BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đơn khiếu nại về thủ tục tố tụng và đề nghị hoãn phiên xử

04 Tháng Năm 200712:00 SA(Xem: 901)
Đơn khiếu nại về thủ tục tố tụng và đề nghị hoãn phiên xử
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Đơn khiếu nại về thủ tục tố tụng và đề nghị hoãn phiên xử



Tôi, Trần Thị Lệ, là mẹ của luật sư Lê Thị Công Nhân, làm đơn này để xin Ông ra lệnh hoãn phiên xử sơ thẩm con tôi, dự định sẽ diễn ra ở Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 11/5/2007. Lý do: Nếu vẫn tiến hành việc xét xử theo dự định thì quyền lợi hợp pháp của con tôi sẽ không thể được bảo đảm đúng mức vì trong thời gian qua các cơ quan thẩm quyền đã có những sai phạm trầm trọng trong thủ tục tố tụng hình sự. Sau đây tôi xin liệt kê một số những sai phạm đã làm thiệt hại cho quyền lợi của con tôi.

1) Thiệt hại vì việc tạm giam không đúng thủ tục và không có người bào chữa ngay từ lúc bị khởi tố

Con tôi, Luật sư Lê Thị Công Nhân, bị bắt vào ngày 06/3/2007 và khởi tố vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88 Bộ luật hình sự Việt Nam. Hiện con tôi đang bị tạm giam tại Trại giam số 1, Sở công an Hà nội. Cho đến nay tôi không nhận được lệnh tạm giam, lệnh khám nhà, lệnh khám văn phòng, biên bản thu giữ tài liệu và đồ vật hay bất cứ giấy tờ gì liên quan đến vụ bắt giữ con tôi.

Việc này vi phạm điều 80 khoản 2 BLTTHS/VN về việc lập biên bản về việc bắt và điều 85 BLTTHS/VN về việc thông báo cho gia đình người bị bắt.

Theo Điều 58 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam (BLTTHS/VN) thì con tôi có quyền có người bào chữa từ khi bị khởi tố. Tôi đã đề nghị điều này nhưng không được đáp ứng.

Do đó vào ngày 05/4/2007, Luật sư Trần Lâm đã chính thức nộp đơn cho Sở Công an Hà Nội để xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho con tôi. Nhưng đến nay Sở Công an Hà Nội chỉ từ chối miệng chứ không có văn bản trả lời cho tôi và luật sư Trần Lâm.

Những việc làm nêu trên rõ ràng vi phạm điều 58 khoản 1 về quyền có người bào chữa và điều 56 khoản 4 BLTTHS/VN về việc cơ quan thẩm quyền phải trả lời trong thời hạn 3 ngày về đề nghị của người bào chữa.

2) Thiệt hại do không nhận được Bản Kết luận Điều tra

Tôi được biết rằng Sở Công an Hà Nội đã kết thúc việc điều tra và đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát vào ngày 19/4/2007.

Cho đến nay luật sư Trần Lâm không được Sở Công an gửi Bản Kết luận Điều tra theo như qui định của điều 162 khoản 4 BLTTHS/VN.

3) Thiệt hại do không có luật sư từ khi hồ sơ được chuyển sang Viện kiểm sát và do không nhận được bản cáo trạng

Trong thời gian từ lúc nhận được hồ sơ do sở công an chuyển sang vào ngày 19/4/2007 đến lúc hoàn tất và chuyển hồ sơ đến tòa án vào ngày 24/4/2007, Viện kiểm sát Hà Nội đã không mời luật sư Trần Lâm theo thủ tục luật định. Nếu cho rằng trường hợp của con tôi cần giữ bí mật điều tra thì theo điều 58 khoản 1 Viện trưởng Viện kiểm sát phải ra quyết định để người bào chữa của con tôi được tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Điều này đã không xảy ra.

Như vậy con tôi bị vi phạm quyền lợi mời luật sư theo điều 58 khoản 1 câu 3 BLTTHS/VN.

Vào ngày 23/4/2007 luật sư Trần Lâm đến Viện kiểm sát Nhân dân Hà Nội trong cả buổi sáng lẫn buổi chiều nhưng cũng không gặp được kiểm sát viên phụ trách hồ sơ con tôi là ông Đinh Quốc Thái. Vào ngày 24/4/2007 tôi và luật sư Trần Lâm trở lại Viện Kiểm sát Nhân dân và được trực ban cho biết ông Thái bận đi thi đấu giải tennis và nghỉ phép, và đến ngày 27/4/2007 mới đi làm trở lại. Theo nhiều tờ báo ở trong nước thì vào ngày 23/4/2007, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố con tôi về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88, Khoản 1, điểm a, c của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Luật sư Trần Lâm đã không được thông báo và không được đọc cáo trạng và hồ sơ vụ án trong vòng 03 ngày kể từ ngày Viện Kiểm sát ra quyết định truy tố con tôi theo như qui định của điều 166 khoản 1 BLTTHS/VN.

4) Thiệt hại do thời gian chuẩn bị bào chữa quá ngắn

Luật sư Trần Lâm đã đến gặp người thụ lý hồ sơ của con tôi là thẩm phán Nguyễn Hữu Chính vào ngày 25/4/2007. Ông Chính đề nghị luật sư Trần Lâm làm lại đơn xin cấp giấy chứng nhận làm người bào chữa vì công an đã không chuyển cho tòa đơn xin của luật sư viết ngày 05/4/2007. Luật sư Trần Lâm được thông báo rằng phiên xử sẽ diễn ra ngày 11/5/2007. Trong khi đó, giấy chứng nhận người bào chữa sẽ được cấp vào ngày 02/5/2007 và thời gian để đọc hồ sơ cũng bị giới hạn trong 07 ngày - từ ngày 02 đến ngày 10/5/2007.

Luật sư Trần Lâm đã không được tòa cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong thời hạn 3 ngày theo đúng qui định của điều 56 khoản 4 BLTTHS/VN. Ngoài ra do gặp nhiều trở ngại trong việc xin cấp giấy chứng nhận làm người bào chữa cho nên thời hạn 10 ngày dành cho việc giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho người bào chữa sẽ không thể thực hiện được như của điều 182 khoản 1 BLTTHS/VN đã qui định.

Gia đình chúng tôi chính thức nhận được thông báo về ngày giờ xét xử vào ngày 25/4/2007 trong khi hãng thông tấn AFP của Pháp đã loan báo ngày giờ này vào hôm 19/4/2007, ngay khi mà sở công an vừa kết thúc điều tra, viện kiểm sát chưa ra cáo trạng và chưa chuyển hồ sơ lên tòa án. Việc ấn định sẵn ngày giờ xét xử như thế sẽ gây nhiều khó khăn cho trường hợp của con tôi. Như chúng tôi đã trình bày ở trên, sự trì hoãn để con tôi không có luật sư trong một thời gian dài là một hành động cố ý và liên tiếp vi phạm luật pháp của các cơ quan công an, kiểm sát và tòa án Hà Nội. Trong thời gian ngắn ngủi còn lại cho đến ngày dự định xử - nếu không gặp trở ngại nào khác nữa, luật sư Trần Lâm sẽ chỉ được còn tổng cộng không đầy 07 ngày làm việc để vào thăm con tôi và để nghiên cứu hồ sơ trong vụ án của con tôi. Tôi xin được lưu ý rằng luật sư Trần Lâm cũng đại diện cho luật sư Nguyễn Văn Đài (người cũng bị đem ra xử trong cùng vụ và cùng ngày với con tôi) và như thế ông phải phụ trách 02 hồ sơ trong 07 ngày làm việc. Thời gian này sẽ không đủ cho luật sư thực hiện đầy đủ quyền bào chữa như qui định của điều 58 BLTTHS/VN và từ đó không thể bảo đảm chất lượng của bài bào chữa của mình.

Việc biện hộ cho con tôi sẽ không đơn giản nên đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng để tranh tụng trước tòa. Tính chất phức tạp của trường hợp con tôi đã thể hiện trong 2 tháng qua kể từ ngày con tôi bị bắt. Cho đến hôm nay báo chí của Đảng và Nhà nước đã liên tiếp cho đăng mấy chục bài báo để xuyên tạc sự kiện, bôi nhọ thanh danh cá nhân con tôi với mục đích chuẩn bị dư luận để kết án con tôi. Các đài truyền hình VTV1 và VTC đã chiếu hình ảnh con tôi mặc quần áo tù nhân vào ngày 27 và 29/4/2007 mặc dù con tôi chưa hề bị một tòa án nào kết án. Những việc làm này vi phạm những nguyên tắc cơ bản được ghi trong điều 5 (quyền bình đẳng), điều 6 (quyền bất khả xâm phạm thân thể), điều 7 (quyền được bảo hộ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản) và nhất là điều 9 (quyền suy đoán vô tội) của BLTTHS/VN. Những dấu hiệu xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy quyền bình đẳng trước tòa án theo điều 19 BLTTHS/VN khó có thể được bảo đảm khi các phương tiện và cơ hội của phía bị cáo bị giới hạn quá nhiều so với bên công tố. Tôi xin miễn nêu lên ở đây những tiêu chuẩn xét xử công bằng quốc tế.

Để bảo đảm cho con tôi được hưởng một phiên xử công bằng theo những tiêu chuẩn pháp lý hiện hành, tôi làm đơn này để khiếu nại theo điều 31 BLTTHS/VN và để đề nghị hoãn phiên xử con tôi ba (03) tuần để bảo đảm quyền bào chữa của con tôi.

Tôi xin chân thành cám ơn sự quan tâm và giúp đỡ của Ông.

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2007

Trần Thị Lệ

Đơn trên đây đã được gửi đến các nhà lãnh đạo Việt Nam có tên sau đây:

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ ngoai giao Phạm Gia Khiêm

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Pháp luật Quốc hội

Bộ trưởng bộ tư pháp

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Phạm Thế Duyệt

Bộ trưởng bộ công an Lê Hồng Anh

Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao

Giám đốc Sở Công an Hà Nội

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao

Chánh án Tòa án Nhân dân Hà Nội

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

Viện trưởng Viện Kiểm sát Hà Nội
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn