BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77096)
(Xem: 63202)
(Xem: 40604)
(Xem: 32239)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyến về thăm quê

24 Tháng Ba 20237:28 SA(Xem: 1512)
Chuyến về thăm quê
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Chỉ là một chuyến về thăm nhà, nhưng tôi bỗng dưng liên tưởng đến một ngày hồi hương. Thời gian qua mau, cuộc sống thì luôn tất bật với lo toan. Ai cũng phải bôn ba cho đời sống của mình. Tôi cũng vậy, cuộc sống của tôi mặc dù rất đơn giản và đời thường nhưng như ai đó đã nói: “Đời là bể cả, ai không bơi sẽ chìm”; vậy nên tôi phải cố mà bơi tại điểm khởi đầu, ở cái tuổi năm mươi cho dù có mệt mỏi, vì không muốn sẽ bị chìm trong bể đời nhiễu nhương nầy.
 
Sài Gòn

Tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 10giờ 30’ vào ngày thứ Bảy, một ngày của tháng giêng im mát đối với nắng Sài Gòn. Khi máy bay vừa chạm xuống mặt đất và đang chạy nhanh trên đường phi đạo trước khi ngừng hẳn, tôi đã nghe lòng mình nôn nao cảm giác dường như về nhà mình rồi, dường như vừa thoáng gặp bóng dáng của quê hương. Lúc nầy mọi người đã bắt đầu xôn xao, tôi cũng thấy rộn ràng vui vì sắp sửa gặp lại Mẹ và mấy em, một cảm giác khoan khoái, hạnh phúc xen lẫn chút bồi hồi.

Vừa ra đến chỗ hành lang dành cho những người đón thân nhân, đang ngơ ngác tìm kiếm, hai em gái tôi Bích Thủy, Ngọc Anh đứng ngay phía trước gọi chị mừng rỡ. Tôi rảo bước nhanh hơn về phía em mình. Hai đứa rối rít hỏi:

- Răng lâu rứa?

- Ừ, chờ chị lâu lắm hả? Ai họ lấy lộn valy của chị bỏ lên xe đẩy, chị không thấy nên cứ đứng chờ hoài

- Rồi răng ?

Tôi cười trả lời:
- Thì chị tới lấy lại đây nì.

Mấy chị em tôi mừng vui gặp lại nhau. Tôi nhìn hai em, nhận ra hai đứa vẫn vậy, không có gì thay đổi sau mấy năm xa cách. Bích thủy hơi chau mày nhìn tôi ái ngại hỏi:

- Làm chi mà ốm dữ rứa L?

Tôi trả lời trấn an em mình:

- Rứa hả, chắc là tại đi đường mệt nên nhìn thấy ốm chứ chị cũng rứa, chị cũng khỏe.

Về đến nhà, mọi người đang chờ đợi. Me tôi lật đật ra mở cửa, có cả Dì tôi ở Nha Trang vô chơi và anh Nhân tôi ở Gia Lai về.

- Me khỏe không?

- Ừ, Me khỏe, làm chi mà ốm dữ rứa con?

- Dạ, con đi đường mất ngủ thành ra thấy ốm rứa thôi Me.

Me tôi tuy có già hơn trước một chút nhưng Me vẫn khỏe. Dì tôi vẫn vậy, mập mạp và da dẻ trắng hồng. Anh Nhân thì ốm và già hơn trước nhưng vẫn có vẻ nhàn hạ. Chào hỏi lăng xăng một hồi, Me tôi giới thiệu ngay mấy món ăn mà Me đã làm sẵn cho tôi.

- Tội nghiệp Me, khi mô con về Me cũng làm đồ ăn, con ăn trên máy bay rồi, để chiều con ăn Me.

Lần trước tôi về, Me tôi làm món bánh bột gạo nhân chay, ăn với nước tương chua ngọt rất ngon. Me làm món nào tôi cũng ăn ngon lành, bởi cảm nhận tình mẹ thương con gói ghém trong từng cái bánh, chan chứa trong từng món ăn Me dành sẵn cho tôi. Về lại nhà mình tôi rất vui, không khí ấm áp tình nghĩa gia đình làm tôi thấy nhẹ nhàng dễ chịu, như vừa tìm được sự che chở, và nương tựa. Cảm giác được yên tâm nghỉ ngơi sau những tháng ngày lưu lạc xứ người.

Đêm không ngủ, có lẽ vì những cảm xúc làm tôi trăn trở, suy nghĩ, cọng thêm sự thay đổi về giờ giấc nên tôi chỉ chợp mắt được vài ba tiếng đồng hồ. Khoảng hơn bốn giờ sáng, tôi đã thức dậy chui ra khỏi mùng, ngồi một mình trong bóng tối suy nghĩ miên man về những ngày tháng đã qua. Em gái tôi một lúc sau cũng thức giấc và nhắc tôi:

- Chị L chui vô mùng chớ ngồi ngoài nớ làm chi cho muỗi cắn.

Tôi chợt nhớ ra và chui ngay vào mùng nằm trò chuyện với em trong đêm. Hai chị em tính sẽ làm gì trong hai ngày ở Sài Gòn, và chuẩn bị để ngày thứ ba đi ĐN thăm con gái lớn. Nói chuyện rì rào với em một hồi, Ngọc Anh nói tôi:

- Thôi ngủ đi một chút cho khỏe L, dậy sớm cũng không làm chi.

Tôi ừ, rồi kéo cao tấm chăn mỏng đắp ngang người cố dỗ giấc ngủ. Ánh đèn đường vàng vọt, chập chùng rọi xuyên qua cửa sổ, quyện cùng ánh sáng mờ đục của đêm chưa kịp sáng, tạo ra một khoảng không gian vàng nhạt, huyền ảo, mơ màng.

 
Chợ Bến Thành
 
Buổi sáng đầu tiên ở Sài Gòn, Tôi và em gái áp út-Ngọc Anh rủ tôi đi chợ SG mua sắm. Chợ Bến Thành có vẻ nhộn nhịp, đông đúc, nhịp điệu thương mãi phồn thịnh hơn, đắt đỏ hơn, có lẽ vì càng ngày Việt kiều và khách nước ngoài du lịch về VN càng đông hơn. Tôi không bỏ qua cơ hội được nhìn ngắm những bức tranh thêu tay hình những chậu hoa lan, cành mai ngày Tết, hay cảnh đồng quê màu sắc nổi bật, nét thêu sắc sảo, sống động như cảnh thực. Những tranh sơn mài, tranh làm bằng vỏ trứng cũng thật tinh xảo, sinh động, thể hiện sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, và tài năng. Tôi mãi mê ngắm nhìn và thầm thán phục những nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
 
Trong chợ, những gian hàng bày bán san sát nhau, quay qua gian hàng bên cạnh bán quần áo đủ màu sắc, nhiều kiểu mẫu thời trang nói lên đời sống của người dân cũng khá hơn trước. Những gian hàng bán giầy dép đủ màu, đủ kiểu, là hàng nội địa nhưng rất đẹp, và tất nhiên cũng có những mặt hàng nước ngoài. Tới cửa hàng bánh kẹo với đủ loại bánh kẹo VN, Tây, Tàu, Mỹ… có cả các loại mức truyền thống VN dành cho ngày Tết cũng được bày  bán sớm ở một vài gian hàng. Bánh kẹo có vẻ hấp dẫn đối với tôi. Dừng lại gian hàng nầy, một em gái nhỏ tuổi độ hai mươi chào mời ngọt ngào như những món bánh mức bày biện trong gian hàng của em. Được mời ăn thử, tôi nhận lời ngay- là tôi hảo ngọt mà. Tôi có vẻ hăng hái hơn sau khi ăn một vài thứ kẹo mức hương vị ngọt ngào. Tiếp tục dạo qua gian hàng bán những thứ trái cây bằng plastic nhưng trông giống như thật. Tôi chọn mua một vài loại trái và cứ tấm tắc khen với vẻ thích thú, quả thật xinh xắn giống như những thứ trái cây thật, vừa được hái xuống từ trên cành. Đi lòng vòng quanh chợ Bến Thành để mua sắm, tôi nhớ lại hai chục năm trước có dịp vào Sài Gòn, lúc đó có nhiều thứ rất cần thiết cho con và gia đình nhưng mà tôi không có tiền để mua.
 
Bên cạnh cái phồn hoa đô hội của Sài Gòn là cảnh cơ hàn của những trẻ em bán vé số kiếm sống hàng ngày, những cụ già lưng còng, da nhăn, áo quần cũ kỹ, cũng cầm trên tay những tấm vé số e dè run rẫy chào mời khách trên đường. Có cả những đứa trẻ và những người già ăn xin. Cuộc sống của họ nghèo nàn và đơn giản quá. Ngày qua ngày họ cầu mong kiếm được một chút tiền còm, đủ để sống cuộc sống ăn buổi tối lo buổi mai. Họ là những kẻ song hành lầm lũi bên cạnh những cảnh đời giàu sang choáng ngợp của Sài Gòn nhộn nhịp vinh hoa, là một sự cách biệt không thể so sánh được giữa những xa hoa nhung lụa và những số phận cơ cực, nghèo nàn đáng thương. Chia xẻ với những cụ già và những đứa trẻ bất hạnh nầy một ít tiền, tôi chợt nghĩ, phải chi ai cũng có thể có được một cuộc sống đủ cơm ăn áo mặc. Tôi và em gái quay bước ra đường, lòng còn nén chút thương tâm. Hai chị em tôi tiếp tục đi một vài nơi, hoàn tất một vài công việc Phật sự trước khi về ĐN thăm con gái, và để thực sự được làm bà ngoại. Nghĩ đến được bồng đứa cháu ngoại đầu tiên trên tay, lòng tôi rộn ràng vui xen lẫn chút ngậm ngùi, khi nghĩ đến chỉ lưu lại ĐN được một tuần rồi đi, buồn- thương.
 
Chùa Hoằng Pháp Sài gòn
 

Ngôi chùa rộng lớn nằm xa thành phố về hướng Hóc Môn. Hôm đó chùa có khóa tu nên Đạo hữu tụ tập khá đông. Qúy Thầy cũng bận rộn nên tôi không được diện kiến Thầy chủ trì chùa. Vào lễ Phật xong, Ngọc Anh dẫn tôi đi một vòng quanh chùa. Chùa có dành riêng một phòng rộng trưng bày nhiều loại Kinh sách và tượng Phật. Tôi choáng ngợp vì những bức tượng Phật tạc đủ loại lớn nhỏ rất uy nghi, kính cẩn đặt trong những tủ kính lớn tỏa vẻ trang nghiêm, rực rỡ, và những bộ Kinh sách quý giá.

Đi qua dãy hành lang, tới khu nhà nằm phía sau chánh điện là dãy nhà trai, nơi ăn trưa của các Phật tử và các Đạo hữu tề tựu về trong những ngày Lễ, hoặc khi chùa có khóa tu. Băng qua nhà bếp cũng khá rộng rãi và sạch sẽ, tới một dãy nhà gồm nhiều phòng nhỏ, nơi nầy chùa đặc biệt dành riêng cho những người già nghèo khó, không nơi nương tựa, để họ có chỗ ở và chùa cũng giúp đỡ lo cho cuộc sống của họ. Hằng ngày, những người này có thể giúp nhà chùa quét dọn sân vườn, tưới cây, nhổ cỏ… Những người già yếu thì được nghỉ ngơi, người đau bịnh thì có Bác sĩ đến chăm sóc, và nếu qua đời thì chùa lo việc mai táng. Tất nhiên là có sự hỗ trợ của những Mạnh Thường Quân, và những nhà hảo tâm.
 
Chùa có một khu vườn rộng phía trước, trong sân chùa trồng rất nhiều cây cảnh. Những cây bông sứ tỏa ngát hương thơm thoảng theo từng bước chân của những người đi chùa lễ Phật. Ngôi chùa rộng rãi, quang đảng. Mặc dù Đạo hữu về dự khóa tu rất đông, có thể đến vài ngàn người nhưng ngôi chùa vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, thanh tịnh. Khu vườn phía chính diện có một cái hồ rộng, giữa hồ xây dựng một hòn non bộ lớn, cao đến vài mét, có những nhánh cây mọc ra từ khe đá rất thiên nhiên. Chung quanh hồ bài trí nhiều cây cảnh trông rất sống động, vẽ nên một cảnh trí đẹp tựa như phong cảnh thiên nhiên thu hẹp lại trong khuôn viên chùa, đâu đó văng vẳng tiếng suối chảy róc rách trong hồ giống như cảnh thần tiên. Giữa hồ có những bục đá nhô cao lên khỏi mặt nước, cách nhau khoảng non một mét, bắt cầu từ phía bên nầy sang bên kia hồ, song song phía trước hòn non bộ. Em gái tôi kể, khi nào có Lễ lớn, các Thầy hành Lễ tại đây, mỗi Thầy ngồi xếp bàn trên một bục đá hành Thiền, quang cảnh buổi hành Thiền rất trang trọng, thanh thoát. Tiếc là tôi chưa có dịp kính ngưỡng quang cảnh của ngày Đại Lễ.
 
Đà Nẵng
 
Ngọc Anh đã sắp xếp trước cho tôi và em chuyến bay về ĐN. Hôm đó ĐN lạnh và mưa, nên mới gần sáu giờ mà trời đã tối sẫm. Lấy hành lý xong, hai chị em định ra đón xe về thì tôi nghe giọng quen thuộc của Châu - con gái tôi gọi mẹ ngay bên cạnh, có cả Dũng chồng Châu đi cùng. Tôi mừng rỡ quay qua gọi Ngọc Anh:


- Châu ra đón Anh nè.

Ngọc Anh cũng ngạc nhiên reo mừng. Tôi mừng vui ôm chầm vai con hỏi dồn dập:

- Con khỏe không? Con ra đón mẹ làm chi, mẹ dặn để mẹ về cũng được, ra đón chi cho lạnh rứa con.

Châu cười vui sướng nhìn mẹ. Con bé sinh xong mập hẳn ra, nhưng rất cân đối so với chiều cao lý tưởng của bé. Nhìn con gái mình không còn mảnh khảnh như trước, chỉ là chút thay đổi về dáng dấp, nhưng điều mà tôi bỗng chạnh lòng nghĩ tới là con bé bây giờ đã có chồng, đã là dâu con nhà người ta rồi, dường như có điều gì đó vừa vuột khỏi tầm tay tôi. Xua đi những suy nghĩ vẩn vơ của mình, tôi ân cần lo lắng hỏi con:

- Đi răng không mặc thêm áo vô con. Con để em (cháu ngoại tôi) ở nhà với ai?

- Dạ con để ở nhà với bà nội.

Nhà chồng Châu ở bên quận Ba, nên tối hôm đó sau khi chuyện trò với Mẹ và Dì, hai vợ chồng Châu về nhà, chỉ có tôi và Ngọc Anh ở lại căn nhà trên đường Tôn Thất Tùng, căn nhà tôi thuê cho con gái ở từ lúc tôi đi Mỹ.

Sáng hôm sau ngủ dậy sớm, hai chị em rủ nhau đi ăn sáng về. Tôi và Ngọc Anh đi bộ tới chợ Tân Lập gần nhà, thấy người bán hàng mới dọn ra một khay bánh bột nếp nhân đậu xanh chiên còn nóng. Tôi mua mấy cái, vừa đi vừa ăn để thưởng thức hương vị tinh khiết của cái bánh vừa được chiên xong. Thấy trái cây tươi, Ngọc Anh mua một ít quít Thái Lan, trái nhỏ xíu như trái tắc nhưng rất ngọt. Vật giá ở đây rẻ hơn Sài gòn, nhịp sống cũng chừng mực, không hối hả tấp nập như ở Sài Gòn. Có tiếp cận với những cảnh sống ở một khu phố nhỏ, mới cảm nhận được hết cái bình dân nghèo nàn nhưng thân thiết của xứ sở mình.
 
Đến trưa, khi trời nắng ấm, Châu và Dũng ẵm cháu về mừng bà ngoại. Thằng bé thật kháu khỉnh, dễ thương. Tôi mừng cho con mình bây giờ đã làm mẹ. Thấy tôi nựng nịu cháu, bé Châu cười hăm hở trêu mẹ:

- Là bà ngoại đó nghe.

Tôi cũng cười làm bộ vênh váo nói với thằng bé:

- Ừ hỉ, bà ngoại chớ tưởng giỡn à, phải không con.

Thằng bé há miệng cười thấy thương quá. Ẵm đứa cháu ngoại trên tay, tôi lặng nghe niềm thương cảm trào dâng…

Mấy hôm sau thì Ngọc, con gái út tôi cũng về tới Đà Nẵng. Ngọc cũng được lên chức Dì thích thú ẵm cháu, niềm vui rạng rỡ trên gương mặt dì Ngọc, nhưng khi cháu khóc thì dì Ngọc không biết dỗ, giao cháu lại cho bà ngoại liền.

Mấy ngày ở ĐN, tối nào tôi cũng ẵm cháu ngoại hát ru nó ngủ. Những câu hát ca dao ngày xưa tôi đã quên, chỉ còn nhớ vài câu hát đi hát lại hoài. Một đôi lần tôi đổi qua ca nhạc rồi cười thầm nghĩ, bà ngoại chi mà vẫn còn muốn ca hát. Thằng bé rất dễ thương, Châu cho nó bú no, rồi hát ru một hồi là nó ngủ say. Thằng bé rất ngoan, ban đêm ngủ không quấy rầy mẹ nó. Nhìn thằng bé ngủ, tôi liên tưởng đến ngày xưa, cái thời tay bồng tay ẵm đó đã qua, nhưng tôi luôn nghĩ đến kỷ niệm khó quên về những đứa con mình, của những ngày gian khổ mà mấy mẹ con cùng chia xẻ và đùm bọc nhau. Thế sự xoay vần, tôi bây giờ đã làm bà ngoại, và bé Châu giờ đã làm mẹ rồi. Nhìn Châu nằm thiêm thiếp ngủ bên cạnh con trai, cuộc sống mới đã bắt đầu với nó, cuộc sống của trách nhiệm và bổn phận. Con bé đã khoác lên mình cái thiên chức làm mẹ thiêng liêng tuyệt diệu.
 
Thăm con
 
Tôi, Ngọc Anh và Dũng cùng đi thăm mộ con trai tôi. Buổi sáng dậy sớm, hai chị em ra chợ mua một ít hoa quả để cúng mộ và đi Lễ chùa.

Khu nghĩa trang Gò Cà lúc nầy đông đúc hơn, nhiều thêm những kiếp đời yên nghỉ. Con đường dẫn vào nghĩa trang quen thuộc qua nhiều lần đến thăm con, nay trở thành lạ lẫm, đất đá lồi lõm gập ghềnh khó đi. Loanh quanh một hồi mới tìm ra mộ con trai tôi. Biết rằng phải nên quên những chuyện đau buồn, xả bỏ tất cả những gì thuộc về quá khứ để sống không buồn phiền, bởi tất cả đã qua và không ai có khả năng thay đổi được số phận. Nhưng khi nhìn ngôi mộ con, bao nhiêu thương tiếc cũ chợt òa vỡ trong lòng. Cái điều tưởng như luôn hợp lý rằng “Thời gian làm lành mọi vết thương, và thời gian sẽ làm phôi phai tất cả” bỗng trở thành vô nghĩa. Với tôi lúc đó lòng xót xa đau, và nước mắt tràn-rơi. Thăm con một lúc rồi về, tôi lâm râm khấn nguyện, và thầm nói với con mình vài năm nữa tôi sẽ về thăm. Phải đến vài năm nữa cũng khá lâu, nhưng đành vậy.

Trên đường về chúng tôi ghé thăm chùa Thọ Quang ở vùng Cẩm Lệ. Ngôi chùa mà từ ngày còn nhỏ, mấy chị em tôi thường được Ba Me đưa lên đây Lễ Phật, và ở lại chơi vào ngày thứ năm hàng tuần. Tôi còn nhớ hồi đó chùa có trồng nhiều cây buần quân, trái màu nâu tím, có nhiều hột nhỏ bên trong và khi chín thì rất ngọt, mà người ta thường có thói quen vo tròn cho trái được mềm hơn trước khi ăn. Vườn chùa có cả những cây ổi sẻ, nhiều cây sabotie rất sai trái và rất ngọt, nhưng chúng tôi thích trái buần quân, nên hôm nào được ở lại chùa là chúng tôi rủ nhau trèo lên cây để hái. Tới mùa, cây buần quân ra thật nhiều trái nhưng dường như không kịp chín để chúng tôi hái vào mỗi thứ năm, nên có khi chúng tôi hái cả những trái còn sống, và cố vo tròn cho mềm để ăn. Tất nhiên là nó có vị chát, vậy mà chúng tôi vẫn ăn một cách thích thú, ngon lành. Ngày đó sao mà dại khờ, ngu ngơ quá.
 
Hòa Thượng Thích Quang Thể là vị Tọa chủ Chùa Thọ Quang mà chúng tôi hồi nhỏ quen gọi là Thầy, vừa mới tịch năm ngoái. Thầy Huệ Chỉnh là đệ tử của Hòa Thượng tiếp tục công việc của chùa. Chúng tôi đến thăm chùa nhưng không liên lạc trước, trên đường đi cứ lo là Thầy đi vắng, rất may hôm đó có Thầy ở chùa. Thầy mời chúng tôi uống một loại trà thơm giải khát. Ngồi tiếp chuyện với Thầy tôi thoáng thấy có mấy chú tiểu nhỏ, tuổi độ lên mười, hỏi thăm thì Thầy cho biết qua trận bão Xangsane ở ĐN vừa rồi, nhiều gia đình lâm vào cảnh đói khổ, ruộng vườn thất thu, nhà cửa hư hại nên phải đem con xin tá túc ở chùa. Thầy nhận nuôi và cho các em tiếp tục đi học. Hằng ngày ngoài giờ học, các em cũng đọc Kinh sách và học Phật. Thầy để các em tá túc một thời gian, rồi thì tùy duyên, nếu em nào cảm thấy tu được thì Thầy cho làm đệ tử của Thầy, như vài chú tiểu mà tôi thoáng thấy ở sân chùa. Em nào không thích đi tu thì một thời gian sau, khi cuộc sống của cha mẹ các em được ổn định, họ sẽ đến xin Thầy về. Tôi thoáng ý nghĩ, thế sự vô thường, cuộc sống ngày mai không ai biết trước được, mọi cái đều có thể xảy ra. Giống như các em nhỏ nầy, cuộc đời các em đã đi vào một ngả rẽ khác sau cơn hoạn nạn, phải chia cách gia đình, nhưng có thể các em sẽ tìm thấy thanh thản và hạnh phúc thực sự trong đời sống thoát tục.
 
Chùa bây giờ vẫn vậy, không khác xưa ngoại trừ phía trước vườn, bên hông chánh điện là nơi yên nghỉ của Hòa Thượng. Ngôi mộ được xây rất kỳ công. Một cái tháp to, cao được dựng lên giữa khuôn viên rộng rãi của ngôi mộ, chung quanh có tường rào xây cao độ hơn sáu tấc, tấm bia mộ được khắc chữ rất khéo léo. Ngôi mộ dựng theo kiến trúc kiểu mẫu cổ xưa, lớn rộng và trang nghiêm, chứng tỏ sự tôn kính của Qúy Thầy và Qúy Đạo Hữu đối với Vị Cố Hòa Thượng, người mà thuở nhỏ mấy chị em tôi được phước duyên quy y tại chùa Thầy, người mà gia đình tôi luôn kính qúy.
 
Kỷ niệm thuở học trò

Trường trung học tư thục Phan Thanh Giản ở Đà Nẵng (1969 - 1975). Photo Thuong mai truong xua.
 
Tôi và Ngọc Anh đến thăm Bác Anh nhà ở đường Quang Trung gần nhà tôi hồi trước. Con đường im mát mà thuở xưa lúc còn đi học, tôi vẫn ngày hai buổi đi về, nay đã có nhiều thay đổi làm tôi nhớ một người bạn đã hỏi tôi: 

“ĐN dạo nầy có gì lạ không? Chắc vẫn còn những con đường có những hàng cây mang cái im vắng thường trực ngày xưa…”

ĐN bây giờ đã có nhiều thay đổi, và không còn những con đường cây dài bóng mát của ngày xưa nhiều mộng mị.
 
Đến nơi, tôi gặp Thông con trai Bác đang làm việc trong văn phòng đầu ngõ nhà Bác. Dừng lại ngoài cửa, tôi hỏi vọng vào:

- Nhớ ai không?

Thông cười cố nhớ, có lẽ Thông thấy tôi quen nhưng chưa kịp nhớ ra nên trả lời:

- Thấy quen quen.

Tôi cười chào Thông rồi đi vào nhà Bác. Vừa tới cửa, thấy Bác ở trong nhà đi ra, tôi hỏi: “Bác nhớ con không” rồi đưa tay che mặt lại, nhưng Bác đã kịp nhận ra tôi. Bác thật hiền lành. Hồi năm 2000, lúc cầu quay sông Hàn khánh thành xong, thì bến Bạch Đằng và cầu sông Hàn là nơi mọi người thường tụ tập vào buổi sáng sớm để tập thể dục. Vào thời điểm đó, sáng nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm đi bộ từ nhà ở đường Hùng Vương băng qua cầu quay sông Hàn, đi dọc theo đường Bạch Đằng Đông thẳng xuống bến phà cũ, và đi ngược về. Cũng vào lúc đó, sáng nào tôi cũng gặp Bác ở đoạn cầu quay sông Hàn. Mãi đến bây giờ mới gặp lại Bác, Bác có già đi nhưng lúc nào Bác cũng cười vui vẻ như không hề biết buồn trong đời.

 
Ngồi nói chuyện với Bác một hồi thì anh Trọng về. Anh là con trai lớn của Bác. Ngày xưa, lúc đó tôi còn nhỏ, một bữa Ba Mẹ anh Trọng đến nhà thăm Ba Me tôi, trước khi Ba anh ra Huế thay Ba tôi nhậm chức tại đồn Mang Cá. Tôi chỉ gặp Bác trai lần đó, và không bao giờ gặp lại nữa, vì khi Bác trai ra Huế một thời gian sau thì Bác mất, trong một lần đồn Mang Cá bị Việt Cộng pháo kích năm 1965. Kể từ đó Mẹ anh trở thành bạn thân với Me tôi, và anh chơi thân với anh Nhân tôi, từ thời còn chạy rong, chơi thả diều, núp bắn, trốn tìm… Sau dần khi chúng tôi lớn lên, thì tôi trở thành mục tiêu của anh những lần anh tới chơi nhà tôi.
 
Tôi hồi đó còn thơ dại lắm. Tôi coi anh như là anh trai tôi, nên sự thân thiện giữa chúng tôi như tình anh em. Tuy vậy, khi tôi lớn lên thêm một chút, thì chúng tôi bắt đầu có thiện cảm với nhau. Anh vẫn tới nhà tôi chơi, chỉ cho tôi làm bài tập, và những lúc rãnh rỗi anh thường đàn cho tôi hát, hay anh và tôi cùng hát. Bài hát “Mùa Đông của anh” là kỷ niệm của hai chúng tôi. Có một lần, trong lúc đang bày tôi làm bài tập, anh mở cuốn vở của tôi ra và để vào trong đó trang thư anh viết cho tôi. Tôi không có thư trả lời cho anh, nhưng vẫn giữ thư anh và thỉnh thoảng đem ra đọc thấy vui vui. Cho tới một hôm, trên đường đi học về ngang qua nhà anh, tôi tình cờ nhìn thấy anh chở một người con gái, mà tôi nghĩ là bạn gái của anh. Kể từ đó, tôi ít nói chuyện với anh, cũng không nhờ anh chỉ tôi làm bài tập, và không hát chung với anh bài hát nào nữa. Câu chuyện của chúng tôi kết thúc ở đó, nhưng tôi không nói với anh lý do tại sao. Sau đó ít lâu, anh đi học ở Sài gòn. Khi anh trở về thì tôi đã có chồng. Sau nầy, khi tôi và anh có dịp gặp lại nhau, lúc đó tôi đã có ba đứa con và con tôi đã lớn.
 
Lâu rồi mới gặp lại anh, tôi thấy anh cũng không mấy thay đổi. Anh mời tôi và Ngọc Anh qua quán café gần cạnh nhà anh uống nước, tất nhiên là có cả vợ anh. Tôi, Ngọc Anh, và anh đi trước. Vừa vào quán kêu nước uống xong là anh tranh thủ phỏng vấn tôi ngay. Anh cười nói với Ngọc Anh:

- Hồi đó chị L giận anh chuyện chi không biết, sau đó anh đi học Sài gòn về là nghe chỉ lấy chồng rồi, mà hồi đó ở nhà dấu anh.

Lúc nầy tôi mới kể cho anh nghe lý do tại sao hồi đó tôi rút lui, và thật tình tôi không hề giận anh, bởi có lẽ đó chỉ là những cảm xúc của tuổi học trò. Và cho dẫu đó thực sự là tình yêu thì tôi cũng sẽ lặng lẽ bỏ cuộc. Anh nói sao hồi đó tôi không nói với anh, và thật tình lúc đó anh chưa có bạn gái. Ngọc Anh cười chọc quê anh:

- Chừ mà còn nói làm chi nữa, muộn rồi, không làm chi được nữa rồi.

Cả ba chúng tôi cùng cười vang khi nhắc lại chuyện cũ. Một lúc sau thì vợ anh tới, chúng tôi trò chuyện với nhau rất vui vì mấy khi có dịp gặp nhau để ôn chuyện cũ. Vợ anh cũng biết chuyện của tôi và anh. Chuyện ngày xưa của tuổi học trò bây giờ chỉ là kỷ niệm. Về nhà tôi kể chuyện gặp anh với con gái tôi. Bé Châu hỏi tôi tuổi của vợ anh. Tôi nói hình như là chị ấy cùng tuổi với tôi. Bé Châu nói một câu hóm hỉnh mà cả nhà cùng cười rân lên:

- Chà, bác Trọng để trật con mùi ni là đi tìm cho được con mùi khác hỉ.

Chiều hôm sau anh tới chơi, tôi và Ngọc Anh đem chuyện nầy kể cho anh nghe, anh cũng không nhịn được cười, nhưng anh nói vợ anh nhỏ hơn tôi hai tuổi.
 
Anh Lương Vĩnh Đồng mà chị Khánh Thọ giới thiệu trong bài viết “Mỹ Du Ký” của chị, “nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn”, dưới cái tên Lương Vĩnh Túy La, là người bạn trọ học ở nhà anh Trọng, hồi đó cũng thường theo anh Trọng tới nhà tôi chơi, và là nhân chứng kỷ niệm thuở học trò của tôi. Khi đọc bài viết của chị KT, tôi loáng thoáng nhận ra anh Đồng. Tôi liền hỏi thăm chị KT và liên lạc được với anh. Đã hơn ba mươi năm, tình cờ biết được tin anh tôi rất mừng, có quá nhiều chuyện ngày xưa để mà nhắc nhở. Tôi đã đem chuyện liên lạc được với anh Đồng kể lại cho Bác Anh và anh Trọng nghe. Câu chuyện gặp gỡ hi hữu qua trang web trường, không ngờ trở thành chuyện kể hấp dẫn mọi người.
 
Gặp bạn bè ở ĐN
 
Tôi hẹn gặp Bạch Liên qua lời nhắn của Mai Dung. Bạch Liên đã liên hệ để bạn bè gặp mặt nhân tiện tôi về. Chiều hôm đó, nhóm bạn chúng tôi: Bạch Liên, Xuân B, Thanh Xuân, Bồng, Sáu, Du, Sanh, Tuấn, Minh, Anh cận, Cư, T.T.Thu và B.S Thông em trai chị KT đi cùng với Thu, gặp nhau tại Quán Café AnhKhoa của P.X. Hiệp, nằm trên đường Nguyễn Tri Phương. Quán café thiết kế rất đẹp, trang nhã, và lịch sự.
Lâu ngày gặp lại bạn bè chuyện trò rất vui. Thấy Hiệp có vẻ khác trước nhiều, tôi thật tình ái ngại hỏi Hiệp:

- Hiệp nì, hỏi thiệt nghe, làm chi mà xuống sắc dữ rứa.

Hiệp cười nhưng không trả lời. Bạch Liên ngồi kế bên tôi nói:

- Nhưng mà vẫn còn đẹp trai.

Tôi nghĩ Hiệp không nghe nên lặp lại. Hiệp cười hiền lành với vẻ hài lòng, nên tôi cũng đỡ áy náy bởi câu hỏi ngờ nghệch của mình.

Lúc Hiệp đứng lên nói lý do buổi họp mặt, thấy Hiệp cứ ấp úng không mạnh dạn phát biểu, tôi và Bạch Liên nói với nhau:

- Hiệp bữa ni răng rứa…

Tôi nhớ lại năm 72, sau ngày khai giảng khoảng một vài tháng thì có lịnh động viên, nhiều bạn của lớp tôi và các lớp khác phải đăng ký nhập ngũ. Hiệp đại diện học sinh lớp 12, đứng dưới sân trường phát biểu và đọc bài diễn văn tiễn đưa bạn bè lên đường nhập ngũ rất hay và cảm động. Hiệp đọc rất dõng dạc, mạnh mẽ một cách hùng hồn và thuyết phục. Khi bài diễn văn chấm dứt thì cả sân trường rộn vang tiếng vỗ tay.

danangxua-truongpascal-1

Trước ngày tôi về lại Mỹ, Hiệp sắp xếp để bạn bè có một buổi họp mặt tại nhà hàng Hạ Linh. Chúng tôi vừa ăn uống vừa hát Karaoke cười vui rộn rã. Mấy giọng ca nam hát như ca sĩ: Hiệp hát hay, Thành giọng ấm và vững, Thông hát đạt tiêu chuẩn, Cư hát quậy mà vui. Duy Hiền, Ái Vân cũng hát rất hay …Ai cũng trổ tài làm ca sĩ hết, là ông bà và sắp sửa lên chức ông bà hết rồi mà giọng ca ai nấy cũng còn mạnh mẽ, mượt mà lắm. Rất vui vì các bạn vẫn trân trọng tình cảm bạn bè để cùng tới dự buổi họp mặt thân tình. Cám ơn tất cả các bạn: Duy Hiền, Ái Vân, Bạch Liên, Thanh Tịnh, Bồng, Xuân B, Thanh Xuân, Minh, Thành, Thông, Cư, Anh cận, H.C. Anh, Sáu, Sơn, Tuấn, Sanh, Du, Công, T.T Thu, và nhất là Hiệp đã nhiệt tình sắp xếp để bạn bè có một buổi họp mặt lưu niệm.

Lần nầy thì Hiệp có vẻ khí thế hơn, Hiệp đại diện bạn bè ở VN cám ơn BL, và gởi lời thăm hỏi cũng như cám ơn tất cả các bạn PTG khóa 72-73 ở Hải Ngoại: Tuyết Nhung, Bích Thủy, Thanh Nhàn, Quỳnh Hoa, Lệ Ly, Mai Dung, Thơi, Sang, Quang, Trương Ba, đã đóng góp giúp đỡ Sáu vượt qua bịnh tật, và những bạn khác trong hoàn cảnh khó khăn. Hiệp cũng thay mặt các bạn đặc biệt gởi lời cám ơn chân tình đến Mai Dung.
 
Những ngày cuối ở Sài Gòn
 
Ngọc Anh ở ĐN chơi vài hôm rồi về Sài Gòn trước tôi. Các em đã sắp xếp chương trình, chờ tôi ở bên nầy về mới tổ chức tiệc tân gia, nên tôi ra ĐN rồi về lại Sài Gòn để dự tiệc, và ở chơi mấy hôm trước ngày trở về lại Mỹ. Ngọc và Cường cũng có mặt nên Me tôi có vẻ vui. Hôm đó có Bích Sơn và Lịch, là những người bạn cũ cùng học PTG đến dự. Tôi đã có dặn kỹ số nhà ở Bình Lợi, vậy mà Bích Sơn vẫn nhắm thẳng hướng nhà cũ ở Gò Vấp, đến nơi rồi mới chạy ngược về lại Bình Lợi. Lâu ngày gặp lại thấy Bích Sơn vẫn vậy. Trước ngày đi Mỹ, tôi có đến thăm gia đình Bích Sơn. Nghĩa con trai Bích Sơn lúc đó còn nhỏ, nó thích cô BL gởi cho nó đồ chơi “ Những con siêu nhân”. Tôi có hứa nhưng rồi không còn nhớ khi đến Mỹ. Khi tôi hỏi thăm về mấy đứa con Bích Sơn, mới nghe Bích Sơn nhắc lại, suy nghĩ vài giây tôi mới chợt nhớ ra. Bích Sơn nói vui:

- Nhưng giờ thằng Nghĩa hắn cũng đã lớn, không còn thích chơi hình siêu nhân nữa rồi.

Tôi cười nói:

- Ừ hỉ, mới đó mà đã hơn sáu năm rồi.

Tôi thật sự hối tiếc vì đã thất hứa với Nghĩa, bởi bất cứ một món quà nào vào lúc nầy cũng không thể đem lại cho thằng bé niềm vui thuở nhỏ.
 
Tôi về rồi đi ĐN nên cũng chưa có dịp chuyện trò với Bích Thủy. Chiều hôm đó Bích Thủy qua phòng Ngọc Anh gọi tôi:

- Chị Liên qua em ngồi chơi.

Tôi chạy qua phòng Bích Thủy, hai chị em cùng nằm trên giường tâm sự…

Bích Thủy là em gái kế tôi, không kể em gái Mai Hương, đứa em gái giống hệt tôi, ngày xưa cũng là học sinh PTG đã mất sau ngày mất nước khoảng một năm. Bích Thủy rất giỏi, tạo nên sự nghiệp, lo lắng và quán xuyến gia đình. Sau bảy mươi lăm, gia đình tôi vào sống ở Sài Gòn. Vì mang lý lịch “ngụy quân”, nên mấy em gặp nhiều trở ngại trong học hành và công việc làm. Tôi lúc đó ở ĐN, rất thương mẹ và các em nhưng tôi không giúp được gì, vì tôi còn phải vất vả lo cho các con tôi, nên càng thương mẹ và các em hơn trong hoàn cảnh bế tắc. Tôi chỉ biết khuyên các em nên cố gắng để vượt qua khó khăn, dẫu sao cũng là hoàn cảnh chung của tất cả mọi người. Rồi em trai tốt nghiệp Đại Học, đi dạy ở Sài Gòn. Bích Thủy, Ngọc Anh cũng có việc làm ổn định, và bây giờ Bích Thủy đã thành đạt trong sự nghiệp của em. Bích Thủy hồi tưởng chuyện xưa:

- Em cứ nhớ hoài, hồi nớ nhà mình cực, Liên khuyên em thôi ráng đi, “hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai”, em cứ nghĩ rứa mà không buồn.

Nói chuyện một hồi Bích Thủy nhắc:

- Hồi Liên ở Đà Nẵng, biết Liên thích cái xe Honda, rứa mà em cũng chưa mua được cho Liên.

Tôi cảm động nói với em:

- Thủy cũng giúp chị quá nhiều việc rồi, may mà trời thương, cho Thủy có để mà lo cho nhà mình là chị mừng rồi…

Tôi vẫn luôn khắc khoải trong lòng tình nghĩa của các em dành cho tôi, nhất là các em đã gánh vác trách nhiệm lo cho Me thay tôi. Cùng với niềm khắc khoải ân tình đó, tôi rất mừng và thầm cám ơn trời Phật đã ưu đãi các em mình.
 
Hôm đó Bích Thủy xin nghỉ làm, ở nhà để đưa tôi đi. Sáng sớm, Bích Thủy, Ngọc, Cường và tôi đi bộ ra một quán gần nhà uống café và ăn sáng, cảm giác thật thảnh thơi nhàn hạ. Mấy hôm về đây, bây giờ tôi mới có dịp quan sát những ngôi nhà quanh xóm. Là khu tái định cư nên toàn là những ngôi nhà cao tầng, mỗi nhà làm theo một kiểu kiến trúc khác nhau. Trên sân thượng nhà nào cũng có trồng cây cảnh. Đi ngang qua cây trứng cá trồng trên vỉa hè, những tàng cây xum xuê tỏa rộng rợp bóng mát, có nhiều trái to chín đỏ. Ngọc thích thú cố nhảy lên níu xuống một cành để hái, và cười reo vui nói với tôi:

- Mẹ, con nhớ hồi nhỏ con với anh P. hay chạy qua nhà thằng Ki hái trứng cá, có khi con hái mấy trái mới chín hường để ăn.

Tôi mĩm cười trìu mến nhìn con gái mình, hình ảnh những ngày thơ dại của các con chợt thoáng qua trong tôi.

Tôi với tay hái ăn thử, trái trứng cá chín đỏ ngọt lịm và thơm. Tôi cười sung sướng khi nhận ra mùi trứng cá quen thuộc mà ngày xưa còn nhỏ, ở cư xá Thống Nhất Đà Nẵng, ngày nào mấy chị em cũng trèo lên cây hái ăn. Bích Thủy cười nhắc lại kỷ niệm:

- Em nhớ hồi nớ hay trèo lên cây trứng cá nhà mình bị Ba la.  

Nhà tôi hồi đó có hai cây trứng cá đằng sau nhà, ngày nào mấy chị em cũng trèo lên hái ăn no thôi. Những tàng cây trứng cá tỏa ra trên mái nhà, chỉ cần trèo lên cây và núp trên mái nhà là ở dưới không ai nhìn thấy. Khi nào thấy xe Ba tôi về, đợi Ba tôi vào nhà xong là mấy chị em vội vàng tuột xuống. Có khi cũng bị bắt gặp, Ba tôi la hoài, nhưng hễ đi học về là không bao giờ quên trèo lên cây trứng cá.

Những kỷ niệm xa xăm tưởng quên, nhưng vẫn còn lẫn khuất đâu đó trong ký ức chợt ùn đẩy nhau về, làm tôi thấy mình bỗng vui như thuở nhỏ. Tôi cười thân thiện nói với Bích Thủy:

- Chị cũng rứa, nhớ hồi nớ Ba kêu chú lính rào hết hai cây trứng cá rồi mà chị quên, bữa nớ mới đi học về là chị lọt tọt trèo lên liền, tới khi dây thép gai đụng trên đầu mới nhớ là Ba kêu rào lại rồi.

Hai chị em cười vui nhắc lại kỷ niệm mà bồi hồi nhớ tiếc tuổi thơ qua, thuở thơ dại hồn nhiên với quá nhiều kỷ niệm êm đềm, và cũng là đoạn đời vinh hoa, hạnh phúc của gia đình tôi.
 
Quán café là một quán vườn nằm phía sau căn nhà cao tầng rộng rãi. Từ ngoài cổng đi vào, băng qua hành lang bên hông căn nhà, qua một cái cầu bằng tre nhỏ, dẫn đến khu vườn rộng hướng mặt về phía bờ sông. Quán không sang trọng nhưng khung cảnh rất nên thơ. Những bộ bàn ghế cũng làm bằng tre rất mỹ thuật, được xếp cách khoảng nhau trong khu vườn nhiều cây cảnh thiên nhiên thơ mộng. Cuối khu vườn, ngăn cách với con sông là một hàng rào bằng dây kẽm gai, nên có thể nhìn thấy sông Sài Gòn uốn khúc đổ về, dọc theo phía sau những dãy nhà cao tầng. Gió sông thổi mát rượi, mặt sông phẳng lặng, những cánh hoa lục bình bồng bềnh trôi theo dòng nước, thỉnh thoảng một vài chú cá nhô lên đớp mồi làm giao động mặt nước sông im ắng buổi sớm mai. Ngồi bên nầy nhìn qua bên kia sông, khoảng cách không xa lắm, cảnh sông nước ở đây thật hiền hòa, êm đềm, làm sâu lắng lòng người. Là buổi sáng cuối cùng ở Sài Gòn nên tôi cảm thấy buồn. Ngồi ăn sáng uống café nhưng tôi mãi suy nghĩ đâu đâu. Bích thủy nói chuyện với Ngọc và Cường một hồi, cũng không quên nài nỉ tôi:

- Về chi mà có mấy bữa đã đi rồi.

Tôi cười mà cố nén nước mắt chực trào ra:

- Thôi để vài năm nữa, rồi hè nào chị cũng về chơi cho được vài tháng.

Tôi nói vậy nhưng không biết khi nào mới thực hiện được.
 
Đến gần trưa, chuẩn bị hành lý xong, tôi nắm tay Me từ giã. Bích thủy, Ngọc và Cường đưa tôi đi. Ngọc Anh đi làm nhưng đến trưa cũng chạy ra phi trường tiễn tôi. Ngọc Anh thật chu đáo, vậy mà cũng dành thời gian chạy đi mua quà để chị tặng bạn. Đứng với tôi một lúc, Ngọc Anh phải về vì sợ trễ giờ làm, nhìn em chạy lăng xăng ra xe mà chạnh lòng thương.

Đã đến giờ vào trong phòng đợi, nước mắt chực tràn ra dù tôi cố không khóc. Ngọc hiểu mẹ nên bước tới ôm quàng vai tôi an ủi:

- Mẹ đừng buồn, mẹ về rồi ra Tết là con về nghe…

Tôi quay qua chào em mình, chỉ nói được mấy tiếng “Chị đi nghe” là nghẹn ngào rồi. Bích Thủy gật đầu chừng như cũng muốn khóc. Tôi vừa bước đi vừa quay đầu nhìn lại như luyến tiếc chuyến về thăm nhà ngắn ngủi.

Đang ngồi bên trong phòng đợi trước khi lên máy bay, thấy có lời nhắn tôi mở ra đọc: “Liên đi bình an, luôn cố gắng nghe.”

Cám ơn bạn đã có lời nhắn nhủ, dẫu thế nào tôi cũng sẽ cố gắng tiếp tục đi tới, nhất định sẽ cố gắng để không chơi vơi giữa mênh mông bể cả đời người.

Ngoài kia những giọt mưa Xuân lất phất bay trong nắng ấm Sài Gòn. Lòng tôi ngập tràn cảm giác nao nao buồn khi một lần nữa lại rời xa gia đình, rời xa quê hương…

Nguyễn Bích Liên
3/2007

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn