BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72637)
(Xem: 62055)
(Xem: 39154)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một vài mẩu chuyện vặt trong tù

20 Tháng Chín 20217:11 SA(Xem: 1389)
Một vài mẩu chuyện vặt trong tù
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

(Viết nhân kỷ niệm 13 năm ngày bị bắt, 9 năm ngày được thả và tròn 111 ngày bị cầm tù vì đại dịch)

Phạm Thanh Nghiên
(Vì kể chuyện cũ nên dùng hình cũ minh họa. Đây là một trong những tấm hình tôi ưng nhất, chụp bên giàn trầu không mẹ tôi trồng. Hồi ấy tôi 36 tuổi, mới ra tù được vài tháng).

 

1. “Ơ cái chị này hay nhỉ”

Sắp đến kỷ niệm 13 năm đi tù và 9 năm ra tù nên nhiều ký ức về tù cứ ùn ùn kéo về. Khiếp, một câu văn mà có đến 3 chữ “tù”, kinh bỏ xừ đi được ấy.

Hồi ở nhà tù Trại 5 Thanh Hóa, nhiều cai tù ngứa mắt với tôi lắm. Lý do là tôi chẳng chịu làm gì, chẳng chịu “lao động” để được “vinh quang” như ai kia đã dạy. Tuy nhiên, hàng ngày tôi vẫn theo đội lao động đi ra xưởng sản xuất. Ra đấy thì trải chiếu dưới gốc cây ngồi đọc sách hoặc chơi với con chó, con mèo, có khi nằm khểnh, chờ hết giờ thì về trại. Cai tù xem cái sự ngồi chơi không của tôi là điều phải chấp nhận. Thế còn hơn là để tôi lượn từ đội này sang đội khác, đi từ đầu phân xưởng đến cuối phân xường, rồi săm soi, bắt lỗi hết chuyện nọ xọ chuyện kia. Lôi thôi lắm. Gì chứ trong tù, chuyện tiêu cực có kém gì ở ngoài xã hội. Từ giám trị cho đến cán bộ, dưới nữa là cánh tù nhân, hầu như ai chả có “phốt”. Nên cứ để tôi tự do nhàn rỗi ngồi dưới gốc cây cho khỏi lôi thôi, sinh chuyện.

Một hôm, người cai tù tên Minh ở Phân trại nam có việc phải đi sang bên xưởng lao động của Phân trại nữ. Thấy tôi đang ngồi đọc sách dưới gốc cây. Ông ta tiến lại gần, hỏi:

- Vì sao chị không chịu cải tạo ? (Trong tù người ta quen miệng gọi việc “lao động” là “cải tạo”)  

Tôi trả lời:

- Tôi không có nhu cầu cải tạo từ người tốt thành người xấu. 

Ông ta hơi gằn giọng:

- Đã có tội, vào đến đây rồi thì phải cải tạo.

Tôi gằn giọng, nhìn thẳng vào mắt ông ta tra lời:

- Tôi không có tội. Ông nhớ cho.

Hình như ông ta hơi choáng. Cũng dễ hiểu thôi, từ trước đến giờ làm gì có tù nhân nào dám nói với cai tù như thế, trừ tù chính trị. Sau ít giây định thần lại, ông ta buông một tiếng cười khẩy, đầy mỉa mai và có phần thách thức:

- Không có tội sao phải vào đây, sao phải mặc áo tù thế này?

Vớ được câu ấy, tôi tuôn ra một tràng:

- Tôi không tự động vào tù. Chính người của các ông bắt tôi vào đây đấy chứ. Còn nếu ông đã gợi ý như thế thì có lẽ tôi cũng sẽ cân nhắc xem có nên tiếp tục mặc chiếc áo tù này không. Tôi thấy ông gợi ý thế cũng hay lắm. Hay là ngày mai…

Tôi chưa nói hết câu, ông ta vội cắt lời:

- Ơ cái chị này hay nhở, tôi gợi ý chị bao giờ? Tôi không gợi ý nhá, chị đừng có mà đổ vạ. Đúng là nói chuyện với chị khó thật.

Rồi ông ta hậm hực bỏ đi. Từ đó thi thoảng có việc, ông ta vẫn sang nhưng thường tránh mặt tôi. Có lúc không tránh được, chạm mặt nhau, lại cười trừ.

Khổ thân nhất là mấy người tù ở gần đó, nghe cuộc đối thoại giữa tôi và người cai tù, họ sợ xanh mắt. Tội nhất là cô Dung “Phong”, án chung thân, nghe tôi “cãi cán bộ như chém chả’, sợ đến nỗi rơi cả chìa khóa hòm. Cho nên hôm ấy về phải lấy gạch đập ổ khóa ra để lấy đồ ăn. Suốt mấy hôm liền không dám ra chỗ tôi ngồi tán gẫu như mọi ngày vì sợ vạ lây. Dễ đến cả tuần lễ sau cô Dung mới lại dám mon men đến chỗ tôi, nhưng cũng chỉ ngồi chuyện trò chốc lát rồi mắt la mày lém lượn ra chỗ khác vì sợ cán bộ bắt gặp. Bao nhiều người tù bị đi “uống cafe” can tội giao du với “con phản động” là tôi rồi. Nhưng hình như tôi …dễ thương hay sao ấy (lần đầu tôi tự khen mình), nên dù bị cấm, nhiều người tù vẫn qua lại, quý mến và ngầm giúp đỡ tôi trong suốt 4 năm tù. 

Đời tù như thế kể cũng vui!

2. Mưa đêm

Tạnh mưa lâu rồi, từ tối lận. Vậy mà chẳng rõ, nước đọng ở đâu vẫn đang thong thả rơi từng giọt nặng trĩu lên mái tôn.  Ôi trời, đúng là cái thứ âm thanh kỳ lạ được làm từ mưa, từ đêm, từ nhà tù nghe đến não lòng.

Con bé Hương sáng mai ra toà.Nó khó ngủ, nằm đếm từng tiếng mưa rơi trên mái. Nó dị đoan đến nỗi chỉ đếm đến đúng con số 17 - ứng với số tuổi của nó, là ngừng. Rồi lại bắt đầu đếm từ số một. Không biết nó đếm được bao nhiêu số 17 rồi. Chắc nó vừa đếm, vừa ước ao điều gì. Hai hôm trước nó khoe, án của nó chắc chỉ 2 đến 3 năm là về, chả phải ở tù lâu như lẽ ra phải thế. Dù gì bố mẹ nó cũng chạy chọt rồi. Với lại tuổi vị thành niên, chả toà nào xử án nặng.

Hôm sau được tin, con bé Hương bị xử 6 năm tù. Nặng hơn nó tưởng. Bố mẹ nó “chạy” không đúng cửa. Tù kháo nhau như thế.

Nếu đi hết 6 năm, lúc ra tù Hương bước sang tuổi 23. 

Những năm tháng tù của Hương, nặng như giọt mưa đọng đâu đó rơi xuống mái nhà. Thứ âm thanh tê tái được làm từ mưa, từ đêm, từ buồng giam nhà tù.

3. Sao tam giác nỡ đành quên

Chả là đời tù nó buồn lắm. Nên cần nghêu ngao, hát hò giải khuây. 

Mà cái cách “phổ cập âm nhạc” trong tù cũng hay đáo để cơ. Không hát nhạc đỏ, tức là mấy bài kiểu “đảng đã cho ta một mùa xuân”, hay “bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Chị nào hát mấy bài ấy, bọn tù nó cười cho, bảo “đồ thần kinh”, “mày hát mấy bài đấy nghe như c. ứ. t ấy”. Mặc dù các buổi văn nghệ do nhà trại tổ chức, đều bắt buộc hát nhạc đỏ. Nhưng để giải khuây, để ngân nga cho nhau nghe, để khoe giọng, để trải lòng mình ra với đời tù khốn nạn thì dứt khoát phải là “nhạc vàng” - nhạc Miền Nam trước 1975. 

Chả thế mà có những chị tù ban ngày hục mặt ra làm mong cho đủ mức khoán, đêm về vẫn hý hoáy chép bài hát.

Tù buồn. Cai tù có lúc cũng buồn. Không buồn sao được khi cả ngày cứ ngồi không, canh bọn kẻ sọc cuốc đất, tưới rau, thêu thùa, may vá hoặc quét vàng mã. Ngồi không nên mới nghĩ ra trò bắt tù đi xách từng xô nước về gội đầu cho “các bà”. Càng nhàn rỗi, càng lười vận động nên mới có cảnh cai tù tè vào bô, rồi sai tù đem đi đổ. Trong khi nhà vệ sinh chỉ cách đó có vài bước chân. Đấy là chưa kể màn đấm bóp, nhổ tóc sâu và một vài việc lặt vặt khác.

Ngồi không, ngáp ruồi mãi cũng chán. Có cai tù thích hát nhưng chẳng thuộc bài nào ra hồn, phải mượn sổ bài hát của tù. Hát ngang như cua cũng được tù khen hay, chí ít cũng không đứa nào dám chê.

Hôm ấy, một ngày nhàn rỗi như bao ngày nhàn rỗi khác của đời quản giáo. Thị mượn sổ bài hát của mấy đứa tù, đem ra ngoài gốc cây, gác chân lên ghế rồi rên rỉ “Sao tam giác nỡ đành quên bao lời tha thiết ...” Thị không hiểu sao chưa hát hết câu mà bọn tù ôm bụng lăn ra cười.

- Bà hát ngang hay sao mà chúng mày cười!

Bọn tù vẫn cười. Thị điên tiết:

- Mẹ chúng mày, có gì mà cười.

- Tại bà hát sai nên chúng cháu buồn cười quá. Một chị tù trả lời.

- Tao hát sai chỗ nào?

- Đây này, “sao anh nỡ đành quên” thì bà hát thành “sao tam giác nỡ đành quên”. 

Thị dí mắt, dòm lại dòng chữ vừa hát: 

- Đèo mẹ chúng mày, chữ với nghĩa. Chữ “anh” chúng mày viết tắt có khác gì hình tam giác không. Viết thế bố ai mà hiểu.

Thị ngượng với bọn tù. Nhưng cũng không nhịn cười nổi cái câu ngớ ngẩn mà thị vừa hát. Thế là cả tù lẫn mụ quản giáo đều nhe răng cười.

Câu chuyện “sao tam giác nỡ đành quên” được tù kể cho nhau nghe như một chuyện hài hước để giải sầu. Nó được kể cho cả những người tù đến sau. Và họ biết rằng, đời tù buồn thật, nhưng vẫn có những câu chuyện để cười.

Phạm Thanh Nghiên

Nguồn: https://phamthanhnghien.blogspot.com/2021/09/mot-vai-mau-chuyen-vat-trong-tu.html

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn