp quyền với chế độ Dân chủ phương Tây, nếu ở đó không tồn tại các đảng phái chính trị khác nhau nữa. Nhưng thành tố của Dân chủ chỉ có thể là Tự do và Bình đẳng. Không có hệ thống đa đảng, việc kiểm tra, kiểm soát, cân bằng và giới hạn quyền lực tối cao vẫn có thể được thực hiện- với kết qủa có thể chấp nhận được- nếu các nguyên tắc hoạt động Dân chủ được đảm bảo. Đây cũng chính là tình trạng ban đầu của chế độ Dân chủ, khi các đảng phái chính trị còn chưa ra đời và ngay cả khi các đảng phái này đã lớn mạnh nhưng chưa đủ năng lực tham chính.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cho đến nay, chế độ Dân chủ với hệ thống đa đảng là một chế độ có cơ chế kiểm soát, cân bằng và giới hạn quyền lực tối cao có hiệu quả nhất. Nhưng đa đảng không thể là điều kiện hình thành, hay nguyên tắc hoạt động của chế độ Dân chủ. Chính nhu cầu ngày càng hoàn thiện cơ chế kiểm soát-cân bằng quyền lực nhà nước trong chế độ Dân chủ đã làm nẩy sinh, thúc đẩy phát triển hệ thống đa đảng. Chứ không phải hệ thống đa đảng làm nên chế độ Dân chủ. Nói một cách khác, hệ thống đa đảng không có gì khác hơn là một sản phẩm của lịch sử phát triển Dân chủ. Chính vì vậy mà không chỉ những đặc trưng cơ bản của hệ thống đa đảng, các điều kiện sống còn bảo đảm sự hoạt động có hiệu quả của cơ chế kiểm soát quyền lực; mà cả đến năng lực và ý thức chính trị của một đảng- trong vai trò là một trong những yếu tố của hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực toàn dân- cũng chỉ có thể thành hình, định tính dần trong qúa trình xây dựng Dân chủ. Một quá trình, như thực tiễn cho thấy, được khởi đầu từ chỗ chưa có đa đảng. Lấy đa đảng làm điều kiện xây dựng chế độ Dân chủ là lấy ngọn làm gốc.

Ngoài ra, đặt nhiều đảng chưa có năng lực, kinh nghiệm và ý thức về vai trò thực sự của mình vào cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực của một chế độ dân chủ chưa hề trải qua thực tiễn hoạt động dân chủ như ở nước Nga sau thời gian Liên xô tan vỡ đến nay, chính là khuyến khích tranh giành quyền lực, chứ không phải là kiểm soát và cân bằng quyền lực nhà nước. Như ta thấy hậu quả tất yếu của tiến trình này không phải là sự hoàn thiện dần cơ chế Dân chủ, mà là chế độ Oligarchie- chế độ thống trị tùy tiện của một số ít các nhóm quyền lợi, những ông trùm trong các lĩnh vực khác nhau- như ở Nga hiện nay.

Tất nhiên, các đảng phái sẽ học hỏi kinh nghiệm và trưởng thành trong qúa trình dân chủ hóa dài đằng đẵng này. Nhưng, trước tiên họ sẽ thu thập kinh nghiệm giành giật quyền lực nhà nước vào tay mình, sau đó mới ý thức được rằng, quyền lực nhà nước là không thể chia xẻ và họ chỉ có thể là một trong những yếu tố để kiểm soát và cân bằng quyền lực ấy cho nhân dân. Nghèo đói và bất công mà người dân phải chịu đựng trong suốt quá trình này chắc chắn không thể là cái giá phải trả để các đảng phái chính trị học hỏi thêm kinh nghiệm hoạt động dân chủ.

Làm gì để dân chủ hóa đất nước?

Lịch sử phát triển quyền lực cho thấy sự lạm quyền luôn luôn là nguyên nhân cơ bản và trực tiếp dẫn đến sụp đổ quyền lực.

Quyền lực tối thượng đứng trên xã hội của nhà vua rốt cuộc cũng sụp đổ tan tành ở những quốc gia mà nó không kịp chuyển vào một cơ chế giới hạn, kiểm soát và cân bằng quyền lực với sự tham gia của toàn dân: Quân chủ lập hiến. Hiện tại có không ít nhà nước pháp quyền-dân chủ mà vẫn tồn tại Hoàng gia (Vua, Hoàng hậu) như Vương quốc Anh, Hà lan, Tây Ban Nha v…v. Có thể nói, kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao vừa là mối quan tâm hàng đầu của chủ thể nắm quyền nhằm bảo vệ, giữ vững quyền lợi của mình, vừa là điều kiện tối thiểu để bảo vệ quyền tự do, bình đẳng của công dân và cũng là điều kiện để dân chủ hóa. Đối với nước ta, đảng CSVN được hiến pháp công nhận là lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội và trong thực tế cũng là người nắm quyền lực tối cao.

Tuy nhiên quyền lực này không trùng hợp với quyền lực nhà nước và chưa được thể chế hóa. Do đó trong thực tế, quyền lực tối cao do đảng CSVN nắm không nằm trong bất cứ cơ chế giới hạn, kiểm soát, cân bằng quyền lực nào của nhà nước và xã hội cả, ngoài cơ chế kiểm tra nội bộ đảng. Thêm vào đó, với vị trí của người đứng ngoài nhà nước lại nắm quyền trên nhà nước, đảng CSVN tự trao cho mình nhiệm vụ thay mặt nhân dân là người kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước.

Và cho rằng như vậy là được rồi, trong khi điều cấp thiết nhất hiện nay không phải là kiểm soát, cân bằng quyền lực nhà nước mà là quyền lực tối cao của đảng CS. Chính đây là điều cốt lõi về nhận thức khiến cho tất cả mọi cố gắng hạn chế lạm quyền, chống tham nhũng của đảng CS và nhà nước đều thất bại.

Phải thừa nhận một thực tế là chúng ta chưa có một cơ chế kiểm soát, cân bằng quyền lực tối cao của đảng CS. Nó vẫn là một thứ quyền lực đứng trên xã hội và ngoài hiến pháp. Nhưng chính đây cũng là nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm quyền nghiêm trọng hiện nay đang đe dọa chính uy tín và sự tồn tại của đảng CS. Giới hạn, kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao của đảng CS như thế nào cho có hiệu qủa, hợp lòng dân và không đe dọa vai trò lãnh đạo của đảng chính là nhu cầu khẩn thiết nhất hiện nay. Một cơ chế như vậy nên được khởi đầu bằng những điều kiện tối thiểu cần thiết nhất. Chúng có lẽ là ba điều kiện: a) Thể chế hóa quyền lực tối cao của đảng CSVN; b) Thành lập Tòa bảo Hiến độc lập và một hệ thống hoàn chỉnh các tòa án hành chính; c) Đa nguyên chính trị (không phải đa đảng!)

Thể chế hóa quyền lực tối cao đối với xã hội của đảng CSVN:

Điều 4 Hiến pháp nước ta đã công nhận quyền độc tôn lãnh đạo xã hội của đảng CSVN. Các điều khỏan khác của Hiến pháp nói chung không đi ngược lại chuẩn mực của một Hiến pháp tiến bộ và cũng không dẫn đến cho phép vi phạm hay hạn chế một cách tùy tiện các quyền công dân cơ bản, nếu Hiến pháp được tôn trọng và thực thi nghiêm chỉnh trong thực tiễn.

Quyền lãnh đạo xã hội của đảng CSVN cần được thể chế hóa bằng một tổ chức nhà nước để chính thức đưa mọi hoạt động của đảng sử dụng quyền lực tối cao ấy vào hệ thống các cơ quan hiến định của nhà nước. Cơ quan này có qui chế và chức năng một thượng viện với tên gọi có thể là Hội đồng quốc gia tối cao (HĐQGTC). Thành viên HĐQGTC là các bí thư tỉnh ủy hoặc do đảng CS bổ nhiệm.

Quốc hội hiện tại hoàn toàn có quyền ban hành luật HĐQGTC qui định thẩm quyền, chức năng của nó và công nhận quyền bổ nhiệm thành viên HĐQGTC của đảng CS.

Thành lập Tòa bảo Hiến (TBH):

Nếu đúng là quyền lực tối cao, hiến định, của đảng CS thực sự là từ dân, do dân và vì dân, thì nó phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp hiện nay và phải được gắn liền với trách nhiệm của đảng trước dân. Đảng không thể tự mình đánh gía việc hoàn thành trách nhiệm hiến định của mình đối với nhân dân như từ trước đến nay nữa. Việc kiểm soát mức độ hoàn thành trách nhiệm này là một nhiệm vụ hết sức quan trọng bảo đảm thực thi nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực, vì vậy nó không thể được trao cho chủ thể nắm quyền lực tối cao mà phải trao cho một tòa án đặc biệt là Tòa bảo Hiến.

Thẩm quyền, qui chế hoạt động và thành phần thẩm phán TBH nên do một hội nghị đồng thuận toàn quốc gồm đại diện quốc hội, đảng CSVN, chính phủ, MTTQ, các luật gia có trình độ trong và ngoài nước v…v qui định. Thành phần thẩm phán là đảng viên CS trong TBH cần gắn liền theo tương quan tỷ lệ nghịch với thành phần đảng viên trong quốc hội. Chẳng hạn tỷ lệ đảng viên CS trong quốc hội là 70% thì tỷ lệ thẩm phán không là đảng viên CS trong TBH cũng là 70%. Thêm vào đó, trong thời gian đầu đi vào hoạt động, nên có ít nhất 20% thẩm phán TBH là luật gia được đào tạo cơ bản và có bằng cấp cao ở các nước có truyền thống hoạt động Tòa bảo hiến.

Đa nguyên hóa đời sống chính trị-xã hội

Đa nguyên chính trị không nhất thiết là đa đảng. Bảo đảm cho các nhóm có quyền lợi chính trị khác nhau của người dân được tham gia dưới nhiều hình thức vào cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao là điều kiện cần thiết để xây dựng một nền dân chủ thực sự. Ngoài ra, tạo điều kiện dễ dàng cho việc hình thành các tổ chức, các nhóm phi chính phủ đại diện quyền lợi khác nhau của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trực tiếp tham gia vào qúa trình hoạch định chính sách nhà nước, cũng đang là xu thế chung để có thể thích ứng nhanh chóng với qúa trình Toàn cầu hóa hiện nay. Trước mắt chúng ta có thể thực hiện ngay một số việc như:

• Cho phép thành lập các tổ chức, hiệp hội tư nhân: Đó là các hiệp hội nghề nghiệp, hội hướng đạo, tổ chức từ thiện, tổ chức bảo vệ quyền lợi, các tổ chức phi chính phủ v…v. Nhưng ở đây, cái mà chúng ta cần là những hiệp hội phi chính phủ, tự nguyện và tư nhân thật sự chứ không phải là những tổ chức, hiệp hội mang danh nghĩa phi chính phủ nhưng thực chất là của đảng CS và nhà nước như hiện nay. Cần ban hành một bộ luật riêng, rõ ràng hơn để bảo đảm tính tư nhân của các tổ chức, hiệp hội như vậy.

• Cho phép thành lập công đoàn độc lập và phi chính phủ. Chúng ta đều biết, dù mang danh nghĩa và với các tuyên bố đối ngoại chính thức như thế nào đi nữa, thì các tổ chức công đoàn của ta hiện nay trên thực tế vẫn là tổ chức của đảng CSVN. Nó không thể đóng một vai trò đáng kể nào trong việc kiểm soát và cân bằng quyền lực tối cao của đảng được. Cần ban hành một bộ luật công đoàn tiến bộ hơn công nhận sự cùng tồn tại của công đoàn tư nhân được thành lập trên tinh thần tự nguyện, phi chính phủ và độc lập với đảng CS.

• Cần sớm ban hành luật báo chí mới cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Trong khi chờ đợi một đạo luật tiến bộ như vậy, nên thực hiện phi đảng hóa các tờ báo lớn hiện nay, trả lại cho báo chí tính độc lập cần thiết. Cần sớm hủy bỏ qui định từ phó tổng biên tập báo trở lên phải là đảng viên CS.

• Nên qui định thành phần tối đa đảng viên CS trong quốc hội.

Như thế, chúng ta đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi, nên hay không nên thực hiện đa đảng? Chúng ta đã thấy có thể và cần thực hiện một số bước khả thi nào để khởi động qúa trình dân chủ hóa mà không cần đa đảng trong hoàn cảnh nước ta hiện nay.

Chấp nhận cấu trúc nhà nước với TBH và Hội đồng Quốc gia tối cao của đảng, nghĩa là tự đặt quyền lực tối cao của mình vào hệ thống các cơ quan hiến định nhà nước với cơ chế kiểm soát-cân bằng quyền lực một cách dân chủ, đảng CSVN sẽ vừa ngăn chặn hữu hiệu sự lạm quyền nghiêm trọng có thể dẫn đến sụp đổ đảng như hiện nay, vừa chứng minh được quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ của mình.

Nếu tin vào quyết tâm đổi mới, tin vào quyết tâm chống tham nhũng lạm quyền của đảng CS, tin rằng mục đích của đảng CS không có gì khác hơn lợi ích tổ quốc, lợi ích dân tộc, chúng ta có quyền tin rằng đảng CSVN sẽ không đứng trên pháp luật, đứng ngoài nhà nước và chính đảng CSVN sẽ là người khởi động quá trình dân chủ hóa thực sự đất nước.

 Sài gòn ngày 09.03.2006

 Huệ Đăng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn