BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72625)
(Xem: 62053)
(Xem: 39148)
(Xem: 31015)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghèo đói ngày xưa và hôm nay

22 Tháng Bảy 20217:41 SA(Xem: 1315)
Nghèo đói ngày xưa và hôm nay
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Nghèo đói ngày xưa
 
Tết năm 1976 - Dân Sài Gòn đón "Mùa Xuân Đầu Tiên" cùng lời tuyên bố dõng dạc của Lê Duẩn: "Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh” [1].
 
Mười năm sau,  Lê Duẩn tạ thế, nhiều người Việt Nam, trong đó có cả đảng viên mừng lắm! Lúc bấy giờ, thiên hạ rất lấy làm lạ, tại sao một con người không có gì để đáng gọi tài ba xuất chúng mà đảng viên từ cao đến thấp đều sợ như sợ cọp, để khi ông ta chết đi mới làm cái việc gọi là “cởi trói”, “đổi mới”. Lạ thật! Người CSVN (trong đó có những nhà báo tên tuổi) lại tiếp tục u mê tụng ca Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt như vị cứu tinh kịp thời xuất hiện, để cứu nhân độ thế với nỗi ám ảnh mang tên "ngăn sông cấm chợ", vốn gây ra nạn nói kinh khủng sau ngày "Mỹ cút- Ngụy nhào".
 
Cái đói thì muôn hình vạn trạng, mỗi người có những cảm nhận khác nhau: Đói cồn cào, đói quay quắt, đói rũ rượi, đói run tay run chân, đói đến làm thinh mà nằm xoay bên này cũng thấy đói, trở người bên kia cơn đói cũng không mất đi. Đói khốc liệt. Đói tàn nhẫn. Cơn đói trôi vào trong giấc ngủ giả vờ quên lãng. Nhiều người chạy trốn cơn đói bằng một ly cối nước, người này giả bộ vui tươi để quên đói; người khác lại ráng bò dậy, vật vờ làm cái gì đó mà vẫn không xong, trong cơn đói triền miên ngày ấy!
 
Lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết thế nào là đói mờ hai con mắt, đó là khi tôi nhìn vào mắt má tôi, lúc mà bà nhường hết cả bo bo, khoai sùng cho con...
 
Tôi thật thấm: “Đói, đầu gối phải bò”.
 
Thú thật, tôi hồ hồ nghĩ rằng, lớp trẻ ngày nay chắc chưa có dịp nhìn kỹ vào mắt một người đói – đói quanh năm suốt tháng, để cảm thông, để thương xót và để làm gì đó có thể. Vì thế, những năm nghèo đói sau 1975, rất hiếm người ăn xin, vì lẽ đơn giản, ai cũng hiểu. Thân mình, gia đình mình lo còn không xong, lấy đâu giúp người ăn xin. Hầu như không có đĩ điếm, cũng vô cùng hiếm trộm cướp. Ăn còn đói, mặc còn rách tiền đâu mà … “chơi”! Thế là người CS càng lên tiếng ngợi ca chế độ của họ và càng có cớ mạt sát những gì thuộc về “tàn dư của chế độ Mỹ – Ngụy”.
 
Cuộc đổi tiền đầu tiên, vào năm 1976 đã làm nhiều gia đình khánh kiệt ngay từ đầu, không đợi đến lần 2, lần 3. Đa số dân Sài Gòn trước 1975, hầu như gởi tiền trong nhà băng. Những gia đình mua bán, sản xuất càng chẳng bao giờ giữ tiền mặt ở nhà. Gia đình tôi cũng vậy. Hiện trạng tài chính ngân hàng có thể nói giống như hiện nay, người dân không giữ tiền mặt ở nhà nhiều. Thời đó, gia đình tôi cũng đã thanh toán bằng chèque, tuy chưa có credit card, debit card, ATM v.v... như bây giờ.
 
Một buổi sáng nóng bức và ngột ngạt của tháng Sáu năm 1975, má tôi đi "đổi tiền", khi trở về, với nắm tiền trong bàn tay phải mỏng lét, bà thẫn thờ như người mất hồn, với cánh tay trái buông thõng...
 
Tôi nhìn trong mắt má tôi, cả một nỗi bàng hoàng chết lặng. Trước đó, toàn bộ trương mục của gia đình tôi trong ngân hàng đã mất sạch theo sự sụp đổ của VNCH.
 
Má tôi bật khóc tức tưởi như con nít với nắm tiền "Giải Phóng" trong tay!
 
Cái đói sinh ra sự chia rẽ, khởi đầu từ những cuốn sổ mua gạo, chất đốt, nhu yếu phẩm, những tem phiếu mua vải…
 
Gia đình CS (ngoài Bắc vào, nằm vùng, trong khu ra) luôn được ưu tiên báo trước, khi hàng hóa, nhu yếu phẩm về đến các HTX, cửa hàng lương thực (vì hàng về không bao giờ đủ cho tất cả cư dân trên địa bàn cùng một lúc). Lúc bấy giờ, má tôi nhận được tin, luôn kêu tôi báo cho bà con chòm xóm cùng ra mua.
 
Ban đầu, các cô cửa hàng trưởng, mậu dịch viên ngạc nhiên lắm. Dần dần, họ hỏi những hàng xóm đó và phát hiện ra má tôi báo, vậy là gia đình tôi được xếp vào diện “thường dân” luôn cho… bõ ghét! Điều đáng buồn, bà con trong xóm lúc đó lại nghĩ má tôi xấu bụng không báo cho họ nữa! Tình nghĩa láng giềng mấy chục năm sống với nhau cứ thế mà vơi đi, vì chẳng ai hiểu ai, chẳng ai tin ai và tan rã dần theo thời gian...
 
Nghèo đói hôm nay
 
Đại dịch virus Vũ Hán đang lan rộng tại Việt Nam, với 57.566 người nhiễm như cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế cập nhật mới nhứt [2].
 
Chỉ thị 16 của nhà cầm quyền CSVN ban ra, gây xáo trộn và đảo lộn đời sống của hàng triệu người dân.
 
Thật lạ lẫm về cuộc trường chinh "chống dịch như chống giặc" trở thành hiệu lệnh tiến quân trên đường dài của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tư cách vị thống soái xông xáo, xông pha giữa giặc virus Tàu Cộng, với sự điều quân cả công an [3] và quân đội [4]. Không thể hiểu nổi, với con mắt của ngành y tế và cả thường dân, đội quân hùng hậu đến như vậy sẽ chiến đấu với con virus nhỏ hơn sợi tóc 600 lần ra sao, để giành chiến thắng (?!).
 
Hầu hết dân hiện nay quan tâm đến miếng ăn mỗi bữa đang dần teo tóp, trong cái nghèo đói đang trương phình ra.

Người đàn ông ngồi vỉa hè với tấm bánh
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu [5] "Ưu tiên số 1 là bảo vệ thủ đô trước dịch bệnh", trong khi người dân Hà Nội chen lấn xô đẩy để được xét nghiệm virus Vũ Hán [6]. Bên cạnh đó, tân Thủ tướng yêu cầu làm rõ [7] vụ chích vaccine không cần đăng ký của một người đẹp nhờ ông ngoại mình mà không cần xếp hàng theo thứ tự.
 
Hồi nhỏ, má tôi thường dạy: "Biết cái gì xấu thì nói cho người ta nghe con, để không mang tội". Những lời dạy dỗ giản dị sao giờ lạ lẫm quá! 
 
Môi trường học đường hồi xưa, tiếng chửi thề không có chỗ cho nó.
 
Tôi không hiểu và ngạc nhiên, khi lần đầu tiên trong đời mình, nghe được chữ... "đéo"! Vâng! Nó do một đứa bạn miền Bắc - di cư vào Sài Gòn sau 1975 - mang vô. Ngây ngô, tôi hỏi nghĩa của "cái từ" nghe lạ tai đó! Nó cười phá lên và bỏ đi trước cái nhìn chưng hửng của tôi.
 
Dần dần, tôi cũng hiểu nghĩa "cái từ" tưởng nghe vui tai nhưng rất thô bỉ.
 
"Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"! Tôi quen dần và bắt đầu "xài" "văn hóa đéo" không thua kém bất cứ đứa bạn nào.
 
Không chỉ "văn hóa đéo", tôi nhanh chóng "tiếp thu" các "nét văn hóa" khác: "Văn hóa tranh thủ", "văn hóa động viên", "văn hóa thi đua" v.v... đặc biệt "văn hóa vô trách nhiệm" (người cộng sản gọi cho nhẹ đi - "thiếu trách nhiệm") mà trước đây tôi chưa từng biết đến. Tôi tập để "tồn tại", sau đó quen dần như "một phản xạ có điều kiện", rồi "sử dụng ngón nghề" đổ trách nhiệm cho bất cứ ai mà tôi có thể đổ. Đến nỗi tôi còn ngạc nhiên về sự "chuyên nghiệp" của mình (!) Sao mà tài tình đến vậy (!).
 
Một người bạn trang lứa, nói với tôi: Hơn bốn mươi sáu năm! Hơn bốn mươi sáu năm rồi đó mày! Mày tưởng ít lắm hả? Mày nhìn lại mày đi! Mày tỉnh lại giùm tao cái đi!
 
Tôi bừng tỉnh trong bàng hoàng và thảng thốt nhận ra sự khác nhau giữa cái nghèo đói ngày xưa và cái nghèo đói hôm nay ở một điểm quan trọng căn bản: Nhân Cách làm người Việt Nam đã lụi tàn thật sự.
 
"Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Marx – Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" như tại khoản 1 điều 4 trong Hiến pháp đã thủ đắc, bỗng chốc trở thành nỗi bẽ bàng, niềm cay đắng và sự sống sượng nhất cho người Việt Nam trong cái nghèo đói Nhân Cách, từ hiện trạng dịch virus Vũ Hán.
 
Chưa biết tân Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đội quân của ông ta tiến về "miền Nam ruột thịt", rồi sẽ dẫn cả nước đi về đâu...

Nguyễn Ngọc Già
Blog Nguyễn Ngọc Già
______________________
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn