BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76378)
(Xem: 63037)
(Xem: 40426)
(Xem: 32021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Văn chương núp bóng quyền lực

02 Tháng Mười Một 20237:03 SA(Xem: 1054)
Văn chương núp bóng quyền lực
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Tôi có sách Chuyện Tướng Độ của tác giả Võ Bá Cường, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân phát hành năm 2007 nhưng tôi chỉ đọc được vài trang rồi phải buông sách, không đọc được nữa và tập sách cũng không được lưu giữ trong tủ sách, trên giá sách của tôi nữa.

Từ thời còn cắp sách đến trường tôi đã đọc tất cả những tập sách và những bài viết trên báo Quân Đội Nhân Dân của chính uỷ quân khu Tả Ngạn, nay là quân khu Ba, thiếu tướng Trần Độ.

Tôi cũng biết rành rẽ con đường đi từ bóng tối hoạt động cách mạng bí mật qua cuộc kháng chiến chống Pháp đến cuộc chiến tranh Nam Bắc của vị tướng nhiều công trạng thuộc lứa khai quốc công thần của nhà nước cách mạng mà vô cùng bình dị, thân thiết, gần gũi với lính, với dân, tướng Trần Độ.

Tôi đã gặp tướng Trần Độ đôi lần khi với hàm trung tướng chuyển sang làm công tác đảng, lãnh đạo ban Văn hoá Tư tưởng, ông rất quan tâm và thường xuyên đến với 44 nhà văn đang học khoá 1 trường viết văn Nguyễn Du. Có lần ông đã ngồi cả buổi chiều lắng nghe kiến giải và đề xuất của các nhà văn vừa bước ra khỏi chiến tranh nay trở thành học trò trường viết văn trong căn nhà tuềnh toàng vách phên, mái lá dưới chân đê La Thành cạnh Ô Chợ Dừa trên mảnh đất có tên Giảng Võ từ thời ra đời kinh thành Đại La.

Tôi cũng có mối quan hệ thân thiết với nhiều người thân gần gũi với tướng Độ và tôi đã được chị Nguyễn Thị Khánh Trâm, con dâu tướng Độ tặng bộ tuyển tập Trần Độ gồm ba tập sách đồ sộ, hơn 2500 trang sách khổ lớn 17 x 25 cm.

Tôi càng vô cùng kính phục sự thức tỉnh tư tưởng, nhận thức của tướng Độ về thể chế độc tài đương thời phản dân hại nước, về cái ác luân hồi:

Những mơ xoá ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện

Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.

Thơ Trần Độ

Vị tướng cộng sản đã dành cả quãng đời còn lại dấn thân vào con đường đấu tranh không cân sức với cái ác bạo lực nhà nước độc tài cộng sản, giành dân chủ cho đời sống xã hội, giành lại những giá trị làm người cho người dân để rồi vị tướng lẫm liệt chiến công đã phải nhận nhiều mất mát và nỗi đau, đến lúc chết còn bị chính quyền nhà nước cộng sản đưa công an đến phá đám lễ tang.

Cuộc đời vị tướng trầm luân cùng nhân dân đất nước và cả đám tang của vị tướng bị phá đám sẽ đi vào lịch sử và đi vào cả giai thoại dân gian về một thời đau đớn giống nòi.

Một thân phận con người trong cơn lốc lịch sử, một nhân cách lớn của kẻ sĩ như tướng Độ rất đáng được viết, rất cần ngòi bút tiểu thuyết khám phá. Nhưng đọc Chuyện Tướng Độ tôi lại gặp giọng điệu, cảm hứng anh hùng ca quen thuộc của tuyên giáo. Đồng nhất nhân vật với những phẩm chất anh hùng và thành kính ca ngợi nhân vật anh hùng để ngâm ngợi về một thời đại đau thương máu và nước mắt được tuyên truyền là thời đại anh hùng.

Lại dễ dãi và hời hợt cóp nhặt những sự việc đã có trong sách báo, những câu chuyện lưu truyền trong dân. Khoảng cách của người viết với nhân vật vẫn là khoảng cách thần thánh, khoảng cách của tín đồ với đức tin. Không phải khoảng cách tự nhiên của nhà khoa học với đối tượng khám phá. Không phải khoảng cách đời thường suồng sã, bỗ bã, thân tình của nhà văn với nhân vật tiểu thuyết.

Dù là nhân vật lịch sử lừng lẫy chiến công như Quang Trung, nhân vật lịch sử thống nhất sơn hà như Gia Long cũng là con người sinh vật bằng xương, bằng thịt với tâm lí, sinh lì và nhu cầu tự nhiên của một cơ thể sống. Lịch sử ghi nhận, khám phá công trạng của nhân vật lịch sử. Tiểu thuyết khám phá con người đời thường của nhân vật lịch sử.

Trong lịch sử, Quang Trung, Gia Long lung linh mờ ảo, siêu phàm, xa cách cuộc sống đời thường bao nhiêu thì trong truyện ngắn Phẩm Tiết của Nguyễn Huy Thiệp, Quang Trung, Gia Long lại trần trụi, dung tục, gần gũi với con người đời thường bấy nhiêu. Nhân vật lịch sử trong văn chương là như vậy.

Chuyện Tướng Độ vẫn chỉ thấy con người của báo chí. Chưa có nhân vật của văn chương, của tiểu thuyết. Vẫn là sách người tốt, việc tốt, sách tuyên truyền của bộ máy tuyên giáo! Cảm hứng của Chuyện Tướng Độ chỉ là cảm hứng tuyên truyền, không phải cảm hứng về thân phận con người của nhà văn.

Dù viết về anh hùng hay thứ dân, văn chương đích thực đều viết về thân phận con người trong cuộc sống hàng ngày và trong biến động thời cuộc. Để thực sự đến với thân phận con người trong thời cuộc, nhà văn đích thực ít nhất phải ngang tầm với thời mình đang sống mới có con mắt và tấm lòng của riêng mình, mới có tư cách nhà văn.

Nhận thức thấp hơn mặt bằng xã hội, thấp hơn thời đại của nình, người viết không đủ tư cách nhà văn sẽ bị bộ máy tuyên truyền áp đặt tầm nhìn, áp đặt cảm hứng của ngòi bút. Người viết đó nếu không “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” thì cũng chỉ vay mượn cảm hứng của tuyên truyền mà ngâm ngợi cuộc đời viên mãn và cuộc sống tươi đẹp “chưa bao giờ có được cơ đồ rực rỡ như hôm nay”

Đã thất vọng về Chuyện Tướng Độ, khi vào mạng xã hội đọc báo online thấy trên mạng từ báo trung ương ra hàng ngày đến báo tỉnh lẻ, đến cả báo ngành nghề ra hàng tuần, hàng tháng cũng tràn ngập thông tin về buổi ra mắt sách Còn Có Ai Người Khóc Tố Như cũng của ông Võ Bá Cường, tôi lại càng ngán ngẩm về tư cách văn hoá của người được coi là nhà văn.

Những người đứng đầu đầy quyền uy của đảng cộng sản cầm quyền từ Hồ Chí Minh đến Nguyễn Phú Trọng đều nhiều lần ra sách và đều xuất bản tuyển tập với những tập sách dày cả gang tay nhưng cả tổng bí thư đảng cộng sản đương quyền khi có sách được xuất bản cũng không được hội Nhà Văn quốc gia, cơ quan tuyên giáo trung ương và cơ quan chính quyền tỉnh xúm lại tổ chức lễ ra mắt sách hoành tráng, tưng bừng, đủ mặt chức sắc, rực rỡ băng chữ, tràn ngập sắc màu của hoa, cờ phướn như buổi lễ ra mắt sách Còn Có Ai Người Khóc Tố Như của ông được báo chí gọi là nhà văn Võ Bá Cường.

Đến một tạp chí ra hàng tháng của những người lính cũng có bài tường thuật tràng giang, tỉ mỉ và hoan hỉ:

Lễ ra mắt, giới thiệu sách Còn Có ANgười Khóc Tố Như được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức tại Hà Nội sáng 20.9.2023 chỉ sau ngày giỗ của Đại thi hào Nguyễn Du ít ngày (16.9.1820). Điều hết sức vui mừng và ý nghĩa là, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự buổi lễ. Cùng dự, có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy; về phía tỉnh Thái Bình còn có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hội VHNT… Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, có Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân độinhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội cùng các nhà văn, nhà phê bình văn học và bạn đọc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng Nhà văn Võ Bá Cường. (Ảnh Thống Nhất-TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng Nhà văn Võ Bá Cường. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Có quá nhiều quan lớn nhà nước có mặt trong lễ ra mắt sách Còn Có ANgười Khóc Tố Như nên bài tường thuật dù tỉ mỉ vẫn còn bỏ sót nhiều tên tuổi phương diện quốc gia như ông Phan Xuân Thủy, phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hữu Thỉnh nguyên chủ tịch liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam . . .

Buổi lễ ra mắt sách Còn Có ANgười Khóc Tố Như hoành tráng, rầm rộ đúng như bài bản của tuyên giáo nhà nước cộng sản đương thời tuyên truyền cho những sản phẩm chính trị. Những người từng trải đã hiểu giá trị thật của những sản phẩm chính trị được tuyên truyền hoành tráng, rầm rộ như bầu cử quốc hội đều nhận ra giá trị thật của Còn Có ANgười Khóc Tố Như!

Nhưng vì có những quyền lực hàng đầu quốc gia dự lễ ra mắt sách Còn Có ANgười Khóc Tố Như: Chủ tịch nước, hai uỷ viên bộ Chính trị (một đương chức, một đã nghị hưu), bốn uỷ viên trung ương đảng (ba đương chức, một đã nghỉ hưu) nên tất cả những phát biểu, những bài viết về Còn Có ANgười Khóc Tố Như đều là tập hợp những ngôn từ có cánh.

Có hàng trăm định nghĩa về văn hoá và có một định nghĩa là: Văn hoá là những giá trị do con người tạo ra còn lại với thời gian. Chính trị là nhất thời. Văn hoá là mãi mãi. Sản phẩm tiêu dùng hay sản phẩm văn hoá có mặt trong cuộc đời, có giá trị với cuộc sống đều phải bằng giá trị thật của sản phẩm chứ không phải bằng tuyên truyền chính trị. Một sản phẩm khi ra đời phải núp bóng chính trị, núp bóng quyền lực thì không thể là sản phẩm văn hoá.

Một sản phẩm văn hoá khi ra đời càng núp sâu dưới bóng chính trị, càng núp sâu dưới bóng quyền lực càng phản cảm, càng tầm thường, càng không còn giá trị văn hoá. Văn chương phải núp bóng quyền lực chỉ là thứ văn chương công cụ của tuyên truyền. Người viết phải núp háng quan chức thì không thể có tư cách nhà văn.

Phạm Đình Trọng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn