BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73538)
(Xem: 62253)
(Xem: 39449)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng Vấn Mai Nguyên về Duyên Anh

14 Tháng Chín 20231:15 CH(Xem: 323)
Phỏng Vấn Mai Nguyên về Duyên Anh
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hưng Việt (HV): Xin được biết qua về tiểu sử của chị?

Mai Nguyên (MN): Tên thật Nguyễn Tuyết Mai, sinh 11/36. Chồng là Nguyễn quốc Tùng. Một con trai Kevin Nguyễn Duy –vợ Jewel – Mới có cháu nội gái lần đầu Sofie Patrisse tháng 2/2003.
Đại Học Văn Khoa Saigon.

Công Việc: Hành Chánh Consulat de Belgique VN, - Giám Đốc Hành Chánh Connell Bros Co. VN – Hành Chánh Tandon Corporation, California.

Tác giả của 9 (chín) cuốn sách tự xuấ bản từ cuối năm 1996 đến 2003. Khuynh hướng truyện chống CS tuyệt đối.

- Hội viên của “American National Writers Association”

- “Independent Scholars of Asia”

- Được vào tự điển “Marquis Who’s Who of American Women 2002-2003 (Tự điển năm 2003 – trang 958)

* Cuốn đầu tay GOD’s WILL, nguyên bản từ bản thảo Việt ngữ Ý Trời, viết trong 3 tháng, sau khi đến sống trên đất tự do năm 1983, mà chỉ được thực hiện thành Anh ngữ sau 10 năm!

* Tôi đã viết cho trên 20 trí giả Việt Mỹ để xin nhờ giúp, dịch ra Anh ngữ. Nhưng chỉ được hân hạnh có 3 người trả lời:

1/ Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, Berkeley University : Rằng ông quá bận bịu.

2/ David DeVoss của báo LA Times (Ông từng là ký giả sống nhiều ở VN, viết nhiều về VN nhưng không thể đọc, viết chữ Việt). Ông không thể ngờ là 10 năm sau, tôi gửi bản thảo tiếng Anh đến ông để xin ý kiến, nên trong sách có input của ông.

3/ Douglas Pike, Director của Lubbock TX Archive, Editor “Indochina Chronology”. Ông hứa sẽ giới thiệu cho tôi một trong những giáo sư VN cộng tác với ông để làm công việc dịch này. Nhưng chờ mãi, việc ấy vẫn không xảy ra.

Sau 8 năm chờ đợi vô vọng, tôi đã phải khổ công vật lộn với số vốn chữ nghĩa ít oi của mình, quyết tâm phải làm cho được. Và sau hai năm rưỡi, God’s Will đã thành hình và hân hạnh ra mắt độc giả vào năm 1996.

Nay, 2003, tuy đã có ý định “gác bút” vì nhiều lý do, nhưng tôi còn 6 bản thảo phải cho ra đời trước khi tác giả “về trển” hay “về dưới” mới .. vui cười nhắm mắt! Hay là phải trở lại kiếp sau để… tiếp tục!

HV: Năm 1982, chị gặp nhà văn Duyên Anh ở quán cóc bên đường Lê Thánh Tôn. Có phải đấy là lần đầu tiên chị tiếp chuyện nhà văn Duyên Anh? Do sự giới thiệu? Anh Duyên Anh lúc ấy, dưới góc nhìn của chị, như thế nào? Nhà văn Duyên Anh và chị đã trao đổi với nhau những mẫu chuyện nào mà chị có thể chia xẻ được?

MN: Đang ngồi ở “quán cóc” góc Lê thánh Tôn và “đường lá me” thư viện Văn Khoa với bà bạn là Dược sĩ Nguyễn thị Hoa, thì Duyên Anh đi đến. Chưa hề quen, nhưng “hai phe” nhìn nhau, rồi bỗng cười với nhau!

Duyên Anh ăn mặc rất lịch sự. Áo lụa ngà, quần nâu thẫm, dép da nâu. Dáng dấp anh sạch sẽ, người mảnh dẻ, chừng 130 lbs lúc ấy. Tuy chị Hoa bán cà phê với chỉ 3 cái bàn nhỏ xíu, thấp, cùng 5,6 cái đòn gỗ nhỏ, nhưng thực sự là chỗ chị bán thuốc Tây chui. Nên chúng tôi cũng ăn mặc rất lịch sự! Cái cười của hai phe chúng tôi, hình như thích thú, giống như là… “Thời buổi này mà chúng mình còn được …giống nhau như thế này!”

Chị Hoa lên tiếng, “Mời anh uống cà phê, nhé!”

“Vâng, xin chị,” Anh đáp, rồi tự động kéo ghế ngồi cạnh tôi.

Tôi nhìn anh, “Sao thấy anh quen quen, anh ở đâu vậy nhỉ?”

“Tôi ở gần cầu Công Lý chị ạ. Sao tôi cũng thấy chị quen lắm”anh nhăn mày, đáp.

“À, anh là Duyên Anh, phải không?” Tôi nhớ ra rồi. Vì anh đi cái Pinto màu xanh, giống màu chíếc Datsun của chúng tôi. Chúng ta thường chạy xe ngang nhau và mình hay nhìn ngang nhau. Ông xã tôi nói, “Duyên Anh đấy. Hiếm có nhà văn đi xế hộp ở Việt Nam. Anh ta phải thành công lắm.”

Duyên Anh thú vị, “Tôi nhớ ra anh chị rồi. Không biết nhau nhưng mà quen mặt lắm. Té ra là vậy. Tôi vừa qua 6 năm tù đấy chị. Ông xã chị bây giờ ra sao?”

“Cảm ơn anh, sau gần 4 năm tù, họ gửi anh ấy đi Kinh Tế Mới, và tôi đã sắp xếp cho nhà tôi trốn được. Hiện đã ở Mỹ.”

Anh tròn mắt, “Sướng quá nhỉ!"

Rồi thì bao nhiêu chuyện tù của anh được tự do trút ra một cách căm phẫn. Và hai chị em chúng tôi cũng tự do bộc lộ sự mỉa mai về đời sống dưới chế độ cộng sản. Không bên nào e dè. Duyên Anh nói nhanh, sống động, chế riễu chế độ và anh quả quyết là chế độ này sẽ tàn lụi. “Mình đã thấy rõ bị thống trị bởi một bạo quyền ngu xuẩn và cực ác. Thế nào mình cũng sẽ phải làm lại, sẽ khôn ngoan hơn, sẽ thành công hơn trong việc giữ nước.” Anh cứ nhắc đi nhắc lại, “Chúng nó không có cái óc của con người, các chị ạ!”

Dù chỉ lần đầu gặp gỡ, chúng tôi ngồi với nhau hơn hai tiếng. Chúng tôi bàn với nhau cả chuyện lo đi chui. (Lúc ấy tôi đã hai lần ra tù tội vượt biên với ông bố, em họ và cháu) lần nào cũng “chồng vàng” hối lộ để được ra. Và chính Duyên Anh rủ chúng tôi “đi xem bói bài” bởi cậu sinh viên Hoàng duy Thông ở đường Võ Tánh. (Nghe đâu cậu hiện ở Úc.) Lấy hẹn được với cậu rất khó nên chúng tôi đến với cậu khác ngày với Duyên Anh.

Hoàng duy Thông quả thật tuyệt vời với những gì nói về tôi. Cậu bảo rằng tôi phải đi free. Nếu đi chui, không những mất tiền mà còn bị nạn. (Sau đó tôi còn nhiều chuyến đi chui mất vàng, thất bại thảm thương, tiền của hết sạch, thì đến lúc được đi bằng bảo lãnh của em gái!) Cậu còn quả quyết, “Ra hải ngọai, chị sẽ nói, chị sẽ khóc, chị sẽ thở dùm cho chúng tôi, những người còn ở lại Việt Nam.” Tôi cười, “Chị có là chính trị gia đâu mà em nói gì vậy?” – Cậu đáp, “Em không biết, nhưng mà chị sẽ làm. Chị sẽ “có bằng sắc, vua biết mặt, dân biết tên. Sẽ về lẫy lừng mà sẽ chết ờ xứ ngọai. Ngoài 70 là yếu bệnh và sẽ… chết sớm lắm đấy!”

(Tôi chưa hề nghĩ đến viết bao giờ lúc ấy, nhưng có phải là qua sự viết lách bây giờ, tôi đã dự phần làm một chút những gì cậu nói không? nhỉ!)

HV: Lần kế chị gặp lại nhà văn Duyên Anh là ở quán La Pagode. Lúc ấy tinh thần Duyên Anh như thế nào? Anh ấy có đề cập gì với chị về chuyện đất nước, con người, thơ, văn…?

MN: Duyên Anh đến nhà bố tôi tìm tôi hai lần (Nhà tôi đã bị tịch thu, tôi về ngụ ở nhà bố mẹ, đường Nguyễn công Trứ, sau rạp Đại Nam.) Đều không gặp. Lần hai anh có viết giấy để lại. Một hôm, chỉ khoảng hơn hai tháng sau lần gặp thứ nhất, tôi và người chị nuôi (tên Ba Du) đang ngồi trong La Pagode thì Duyên Anh đi vào. Thấy tôi, anh rất mừng rỡ và tự nhiên đến ngồi cùng như người đã thân. (Tôi đang mĩm cười thích thú nhớ lại thuở xa xưa ấy: Hầu như tất cả những người có chút trí thức đã sống ở miền Nam trước 1975 đều thương yêu, dễ dàng thông cảm nhau và không nghi kỵ, sợ gì nhau!)

Lúc ấy, tinh thần Duyên Anh cũng rất cao. Anh nói thế nào anh cũng ra đi và anh sẽ phải tới hay là chết trong tay chúng nó. Anh nói anh “đã viết nhiều trong não bộ, nhớ rất kỹ những gì cần phải viết.”

Vì tôi và chị Ba Du đi thăm “tù cải tạo” nhiều lần ở miền Bắc, nên tôi có những nhận định giống Duyên Anh. Anh oán hận mấy tên “đầu xỏ cộng sản” chứ thương tội dân lành, họ chẳng có cuộc sống. Anh thương tội cả bọn cai tù trẻ tuổi xuẩn ngốc đói rách. “Chúng chẳng hơn gì tù ngoài chút tự do được đói, được nghèo mạt rệp, và không tim óc khi hành hạ tù nhân, bị cấp trên của chúng gọi là “lũ ác ôn.”

Duyên Anh có kể cho chị em tôi nghe về một số văn nghệ sĩ cùng ở tù với anh.. Lúc ấy, đối với tôi, tôi rất quan tâm tới tù cải tạo, bất kể là ai, mà không chú ý riêng đến những người làm văn học, nên nghe thì nghe, không để ý nhớ. Về bạn tù, anh cười nói đúng là một chợ đời trong cảnh cùng khó. Có nhiều người tốt nết, cũng có nhiều người quá xấu xa; Nhiều kẻ chức quyền cao trọng lại hết sức yếu hèn, nhỏ mọn. Trái lại, có những người tưởng như tầm thường, lại rất cao quý trong nhân cách.

Nói chuyện với Duyên Anh, tôi rất hạp. Từ cách nhìn đời, nỗi quan tâm, lòng thiết tha mong sẽ làm gì, làm sao để phục hưng đất nước. Anh cứ nói câu, “Chúng nó ngu xuẩn và tàn ác lắm, quá tội dân lành…” “Tôi chỉ có ngọn giáo là cây bút để đâm chúng nó, chỉ mong có dịp để xử dụng.” Anh chủ quan, ỷ lại, tự tin. (Ba nhân vật trong cuốn “Sĩ Phu Nước Việt” của tôi, ngoài luật sư Phạm Nam Sách tính tình ôn nhu, giáo sư Phạm Kim Vinh và Duyên Anh nhiều khi rất cao ngạo, tự cho mình là nhất, và cũng là hai vị “Thần Chửi” nên bị nhiều người cay cú, oán ghét. Điều vui là họ cũng tự biết vậy!)

HV: Trong cả hai lần gặp gỡ ấy, chị đã được nghe tin đồn Duyên Anh “ăng-ten?” Nếu đã, chị có đề cập tin đồn đó với nhà văn Duyên Anh?

MN: Trước khi rời Viêt Nam, tôi thường hay ghé qua quán tranh sơn mài của anh chị Cung tích Biền và một họa sĩ có tuổi, (tên gì tôi cũng quên rồi, bên cạnh quán anh chị. (Và chắc rằng anh chị Biền cũng không biết MN là ai bây giờ!) Những nơi ấy thường là nơi tụ họp “khe khẻ” của những người làm công việc văn chương trước 75. Chưa bao giờ ở Việt Nam tôi nghe Duyên Anh làm “ăng-ten” cho đến sau năm 1983, khi tôi sống trên đất Mỹ.

HV: Chỉ với hai lần gặp gỡ ấy, cùng với những tiểu thuyết Duyên Anh viết trước 1975, chị đã khẳng định: “Duyên Anh phản ảnh một tâm hồn kỳ diệu trong tình yêu tha nhân, một con người đầy hồn dân tộc với tài năng, khí phách và can đảm..” Như thế có hơi vội vàng không? Chị có thể kể thêm cho mọi người được biết về những suy nghĩ thầm kín của Duyên Anh lúc đó mà chị có thể “đọc” được?”

MN: Nói về tình cảm bạn bè, chúng tôi không ở lại VN lâu. Nếu ở, chúng tôi có thể là những người bạn tri kỷ. Tôi có cảm tính tốt, bén nhạy trong việc nhận định về con người. Tôi không nghĩ là tôi vội vàng trong việc ca tụng cá nhân Duyên Anh. Và tôi vô cùng vui mừng thấy anh đã làm rạng rỡ, với thực chất, được những điều cho VNCH trong nền văn học VN hải ngoại với quốc tế, những điều chưa có ai làm được, dù phe ta có nhiều người trí thức cao, hiểu biết rộng. Và phải nói là tôi rất ngạc nhiên, thấy báo chí ở Mỹ ít nói đến anh.

Trong khi Duyên Anh ở Pháp và những lần anh đến Mỹ, đã đôi lần tôi có ý viết cho anh để nối lại nhịp cầu bè bạn. Nhưng một là tôi không có thì giờ cho những sự giao tiếp bên ngoài, hai là vì anh quá nổi tiếng trên văn đàn Âu Châu, nên tôi chỉ theo dõi họat động của anh, chứ không muốn bị coi như “thấy anh sang, bắt quàng làm họ!”

HV: “Nhân Danh Những Gì Tôi Biết” thơ Độc Ngữ của Duyên Anh, bị các báo từ chối đăng vì sợ liên lụy, phiền phức. Chị đã can đảm đưa ra những vần thơ quý giá ấy đến độc giả mà bất chấp sự “phản đối” của một số người có “uy tín” tại hải ngọai. Như thế, chị đã nhìn thấu được những nét độc đáo nào của các vần thơ Độc Ngữ?

MN: Trên đất tự do, ai cũng có quyền viết một cách độc lập, với quyền suy nghĩ, hành động một cách riêng tư, hợp pháp. Tôi quý trọng sự chân thật và can đãm của anh ấy trong những vần thơ Độc Ngữ, thì tôi cứ viết theo cảm nghĩ của riêng tôi. Có thể là tận cùng thâm tâm, tôi muốn góp phần hiểu biết của mình về Duyên Anh, để bênh vực, để soi sáng cho danh dự của một người làm văn học mà tôi kính, quý. Điều đó không cần phải có sự can đảm mới làm được. Mà rất cần sự thẳng thắn, sự lương thiện của lương tâm, sự không ganh tị và sự không hèn.

Nếu nói về viết ra mà sợ “bị bôi bác” bởi những người có “uy tín” thì xin thưa thật, tôi không được hân hạnh biết, hay cho ai là người có uy tín trong trường văn học hải ngọai mà lại đi thù ghét Duyên Anh. Tôi nghĩ ta không nên “bàn việc qua cuộc rượu/qua lòng ganh tị” thích nghe nói xấu về một đối tượng, rồi đi loan truyền những điều chỉ “nghe nói,” mà phải nhìn hành động của người để phán xét. Hành động trong văn hóa của Duyên Anh là sự “quyết tâm nhốt tội ác của CSVN vào văn học, để chúng còn lại đến muôn đời.” Như thế, không đủ là một chứng tỏ cho cả thế giới hay sao?

Riêng tôi, lòng cảm phục khiến tôi “dở nón cuối đầu” trước vong linh anh ấy để thầm cám ơn. Vì tôi cũng mơ ước theo dấu chân anh ấy đấy, mà sức mọn tài hèn, đâu có làm được gì, dẫu một phần nhỏ mọn nào, cho Tổ quốc quê hương như anh ấy?

Thơ của Duyên Anh ư? Đối với tôi, tuyệt, phi thường. Vì anh đã sử dụng ngòi bút một cách độc đáo với đầy can trường, khí phách. Mọi sự thực xấu xa của hầu hết mọi người, trước và sau 1975 – bị anh dám lột trần, khiến họ bực mình, oán ghét, sợ hãi và phải diệt anh.

Tôi rất buồn khi nghĩ đến cái chết của anh đã làm nhiều người từng oán ghét, thù hận anh thở phào nhẹ nhõm.

HV: Đã có những nhận xét, đánh giá nào của độc giả, của các thi sĩ Việt Nam về những vần thơ Độc Ngữ?

MN: Thi sĩ lão thành Hà Thượng Nhân, một nhân vật tiếng tăm tốt trên trường văn hóa và triệt để chống cộng, đã cám ơn tôi đã gìn giữ được những vần thơ quý giá của Duyên Anh và hết lòng khuyến khích tôi phải cố dịch thơ Duyên Anh ra Anh ngữ. Hai nhóm trẻ trong Email cũng yêu cầu tôi như trên và họ sẽ sẵn sàng ra tiền để in. Đó là điều tôi hết sức vinh hạnh. Rất tiếc, tôi tự thấy không có khả năng làm, vì thực tế, tôi có nhiều truyện, nhiều thơ của chính mình tôi rất muốn dịch mà cũng chưa làm được.

HV: Đã có những phản ứng khen, chê nào chị nhận được về “Sĩ Phu Duyên Anh?”

MN: Có thể nói vì tôi “không là ai cả” nên phản ứng không gì sôi nổi. Hơn nữa, tôi chỉ nhằm ca tụng những nhân vật mà tôi quý mến, mà bất cứ ai cũng có quyền riêng tư đó. Thế thôi.

Giáo sư lão thành Nguyễn Khắc Kham khen tặng việc tôi làm. Giáo sư luôn khuyến khích tôi nên nghiên cứu viết về những người làm lịch sử.

Giáo sư Cao Thế Dung cũng nhiệt tình khen tặng.

- Về cuốn “Sĩ Phu,” nói chung, in xong, tôi tiếc không có địa chỉ của các con của Duyên Anh để gửi sách tặng.

- Về phần gia đình của giáo sư Phạm Kim Vinh, tôi gửi sách đến bà và 3 người con, đều không được báo nhận. Có thể gia đình không hài lòng những gì tôi viết về giáo sư chăng?

- Chị Phạm Thúy Vân (phu nhân luật sư Phạm Nam Sách) hân hoan nhận sách và có bán giúp tôi được vài chục cuốn cho bạn bè. Chị lên San Jose thăm con, có mang theo một số, nhằm giới thiệu cho các đồng chí của ông, thì chị bị một người trong số phản đối, “Thằng Duyên Anh nó là ăng-ten trong tù cộng sản, nó không xứng đáng được đứng chung trong một sách với anh Sách” Ông ta ngăn bà Sách trong việc phổ biến. Tội nghiệp chị Vân, mang sách đi lại phải vác về. Tôi xin có lời rất hàm ân chị.

Và muốn xin thưa với đồng chí của ông Sách rằng, “Thưa ông, xin đừng đòi độc quyền làm việc cho Tổ Quốc”. Giữa những gì nhà văn Duyên Anh đã làm trên mặt trận văn hóa quốc tế, và những việc làm với đầy lòng yêu quê hương của luật sư Phạm Nam Sách với quý ông ở quốc ngọai, chưa nên kể là ai đã hơn ai, hay được biết đến, trong thế giới tự do trên phương diện chống cộng sản!”

Chỉ có một người duy nhất, là chị bà con của tác giả, rất trí thức, từng là giáo sư, luật sư, thường thích truyện, văn phong của tôi, đã email mắng tôi như tát nước, “Tưởng mụ viết gì, về ai, mà gọi là sĩ phu, sĩ phen. Không ngờ mụ lại viết về 3 thằng cha này. Thằng Duyên Anh thì tôi không biết, nhưng nghe nói nó là ăng-ten trong tù cộng sản. Hai thằng cha kia thì tôi lạ gì chúng nó mà mụ gọi là sĩ phu, đem lên bàn thờ mà thờ cúng? Chỉ toàn là một lũ đánh võ mồm. Nhưng thôi, nghĩa tử là nghĩa tận, tôi không nói nhiều. Nhưng sách của mụ không những tôi không thèm đọc mà còn không cho phép nó nằm trong tủ sách của tôi nữa!”

Việc chị vứt nó vào sọt rác cũng là thường thôi. Tôi có đùa trả lời chị: Trong hai cụ luật gia này, hồi xưa có cụ nào có ân oán với chị ở trường luật hay lúc cùng hành nghề không, mà chị có vẽ cay cú họ bằng những độc chưởng dữ rứa? Và chị không trả lời.

Tôi xin thề với lương tâm là tôi không buồn một tí nào khi bị mắng mỏ như vậy. Ai nghĩ, nói gì, thì cũng có cái lý của người ấy. Ai khen chê mặc lòng. Nhưng đối với tôi, cả ba vị trên là ba người yêu nước chân chính. Họ không mưu đồ lường gạt ai để lấy bạc tiền, để dành quyền lãnh đạo. Họ chỉ có tội là quá đa mang, cả đời để tâm óc ưu tư vận nước. Làm được việc gì hay không là chuyện khác. Ta chê người, mà bản thân ta làm được gì? Chồng con ta, họ hàng ta, ai làm được gì? Không những không làm, mà đầu óc của đa số cũng chỉ lo cho miếng cơm manh áo gia đình, chứ không có phần dành cho đất nước.

Nếu không có những ngòi bút cả đời tận tụy, phản kháng dũng mãnh để thông tin, để lèo lái, để khơi động từng phong trào, thì cộng sản đã tràn ngập khắp nơi, thắng lợi khắp chốn, bất cứ nơi nào có di dân Việt Nam, và đã từ lâu.

Vậy thì, dẫu việc đem tim óc đặt vào ngòi bút là “đánh võ mồm” – việc viết trên 30 cuốn sách chỉ về vấn đề Việt Nam (như trường hợp giáo sư Phạm Kim Vinh) phải dùng cả thì giờ, trí óc, hi sinh cả năng lực, và tài lực để hoàn tất, không phải để ca tụng cái TA, mà để trình bày những bức xúc, những nỗi quan hoài về vận nước, thì đối với tôi, tấm lòng của họ đối với đất nước Việt Nam rất lớn. Đối với tôi, họ là những Sĩ Phu. Và khi viết ra những ý nghĩ của tôi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều mình viết. Ngoài ra, độc giả là người có toàn quyền phán xét, khen, chê, và viết sĩ phải sẵn sàng trong sự “lãnh đòn tẩm quất,” nếu có.

HV: Những người làm văn hóa Pháp đã rất khâm phục những bài “Thơ Tù” của Duyên Anh. Chị có ý định dịch những bài thơ ấy sang Anh ngữ để dân chúng Mỹ có thể hiểu rõ hơn về nỗi khổ “tù cải tạo” tồi tệ nhất thế giới mà người Việt Nam phải chịu đựng dưới chế độ cộng sản?

MN: Như trên đã trình bầy, đối với những yêu cầu dịch thơ Duyên Anh ra Anh ngữ, tôi rất cảm kích, vì tôi nghĩ mình được tin tưởng phần nào. Nhưng chắc là khó thực hiện:

1/ Vốn liếng ngoại ngữ của tôi quá ít oi. Thì giờ cũng không.

2/ Bản thân tác giả cũng có nhiều truyện, nhiều thơ muốn dịch ra Anh ngữ mà chưa làm được.

3/ Tôi cứ thắc mắc: Tài nhân tuổi trẻ nhiều quá ở quốc ngọai, sao không được các Cộng Đồng, các Hội Đoàn người Việt, nhất là hội “VĂN BÚT VN HẢI NGỌAI” đặc biệt đặt trọng tâm, coi như một công việc hết sức cần thiết, thành lập BAN PHIÊN DỊCH, mời họ làm những công việc dịch thuật truyện, thơ nào xét ra có ích lợi cho việc đề cao chính nghĩa VNCH và chống cộng sản??? Vì có rất nhiều sách và thơ chống cộng và về VN rất giá trị, rất đáng cho cả thế giới biết đến. Tác giả thì sẽ nên hân hạnh tặng không công trình viết, nhưng dịch giả phải được trả công. Văn Bút Hải Ngoại hay các Cộng Đồng, các Hội Đoàn phải kêu gọi sự bảo trợ của tất cả những người Việt di dân chống cộng sản đóng góp, tài trợ để trả công cho dịch giả và xuất bản, để ít nhất là tặng sách cho một số thư viện Mỹ cho sinh viên đọc, gọi là có tài liệu về VNCH và về CS dưới cái nhìn của di dân.

Tôi hay tom góp nhiều lần, đã gửi một số sách quý giá tôi có, để tặng “ Lubbock Archive TX University.” Vì nơi ấy là nơi sưu tầm, lưu trử hồ sơ đủ lọai về chiến tranh Việt Nam cho cả thế giới có thể đến xữ dụng. Có khi rất “đau lòng” mà gửi đi những sách tôi được các tác giả có lòng quý mến tặng tôi, nhưng tôi nghĩ là tôi phải hi sinh, vì ở Archive đó, nhiều người sẽ đọc được chúng hơn là tôi ích kỷ giữ lấy chúng. Nhưng rất tiếc, cũng chỉ là sách Việt Ngữ.

Một nỗi đau to lớn khác là tôi được biết ở Archive trên, có vô số sách tiếng Anh của cộng sản Việt Nam xuất bản gửi sang. Mà sách tiếng Anh của phe ta, VNCH, thì chỉ lèo tèo đếm trên đầu ngón tay! (Dễ hiểu là vì cộng sản VN thì có quá nhiều tiền chùa để tung ra làm công việc đầu độc trí óc, nhân tâm thế giới và đám hậu sinh VN; còn phe ta sống trên đất ngọai, ai cũng phải quá lo nợ áo cơm. Việc viết lách không, bằng chữ Việt, để chống cộng, đã là một hi sinh!) Cho nên cần phải có ban dịch sách, được trả công để dịch giả có thể coi như một công việc phải làm, là vì vậy.

Ngoài ra, có dịch được THƠ cũng không dễ dàng phổ biến trong cộng đồng Mỹ, độc giả ngoại quốc. Quý bạn sẽ ngạc nhiên biết là tôi đã thường kèm theo tặng không cuốn thơ Việt Anh “Những Đóa Hoa Tim” của tôi cho các library Mỹ khi họ mua sách VIỆT NGỮ của tôi. Sách tiếng Anh, như “God’s Will” và “Little Daisy,” (truyện chống cộng lịch sử thời đại) dù được một số trong giới văn học Mỹ khen ngợi, được Literature World giới thiệu, tôi chỉ bán cho cá nhân, chứ library Mỹ không hề mua lấy một cuốn. Rất may là bản Việt của hai cuốn trên là “Ý Trời” và “Tiểu Cúc” được library Mỹ mua tiếp tục. Chỉ có hai lần, tôi được library ở Vancouver và Australia gửi mua cuốn God’s Will. Tôi có hỏi do đâu họ biết về cuốn sách. Được trả lời là họ được độc giả đòi hỏi.

HV: Một trong những người ngưỡng mộ nhà văn Duyên Anh nhận định: “Duyên Anh, kẻ sĩ không được thời đại đãi ngộ đúng mức.” Nếu chị đồng ý với nhận định ấy, xin chị cho biết bằng cách nào, bằng phương tiện gì, chúng ta có thể làm để nhà văn Duyên Anh được “thời đại đãi ngộ đúng mức?”

MN: Đúng. Duyên Anh sinh bất phùng thời. Chưa được biết đến đúng mức. Nhưng theo tôi, Duyên Anh sẽ lẫy lừng trở lại, không chỉ với Việt Nam, mà với cả thế giới, với những đời sau, khi lớp người già đã từng có quyền lực, và những chế độ có những con người ác tâm, hèn mọn và ganh tị đã từng bị Duyên Anh bêu riếu, “về dưới” hết! Tôi có nhận xét chung chung là những nghệ sĩ tài hoa, gồm họa sĩ, nhà thơ, nhà văn chỉ được đời nhận chân giá trị của họ đúng mức vào những đời sau, sau khi họ chết. Duyên Anh nằm trong trường hợp trên.

duyenanh
Ta phải làm gì? Ít nhất là làm như… tôi đã làm! Bắt chước Duyên Anh: Viết. Để “Nhốt Tội Ác CS Muôn Đời Trong Văn Học!” như Duyên Anh nói. Và vinh danh Duyên Anh về những việc ông đã làm được trên trường văn hóa quốc tế. Được khen, bị chê, được đồng ý hay khác ý, điều đó cũng lẽ thường đời và không quan hệ. Ta hãy cứ viết những ý nghĩ trung thực với lương tâm trong sáng của ta mà đừng sợ hãi dư luận.

Tôi rất “xem nhẹ” những người cầu cạnh, xu nịnh, phe đảng để được tâng bốc. Lại có những người thấy một đối tượng bị chê trên một phương diện gì đó, thì dù mình yêu thích, nhận định là họ hay, cũng không dám khen. Ngược lại, ngay như biết rõ, thấy rõ các văn thi sĩ viết lập dị, bẩn thỉu, mà được phe phái có chút tiếng tăm ca tụng, thì cũng ráp nhau “đánh phèn la” hổ trợ, dù không hiểu là văn thơ ấy diễn đạt cái gì, cũng cứ nhắm mắt gật gù làm ra cái điều ta đây thưởng thức! (vì sợ không làm theo đám đông thì bị chê là u tối, không hiểu nổi những văn thơ cao siêu của văn thi sĩ???)

HV: Duyên Anh được mọi người biết đến như là nhà văn, nhà thơ, biệt kích văn nghệ… Nhưng chị là người đầu tiên tuyên bố Duyên Anh là “Anh Hùng Văn Hóa” Chị có thể giải thích tường tận hơn vì lý do nào chị nhận định như thế?”

MN: Người nào dám làm những việc hay, có lợi ích cho dân tộc, cho đất nước, mà người khác không dám làm, thì người đó – đối với tôi – là anh hùng. Lúc sinh thời, Duyên Anh một mình sừng sững, không cầu cạnh, không phe phái, không dựa vào thế lực của bất cứ ai, không sợ ai, để làm điều anh muốn làm, nói, viết lên những điều anh muốn nói, bất chấp hiễm nguy. Anh ấy rất xứng đáng được tôn xưng là Anh Hùng Văn Hóa lắm chứ. Giản dị chỉ có thế.

Trân trọng cám ơn tổ chức Hưng Việt đã cho Mai Nguyên có dịp nói lên những ý nghĩ trung thực về Duyên Anh và vấn đề “đấu tranh chính trị trong văn học” cần được Văn Bút Hải Ngọai lưu tâm tích cực hơn! Có thể tôi “dốt nát” không hiểu rõ mục đích đích thực của Văn Bút Hải Ngọai trên văn đàn quốc tế là để làm gì? Hay chỉ những cái ghế ngồi? Những chức vị?”

Tháng 12 Năm 2003
Nguyễn Tiến Đức - Hưng Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn