BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73537)
(Xem: 62253)
(Xem: 39449)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đặc trưng tâm lý tuổi dậy thì

07 Tháng Chín 20238:40 SA(Xem: 428)
Đặc trưng tâm lý tuổi dậy thì
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Chính những bước chuyển biến về sinh lý ở tuổi dậy thì đã dẫn đến nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ và tình cảm, một sự biến đổi tâm lý khá phức tạp và rõ rệt. Ở thời kỳ này, đặc điểm tâm lý nổi bật nhất ở lứa tuổi này là tâm lý vươn tới tính độc lập, thoát ly khỏi sự kiểm soát của gia đình, vươn tới thành người lớn.

Tình cảm ở lứa tuổi này rất dễ biến đổi, dễ xúc động và biểu hiện tính hai cực rất rõ. Chúng trở nên hoạt bát, sôi nổi hơn, thường dễ bị kích động, sự kiềm chế bản thân rất kém, hành vi khó đoán trước, dễ bị kẻ xấu lôi kéo. Khi tiếp xúc với người khác, có thể tâm tình rất đậm đà, có lúc bốc lên rất cao, rất nổi bật song năng lực tự khống chế rất kém, phòng vệ lý trí tương đối yếu, thường lệch hướng, phiến diện, suy nghĩ đôi khi có phần cực đoan và hành động cũng cực đoan. Vì vậy, ở lứa tuổi này cha mẹ phải hết sức chú ý đến sự biến đổi tâm lý của con mình để không có chuyện nguy hiểm xảy đến với chúng. Nhất là với con trai, tâm lý bốc đồng, dễ bị kẻ xấu lôi kéo sẽ khó tránh khỏi những điều nguy hại.

Thiếu nữ và trăng

Đến tuổi này, các em thường thích chải chuốt biết làm đẹp cho mình. Nhưng thường giấu kín thế giới nội tâm của mình, khi cha mẹ hỏi về chuyện tình cảm rất hay quanh co. Khi các em tự khép kín thế giới nội tâm của mình thì đồng thời lại có cảm giác mình cô độc. Đó là sự mâu thuẫn về tâm lý rất khó nắm bắt, đòi hỏi cha mẹ phải hết sức quan tâm mới có thể hiểu được tâm tư, tình cảm của con mình ở thời kỳ này. Nếu tâm lý các em không được giải tỏa rất dễ mắc chứng trầm cảm.

Cá tính phát triển cũng là một trong những biểu hiện đặc trưng tâm lý lứa tuổi mới lớn. Sự phát triển ý thức rất rõ rệt, đã hiểu được thế giới nội tâm, phẩm chất nội tâm của con người, bắt đầu biết tự tìm hiểu cá tính của bản thân và của người khác, tìm hiểu sự thể nghiệm và đánh giá bản thân, đồng thời đánh giá cá tính, phẩm chất của người khác. Sự phát triển cá tính là một biểu hiện của tâm lý muốn thoát ly của tuổi mới lớn.

Nói chung, những nét đặc trưng về tâm lý của lứa tuổi mới lớn có những thay đổi rõ rệt nhưng không tách khỏi sự mâu thuẫn biểu hiện ở những đặc trưng sau đây:

- Tính khép kín và cảm giác cô độc

Những thay đổi thầm kín trong tâm tư, tình cảm mà các em không dễ dàng tâm sự với cha mẹ hoặc bạn bè. Chúng giấu kín những điều chúng nghĩ, chúng thích trong thế giới nội tâm của mình và một mình gặm nhấm những niềm vui, nỗi buồn riêng tư. Có nhiều bé trai, bé gái khi đến tuổi dậy thì, do những thay đổi về sinh lý, thể xác khiến cho tình cảm của các em xao xuyến vì một người bạn khác giới và vì xấu hổ các em sẽ không bao giờ nói ra điều đó với ai, nhất là người lớn. Ngay cả những sự thay đổi diễn ra hàng ngày các em cũng ít có nhu cầu chia sẻ, có xu hướng tâm lý sống khép mình. Bố mẹ có thể nhận ra những sự thay đổi đó để chủ động chia sẻ, hỏi han con mình thật khéo léo, tình cảm thì rất có thể các em sẽ tâm sự hết, bằng không, các em sẽ cứ sống khép mình và những gì được giấu kín không chia sẻ cứ nung nấu trong đầu, đến một lúc nào đó các em thấy bản thân như bị tách khỏi người lớn, sẽ thấy cô đơn. Sự mâu thuẫn này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tương lai sau này của các em. Do đó, bố mẹ cần là người bạn đáng tin cậy và hết sức tâm lý với con cái ở lứa tuổi có nhiều sự thay đổi mâu thuẫn này, giúp con giải tỏa tâm lý bế tắc trong tình cảm. Những xúc động, xao xuyến trong tình cảm ở lứa tuổi mới lớn là tốt đẹp, không có gì là xấu. Nhưng nếu cha mẹ, người lớn không kịp thời giúp đỡ, các em sẽ đi lệch hướng.

Tính đối kháng và tính phục tùng

Đây cũng là một nét mâu thuẫn thấy rất rõ về tâm lý tuổi mới lớn. Các bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi này phải thật sự hiểu được những nét đặc trưng tâm lý của con mình và có cách giáo dục khéo léo và nghiêm khắc. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không dùng phương pháp giáo dục bằng “cưỡng chế tâm lý” và “áp đặt hành động”. Như vậy càng khiến con bạn trở nên bướng bỉnh và khó bảo hơn. Có thể ví đây là lứa tuổi “ngựa non háu đá” thích làm theo ý mình, bởi vì các em đang học “làm người lớn”. Chúng thích được cha mẹ, người lớn coi chúng như là thành viên lớn trong gia đình, chúng tuyệt đối không thích sự chăm sóc hay cách dạy bảo chúng như một đứa trẻ. Nếu hiểu được như vậy, cha mẹ nói gì các em cũng nghe lời vì nghĩ rằng mình cũng được coi là người lớn. Đó cũng là một nét khá nổi bật trong tính cách tâm lý của tuổi này. Một khi chúng bị người lớn áp đặt, coi chúng vẫn là một đứa trẻ con, thì ngay lập tức các em sẽ bộc lộ tính đối kháng vì chúng nghĩ mình không được tôn trọng.

Thực ra có thể hiểu một cách đơn giản, ở lứa tuổi này, các em vừa dễ bảo lại vừa khó bảo, vừa hiền lành lại vừa táo tợn, có lúc rất đáng yêu nhưng cũng nhiều khi làm người khác phải bực mình. Nhưng đừng vội kết luận là chúng hư, khó dạy dỗ. Hãy đến ý một chút đến những thay đổi về tâm tư, tình cảm của các em, đánh giá những việc làm, những hành vi của các em bạn sẽ thấy các em đang có những băn khoăn, những suy nghĩ thầm kín không muốn nói ra. Chính những sự thay đổi trong cơ thể, trong tâm hồn đã làm xáo trộn cuộc sống thời thơ ấu đang yên ổn, khiến các em phải suy nghĩ. Chúng đang ngỡ ngàng trước những sự thay đổi mới mẻ, cha mẹ phải là người hướng dẫn tận tình và khéo léo để các em tiếp nhận những cái mới dễ dàng hơn. Nếu không có sự dẫn dắt của người lớn, cứ để tự chúng đối mặt với những điều mới lạ đó khó tránh khỏi các em sẽ sa đà theo sự lôi kéo của kẻ xấu. Muốn hiểu được con mình, cha mẹ cần phải đóng vai trò như một người bạn và khi đó các em sẽ tiết lộ tất cả những bí mật trong lòng. Khi được coi là người lớn, được người lớn, cha mẹ tôn trọng các em sẽ không bộc lộ tính đối kháng mà sẽ ngoan ngoãn nghe lời.

- Tính độc lập và tính ỷ lại

Cùng với sự trưởng thành về tuổi tác và phạm vi tiếp xúc với người và vật ngày càng rộng lớn, khi đến tuổi dậy thì, các em thường khao khát vươn tới tính độc lập nhiều hơn nữa, không thích bố mẹ và người khác can dự vào việc của mình quá nhiều. Chúng rất muốn chi phối tất cả mọi việc, muốn làm theo ý mình, do vậy biểu hiện về tính cách thường có phần cố chấp và bướng bỉnh. Hầu như bất cứ việc gì trong gia đình chúng cũng đều muốn tham gia, đóng góp ý tưởng của mình vào đó. Thế nhưng, các em vẫn chưa độc lập về kinh tế, vẫn phải dựa dẫm vào bố mẹ và gia đình, cộng với những hạn chế về kiến thức và sự từng trải, lúng túng với những khó khăn khi phải đối mặt với mọi sự phức tạp ở xung quanh nên thường xuất hiện tâm lý mâu thuẫn giữa tính độc lập và sự dựa dẫm. Ngoài ra, do sự điều tiết về thần kinh trong giai đoạn dậy thì không được cân bằng, có nhiều mâu thuẫn đan xen nhau về mặt tâm lý tinh thần,do đó có lúc thì tỏ ra quá thừa nhiệt tình mà thiếu sự bình tĩnh, có lúc lại trầm tĩnh kiêu ngạo một cách cô độc không thèm để ý đến người khác, tâm trạng thường hay thái quá khi hưng phấn và kiềm chế.

Ở lứa này, các em thường có xu hướng vươn tới sự độc lập, thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, muốn làm người đã trưởng thành. Nhưng cha mẹ thì lúc nào cũng coi như con mình còn thơ dại cần che chở. Chính vì thế mà trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con thường gặp nhiều mâu thuẫn trong quan hệ gia đình. Để dung hòa được mối quan hệ này thì cả cha mẹ và con cái cần phải hiểu nhau để có cách cư xử phù hợp. Nhưng cha mẹ vẫn đóng vai trò chính và quyết định trong việc dung hòa mối quan hệ đó.

- Lý trí và tình cảm

Bước sang tuổi dậy thì, sinh lý có những biến đổi lớn, nhất là hệ thống nội tiết phát triển, do đó có ảnh hưởng nhiều đến tâm lý: tâm tình rất không ổn định, cá tính cũng biến đổi không thuần nhất và rất nhạy cảm. Thêm nữa, lòng tự trọng cao và các em thường để ý xem người khác nhìn nhận mình như thế nào, nhất là khi đã biết để mắt đến người bạn khác phái. Phụ huynh cần phải hiểu được tính đặc thù về sự phát triển cơ thể của con cái mình ở thời kỳ này để cảm thông, chia sẻ với con những điều con còn bối rối. Từ đó, cần quan tâm tỉ mỉ tâm tình biến đổi của con mình mà hướng dẫn. Ở thời kỳ này, những việc các em nghĩ, các em làm vẫn còn nông nổi, chưa có sự can thiệp sâu sắc của lý trí. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có cách hướng dẫn, giáo dục nhẹ nhàng, từ từ cho con hiểu ra vấn đề mà thay đổi. Đừng chế ngự tình cảm riêng tư của con mà cần phải hiểu tình cảm của con mình và tìm cách hướng con theo con đường tích cực trong học tập mà vẫn duy trì được những tình cảm trong sáng.

Ở giai đoạn này, dường như các em vẫn chưa phân định được rõ ràng ranh giới giữa lý trí và tình cảm của chúng với một người bạn khác phái chỉ mang cảm tính và chỉ lờ mờ giữa tình bạn thân và tình yêu. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và khó khăn đối với các bậc phụ huynh, nhưng không phải là không có cách giải quyết. Đừng bao giờ lớn tiếng chửi mắng chúng, làm như vậy chúng càng bướng bỉnh hơn vì chúng chẳng hiểu mình đã làm sai điều gì. Phụ huynh cần phải hiểu rõ một vấn đề tâm lý ở lứa tuổi này, đó là con đang vươn lên làm người lớn. Và khi con đã coi mình là người lớn thì những việc chúng làm luôn tự cho là đúng. Nếu nhìn nhận được như vậy, chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ chọn cho mình cách giáo dục con bằng biện pháp tâm tình thủ thỉ để con hiểu rằng con cần phải có điểm dừng, vì tương lai đang chờ con ở phía trước. Giáo dục con cái ở lứa tuổi này bằng cách cư xử như với người đã trưởng thành, dùng biện pháp cương, nhu đúng lúc thì hiệu quả sẽ đạt được như mong muốn.

*

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.     

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn