BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73589)
(Xem: 62260)
(Xem: 39455)
(Xem: 31191)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một trăm (100) năm Văn Cao (15.11.1923 – 2023) (kì 1)

14 Tháng Mười Một 20238:12 SA(Xem: 553)
Một trăm (100) năm Văn Cao (15.11.1923 – 2023) (kì 1)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Buổi sáng có trong sự thật

Kì 1

Mẩu chuyện nhà thơ Phác Văn (1932 – 1996), cán bộ phòng Văn hoá Văn nghệ quân đội, Tổng cục Chính trị kể về Văn Cao từ thời tôi còn làm báo binh chủng Thông Tin ở Hà Nội trước khi khoác ba lô vào mặt trận phía Nam đến nay vẫn còn nguyên trong trí nhớ của tôi. Chuyện rằng:

Buổi sáng có ông cán bộ vụ Đối ngoại bộ Văn hóa đến nhà Văn Cao báo tin sẽ có đoàn nhạc sĩ Liên Xô đến thăm nhà tác giả Quốc ca Việt Nam. Buổi chiều ông cán bộ đó cho xe ba gác chở đến nhà Văn Cao bộ salon bọc nhung sang trọng kê vào chỗ bộ bàn ghế tiếp khách gỗ tạp mộc mạc của Văn Cao. Sáng hôm sau Văn Cao tiếp đoàn nhạc sĩ Liên Xô ở bộ salon đó thì ngay buổi chiều bộ salon nhung lại được chở đi.

Bảy mươi hai năm cuộc đời thì năm mươi năm Văn Cao phải sống trong cuộc sống thiếu thốn và trong thể chế giả dối như vậy. Trong cuộc sống thiếu thốn và trong thể chế giả dối Văn Cao phải sống trong nơm nớp lo âu, đe doạ nhưng ông vẫn sống một cuộc đời trong trẻo, trung thực và ông đã để lại một gia tài lớn lao cho nền văn hóa Việt Nam.

Văn Cao (1923 – 1995)
Văn Cao (1923 – 1995)
  1. Nỗi khắc khoải Văn Cao

Một buổi sáng mùa đông, tôi đang bon bon trên con đường một chiều Tràng Thi, Hà Nội bỗng thấy Đinh Anh Dũng và Quốc Thành, hai nhà quay phim có tiếng của hãng phim Giải Phóng cùng ở thành phố phương Nam với tôi đang lom khom bên chiếc camera đặt trên hè đường gần thư viện quốc gia. Ở thành phố phương Nam, tôi và Dũng vẫn thường ngồi với nhau nói nhiều chuyện về điện ảnh. Tôi đã có bài viết về Dũng trên tờ báo Điện Ảnh của bộ Văn Hoá Thông Tin. Gặp lại Dũng đang làm phim ở Hà Nội, dù đang có việc phải đi, tôi vẫn không thể không dừng lại với anh.

Dũng say sưa nói về bộ phim anh đang thực hiện, bộ phim ca nhạc về Văn Cao mà Dũng định lấy tên là Năm Buổi Sáng Có Trong Sự Thật. Bộ phim sẽ lần theo bước chân Văn Cao lãng đãng trong cõi âm nhạc vì thế là phim ca nhạc nhưng cũng là phim tài liệu về năm tháng cuộc đời Văn Cao. Tôi đã được đọc bài thơ Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật của Văn Cao. Bài thơ Văn Cao viết từ năm 1960. Thơ Văn Cao là không có trong sự thật nhưng sao phim của Dũng lại là có trong sự thật?

Theo Dũng, Năm Buổi Sáng Có Trong Sự Thật là năm giấc mơ trong những giấc mơ của Văn Cao. Cả cuộc đời Văn Cao như một giấc mơ. Văn Cao sống như mơ, tồn tại như mơ, làm việc trong mơ. Những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao thực sự là những giấc mơ, là trạng thái siêu thoát của ông. Vì thế mới có Thiên Thai, mới có Suối Mơ, mới có Trương Chi, mới có Cung Đàn Xưa, vân vân! Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng kinh ngạc thốt lên: Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng!

Trong đó, Sông Lô cũng là một giấc mơ đẹp, giấc mơ huyền ảo trong không khí thần thánh thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống xâm lược. Cuộc kháng chiến chống Pháp thực sự là cuộc kháng chiến của lòng yêu nước. Người dân Việt Nam yêu nước đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp như tín đồ đi vào Thánh đường tôn giáo và Tiến Quân CaNgười Hà NộiSông Lô, Làng Tôi, Qua Miền Tây Bắc, Giải Phóng Điện Biên, … là những bài Thánh ca.

Dũng nói rằng anh muốn đưa Văn Cao lên sông Lô để ghi hình Văn Cao với dòng sông lịch sử đã để lại bóng dáng oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và để lại hoài niệm đẹp trong cuộc đời bi tráng của Văn Cao. Giây phút lịch sử của sông Lô, của cuộc kháng chiến chống Pháp đã qua rồi nhưng chứng nhân của giây phút lịch sử đó vẫn còn đây. Giây phút hào hùng của sông Lô đi vào tâm hồn nghệ sĩ Văn Cao đã làm nên tráng ca Sông Lô bất hủ.

Sông Lô đó, vẫn hiền hòa mà oai hùng chảy trong ngút ngàn Việt Bắc! Văn Cao đây, vẫn liêu xiêu dáng dấp bình dị mà tài hoa. Và giai điệu hùng tráng của nhạc phẩm Sông Lô còn âm vang mãi trong thời gian. Nhưng tiếc quá! Những ngày vừa rồi lạnh tê tái làm cho Văn Cao không được khỏe nên Dũng chỉ đưa được Văn Cao lên sông Cầu. Mùa này con sông Cầu cũng thu lại đìu hiu, tĩnh lặng, hiền hòa như sông Lô. Về sông Cầu nước chảy lơ thơ và về làng Thổ Hà nổi tiếng của gốm và rượu.

Sao? Cuộc đời Văn Cao như một giấc mơ ư? Tôi ngạc nhiên về cảm nhận này của Dũng. Tác phẩm là sự thăng hoa của tâm hồn tác giả thì đúng rồi. Nhưng cuộc đời trần ai, cay đắng, ê chề của Văn Cao đâu phải là một giấc mơ. Có lẽ trước năm 1975 Dũng sống ở Sài Gòn chỉ biết Văn Cao qua những tác phẩm hào hoa của ông mà nghĩ cuộc đời Văn Cao lâng lâng bay bổng như mơ chăng?

Tôi chợt nhớ câu chuyện kể về Văn Cao của bạn tôi, anh Nguyễn Ánh, một nhà báo viết cho tờ báo tháng Sân Khấu của hội Nghệ sĩ Sân khấu, một trợ lí được việc của nhiều đạo diễn sân khấu, điện ảnh, một diễn viên không chuyên có vai phụ trong nhiều bộ phim. Cao lêu đêu. Gày lòng khòng. Mặt dài thườn thượt. Nguyễn Ánh thường được các đạo diễn chọn vào những vai ông già nghèo khó, người hát sẩm, phu đào huyệt, người thổi kèn đám ma . . .

Nguyễn Ánh kể rằng dạo ấy là năm 1965, Ánh làm thư kí cho đạo diễn sân khấu Trần Hoạt khi ông dựng vở kịch Cuba Đồng Mía cho đoàn kịch Hà Nội. Trần Hoạt mời Văn Cao làm nhạc và thiết kế mĩ thuật cho vở diễn. Một buổi chiều hai ông cùng thư kí đạo diễn và mấy người làm hậu đài trong đoàn kịch ngồi bên li rượu bàn công việc. Nhân khi mọi người chuyền tay nhau bao thuốc lá Tam Thanh, một người lên tiếng:

– Các ông nhìn hình vẽ trên bao thuốc lá này xem có thấy gì không?

– Thấy hòn Vọng Phu chứ thấy gì. Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh. Tam Thanh thì phải vẽ nàng Tô Thị ngóng chồng chứ còn vẽ gì nữa.

– Đấy, vấn đề chính là ở cái hình nàng Tô Thị ngóng chồng ai oán này đấy.

Văn Cao đã nâng chén rượu lên ngang môi lại vội đặt xuống, vẻ lo lắng:

– Vấn đề gì thế?

Vốn nhạy cảm, đạo diễn Trần Hoạt nhận ra vẻ lo lắng thất thần của Văn Cao nên vội gạt đi:

– Cứ suy diễn tùy tiện thì cái gì chẳng có vấn đề. Thôi, uống đi mà lo việc của mình.

Nhưng Văn Cao vẫn bồn chồn không yên, hỏi ráo riết:

– Vấn đề ở chỗ nào hả cậu?

Người khơi chuyện vẫn thủng thẳng:

– Vấn đề nặng đấy. Tay họa sĩ vẽ hòn Vọng Phu, hình nàng Tô Thị ngóng chồng u ám, nặng nề như lá cờ tang, vật vờ như một bóng ma rõ ràng định bi thảm hóa, côi cút hoá người đàn bà có chồng ra trận. Cả nước đang trong cuộc kháng chiến khốc liệt. Nhà nào cũng có người ra trận. Vẽ hòn Vọng Phu như thế là vẽ sự chết chóc, tang tóc, tuyệt vọng của cuộc kháng chiến đang diễn ra à? Thế là đánh phá về chính trị, tư tưởng cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam rồi còn gì nữa.

Mặt Văn Cao biến sắc và giọng đã run run:

– Có ý kiến như vậy thật à? Thế thì gay đấy.

– Bác cứ nhìn kĩ xem có phải hình nàng Vọng Phu xõa tóc vật vờ như bóng ma không? Đó là một hình ảnh tang tóc thê lương chứ có phải hình nàng Vọng Phu bền bỉ chờ chồng đến hóa đá đâu. Họ suy diễn cũng đúng đấy chứ.

Văn Cao thở dài lẩm bẩm:

– Khổ quá! Mình không có ý viser (ám chỉ – tiếng Pháp) nhưng họ buộc cho như thế, làm sao cãi được. Không biết rồi chuyện gì sẽ đến?

Đạo diễn Trần Hoạt nhìn Văn Cao, ái ngại:

– Cái bao thuốc lá này cũng cậu vẽ kiếm cơm hả? Rõ khổ! Vì cậu vẽ nên người ta mới suy diễn như thế. Nhưng việc quái gì phải sợ. Họ chẳng làm được gì hơn nữa với cậu đâu.

Đạo diễn Trần Hoạt thở dài, im lặng. Trong không khí trầm lắng, Trần Hoạt lại lên tiếng:

– Họ cố suy diễn, bóp méo, biến không có tội thành có tôi để giơ chiếc còng số tám ra răn đe cả nước chứ không phải răn đe cậu đâu. Thôi, uống đi. Chúng ta đang cần lửa. Cần lửa cho vở kịch về cách mạng Cuba. Chúng ta phải thổi ngọn lửa đó lên, truyền hơi ấm của ngọn lửa đó đến công chúng. Nhắc đến chuyện vớ vẩn kia là dội nước lạnh vào lửa. Thôi dẹp. Lửa đây. Lửa trong rượu Thổ Hà. Nào, làm chút lửa dân dã Thổ Hà rồi trở lại công việc với ngọn lửa cách mạng Cuba.

Văn Cao nâng chiếc chén hạt mít lên nhưng nét mặt vẫn đăm đăm khắc khoải:

– Có chuyện gì với mình cũng chẳng sao. Mình chịu quen rồi. Nhưng còn người đã thương mình, giao việc cho mình làm để có tiền nuôi vợ con. Chỉ sợ họ cũng bị vạ lây vì lòng thương họ dành cho mình. Làm sao mình có thể vô tâm, sao không lo nghĩ đến điều đó được.

Nghe câu chuyện của Nguyễn Ánh, tôi cứ thấy hiện lên vẻ mặt khắc khoải âu lo đến tội nghiệp của Văn Cao. Đã có quá nhiều tai họa kiểu hòn Vọng Phu giáng xuống cuộc đời Văn Cao. Gần suốt cuộc đời Văn Cao phải sống trong âu lo khắc khoải về tinh thần, sống trong khó khăn, thiếu thốn cơ cực về vật chất. Thiết kế sân khấu cho một vở diễn, vẽ bìa sách, vẽ cả bao thuốc lá … những công việc cần tài hoa, cần cả sự cặm cụi khuya sớm nữa.

Sau câu chuyện của Nguyễn Ánh, tôi đã có dịp gặp Văn Cao. Khi ấy tên tuổi ông đã lại được nhiều tờ báo nhắc đến với sự trân trọng, ngưỡng mộ. Những đêm nhạc Văn Cao lại được liên tiếp tổ chức tưng bừng ở Hà Nội, Hải Phòng và ở cả thành phố phương Nam nơi tôi sống. Ông xuất hiện ở đâu cũng được chào đón nồng nhiệt. Nhưng gặp ông tôi vẫn thấy một Văn Cao dung dị, cởi mở nhưng khắc khổ, ưu tư, như thảng thốt, như đang mang một tâm trạng đầy khắc khoải. Sự khắc khoải về một cuộc sống đầy tai ương, bất trắc. Nghe nhạc Văn Cao, tôi cũng nhận ra sự khắc khoải ấy. Sư khắc khoải về cái đẹp. Như nhạc Trịnh Công Sơn khắc khoải về thân phận con người!

Với ấn tượng rất sâu sắc về một Văn Cao trong cõi thực ấy nhưng khi đứng ở phố Tràng Thi nghe Đinh Anh Dũng nói về Văn Cao, tôi lại thấy hiện lên một Văn Cao khác, Văn Cao trong cõi mơ. Tôi bỗng thấy cần đến thăm ông để xem có nhận ra một Văn Cao trong cõi mơ không.

Kì sau: VÒ RƯỢU QUỐC LỦI

Rút từ tập sách

NHỮNG CÁNH BUỒM. Chân dung chính trị.

Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương. Virginia. 2022

Phạm Đình Trọng

Nguồn: https://www.facebook.com/kesiviet/posts/pfbid02yQrk3TBueimh8BxikVD8tpYNRV8uB1WQBN8bbcPT41ajcF4

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn