BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73525)
(Xem: 62252)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chim về Núi Nhạn

15 Tháng Giêng 20246:31 SA(Xem: 295)
Chim về Núi Nhạn
50Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
21

Each turn at the road brings
new thoughts and each sunrise
fresh emotions.

– Unknown

 

Ngày xưa nghe hát khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi không ngừng.  Sài Gòn ra Trung.  Hà Nội vô Nam …”  Còn tôi, nếu được, thì tôi sẽ đi đâu?  Cái dải đất hình chữ S hiện nay có hơn sáu mươi tỉnh, nếu cưỡi ô tô xem hoa mỗi tỉnh một tuần phải mất hơn một năm. Tôi đã đi hai địa điểm tạm gọi là xa nhất ở Bắc và Nam là Lũng Cú và Cà Mau, thêm vài nơi lên rừng xuống biển nổi tiếng như Sa Pa và Hạ Long.  Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) hai thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẽ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến.  Tôi không có sẵn khái niệm về hai thành phố này, nhờ đó sẽ tránh được sự thất vọng nếu thành phố đã “hương đồng cỏ nội phai đi ít nhiều.”  Tôi sẽ chỉ nhìn ngắm và ghi nhận cảm xúc của riêng mình chứ không phê phán gì cả.

    Những điều tôi biết về Tuy Hòa, gói trọn trong vài truyện ngắn và bài hát.  Tuy Hòa có nhiều nhà văn.  Nghe kể rằng, nhiều người không sống bằng nghề viết, nhưng đến Tuy Hòa ở một thời gian, có lẽ, nhờ phong thủy đều trở thành văn thi sĩ nổi tiếng.  Một nhà văn Tuy Hòa nổi tiếng là ông Võ Hồng.  Ông được nhiều người yêu mến qua “Trận Đòn Hòa Giải.”  Ông còn có rất nhiều truyện ngắn và truyện ở Sài Gòn trước 75.  Văn của ông có phong cách điềm đạm và chững chạc của một nhà giáo.  Tôi hiện có truyện ngắn “Mong Manh Một Thoáng” của Võ Hồng.  Và truyện ngắn “Thư Từ Tuy Hòa” của Cảnh Cửu. 

    “Thư Từ Tuy Hòa” gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi bằng giọng văn ráo hoảnh.  Nhân vật trong truyện, người viết lá thư, là một cô giáo.  Thư gửi một anh quân nhân mới quen.  Khi vào truyện người đọc được cho biết anh lính ấy đã chết vài ba hôm trước khi nhận được thư.  Thư được mở ra sau hai mươi mốt ngày.  Truyện xuất hiện trên Văn số 45, và bút hiệu này chỉ xuất hiện trên tạp chí Văn một hay hai lần.  Nếu nói Cảnh Cửu là bút hiệu khác của một nhà văn, nam hay nữ, nổi danh tôi sẽ không ngạc nhiên.  Nếu xếp “Lá Thư Tuy Hòa” vào thể loại du ký (travel writing), thì đây là một du ký hạng nhất. Hai nhân vật, cô giáo người Tuy Hòa, và anh quân nhân là người gốc Qui Nhơn nhưng đã đi xa từ lâu.  Hai người cùng đi với nhau từ Tuy Hòa đến Qui Nhơn.  Thời gian tuy chỉ một hai ngày nhưng đủ để tình cảm nảy sinh giữa hai người biến thành tình yêu, một thứ tình yêu hối hả, vội vã, của người quân nhân, sống như không có ngày mai và cô giáo cũng biết là anh quân nhân có thể không có ngày mai.  Cảnh Cửu nhắc nhiều đến những địa danh thuộc Phú Yên và Bình Định.  Mỗi địa danh có kèm theo một vài chi tiết đặc biệt về địa danh ấy, chỉ có người sống ở đó nhiều năm mới nhận ra.  Tôi vẫn thường cho rằng phải là người sống nhiều năm ở một nơi chốn nào đó thì mới có thể diễn tả cái hay, cái đẹp, cái dễ thương hoặc là dễ ghét về nơi chốn ấy.  Cảnh Cửu củng cố niềm tin này trong tôi.

    “Con sông Đà Rằng chảy qua cây cầu một ngàn hai mươi thước đó làm anh mê à.  Mùa mưa nước lênh láng bao la thật.  Cũng mùa mưa nước đổ dầm dề gió bấc cắt da chỉ còn con sông Đà và chỏm núi Nhạn là tương phùng như trong chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh.”

    Qua Cảnh Cửu, Tuy Hòa có cây cầu xe lửa chạy trên cao, gió dũi dũi trên mặt sông mát lịm, đập Đồng Cam, đèo Cả, đất úng phèn Hảo Sơn, sông Đà và núi Nhạn. Nghe kể rằng, núi mang tên Nhạn vì ngày xưa trên núi có chim nhạn làm tổ rất đông.  Chim nhạn có lẽ là chim én, hay yến, nếu không cũng chung giòng họ.  Tôi không hề biết hình dáng chim nhạn, nhưng loài chim này luôn gợi lên những hình ảnh rất thi vị.

    Nhạc sĩ Tu Mi trong bài “Tan Tác” viết rằng: “Mây bao la trời đen u tối. Đêm đông trường lữ khách bâng khuâng. Ngóng về phương xa chờ tin nhạn. Nhưng nhạn nào có biết nơi nao mà chờ.”

    Hàn Mặc Tử, mộ chôn nơi Ghềnh Ráng, cũng từng mong chim nhạn về. “Trước sân anh thơ thẩn. Đăm đăm trông nhạn về. Mây trời còn phiêu bạt. Lang thang trên đồi quê.”

    Chim nhạn, gợi lên hình ảnh của sự lãng du, phiêu bạt, và từ đó, sự chia ly.

Trên đường lên tháp Nhạn, tôi bước chân theo mấy câu hát nhịp nhàng “Anh còn nợ em. Chim về núi Nhạn. Trời mờ mưa đêm.” Tưởng tượng đến khuôn mặt nhăn nhó đau khổ, của anh ca sĩ nào đó rồi tự hỏi: núi Nhạn đóng vai trò gì trong chuyện anh còn nợ em của Anh Bằng.  Phải công nhận, thi sĩ và nhạc sĩ có tài xâu chuỗi những sự vật tưởng chừng như chẳng liên hệ gì với nhau, như nợ em, núi Nhạn, và mưa đêm, để làm thành câu hát.  Phải chăng, chim quay về chốn cũ mà người ra đi không về, cũng chẳng có thư, nên người nơi xa cảm thấy mình thiếu nợ người ở lại?

Trước khi đến Tuy Hòa tôi có thăm tháp Chăm  Po Klong Garai ở Phan Rang.  Tháp ở trên đồi không cao lắm, chừng trăm bậc thang, nhưng có lẽ vì say xe, hay tại buổi sáng hôm đó tôi uống ly sữa pha bằng nước chưa sôi, cũng có thể vì trời nóng quá sức tôi chịu được nên tôi bị đổ mồ hôi lạnh, choáng váng, và nôn mửa (triệu chứng của bị sốc nhiệt).  Vì vậy, khi nghe Tuy Hòa có tháp Nhạn, tôi ngần ngừ không muốn thăm dù tiện đường đi và gần thành phố.  Hầu hết tất cả tháp Chăm  miền duyên hải thường được xây trên đồi cao, gần cửa biển, có sông rộng và dài chảy sâu vào nội địa.  Tôi sợ trời nóng, sức yếu không lên nổi đồi cao.  Tuy nhiên núi Nhạn cao chỉ 64 mét so với mực nước biển.  Và du khách không cần phải đi bộ leo bậc thang mà có xe “tram” chở thẳng lên đồi. 

Tháp Po Klong Garai.
Tháp Po Klong Garai.
    Tháp Nhạn nhỏ hơn tháp Po Klong Garai.  Trên đỉnh tháp có linga, được phục chế có màu xám của xi măng chứ không đỏ cái màu đặc trưng của gạch xây tháp.  Trước kia núi Nhạn bị Pháp bắn pháo vào làm sụp đổ một phần tháp.  Vòng quanh chân tháp Nhạn có nhiều tượng phục chế trong đó có Ganesha khiến tôi đoán tháp sẽ thờ thần Hindu, nhưng, tháp thờ thánh mẫu Thiên Y A Na một phiên bản của thánh mẫu Thiên Hậu.  Người Chăm là những người thiện chiến hoặc chuyên nghề mua bán vận chuyển bằng đường biển.  Thánh mẫu Thiên Y A Na là vị thần phù hộ cho người đi biển được an lành.
Tháp Nhạn
Tháp Nhạn.


    Đứng bên tháp Nhạn tôi thấy có hai cây cầu.  Một cây cầu bắc ngang sông Đà Rằng, còn gọi là sông Ba.  Còn cây cầu kia dành riêng cho xe lửa.

Cầu Đà Rằng, tức là cầu sông Ba.
Cầu Đà Rằng, tức là cầu sông Ba.

“Con sông Đà Rằng uốn khúc tự Cao nguyên xa.  Nó mang về đây ruộng lúa đập Đồng Cam sau khi đã bỏ đất đen miền nhiệt đới Cheo Reo.  Ruộng lúa có xanh tươi thật, bông trái có trĩu cành thật.  Nhưng đó chẳng qua là một cái gì nhỏ bé của xứ Phú Yên này.” 
– Cảnh Cửu
“Họ vui mừng với những con tàu đến để rồi buồn rầu với những con tàu đi. Lòng họ trống không, mắt mờ như hồn tôi mờ theo con tàu hăm tám tết năm nay.”

    “Buổi trưa tôi lên ở ga này thấy anh đang gặm bắp đó.  Hồi còi run rẩy lìa ga xép.  Con tàu thì chạy anh thì nhai dễ thương chi lạ.  Tôi đâm ra yêu cái thân xác run run của con tàu, tiếng động rêm rêm trên đường sắt và người đồng hành biết thưởng thức hương vị quê hương mình – biết đâu đó cũng là sự chung tình khả ái.” – Cảnh Cửu.

    Trên núi Nhạn vẫn còn cái lô cốt từ thời Pháp.  Ngày tôi đến có hai người đàn ông mặc thường phục đang ăn trưa, một trong hai người là bộ đội phục viên, người kia là khách của ông.  Có lẽ một trong hai người là nhân viên trông chừng tháp.

    Từ Tuy Hòa, theo chân Cảnh Cửu tôi đi Qui Nhơn.  Theo ông, Qui Nhơn là một vùng quê hương nghèo nàn, cuộc sống khó khăn.  Qui Nhơn có gì? Đường hầm qua dãy Cù Mông tối đen.  Vân Canh nhiều thượng.  Diêu Trì ngã ba.  Cầu đôi nước đứng. Tháp Chăm  gạch đỏ và núi Qui Nhơn lở lói. Và có mộ Hàn Mặc Tử.  Trần Thiện Thanh trong bài hát Hàn Mặc Tử đã viết “Tìm vào cô đơn, đất Qui Nhơn gầy đón chân Hàn đến.”  Tại sao Qui Nhơn gầy?  Vì nghèo?  Nhìn trên bản đồ thì tỉnh Bình Định có hình dáng gầy guộc hơn so với tỉnh Gia Lai. 

    Qui Nhơn giàu nhân tài.  Về văn học hiện đại có Hàn Mặc Tử, Quách Tấn và Chế Lan Viên.  Văn học hậu hiện đại - miền Nam trước năm 75 có ông Võ Phiến.  Trong sử học thì có những danh tướng của Tây Sơn như Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. 
 
Những người thích đi xa thường thích đọc và viết bút ký về du hành.  Người đi cũng như người viết, chắc có lần tự hỏi, hay bị người khác hỏi đi để làm gì?  Du lịch là một sở thích rất cá nhân, cho dù có đi chung nhiều người, mỗi người sẽ có câu trả lời riêng, vì những điều họ tìm kiếm, để thỏa mãn nhu cầu nào đó sẽ rất khác biệt nhau, đôi khi không dễ dàng thố lộ với bất cứ người nào. 
    Người ta bảo rằng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn.”  Không dám nói là đã học được thậm chí một phần mười của sàng khôn, nhưng chuyến đi đưa ra những câu hỏi, khiến tôi nhận ra rất nhiều điều tôi không biết.  Hai cái tháp Chăm khiến tôi tự hỏi người Chăm là ai.  Ranh giới quốc gia của họ từ đâu đến đâu?  Họ có mặt trên dải đất miền Trung bây giờ là Việt Nam từ lúc nào? Vâng.  Tôi thú nhận mình là người dốt sử ký và địa lý.  Người Chăm vẫn thường bị gọi là Mán là Mường, và, bọn Chiêm bọn Hời. Nhưng, người Chăm đã biết xây dựng những kiến trúc đầy nghệ thuật và rất bền vững, trước khi Đại Việt có nền văn hóa đáng chú ý về mặt kiến trúc rất nhiều năm.  Từ người Chăm người Đại Việt bắt chước trồng một loại lúa ngắn ngày (mau thu hoạch) và chịu được hạn hán gọi là Chiêm Mễ.  Những đồng lúa ít nước và ngắn ngày này được gọi là đồng Chiêm.  Tại sao một nền văn minh cường thịnh như thế sao lại trở nên mai một? 

    Về nhà, đọc Wikipedia, đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, và một vài quyển sách khảo cổ tiếng Anh và tiếng Việt về Champa tôi biết thêm một số chi tiết.  Những chi tiết này không có gì mới lạ, chỉ có tôi đến bây giờ mới biết.  Champa còn được gọi là Chăm, Chàm, hay Chiêm Thành.  Người phục chế tháp Po Klong Garai là vua Chế Mân, người đã đánh đổi hai châu Ô và Lý để cưới công chúa Huyền Trân.  Châu Ô nằm trong Quảng Trị và một phần lớn phía bắc Quảng Trị đã thuộc về đời nhà Lý.  Châu Lý cách Huế ngày nay chừng 20 km.  Vua Chế Mân cưới công chúa Huyền Trân năm 1306, lúc công chúa 19 tuổi (1287 - 1340). Tôi có gặp một khúc phim ngắn về công chúa Huyền Trân nói rằng bà sinh năm 1277 nhưng tôi nghĩ là người làm đoạn phim này có thể nhầm.  Một năm sau khi cưới Huyền Trân vua Chế Mân qua đời.  Sử sách không ghi chép năm sinh của ông, chỉ biết ông cai trị Chiêm Thành từ năm 1288 đến năm 1307.  Có nghĩa là khi ông lên ngôi, công chúa Huyền Trân mới được một tuổi.  Trước khi lên ngôi vua, nhiều năm Chế Mân đã cùng vua cha đi đánh trận và chạy loạn (khi thua trận).  Suy diễn một chút, Chế Mân hơn Huyền Trân ít nhất là hai mươi tuổi.  Nếu Chế Mân lên làm vua năm hai mươi tuổi thì ông có thể cùng tuổi với Trần Khắc Chung.  Khi Chế Mân qua đời, vua Trần Anh Tông cho Trần Khắc Chung (1247-1330) đón Huyền Trân về nước. 
    Theo một bản dịch của ông Ngô Bắc (Gió O) nói về mậu dịch của người Chăm, khi thuận gió, từ Quảng Châu (xa hơn Thăng Long về hướng Bắc) đến xứ Chăm  (Champa/Chiêm Thành) mất tám ngày. Tôi, người đọc sử bây giờ, tự hỏi, không biết ngược gió thì mất bao lâu?

    Đại Việt Toàn Thư Sử Ký ghi rằng:

    Năm 1305, tháng 2, vua Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài dẫn một đoàn hơn 100 người sang cầu hôn công chúa Huyền Trân.  Cả triều đình phản đối việc gã công chúa, chỉ có hai vị quan Việt là Đạo Tải và Trần Khắc Chung tán thành cuộc hôn nhân này. 
    Năm 1306, tháng 3, công chúa Huyền Trân đến Chiêm Thành làm vợ Chế Mân. 
    Năm 1307, tháng 5, vua Chế Mân chết.  Tháng 10 Trần Khắc Chung (Thượng Thư) và Đặng Văn (An Phủ Sứ) đến Chiêm Thành đón công chúa và hoàng tử Chế Đa Da về.  Thượng hoàng (Trần Thái Tông) sai trại chủ Hóa Châu cho thuyền đưa 300 người Chiêm về nước.
    Năm 1308, tháng 8, công chúa mới về đến triều đình.  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi rằng vì Trần Khắc Chung tư thông với công chúa Huyền Trân nên mất 10 tháng cho chuyến đi.
    Năm 1311 công chúa Huyền Trân qui y ở làng Hồ Sơn, huyện Thiên Bản nay thuộc Nam Định – Chùa Nộm Sơn – Quảng Nghiêm Tự.
    Tháng 12 năm 1312 Trần Khắc Chung được phong chức Tả phụ, tước quan Phục Hầu.

    Sử ký ghi rằng Trần Khắc Chung đã dùng mưu, đặt thuyền nhẹ ở bờ biển, cướp Công Chúa đưa đi, lúc nàng làm bị đưa lên đài hỏa thiêu theo nghi thức người Chiêm Thành hễ vua chết thì hoàng hậu bị hỏa thiêu để được theo vua. Là người đọc sử, tôi tự hỏi, tại sao khi Công Chúa về đến Thăng Long vua lại cho đưa 300 người Chiêm về Chiêm Thành?  Có phải họ ở trong đoàn tháp tùng đưa công chúa về Đại Việt?  Nếu Trần Khắc Chung dùng khinh thuyền để cướp công chúa thì làm sao mang được hơn ba trăm người? Nếu tư thông với công chúa Huyền Trân, Khắc Chung đã phạm tội khi quân; tuy vậy, ông không bị trừng phạt. Trái lại, bốn năm sau khi bị cáo buộc tội tư thông với Huyền Trân, Trần Khắc Chung lại được lên chức trở thành Tả Phụ.  Trần Khắc Chung hơn Huyền Trân đến 40 tuổi.  Lẽ nào một vị công thần vào sinh ra tử, đánh giặc phò vua, lại đi tư thông với một người đáng tuổi con cháu mình?  Lẽ nào, Trần Khắc Chung đã có tình ý với Huyền Trân lại tán thành việc đưa người mình yêu sang làm vợ Chế Mân?  Không tin chính sử thì chẳng biết dựa vào đâu để tìm hiểu sự việc xảy ra. Tuy vậy, sử Việt có thể đáng tin đến mức độ nào?  Khi công chúa Huyền Trân kết hôn với Chế Mân, hai nước Chiêm Thành và Đại Việt có quan hệ hòa bình khá bền vững.  Hai nước không có chiến tranh với nhau.  Ngay cả khi Huyền Trân về Đại Việt hai nước cũng không có những trận đánh lớn cho mãi đến bảy thập niên về sau.

    Năm 1377, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga, người có tài binh lược, giỏi thu thập tin tức gián điệp, mang quân sang đánh Đại Việt.  Vua Chiêm lập mưu, bao vây và giết chết vua Trần Duệ Tôn.  Chế Bồng Nga có tài dụng binh, khi đánh cho voi đi trước mở đường khi rút lui cho voi đi sau cùng để bọc hậu.  Mười hai lần mang quân đánh Đại Việt.  Hai lần quân Chiêm đánh vào tận Thăng Long, đốt cung điện cháy tan hoang. 

    Năm 1390, ngày 23 tháng Giêng, Chế Bồng Nga đang ở trên chiến thuyền thúc quân đánh Đại Việt. Bị tướng nhà phản bội chỉ cho quân Đại Việt biết chiếc thuyền có Chế Bồng Nga.  Quân Đại Việt cứ cho súng bắn vào thuyền của vua Chiêm cho đến khi ông tử trận ở Đồ Bàn. 

    Vua Trần Thuận Tôn khi nhìn thấy thủ cấp của Chế Bồng Nga đã cởi áo bào gói lại để tỏ lòng kính trọng một địch thủ tài ba.  Trận Đồ Bàn là trận đánh mà cả hai bên Đại Việt và Chiêm Thành đều xem là trận vinh hạnh nhất của nước mình.  Đồ Bàn ngày nay là Qui Nhơn, Bình Định.

    Tôi nghe văng vẳng bên tai câu hát “Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù.  Triền sóng xô.  Muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ… và Rừng hoang vu mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.  Lầu các đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh mịt mù” mà nghĩ đến trận thư hùng giữa Chiêm Thành và Đại Việt.  Bờ cõi quốc gia và những giấc mộng đế vương giờ chỉ còn là nền cũ lâu đài bóng tịch dương.  Basho đã từng cảm thán.
 
Mùa hè cỏ mọc xanh tươi
Tàn thân dũng tướng, mộng đời đế vương
 – NTHH dịch
 
Rời tháp Nhạn, những câu hát trong bài Chiều Qua Tuy Hòa của Nguyễn Đức Quang bay vờn sau lưng tôi.
 
Ôi những chiều mây vắt ngang lưng đèo.
Vọng Phu đưa mắt như buồn theo.
 
Cảnh Cửu nhắc đến những món ăn Tuy Hòa như cá lúi kho hành ăn với khoai lang, cá ồ ồ gói bánh tráng, càng cua biển to như cái sừng trâu và cơm vắt với cái đùi gà to tướng.  Tuy Hòa của Cảnh Cửu giống như một tấm ảnh đã cũ, loang lổ, hoen ố màu thời gian.  Bây giờ người ta nhắc đến sò Ô Loan, bánh xèo tôm nhảy.  Làm gì còn cái đùi gà to tướng với nắm cơm giá mười đồng.  Tuy Hòa và Qui Nhơn không còn cuộc sống đơn giản Cảnh Cửu miêu tả.  Mộ Hàn Mặc Tử bây giờ đẹp hơn căn nhà ông ở ngày xưa.  Người bây giờ đến Qui Nhơn thì ra Eo Gió chụp ảnh sống ảo.  Buổi tối ngồi ở tháp Nghinh Phong Tuy Hòa ngắm đèn màu sặc sỡ.  Buổi sáng đi bộ vòng quanh ở hồ Điều Hòa tập thể dục.  Về đêm dạo bờ biển Qui Nhơn nghe sóng vỗ rào rạt mà nhớ bài Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn. 

    Trong cuộc Đại Việt mang quân đi mở cõi, đã có biết bao nhiêu phụ nữ Chiêm và Việt mắt hướng chân trời ngóng trông chim nhạn và chờ người chinh phu.  Đời Trần có một công chúa lấy chồng xứ lạ, khiến người đời sau có câu hát thở than.  “Nước non ngàn dặm ra đi. Và dù đường thiên lý xa vời, dù tình cố lý chơi vơi, cũng không dài bằng lòng thương mến người.” 

    Đời Lý Thánh Tôn, năm vạn người Chiêm từ Đồ Bàn bị bắt mang về Đại Việt. Những lời ai oán nước non ngàn dặm ra đi của họ đâu rồi?

    Đi để làm gì?  Đoạn thơ mở đầu bài này nói rằng mỗi khúc quanh của con đường mang đến vài suy nghĩ.  Với tôi, đi để tìm hiểu chính mình. Mỗi chuyến đi mở ra nhiều câu hỏi khiến tôi đi tìm câu trả lời, cho riêng tôi.  Phải chăng, tôi cũng giống như một loài chim, kiếp nào đó đã từng sống ở núi Nhạn, lâu ngày tìm về để thăm một quê hương không còn là của mình và rồi sẽ trở nên xa lạ.
 
mỗi khúc quanh trên đường,
mang về ý tưởng mới
mỗi buổi rạng vầng đông
cảm xúc phả mùi hương. – NTHH dịch của tác giả Vô Danh
 
Nguyễn Thị Hải Hà
Tháng Giêng năm 2024
Nguồn : Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn