BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76235)
(Xem: 62972)
(Xem: 40378)
(Xem: 31973)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Câu trả lời cho "Tại sao, Hàn Quốc?" và "Việt Nam ơi, tại sao?"

18 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 855)
Câu trả lời cho "Tại sao, Hàn Quốc?" và "Việt Nam ơi, tại sao?"
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Gần đây, trên trang Tuần Việt Nam có mấy bài viết cùng một chủ đề về sự trăn trở trước tình trạng lạc hậu của Việt Nam so với các quốc gia khác. Bài “Tại sao, Hàn Quốc “ của tác giả Thảo Dân đặt câu hỏi “Một dân tộc ít người hơn Việt Nam, một dân tộc không có những trang sử "oai hùng" như Việt Nam, một dân tộc mà chỉ số IQ không cao hơn Việt Nam... thế mà hình như cái gì cũng... hơn Việt Nam. Lạ nhỉ? Tại sao?”. Bắt đầu từ cái nhìn của người Singapore: “Nhìn về Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu và người dân quốc đảo Singapore thường đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam ngồi trên nhiều núi vàng mà vẫn nghèo?”, bài viết “Ngồi trên núi vàng, sao Việt Nam vẫn nghèo?” đưa ra những nguyên nhân hạn chế trong cung cách làm kinh tế của Việt Nam như Triệt tiêu sức cạnh tranh của chính mình, Và triệt tiêu sức cạnh tranh lẫn nhau… Trong khi bài viết “Việt Nam ơi, tại sao?” của tác giả Nguyễn Quang Thạch thì tìm cách lý giải cả hai câu hỏi này bằng cách nêu lên những hạn chế trong tính cách của người Việt như Chấp nhận sự dối trá và cổ vũ ăn cắp, tham nhũng; Không dám đối mặt với chính mình, thích tô vẽ và háo danh, Thiếu đoàn kết, ghen ăn tức ở, Nhiều lý thuyết, kém hành động, yếu thực hành, Thiếu tiêu chuẩn sống…



Việt Nam có nhiều thắng cảnh đẹp, giàu tài nguyên...









Tôi nghĩ rằng tất cả những nguyên nhân này đều đúng. Rằng sự lạc hậu, đói nghèo của một quốc gia do những hạn chế trong tính cách của dân tộc và những hạn chế trong cung cách làm ăn, đường hướng phát triển của quốc gia đó. Nhưng chưa đủ. Và thật ra nó vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả từ một nguyên nhân chính, bao trùm mà những người còn đang sống trong nước viết trên một tờ báo của nhà nước có thể không thấy hoặc thấy mà không dám và cũng không thể viết ra, đó là Việt Nam đã đi sai đường, đã chọn sai mô hình, thể chế chính trị nên tất cả tiềm năng của đất nước, của dân tộc không thể phát triển hết mức, suốt bao nhiêu năm nay cứ luẩn quẩn xếp hàng cuối bảng về nhiều mặt so với các quốc gia khác trên thế giới, thậm chí ngay trong khu vực Đông Nam Á. Và khoảng cách này sẽ ngày càng lớn hơn bởi trong khi chúng ta tiến lên thì các quốc gia khác cũng tiến.

...lịch sử lâu đời, văn hóa phong phú, con người cần cù chăm chỉ...









...nhưng vẫn nghèo nàn, tụt hậu...

Hãy nhìn Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Cùng một dân tộc nhưng vì chọn hai mô hình, hai thể chế chính trị khác nhau nên sự phát triển cũng như đời sống kinh tế, tinh thần của hai quốc gia này chênh nhau một trời một vực. Hãy nhìn tất cả các quốc gia giàu có, phát triển trên thế giới, họ đã và đang chọn mô hình nào. Sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu là hệ quả của một mô hình chính trị, kinh tế sai lầm. Trung Quốc thoát khỏi sự sụp đổ đó nhờ biết cải tổ về kinh tế, ghép nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản với hệ thống chính trị độc tài độc đảng và Việt Nam học theo mô hình này, gọi là đổi mới nhưng thực chất chỉ là học lại nền kinh tế thị trường đã có ở miền Nam trước kia, nhưng so với miền Nam thì hiện nay Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn đúng nghĩa là kinh tế thị trường bởi kinh tế quốc doanh vẫn đóng vai trò chủ đạo, thậm chí độc quyền trong một số lĩnh vực. Sự cải tổ đó kịp thời giúp cho hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam thoát chết, và giúp cho nền kinh tế của hai nước khởi sắc. Không những thế, sau ba thập niên, Trung Quốc đã kịp vươn lên thành một cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới và đang lăm le muốn soán ngôi vị đứng đầu của Mỹ trong vòng một, hai thập niên nữa. Sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong khi vẫn đi theo mô hình chính trị độc tài độc đảng, về một mặt nào đó chẳng khác gì mô hình của đế chế Trung Hoa dưới thời phong kiến xa xưa, là một sự bất ngờ, một câu hỏi lớn với cả thế giới khi hầu hết các quốc gia phát triển được là từ một nền chính trị tự do, dân chủ. Nhưng Trung Quốc là Trung Quốc và là một ví dụ thành công duy nhất. Ngay trong sự thành công đó cũng đồng thời tiềm ẩn bao nhiêu vấn đề về chính trị, xã hội bởi sự thiếu vắng tính nhân văn, quyền con người cũng như các tiêu chuẩn về tự do, dân chủ, chất lượng cuộc sống…không được đặt lên hàng đầu. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vững mô hình chính trị này hay phải thay đổi theo nhu cầu tự thân, điều đó chúng ta không biết được.

Còn Việt Nam thì không phải là Trung Quốc. Và trên hết, các thế hệ lãnh đạo Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam từ trước đến nay luôn luôn thua hẳn một cái đầu so với các đồng chí đàn anh Trung Quốc về viễn kiến chính trị, việc hoạch định đường lối, chiến lược phát triển cho đất nước, kể cả tham vọng và ý thức luôn hành động vì quyền lợi của đất nước. Thực tế cho thấy, sự cải tổ về kinh tế có giúp cho nền kinh tế Việt Nam khá hơn hẳn trong vòng hai thập niên qua, nhưng đã đến lúc cái mô hình nửa vời kết hợp giữa nền kinh tế thị trường và chế độ độc tài độc đảng ngày càng bộc lộ tính chất phản động của nó, kìm hãm sự phát triển của đất nước, của dân tộc; cái mô hình ấy đã tạo ra một nhà nước cầm quyền độc tài, không bị bất cứ sự hạn chế, kiểm soát, cạnh tranh nào về quyền lực nên càng ngày càng lộng hành, tham nhũng vô hạn độ từ trên xuống dưới và không hề coi nhân dân ra cái gì; một xã hội với quá nhiều bất công, sai trái, đạo đức xã hội xuống cấp; người dân cho đến tận giờ phút này vẫn không được hưởng những quyền tự do dân chủ tối thiểu, quyền con người vẫn bị chà đạp trắng trợn…

65 năm kể từ khi Đảng cộng sản cầm quyền tính cả miền Bắc, 35 năm sau khi chiến tranh kết thúc, hai thập niên sau khi “đổi mới” về kinh tế, Việt Nam vẫn là một quốc gia phát triền trung bình thấp, vừa thoát khỏi ngưỡng một nước nghèo, về mọi mặt từ chỉ số tự do ngôn luận, chỉ số phát triển bền vững môi trường, chỉ số phát triển con người, chất lượng cuộc sống v.v…luôn luôn nằm trong hàng cuối bảng của thế giới. Còn những cái bị xếp hạng cao thì chẳng có gì đáng tự hào, ví dụ như nạn tham nhũng, nạn buôn người thông qua con đường xuất khẩu lao động, sự hạn chế về tự do thông tin, tự do báo chí, thành tích nhân quyền tệ hại v.v…Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, cái mô hình mà tác giả Andrew Roberts trong bài “Thế giới đại loạn” (“A new word disorder”, đăng ngày 27.11.2010 trên Mirror) gọi là con vật lai giữa thị trường tự do và hệ tư tưởng cộng sản này (nguyên văn: China has harnessed the free market to its remaining Communist ideology to create a hybrid that will soon be poised to bury us ) cũng đã bộc lộ tất cả những hạn chế của nó. Mặc dù Việt Nam vẫn có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao ở châu Á, nhưng đó là một sự tăng trưởng chạy theo con số mà không tính đến chất lượng, hiệu quả, độ bền vững lâu dài, vẫn là nhặt nhạnh bán từ con tôm con tép, đào cả tài nguyên thô lên mà bán và nhập về tất tần tật mọi thứ của thiên hạ; một nền kinh tế không ổn định và “mong manh như vỏ trứng” (nguyên văn lời bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc được trích trong bài “Trung Quốc cảnh cáo các quốc gia láng giềng ‘thân thiện với Mỹ” đăng trên nhật báo The China Post, xuất bản tại Honkong ngày 25.8.2010 “Việt Nam đang ở trong tình trạng ‘mong manh như vỏ trứng’ với nhiều nguy cơ đến từ mọi phía,” (theo dailyvnews.wordpress.com ), lạm phát lên đến hai chữ số, đồng tiền mất giá, hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước thi nhau thua lỗ, để lại gánh nợ khổng lồ cho quốc gia, hậu quả là nợ nước ngoài của Việt Nam hiện đã lên đến hơn 50% GDP…

Không chỉ kìm hãm sự phát triển của đất nước, khiến Việt Nam tụt hậu hàng chục, hàng trăm năm so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến trên thế giới, Việt Nam sau nhiều năm cầm quyền của Đảng cộng sản đã tạo ra một môi trường xã hội thực sự bị băng hoại về tinh thần, đạo đức với hàng loạt vấn nạn từ sự dối trá, nạn chạy bằng mua danh bán chức, nạn đạo văn, hối lộ, tham nhũng, cung cách làm ăn gian dối thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đạo đức giáo dục xuống cấp thầy không ra thầy trò không ra trò, thầy cưỡng bức trò, mua dâm, bán trinh trò, thầy đánh trò rồi trò đánh thầy…; những tội ác ngày càng nhiều với muôn vàn hình thái khác nhau…Trong cái môi trường ấy, những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người đã dần dần bị bào mòn, hủy hoại, và để xây dựng lại, phải mất rất nhiều thời gian, nhiều thế hệ. Điều nghiêm trọng nhất, đó là dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, Việt Nam dần dần rơi vào mối quan hệ phụ thuộc rất nguy hiểm với nước láng giềng nhiều tham vọng bành trướng Trung Quốc, Việt Nam không chỉ mất đất mất biển mà còn có nguy cơ đứng trước họa mất nước bởi Trung Quốc.

Để cho tình trạng này xảy ra cho đến ngày hôm nay, nguyên nhân tất nhiên không chỉ nằm ở sự lựa chọn sai đường đi, sai mô hình thể chế chính trị. Xã hội được tạo nên bởi con người. Chính 86 triệu người Việt Nam chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự sai lầm này, về số phận của đất nước, của dân tộc.

Tại sao những dân tộc khác đã lựa chọn được con đường đúng cho đất nước của họ? Tại sao các dân tộc Liên Xô và các nước Đông Âu đã dũng cảm thay đổi được số phận khi nhận ra sự sai lầm còn chúng ta thì không làm được? Vì sao một đảng cầm quyền có quá nhiều sai trái, quá nhiều tội ác với nhân dân, với lịch sử như đảng cộng sản Việt Nam lại có thể tồn tại lâu dài đến thế? Tôi muốn nói thêm một sự khác biệt lớn nhất giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, đó là Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đầy những sai lầm và tội ác với nhân dân họ nhưng nếu Đảng cộng sản Trung Quốc có cầm quyền thêm vài thập niên nữa thì Trung Quốc cũng chẳng mất đi đâu, trong khi Đảng cộng sản Việt Nam mà cầm quyền chỉ thêm một thập niên nữa thôi thì chắc chắn số phận Việt Nam sẽ mất vào tay Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở thành một Tân Cương, Tây Tạng mà thôi.

Chính sự mê muội, thờ ơ vô cảm với chính số phận của đất nước, dân tộc, sự hèn nhát, sợ hãi… của tất cả chúng ta là câu trả lời. Nhưng đồng thời, “con người thế nào, xã hội thế ấy” và ngược lại, khi phải sống quá lâu trong một môi trường xã hội dưới một thể chế chính trị như ở Việt Nam lâu nay, không có gì lạ khi người dân sẽ dần dần trở thành hèn nhát và vô cảm.

Bị bưng bít thông tin tối đa, phần lớn người dân Việt Nam không ý thức hết được sự nghiêm trọng của vấn đề, không biết rằng bao nhiêu năm nay các thế hệ lãnh đạo Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã âm thầm “đi đêm” với Đảng cộng sản Trung Quốc, ký những hiệp định tai hại làm mất của Việt Nam hàng trăm kilomet vuông đất dọc biên giới, hàng chục ngàn kilomet vuông lãnh hải; đã vì tiền nhắm mắt cho Trung Quốc dưới danh nghĩa thuê đất trồng rừng đã đóng chốt tại hàng chục điểm quan trọng về mặt quân sự tại các tỉnh biên giới phía Bắc, dưới danh nghĩa khai thác bauxite đã kéo vào Tây Nguyên-một vị trí cực kỳ quan trọng về an ninh quốc phòng của Việt Nam cùng hàng loạt dự án đấu thầu quan trọng trong nhiều lĩnh vực khiến cho nền kinh tế Việt Nam càng phụ thuộc vào Trung Quốc v.v…Thực tế, những người lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam đã bán nước từ lâu rồi. Cái câu mà ngày xưa họ luôn luôn dùng để nói về chế độ miền Nam cộng hòa là một chế độ bán nước thì oái ăm thay, chế độ đó chưa hề ký dâng cho ai một mét vuông đất nào, còn họ-không những ký dâng đất dâng biển mà còn giang tay rước kẻ thù vào nhà.

Một ngày nào đó khi thời cơ chín muồi đã tới, Trung Quốc khởi sự đánh chiếm Việt Nam thì lần này, Việt Nam sẽ không thể nào chống cự nổi khi ngoài biển, trên rừng, dọc theo biên giới, ngay giữa Tây Nguyên…đều là quân Trung Quốc!

Hiểm họa ấy nhiều người Việt Nam vẫn chưa biết. Nhiều người Việt Nam vẫn đang ngủ ngay trong lúc thức. Chỉ sợ rằng khi chúng ta giật mình thức tỉnh thì đã quá muộn. Như hàng triệu người đã thức tỉnh sau khi miền Nam mất vào tay miền Bắc, thì đã không còn có thể quay ngược lại bánh xe lịch sử nữa!

Song Chi

18-12-2010

Theo Blog Song Chi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn