BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73479)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hoàng Minh Chính - Nhà chính trị yêu nước không sợ tù đày

12 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 1307)
Hoàng Minh Chính - Nhà chính trị yêu nước không sợ tù đày
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Có lẽ nên lấy ngay câu nói của ông Đỗ Mười, khi nhân danh Tổng Bí thư ĐCSVN đến dự đại hội liên hiệp văn học nghệ thuật cách đây hai khóa để minh chứng cho điều đó: “Anh ấy bị tù cùng với tôi thời thanh niên phản đế, nhưng rồi anh ấy chống đối nên chúng tôi bắt, chúng tôi đã thả, nhưng anh ấy lại chống, nên chúng tôi lại bắt”. Lần “lại bắt” này, người ta có đem ra bịt miệng xét xử (có ghi hình qua quít), chứ không như lần bắt trước, không xét xử và giam giữ trái phép kéo dài khoảng hai chục năm, lâu hơn cả ông Nguyễn Hữu Đang. Thế đấy! Thực dân bỏ tù vì tội làm cộng sản cứu nước, rồi lại bị chính cộng sản bỏ tù vì tội đòi dân chủ, nhân quyền cứu dân. Dã man hơn, thời gian bị thực dân Pháp cầm tù chỉ bằng khoảng một phần năm thời gian nếm mùi nhà tù cộng sản.

Ra khỏi nhà tù Sơn La, ông tiếp tục hoạt động chống Pháp Nhật, năm 1946; khi sắp nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, ông là Lê Hồng, đại đội trưởng Quyết Tử quân; thời kháng chiến chống Pháp, ông là chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Sinh viên Việt Nam; thời hòa bình lập lại, ông là Viện trưởng Triết học, rồi bị bắt.

Vậy mà kẻ viết bài trên tờ Quân đội Nhân dân kia dám càn rỡ gọi ông là “bán nước, hại dân”. Bán nước cho ai? Pháp thì hẳn không phải rồi. Vậy cho Tàu, cho Liên Xô hay cho Mỹ? Lấy bao nhiêu tiền? Thay vì lấy tiền đổi lấy mấy chục năm tù cộng sản ư? Hại dân như thế nào? Đấu tố, bắn giết oan hàng vạn người trong cải cách ruộng đất, hay trong cải tạo công thương mấy năm cuối thập kỷ năm mươi (do Đỗ Mười trực tiếp chỉ đạo), phá tan nền công thương nghiệp tư doanh hình thành từ đầu thế kỷ chỉ mong nước nhà độc lập để có cớ tự do phát triển?

Có lẽ khi ông Chính bị thực dân Pháp bắt tù vì hoạt động yêu nước, kẻ viết bài này còn chưa sinh, thậm chí, cha chú hắn mới chỉ là đứa trẻ. Trò xúi quẩy trẻ con làu bàu, vốn là thủ đoạn chính trị của bọn phát-xít và được các nhà chính trị cộng sản tiếp thu điệu nghệ. Sực nhớ đến một cuộc mít tinh (được đài truyền hình trung ương ghi và phát hình) của thày và trò trường phổ thông cơ sở Trưng Vương Hà Nội, gồm toàn các cháu học sinh dưới 14 tuổi, để kịch liệt lên án Công đoàn Đoàn kết Ba Lan âm mưu lật đổ chính quyền, thời kỳ cộng sản Đông Âu và Liên Xô bắt đầu sụp đổ. Hoặc thời Nhân văn-Giai phẩm, một học sinh trung học khoe vừa đi dự mít tinh lên án Nhân văn-Giai phẩm do đoàn trường tổ chức. Hỏi: “Em đã học bài nào của Nhân văn-Giai phẩm chưa?” Hồn nhiên trả lời: “Em chưa!”. Trẻ con Việt Nam thời CCRĐ được tổ chức rầm rộ đánh trống cà rùng, hô khẩu hiệu, uy hiếp trấn áp tinh thần của “địa chủ”; trẻ con Trung Quốc, các vị tiểu tướng Hồng Vệ binh đã gây thảm họa tang thương cho đất nước Trung Quốc có lẽ bằng trăm, bằng nghìn lần cuộc động đất ở Trường Sơn. Bè lũ Pol Pot ở Campuchia, bọn bè phái quân phiệt ở Châu Phi ấn súng vào tay lũ trẻ để bắn giết bừa bãi; đến như Giang Thanh, đệ nhất phu nhân của vương triều đỏ còn phải nói: “Tôi chỉ là con chó của Mao chủ tịch, Mao chủ tịch bảo tôi cắn ai là tôi cắn”.

Đúng sai, sai đúng, chửi rủa rồi lại ôm hôn, đó là đặc điểm nổi bật của Văn hóa Đảng của các đảng cộng sản. Điển hình là những cuộc chửi rủa nhau hàng tôm hàng cá bằng nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt giữa Bắc Kinh và Moskva những năm đầu thập kỷ sáu mươi, nhưng phong phú nhất vẫn là giữa cộng sản Trung Quốc và cộng sản Việt Nam, với mối tình “hữu nghị núi liền núi, sông liền sông”, “môi hở, răng lạnh”, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, kéo dài bốn năm năm liền, bắt đầu từ đầu năm 1979, “dạy cho Việt Nam một bài học”. Thật là dịp may hiếm có để nhân dân Việt Nam nhận diện được bộ mặt thật của hai Đảng thông qua đài phát thanh và sách báo hai bên, đồng thời cũng nhận diện được tình “đồng chí” vĩ đại của cộng sản quốc tế. Ấy thế mà gần đây, ông Trần Đức Lương sang thăm Trung Quốc đã không quên đến kính cẩn nghiêng mình trước đài tưởng niệm Mao Trạch Đông, kẻ đã sát hại bẩy mươi triệu dân Trung Quốc trong thời bình. Âu cũng là một dạng văn hóa “Bước qua lời nguyền” của Đảng.

Ông Chính nêu vấn đề chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo. Đúng, nhưng chưa đủ. Đàn áp, chỉ cần nêu sự việc một nhà nguyện Tin Lành thời phong trào “Tin Lành đề ga” đầu thế kỷ 21 ở Tây Nguyên, sau một đêm công an vòng trong, quân đội vòng ngoài, xóa sạch vết tích cùng với hơn bốn chục tín đồ trong đó (người trong cuộc kể lại) chẳng khác chi vụ tắm máu sinh viên, trí thức ở Thiên An Môn năm 1989. Nói chưa đủ, bởi chính quyền Việt Nam chỉ đàn áp những tín đồ đòi tự do tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền, còn cứ việc lũ lượt, chen lấn, xô đẩy đi đền chùa, nhà thờ cúng lễ, cứ việc thả sức đốt vàng mã gieo quẻ, cầu xin lỗ lãi, thăng chức, thăng quan, công tác nước ngoài… nhà nước chẳng những không ngăn cấm mà còn mừng thầm, đỡ lo dân tự do suy nghĩ, đòi hỏi, đấu tranh “khiếu kiện kéo dài, vượt cấp”, “diễn biến phức tạp”.

Để bác bỏ ông Chính nói Việt Nam không có tự do báo chí, không có tự do ngôn luận, Duy Nguyễn trên tờ vnExpress nêu một ví dụ: luật xuất bản quy định nhà nước không kiếm duyệt nội dung ấn phẩm trước khi xuất bản, làm như có vẻ tiến bộ so với trước, nhưng giám đốc xuất bản nào lại dại dột cấp phép cho những ấn phẩm thoáng bóng quan điểm khốc liệt với đường lối chính sách, dại dột bỏ cái ghế ngồi đầy bổng lộc, mà hãn hữu xảy ra chuyện dại dột nào đó, thì liền sau đó là kiểm điểm, cách chức, phát lệnh thu hồi, tiêu hủy. Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn là một trong nhiều ví dụ. Nếu “tự do” thật sự thì Việt Nam đã có hàng nghìn cuốn dạng Chuyện kể năm 2000. Nhà xuất bản nào, tờ báo nào mà lại không có chi bộ Đảng thường do chính giám đốc, tổng biên tập làm bí thư, chịu trách nhiệm với Đảng, cho nên giám đốc các nhà xuất bản, các tổng biên tập các báo cứ việc vô tư cắt xén “gọt đầu” cho hợp với “ý Đảng”, bất kể “lòng dân”, thường chẳng thèm đếm xỉa đến sự đồng ý của tác giả; chỗ thân quen, thì bắt tay cười xòa, buông một tiếng “thông cảm” là xong chuyện. Để làm sáng tỏ hơn điều này, nên kể đến bức thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Nguyễn Khoa Điềm, phản đối việc Điềm cấm không cho báo đăng bài phỏng vấn ông ta:

“Các đồng chí cho rằng những nhận xét của tôi về công tác của Ban Tư tưởng Văn hóa như: áp đặt, cửa quyền, thiếu dân chủ, rất ít khi được đối thoại những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nặng về quyền lực hơn là thuyết phục…, dùng quyền của Ban Tư tưởng Văn hóa để bác bỏ tùy tiện là “thỏa đáng hay không thỏa đáng…”.

Đến những ý kiến của ông Kiệt còn bị ngăn cấm tùy tiện như thế, thì những ý kiến, quan điểm của người khác sẽ bị đối xử như thế nào, không cần nói cũng quá rõ rồi.

Bác bỏ ông Chính, họ đặt vấn đề nếu dân khổ, nếu xã hội đen tối, sao một số báo chí nước ngoài, một số tổ chức Liên Hiệp Quốc lại đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong những năm “đổi mới”, về xóa đói giảm nghèo, về xóa nạn mù chữ, tăng trưởng GDP… Một người dân có chút hiểu biết thôi, cũng có ngay được câu trả lời: sao không so với đời sống kinh tế, văn hóa, thu nhập của mấy nước xung quanh Thái Lan, Malaysia, Singapore… trước đây dăm sáu chục năm, nước họ so với nước ta thế nào, nước ta nhờ có Đảng Cộng sản lãnh đạo giờ đây thế nào? Bao lâu nay, cứ mắt nhắm, mắt mở, đóng cửa nhốt dân, tự ve vuốt, tách tách nhập nhập, giở trò phù thủy, nhập hợp tác xá, nhập làng, nhập huyện, nhập tỉnh, nhập sở, nhập ngành, nhập bộ rồi lại tách, tách hợp tác xã, tách làng, tách huyện, tách tỉnh, tách sở, tách ngành, tách bộ, mỗi lần nhập tách nhập nhằng, thụt quỹ thụt két, thất thoát không biết bao nhiêu tiền của dân, công tư hợp doanh, rồi nhà nước hóa, nay lại cổ phần hóa, tư nhân hóa, bao nhiêu của cải của dân bị bòn rút, vơ vét (VTV1 trong mục “Tiêu điểm” đã nói lên phần nhỏ việc này). Làm bao nhiều điều sai trái, cản trở sự tiến hóa của xã hội, phá hoại truyền thống đạo lý, truyền thống gia đình (con cháu đấu tố ông bà, cha mẹ, học trò trong cấp ủy lãnh đạo thầy v.v…) nay buộc lòng phải sửa, mong tránh sụp đổ, lại tự khen mình sáng suốt “đổi mới”, “mở cửa”, thủ dâm chính trị một cách trơ trẽn, không chút hổ thẹn với lương tâm. “Cái tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, đó là bửu bối, hồ lô yêu quái của đường lối tuyên truyền của các đảng phát-xít Đức, Áo, Ý, Nhật thuở nào, chứ không phải đường lối của một đảng quang minh chính đại. Đời sống nhân dân được cải thiện ư? Tiêu chuẩn quy định nước nghèo được nâng lên cho phù hợp dần với tiêu chuẩn thế giới ư? Nhưng tiền chủ yếu từ đâu ra? Chẳng phải từ hàng tỉ đô la kiều hối (của những người bỏ chạy thoát thân) gửi về, từ bán đất, bán nhà, từ các khoản viện trợ cho vay của các tổ chức quốc tế sao? Nhưng, những khoản tiền này bị đục khoét bao nhiêu phần trăm, 30, 40, hay 50 %? Nạn cường hào mới, cường hào thôn, cường hào xã, cường hào huyện, cường hào tỉnh, cường hào bộ, cường hào ngành (Việc ngành chống buôn lậu ở Quảng Ninh đáng được xét xử) tồn tại từ ba bốn chục năm nay, mỗi ngày một nặng nề, trắng trợn, hiếp dân, những công trình lớn nhỏ, từ xã đến trung ương đủ loại, thủy lợi, cầu đường, điện lực, dầu khí, khách sạn, nhà hát, trường học… bị rút ruột, cắt xén. Chẳng lẽ việc thế giới xếp Việt Nam vào hàng thứ 102 kể từ thấp lên cao trong số 145 nước tham nhũng nặng lại là một điều đáng tự hào về cái đường tròn AQ vẫn còn tròn hơn của hơn bốn mươi nước khác? Chẳng nhẽ việc đầy gái mãi dâm khắp các tỉnh thành phố, việc bán được nhiều lao động cho các nước xưa kia chẳng hơn gì (nếu không nói là còn kém) nước mình, nghề “Ô xin”, cái nghề mà Tố Hữu đã từng cảm xúc rên lên “Rồi từ hôm ấy ôm con chủ… bỗng ngậm ngùi” lại được coi như biểu hiện văn hóa, lại là điều đáng tự hào so với quá khứ? Nợ bao nhiêu, không ai biết, không bao giờ công khai trên báo chí, trong quốc hội, lũ con cháu chúng ta phải bao nhiêu năm, bao nhiêu đời mới trả hết nợ, món nợ mà lũ quan chức mới, cường hào mới đã bòn rút phân nửa để làm giàu, mà Quốc hội đã ban hành pháp lệnh từ chục năm nay, quy định từ phó phòng cấp huyện trở lên hoặc tương đương phải kê khai tài sản, đến nay vẫn mới chỉ là dự luật, vẫn phó phòng cấp huyện trở lên hoặc tương đương phải kê khai tài sản, chẳng khác chi truyện “Đào kép mới” của ông Nguyễn Công Hoan, trước “đã có ta phò tá”, nay “đổi mới”, “đã có mỗi tá phò”.

Việc một vài tờ báo, nhà báo, tổ chức nước ngoài cưỡi ngựa xem hoa, đường mật bị lừa chẳng qua giống như nữ nhà báo kiêm nhà văn Mỹ Edgar Snow, nữ nhà báo kiêm nhà văn Anh gốc Hoa Han Suyn nhìn chế độ Mao, thậm chí đến nhà văn Pháp danh tiếng, uyên bác, được giải Nobel Jean Paul Sartre còn nhầm lẫn ca ngợi “bạo lực cách mạng” của Mao là “đạo lý sâu sắc”. Do đâu có như André Gide, cũng giải Nobel, phải đến tận hang cùng ngõ hẻm Liên Xô, bắt tận tay, day tận mắt, mới tỉnh ra, mới “ngộ” ra, mới viết nổi cuốn Retour de l’ URSS khiến ông Nguyễn Đình Thi trong bài đăng trên tạp chí Học tập số 3 tháng 4 năm 1958 gọi là nhà văn phản động, người mà ông Trương Tửu đã chịu ảnh hưởng nặng nề.

Một đảng tha hóa (như giáo sư Trần Đức Thảo đã sớm nhìn ra từ 1956) tham lam, đục lợi, tiếm đoạt công lao, thành tích của các đảng phải yêu nước khác (điển hình là vụ chôn sống hai Đảng Xã hội và Dân chủ rồi truy tặng huân chương sao vàng, vì lo sẽ trở thành hai đảng đối lập) của những người yêu nước không đảng phái (gần đây, không đừng được, họ phải đặt tên cho hai con đường là Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường), sau hơn nửa thế kỷ gọi các ông là bọn trốt-kít), và của nhân dân đã đổ không biết bao tiền của xương máu chống ngoại xâm, hy sinh thầm lặng để họ bây giờ mồm leo lẻo xây dựng xã hội công bằng, văn minh, thực chất là một xã hội phân ngôi thứ, nhiều cấp, nhiều bậc, chặt chẽ hơn cả thời vua quan phong kiến để hưởng bổng lộc. Mồm nói xây dựng một xã hội loài người không giai cấp, nhưng sau một thời gian dài bìa A, bìa B, bìa C, sổ mua hàng các loại… lại đến việc phân đất, phân nhà, thanh lý biệt thự, xe con các cấp, tiêu chuẩn thuốc men, giường bệnh, bệnh viện khác nhau, thậm chí khi chết trở về cát bụi cũng phân biệt khu A, khu B và tiêu chuẩn nào thì vào Mai Dịch. Một đảng, bên trong tìm đủ mọi cách che bịt những chuyện thối tha (Xiêm Riệp, Sáu Sứ, T4, Lê Đức Anh, Nguyễn Chí Vịnh, v.v…) mà những cán bộ cách mạng lão thành, những tướng tá quân đội, công an trung trực đã tố giác, bên ngoài hù dọa dân chủ, tự do, mở mồm ra là chống diễn biến hòa bình (ngay trong đại hội Đảng bộ Công an Thành phố, đã đề ra thêm một nhiệm vụ mới từ xưa đến nay chưa bao giờ công khai nói ra: Không để có những nhóm chính trị đối lập) (thực chất là nhóm tướng tá quân đội, công an bất đồng chính kiến). Một đảng như thế lại tự gán cho mình vĩnh viễn độc quyền lãnh đạo đất nước (một loại bối lạc, bát kỳ mới) lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội để xây dựng chủ nghĩa xã hội theo cơ chế thị trường (thực chất là chủ nghĩa tư bản đỏ như ông Bùi Tín đã vạch ra từ mười lăm năm nay) mặc dầu chưa nặn ra nổi mặt mũi nó, và suốt từ Đại hội 3 (1960) đến nay gần nửa thế kỷ, vẫn chỉ là giai đoạn quá độ, ép Quốc hội phải ghi độc quyền lãnh đạo vào hiến pháp (việc chỉ xảy ra ở thời Mao – Lâm Bưu và cha con Kim Nhật Thành), đặt ra những thiết chế quái gở trong lịch sử, một thứ “quốc hội” trên Quốc hội, tức Ban Chấp hành Trung ương, một thứ chính phủ trên Chính phủ tức Ban Bí thư và Bộ Chính trị, quyết định mọi chính sách đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước, còn cái Quốc hội và Chính phủ do toàn dân biểu kiến bầu ra chỉ được vỗ tay, bàn vặt để “trình lên” cái thứ siêu quốc hội và siêu chính phủ vẻn vẹn do mấy triệu đảng viên gián tiếp bầu ra (thực chất cũng chỉ là hình thức sau khi đã thử đi, thử lại trong hội nghị trù bị).

Vì vậy mà ông Chính đòi đa nguyên, đa đảng. Độc đảng chuyên chế đặc quyền, đặc lợi, không có đối lập, đương lan tràn, phát triển, không thể phòng chống hữu hiệu. Ngay như trong kỳ họp tháng 10. 2005 này, bàn về việc thành lập Ủy ban đặc biệt về chống tham nhũng, người ta vẫn còn lúng túng như gà mắc tóc, không biết nên gọi là gì, đặt nó ở đâu, ở Quốc hội, ở Chính phủ, hay ở Quốc hội và Bộ Chính trị, ai là chủ soái, để nó có thể hoạt động độc lập (tất nhiên không ai dám hỏi, dù trong lòng rất muốn, phát biểu thẳng ra, Ủy ban đó có quyền yêu cầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ra điều trần như các nước văn minh khác, bởi vì nhỡ con vị ấy giết người, buôn lậu, v.v…)? Giao cho Quốc hội, thế ai giám sát Quốc hội? Không giao cho Thủ tướng là không tin Thủ tướng (!?) và Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội cười khà đưa ra ví dụ chân ga, chân phanh (chân hãm, chân phát động) mà báo chí nịnh bợ khen nức nở. Thật ra cả tay lái, chân ga, chân phanh vẫn chỉ ở một anh tài xế. Ba cái chiếu tam quyền phân lập được mấy ông chủ trải ra và bảo: anh này ngồi chiếu này, anh kia chiếc kia… điển hình là câu nói nổi tiếng của Đỗ Mười: “Cho Khải làm thủ tướng thêm vài năm nữa”, và “Nó – tức Phiêu – lật tôi, nên tôi lật nó”. Cho nên tất cả chẳng qua chỉ là trò “lục sở”, ga với phanh gì?

Ông Chính đòi đa nguyên, đa đảng cũng là nói lên cái tâm nguyện thầm kín của hầu hết tầng lớp nhân dân bao nhiêu lâu nay, kể cả đảng viên, lớp già thì quá chán ngán vì lý tưởng bị phản bội, lớp trẻ thì vào Đảng để được yên ổn, vào vì đồng lương, chức vụ, đi công tác nước ngoài v.v… Cứ thử tổ chức trưng cầu dân ý, có giám sát nghiêm ngặt của Liên Hiệp Quốc xem, xem “độc đảng” được bao nhiêu xu phiếu? Trưng cầu dân ý ư? Họ sẽ tru lên như kẻ mắc bệnh dại sợ gió, lên tiếng phản đối, đấy là xâm phạm chủ quyền… giống như xưa kia họ đã từng lên tiếng bác bỏ ông hoàng Phu Ma vu khống Bắc Việt đưa quân sang Lào.

Họ sẽ nhân danh “chính phủ của dân, do dân, vì dân” mà bác bỏ. Thuổng được mấy cái khẩu hiệu trong bài diễn văn của tổng thống Abraham Lincoln tại Gettysburg ngày 19.11.1863 (government of the people, by the people, and for the people), thời Đỗ Mười lên Tổng Bí thư, họ không ngớt nhai đi nhai lại, làm như đó là do Đảng của họ nghĩ ra, để bịp dân và để bác bỏ và bác bỏ. Nào, có giỏi cãi nhau xem ai thắng ai thua? Gần sáu trăm tờ báo, gần bẩy chục đài truyền hình, truyền thanh lớn nhỏ, rồi thông tấn xã, tất cả đều trong tay Đảng, sẽ được lệnh mở hết công suất và chiết áp, không sợ rát họng khản cổ, kéo dài bao lâu cũng được, xem ai phát ngán trước.

Mà thôi, có lẽ nên dừng bút, bởi có chẻ hết trúc Nam Sơn… cũng chẳng viết xong, hơn nữa không khéo bị gán cho tội “nhận tiền hối lộ của ông Chính”, thì có thanh minh cũng không có chỗ, chứ đâu có thể trở mặt như ông Đỗ Mười bị tố giác là nhận quà biếu một triệu đô la của Hàn quốc, mặc dù ông có dùng một phần nhỏ ủng hộ xây trường học cho các cháu, giống như Khánh trắng xây nhà từ thiện cho mấy bà mẹ liệt sĩ trước đây.

Kiến Dân
11/2005
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn