BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73546)
(Xem: 62255)
(Xem: 39451)
(Xem: 31188)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ham sống sợ chết

25 Tháng Tư 20236:48 SA(Xem: 1007)
Ham sống sợ chết
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Sinh năm 1957, Tuổi Dậu. Cái tuổi “Đinh,  Nhâm,  Quý,  Giáp được coi là tài trong số 12 con giáp, vậy mà ông nội hắn thỉnh thoảng lại cằn nhằn đến mức hắn thuộc lòng cả câu cằn nhằn của ông: “Giá mi ra đời muộn hơn một tháng thì hay hè”. Mẹ hắn nghe mãi cũng nhàm, chẳng ý kiến, ý cò gì,  còn bố hắn mới nghe lần đầu thì phì cười, cho rằng ông nội chưa già mà đã lẩn thẩn,  tuổi nào mà chẳng được,  sinh sớm hay muộn hơn một tháng thì có sao đâu?  Đã bảo “trời cho” tức …trò chơi vợ chồng thì trời cho lúc nào được thế ấy, chứ thắc mắc làm gì? Rõ thật là…

CONGATRONG
Tân tuổi Gà

Khi hắn tròn 15 tuổi, bước vào tuổi dậy thì, trổ mã, chân cẳng bỗng nhiên dài hẳn ra, tóc tốt um, đến mức hắn cũng không  tin vào tai, vào mắt mình. Ngày nào cũng vậy,  hễ sểnh ra là hắn chạy ra sân kho hợp tác xã, đứng nép vào cột nhà, nơi ông đội trưởng khắc hẳn cái thước dây dài 2 mét lên đó để cân đo lúa cho bà con xã viên, xem hôm nay hắn cân nặng  bao nhiêu, dài ra mấy phân so với hôm qua? Mà sao hắn ăn khỏe thế, gia đình càng đói hắn ăn càng khỏe, ăn đến lúc mẹ hắn phải vét nồi cành cạch mới lặng lẽ đứng lên…Nhưng bất ngờ nhất là bạn bè gọi hắn là thằng “Tân một cú”. Mới nghe, không hiểu, hắn cũng chẳng buồn thắc mắc, miễn không phải “Tân mặt cú” như chú Tam ở cuối làng là được. Chẳng biết bố mẹ là ai, chỉ biết do bà cụ Lài bán hàng nước nhặt về, đói ăn, nên ốm nha ốm nhách, cả khuôn mặt choắt cheo, chỉ nhô lên mỗi đôi mắt tô hố cùng chiếc mũi khoằm nhọn hoắt …

16   tuổi, hắn bắt đầu thắc mắc về câu nói nằm lòng của ông:

– Ông ơi sao cháu sinh cuối năm 1957 ông lại cứ muốn cháu sinh vào đầu năm 58 hả ông?

 Ông ngẩn ra nhìn hắn như nhìn một đứa trẻ xa lạ trong làng lâu lắm mới gặp lại,  trả lời nhát gừng:

-Tuổi Dậu vất vả lắm mi à, cầm tinh con gà, suốt đời chỉ loay hoay bới đất kiếm ăn thôi, dính chữ Đinh cũng tài nhưng “chữ tài liền với chữ tai một vần” cứ hễ nhô đầu lên là bị đập. Nếu may mắn không bị người đập thì cũng bị trời đập cho chết tươi mi à .

Hắn tò mò:

– Ông nói vậy có nghĩa là cháu sẽ chết sớm hả ông?

-Không, Ông liếc qua nó một cái nhìn hờ hững rồi bảo: – Mi không thuộc diện chết non nhưng cũng không thọ lâu. Nếu mi sinh đầu năm Tuất thì đỡ , bởi các cụ bảo “Chó kiếm ăn giữa chợ, vất vả, nhếch nhác một tí, nhưng không bao giờ lo đói.

Chợt ông quay đi nén một tiếng thở dài, lẩm bẩm:

-Đàn ông, con trai chi mà má đỏ, môi hồng… giống mẹ …yểu mệnh, yểu tướng mi ơi…

Trong lúc hắn ngẩn ngơ chưa hiểu “đầu cua tai nheo” gì , định thắc mắc về câu ông bà bảo “con trai giống mẹ khó ba đời” thì ông đã vác con dao rựa bỏ ra đầu hè vót nan.

17 tuổi,  như mọi thanh niên trai tráng trong làng, hắn phải nhập ngũ theo khẩu hiệu treo kín đường làng, ngõ xóm:

– “Hậu phương thi đua với tiền phương”

– “Thóc không thiếu một cân,  quân không thiếu một người”.

Hôm cậu văn thư tập tễnh đưa giấy tuyển quân đến nhà, cả ông và bố hắn mặt tái dại vì biết rõ trai làng ra đi hầu hết không có ngày về, chỉ bằng “Tổ quốc ghi công, gia đình vẻ vang” là treo kín một góc tường.

Giữa sự sống và cái chết, tất nhiên hắn chọn sự sống, dù sống trong cảnh đói ăn, thiếu thuốc, sự khó khăn hiện rõ trong từng chi tiết trong nhà: Cái mâm gỗ sứt mẻ, trạn bát mốc meo chỉ có vại cà mặn chát ăn quanh năm suốt tháng. Hôm nào có khách khứa hay lễ tết gì mới được thêm thìa mỡ, gọi là cải thiện. Ấy thế mà nồi cơm bay hết veo…Cả nhà 6,7 người, chỉ có hai cái giường sập sệ, kể từ khi có mặt trên đời hắn đã quen với cái giường cũ kỹ ấy, thậm chí bốn chân giường phải kê, phải chèn bằng đinh, bằng gạch . Nền nhà nện bằng đất, đóng hàng vạn quả trám xuống vẫn nứt toác. Ngay góc nhà – nơi để bồ đựng thóc-  lúc nào cũng vơi tận đáy, dây treo quần áo tòng teng toàn những mảnh vá chằng, vá đụp. Cả nhà từ ông bà đến anh em hắn, mỗi người chỉ độc “ quân tử nhất bộ” để mặc ra đường,  còn lại cái nào cái nấy cũng sứt chỉ, gấu,  bạc phếch, đứt khuy, chằng chịt năm bảy miếng vá… Đến mảnh vải cùng màu bé bằng bàn tay cũng phải chạy vạy, xin xỏ khắp làng mới kiếm được để đắp điếm vào chỗ rách…Dù nghèo nhưng vẫn là tồn tại, là cơ hội sống sót,  còn hơn chết mất ngáp ở độ tuổi trổ mã, đẹp trai nhất làng, nổi tiếng với biệt hiệu “Tân một cú” như hắn.

Không thể trì hoãn trước yêu cầu của Đảng và nhà nước, cũng là mệnh lệnh của thần chết,  cuối năm 1974 hắn lên đường nhập ngũ. Mẹ hắn khươ khoắng khắp làng đặng kiếm cho hắn một cô vợ trẻ để nếu hắn có mệnh hệ gì còn có con nối dõi, kẻo hệ gen quý như hắn mà không đóng góp vốn gen cho quần thể làng cũng phí. Cả ông và bố hắn đều nhìn hắn bằng cái nhìn “vuốt mắt “như thể lời trăn trối trước một người sắp chết:

-Cố mà sống để trở về mi ơi.

Lần đầu tiên trong đời hắn thấy ông khóc. Chao ơi ,nước mắt đàn ông, sao mà quặn lòng,  da diết… đến mức hắn không dám nhìn, đành giả vờ quay đi ôm chặt lấy cô vợ trẻ…

Cô bé vốn là bạn học cùng trường cấp 2 với hắn, nhà ở xã bên,  xinh đẹp nức tiếng, chỉ vì quan niệm: “Con gái là vịt giời, nuôi cho béo rồi cũng vỗ cánh bay đi, học nhiều làm gì “ nên hết cấp 2 trường làng đã phá ngang, 14 tuổi ở nhà vun vén cho mảnh vườn 5% của xã cấp. Còn hắn, nhờ ông nội thúc giục, dồn ép mà lóc cóc  đi bộ lên huyện học, cứ mũ rơm đội đầu, tay xách túi vải tiết kiệm ghép bằng cả trăm mảnh vải bé xíu, trong có đủ bông,  băng, thuốc đỏ đựng trong túi cứu thương, hễ nghe tiếng máy bay là nhảy đại xuống giao thông hào tránh …

Ngày đi, đêm nghỉ,  qua không biết bao nhiêu làng mạc,  sông suối , nỗi nhớ vợ,  nhớ mùi hương ngây ngất như mùi hoa lúa,  hoa cau của vợ,  nhớ đôi nhũ hoa bồng bềnh trắng muốt với hai chiếc núm đỏ hồng dưới đôi môi hắn…Một tòa thiên nhiên lần đầu hắn chiêm ngưỡng,  thụ hưởng khiến hắn biến thành một người khác lạ,  vừa trần tục, thô thiển, vừa lãng mạn, thần tiên. Cảm giác chi phối hắn ngay từ bước chân đầu tiên ra trận khiến hắn chẳng còn hứng thú gì…Chao ơi, trên đời này còn gì có thể thần thánh, thiêng liêng hơn thế? Lần đầu tiên, cơ thể  hắn nóng bừng như người lên cơn sốt, “tân một cú” bất ngờ nặng trịch như bao nhiêu máu trong người dồn hết vào đó. Hắn cuống quýt lột trần cơ thể vợ và những thao tác dồn dập không thể cưỡng lại được, như đã thành thục từ thời hồng hoang nguyên thủy chi phối, khiến tim hắn đập loạn nhịp, các thao tác cuống cuồng như bị một thế lực bí hiểm nào đó dẫn dắt, điều khiển…Cho đến khi hắn dật dờ như một cái xác, người nhẹ bẫng,  “tân một cú” nhẽo  nhèo như một dải khoai héo, không trọng lượng…

Bạn bè cùng đơn vị háo hức bao nhiêu thì hắn tuyệt vọng, chán chường bấy nhiêu…Làm sao quên được phút giây nồng nàn bên vợ? Đi giữa đội hình, óc hắn lẩm nhẩm một câu thành ngữ dân gian mà bà nội hắn nói  trước đêm động phòng: “Vợ chồng hòa thuận là tiên trên trần”… Đời  hắn, sống với vợ đúng hai tuần, chẳng kịp biết tiên trên trần với tiên ở trần khác nhau thế nào? chỉ cảm nhận niềm đê mê sung sướng … Ban ngày ngắm vợ không chán mắt, từng đường nét , cử chỉ, ánh nhìn mơn trớn, chỉ mong bóng tối chụp xuống,  vợ hắn biến thành “tiên ở trần” cho hắn tha hồ động chạm, chiêm ngưỡng, vuốt ve rồi hùng hục hoá thân thành các động tác tính dục không thể nhịp nhàng,  siêu thoát hơn… Vậy mà “ngày vui ngắn chẳng tầy gang” được đúng 15 ngày,  còn đầy quyến luyến trước tòa thiên nhiên bí ẩn của vợ thì hắn phải ra đi, những khẩu hiệu treo đầy hội trường trong buổi tuyển quân:

“Thỏa chí bình sinh hai chục tuổi

Sáng trang lịch sử bốn ngàn năm “

Rồi: “Trí làm trai chẳng tiếc đời xanh” …với hắn sao mà nhạt nhòa, vô nghĩa vì nỗi nhớ vợ đọng đầy trong óc, choán trọn tâm trí , khiến hắn không đủ tỉnh táo để nhập tâm những điều bình thường khác.

Càng tiến sâu vào mặt trận, hắn càng tuyệt vọng, chán ngán,  câu thơ của Phạm Tiến Duật mà lớp trẻ như hắn phải học thuộc lòng trong những cuốn sách giáo khoa của trường (nhiều đứa còn ghi vào sổ tay):

“Đường ra trận mùa này đẹp lắm

 Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”

 Còn hắn chỉ thấy :

"Đường ra trận mùa này sợ lắm

Trường Sơn Đông,  bao dãy mộ vây quanh  “

Cả câu nói của anh hùng Lê Mã Lương: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” trong bộ phim  “bài ca ra trận “nổi tiếng cả nước,  hắn cũng không thể cảm nhận được. Những giây phút nồng ấm bên vợ như một ảo ảnh thần tiên, lúc nào cũng ám ảnh , khiến hắn  chỉ nghĩ : “Cuộc đời đẹp nhất là những đêm còn được  sống trên giường với vợ” …  Chính vì thế, việc làm có ý nghĩa duy nhất của hắn sau mỗi chặng hành quân là cầu nguyện cho mình được sống sót để trở về làm chồng của vợ. Ngày tiếp ngày hắn lén lút viết nhật ký và đánh dấu trong quyển lịch bé xíu bằng bàn tay để biết số ngày ít ỏi của hắn còn được sống trên mặt đất là bao nhiêu?

Đến địa phận Vĩnh Linh, Quảng Bình, nơi nổi tiếng là túi chứa bom của “giặc Mỹ”  với câu thơ để đời của bao nhiêu thế hệ:

“Nơi đây lửa cháy đêm ngày

Đạn băm vết đạn,  bom cầy hố bom

Hắn luôn trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Bom đạn vô tình, cả một túi chứa bom khổng lồ như thế thì vài chục người bé nhỏ, sợ sệt như hắn và lũ bạn cùng tuổi sao thoát khỏi bị “bom ăn” hoặc “ăn bom” theo thổ ngữ của người địa phương? Chao ôi, chết giữa tuổi 17 “tân một cú” sao?

Cái bộ dạng ngơ ngẩn vừa xa vợ, vừa gần thần chết của hắn không qua nổi đôi mắt tinh quái của thủ trưởng đơn vị. Một lần đang lặng lẽ tách khỏi đội hình, mặc đồng đội đùa nghịch tắm suối một cách vui vẻ, hòa đồng, hắn chúi mũi vào cuốn nhật ký, ghi lại chặng đường kinh hoàng vừa trải qua thì thủ trưởng xuất hiện. Ngồi bệt xuống gốc cây hiếm hoi còn xót lại sau hàng chục, hàng trăm trận oanh tạc của bom cối, bom bi,  bên cạnh hắn, thủ trưởng cợt nhả:

-Lính mới tò te có khác, vào thời điểm này, đơn vị mình chỉ là bổ sung, tăng cường cho chiến dịch “đại thắng mùa xuân 1975 thôi, chứ theo đúng hiệp định Paris 1973, Mỹ rút về nước hết rồi, làm gì thừa bom đạn mà dội xuống bất kỳ đâu được nữa?

Hắn nghe mà bừng tỉnh, ôm chầm lấy thủ trưởng còn chặt hơn ôm vợ:

-Ôi, thật thế ạ? Nghĩa là em còn cơ hội để trở về làng đoàn tụ cùng cả nhà ạ.

Thủ trưởng thủng thẳng:

-Thật chứ sao không thật, đẹp trai lại “Tân một cú” như cậu thì lấy mấy vợ mà chả được?

II

Sài Gòn hiện ra khác hẳn với những suy nghĩ ám ảnh trong đầu óc hắn: cuộc sống “lầm than đói rách” của gần 19 triệu người dân đang bị “Mỹ Ngụy” kìm kẹp suốt 21 năm là đây ư? Chả phải gã chính trị viên của đơn vị hắn luôn thuyết giảng: – “Dưới sự cai trị tàn độc của Mỹ, Ngụy, 19 triệu dân miền Nam không có cái bát  để ăn, phải ăn bằng gáo dừa. Dép cũng  không có mà đi, phải đi chân đất suốt 4 mùa mưa, nắng. Con cái sinh ra đều chịu cảnh thất học, lớn lên thành trộm, cắp, đĩ điếm. Lính “Mỹ Ngụy” đi tới đâu là mở cuộc càn quét, đốt phá tới đó. Hễ gặp đàn ông  thì mổ bụng, moi gan, ăn tươi, nuốt sống, gặp đàn bà con gái thì hiếp dâm đến chết. Còn  “tên” tổng thống Ngô Đình  Diệm từ 1955 đến 1963 đã lê máy chém khắp miền Nam, sau này “thằng” Nguyễn văn Thiệu lên thay lại tiếp tục áp dụng chính sách cũ, nhốt hết bà con vào các ấp chiến lược, không khác gì trại tù tập trung nên lúa gạo không có mà ăn, phải ăn gạo nilon do Mỹ thả từ trực thăng xuống …19 triệu dân Miền Nam ai ai cũng đói khổ, bần hàn, chỉ mong bộ đội cụ Hồ nhanh chóng vào Nam giải phóng họ ra khỏi ách kìm kẹp của địch …Lăng nhăng và lăng nhăng…

Cuộc sống trước mặt – như một dòng chảy tự nhiên đầy ắp màu mỡ, phù sa, phong phú hơn cả sức tưởng tượng của hắn. Sài Gòn lúc này – dù  đang hỗn độn, nhày nhụa, ngổn ngang sau cuộc chiến – không khác gì một đám cháy lớn, dân đua nhau tìm đường chạy trốn, người vội vã bỏ ra nước ngoài với hai bàn tay trắng, người gánh gồng vài đồ lặt vặt  về quê, người theo “dây thừng, can xăng, bả chuột, thuốc ngủ lạc xuống âm ty, địa ngục vì sự thất vọng, bế tắc ê chề …Hoang tàn, hỗn độn thế nhưng trông vẫn vô cùng lộng lẫy sang trọng. Sự “phồn vinh  giả tạo” mà hắn tin vài chục năm sau Miền Bắc- dẫu tiến đến Chủ nghĩa xã hội cũng không theo kịp.

Con gái Sài Gòn hầu hết được ăn học đến nơi đến chốn nên ăn nói hiền hòa, dễ thương. Tầm hiểu biết của họ vượt ngoài sự suy nghĩ của hắn. Cách ăn mặc cũng cực kỳ sang trọng, bắt mắt. Người nào cũng áo cánh đủ màu, quần lụa đen bóng loáng có “gân” nổi rõ hai bên mông…Chẳng bù cho con gái miền Bắc – lúc nào cũng một bộ váy đụp, nâu sồng dày cộp, cứng  ngắc như mo nang…Người thành phố dẫu không chân lấm tay bùn cũng gầy guộc, lả lướt như những tàu lá héo vì thiếu thực phẩm, dinh dưỡng trong khẩu phần ăn khốn khó hàng ngày. Ôi thế này thì cánh  quân đội Viêt Nam Cộng Hòa- gọi nôm na mách qué là bọn Mỹ, Ngụy phải kéo ra giải phóng Miền Bắc chứ, sao lịch sử Việt Nam lại có bước ngoặt ngược đời, trớ trêu đến vậy?

Giấu mọi suy nghĩ thầm kín, lớn lao trong đầu, hắn quay trở về làng, chiếc ba lô con cóc căng phồng  đựng đầy chiến lợi phẩm: Từ bột ngọt, sữa, đường, mì tôm, vải vóc, đài, đồng hồ kèm một con búp bê bằng nhựa mắt nhắm mắt mở đen sì và chiếc khung xe đạp tòng teng trên nắp …

Gặp lại bố mẹ, vợ con, làng xóm, nỗi nhớ vợ sau gần 1 năm tưởng được “sổ lồng , tung cánh” theo  lời ông bà dạy :

 “Dao đâm vào thịt thì đau

Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời “

 Nào ngờ, cô vợ trẻ thần tiên – người ám ảnh hắn suốt chặng đường hành quân, chỉ mười tám xuân xanh mà gầy nhom, ốm nhách như người hậu sản, ốm đói, khiến hắn chưng hửng …

Như hiểu mọi suy nghĩ của hắn, bà nội hắn than:

-Mi đi, chưa đầy hai tháng thì vợ mi ốm nghén. Khổ bụng chửa lùm lùm mà nỏ có cơm ăn,  còn khổ hơn tau ngày xưa mi à… Thời của tau bị thực dân Pháp đô hộ nhưng còn có ổng bên cạnh. Chính phủ cũng là chính phủ bảo hộ, còn nhường quyền sinh, quyền sống cho dân, nỏ như thời bộ đội cụ Hồ mô. Thời ni, thanh niên trai tráng bị gọi vãn làng,  nỏ đi bộ đội cũng mần thanh niên xung phong,  để lại cha già, mẹ héo như rứa.  Từ cái ăn cái mặc, cái mô cũng bị bòn mót để đóng góp nghĩa vụ cho nhà nác…Khổ chi mà khổ rứa…

-Thế thế…hắn ngập ngừng nhìn xuống cơ thể tong teo của vợ…Con đâu? Trai  hay gái?

Nhìn lom lom vào mắt hắn, vợ hắn òa khóc. Hắn kịp hiểu ra một điều hệ trọng. Sắn khoai khô cũng nuôi nổi con người, nhưng đói ăn, thiếu chất triền miên lại là lao động chính trong nhà , ăn không no, so với việc gánh vác quá nặng, lại cảnh “mái non, con yếu”, nên cái thai đã bị sảy, mà như lời mẹ hắn bảo: Một lần sa bằng ba lần sảy, bằng bảy lần nghén”,  nên vợ hắn mới xuống sắc, hao mòn đến thế, cứ như thể bị đảng và chính phủ đánh tráo vậy .

Bây giờ thì hắn hiểu vì sao ngày hắn ra đi ông nội lại nhìn hắn bằng cái nhìn trân trối, vuốt mắt như thế. Hẳn ông nhớ những câu đã được học từ thời trẻ trong sách thánh hiền (khi Đảng Cộng Sản chưa cướp chính quyền): “Xưa nay chinh chiến mấy ai về”

Hoặc một câu thơ trong truyện Kiều, khiến ông nhớ về cuộc “thủ ti cở cải “, tam phản”, “tứ phản”, “đại nhảy vọt” ở Trung quốc làm 60 triệu người chết đói:

“Ngẫm từ dấy việc binh đao. 

Đống xương vô định đã cao bằng đầu “

Chiến tranh là chết chóc, là mất mát khổ đau, mọi cuộc chiến tranh,  dù ở phía nào đi chăng nữa:  kẻ đi xâm lược hay kẻ bị xâm lược đều là phi nghĩa cả,  làm gì có cuộc chiến tranh nào là chính nghĩa như Đảng cộng sản tuyên bố ? Hắn nghĩ,  thầm cảm ơn số phận vì mình đã sống sót, nhưng cũng thầm xót xa vì gia cảnh của hắn thay đổi , sa sút quá, đã nghèo lại còn eo.. Khác hẳn với nhịp sống sôi động , phồn thịnh mà hắn đã chứng kiến từ mấy hôm trước tại Hòn ngọc Viễn Đông.

Ôm lấy hắn, ông nội  xuýt xoa, đôi hàng lông mày bạc trắng cứ rung liên hồi sau mỗi tràng cười,  giọng nói, trong khi răng lợi cái còn,  cái mất,  da đầu bóng loáng chẳng còn một sợi tóc:

-Tổ cha mi, tau không ngờ mi trở về mạnh khỏe, rắn rỏi như ri.  ..Nhà tau may mắn nhất làng vì không phải chịu cảnh “Tổ quốc cắt cơm,  gia đình vắng vẻ” …Mi nỏ biết những suy nghĩ giày vò tau trong ngần ấy ngày mi đi bộ đội mô?  Mỗi khi ra nghĩa trang liệt sĩ của làng,  tau lại bần thần , sợ có ngày phải vào viếng mộ mi trong nớ … Cực chi mà cực…Nếu căn theo khẩu hiệu thời chiến: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” thì thời hậu chiến ni,  nghĩa trang liệt sĩ của làng xã, huyện, tỉnh phải phình ra gấp 4,5 hoặc chục lần , mi biết chớ ?

Cuộc sống cứ trôi đi đơn điệu và tẻ nhạt. Thấy hắn về, trẻ khỏe và sung sức, lại có trình độ cấp III trường huyện, hội cựu chiến binh của xã hồ hởi đưa hắn vào danh sách…Lớp cán bộ huyện , xã cũng hăm hở mời  hắn tham gia vào các chức vụ then chốt của làng, từ bí thư chi bộ, thư ký đội sản xuất, phó chủ nhiệm Hợp tác xã, đội trưởng dân phòng v.v…giá đui mù câm điếc, chưa từng chứng kiến cảnh “phồn hoa giả tạo” của chế độ Mỹ- Thiệu,  cũng chưa từng giao tiếp với  đám con cái “ ngụy quân ngụy quyền”, đặc biệt là các nữ sinh trung học, đại học,  hắn cũng ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh, nhưng giờ thì hắn…dí vào…Dẫu không còn là “Tân một cú”…hắn thà nhảy vợ, nhảy gái sướng hơn, chứ dại dột nhảy lên ghế này, ghế nọ mà “hữu danh vô thực” làm đéo gì ? Chỉ tổ vạ miệng, cãi nhau… Ấy đấy, từ bé, theo đạo Thánh Hiền của cha ông, hắn đâu có biết nói bậy, vậy mà trở về làng lần naỳ, chứng kiến sự giao cắt bẽ bàng của lịch sử , sự thảm bại của nền văn minh  nhân loại trước sự lạc hậu, ngu dốt của miền bắc Xã hội chủ nghĩa, hắn trở nên bất mãn, miệng roi rói những tiếng chửi, câu thề…Bất cứ chuyện gì cũng đệm “đặc sản” ba miền vào,  cho mặn chuyện, nhằm nâng cao quan điểm, lập trường.

Ngày qua tháng lại, hắn  quyết định thi đại học, dù sao cũng không thể bỏ phí tấm bằng cấp III được. Hơn nữa, tiêu chuẩn bộ đội xuất ngũ từ chiến trường trở về  như hắn cũng được nhà nước hỗ trợ, ngoài tem phiếu thực phẩm, tháng tháng còn thêm 15, 5 đồng, đủ để ăn sáng, không đến nỗi đói mốc miệng như bọn “bạch diện thư sinh” khác. Đã thế còn được đôn lên làm lớp trưởng, lớp phó phụ trách lao động hoăc học tập, vừa có xiền lại có chức…

Cuộc đời quả là lắm lối rẽ bất ngờ…Hắn bắt đầu phất lên từ một chuyện  tưởng như đùa mà đùa lại như thật …

Sáng hôm ấy, hắn loẹt quẹt đội mũ cối , đi đôi dép cao su ra chợ, chợt chiếc quai phía sau tuột khỏi dép,  hắn hì hục dùng một chiếc nhíp rèn  bằng loại thép to bản( luôn để sẵn trong túi quần bộ đội) để nhét chiếc quai dép vào đúng lỗ trên thân dép… vừa kịp đi vài chục bước lại tuột… Đường ra chợ chẳng bao xa, nên hắn quyết định đi bộ, vừa lượn chợ, vừa đỡ tốn tiền gửi xe,  dù mức giá khi ấy chỉ đáng hai hào, nhưng cũng mất gần một bát phở mậu dịch giá ba hào… Mang tiếng là bộ đội cụ Hồ,  đi BỘ vào Nam ĐỘI của ra Bắc, mà từ hồi về làng, hắn chưa dám ăn một bát phở gọi là, chỉ mấy  lần bà ốm, ông đau, vợ nghén, hắn mới dằn lòng mua một bát phở không người lái,  (không nhân,  không thịt) chỉ có nước dùng nóng hổi thơm lừng và bánh phở kèm chút hành mùi  để lùa cơm vào miệng qua cuống họng, đẩy lùi cơn đau ốm của ông bà .

Dạo một vòng quanh chợ, chiếc quai khác lại bật khỏi lỗ, hắn cáu tiết vì biết đôi dép râu đã hết giá trị sử dụng, quai dép thì nhỏ mà lỗ xỏ thì quá to nên hơi một tí là tuột, là đứt…Ngó trước ngó sau thấy trước mặt có sạp hàng bày đôi dép nhựa Tiền Phong  trong suốt – hắn  ngơ ngơ ngẩn ngẩn,  vừa muốn chặc lưỡi bỏ qua bát phở bò thơm phức để dồn tiền mua dép, vừa lẩm bẩm tính toán xem cả gia tài hắn lúc này có mua nổi mặt hàng sịn sò, cao cấp này không?

Chợt một gã thanh niên vẻ mặt băm trợn cúi xuống nhìn hắn, chào mời:

-Ôi anh giai, dép anh đứt quai rồi, có muốn em đổi cho đôi dép hàng hiệu mốt nhất bây giờ không?

Hắn đỏ mặt đứng lên, quay người gắt sẵng:

-Vớ vẩn, tao làm gì có tiền.

Gã thanh niên đặt tay lên vai hắn, có ý giữ lại:

-Yên trí đi anh giai, cứ vào cửa hàng em là xong béng.

Hắn thập thững bước đi như một con rô bốt…

Xỏ đôi dép nhựa màu trắng, trong suốt vào đôi bàn chân thô kệch của hắn, gã bán hàng tiếp tục gợi ý:

-Anh trai mua được đôi dép này thì cũng nên thay đổi trang phục đi chứ. Ai lại quần áo dưới đất mà dép trên trời như vậy, cọc cạch chết.

Hắn chưa kịp phản ứng, gã đã cởi chiếc mũ cối trên đầu  hắn và bọc đôi dép lốp vào trong tờ báo đảng cũ kỹ , phán:

-Mời  anh giai đi theo em.

Hắn ngơ ngác:

– Ơ hay, đi đâu ?

Giọng gã te tởn, ngọt nhạt:

 -Anh giai cứ để em lo, chỉ xin  anh để đôi dép lốp và chiếc mũ cối – kỷ vật của chiến trường lại đây cho em xin. Giờ em đưa anh giai sang hàng quần áo bên cạnh, sắm  một bộ đồ mới toe  nhớ. Áo sơ mi trắng, quần kaki xám, mốt bây giờ đấy anh ạ.

Hắn ngẩn tò te: “Chỉ đôi dép rách và chiếc mũ cối cũ mèm mà hắn có được bộ đồ bắt mắt như vậy sao? có mà nằm mơ…”

Đặt tay lên vai hắn – đang đứng sững như trời trồng, gã bán hàng hỏi, giọng thân mật:

-À mà  anh giai tên gì nhỉ ?

Hắn đáp thon lỏn:

-Tôi tên Tân.

Nhìn chằm chằm vào mặt hắn, gã bán hàng bất ngờ thốt lên:

 – Trời ơi, có phải anh là “Tân một cú” không ? Người thì chưa gặp nhưng cái tên thì nổi tiếng khắp vùng đấy ạ, chẳng khác gì thơ bút tre đâu:

Hoan hô lực sĩ Lưu Trùng

Dương vật nổi tiếng khắp vùng gần xa… haha

…Gì chứ lực sĩ Lưu Trùng Dương làm sao nổi tiếng bằng anh được. “Tân một cú “ nghĩa là cu một tấn kia mà …hà hà.  Theo em khắp thế gian này  anh đứng thứ hai đấy,  chỉ sau ông Đùng bà Đoàng* thôi.

-Vớ vẩn, hắn đỏ mặt , vì từ trước khi đi bộ đội đã quen với cái tên mà lũ bạn nghịch ngợm đặt cho này. Nhiều đứa còn đùa: – “ Mày mà có ngỏm củ tỏi, con vợ mày cũng chả tiếc đâu, chỉ tiếc mỗi cái “tân một cú” của mày thôi.

Khoác lên người bộ cánh xịn, soi mình trong gương, dù hết sức bất ngờ trước bộ dạng trẻ trung, sang trọng của mình, hắn vẫn không hết tò mò: “Không biết gã bán hàng  này làm gì với đôi dép cũ và chiếc mũ cối của hắn mà lại rộng lòng săn đón đến vậy? Lại còn xin địa chỉ để đến nhà hắn chơi và nhờ hắn lùng tìm cho vài chục thứ linh tinh nữa , từ dép lốp , mũ cối, mũ tai bèo, ba lô, bình tông đựng nước, bát men, đũa  sắt  v.v ?

Về làng, đem câu hỏi ra thắc mắc với mấy thằng bạn cùng đơn vị may mắn sống sót, hắn nhận được câu trả lời:

-Thằng Bình, còn gọi là Bình xuôi tức …b. xinh, có cậu em ruột tên Hưng, còn gọi là Hưng Sáng – tức sưng háng, mới tốt nghiệp đại học Ngoại giao Hà Nội, ra trường làm ở Đại sứ quán  Mỹ, lại có cô người yêu tên Mai, người làng gọi là Mai dấm , vừa là cô gái tên Mai đã được trai làng dấm sẵn,  vừa là mâm …gí, nếu nói lái… Cô này làm phiên dịch cho công ty du lịch nên nhiều lần đón  cựu chiến binh từ Mỹ  sang, Đám này  thích sưu tập “ Kỷ vật Võ Nguyên Giáp,  Hồ Chí Minh” lắm  nên đồng ý mua với cái  giá bất kỳ nào. Cụ thể, một lần con “Mai dấm”  dẫn một ông Mỹ vào làng gặp một cựu chiến binh để mua dép đúc cao su , ông ấy lôi ra một đôi định cho không, vì có giữ lại cũng chỉ để ném gà, ném chó trong sân không được vào bới bếp hoặc lên nhà trên ỉa bậy.  Không ngờ “Mai giấm”  ghé tai nói nhỏ:

-Họ thích sưu tập  kỷ vật chiến trường lắm, bác cứ cho gía đi.

Ông lão ngẩn tò te, chưa kịp xòe bàn tay lên làm hiệu hay bập bẹ câu gì, “Mai giấm” đã quay sang tay cựu chiến binh  Mỹ bảo : – Fifty dollars, go for it**.

Thời điểm đầu 1980 ấy, 10 đồng tiền Hồ là mệnh giá cao nhất rồi, “Mai giấm” đòi 50 đồng là bằng cả tấn lúa hoặc tương đương với nửa con trâu mộng, thế mà thằng Mỹ lại O kế, Ô kề trả đủ 50 đô la,  lập tức  “Mai giấm”  mở ví quẳng cho ông cụ 50 đồng tiền Hồ ,  rồi nhẹ nhàng  cất 50 đô vào túi, coi như nó  hớt tay trên của ông cụ 500 đồng, vì 50 đô Mỹ, tính theo  thời điểm ấy là tròn 550 nghìn tiền Hồ.  Thế mà ông cựu chiến binh nhà mình, nhận tiền cứ  sướng run, không khảo mà xưng:

-Trời! Số tiền này bằng cả mấy tháng trời bà lão nhà tôi nhặt nhạnh hí húi ở ngoài vườn, cắp từ quả trứng, con gà,  mớ bí, quả mướp đem ra chợ  ngồi bán từ tờ mờ sáng tới tối mịt đấy. Đúng là lũ đế quốc Mỹ ngu thật, không phân biệt tiền ta với tiền địch, chả trách thua là phải. Cám ơn cô nhé.

Nghe thủng câu chuyện, hắn quyết định dừng thi đại học, kiếm tiền bằng cách đi săn kỷ vật. Với bộ quần áo mới và đôi dép Tiền Phong cùng chiếc xe đạp cũ, hắn đi bon bon khắp làng trên xóm dưới, mới đầu là bạn đồng ngũ rồi lan ra địa bàn xã, huyện rồi  sang các tỉnh lân cận, ngày nào cũng vớ  bộn với giá chỉ bằng một bữa cơm mậu dịch hoặc quẳng ra dăm đồng bạc lẻ, là cầm về  bán cho vợ chồng gã bán hàng ở chợ với cái giá “trên trời “. Một vốn 40 lời… mặc anh, em, dâu, rể nhà hắn quát 50, 80 hay 100 USD, hắn đếch  “care”.

Trong tay sẵn có đồng tiền, hắn quyết định vào Nam  thử vận may một chuyến. Dù sao ấn tượng về miền Nam “phồn vinh giả tạo” khác hẳn  với miền bắc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ- vẫn ám ảnh hắn.

III

Giờ thì hắn đang ở trên đất Mỹ, sống những ngày cuối cùng nơi xứ sỏ cờ hoa xa lạ này. Nhiều người ngạc nhiên vì sao một anh bộ đội cụ Hồ như hắn, coi việc theo lệnh cụ Hồ đi BỘ vào Nam , ĐỘI của ra bắc là lý tưởng, mục tiêu vĩ đại của cuộc đời mình, sao lại có mặt ở nơi “giãy chết” này, lại cố tình giấu kín lý lịch “ quang vinh, muôn năm”,  ba đời ông bà, cha mẹ , bản thân là đảng viên trong  thiên đường Xã hội chủ nghĩa.

“Trăm cái khôn không bằng đường chôn số phận”, chính hắn cũng không lý giải nổi tại sao đã đến được thiên đường hạ giới này lại đường đột gõ cửa Diêm Vương nhanh thế? Không lẽ như lời ông nội nói: “Nếu sinh năm 1958, chó kiếm ăn giữa chợ, cứ tà tà kiếm sống thì không sao. Có gặp trở ngại gì,  chỉ việc dựng ngược  lông, ngẩng cao cổ , ngoạc miệng, nhe răng ra “gừ gừ” chống trả, hoặc với kẻ yếu thế hơn, cứ đợp cổ cho đến khi đối tượng phải rùng mình, bỏ chạy là xong , đằng này lại cố tình chui ra khỏi bụng mẹ sớm hơn cả tháng – tuổi đinh nên bị số phận đè bẹp, đợp ngang, khiến cuộc đời hắn xoay chuyển 180 độ.

Trong óc hắn bây giờ chỉ còn lại những cuộc đối thoại rời rạc, âm thầm đầy ân hận. Hắn không phủ nhận sự phản bội với người vợ đầu đời của mình, chỉ vì cuộc dấn thân bất đắc dĩ do nghèo túng mà hắn không cưỡng lại được cơn mê hoặc từ người vợ thứ hai. Nàng vốn là con của một nhà tư sản, sau “cuộc trưng thu” vĩ đại của cộng sản (đứng đầu là tên hoạn lợn Đỗ Mười) gia đình nàng tan tác, bấn loạn. Cũng may cha mẹ nàng-  vốn hiểu cộng sản từ lúc còn là Việt Minh nên âm thầm giấu được vài chục cây vàng. Vì thế kinh tế gia đình sau thảm họa 1975 dù sa sút, nhưng bốn chị em nàng chưa một ngày phải nhá bo bo, sắn sượng, khoai hà.

Thoạt đầu mối quan hệ giữa nàng và hắn chỉ là quen biết, xã giao, do một người đồng hương của hắn – vốn vào Nam từ 1954 giới thiệu, không ngờ nàng – tuy cứng tuổi, mặt hơi thô- lại có khả năng mê hoặc,đồng hóa hắn, thậm chí  đánh lạc cả ý thức tư tưởng, quan điểm lập trường, thái độ chính trị của hắn, hòa tan hắn vào nền giáo dục thời Việt Nam cộng hòa của nàng và cả cha mẹ nàng, biến hắn thành người khác hẳn. Hắn quyết định bằng mọi giá phải lấy nàng để trụ lại thành phố này và ngày một ngày hai sẽ theo nàng và gia đình vượt biển bằng số vàng mà mẹ nàng còn giấu được.

Là con cả, muộn đường chồng con, lại thấy hắn tuy là trai Bắc nhưng chững chạc,  rắn rỏi, đẹp mã ( Tất nhiên hắn phải bỏ ngay những thói quen xã hội chủ nghĩa – đặc biệt là câu chửi, lời thề roi rói trên miệng )để hội nhập với gia đình nàng trong những bữa cơm thân mật vui vẻ, để trở thành chồng sắp cưới của nàng.

Theo gợi ý của hắn, để đảm bảo an toàn cho chuyến đi, cả nhà nàng phải lặn lội ra Bắc, hắn chủ động đề nghị mẹ nàng mua lại một chiếc tàu đánh cá của hợp tác xã để dễ dàng qua mặt đám công an, cảnh sát biển, tuy không có kinh nghiệm đi biển, nhưng hắn cùng một người bạn sẽ đảm nhiệm việc  lái  tàu  từ Hải Phòng ra đến phao số không ở đảo Hải Vân (Quảng Ninh)  sát biên giới Trung Quốc sang Hồng Công tị nạn… Tất nhiên cha mẹ nàng đồng ý, không những tin tưởng trao cô cả cho hắn mà còn trao cả tính mạng của 11 người trong gia đình và bạn bè cho hắn nữa.

Ba ngày đầu yên ổn, sang ngày thứ tư chợt bão nổi, gió cấp 11, 12 hay cấp “cao đẳng”, “đại học” gì đó hắn cũng không rõ, chỉ biết gần hai chục con người được một phen phát hoảng, sóng lưỡi búa to bằng gần cả tòa nhà đổ xuống, thuyền hết chúi xuống lại ngóc lên như mũi tên bắn,  đã tưởng phen này  chịu không thấu , không  đắm chìm cả thuyền dưới  biển làm mồi cho cá mập thì cũng nôn ra mật xanh mật vàng ngất lịm… làm sao sống?  Không ngờ sóng yên , biển lặng, cử một người lên đất liền mua nước ngọt, lương thực ngay tại đất Trung Hoa rồi dong buồm đi tiếp.

Ở trại tỵ nạn gần 2 năm thì cả gia đình nàng  được phái đoàn Mỹ chấp nhận cho sang định cư do có người nhà ở tiểu bang California bảo lãnh.

Hòa nhập với cuộc sống mới, cả hai vợ chồng chấp nhận làm nail. Bước đầu tuy bỡ ngỡ khó khăn, phải ở chung nhà với bố mẹ và mấy đứa em nàng, nhưng rồi không chịu cảnh: “Chó nằm gầm trạn”, hắn kéo nàng ra thuê phòng ở riêng. Cứ hùng hục ngày làm 12 tiếng, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, không kể thứ 7, chủ nhật, ngày lễ ngày tết. Ham tiền đến mức dù nàng mang thai, sợ mùi hóa chất, hắn vẫn bắt nàng làm việc. Lúc này chất gia trưởng trong hắn lại nổi lên, nàng muốn được nghỉ làm, đi học college, lượng thu nhập sẽ hao hụt, nhưng đỡ mệt, lại có điều kiện dưỡng thai, nhưng hắn kiên quyết không đồng ý. Mục tiêu của hắn là trong 5 năm phải có tiền mua nhà , rồi chuyển từ địa vị làm thuê lên thành chủ tiệm. Mọi đồng lương, đồng thưởng của vợ, hắn cai quản hết, quyết không để “lêu lổng”, dù chỉ 1 cent.

Hai đứa con lần lượt ra đời, mọi việc từ chăm cháu, giặt giũ cơm nước, hắn khoán trắng cho cha mẹ vợ, không một lời cảm ơn, cũng không nghĩ đến chuyện sản xẻ, bồi dưỡng. Dù sau này con lớn, cần người đưa đón đi học hàng ngày, hắn cũng kệ, coi như ông bà ngoại phải có trách nhiệm, còn vợ chồng hắn biến thành hai cái máy kiếm tiền…

Tuổi Mùi tưởng nhàn hạ sung sướng, may mắn hanh thông trong sự nghiệp, nhưng làm vợ của hắn, nàng đã sớm úa tàn. Do cơ thể quá mẫn cảm với hóa chất, luôn dị ứng mẩn đỏ khắp mặt, khắp người, hắn cho phép vợ chuyển sang làm tóc mà không ngờ những vụn tóc nhỏ li ti của đủ mọi loại người, mọi sắc tộc từ Ấn Độ, American, Korea, Vietnam, China… từ da trắng, da đen, da đỏ, da vàng…mỗi ngày lại  chui sâu vào phổi của vợ hắn. Mới đầu chỉ là ho khan, sau thấy tức ngực, hắn đồng ý cho vợ nghỉ làm đi gặp  bác sĩ mới phát hiện ra là ung thư phổi giai đoạn cuối.

Sáu tháng xạ trị, vợ hắn đã không còn sức sống, các tế bào ung thư bị hóa chất tiêu diệt triệt để , nhưng các tế bào lành lặn cũng bị hủy hoại theo. Vợ hắn mất đúng vào ngày sinh nhật của tuổi 46, khi đó hắn cũng chớm bước vào tuổi 44.

Lúc này hắn đã có một căn nhà riêng 5 phòng ngủ  và hai cửa hàng để sau này cho hai cô con gái đứng tên. Phần hắn vẫn dốc sức vào công việc. Mang tiếng là chủ tiệm mà hắn đi sớm, về khuya, vất vả hơn cả thợ.

Thấy hắn chăm chỉ, lại góa vợ, nhiều cô quá lứa, nhỡ thì cũng có ý gần gụi, mơn trớn, nhưng hắn kiên quyết từ chối. Dù có là “Tân một cú” nhưng hắn xác định ở vậy,  thà buồn hơn là bực.

Nhiều người tò mò:

-Hôn nhân là sự cộng gộp, sung sướng gấp đôi và đau khổ cũng gấp đôi , sao lại có chuyện buồn,  bực ở đây?

 Hắn cáu kỉnh đáp:

-Buồn vì ở một mình, còn bực vì phải chịu cảnh “Nâng khăn, sửa ví” chứ sao. Bây giờ hắn đã có của ăn của để, lấy mấy cô vãn hôn, tay không money về để lại phải chia đôi nhà cửa, xe cộ à ?

Đời hắn may mắn có hai cô con gái, giống bố và bà nội như đúc, nên xinh và nhỏ nhắn hơn mẹ, lại được thừa hưởng trọn vẹn cách giáo dục từ ông bà ngoại nên rất ngoan ngoãn, hiếu thảo. Chính hai đứa, sau biến cố gia đình, đề nghị bố đưa con gái và vợ cũ sang Mỹ để có người bầu bạn, chăm sóc, cũng là nhận chị, nhận em…

Hắn chưa kịp thực hiện giấc mơ đoàn tụ thì đã lại phát bệnh. Căn bệnh ung thư phổi 5 năm trước tàn phá cơ thể vợ hắn đến lúc này lại hành hạ hắn. Bác sĩ kinh ngạc vì cường độ làm việc quá sức của hắn, trong vòng 20 năm mua nhà, mua thêm bất động sản rồi lại bị phá sản, chơi stock, tưởng ăn của thiên hạ ai ngờ ném tiền qua mạng ảo, phải gây dựng lại từ đầu…Bon chen, cay cú, nghĩ ngợi, cộng thêm mỗi ngày quần quật mười mấy tiếng, không thư giãn, không nghỉ ngơi, ăn uống lại đại khái, qua loa  đến mức lao lực… Khi bị thổ huyết, ho ra máu mới chịu đến bệnh viện, bác sĩ bắt  uống thuốc, nghỉ làm trong sáu tháng mà chỉ sau 1 tháng, hết ra máu, hắn đã ôm ngực ra tiệm,  vì ở nhà  vừa tiếc tiền, lại tiếc thời gian..Hắn nhớ những ngày chăn trâu , cắt cỏ , cày bừa cho hợp tác xã, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, cứ lấy đít trâu làm đích, nhằm thẳng mông trâu mà tiến, 12 tiếng đồng hồ quần quật chỉ được bình 8 công điểm, tính ra khoảng 3 lạng thóc, nấu cháo cũng không đủ..rồi vượt Trường Sơn vào Nam “đánh Mỹ “ mỗi ngày đi vài chục cây số, chân mỏi, mắt hoa, đói lả mà chỉ được phát một nắm cơm ăn với muối, kèm chút rau rừng cải thiện.. Còn ở nước Tư Bản “bóc lột” này, mỗi tiếng của hắn ít nhất cũng vài chục đô la, quy đổi ra tiền Việt bằng cả tháng cha mẹ hắn bới đất, lật cỏ ở quê nhà…Mải làm đến mức quên cả uống thuốc rồi từ ho lao chuyển thành ung thư lúc nào không biết, đến khi chuyển sang giai đoạn 4, hắn mới quay lại phòng khám. Chiếu, chụp đủ kiểu, chỉ hiện lên hai lá phổi trắng bệch, co rúm lại,  chỉ bằng  một phần ba so với trước. Bác sĩ lắc đầu bảo:

-Mày ham chết, sợ sống nên chỉ còn vài tháng nữa thôi, nếu rút ống thở ra mày sẽ chết nhanh hơn…

Căn nhà 5 phòng ngủ vốn đã rộng rênh, hoang vắng, sau đám tang của hắn càng trở nên hoang vắng hơn. Trước đó,  khi bác sĩ hỏi hắn dự định chết ở đâu, tại nhà dưỡng lão hay bệnh viện, hắn xin được chết ở nhà.

Hai con gái và hai chàng rể tương lai quanh quẩn bên giường hắn. Vài người bạn đến chơi, nhìn hắn ứa nước mắt:

-Ôi cái thằng “Tân một cú”, sao mày ham công tiếc việc, vội vàng bỏ chúng tao mà đi sớm thế hả mày?

 Hai cô con gái khóc ròng, thầm thương cho cuộc đời  ngắn ngủi của hắn nơi dương thế. Làm việc quần quật, không ngơi tay, không ngừng nghỉ, coi việc ngồi trước màn hình ti vi là thói xấu xa sỉ, cần loại bỏ. Tụ tập uống một ly cà phê hay cốc bia với bạn bè là một cuộc giải trí vô bổ, tội nghiệp , thậm chí là  hố chôn thời gian v.v Mặc bố mẹ vợ, hai đứa con gàn quải thế nào cũng không lại…kết quả cuối cùng là hố chôn…bản thân… hu hư…bố ơi…

Hai chàng rể tương lai người Mỹ chính hiệu, không sõi tiếng Việt,  đưa mắt nhìn vợ, nhìn nhau rồi nhìn khắp lượt mọi người, thì thầm: Cố…ố  quá là quá…á  cố…ố…bố bố… ố ố…

Hà Nội Việt Nam cuối 2005

Cali cuối tháng 4 -2023.

TKTT (viết lại )
https://www.danchimviet.info/ham-song-so-chet/04/2023/28637/

—————–

*Tục ngữ dân gian:

 L. bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng

C. ông Đùng bắc cầu qua sông

** 50 đô la, cứ lấy đi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn