BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72631)
(Xem: 62055)
(Xem: 39151)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Con gà mái dầu đi cải tạo

21 Tháng Sáu 20227:22 SA(Xem: 879)
Con gà mái dầu đi cải tạo
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Con gà mái dầu thì ai ai trên đời này mà không biết nó. Từ đông sang tây, từ quê ra tỉnh… ở đâu chả có gà. Gà nuôi làm nguồn thực phẩm thường dùng, cũng có người nuôi gà làm cảnh, gà chọi, gà tre. Con gà trống gáy ó o mỗi sáng báo hiệu bình minh, thức dậy làm việc, chiều thì gà lên chuồng là hết một ngày.

 

congaĐặc điểm của con gà mái dầu là mập, lông màu nâu thẫm, láng mướt, nó đi chắc chắn và cái miệng la to quang quác, « cục ta cục tác cục ta cục tác » mỗi khi vừa đẻ xong một quả trứng tròn tròn hơi ô–van và ấm ấm. Nó khoe thành tích của nó, nhưng đặc biệt là mỗi khi nó ấp ổ trứng, thì nó nhè nhẹ, lặng lẽ lên xuống ổ, rất êm nhẹ như một bà mẹ khéo léo không muốn làm tiếng động lỡ giấc ngủ của đàn con.

 

Người ta hay nuôi gà, lập trại gà ở giữa rừng, vừa mát, vừa thoáng có chỗ cho gà tha hồ ríu rít xô đẩy hay chạy nhẩy. Các trại cải tạo của cộng sản Việt Nam lập ra cho quân nhân chế độ cộng hòa trước 1975 cũng thường lập ra ở những miền hoang vu cạnh đồi núi, suối nước hay giữa rừng già bạt ngàn, xa cách nơi dân cư sinh sống, nghĩa là họ muốn cô lập kẻ thù hay chúng muốn coi kẻ thù như gà? Và dĩ nhiên ở giữa rừng thì toàn cây và lá cây, đã gọi là rừng bạt ngàn mà, buồn lắm!

 

Chồng của Thu cũng bị cải tạo ở cái góc rừng đó, ở Bù Đăng Bù Đốp thuộc Phước Bình, Phước Long. Nơi đó có bao giờ Thu đặt chân đến làm gì, ngoại trừ lần này cô đến, đến thăm chồng vì đã 3 năm chờ đợi giờ mới nhận giấy thăm nuôi. Khi nhận giấy báo, Thu vừa mừng vừa lo, lo làm sao có chút tiền mua quà tiếp tế cho Cường, chồng cô. Mặc dù qua lá thư viết về, Cường không ngỏ ý không xin một món gì, mà chỉ căn dặn vợ « ráng chịu khó, vui vẻ, làm việc dạy học nuôi con, chờ ngày đoàn viên, anh sẽ về cùng em xây dựng tốt hơn cuộc sống gia đình, lo cho các con ».

 

Điều khó nghĩ là ở chỗ đó, chồng Thu bảo là trên đó không thiếu thốn gì cả, măng le vô khối, luộc kỹ ăn trừ cơm, rau rừng mọc đầy bên suối, hái về nấu canh suông ăn mát cả ruột, còn cơm gạo, anh đâu thiếu đâu em, vì có những anh bạn không ăn được bắp, bạn đổi với anh lấy cơm gạo hơi mục, anh lấy hai trái bắp, nhai lâu thật lâu, không thèm ăn nữa và đỡ đói, thêm chắc bụng đêm ngủ ngon.

 

Em lên thăm anh là đủ, đừng xách chi nhiều nặng nhọc và tốn kém, đường xá xa xôi vất vả, xe cộ khan hiếm, lên tận biên giới, muỗi độc to, rừng ẩm thấp, đi cẩn thận.

 

Nói là vậy, Thu biết tánh chồng chu đáo, thương gia đình, không đòi hỏi, nhưng rồi cũng loay hoay rút trong tủ áo quần, bán đi một mớ, mua sắm vài thứ tối cần thiết cho người tù, thuốc tây, dầu nóng, muối đậu, xả kho và mì phơi khô… Còn lại vài chục đồng, mang theo đưa chồng, dằn túi, họa may khi được thả ra mà về tới nhà.

 

Cường bản lãnh cứng cỏi, biết vợ yếu lòng hay xúc động, nên anh tỏ ra chắc chắn vững tay chèo, dù chẳng còn thuyền bè hay tàu lớn tàu nhỏ gì mà chèo với lái.

 

Nửa năm trước, trong thư viết về thăm gia đình, Cường khoe với Thu: Nào là ở đây, núi đồi trùng điệp thoáng mắt lắm, nên lên đây ở mỗi ngày, dễ em làm được mấy bài thơ! Ngô, tụi anh trồng đã lên xanh mướt, đêm đêm, vườn bắp, lá bắp loang loáng dưới ánh trăng. Những luống khoai mì mọc lên cao ngang đầu người rồi, từng lớp lá dập dờn trong gió trưa hè đẹp như trong vườn sắn của Hồn Bướm Mơ Tiên. Ba đứa anh, anh, Đức và Châu, nuôi được một con gà mái dầu đẹp bóng mượt, mập và chắc như một bà mẹ quê!

 

Thu dằn lá thư của Cường xuống bàn, lẩm bẩm… xạo, xạo, xạo ơi là xạo… xạo vừa thôi nhe… nuôi được mỗi một con gà mà làm như bà tiên…

 

…Anh và hai bạn đóng được một cái chuồng tre chắc chắn cho gà, chiều chiều tụi anh hút thuốc lào, uống café gạo rang cũng bên chuồng gà… khi đi làm rừng về, tụi anh có mang về mấy giò lan treo lủng lẳng bên chòi gà, nhiều giò lan đủ màu thơm ngát…

 

Thu cười nhạo báng: « Cứ ở cái góc rừng đó mà ngắm lan mà nuôi gà đi… dóc tổ vừa thôi xạo xạo… » Thu cau mày, nhưng nàng vẫn tin tưởng, vì Cường chưa một lần nói dối nàng một điều gì. Nàng chợt xót thương, có lẽ Cường đang cố gắng, cố gắng cho mình và cho vợ con, nhưng cố gắng mà làm gì khi quê hương đã chẳng còn.

 

« Phận trai già ruổi chiến trường ? » Chiến trường còn đâu mà ruổi, vậy bao giờ: « Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về ? » (Chinh Phụ Ngâm).

 

Nay mai thôi Thu sẽ gặp chàng Siêu của nàng, chàng chưa về thì nàng đi tìm gặp, nàng đã có giấy thăm nuôi và đã xin giấy đi đường.

 

Qua những chặng đường dài hướng lên Bình Long, tìm tới trại cải tạo Bù Gia Mập, qua bao con đường thiên lý còn loang lổ những hố bom đạn, qua bao rừng cây chằng chịt, qua suối, qua sông, qua cầu mắc cạn… rồi nàng cũng tới được nơi có Cường ở. Anh đã ra gặp vợ, vẫn nụ cười hồn nhiên, vẫn bước đi nhanh nhẹn, Cường gầy đi, nên nhìn xa xa coi như anh trẻ ra. Kịp tới gần, mới thấy anh còm cõi, da xanh xao và đôi mắt mệt mỏi. Anh mặc chemise ngắn tay và một quần tây xám cũ. Bộ áo quần đó Thu gửi lên từ lâu có lẽ anh để dành bộ cánh này để chỉ mặc vào dịp thăm nuôi, chứ dọc đường Bù Đăng Bù Đốp, Thu đã chứng kiến tận mắt những người cải tạo đi lao động, họ rách rưới teng beng y thể một tập hợp cái bang thời xưa còn rơi rớt lại.

 

Chồng và Thu vào ngồi trong nhà thăm nuôi, cạnh một cây to bóng cả, Cường giăng ra cái mùng lưới mỏng bảo là sợ Thu bị muỗi cắn, rôi khi về sẽ bị sốt rét vàng da. Đúng đây là rừng, là cây và gió ngàn vẫy gọi, nhưng cô quạnh quá. Nhưng không, không hoàn toàn là quạnh vắng, vì ô kìa, cạnh phía bên chồng Thu vừa vào, có bóng một con gà mái chạy theo chàng. Đúng là con gà chàng đã nói đến trong thư, con gà nhà dạn dĩ, nó không giống gà rừng bé nhỏ, chân cao, đủ màu, hay kêu ré lên mỗi khi chạy vụt qua đường. Con gà của Cường thấp, mập, lông sẫm mầu và bóng mướt, hai chân vàng, lớn, đi chậm chậm, thủng thẳng, rất chắc chắn. Nó chỉ bới quanh quẩn xung quanh gốc cây kế bên Cường, như là nghịch chớ không phải kiếm ăn.

 

– Gà của anh nuôi hả? Nó đẹp đấy!

 

– Thì gà được nuôi mà, không béo mập sao được? Ba đứa anh chăm nó lắm.

 

– Có con gà nuôi… Vui nhỉ.

 

Hai người trao đổi, hỏi thăm qua lại ân cần, con cái, cha mẹ, anh em, công việc làm… Cường cầm bàn tay Thu, vẫn bàn tay mềm và ấm… Em đã lớn lên rồi. Em lớn từ lâu rồi… anh đừng lo ngại gì cho em… ráng cố gắng mà về sớm sớm các con nó đợi chờ… Rồi để cho qua giây phút nặng lòng, Thu chợt bảo:

 

– Ở đây họ cho mấy anh nuôi gà à?

 

– Thì khuyến khích canh tác chăn nuôi trồng tỉa…

 

– Nói láo như trời ấy, nuôi được một con gà mà làm như chọc tới tận trời xanh, này ở đâu ra con gà đẹp đấy?

 

– Anh xin được của một anh bạn đồng cảnh trên lán một, khi nó còn bé tí lại bị què. Anh, Đức và Châu săn sóc nó, nó khỏi què chân và lớn dần, cũng gần một năm rồi.

 

– Vậy mấy anh phải chia phần ăn cho nó sao?

 

– Không, không phải vậy, nó sống « vương giả » hơn tụi này nhiều. Vì tụi anh 3 đứa chia nhau thay phiên cứ ngày ngày vô rừng đốn cây, chiều về mỗi đứa một lần mang về cho nó một ổ mối, đổ mối ra, gà tha hồ ăn. Nhìn nó ăn thỏa thuê, thấy đã lắm.

 

– Hèn gì nó mập mạp hơn gà nuôi ở nhà.

 

– Vậy mà cũng có lần khổ to vì nó. Xuýt nguy!

 

– Là sao?

 

– Vì có lần nó ăn mối không hết, giỡn, đạp văng mối ra lung tung. Bất ngờ có một họ hàng nhà kiến ở dưới đống lá khô ra rủ nhau tha mối về tổ. Hay lắm, tập hợp kiến rất có kỷ luật, cứ bốn con kiến bốn góc, tha một con mối bự mang đi. Kiến đi từng hàng rất có kỷ luật, trật tự, xếp hàng thẳng, rồi cong cong, rồi lại thẳng, luôn giữ trật tự như lính đi duyệt binh, rất đẹp.

 

– Thì có sao?

 

– Có sao và có cả trăng. Mấy thằng quỷ bạn anh, ngó đàn kiến tha mồi đi thẳng tắp thì ngẫu hứng đồng ca lên bài « Bác đang cùng chúng cháu hành quân!» Bộ đội quản giáo tới gần hồi nào không hay, vậy là cả toán anh bị phạt, viết bài kiểm thảo không được xúc phạm đến cách mạng, nhất là tới bác Hồ. Người và cả gà bị nhốt mất ba ngày. May mà chưa có đứa nào chết đói. Tụi anh phải len lén nhờ bạn ở sát bên rỉ tai nhau thỉnh thoảng cho gà uống chút nước, không thì nó đã toi mạng từ lâu, nay khỏi ra được đây chào bà chủ…

 

Hai người cứ nói chuyện và con gà cũng chỉ quanh quẩn cạnh cái mùng móc lên gạc cây, nó không đi đâu xa Cường, khi Cường búng tay nó chạy lẹ lại chờ đợi chủ thẩy cho một hạt cơm khô.

 

*

 

Một năm sau, có lẽ đủ duyên sống ở rừng, trong ba đứa đồng cảnh cải tạo, Cường, Đức và Châu, thì có Cường và Đức được báo sắp ra trại. Châu chưa có gì vui, đợi kỳ sau. Con gà mái dầu thì cũng có thay đổi, nó nặng nề, khệ nệ hơn, nó đã đẻ đưọc gần 20 cái trứng to và láng, to gần như trứng con vịt nhỏ, tuy vậy hình như buồng trứng sai, nó vẫn chưa ngừng đẻ mỗi ngày.

 

Cường, Đức và Châu đan cho nó một cái ổ xinh xắn đặt chắc chắn trong góc chuồng, có móc cài vì sợ con gì đó vô ăn trộm « gia tài của mẹ ». Trước ngày Cường và Đức ra về, cả ba bàn nhau về con gà mái dầu, Châu tính làm thịt nó cho một bữa tiệc chia tay. Nhưng Cường và Đức quyết liệt phản đối, viện lẽ cả hai sắp về với gia đình. Châu còn ở lại trại, phải để cho gà mái ấp trứng và nhứt là để cho Châu vẫn có tri âm tri kỷ! Cường và Đức hẹn ngày trở lại thăm đàn gà con mà hứa hẹn là sẽ đẹp lắm, sẽ là gà mẹ chăm đàn gà con.

 

Nhưng rồi về thành phố được chừng gần 2 tuần lễ, Cường ra phố, anh có gặp lại người bạn cùng trại tù ra sau 5 ngày, Cường hỏi thăm đầu tiên là sức khỏe của Châu, và không quên nhắc đến con gà mái dầu. Người bạn rầu rầu cho anh hay, hai anh về được đâu hai bữa thì Châu nó buồn tủi quá, nó cho ban nhà bếp làm thịt gà. Có lẽ Châu nó hơi quẫn trí và vô vọng sao đó!

 

Cường buồn, nói lại sự việc với vợ, Thu òa khóc hai bàn tay ôm mặt, khóc rấm rức.

 

Thấy Thu nức nở mãi, Cường chỉ thở dài thổn thức.

 

Khi các bạn mất nhà mất cửa

Mất con đường khu phố thân quen

Và mất đi ngàn cái không tên

Những cái đã làm nên cuộc sống

Khi các bạn lìa cha, lìa mẹ

Lìa bạn bè, lìa vợ, lìa con

Có phải không xác đã lìa hồn?

Hay cỏ cây đã lìa khỏi đất?

 

Chúc Thanh

(Paris, 5/2022)
Nguồn : Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn