BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73531)
(Xem: 62252)
(Xem: 39447)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà văn Duyên Anh, bạn văn, bạn thơ nhiều hơn bạn nhạc

14 Tháng Chín 20238:23 SA(Xem: 1375)
Nhà văn Duyên Anh, bạn văn, bạn thơ nhiều hơn bạn nhạc
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Tôi gặp nhà văn Duyên Anh, tác giả Hoa Thiên Lý, Con Sáo của em tôi, Châu Kool, Điệu Ru Nước Mắt… vào khoảng năm 1988-89 tại thành phố Pasadena trong buổi ra mắt sách của ông, do anh Hồ Văn Xuân Nhi đại diện nhóm Tuổi Ngọc tổ chức. Khi họa sĩ nhiếp ảnh gia Trần Đình Thục giới thiệu tôi với ông. Bằng nụ cười và ánh mắt reo vui trong cái bắt tay siết chặt, rồi ông bảo biết tôi qua bài hát “đêm chôn dầu vượt biển” ca khúc làm ông xúc động. Trước mắt tôi, nhà văn mà tuổi thơ tôi từng ngưỡng mộ, đứng bên tôi bằng xương thịt.

Tôi ngắm ông, người tầm thước, khỏe mạnh, tóc đen và dày, khuôn mặt cương nghị, và đầy chất Thái Bình của miền Bắc, giọng nói và nụ cười thân thiện của ông dễ chiếm cảm tình người đối diện. Nhà văn Duyên Anh đến California từ Paris Pháp Quốc trong lúc bên ngoài dấy lên một làn sóng chống đối ông, vì không hiểu lý do và bằng chứng nào mà có người vu cáo cho rằng, ông đã làm điềm chỉ viên “ăng ten” trong trại tù cộng sản.

nhavanduyenanh
Ông trú tại nhà của họa sĩ Trần Đình Thục và ca sĩ Julie ở quận Cam, Cali. Mỗi tuần tôi thường đến thăm và dùng cơm trưa, có khi cơm tối với ông. Dù mới biết tôi, nhưng ông đã dành cho tôi nhiều thiện cảm. Một số bạn trong giới văn nghệ như nhạc sĩ Đức Huy, ca sĩ Thái Hiền, cũng thường đến chơi với gia chủ là ca sĩ Julie, và chúng tôi gặp nhau ăn uống, ca hát, chuyện trò.

Nhà văn Duyên Anh nhập bọn, dù ông đứng tuổi hơn bọn tôi, nhưng hòa nhập rất trẻ qua tính tình xởi lởi, hoà đồng, không có khoảng cách và rất gần gũi với anh em chúng tôi. Bên cạnh tài viết văn, ông cũng còn tài viết nhạc, những bài nhạc ông viết giai điệu rất sang cả và thiên về nhạc cổ điển, ông là người có khiếu kể những câu chuyện rất là duyên dáng, sôi nổi, và đặc biệt là kể tiếu lâm rất hay… Đó là những kỷ niệm tôi vẫn còn nhớ mãi.

Kể từ khi biết ông, tôi thường đến hầu như mỗi ngày trong thời gian ông trú tại Mỹ. Mỗi khi bước vào, chỉ có mỗi ông ở nhà, và hình ảnh ông vẫn ngồi ở bàn ăn nhà bếp, có một khung cửa sổ nhỏ nhìn ra bãi đậu xe. Dù đang bận viết cuốn “Sàigòn, ngày dài nhất”, ông vẫn mừng tôi đến như ngày đầu gặp, bằng tiếng gọi nhỏ “A! Châu Đình An, vào đây em”. Rồi ông hỏi tôi ăn gì chưa, ông buông bút lăng xăng nấu cơm để hai anh em ăn trưa.

Duyên Anh thích nhất cơm nguội chan với nước dưa cải muối, món ăn “nông dân Thái Bình”, ông bảo là món khoái khẩu của ông. Tôi đùa ông, “anh viết văn viết nhạc thì sang, mà ăn uống theo kiểu này thì… nhà nước sẽ phong tặng cho anh cái bằng “bần cố nông” đấy”! Ông nhoẻn miệng cười thật vui và bảo “mẹ, ở ngoại quốc mà dễ gì có món này”.

Sau khi ăn uống xong, trước mắt ông là các bản thảo đang viết, ông cao hứng đọc cho tôi nghe những đoạn văn đang viết cuốn sách “Sàigòn ngày dài nhất”. Mắt ông đam mê, giọng ông có lửa qua mỗi câu văn như vết dao cắt vào sự dối trá, bất công, và bất lương của chế độ mới sau ngày miền Nam thất thủ. Khi “đã” quá, nghiêng đầu qua trang giấy bản thảo che mặt và hỏi tôi “Mẹ! hết ý chưa? Em thấy sao, anh bắn những phát đạn này, VC chỉ có chết”. Tôi hỏi ông “nó sẽ chết bằng cách nào?”. Ông tủm tỉm cười rồi cho biết là ông sẽ cho in ra tiếng Anh, tiếng Pháp và xuất bản như cuốn “đồi Fanta” của ông cho thế giới biết thêm về cộng sản như thế nào.

Cũng cần nhắc lại cuốn “Đồi Fanta” là một tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh được nhà xuất bản Pháp dịch từ Việt ngữ sang bản Pháp ngữ và họ lo việc phát hành khắp thế giới. Câu chuyện kể về những cái chết của tù nhân cải tạo, mỗi khi chết là tù sống khiêng tù chết lên một ngọn đồi gần trại tù, và chôn ở đấy. Sau khi chôn xong là cắm một nhánh cây và trên đầu nhánh cây làm dấu bằng một lon nước ngọt Fanta. Bởi vì ngọn đồi ngày trước là bãi rác của “đế quốc” Mỹ, vì thế lon rác phế thải rải rác nhiều.

Sau một thời gian, cả đồi đầy kín mộ, và nhìn từ xa là hàng hàng lớp lớp cây cắm lon Fanta. Mỗi khi gió đêm thổi về, các lon Fanta kêu loảng xoảng như âm binh nhà mồ gọi hồn về!

Nhà văn Duyên Anh cũng kể cho tôi cảm giác khi nhà xuất bản Pháp mời ông lên ký kết hợp đồng cho việc phát hành quyển sách “Đồi Fanta” bằng Pháp ngữ. Ông bảo khi đến trụ sở văn phòng của nhà phát hành lớn tại Paris, căn phòng của họ sang trọng quá trông bề thế, và buổi lễ ký kết rất là quan trọng đối với văn chương Pháp. Ông hãnh diện ngồi trước mặt những văn thi hào Pháp và nghĩ trong đầu “mình là thằng nhóc con nhà nghèo quê hương Thái Bình, mà bây giờ hách quá! Oai ra phếch”.

Rồi ông tưởng tượng có ngày ông sẽ nghe xướng tên nhận giải Nobel văn chương. Ông nhìn tôi và bảo: “lúc đó anh kéo cả bọn mình đi qua Na Uy hết”. Vừa nói vừa nheo mắt và rít một hơi thuốc thật dài xong ngửa cổ nhả khói mù mịt căn bếp nhỏ. Trí tưởng tượng của ông chỉ trong tầm tay chứ không phải là hư ảo.

Giống như những nhà văn, nhà thơ tôi từng gặp, Duyên Anh hút thuốc lá rất nhiều. Uống đậm đặc những ly trà và cảm giác hưng phấn khiến cho ông thao thao viết văn. Tôi ngồi trước mặt ông và im lặng nhìn ông chăm chỉ như một cậu học trò chép bài trên trang giấy. Đó là ông viết trên bản thảo giấy trắng những hàng chữ thẳng, đều tắp. Cái hay là chữ li ti mà rất ngay hàng thẳng lối. Đặc biệt là phóng bút nên không có bôi xoá chữ nào cả. Cần thì ông làm dấu bên lề bài và viết ra bên ngoài để bổ túc sau này. Đúng là phong cách một nhà văn chuyên nghiệp và làm việc rất tận tuỵ đam mê trong nghiệp cầm bút.

Ông Duyên Anh có một bài thơ “Có bao giờ em hỏi” được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. Bài thơ bàng bạc nỗi nhớ nhà và tìm quê hương đánh mất của ông. Bên cạnh thì giờ viết văn, ông luôn nâng niu tập bản thảo nhạc gồm các ca khúc mà ông sáng tác. Cũng như tôi, ông tự học âm nhạc và viết lên những ca khúc mà theo tôi nhạc của ông kén chọn người nghe.

Là nhà văn, tâm hồn thơ, ông có điều kiện viết lời là phải hay rồi. Người mà ông kỳ vọng hát diễn đạt các ca khúc của ông là ca sĩ Julie. Chúng ta ai cũng biết Julie là tiếng hát tuyệt vời qua ca khúc Mùa Thu Chết của nhạc sĩ Phạm Duy. Cô là bạn đời đầu tiên của ca sĩ Duy Quang. Tôi là bạn của hai người sau khi họ chia tay. Dù thân với Duy Quang, nhưng tôi gần gũi và thích Julie hơn. Nơi cô là một con người đặc biệt, hiểu biết, thâm trầm và chịu đựng. Cô sống cho người khác nhiều hơn là sống cho chính mình.

Những lần tôi đến nhà chơi, có hai ống khói thuốc lá phả quanh tôi là Duyên Anh và Julie. Tôi lại không hút thuốc nên cũng phải “nhắm mắt xuôi tay” chịu trận. Nói cho vui vậy để nhớ, nhưng Julie đối với tôi là người bạn đặc biệt. Không phải vì cô hát hay không thôi, mà còn là người biết điều và tử tế, mà cũng cần phải viết ra đây để bạn biết, Julie hát đặc biệt và là người hát kỹ thuật trước tiên về cách thả chữ và phá cách luật trong ca khúc mà vẫn giữ được thăng bằng của nhịp cho đến cuối câu.

Gần đây nếu bạn nghe các ca sĩ sau này tại Việt Nam như Trần Thu Hà, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thu Phương hát với thanh nhạc có bài bản, có đào tạo và có kỹ thuật, chúng ta đã cho là cách hát mới điêu luyện. Nhưng theo tôi. Cái này Julie đã hát hàng chục năm về trước.

Bởi vì cô là ca sĩ của ban The Dreamer khi còn là thành viên của ban nhạc và gia đình nhạc sĩ Phạm Duy, cô chuyên hát nhạc ngoại quốc trước khi hát nhạc Việt. Và nói đến Mùa Thu Chết là người ta phải nhớ đến Julie. Tôi quý mến con người và cung cách sống của cô, một con người có chiều sâu và sống rất nội tâm. Do vậy, nhà văn Duyên Anh khi sáng tác nhạc đã gửi gấm ca khúc mình đến Julie là hoàn toàn có lý của ông.

Thế rồi… có những chiều, hai anh em chúng tôi ngồi sau hàng hiên của nhà anh Trần Đình Thục. Mặt trời xuống dần. Thuốc lá không hề mất trên môi Duyên Anh, khói thuốc bay mờ nhạt, lan toả che mờ đôi mắt buồn và xa xăm của ông, khuôn mặt đăm chiêu hiện vẻ đau khổ nội tâm từ một nhà văn tên tuổi của nước Việt Nam. Ngồi bên ông, cả hai chúng tôi im lặng không ai nói với ai và lúc này tôi hiểu tâm trạng ông, kẻ thù tìm cách vấy bẩn để triệt hạ, bạn bè ngộ nhận. Tài năng rơi xuống vực sâu cô đơn, như có lần ca khúc GẦN mà tôi đã viết:

“gần ánh sáng, cõi riêng ta ngồi
Núi chập chùng sóng xô muôn trùng”
“gần với ta, cõi nào xa lạ…” (CDA)

Cũng nơi hàng hiên ở những lần khác, ông kể về tuổi thơ nếm trải khổ đau, về bút hiệu “Thương Sinh” làm báo, về nhà văn Duyên Anh của tuổi thơ và du đãng, và ông bảo, cuối đời, dù sức tàn, hơi cạn, ông sẽ dùng ngòi bút “đâm cộng sản” cho đến khi nó không còn. Nhớ lần tôi hỏi ông, tại sao ông viết nặng lời về nhà văn Mai Thảo? Không trả lời, ông im lặng cho đến một tháng sau, ông nhờ tôi chuyển lời mời của ông mời nhà văn Mai Thảo đến ăn bữa cơm do chính tay ông nấu. Món “giả cầy”.

Chưa kịp nấu món giả cầy, trên phố Bolsa, ngay thủ phủ tị nạn của Little Saigon, ông đã gặp nạn bằng một cú đánh của kẻ thù vào màng tang liệt nửa thân người.

Lần cuối cùng tôi gặp ông, khuôn mặt nhăn nhó đau đớn trong bệnh viện sau 3 ngày bị nạn. Tôi nắm tay ông, ông không nói được, bóp nhẹ tay tôi, ông nhắm mắt và khoé mắt ông lăn nhẹ một dòng.

Hôm nay nhớ về ông. Món “giả cầy” không bao giờ nấu được.

Châu Đình An
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn