BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77440)
(Xem: 63325)
(Xem: 40775)
(Xem: 32394)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vài kỷ niệm với trường Thái Phiên

02 Tháng Tám 20227:14 SA(Xem: 734)
Vài kỷ niệm với trường Thái Phiên
50Vote
42Vote
30Vote
20Vote
10Vote
42

(Thân tặng các em học sinh lớp 12D2 niên khóa 1976-1977)

Năm 1974, tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế. Là người đỗ “đầu ban,” nên tôi được ưu tiên chọn nhiệm sở và tôi đã chọn về thị xã Đà Nẵng.

Sở dĩ tôi chọn nơi đây vì rất gần với Huế, tôi có thể hoàn tất bằng cử nhân Địa Lý mà tôi còn dang dở và xin học cao học Sử ở Đại Học Văn Khoa. Mặt khác, Đà Nẵng là thị xã nên không phải đi về trường xa trung tâm thiếu an ninh.

Không thể chọn trường nữ Hồng Đức do cô hiệu trưởng cương quyết không nhận nam giáo sư trẻ, nhưng do không muốn về trường Phan Châu Trinh vì dạy toàn nam sinh ngỗng đực, và không muốn đi ra ngoại ô nên tôi không thể chọn Thái Phiên hay Hoàng Hoa Thám, tôi chọn về trường nhỏ Nguyễn Trường Tộ (nay là trường trung học cơ sở Tây Sơn ở Hòa Cường).

Dạy được mấy tháng thì biến cố xảy ra. Sau đó vài năm, nhờ hết sức “phấn đấu” về chuyên môn, tôi mới được làm “giáo viên lưu dung!”

Năm học 1975-1976, trong khi phần lớn bạn bè bị điều ra các trường huyện, tôi lại có may mắn được ở lại thành phố về dạy tại trường trung học Thái Phiên. Anh bạn trước đó cùng dạy với tôi ở trường Nguyễn Trường Tộ, có lý lịch tốt “được” về dạy tận Đại Lộc đã “giải thích” với những người cùng cảnh ngộ rằng “anh em mình có lý lịch tốt nên họ yên tâm cho đi xa, còn ông Thí lý lịch không tốt họ để ở gần để tiện theo dõi.” (Sau đó hơn 10 năm, anh mới phấn đấu để được “theo dõi” như tôi).

truongthaiphienmoi
Tôi lại có may mắn được ở lại thành phố về dạy tại trường trung học Thái Phiên. (Hình: Facebook Thi Lê)


Trường trung học Thái Phiên vì thế đã trở thành ngôi trường đầu đời của tôi, với biết bao kỷ niệm vui buồn. Xin kể vài chuyện:

Khi dạy ở đây tôi được địa phương cử làm trưởng Ban Xóa Mù và Bổ Túc Văn Hóa. Với công tác không lương này, tối nào tôi cũng phải đến các điểm dạy để kiểm tra và hỗ trợ. Hôm nào có nơi vắng giáo viên là tôi “nhảy” vào dạy thay.

Dân vùng Thanh Khê đi học nói rặt giọng Quảng, lại là thứ giọng Quảng của vùng biển. Nhiều thầy cô giáo dạy bổ túc lại nói giọng Huế hoặc giọng khu Bốn. Vì vậy, mấy thầy cô đọc chính tả các học viên thường viết sai. Điều đặc biệt ở các lớp này là đọc sai họ lại viết đúng, đọc đúng lại viết… trật. Phải đọc là “núa,” “diết,” “lòm…” thì học viên mới viết là nói, viết, làm. Ngược lại thì họ viết trật lất.

Nhờ nắm được đặc điểm này, nên tôi dạy viết chính tả họ thường viết ít bị lỗi. Tôi được khen “chỉ có thày (thầy) Thí dạy là diết (viết) chính tả ít bị lỗi, mấy cô Huế đặc (đọc) diết (viết) sai hết trơn!”

Một lần vợ bị ốm, tôi xách giỏ đi chợ thay. Ra chợ gặp toàn học trò… bổ túc văn hóa. Họ mừng ra mặt, đầu này gọi thày đầu kia chào thầy. Người thì lôi giõ bỏ con cá, người thì bỏ con mực, người thì bỏ trái bí, bó rau… Từ chối mấy cũng không được.

Về nhà kể lại, vợ liền bảo: Thôi bữa ni trở đi phân công anh đi chợ, em chỉ nấu ăn và rửa chén thôi…

Một lần khác, tôi cùng anh bạn dạy cấp 2 tranh thủ buổi tối đi thăm một gia đình học sinh. Học trò tôi học cấp 3, học trò anh học cấp 2. Gia đình hai đứa học trò tương đối khá giả vì nhà có tàu đánh cá.

Chủ nhà tiếp đón niềm nở. Người cha thì ngồi trên phản tiếp hai thầy, bà vợ thì đứng xớ rớ bên cạnh tiếp thêm trà nước. Trong câu chuyện vui, ông phụ huynh thực tình hỏi: “Lương mấy thầy được bao nhiêu? Anh bạn thật thà trả lời: “Dạ anh Thí dạy cấp 3 mỗi tháng lãnh 60 đồng, còn tôi dạy cấp 2 chỉ có 50 đồng thôi.”

Ông phụ huynh kêu lên: “Trời! chi ít rứa. Không dấu chi quý thầy, chứ tàu tui ra vô một tuần là có cả ngàn đồng.”

Bà vợ đứng cạnh xuýt xoa: “Tội nghiệp chưa. Rứa mà vì ‘ham danh,’ đêm hôm cũng phải đi thăm học trò (ý bà muốn nói vì trách nhiệm).” Hai thằng thầy nhìn nhau… vừa vui, vừa… ngượng!

Khi ra về, hai ông thầy được phụ huynh tặng hai chai nước mắm nhĩ. Xách chai mắm tòn ten trên tay, anh bạn vừa cười vừa bảo: “Ăn hết hai chai ni anh em mình lại ‘ham danh’ tiếp nghe!”

Thời đó, nhiều học trò của trường Thái Phiên nhà ở tận Nam Ô (Hòa Hiệp), Phú Thượng (Hòa Sơn) cách trường cả chục cây số. Các em phần lớn đi xe đạp hoặc đi xe lam. Buổi sáng trường lại bắt đầu vào học lúc 7 giờ kém (trước giờ học còn phải có cờ đỏ kiểm tra, hát, báo cáo, kiểm điểm), vì vậy rất nhiều em đi trể, nhất là vào mùa Đông. Mà đi trể thì phải đứng ngoài trường hết tiết một may ra mới được vào. Nhà trường quy định như vậy để buộc các em phải đi học đúng giờ. Mà các em làm sao có thể đi đúng giờ như quy định được, khi không chủ động trong phương tiện đi lại.

Là thầy giáo, tôi nhìn đôi mắt lo âu, đau khổ sợ sệt của các em (nhất là của những em học sinh nữ) phía sau song sắt của cổng trường mà không cầm được nước mắt. Nhưng đành chịu. Thân phận của thầy giáo trẻ “lưu dung” ngày ấy có hơn gì các em!

Một lần góp ý với một thầy giáo là đoàn viên phụ trách Đội Cờ Đỏ của trường, tôi bị anh phê bình: “Đừng có mà tiểu tư sản. Xẻ dọc Trường Sơn còn làm được sao chuyện nhỏ như vậy học sinh lại không khắc phục.” Tôi ngồi im chịu trận!

Có một thời “lãng mạn” chúng tôi dù “không tự nguyện” đã đứng về phía những người “có quyền” để hành hạ các em. Nghĩ lại, thương các em một thời nhọc nhằn đi tìm con chữ!

Cách đây mấy hôm, tôi nhận được giấy mời của các em học sinh thời đó mời về dự kỷ niệm 45 năm ngày ra trường. Đại diện cho lớp để liên lạc với tôi lại là một trong những nữ sinh học rất giỏi, rất ngoan hiền từng có “đôi mắt lo âu, đau khổ, sợ sệt” phía sau song sắt của cổng trường ngày ấy mà tôi từng chứng kiến. Bao kỷ niệm lại ùa về.

Đường xa quá không thể về chung vui cùng các em. Thầy thành thật xin lỗi các em, cả chuyện ngày xưa và hôm nay! Chúc các em có chuyến “tìm lại tuổi thơ” thật ý nghĩa, tràn đầy niềm vui và hoài niệm.

Thi Lê
Nguồn : Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn