BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73558)
(Xem: 62255)
(Xem: 39453)
(Xem: 31189)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Vụ Án Văn Chương

22 Tháng Tám 20237:36 SA(Xem: 1056)
Một Vụ Án Văn Chương
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Sau tháng Tư năm 1975, tất cả những tác phẩm truyện ngắn truyện dài của các tác giả Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975] đều bị chế độ mới, Xã hội chủ nghĩa cấm in ấn, phổ biến, lưu trữ. Tên tuổi tác giả, tác phẩm được công bố rõ ràng.

Việc tưởng xong, là quá khứ. Bỗng dưng 32 năm sau năm, 2007, từ Hà Nội một nhà văn có chức quyền, có Đảng tịch, ông Phạm Xuân Nguyên, vận động, hô hào sẽ in lại một số tác phẩm Miền Nam, đang bị cấm. Trước tiên là 4 [bốn] tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu.
   
Đó là các tác phẩm Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Tiếng sáo người em út và Nhan sắc. Khi sách được phát hành có ngay phản ứng. Rất nhiều bài báo lần lượt xuất hiện liên tiếp trên các báo tại Sàigòn “đánh/ đập” ra trò. Hóa ra, những người vận động in lại sách là các cán bộ văn hóa từ Hà Nội. Hung hăng đánh phá là những cây bút… Sàigòn. Trong đó có Vũ Hạnh, một cán bộ nằm vùng, người trước kia bị chế độ Miền Nam bắt giam tù, Dương Nghiễm Mậu là một trong số các nhà văn, ký đơn xin ân xá cho Vũ Hạnh.

Dương Nghiễm Mậu - Bản vẽ của Chóe.
Dương Nghiễm Mậu - Bản vẽ của Chóe.
Trong số nhiều bài viết về vụ này, chúng tôi thấy có ba bài viết, bài của Phạm Xuân Nguyên, bài của Vũ Hạnh, và bài của một bạn trẻ, là đáng hiện ra thành chữ nơi đây, chúng ta có thể hiểu rõ hơn, nội dung sự vụ.
   
1/ Bài viết của Nhà văn Phạm Xuân Nguyên [trích đoạn]:
    
Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu
   
Văn chương dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, do nhiều hoàn cảnh lịch sử và lý do khác nhau, đã không thuần nhất và thống nhất. Có một thực tế đã trở thành lịch sử là trong giai đoạn 1954-1975 đất nước bị chia thành hai miền lãnh thổ với hai thể chế khác nhau và dưới hai thể chế trên hai miền lãnh thổ ấy đã tồn tại hai nền văn chương khác biệt về ý nghĩa chính trị. Nhưng ở những tác giả và tác phẩm tiêu biểu, ở bên này hay bên kia, đó đều là văn chương đúng nghĩa, tức là có giá trị nhân bản, nhân văn đối với con người. Tôn trọng lịch sử thì phải thừa nhận một thực tế khách quan là văn chương Việt Nam thế kỷ XX có các bộ phận khác nhau, và để hình dung bức tranh đầy đủ về văn chương dân tộc thì phải có sự tổng hợp, thống nhất các giá trị văn chương đích thực từ các bộ phận cấu thành ấy.
   
[…] Lựa chọn in lại những tác phẩm có giá trị văn chương của các nhà văn nhà thơ từng sáng tác ở Sài Gòn giai đoạn 1954-1975 là nhìn văn học ở tư cách văn học dưới con mắt lịch sử. Hơn thế, đó còn là đưa trả lại cho văn chương nước nhà những giá trị xứng đáng của nó và đem lại cho độc giả văn chương những tác phẩm họ cần biết, cần đọc để hiểu đầy đủ, toàn diện hơn nền văn chương dân tộc thế kỷ XX. Có thời ném đá đi và có thời lượm đá về.
   
Bốn tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu (Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Nhan sắc, Tiếng sáo người em út) vừa được ra mắt ở Nhà xuất bản Văn nghệ là trên tinh thần này. […] Truyện Dương Nghiễm Mậu như nhẹ nhàng nhưng thực ra rất trĩu nặng những suy tư, triết lý về nhân sinh, cuộc đời mà người đọc phải tự mình chiêm nghiệm hiểu ra. […] Được viết ra cách nay xa thì non nửa thế kỷ, gần thì cũng ba chục năm, những truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu vẫn tươi mới về giọng điệu, vẫn sắc bén trong câu chữ, lời văn, vẫn thâm trầm ý tưởng, để khiến đọc vào người đọc phải đối diện với chính mình, phải bị lột trần trong tâm tưởng, từ đó có một khoái cảm tự phân tích, tự nhận thức để thấy ra thân phận và kiếp sống mình. Trong nền văn chương Sài Gòn trước 1975, Dương Nghiễm Mậu có vị trí khá đặc biệt nhờ ở văn tài của ông. […]
   
Hà Nội 12/4/2007
   
(Ghi chú của CTB:  Xin mời đọc thêm toàn văn bài này tại, talawas.org)
   
2/ Về bài viết của Vũ Hạnh, chúng tôi nghĩ chỉ trích môt vài đoạn là đủ. Trong đời cầm bút Vũ Hạnh, đã quen với giọng tố cáo, đánh phá, mạ lỵ, vu cáo; là tác phong của một viên an ninh văn hóa nằm vùng.
   
Lời Vũ Hạnh:
 
“…Hơn ba mươi năm trôi qua, những thứ sản phẩm, gọi rằng văn hóa, rất độc hại ấy đã được xếp xó cùng với bao khối bom, mìn, súng ống đủ loại từng gây chết chóc, thương tật cho những con người yêu nước và tưởng rằng sự yên nghỉ ngàn thu của các sản phẩm như thế là chuyện lịch sử đã an bài rồi. Và các tác giả – là Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên – sống lại ở thành phố này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp phải bất cứ sự quấy phiền nào. Những nỗi khổ đau và những sai lầm đã được xếp vào dĩ vãng, được khuyên khép lại, quên đi để cùng nhìn vào thực tại, hướng về tương lai…
   
…Vì những lẽ đó, rất nhiều bức xúc, phẫn nộ của các bạn đọc khi thấy ấn hành sách của ông Dương Nghiễm Mậu. Các bạn đọc này gồm nhiều thành phần: vị tướng đã từng xông pha trên các chiến trường chống Mỹ, nhà giáo dạy văn, một cựu sĩ quan quân đội, nhà thơ, nhà báo… Đem những vũ khí độc hại ra sơn phết lại, rêu rao bày bán là một xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất nước” 
(SGGP số ngày 22/4/2007).
    
3/ Bài của Lý Đợi:
  
Ngày xưa Vũ Hạnh

Sau khi đọc bài viết của tác giả Vũ Hạnh, mà nói như kiểu Quảng Nam: “hùm chết để da, người ta chết để tiếng” – đây là thứ tiếng gì, cũng không biết nữa – tôi chợt nhớ về mấy chuyện ngày xưa ở trong sách, năm 1973 tại Sài Gòn. 
   
1. Từ lời nhà xuất bản 
   
Trong tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của Quê hương chúng ta, với 45 tác giả, mỗi người một truyện, Nhà xuất bản Sóng muốn giới thiệu những cây bút viết truyện [mà theo họ là] quan trọng nhất của văn học miền Nam từ 1954 đến 1973.
   
Cuốn sách này hoàn tất cuối năm 1973, xuất bản lần đầu năm 1974, với rất nhiều tác giả quen thuộc [xếp theo A, B, C] như Bình Nguyên Lộc, Cung Tích Biền, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Phan Anh, Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thuỵ Long, Nguyễn Xuân Hoàng, Nhã Ca, Nhất Hạnh, Nhật Tiến, Sơn Nam, Thanh Tâm Tuyền, Thế Uyên, Trần Thị Ngh, Tuý Hồng, Viên Linh, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Vũ Khắc Khoan…
   
Có điều dễ thấy là nhà văn Dương Nghiễm Mậu và Vũ Hạnh cùng chung một tuyển tập tự nguyện, bình đẳng. Tại sao nói là tự nguyện? Vì trong Lời nhà xuất bản có viết: “Bạn đọc sẽ thấy rõ từng sắc thái nhà văn qua tiểu sử, truyện ngắn và quan niệm về truyện ngắn của mỗi người, mà Sóng đã phỏng vấn tóm tắt qua 3 câu hỏi, trong đó có, câu 1: 
    
1) Xin quý anh chị vui lòng cho biết sơ qua tiểu sử; 
   
Cả hai tác giả này, cũng như 43 tác giả khác đều tự nguyện trả lời và tự do tham gia, ai không muốn có thể không tham gia. 
   
2. Đến lời tự khai 
   
Để trả lời 3 câu hỏi của nhà xuất bản, tác giả Vũ Hạnh viết như sau trong phần tiểu sử, có ký tên nghiêm chỉnh: 
   
“Tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15.7.1926 tại Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam. Học ở quê nhà (Thăng Bình) rồi Đà Nẵng, và Huế. Sống trong vùng kháng chiến Liên khu Năm cho đến Hiệp định Genève. Đấu tranh đòi hiệp thương hai miền Nam Bắc năm 1955, bị chánh quyền Diệm bắt giam; cuối 1956 được tự do, vào Sài Gòn viết báo và dạy học, cộng tác với Bách Khoa, Mai, Văn… Năm 1961 chính quyền Diệm bắt lại nhưng nhờ báo chí can thiệp nên sớm được tự do. Năm 1967 đã tham gia Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc.” 
   
Sài Gòn thời đó, ra tù còn được viết báo và đi dạy học ư? Chuyện hình như quá hiếm thấy thời nay. Sài Gòn thời đó, nhà văn - trí thức bị bắt, báo chí can thiệp, đòi trả tự do, chuyện cũng quá hiếm thấy thời nay. Mà báo chí là ai? Cũng là các nhà văn đứng phía sau; trong đó có những tác giả nổi tiếng trong tuyển tập này đứng ra bênh vực, ký tên vào bản yêu sách đòi trả tự do cho Vũ Hạnh.
   
Điều này có thể hỏi những tác giả còn sống trong tuyển tập này thì sẽ rõ. Sài Gòn thời đó, ngay trên mảnh đất được xem là của “địch”, Vũ Hạnh vẫn được đối xử như một nhà văn, được đối xử như một “người Việt cao quý”, được những đồng nghiệp (không phân biệt chính kiến, quan điểm) bênh vực [mà nói theo giọng Quảng Nam là “binh giực”]. Trong khi Sài Gòn ngày nay, trên xứ sở được xem là đã “giải phóng”, đã hoà bình, thì không; những người như nhà văn Dương Nghiễm Mậu quả là quá xui xẻo, đã bị chính những “đồng nghiệp” cùng ăn cháo với mình ngày xưa cắm mảnh bát vào tác phẩm.
   
Những tác phẩm có đầy đủ giá trị tự thân, được kiểm định qua thời gian, nó xứng đáng [và hợp chủ trương] là giới thiệu ra công chúng, vậy mà bị người ta vu cho cái tội đồi truỵ, phản động, và nên cho vào tù. Sài Gòn ngày xưa, nhà văn tranh đấu bị bắt vào tù, được đồng nghiệp đấu tranh xin ra; Sài Gòn ngày nay bình yên, hoà hợp, vậy mà có vài nhà văn in tác phẩm thì gần như bị chụp mũ, tước mất quyền tự do ngôn luận. Cũng lạ. 
   
3. Và lời kết 
   
Quả là những người như Vũ Hạnh quá may mắn, đã từng có “những ngày xưa”, và đương nhiên có luôn “vinh quang ngày hôm nay”. Còn những người như nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên… trong cái nhìn của những người có cùng chủ trương như Vũ Hạnh, thì không bao giờ! Kiểu giọng giang hồ hay nói:
   
Mày hết đường rồi con! 
   
Ba mươi mấy năm qua, số tiền và vật lực mà Việt kiều gởi về xây dựng quê hương là bao nhiêu? Con số khó cụ thể, nhưng chắc ai cũng hình dung ra được là không nhỏ. Mà Việt kiều, đa phần là gồm những ai, chắc cũng không cần phải nói thêm nữa! Đa phần họ làm sao để có tiền, đương nhiên là phải bỏ trí lực ra lao động, tự lực tự cường. Vậy mà chỉ một vài cuốn sách bình thường của những người cũ [xin lỗi vì tôi phải gọi như thế], đã qua biên tập, thẩm định, kiểm duyệt khắt khe, được xuất bản thì lại nhảy dựng lên như gà mắc phải dây thun. Thật khó hiểu. Tiền thì nhận tha hồ; còn những công cụ như sách vở giúp ta tự lực tự cường, giúp làm ra tiền… thì không được.
   
Chẳng lẽ chúng ta cam tâm làm phận “ăn xin” mãi sao? Điều này càng khó hiểu hơn khi ta đối chiếu với chủ trương, đường lối chính sách (nhất là trong ngoại giao và vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền) mà Việt Nam đang muốn xây dựng. Vậy câu hỏi được đặt ra là trong đời sống hôm nay (năm 2007) là: những bài viết như kiểu của Vũ Hạnh và những cơ quan truyền thông chuyển tải nó đến công chúng, đang muốn gì? Theo một vài nhà phân tích thì những bài kiểu này rất “phản động”, theo nghĩa là nó chống lại sự chuyển động chung của đất nước, chống lại ích lợi chung của cộng đồng.
   
Còn với những người trẻ như bọn tôi, những công dân sinh sau cái khoảng chuyện “ngày xưa” ấy, đang không muốn cam tâm làm phận theo đuôi và ăn xin thì nói thật, càng không biết những chủ trương ủng hộ các quan điểm như kiểu Vũ Hạnh đang muốn gì? 
   
Đất nước, dù thế nào, và dù muốn dù không cũng phải thuộc về thế hệ trẻ, hay ít ra, nên hướng về thế hệ trẻ. Vậy thì để tránh những suy diễn không cần thiết, thiết nghĩ, đại diện nhà nước cũng cần có những trả lời cụ thể để chúng tôi biết đường mà tính, biết đường mà đi. [La Hán Phòng, 10.5.2007 ]
 
***
 
Xin phép, tôi được gọi đây là một “Vụ án”, và mong được đồng ý rằng, “Đúng là vụ án văn chương”. Ở một nơi mà ba quyền căn bản trong việc trị nước, Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp chỉ quy vào một nơi; nơi này có toàn quyền trong hành trình theo dõi, bắt người, giam tù, xử án; còn phía kia, tiêu biểu là dân chúng, phải tuyệt đối chịu trận, tuân thủ, dù phải tuân thủ một bản án chết oan; thì đương nhiên công lý chết toi.
   
Nếu một nơi quyền công dân được tôn trọng, Dương Nghiễm Mậu có thể khiếu kiện, bắt buộc Vũ Hạnh phải chứng minh trước tòa, v/v văn chương Dương Nghiễm Mậu độc hại như thế nào. Ở những nước có nền dân chủ, giả dụ một cô gái tố cáo một anh nào đó quấy rối tình dục, nếu chứng minh anh kia có thật như thế trước tòa, anh kia phải chịu tội; nếu không chứng minh được sự thật, cô gái phải đền bù danh dự cho người kia. Y chang hành trình làm sáng tỏ danh dự con người, đúng ra là công lý, như thế, ắt có và đủ cho một vụ án về việc “Gây độc hại, làm phật lòng một vị tường! Làm phiền lòng bà con chống Mỹ cứu nước, bôi nhục danh tự giống nòi”.  Vụ án, chẳng xôm tụ là gì.

Cung Tích Biền
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn