BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72627)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31019)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thời đại tầu sân bay

15 Tháng Sáu 20217:04 SA(Xem: 2025)
Thời đại tầu sân bay
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Trận Trân Châu Cảng

Hàng Không Mẫu Hạm hay Tầu Sân Bay là những Tầu lớn có mang nhiều máy bay chiến đấu, một căn cứ Hải quân trên biển và có sức mạnh chủ lực.

Bà Giao Phan, người Mỹ gốc Việt cách đây mấy năm được phụ trách đóng tầu Hàng Không Mẫu Hạm lớn và tối tân nhất của Mỹ, nay bà đóng thêm hai HKMH. Theo lời bà Giao Phan trong một cuộc phỏng vấn của đài VOA tiếng Việt, chưa một nước nào có Tầu Sân Bay lớn và tối tân như vậy, HKMH là để tăng cường sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ trong thế kỷ tới (1)

Tôi sẽ bàn thêm về cuộc phỏng vấn này trong phần ba của bài.      

Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai quốc gia đã đóng HKMH từ cách đây 100 năm, tầu HKMH đầu tiên của Mỹ là Langley đóng năm 1922. Tầu Sân Bay Hosho và Kaga của Nhật đóng hạ thủy năm 1921 được coi là những Tầu Sân Bay đầu tiên trên thế giới (2)

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh US Navy
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh US Navy

Trận Trân Châu Cảng là trận đánh trong đó HKMH giữ vai trò chính. Trân Châu Cảng thuộc Honolulu, Hawai, gần Mỹ hơn Nhật, nguyên do chính đưa đến trận tấn công gồm:

-Nhu cầu về nguyên liệu như dầu, quặng mỏ, sắt thép vô cùng cấp bách đối với Nhật, họ đang muốn bành trướng tại Á châu và Thái Bình dương

-Mỹ hạn chế thương mại Nhật nhất là nhiên liệu, quặng mỏ. Người Mỹ muốn siết chặt bao vây kinh tế Nhật, nếu cần đóng băng tài sản Nhật tại Mỹ

-TT Roosevelt cho rời hạm đội Thái Bình Dương từ California tới Trân Châu Cảng năm 1939, người Nhật coi đây là sự gây hấn, chiến tranh Mỹ-Nhật không tránh được nên họ ra tay trước. Hồi ấy đế quốc Nhật có 10 chiếc Hàng Không Mẫu Hạm được coi là lớn và tối tân nhất thời đó.

Trận Trân Châu Cảng diễn ra vào 8 giờ sáng sớm ngày chủ nhật 7/12/1941, phía Nhật mang một lực lượng hùng hậu gồm nhiều Tầu đủ các loại, 414 máy bay trong đó 353 chiếc tham gia trận đánh. Kết thúc trận đánh Mỹ bị thiệt hại nặng gồm 20 Tầu chiến bị đánh chìm hoặc hư hỏng, 188 máy bay bị phá hủy, 159 cái hư hại, gần 2,400 người thiệt mạng. Phía Nhật nhẹ hơn gồm 64 người chết, 74 máy bay hư hại, 29 cái bị hủy (bắn rơi), 5 tầu ngầm bị đánh chìm, một thủy thủ bị bắt làm tù binh. Sở dĩ Nhật đánh thắng được Trân Châu Cảng vì hồi ấy Mỹ chưa giải mã được điện tín của địch.

Người Mỹ gọi đây là ngày Quốc hận, đầu năm Thiên niên kỷ  2,000 họ kiểm lại cho biết những biến cố được người dân Hoa Kỳ chú ý nhiều nhất là ngày lên mặt trăng (16/7/1969), sau đó là ngày Trân Châu Cảng (7/12/1941) bị tấn công. Trong một cuốn phim về Pearl Harbor, người thuyết trình cho biết tới ngày 6/8/1945 chúng ta mới rửa hận được bằng việc ném bom nguyên tử lên hai thành phố lớn của chúng.

Trận Trân Châu Cảng đã mở đầu cho một thời đại mới, đó là thời đại Tầu Sân Bay, lần đầu tiên trên thế giới một hạm đội gồm 6 HKMH đã gây thiệt hại nặng cho đối phương, trong đó Tầu Sân Bay đóng vai chính. HKMH đã trở thành một Hỏa lực mạnh có thể đem tới một nơi xa xăm.

Cuộc tấn công không tuyên chiến vào Pearl Harbor của Nhật là một sự sai lầm đối với họ, nước Mỹ với nền kỹ nghệ to lớn khi chuyển sang Quốc phòng sẽ là một sức mạnh vô song. Người Mỹ cũng sai lầm khi bắt ép người quá đáng.

Trận Midway

Sau Trân Châu Cảng nửa năm, một trận đánh bằng HKMK lớn hơn đã diễn ra tại Thái Bình Dương giữa Mỹ và Nhật tại Midway từ 4 tới 7 tháng 6/1942. Đây là trận Hải chiến lớn nhất thế giới từ xưa đến nay, nó đã thay đổi cục diện cuộc chiến Thái Bình Dương và cả Thế Chiến Thứ Hai. Midway là hòn đảo, căn cứ hải Quân lớn của Mỹ nằm chính giữa Hoa Kỳ và Á châu, so với Trân Châu Cảng, Midway gần Nhật hơn.

Trong cuốn Lịch Sử Thế Chiến Thứ Hai (3) có kể về trận này, họ nói đây là trận mà người Nhật kỳ vọng nhất. Đô Đốc Nhật Yamamoto, người chỉ huy hạm đội đã đưa vào trận đánh một lực lượng Hải quân lớn nhất từ xưa đến nay gồm 125 tầu chiến đủ các loại: tầu cứu thương, tầu đổ bộ, tầu ngầm, HKMH, khu trục hạm… Người Nhật tưởng là chắc ăn như bắp trong trận này, đã chuẩn bị một lực lượng khổng lồ để đè bẹp Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương.

Mấy ai học được chữ ngờ, người Nhật đã phạm lỗi lầm tai hại khi không biết rằng Mỹ đã giải mã được điện tín của họ: “chúng tôi cần nước ngọt”, trong khi Midway phải tiếp tế nước ngọt, thế là người ta biết trước Nhật sẽ đánh Midway, họ phục kích sẵn sàng chiến đấu. Mặc dù lực lượng Nhật gấp ba địch nhưng bí mật bị tiết lộ, người Mỹ đã chuẩn bị trước để đón khách tới. Khác với Trân Châu Cảng, tại Midway các phi công Nhật  không thấy máy bay tầu chiến nằm chờ họ, máy bay Nhật chỉ bắn phá các kho hàng không gây thiệt hại cho đối phương là mấy.

Trận đánh đơn giản do Tầu Sân Bay chủ động, máy bay chiến đấu từ HKMH bên này sang đánh HKMH bên kia, các tầu khu trục hạm, tầu ngầm không phải bắn một viên đạn nào. Theo như cuốn phim tài liệu về trận Midway chiếu lại cuộc giao chiến, các máy bay Mỹ chỉ trong chưa đầy 20 phút đã xà xuống ném bom phá hủy 3 HKMH của Nhật. Họ cho biết chỉ trong 10 phút đã thay đổi cuộc chiến Thái Bình Dương. HKMH Nhật bị oanh tạc trúng kho bom, đạn nổ tung khiến họ thiệt hại nhân mạng rất nhiều. Một người phi công thám thính Nhật cho biết anh đã thấy một đội máy bay chiến đấu Mỹ đang tiến về phía đội Mẫu Hạm Nhật và đã báo về hạm đội nhưng máy điện tín bị hư. Dù sao lực lượng Nhật gấp 3 lần Mỹ tại đây nhưng vì những lý do ngoài ý muốn khiến họ thảm bại.

Kết thúc cuộc chiến ngày 7/6/1942, Nhật mất 4 HKMH, họ cố gắng đánh chìm một HKMH Mỹ York Town, và cuối cùng tỷ số 4-1 coi như đại bại. Phía Nhật mất 4 Tầu Sân Bay, 248 máy bay, 3,057 thủy thủ, 37 bị bắt, Mỹ mất 1 Tầu Sân Bay, một tầu khu trục, 150 máy bay, 307 thủy thủ. Người Mỹ nói họ thắng nhờ may, cuốn Lịch Sử Thế Chiến Thứ Hai nói Đô Đốc Nhật Yamamoto bị mất mặt vì đem một lực lượng lớn mà thảm bại. Một phần nữa do Nhật thiếu radar để phát hiện tầu đối phương chỉ dùng máy bay thám thính.

Trong cuốn The Great Military battles (4) gồm 10 bài về 10 trận đánh lớn nhất thế giới, họ xếp theo thứ tự thời gian, trận cuối cùng là Điện Biên Phủ. Họ giải thích trận đánh lớn có nghĩa những trận đã làm thay đổi khúc quành lịch sử. Trong phần mở đâu họ nói Trận Điện Biên Phủ mặc dù quân số hai bên chưa tới 10 sư đoàn trong khi trận Stalingrad quân số hai bên trên 100 sư đoàn nhưng Điện Biên Phủ cũng được xếp ngang hàng với Stalingrad. Điện Biên Phủ đã làm thay đổi khúc quành lịch sử khi mà người Pháp ra đi và Người Mỹ vào tham chiến cũng như Stalingrad là khúc quành cuộc chiến khi gió đã đổi chiều với Đức Quốc Xã.

Trận Hải chiến Midway cũng được xếp trong số những trận đánh lớn nhất thế giới vì nó làm thay đổi khúc quành lịch sử, Hải Quân Nhật bị quân thiệt hại nặng không thể phục hồi được và thua luôn cuộc chiến Thái Bình Dương. Mỹ nhờ tài nguyên và kỹ nghệ mạnh họ vượt xa Nhật mau chóng.

Bà Giao Phan Và Mẫu Hạm Gerald R Ford.

Sau trận Trân Châu Cảng mở đầu cho các trận đánh giữa các HKMH như Trận Hải chiến biển San Hô (Coral Sea) và trận Midway. Trận Coral Sea nhỏ hơn, từ ngày 4-8/5/1942, Nhật muốn chiếm Tân Guinea. Hai bên đem hạm đội lớn và các HKMH đến giao chiến nhưng nhỏ hơn trận Midway và Pearl Harbor, Nhật có 2 HKMH và một HKMH nhẹ, Mỹ hai HKMH, số Tầu chiến mỗi bên chỉ bằng một nửa hai trận trên. Cũng giống như tại Midway, máy bay của hai bên từ các Tầu Sân Bay giao tranh trong khi các chiến hạm không phải bắn nhau. Thiệt hại hai bên ngang nhau, mỗi bên mất một HKMH, Mỹ 3 chiến hạm bị đánh chìm, Nhật 6 cái bị chìm, mỗi bên thiệt hại 69 chiếc máy bay, Nhật có 966 người thiệt mạng, Mỹ ít hơn, họ mất 656 người .

Tầu Sân Bay là cái xương sống sức mạnh của chiến dịch. Nó cùng các chiến hạm khác trong hạm đội cũng để bảo vệ các tầu buôn hay ngăn chận bọn khủng bố và cướp biển.

HKMH vẫn là tầu tư lệnh của Hải quân mạnh nhất thế giới do Mỹ dẫn đường. Tầu Sân Bay vẫn là Tầu chủ lực của Hải quân.

Trở lại cuộc phỏng vấn của đài VOA tiếng Việt với bà Giao Phan kể trên, tôi xin đề cập tới nội dung cuộc nói chuyện. Đài VOA có giới thiệu bà Giao Phan người Mỹ gốc Việt được giao nhiệm vụ Tổng giám đốc công trình đóng tầu Hàng Không Mẫu Hạm Gerald Ford, hoàn tất cách đây 4 năm (5). Ngày 21/7/2017 Tổng Thống Donald Trump đã tham dự nghi lễ đưa Mẫu Hạm Gerald Ford vào xử dụng.

Hiện đời (class, loại) HKMH đang xử dụng là Nimitz (10 chiếc), bà Giao Phan được giao đóng loại Mẫu Hạm tối tân hơn tức đời Gerald Ford.

Nay Bà được tiếp tục giao nhiệm vụ đóng hai HKMH cũng đời Gerald Ford: Tầu Sân Bay J F Kennedy dự trù hoàn tất năm 2022 và Entreprise dự trù xong năm 2027. Sau đó Hải quân Mỹ tiếp tục các đóng Mẫu hạm đời Gerald Ford để thay thế đời Nimitz.

Trả lời phỏng vấn của đài VOA, bà Giao Phan kể ra 5 điểm quan trọng nhất của HKMH đời Gerald Ford như sau:

1- Hiện chưa có nước nào có thể giúp máy bay cất cánh bằng điện từ và có hệ thống kềm giữ máy bay khi đáp xuống.

2- Xây dựng theo một thiết kế chưa từng có từ 40 năm qua, lần đầu tiên HKMH Ford có thể sản xuất nguồn điện lực gấp 3 lẩn đời Nimitz

3- Khả năng chiến đấu vũ bão hơn các tầu khác

4- Những kỹ thuật tối tân nhất như radar ba chiều nâng cao khả năng chiến đấu

5- Hệ thống máy lạnh của Mẫu Hạm giúp cho thủy thủ thoải mái.

Bà Giao Phan cho biết Mẫu Hạm Gerald Ford đã tiết kiệm về nhân lực, tổng cộng chỉ có 2,600 người trong khi loại Nimitz gần 4,000 người. Đài VOA hỏi nay Hải quân Mỹ đứng đầu thế giới tại sao chúng ta phải đóng tầu HKMH đời mới?

Bà Giao Phan đáp đóng Tầu đời mới Gerald Ford là để tăng cường sức mạnh của Hải quân trong nhiều thập kỷ tới mà loại Nimitz không đối phó được với thử thách trong tương lai, những ưu thế mà ta đã có sẽ bị loại bỏ. Tầu Sân Bay đời Gerald Ford với đại bác, hỏa tiễn bắn xa hơn, giúp máy bay cất cánh nhanh hơn.

Bà cho biết trong cuộc chiến Iraq lúc đó Mỹ không có nhiều căn cứ không quân tại đây, HKMH có thể hoạt động trong Hải phận quốc tế mà không cần có căn cứ. Hoa Kỳ có thể dưa ra sức mạnh không quân mà không cần xin phép một nước nào, đó là cách phô trương quyền lực. Ngoài tác chiến HKMH còn cứu dân khi gặp nạn.

Giao Phan cho biết hiện bà làm phó cho một Đề Đốc hai sao, ngân sách của nhóm hoạt động khoảng 40 tỷ Mỹ kim để điều hành, gồm  đóng tầu, sửa chữa, bảo trì… chiếc mới đóng đã cho chạy thử ngoài khơi, rất tốt.

Từ năm 1922 đến nay Hải quân Mỹ đã đóng được 78 Tầu Sân Bay, khoảng 4 chiếc bị Nhật đánh chìm hồi Thế chiến … đa số vứt bỏ (scrapped) hoặc lấy sắt thép dùng vào việc khác (6). Còn lại 10 chiếc cuối cùng đời Nimitz hoạt động từ năm 1975 cho tới nay, ở đây Mẫu Hạm đầu tiên loại này là Nimitz (vị Đô đốc đã tham chiến tại Midway) kế tiếp là các Tầu Eisenhower,  Carl Vinson….chúng tôi sẽ liệt kê dưới đây.

Trang globalfirepower nói nay Hoa Kỳ có 11 Hàng Không Mậu Hạm lớn và 10 HKMH trung bình dành cho máy bay trực thăng, ở đây chúng ta chỉ nói tới những Mẫu Hạm lớn 100 ngàn tấn (7).

11 Tầu Sân Bay lớn kể trên gồm 10 chiếc đời (loại) Nimitz và sau cùng chiếc tối tân nhất Gerald Ford do Bà Giao Phan đã đóng xong đưa vào xử dụng từ 2017, được liệt kê đầy đủ như sau:

1- Nimitz, loại hay đời (class) Nimitz, đưa vào xử dụng (commissioned) từ ngày 3/5/1975, đã hoạt động (service life) 46 năm 22 ngày. Hiện đóng ở căn cứ Hải quân thuộc Washington.

2- Dwight Eisenhower, đời Nimitz, đưa vào xử dụng từ ngày 18/10/1977, hoạt động 43 năm 219 ngày, hiện đóng tại căn cứ Hải quân thuộc Virginia.

3- Carl Vinson, đời Nimitz, được xử dụng từ 13/3/1982, đã hoạt động 39 năm 73 ngày, hiện ở căn cứ Hải quân thuộc California.

4- Theodore Roosevelt, đời Nimitz, được sử dụng từ 25/10/1986, đã hoạt động 34 năm 212 ngày, hiện ở căn cứ thuộc California.

5- Abraham Lincoln, đời Nimitz, đưa vào xử dụng từ 11/11/1989, hoạt động 31 năm 195 ngày, hiện ở căn cứ thuộc California

6- George Washington, đời Nimitz, được xử dụng từ 4/7/1992, hoạt động 28 năm 325 ngày, hiện ở căn cứ thuộc Virginia.

7- John C Stennis, đời Nimitz, xử dụng từ 9/12/1995, hoạt động 25 năm 167 ngày, hiện ở căn cứ thuộc Virginia.

8- Harry S Truman, đời Nimitz, được xử dụng từ 25/7/1998, hoạt động 22 năm 304 ngày, hiện ở Virginia.

9- Ronald Reagan, đời Nimitz, xử dụng từ 12/7/2003, hoạt động từ 17 năm 317 ngày, hiện ở Yokosuka, Nhật Bản.

10- George H.w. Bush, đời Nimitz, đưa vào xử dụng từ 10/1/2009, hoạt động từ 12 năm 135 ngày, hiện ở căn cứ thuộc Virginia.

11- Gerald R Ford, đời (class, loại) Gerald R Ford, đưa vào xử dụng từ 22/7/2017, hoạt động từ 3 năm 307 ngày, hiện ở trong căn cứ Hải Quân ở Virginia, Mẫu Hạm này thuộc loại lead ship, nghĩa là dẫn đầu cho một đời (loại) HKMH.

Có nhiều đời (loại) HKMH từ 1922 tới nay, hai đời Nimitz (10 chiếc) và đời Gerald Ford là hai loại Siêu Mẫu hạm (supercarriers) hiện đang hoạt động.

Nay bà Giao Phan đang thực hiện đóng Tầu John F Kennedy, đời Gerald Ford, dự trù năm 2022 sẽ hoàn tất.

Kế đó sẽ là Tầu Entreprise, đời Gerald Ford, dự trù 2027 sẽ đóng xong.

Sau đó Hải quân Mỹ sẽ cho đóng những HKMH đời Gerald Ford để dần dần thay thế loại Mẫu Hạm Nimitz vào những năm 2030, 2034 …

Trọng Đạt

——————————

(1) https://www.youtube.com/watch?v=7n4eBmIGPQk

(2) Wikipedia-  Japanese aircraft carrier Hōshō

Wikipedia- Japanese aircraft carrier Kaga

(3) Histoire de la Seconde Guerre mondiale

(4) Xuất bản năm 1974, gồm 10 bài của các GS

(5) https://www.youtube.com/watch?v=7n4eBmIGPQk

(6) Wikipedia- List of aircraft carriers of the United States Navy

(7) https://www.globalfirepower.com/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn