BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72627)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31019)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xây Dựng Lòng Tin Tưởng Giữa Cha Mẹ Và Con Cái

23 Tháng Ba 20236:57 SA(Xem: 310)
Xây Dựng Lòng Tin Tưởng Giữa Cha Mẹ Và Con Cái
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Hầu hết các bậc cha mẹ đều có chung một tâm sự rằng, con cái tin tưởng thầy cô giáo hơn cha mẹ. Thực ra, nhận định đó là chưa thật chính xác và thiếu khách quan. Cũng có thể nhận định đó là đúng và phần lỗi lớn thuộc về cha mẹ. Tại sao con cái lại tin tưởng vào thầy cô giáo hơn cha mẹ? Trả lời được câu hỏi đó, các bậc phụ huynh sẽ biết cách để xây dựng được lòng tin tưởng đối với con cái. Điều đó rất quan trọng, nó mang tính quyết định đến sự thành công hay thất bại trong việc giáo dục con cái của cha mẹ. Không phải đến lúc này cha mẹ mới xây dựng lòng tin tưởng đối với con cái mà cha mẹ cần phải làm việc đó ngay từ khi con trẻ mới sinh ra. Cần phải làm cho con trẻ cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm của cha mẹ đối với chúng. Chẳng có người cha, người mẹ nào mà không yêu thương con mình cả. Chỉ có điều, cách thể hiện tình yêu thương đối với con trẻ như thế nào mà thôi. Người thì nông nổi, nuông chiều con qua mức, con muốn gì được nấy, mọi yêu cầu của con đều được cha mẹ đáp ứng bất kể đúng sai. Người thì nghiêm khắc quá, lúc nào cũng quát mắng, đe nẹt, làm cho con không dám tiến gần đến mà nũng nụi, rồi dần dần chúng xa lánh với người thân, sống khép mình. Người thì quan niệm, dậy con là “yêu con roi cho vọt” kết quả là để lại trong trẻ sự ác cảm sâu sắc, thậm chí còn nảy sinh tâm lý chống đối, thù hận và thờ ơ, lạnh nhạt đối với cha mẹ và người thân.

thaytrotieuhocthoivietnamconghoa

Giáo dục con cái bàng những biện pháp như trên là vô tình cha mẹ đang đánh mất dần lòng tin đối với con trẻ. Chúng tôi cho rằng, yêu trẻ cũng là một nghệ thuật, thương con nhưng không phải là nuông chiều con cái quá mức. Nhưng cũng không nên thả lỏng con trẻ, sự khoan dung chiều chuộng con cái cũng có mức độ và đúng lúc, đúng chỗ. Không nên quản mà không thúc, lấy phương pháp hướng dẫn, gợi mở là chủ yếu. Để cho trẻ thấy rằng, sự quản thúc của cha mẹ không phải là để thị uy, mà là mong muốn con cái học hành tốt, xây dựng cho con tương lai tốt đẹp. Đồng thời cha mẹ cũng nên đem tấm gương của mình ra để làm gương cho con trẻ. Khi con cái đã tin tưởng vào cha mẹ thì mọi điều dạy bảo của cha mẹ với chúng đều có tác dụng tích cực. Cha mẹ cần phải là người mà trẻ tin tưởng nhất. Bởi gia đình chính là trường học đầu tiên của con trẻ và cha mẹ được coi như người thầy đầu tiên.

 Trước mặt con trẻ, cha mẹ cần xây dựng cho mình một phong cách đứng đắn, mọi lời nói, mọi hành xử đều có sức thuyết phục. Tuyệt đối không bao giờ được nói dối con trẻ, nếu hứa cho chúng đi chơi để dỗ cho chúng ăn hoặc dỗ cho chúng làm bài tập rồi cha mẹ quên ngay lời hứa đó, nhưng với trẻ thì chúng không thể quên, chúng vẫn ghi nhớ lời hứa của cha mẹ. Nếu cha mẹ thất hứa thì lần sau chúng sẽ không tin vào lời hứa của cha mẹ nữa. Ngay cả trong cách cư xử của cha mẹ với ông bà hoặc giữa vợ chồng với nhau mà có sự to tiếng, không kính trên nhường dưới thì ngay lập tức sẽ để lại ấn tượng xấu trong đầu con trẻ. Đối với người bề trên, cha mẹ đối xử kính trọng, lễ phép, với con trẻ thì đúng mực thì lẽ đương nhiên lòng tin của con cái với cha mẹ sẽ là bền vững.

Để giúp con cái tiến bộ, cha mẹ cũng cần phải tin tưởng vào con cái mình. Tuyệt đối đừng mắng nhiếc chúng là đồ ngu độn, xấu xa, đừng đay trì con cái, đừng đem con cái so sánh với đứa trẻ khác để ỉ ôi, mắng nhiếc con cái. Khi trẻ mắc sai lầm, cha mẹ nhẫn nại nhẹ nhàng giải thích cho trẻ thế nào là đúng, là sai và giúp chúng sửa chữa sai lầm, thể hiện cho con biết cha mẹ tin rằng con sẽ tiến bộ. Có như vậy chúng mới có thể thực sự tự tin vào mình trong học tập cũng như trong cách đối xử với người khác. Cần phải tin tưởng vào con, tôn trọng ý kiến của con.

Cho đến lứa tuổi dậy thì, khả năng lựa chọn, phán đoán, thể hiện sự yêu ghét hình thành ngày càng rõ rệt. Nhưng do khả năng nhận thức của con trẻ còn hạn chế nên trong suy nghĩ, hành động đôi khi còn có sự thiếu sót. Vì thế chúng cần được cha mẹ tôn trọng và thông cảm. Nếu chúng cảm nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của cha mẹ đối với chúng thì chúng cũng sẽ tự tin hơn trong học tập và cuộc sống. Nhiều bậc cha mẹ không tin tưởng con cái, chỉ sợ con mình sẽ mắc sai lầm nên quản lý chặt chẽ, luôn giám sát con cái từ hành động đến nói năng giao tiếp. Thực ra làm như vậy chưa phải là tốt cho con. Trong quá trình trưởng thành, có ai mà không ít nhiều mắc sai lầm, nên các bậc cha mẹ cần phải nhìn thẳng vào khuyết điểm của con, không nên viện cớ con còn bé, nhận thức còn nhiều hạn chế nên giám sát, quản lý, không tin tưởng để trao cho con cái quyền được làm chủ nhận thức, làm chủ hành động của cá nhân phù hợp với quá trình phát triển tâm sinh lý của con trẻ mà vô tình hạn chế, cản trở quá trình phát triển tự nhiên của con trẻ.

Điều quan trọng là tin tưởng ở con, cho con cơ hội để sửa chữa sai lầm. Tin tưởng vào con một cách chân thành sẽ tạo sự tự ý thức ở chúng ngay từ khi còn nhỏ, khiến con cái có trách nhiệm với chính hành vi của mình, chủ động hơn trong hành động, cố gắng hơn trong học tập để mong làm vui lòng cha mẹ. Hãy tạo dựng lòng tin vào con để giúp con tự tiến bộ.

*

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319, Long Biên - Hà Nội.

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn