BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73525)
(Xem: 62252)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện thường ngày ở đồn (I)

27 Tháng Mười 200612:00 SA(Xem: 882)
Chuyện thường ngày ở đồn (I)
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Đúng 8 giờ sáng, chuông cửa reo vang, tôi rời màn hình computer uể oải đứng lên, một ý nghĩ không mấy dễ chịu thoáng hiện trong óc: "Lại là bọn khốn đây, cái lũ giẻ cùi thời đại này, không biết bao giờ mới để cho mình yên? Không đi thì không xong với chúng nó (vì chúng có cả một hệ thống pháp... lật trong tay, cùng bao nhiêu chiến sĩ công an - cũng là từng ấy kẻ đầu gấu, lật lọng, biến tướng khôn lường) mà đi thì mất ngày, mất buổi. Thời gian không những ngừng trong tê tái còn chết dần chết mòn, chết câm chết ngầm nữa, bao nhiêu tế bào bị mất, bao nhiêu năng lượng sản sinh vô ích, bù vào đó là lượng stress tăng vọt. Xuống hết 18 bậc cầu thang, qua khung cửa sắt, tôi nhận ra ông tổ trưởng khu phố và bí thư đảng uỷ phường. Hai gã cán bộ thừa hành vô cùng mẫn cán - được đào tạo theo đúng đường lối của đảng. Loay hoay tra chìa vào ổ khoá, tôi chưa kịp cất lời mời hai đại diện khu phố vào nhà, thì ngay lập tức 3 kẻ mặc sắc phục công an xông vào (như thể kịch bản đã được đạo diễn từ trước), tôi lập tức hiểu ra vấn đề. Chiều chủ nhật, sau khi diễn ra vụ đấu tố cùng bắt bớ, khám xét, canh gác 24/24 giờ xung quanh cửa ngõ nhà tôi, ông trưởng đồn công an dường như lo lắng cho sự an nguy của tôi, hay sự an nguy của tấm mề đay trên ve áo ông, nên lại cho người mời tôi lên đồn đợt ba (sau cả tháng trời câu lưu ngày nối ngày lên đồn trình diện, thẩm vấn, khai báo...). <Giải thích mãi cho kẻ đưa đơn không được, tôi tức khí nhấc điện thoại lên và thông báo cho quan đồn biết là tôi không có trách nhiệm phải lên vì hoàn toàn nằm ngoài 3 lý do: Không liên quan đến các vụ án hình sự, không phải bị can, cũng không là nhân chứng.Đề nghị đảng...buông vạt váy tôi ra. Tự cho cái ghế trưởng đồn của mình là to... (một công dân vi phạm luật pháp của nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như tôi dám xấc xược gọi điện thoại di động để phản đối) lão tỏ ra vô cùng bức xúc tức giận... Kết quả đã bày ra trò này để bắt sống tôi, không cho chúng nó thoát, công an, tổ trưởng bí thư đã vào đây thì tôi hết đường lui. Thật là... chu đáo(!) Vừa kịp ngồi xuống ghế, cán bộ Sơn đã chìa ra một tập dày cộp các trang in từ vi tính ra, hỏi:

- Chị cho biết lý do tham gia vào công đoàn độc lập, ai mời chị, chị có biết điều này là trái với luật pháp của nhà nước không?

- Thì ra là việc này, tôi thở dài- nhà nước luôn khẳng định cho dân và vì dân bằng cách tước đoạt trắng trợn quyền công dân như thế này đây Than dữ mãi rồi, nguyền rủa, bóng gió cũng đã nhiều, tất cả như nước đổ đầu vịt, như đem tôn giáo bể giảng giải cho cả lũ Dã tràng, thôi thì đành... thư giãn tự mình vui vậy:

- Thì cả đời oai khăn (ăn khoai) mãi rồi, giờ cũng phải có một lần oai áo chứ, 46 tuổi đầu, xe đời ga cuối đã chờ, phải một lần thành ông nọ, bà kia chứ.

Chị trả lời nghiêm túc đi, làm sao chị biết có tổ chức này, chính thức tham gia từ ngày nào:

- Thì tôi vẫn ăn trông nồi, ngồi trông...bác đây thây, cậu không nhìn thấy bác đang nhìn các cháu... hành thân và hành lẫn nhau à?

-Ai đưa chị vào, ông Nguyễn Khắc Toàn à? Hay ai?

- Từ ngày bị bắt, à quên bị lực lượng cơ quan an ninh "mời" bằng lệnh tạm giữ và khám nhà, tôi chưa gặp Nguyễn Khắc Toàn lần nào.

- Thế thì ai?Cứ ai ải ài ai như chó nhai giẻ rách mãi thế này... không hiểu bao giờ tôi mới được làm chủ bản thân, làm chủ thời gian của mình đây? Nhà văn cần hai thứ: Không gian để sinh toả, thời gian để khẳng định mình, mà không gian thì sặc mùi... đảng, bác, còn thời gian thì bị câu lưu tối ngày như thế này, hỏi tôi còn làm gì được nữa? Đến làm nhà... ăn không xong, còn văn vẻ, chữ nghiã, tầm chương, trích cú gì? Thôi thì...tôi huỵch toẹt luôn, đằng nào cũng ra công khai rồi, chúng cũng chả làm gì được, nhất là người của mình lại ở tít chân mây, cuối trời, dù đảng có trăm tay, nghìn mắt, xương sắt, da đồng, muốn "bắt nhầm" cũng đành phải... bỏ xót thôi... Vì thế, tôi bảo:

- Tôi hân hạnh được anh Thành ở Ba Lan mời, vì đã có một thời gian làm ở báo Lao Động Thủ Đô, chuyên sâu về công đoàn, nên tôi nhận lời.

- Chị quen biết anh Thành lâu chưa, anh ấy mời chị như thế nào, vào thời gian nào?

- Mời tôi hôm 19, đề nghị tôi trả lời phỏng vấn, nhưng tôi chưa kịp chuẩn bị, và cũng biết rõ xung quanh mình còn nhiều người giỏi hơn trong lĩnh vực này nên tôi không dám đảm nhiệm.

- Anh Thành là người như thế nào? Có tác động gì với tổ chức công đoàn độc lập này?

- Làm sao tôi biết được? Tôi chỉ biết anh ấy trước là tổng biên tập Đàn Chim Việt, một người rất tâm huyết với nước nhà, luôn trăn trở tìm hướng đi cho dân tộc, và bây giờ đứng ra thành lập tổ chức này để cứu giúp những người công nhân đói khổ ở Việt Nam.

- Từ hôm tham gia vào tổ chức này chị đã được giao nhiệm vụ gì?

- Ôi, tôi chán ngán: - Đã đem thân đổi mấy đồng lương, thịt, xương tim óc vì lương mà làm, thì phải tự đi mà điều tra lấy chứ. Có ai trả lương cho tôi đâu...

Trong số 14 người, cả của ban đại diện lâm thời và 11 uỷ viên, chị quen những ai?

- Công đoàn mới vài ngày tuổi, các thành viên ở khắp trong Nam, ngoài Bắc, lại hoạt động giữa lòng đảng, lòng công an, toàn lấy bí danh cả, làm sao tôi biết được.

- Nguyễn Thiên Ân là ai, có phải luật sư Nguyễn Văn Đài không?

- Ô hay, đến nhất ân tôi cũng còn chả biết nữa là thiên ân.

- Văn phòng anh Đài có tên là văn phòng Thiên Ân, cho nên chắc chắn tên Nguyễn Thiên Ân là luật sư Đài rồi.

- Thì ít nhất thì cũng phải để tôi đến gặp cậu Đài hỏi lại đã chứ, kẻo thiên ân lại thành thiên oán à?

- Thế còn Gia Qùynh, Lê Trí Tuệ, chị biết chứ?

Qúa chán với những câu hỏi nhai đi nhai lại kiểu này, tôi bực, quyết định đi chệch đường lối đổi mới của đảng:

- Biết.

- Là ai?

- Là người, giống tôi và cậu, giống tất cả mọi người trên thế gian này: "Đầu mọc trên cổ, mông bổ làm đôi" được chưa?Không để ý đến sự " thoáng hài" của tôi, cán bộ an ninh cật vấn:

- Chị lạ nhỉ, một tổ chức không tên, không tuổi, không quen biết ai, thế mà cũng đánh trống, ghi tên.

- Ơ hay, tôi cố tỏ ra ngạc nhiên:- Cậu là người của đảng mà không đọc báo đảng à, ngay từ năm 1960, trên báo đảng đã có thơ ca ngợi rồi:"Đảng là gì hở em ơi,

Là không quen biết mà ngồi với nhau

Rõ ràng chúng tôi thấm nhuần tư tưởng của đảng đấy chứ?

Biết tôi lôi tính thoáng hài của mình ra là trong tôi đã xuất hiện mầm mống nổi loạn, bất cần rồi, câu hỏi lập tức chuyển sang đề tài khác.

- Chị quen Lê thị Công Nhân khi nào, ai giới thiệu?

- Quen trên mạng, do Internet giới thiệu, vì thế vừa gặp Nhân ở văn phòng luật sư Nguyễn Văn Đài là tôi nhận ra ngay.

- Rồi sao nữa...

- Thì bắt tay xong rồi tay ai lại trở về túi người ấy chứ sao?

- Chị Nhân có mời chị vào đảng Thăng tiến cùng chị ấy không?

- Có, nhưng tôi không nhận.

Lý do:

- Già rồi, tôi chỉ thích... tăng thiến thôi, vừa tiến vừa thăng mệt lắm

- Thế có nghĩa là chị khẳng định không liên quan gì đến chị Nhân.

- Sao lại không liên quan, nhất định tôi với Nhân phải lập hẳn phố...4 ti ấy chứ lị, cậu không thấy phố Mai Xuân Thưởng chỉ có một nhà duy nhất đấy à? Tôi và Nhân có hẳn mấy nhà, nào nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà luật sư... ư ư...lập thành phố được qúa ấy chứ. Đang ngồi ở bàn bên cạnh, Tên Việt xen ngang, giọng hù doạ:

- Báo cho chị biết, thời này mà thành Bà Trưng, Bà Triệu, chúng tôi đập chết.

- Thì tôi vẫn "hoan hô công an đảng ta mà. Đánh giặc thì dốt, đánh dân rất tài"

- Chị thì ai mà chẳng nhạo, chẳng chửi, thử hỏi không có công an thì xã hội thành gì?

- Cậu nói thế không được, tôi đã chả khen đảng mình cả chục lần đấy thôi.

- Khen thế nào:Đảng ta vĩ đại như bày đảng, như ma phia

76 năm thành lập biết bao nhiêu tội tình

Đảng ta là giả dối, là điêu linh...

chứ gì? Tôi còn lạ gì bài nhại của chị trong thơ bác.

- Ấy không, đấy là nhại, còn đây là tôi sáng tác cơ;

- Thôi được, chị đọc đi, biết đâu chúng tôi lại ghi công cho chị.

- Thì đấy, bài đăng bao nhiêu lần trên mạng đấy thôi: "Ôi đảng ta sao mà ngu kỳ diệu", các cậu là người trong ngành phải tự hào về sự... kỳ diệu của đảng chứ?

Thoáng cay cú, tên Việt nhắc lại sự hiện diện quan trọng của ngành công an trong xã hội:

- Nói cho chị biết nhớ, xã hội nào cũng cần phải có công an, dù là tư bản hoặc thực dân phong kiến đi chăng nữa, không có công an thì xã hội sẽ loạn.

- Tất nhiên, tôi khẳng định, song nếu chỉ toàn những công an xấu thì xã hội càng loạn hơn, đằng nào cũng loạn thì thà đừng có công an còn hơn. Bỏ mặc tôi với những câu trả lời chặn họng, cán bộ Mai Thành Sơn lúi húi ghi chép, hai cán bộ trẻ tuổi còn lại cũng bỏ ra ngoài hóng gió, như thể xua đi ngột ngạt oi bức trong đầu do khẩu khí của tôi gây ra. Kim đồng hồ chỉ 10 giờ 45 phút, phần ghi lời khai mới chừng non nửa, tôi cầm lên tập bài trước mặt và không thể nào nhịn được cười, khi đập mắt vào những dòng chữ đầu tiên trên các bài: "Đảng buông vạt váy tôi ra"; "một cuộc khám xét ngoạn mục" và "hãy cứu nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ". Nhìn tôi nở nụ cười... thu hoạch, cười như... Mán được mùa ngô, cậu Việt đổi thái độ, bảo:

- -i giời, trông bà Thuỷ kìa, cười có sướng không?

Tôi cố kiềm chế sự bồng bột thái qúa của mình, giải thích:

- Vì tôi nhớ lại nhận xét của mọi người qua hai bài viết này, chú Phạm Quế Dương bảo tôi viết rất... văng nghệ, dám văng cả vạt váy vào mặt đảng. Cô Nguyễn thị Tuyết Mai, vợ chú Nguyễn Thanh Giang cũng bảo: "Đọc xong cười nôn ruột, dám so sánh lập trường của đảng với cooc xê của phụ nữ, có khác gì bảo đảng lúc "đàn áp kẻ mạnh, lúc nâng đỡ kẻ yếu, và luôn lôi kéo những kẻ lạc đường"...trên giường, à trên ngực phụ nữ đâu? Riêng đám bà con khiếu kiện ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng lại nhận định rất chi nà... chí ní:

- Ôi giời, cả nước Việt Nam có vài bà như bà Thuỷ, bà Thông thì phải đổi đề từ, khẩu hiệu trong đơn khiếu kiện mất: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa...cười lăn

Đảng mình -tại sao- dại thế? hế hế

Bỏ qua thái độ bông phèng của tôi, cán bộ Mai Thành Sơn hỏi, giọng cố tỏ ra nghiêm túc:

- Chị viết bài này lúc nào?

- Thì lúc bị đảng túm vạt váy chứ sao, một mình tôi thân cô thế cô, nữ nhi thường tình, chứ có phải nữ nhi... trường tình như bộ trưởng Nguyễn thị Hằng, Trần thị Trung Chiến, hay Lã thị Kim Oanh đâu mà cả bầy đảng cứ xúm vào túm vạt váy tôi mà lôi, mà kéo, léo nhéo suốt ngày...

Không chạy bằng chân được, tôi phải chạy... maraton thanh quản cho toàn thế giới biết chứ.

- Cả mấy bài đều là chị viết đúng không? Tên Sơn hỏi gặng:

- Ơ hay, đầy người có hai mấy tỉ, tức hai tí mẩy, đâu phải mình tôi?

- Chỉ có chị mới có cái chất giọng tưng tửng như vậy.

Không muốn để các cán bộ... tưng hửng, tôi bảo:

- Tất nhiên là họ chắp bút, nhưng viết qua lăng kính, nhãn quan của tôi, đơn giản vì tôi kể lại cho họ bằng chất giọng "thái hoàng" của mình, cả sự tích hai tí mẩy, cả lập trường cách mạng mà chú Nguyễn Đôn Tự kể, vì thiếu tướng nguyễn Đôn Tự là thầy dạy của bố tôi từ hồi còn ở trường lục quân khoá 4, nên rất quý tôi. Quẳng bài "Thông điệp khẩn từ hà Nội" về việc tôi bị Đảng ném đá, giấu tay, mượn tay người dân để ném đá vào tôi trong cuộc đấu tố, Mai Thành Sơn khẳng định:

- Dù sao chúng tôi vẫn nghĩ là của chị, vì chỉ có chị mới biết rõ mọi việc như thế, chứ Lê Lâm nào, làm gì có Lê Lâm ở cao đẳng Ngân hàng? Chị tưởng chúng tôi không đến tận trường Cao Đẳng để điều tra chắc?

- Này, tôi lấy lại chất giọng nghiêm chỉnh: - Hôm đấu tố, cải cách... giọng viết của tôi, có cả vài trăm người đúng không? Các cậu còn treo cả biển cấm quay phim chụp ảnh, cấm ghi âm, nhưng làm thế có khác nào lạy ông nhân dân tôi ở bụi đảng cộng sản này? Lê Lâm từ đó mà ra đấy. Lê Lâm chính là cháu ruột cụ Lê Nhân- cũng là giáo sư cu Tí, hiểu chưa.

- Thế Lê Nhân là ai, có phải Trần Mạnh Hảo không?

- Ô hay, tôi có phải Slochome đâu mà hỏi tôi câu ấy... Thôi, tôi nhìn đồng hồ, gắt sẵng, quyết định ra khỏi cuộc nói chuyện vô bổ này: - 11 rưỡi rồi, tôi phải về để đưa con đi học đây.Ngẩn ngơ như thể bị tuột mồi,cán bộ trẻ tuổi tên Sơn bảo:

- Chiều nay chúng tôi còn phải làm việc với chị, vì thế, tôi sẽ nhờ chị Yến đi cùng chị và cháu để áp tải chị về đúng giờ, nếu không, chúng tôi thả chị ra, đến tận 4, 5 giờ chị mới về thì sao?

- Lại vẫn trò xưa tích cũ...đi đâu cũng có lính theo hầu, tôi tặc lưỡi:

- Tuỳ, nếu đã được trả tiền xăng thì cứ đi, cẩn thận không tôi cắt đuôi nhảy vào hàng nét đấy, trình độ của cô Yến không qua mặt tôi được đâu. 12 giờ kém 25 phút, tôi lững thững ra về, xe đạp còn bị trưởng đồn cất giữ, nên đành phải đi bằng chân cán bộ, cho kịp giờ học của con. Ngồi sau xe, ngắm nhìn tấm lưng to bè của cán bộ, tôi tê tái xót cho thời gian bị mất, xót cho niềm tin bị chà đạp, lẽ phải và lương tâm bị hành hình, treo cổ, mà ngán ngẩm thay cho thân phận mình, cũng là cho vận mệnh dân tộc. Không biết bao giờ thì có thể làm chủ bản thân, làm chủ môi trường, làm chủ thiên nhiên như những lời đảng nói?

Đức Giang 27-10-2006

Trần Khải Thanh Thủy

(Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn