BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73509)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mộc Hóa, thời tụi mình còn nhỏ

12 Tháng Ba 201012:00 SA(Xem: 1189)
Mộc Hóa, thời tụi mình còn nhỏ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Mộc Hoá là tên thị trấn của tỉnh Kiến Tường, nằm cách Sàigòn khoảng trăm cây số, và nằm cách biên giới Cao Miên khoảng mười cây số. Đó là một tỉnh lỵ heo hút, buồn ngắt, bất an, phức tạp. Vì gần biên giới cho nên luôn luôn là tâm điểm của những trận pháo kích kinh hồn. Đường xá cũng vậy, từ tỉnh ra Cai Lậy chỉ là một đoạn liên tỉnh ngắn nhưng nhiều bất trắc. Ban đêm VC đào đường đấp mô cũng đủ gây phiền phức, nhưng còn những trái mìn VC chôn dấu im lìm đâu đó trên đường mới càng dễ sợ! Bao nhiêu chiếc xe đò chở đầy hành khách cán lên còn nằm còng queo rải rát cho thấy cuộc sống đầy những cái chết phi lý của sự bạo tàn gây hấn của chiến tranh? Đi đường bộ nguy hiểm như vậy, người ta tìm phương tiện đường sông bằng cách đi trên những chiếc tác ráng vỏ lải. Nhưng không được bao lâu, họ thỉnh thoảng xuất hiện đón chận để xét hỏi hay bắt đi những người nào có liên hệ làm việc với chính quyền. Thường, các công chức, binh sĩ muốn ra vô tỉnh phải đón trực thăng để có giang mà thôi.

Ông ngoại tôi có thời làm việc cho chương trình xây dựng Ấp Chiến Lược tại đây, sau đó vì bất mản trước cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông ngoại chọn lối “độc thiện kỳ thân” cùng bà ngoại ở lại đây mở gian hàng vải Thọ Lộc để sống tiếp cuối đời, vừa tránh những điều chướng tai gai mắt.

Tôi là đứa cháu ngoại duy nhất từ nhỏ được ông bà ngoại nuôi nấng ẳm bồng nên tình cảm thật gắn bó không thể rời, chia lià, xa cách. Vì thế hai năm sau tôi đành phải rời trường nội trú ở Sài Gòn về ở với ngoại để đi học.

Tôi vào học trường Gio-an Bao ti xi ta do các ma soeur dạy theo chương trình Việt. Trường còn có một Cô nhi viện, và bên hông nơi con đường chính có xây một hang đá có tượng Đức Mẹ thật uy nghi. Từ lớp học của tôi nhìn xéo qua bên kia là ngôi biệt thự kiểu Pháp sơn màu trứng sáo dùng làm toà Tỉnh trưởng với những tàn cây phủ um bóng mát chung quanh. Ngước mắt đối diện là ngọn tháp chuông thường rung leng keng trong màu sương chưa tan loãng của ngôi thánh đường đẹp cổ kính có những bậc tam cấp là nơi lũ học trò nhỏ chúng tôi thường chơi trò “ cá sấu cá sấu lên bờ người ta người ta xuống nước”

Đang theo học ở trường Đạo một niên khoá, lúc tôi lên lớp Nhất thì trường đóng cửa và bà ngoại tôi nhờ anh Tâm huynh trưởng gia đình Phật tử chùa Tường Vân xin cho qua học trường công.

Vì mấy năm liên tục cứ thay trường đổi lớp, từ chương trình Pháp qua chương trình Việt, từ trường tư qua trường công, cho nên việc học của tôi chựng lại, mất căn bản… Tôi sợ nhất môn Toán, còn làm Luận văn thì không biết làm sao viết câu nhập đề! Viết chính tả thì luôn luôn lảnh trứng.[ Đến giờ cũng vậy, cứ hể nhập đề là tôi vẫn còn lúng túng. Dấu hỏi ngã bài tôi, thầy cò lắc đầu chịu thua] Cho nên học lớp Nhất với cô Lệ Thu năm đó tôi luôn luôn được vinh dự…đội sổ !

Cô giáo chán tôi lắm, có vẽ bực mình nên nhiều lần phán “ con Vân Hồng mà đậu là cô đi bằng đầu?” Tôi học dở thiệt, nếu kỳ thi Đệ Thất năm đó không có bạn Đằng ngồi kế bên tốt bụng cho cọp dê suốt mấy ngày, thì tôi “ ao” là cái chắc!

[ Năm tôi thi Tú Tài 2 ở Pe’trus Ký, có gặp lại cô - tôi đến thưa, cô nhìn tôi ngờ ngợ, đến khi nghe xưng tên, cô mừng rở “ Trời ! con Vân Hồng nay…lớn dử!?” Lúc đó cô dạy lớp đêm ở Gia Long ].

Vì bị mất căn bản nên tôi rất sợ học, nhiều lần còn lén trốn học. Nhưng khi vào Trung học thì tôi học thơi thới. Có lẽ chương trình mới, học từ đầu học, cho nên cuối năm tôi còn được lảnh nhiều phần thưởng. Tôi giỏi nhất môn Việt văn, lúc đó môn này do thầy Hòa dạy. Tôi được học Toán thầy Nhiêu, học Địa lý thầy Liên, học Sử ký cô Liên và học Nữ công cô Châu vợ thầy Đấu giám thị [ Cũng nghe nói sau này thầy Đấu và mấy em bị vướng một căn bịnh gì, rất lạ ]

Năm tôi lên Đệ Lục, thầy Hoà đổi về Sàigòn và thầy Bùi Trung Tín vào thế chổ. Năm nay còn có thêm thầy Cao Thành Phát dạy Anh Văn từ nơi khác đổi về.

Lớp tôi đột nhiên nỗi tiếng lẫy lừng là nhờ “ hiện tượng” Nguyễn thị Rỡ - Rỡ học thật giỏi, viết chữ thật đẹp, môn nào Rỡ cũng đứng đầu và năm nào Rỡ cũng được lảnh phần thưởng suất sắc. Ngoài cái thơm lây, Rỡ khiến tụi tôi “nhột” nên đâm ra chăm học hơn ! Nghe nói sau này Rỡ được nhà trường giữ dạy cho trường.

Thời gian năm 1968, Mộc Hóa vẫn còn vắng, trống trải lắm, mảnh đất đỏ phù sa do xáng hút từ lòng sông thổi lên rộng mênh mông. Lúc đó, nếu chúng ta đứng từ cửa nhà lồng chợ, ánh mắt chúng ta có thể nhìn tuốt vô tận Khu Thành Công nơi những dãy nhà do chính phủ cất lên cho vợ con binh sĩ ở. Chúng ta cũng còn có thể thấy những cánh quạt chấp chới hay những đám bụi đỏ khi của những chiếc máy bay quân sự lên xuống trong phi trường. Năm này khu bến xe mọc thêm hai dãy phố lầu khang trang, đẹp, tuy vô tình làm che khuất khu nhà cao cẳng xây theo kiểu song lập – mà người ta gọi khu công chức thượng lưu.

Dọc theo chợ có hai dãy phố trệt chạy song song với nhau. Khu đầu căn nơi góc đường quẹo ra công viên là tiệm Rạng Đông bán sách, kế đó hay cách vài căn là tiệm thuốc tây Nguyễn Huệ có chị Nguyên con chủ tiệm hát bản Besame Mucho thật hay. Tôi còn nhớ lúc đó chị Nguyên đang cặp bồ với anh Nguyễn Thanh Tâm con hảng nước đá nơi ngả ba đường xuống chùa Tường Vân. Em trai anh Tâm là Nguyễn Thanh Sơn cặp bồ với chị gì mà tôi quên tên, là con gái của tiệm bi da Nhựt Quang, cặp này sau nên vợ chồng, còn chị Nguyên thì lấy người khác là anh Lộc. Đi xuống phía dưới một chút gần tiệm thuốc tây Bình Dân có tiệm thuốc Bắc nhà của Lâm thị Huệ, con nhỏ có cái miệng móm này lanh ơi là lanh, thường chúng tôi gọi nó là Huệ Lâm, để phân biệt với Nguyễn thị Bích Huệ em gái của anh Điền [ anh bị sét đánh trúng chết ] Anh Điền và Huệ và chị Thu là con của ông bà Ba Hưng một nhân sĩ nổi tiếng trong tỉnh. Anh Điền còn là anh rể của Nguyễn thị Chiến, bạn học chung lớp với tôi, nghe nói sau 75 Chiến dạy học tại Mỹ Tho mà tôi lại chưa có dịp gặp.

Khoảng thời gian sau năm 1984, tôi có cơ hội trở lại nghề dạy học tại Mỹ Tho, và trong một tai nạn tôi gặp lại chị Hồng em cô Nga con bà Chín bán sạp áo quần trong nhà lồng chợ Mộc Hoá [ bây giờ có chồng là Khải, làm thầy truyền đạo tại HT Tin Lành MT ] và đặc biệt còn có thầy Cao Thành Phát đang dạy tại Gò Công nghe tin đến thăm tôi. Ngoài ra tôi còn gặp lại Lai thị Bạch Cúc.

Dãy phố bên này ngoài tiệm Nhựt Quang, tôi chỉ còn nhớ lõm bõm có tiệm giặt ủi và tiệm chụp hình Nguyệt Châu, chị Châu cũng học cùng lớp. Còn một khu phố chạy dọc bờ sông đến cầu Cá Rô thì tôi không quen nhiều, nhưng chắc chắn nơi bờ sông đó có một gia đình toàn con gái, hình như con chủ chợ, giàu lắm?

Ký ức tiếp tục dẫn tôi về chốn củ, để nhớ thêm một người đẹp nổi tiếng có làn da trắng mịn như sứ là Tuyết Mai, con gái tiệm sách Tinh Hoa nằm ngay góc sau chợ, ngó mặt ra hướng chợ cá. Năm đó bà Tinh Hoa mẹ của Tuyết Mai đi bỗ hàng từ Sài gòn về bằng xe đò bị VC giựt mìn, nhiều người chết, may bà không chết, nhưng hai chân bị cắt cụt nhìn rụng rời, đau xót. Cũng năm đó VC thảy một quả lựu đạn ngay cửa chợ làm bị thương vài người, nhưng giết chết trọn gia đình tiệm Bắc Tiến gồm hai vợ chồng hai đứa con - một trai một gái.

Gia đình ông Bắc Tiến sống trên gát ngay tiệm, nên hình ảnh bốn cái chết thương tâm, bốn cái quan tài hiu hắt nằm trong nhà lồng chợ khiến ai thấy cũng bàng hoàng, phẩn uất. Bà ngoại ở trong ban Trị Sự Chùa, chịu không nỗi cảnh này, xin cho đem bốn quan tài vô chùa làm tang lễ.

Đến năm tôi học lớp Đệ Ngũ thì thầy Trần Ba dạy Toán lên làm Hiệu Trưởng [ nhờ vậy con trai trường tôi, bỗng dễ thương ra ] năm nay có thầy Nhu đổi về và sau đó cưới cô Cẩm Nhung dạy Vật Lý có mái tóc uốn cong bồng lên thật đặc biệt.

Năm Đệ Tứ, mấy nhỏ bạn trong trường cặp đôi tôi với Nguyễn Ngọc Minh, một bạch diện thư sinh trên tôi hai lớp, nhà của Minh ở bên dãy Công Chánh, còn tôi ở bên dãy Toà Hành Chánh, cách nhau một công viên. Dù bạn bè cứ cố tình gán ghép trêu chọc nhưng chúng tôi không có gì nên cứ tỉnh bơ. Sau này về lại Sàigòn chúng tôi gặp nhau thường hơn, lúc đó nhà Minh ở trong cư xá Chí Hoà, mấy lần sinh nhật tôi, Minh có đến vẽ tranh trang trí, không biết Minh nghĩ gì, nhưng đối với tôi, mãi mãi chúng tôi vẫn là tình bạn.

Những năm sống tại Mộc Hoá, tôi thân nhất với Đổ thị Kim Loan, tuy Loan không đi học, thay cha mẹ quán xuyến tiệm giặt ủi mà tôi quên tên, tiệm đó gần tiệm Nhựt Quang, sau này nghe nói Loan còn làm chủ thêm mấy chiếc xe đò. Loan có một người chị tên Đỗ thị Việt Tiến khá đẹp, dạn dĩ và sống khá bạo, mỗi lần chị Tiến đi xa về đám con gái chúng tôi đang tuổi dậy thì, vừa lơ ngơ vừa mơ mộng, vừa tò mò rất thích thú nghe chị Tiến kể chuyện tình.

Nếu đêm nào không kinh hoảng chạy xuống hầm trốn pháo kích thì đêm đêm mọi người thường nghe tiếng đại bác bắn xa xa như ru giấc ngủ thật buồn, cho nên hể mỗi khi ty Thông Tin [ do ông Điều làm trưởng ty và là ảo thuật gia ] tổ chức chiếu phim là bà con náo nức đi xem, ngồi xấp lớp ngoài đường trước cửa nhà lồng. Ở tỉnh tôi tuy không có rạp chiếu bóng, nhưng có một cái hội trường để cho tỉnh tổ chức lễ lạc, ngoài ra còn dùng làm rạp hát cho Đại nhạc hội hay đoàn hát về diễn. Có lần gánh cải lương về, chị Thủy làm thư ký ở sát nhà rủ tôi đi nhưng bà ngoại không cho. Thấy tôi buồn, ông ngoại tội nghiệp bèn bày cách tối chờ cho bà ngoại đi chùa vừa khuất dạng đàng kia thì hai chị em nắm tay thung dung tới rạp hát. Khi vản hát, có ông ngoại nằm chờ sẳn trên divan chổ phòng khách, cứ gỏ nhẹ, ông ngoại mở cửa. Khuya đó theo y bài bản lần trước, tôi về, rồi gỏ nhẹ…Cửa bật mở, hết hồn khi thấy bà ngoại đứng lừng lửng trên tay cầm sẵn cây roi mây ! Thế là bà ngoại bắt nằm dài ngay hàng ba để bà ngoại vừa nhịp roi trên đít vừa hài tội con gái dám cả gan… May thay lúc đó ông Phó Ty Cảnh Sát Nguyễn Toàn Hiếu là hàng xóm đi ngang, thấy vậy tội nghiệp tạt vô xin dùm. Bà ngoại nể tình cất roi, nhưng từ đó tôi “ cạch” chớ dám tái phạm! Sau này lập gia đình, có một thời gian ông phó Hiếu về làm chung ty ở Chương Thiện với chồng tôi. Lâu lâu ông nhắc…quê thiệt!

Ông ngoại mất. Tôi bỏ Mộc Hoá về Sàigòn.

Nếu một sự tình cờ, Thầy của tôi, Cô của tôi đọc những dòng này: Thưa Thầy, thưa Cô của em có nhớ em không ? Cũng như các bạn của tôi. Nếu Trời cho bình yên còn sống - chắc chắn các bạn của tôi đã là ông Nội, bà Ngoại - Là…cụ ông, cụ…bà – có lẽ khi đọc những dòng này lòng sẽ chợt có chút vui bùi ngùi khi nhận ra những góc tuổi thơ của mình nằm đâu đó trong tiềm thức….

Hãy để vùng ký ức choàng dậy, chúng sẽ vẫy gọi nhau

thụyvi
Ý kiến bạn đọc
23 Tháng Bảy 20117:00 SA
Khách
Chào cô.Cô ơi,ba con và 1 người em gái sinh ra tại Mộc Hóa nhưng không biết ba mẹ(ông bà nội của con) là ai.Ba con chỉ biết là ông bà nội hiện tại nhận ba con về nuôi từ 1 cô nhi viện ở Mộc Hóa.Và được biết ba của ba con là tỉnh trưởng tỉnh Kiến Tường(hoặc chức vụ gì đó cũng cao lắm),còn mẹ của ba là con 1 gia đình danh giá.Vì sự ngăn cấm nên đã để ba con vào cô nhi viện,được biết ông nội khi ấy thường hay đến thăm cho đến khi ba được ông bà nội hiện tại nhận về nuôi thì mất liên lạc từ đó.Cô ơi,nếu cô sống tại Mộc Hóa từ trước 1975,cô có biết chút thông tin gì về việc này không?Nhớ lại chuyện cũ giúp dùm con cô nhé!
10 Tháng Sáu 20157:00 SA
Khách
cô rời Mộc Hoá từ năm 1965, nên không biết, em có thể vào trang TRUNG HỌC KIẾN TƯỜNG để hỏi thăm nhé. ( www.trunghockientuong.com ) em hỏi TRẦN NGỌC BÁCH, hy vọng sẽ tìm ra.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn