BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73854)
(Xem: 62302)
(Xem: 39494)
(Xem: 31219)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gửi nhà văn quốc doanh

28 Tháng Mười Hai 20206:47 SA(Xem: 1292)
Gửi nhà văn quốc doanh
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Người xưa từng cẩn thận dạy đám hậu sinh, bằng cách nói hình tượng hay đáo để, rằng “con chim trúng “đạn” (tiễn, tên) sợ làn cây cong”. Thời bây giờ, nhìn cái gì cũng giống cánh cung. Nhà cháu cứ tiếp thu, không bổ ngang thì bổ dọc.

Chả là bữa trước, trúng ngày khai mạc hội văn bút quốc gia hoành tráng ở đê La Thành, quả nhân (người ít đức) đưa cái tút đụng chạm, thế là bị mắng tới tấp, kiểu như ông có chê cả làng vũ đại thì cũng phải trừ ABC ra chứ. Vậy nên lần này nhà cháu chỉ quan tâm tới mấy nhà văn quốc doanh, nhân viên văn mậu dịch thôi, kẻo những người có mác văn sĩ lại động lòng. Nói cho vuông, đâu phải cứ nhà văn là… xấu, như ta vẫn rỉ tai nhau, đảng viên cũng có ối người tốt. Ông em rể tôi, dù bị kết nạp đảng từ lúc chưa hiểu mấy về đảng, giờ đã hơn 40 tuổi đảng (rất kinh), nhưng công nhận tốt cực kỳ. Nhà văn cũng thế, tôi chơi, quen với nhiều người văn, già có trẻ có, biết và hiểu họ, văn lẫn người, thấy họ tốt lắm. Mà ngay cả văn sĩ thi sĩ quốc doanh vẫn không ít người tử tế đàng hoàng. Ông Nguyễn Việt Chiến thi sĩ ở thủ đô là một ví dụ. Ông em Nguyễn Một, bà chị Nguyễn Thị Ngọc Hải trong Sài thành là ví dụ nữa. Hôm trước, có may mắn gặp, trò chuyện, thậm chí còn liều bá vai bá cổ chụp ảnh chung với hai lão tướng Nguyễn Đông Thức, Lê Văn Nghĩa, về nhà ngẫm nghĩ mãi, sao các vị nổi tiếng tài hoa giỏi giang mà đức độ hiền lành khiêm tốn dễ chịu thế nhỉ. Tự cấu lên trán nhủ thầm, mình mà có cái danh của hai đấng bậc ấy lại chả một tấc đến giời.

Trên thế giới, chẳng riêng xứ ta có hội nhà văn. Toàn cầu còn rảnh rỗi lập ra hội văn bút quốc tế nữa là. Chỉ có điều, ở những nơi văn minh dân chủ, nó chỉ là thứ hội đoàn chuyên ngành, hội nghề nghiệp, vui thì tụ họp với nhau, chẳng liên quan tới đường lối chính sách, chính trị chính em, chỉ đạo định hướng này nọ. Lại càng không dính gì đến ngân sách tiền thuế do dân đóng góp, không đòi hỏi được cấp nhà cấp xe. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Không sống được bằng ngòi bút (bàn phím) thì hội viên tự đi nuôi ong, trồng nấm, chạy xe uber, grab. Hội nhà văn của họ cũng chỉ na ná như hội nuôi ong, hội trồng nấm, hội đái tháo đường, phận nào việc nấy, thế thôi. Còn đủ thứ hội, đoàn thể đang tồn tại ở ta, vốn là con đẻ của cộng sản, của phe xã hội chủ nghĩa, sống bám vào thể chế, đã bị ném vào sọt rác lịch sử, nay chỉ còn ngắc ngoải vài nơi trước khi bị cáo chung. Lạ là vẫn có những người tự đắc về thứ danh vị hão huyền.

Đại hội La Thành 2020 đương nhiên thành công tốt đẹp, giống như mọi đại hội thành công tốt đẹp ở xứ này. Một ông chủ tịch già giữ ghế chủ hội những 20 năm khi buộc phải rút vẫn được khen ngợi là biết điều, thì thứ gì mà chả thành công. Ngay trong sự ồn ào náo nhiệt vui vẻ của giới cầm bút, không khó nhận ra những điều hết sức cổ hủ, chả thay đổi gì so với mấy chục năm trước. Ông tân chủ tịch Nguyễn Quang Thiều dù đã lập ngôn hứa hẹn, đặt cược lòng tin, nhưng liệu ai dám tin khi bản chất hội không thay đổi. Vẫn là hội quốc doanh, vòng kim cô định hướng to tướng thít chặt trên đầu. Có điều, khác với Tôn Ngộ Không bị lừa, còn các nhà văn quốc doanh tự nguyện đội vòng, nên những thế lực đường tăng, quan âm bồ tát, phật tổ, tuyên giáo đều hiểu rằng đâu cần niệm chú thì họ vẫn ngoan. Nhà văn ngoan, viết ngoan, hoặc ngoan ngoãn không viết gì, thì chỉ đám cai trị được lợi, còn dân chúng và xã hội chịu thiệt.

Khi tôi biên một bộ phận người cầm bút là nhà văn quốc doanh, vài người cằn nhằn nói thế hơi quá. Tôi vẫn cho thế là còn nhẹ. Văn nhân lâu nay được đánh giá là tầng lớp đẳng cấp, lực lượng có bản lĩnh, khí phách, ngang tàng, dùng ngòi bút khắc vào lịch sử. Mà cũng lạ, không hiểu ông Thưởng trưởng ban tuyên giáo tuổi gì lại dám đến chỉ đạo, khuyên bảo các bậc đàn anh đàn chị chỉ kém ông mỗi tiêu chuẩn chức sắc. Những gạo cội, đấng bậc Nguyễn Khoa Điềm, Đỗ Chu, Vũ Bão (Bão Vũ), Nguyễn Việt Chiến, Trần Đăng Khoa, Sương Nguyệt Minh, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Bảo Ninh, Nguyễn Hiếu… không phải thứ đối tượng cần được giác ngộ, cầm tay chỉ việc. Họ đã vượt trên, thoát ra ngoài tầm mậu dịch viên văn chương từ lâu rồi. Họ dự bởi họ là hội viên. Nhẽ ra khi được bề trên phân công “thay mặt đảng” theo thói thường lâu nay, ông phải biết từ chối, dù nơi tới chỉ đạo chỉ là thứ hội quốc doanh. Ngó cảnh đám đông họp chợ khi “cấp trên” đang đăng đàn, túm năm tụm ba chuyện riêng, cười cợt, rủ nhau tót ra ngoài, lại chợt nhớ sự trớ trêu ê chề của ông chủ nhiệm văn phòng quốc hội Vũ Mão tại đám tang tướng Trần Độ (tháng 8.2002) khi gia đình cụ Trần công khai tuyên bố không chấp nhận bản điếu văn do ông vừa đọc. Tôi thương và thông cảm với ông Vũ Mão, thời ấy cơ chế nó thế, tránh không được. Sau mấy chục năm, tưởng rút được kinh nghiệm xương máu, hóa ra các long trọng viên vẫn u mê lề thói cũ, nhắm tịt mắt lê vào cảnh vừa bi vừa hài.

Hội Nhà Văn Việt Nam
Gửi nhà văn quốc doanh (kỳ 2)

Nói thêm chút nữa về vụ ông trưởng ban tuyên giáo tới đại hội chỉ đạo, định hướng, dạy dỗ nhà văn phải thế này thế khác. Nếu đảng không bỏ được thói quen, lối mòn, tư duy lãnh đạo về văn nghệ thế kỷ 21 vẫn giống thời Nhân văn giai phẩm, thì nhà văn cần tỏ thái độ. Ông Thưởng hay ông gì gì đi nữa đăng đàn thuyết giáo cho bà con nông dân hoặc mấy chú chạy xe ôm ít chữ thì cứ tạm coi hợp đi, chứ với giới cầm bút thấy vênh quá. Sáng tác văn chương là thứ lao động đặc thù, không phải cứ có bằng cao cấp chính trị Nguyễn Ái Quốc là tới nói văng mạng được. Thiết nghĩ, nhà văn, dù là nhà văn quốc doanh, mậu dịch viên văn nghệ, cần biểu hiện dứt khoát trước những long trọng viên kiểu này. Các hội đoàn khác chả biết thế nào, chứ hội nhà văn nên có tiếng nói. Đừng để kéo dài “cái quay búng sẵn trên trời/mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.

Hồi tôi đi học, từ cấp 2 tới về sau, luôn được nghe thầy cô giáo và các nhà lý luận văn nghệ khẳng định chắc nịch “nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại”, “nhà văn là người chép sử bằng hình tượng nghệ thuật”. Chúng tôi tin vào tín điều ấy khi đọc những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Tố Hữu…, rồi cả Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu, Huy Cận… (tác phẩm của những vị này dân chúng phải tìm và đọc lén, bởi bị nhà cai trị cấm một cách rất vô duyên). Nếu họ không mô tả, không lao vào cuộc sống, thì hậu sinh, thậm chí cả những người đương thời, sẽ chả biết cuộc sống tồn tại thế nào, thời đại đã quằn quại đau đớn ra sao, thân phận con người là thứ gì trong thời buổi hỗn loạn. Đọc tác phẩm của họ, người đọc biết chắc rằng các nhà văn nhà thơ, những “thư ký trung thành của thời đại”, những nhà “chép sử bằng hình tượng nghệ thuật” ấy đã sống hết mình với cuộc sống đương thời. Họ là nhà văn tử tế, có trách nhiệm với con người và cuộc đời, nhà văn đúng nghĩa. Sau này, trong cuộc nội chiến Bắc - Nam, cũng vẫn có những nhà văn đúng nghĩa như vậy, tôi lấy hai vị Phạm Tiến Duật, Nguyên Ngọc làm ví dụ.

Giờ thì khác. Chỉ riêng hội nhà văn quốc doanh được nhà nước che chở đã hơn nghìn hội viên. Suốt bao năm qua, xã hội nhiều biến động, đầy bi kịch. Người dân mất đất, tan cửa nát nhà ở khắp mọi nơi, dân oan khiếu kiện, cùng quẫn, bị xô đẩy vào “bước đường cùng” hầu như vùng nào cũng có. Phần tốt đẹp của cuộc sống thì đã được truyền thông độc quyền của nhà nước phản ánh ca ngợi từng ngày từng giờ, trên tất cả các kênh, và tất nhiên họ lờ đi, ỉm đi, lướt qua những mảng xám xịt, đen tối, bi kịch. Xã hội gần như chỉ biết trông chờ vào sự lên tiếng từ giới văn nghệ, bằng lời nói và tác phẩm. Và thất vọng. Điểm lại, hầu như không có tác phẩm nào về dân oan, viết về nông dân bị cướp ruộng đất. Văn chương quốc doanh rặt màu hồng, không hề thấy những anh Pha mới, chị Dậu mới.

Nói đâu xa xôi chi cho mệt, cứ ngay năm 2020 này thôi. Bi kịch Đồng Tâm sát nách đế đô đầy máu và nước mắt, oan khí bốc tận cao xanh, mạng người không bằng con kiến, cả xã hội sôi sục, lòng dân bất an. Trời cũng phải giận dữ. Chuyện đã gần năm tròn, sắp “kỷ niệm” đệ nhất chu niên sự kiện Đồng Tâm-cụ Kình, có nhà văn nhà thơ nào ra tác phẩm chưa? Không hề. Thậm chí lên tiếng vài ba câu bày tỏ thái độ cá nhân, viết mấy dòng tút trên phây búc, cũng không hề. Tôi thành thật xin lỗi nhà văn quốc doanh nào đã có lời về vụ Đồng Tâm - Nọc Nạn thời cộng sản mà tôi chưa có dịp đọc, chỉ mong sao có sự sót lọt vậy.

Nhìn xa chút nữa, 20 năm nay, gần như không mấy ai không biết chuyện đồng Nọc Nạn mới ở Thủ Thiêm Sài Gòn. Người dân thấp cổ bé miệng bị cướp đất trắng trợn, màn trời chiếu đất, nhà tan cửa nát, qua năm này năm khác. Nỗi đau Thủ Thiêm không còn nằm trong phạm vi vùng đất, cộng đồng nhỏ, mà đã mang tính quốc gia, toàn dân. Thậm chí thế giới cũng biết, cũng lên tiếng. Thủ Thiêm giờ đây, dưới mắt nhà cai trị là khu đô thị mới, còn trong hồn dân chúng là nỗi đau triền miên, bi kịch chồng lên bi kịch. Cả nước biết, ai cũng tỏ, chỉ riêng nhà văn quốc doanh không biết. Hai chục năm, hai thập niên ròng ròng hiện thực bi kịch đen tối, tịnh không có một phóng sự, ký sự, truyện ngắn, tiểu thuyết, bài thơ… của họ về Thủ Thiêm. Hay là họ có quan tâm, nhưng còn thai nghén, để nếu tác phẩm có ra đời thì nó phải hoành tráng, trường thiên, vang động đất trời, “thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân” (rèn luyện trăm nghìn lần, mỗi lời làm mọi người kinh sợ), đoạt giải Nobel… Cứ thai nghén, chửa trâu mãi như thế, dân chúng và cuộc sống biết đợi đến bao giờ. Thứ thiếu nhất ở các mậu dịch viên văn là “mỗi câu viết ra như có máu chảy ở đầu ngọn bút”, họ không có nên họ đã im lặng.

Gửi nhà văn quốc doanh (kỳ 3)

Có người bảo, việc thế sự nóng hổi sao lại cứ đòi hỏi nhà văn lên tiếng, thế nhà báo để làm gì. Đành rằng các nhà báo có nhiệm vụ bám trận địa hằng ngày, từng tháng, từng năm, nhưng để lay động tâm can dân chúng, vẽ lên bức tranh xã hội một cách đầy đủ, có chiều sâu, tạo hiệu ứng mạnh mẽ quyết liệt thì cần có nhà văn. Không lẽ nhà văn chỉ ăn theo nhà báo, chỉ ngồi trong phòng văn ngó ngắm “bức tranh vân cẩu, (vẽ) con người tang thương”, mặc cho cuộc đời điên đảo.

Nhân nhắc chuyện Đồng Tâm, Thủ Thiêm trước sự dửng dưng vô cảm lạnh lùng của hội nhà văn quốc doanh, của phần đông hội viên mậu dịch, cũng cần phải nói thêm, nói rõ rằng không phải nhà văn nào cũng chui vào vỏ ốc an toàn bản thân như vậy. Có nhẽ nhiều người từng đọc loạt bài phóng sự có tên “Đất Thủ Thiêm” của nhà văn Võ Đắc Danh. Anh Danh nổi tiếng với nhiều cuộc lăn xả phanh phui những vụ tham nhũng, cướp đất, hiểu thấu nỗi đau của dân oan, của con người hiền lành lương thiện bị cướp đoạt trắng trợn nhà cửa ruộng vườn đất đai tài sản. Những trang văn của anh nóng rực về xã hội đen tối, tàn ác, đầy máu và nước mắt, đầy bi kịch kéo dài suốt mấy chục năm qua. Phóng sự “Đất Thủ Thiêm” của anh vừa là lời tố cáo, hạch tội, vừa là sự chia sẻ chân thành với các nạn nhân, đăng trên nhiều kênh thông tin “không chính thống”. Điều may mắn cho giới cầm bút văn chương nước nhà là người dân Thủ Thiêm vẫn nghĩ đang có nhà văn đứng về phía mình, bênh vực cho mình, chứ không biết đội ngũ quốc doanh và Võ Đắc Danh khác nhau nhiều lắm, dù cùng mác nhà văn.

Lên tiếng về vụ Đồng Tâm, phải nhắc tới nhà văn Tạ Duy Anh, trên kênh Facebook có “búc danh” Lão Tạ (Lao Ta). Ông vốn là nhà văn quốc doanh, cũng như Võ Đắc Danh từng hội viên mậu dịch. Lão Tạ đã dứt hẳn cái vòng kim cô chưa thì tôi không rõ lắm, chứ tôi biết anh Danh, cũng như các bác các anh chị Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Ý Nhi, Ngô Thị Kim Cúc, Trần Mạnh Hảo, Đào Hiếu, Hoàng Hưng, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Phạm Xuân Nguyên… thì đã “bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán”, tự cởi kim cô tuyên giáo khá lâu rồi. Họ đứng thẳng và dấn thân vì những điều tốt đẹp. Đọc “Đất, máu và sắt” viết về vụ Đồng Tâm của Lão Tạ - Tạ Duy Anh, có cảm giác đang nghe bản án, bản luận tội đanh thép và đầy bức xúc. Lão Tạ biên chép thật rõ ràng, khó thể chối cãi, chẳng hạn: “Đồng Tâm trở thành mảnh đất đẫm máu người Việt nhất kể từ sau năm 1975”. Tạ Duy Anh không chỉ vạch ra vụ đàn áp kinh thiên động địa để giúp mọi người hiểu rõ thực chất của nó mà còn dõng dạc: “Ai đã đẩy những người nông dân yêu đất đai ấy đến chỗ phạm tội?” Ai? Hỏi mà không cần trả lời bởi đã quá rõ ràng. Ngưỡng mộ ông, Tạ Duy Anh, Lão Tạ, người văn chân chính, phi mậu dịch, phi quốc doanh. Nhà văn của nhân dân.

Không chỉ có Đắc Danh và Lão Tạ, ở xứ này những nhà văn tử tế, thân dân, trọng lẽ phải, không an phận, không ích kỷ, vượt trên sự tầm thường, dám hiên ngang trước cường quyền, từ lâu nay chưa hề thiếu vắng. Những văn nhân thi sĩ từng dũng cảm “xông lên đoạt trời” hồi Nhân văn giai phẩm nửa cuối thập niên 50 là điển hình cho đẳng cấp nhà văn như thế. Thập niên 80 - 90, nếu không có những nhà văn đầy trách nhiệm với cuộc sống mà họ đang sống, như Trần Huy Quang, Trần Khắc, Phùng Gia Lộc, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Minh Tường, Lưu Quang Vũ… thì sao có những trang viết lay động tâm can đến bây giờ, những “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, “Chuyện về ông vua lốp”, “Người đàn bà quỳ”, “Tướng về hưu”, “Lời khai của bị can”, “Làng giáo có gì vui”, “Tôi và chúng ta”… Những mảng đời đen tối, bất công, tủi nhục, độc ác… bị cường quyền che giấu, phủ son, những nhà văn ấy mà không xông ra biên chép phản ánh, thì họ cũng chỉ giống như số đông an phận chim hót trong lồng. Bây giờ nhắc tới tác phẩm thời kỳ đó, người ta luôn nhớ “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, “Vua lốp”, “Tướng về hưu”… chứ mấy ai đoái hoài tới đỉnh cao này nọ đâu. Giả dụ Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Nguyễn Huy Thiệp không chịu dấn thân đời thực, cứ ngồi ru rú phòng văn thai nghén cho tác phẩm vài mươi năm sau, chắc chắn bây giờ không mấy ai biết đến họ, nhắc tới họ. Người đời sẽ không hề biết trong lịch sử hiện đại xứ này từng xảy ra rất nhiều “cái đêm hôm ấy” với tiếng kêu xé ruột. Còn nhà văn, họ sẽ “chết” lặng không để lại dấu vết như phần lớn văn sĩ quốc doanh cùng thời với mình.

Mỗi khi chứng kiến cuộc sống ngồn ngộn chất liệu văn chương bị trôi đi rất lãng phí, hiện thực nóng hơn chảo dầu sôi, thân phận con người chất chứa tầng tầng lớp lớp bi hài kịch, còn đội ngũ nhà văn đông chưa từng có nhưng “giữa phố đông không thấy mặt người”, thiên hạ lại ngậm ngùi tiếc rẻ rỉ tai nhau “giá mà có Vũ Trọng Phụng, Lưu Quang Vũ nhỉ”, “nếu Phụng sống ở thời này thì phải biết”… Ôi giời, so với chả bì. Ông Phụng mà còn sống, có khi lại bị định hướng, nghênh ngang trên đầu cái vòng kim cô, đặc sệt quốc doanh giống như hơn nghìn hội viên văn quốc doanh mậu dịch an phận bây giờ, thì lấy đâu ra “Số đỏ”, “Giông tố”, “Vỡ đê”, “Cơm thầy cơm cô”, “Lục xì”, “Số độc đắc”, “Làm đĩ”… liên tiếp ra mắt trong vòng chưa đầy chục năm trời.

Gửi nhà văn quốc doanh (kỳ 4, cuối)

Một nước, một dân tộc không thể thiếu nền văn hóa. Văn học văn chương là cột trụ của nền văn hóa ấy. Nước Nam ta, bao đời nay theo dòng thời gian trôi đi, trôi mãi không ngừng, các sự kiện, vĩ nhân, anh hùng, dấu mốc lịch sử, khúc ngoặt khúc quanh dần chìm khuất, thậm chí mất hẳn sau lớp lớp sóng xô, nhưng văn chương tinh hoa vẫn tồn tại, còn mãi với đời. Người ta gọi đó là giá trị trường tồn.

Điều dễ nhận ra, những tác phẩm sinh nở từ cuộc sống hiện thực, phản chiếu bức tranh xã hội cụ thể, chứa những mảnh đời, thân phận, buồn vui trong chính thời đại mà người cầm bút sống, từng trải, chiêm nghiệm, mô tả, biên chép; những trang viết ròng ròng máu, mồ hôi, nước mắt, đầy tiếng khóc tiếng cười, thì thường thọ lâu bền hơn so với thứ văn chương hư cấu, tưởng tượng. Ngay cả Truyện Kiều, dù lấy cốt từ văn học lịch sử Tàu thì bức tranh xã hội mà cụ Tiên Điền mô tả vẫn là xã hội cụ đang sống, đang trôi từng ngày trong đời cụ, như chính cụ thổ lộ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đành rằng những tác phẩm hư cấu, tưởng tượng, không gắn với hiện thực đang tồn tại cũng có nhiều cái hay riêng của nó, nhất là điều được gọi là “giá trị nghệ thuật”, nhưng quả thật để tạo nên sự lay động lòng người, khiến người ta phải khóc cười thì văn chương phi hư cấu mới làm đầy đủ. Thứ văn ấy là văn trong sử, văn chứa sử, chứa bóng dáng thời đại qua mỗi chặng đường xã hội.

Không ai hồ đồ phán xét các nhà văn quốc doanh, văn chương mậu dịch là thoát ly hẳn cuộc sống. Phần đông nhà văn ta vẫn viết về tổ quốc tươi đẹp, quê hương yêu dấu, chủ quyền biển đảo, kinh tế thị trường, những trò đùa dai, những sự hiểu lầm, viết về tình yêu, về nỗi buồn, về sông dài núi cao, về đảng và bác, về chủ nghĩa xã hội… Nhiều lắm. Hình như họ chỉ quên cuộc sống bần cùng của dân chúng, nỗi đau của người bị áp bức, cảnh người lương thiện bị xô đẩy vào đường cùng. Văn mậu dịch nhiều niềm vui, màu hồng, tiếng cười nắc nẻ, trò giải trí, chỉ thiếu bức tranh xã hội xám xịt, thiếu bi kịch thân phận dân chúng cần lao. Đã qua rồi 20 năm Thủ Thiêm, 1 năm tròn Đồng Tâm, cụ Kình đã sắp giỗ đầu, chưa kể hàng trăm vụ dân oan lê lết khiếu kiện hết năm này năm khác, mà văn chương mậu dịch (tôi nhấn mạnh văn chương mậu dịch, chứ không phải nhà văn nói chung) không thấy đoái hoài gì, không lấy một chữ một câu. Chỉ chê trách nó thôi là còn quá nhẹ. Tuy nhiên, nó im còn đỡ, chứ lại rặn đẻ ra vài cái “chuyện làng Nhô” nữa thì mới khốn nạn, bất nhân.

Đừng trách tôi nặng lời. Tôi còn nhớ, thời thập niên 60 - 70, nhà cầm quyền luôn lo ngại nhà văn trong đội ngũ của họ dửng dưng với thời cuộc nên thường tổ chức những cuộc đi thực tế, họ gọi là lăn mình vào cuộc sống, thở hơi thở của nhân dân, bắt nhà văn phải xả thân vào hiện thực nóng bỏng, nếu thu hoạch được gì qua mắt thấy tai nghe thì viết ngay, sinh đẻ ngay tác phẩm. Trang văn vì vậy sôi động, ấm áp, sinh sắc, thu hút, chân thực, có hồn. Lứa chúng tôi ra đời giữa thập niên 50 được đọc nhiều tác phẩm như thế, dù biết rằng nó cũng chỉ là thứ sản phẩm minh họa, tính định hướng cao, hằn rõ vòng kim cô. Chả thể đòi hỏi gì hơn bởi dù sao cũng là đồ mậu dịch. Mậu dịch mà được vậy là khá lắm rồi.

Lâu nay nhà văn luôn đòi quyền tự do sáng tác, khi công khai, lúc ngấm ngầm. Chả ông bà nhà văn nào tự nhận mình không thích tự do sáng tác. Chỉ có điều, khi đã tự nguyện chấp nhận mình thành nhà văn mậu dịch, thành viên của hội văn quốc doanh thì quyền tự do sáng tác không có tác dụng nữa. Họ cũng như ông Fadeev của Liên Xô ngày trước thôi, rất ngạo nghễ tuyên bố “các nhà văn xô viết chúng ta được sáng tác theo tiếng gọi của trái tim mình, nhưng trái tim chúng ta đã thuộc về đảng”. Hồi cuối thập niên 60, tôi được nghe kể, ông Trường Chinh đến chỉ đạo đại hội nhà văn (thời nào cũng vậy, đảng rất thích chỉ đạo văn nghệ sĩ), nghe loáng thoáng nhà văn nào đó rụt rè về quyền tự do sáng tác, anh Cả liền mắng ngay, đại loại, ai bảo rằng các anh chị không có quyền tự do sáng tác, các anh chị vẫn có quyền tha hồ chửi bọn đế quốc Mỹ đó thôi. Bị cụ mắng, thế là tịt ngòi, cấm ai dám ho he. Vậy nên, đừng trao quyền tự do sáng tác cho nhà văn quốc doanh làm gì, bởi nó là thứ xa xỉ, thừa, không cần thiết, lãng phí. Có đảng thì không có tự do, có tự do thì không có đảng.

Nhưng xin thưa với các nhà văn quốc doanh, chính cụ Cả cũng từng khuyên rất chí lý với những nhà văn nhà thơ xa rời cuộc sống, thờ ơ trước số phận nhân dân. Cụ bảo “Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!/Thời rượu nồng, nệm ấm đã qua rồi/Thôi thôi đừng khóc gió với than mây/Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ”. Nhà văn mậu dịch, ai mà chả biết chả thuộc chả nghe tuyên ngôn này. Vậy thì hỡi các vị, đảng đã dạy, hãy thực hiện đi, về với đời thực, với dân chúng, với Thủ Thiêm, Đồng Tâm, với những “cái đêm hôm ấy đêm gì”... 

Phải nhìn thẳng và thừa nhận rằng chưa bao giờ văn chương thơ phú mất giá như thời hội đoàn quốc doanh. Dẫn ra thì bảo thô tục, thiếu tao nhã nhưng cái sự thê thảm ấy đã được nhà thơ bình dân Nguyễn Bảo Sinh đúc kết một cách chính xác và chua chát:

Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
Hôm qua nó bảo dí thơ vào lồn
Vợ tôi dở dại dở khôn
Hôm nay lại bảo dí lồn vào thơ.

Mà chẳng riêng gì thơ, văn học phải đạo, nghệ thuật phải đạo, bị tuyên giáo định hướng dẫn dắt đều như thế. Kịch rặt những trò cười nhảm nhí rẻ tiền, đùa dai hiểu lầm; phim, nói như thi sĩ chuyên nghiệp Trần Đăng Khoa,

Ngồi buồn cởi cúc coi chim
còn hơn vào rạp xem phim nước mình…


Còn điều nữa muốn nói, nhưng không phải với nhà văn quốc doanh, mà với hội của họ. Xứ này nhiều hội đoàn quá rồi, bội thực hội, mãn hội, thành gánh nặng cho dân. Lưng còng dân chỉ gánh đảng và tay ngắn tay dài, tay phải tay trái của đảng đã đủ chết, mong sao bớt được những thứ hội đoàn của nợ. Báo Tuổi Trẻ năm 2016 có bài tít đậm nêu rõ xứ ta mỗi năm phải chi ngân sách tới 68.000 tỉ đồng để nuôi các hội đoàn. Đọc con số, nhiều người chết ngất. Hội văn bút quốc doanh là một trong những cái miệng cá ngão bú bầu sữa ngân sách kinh khủng đó. Hỡi hội nhà văn quốc doanh, nên tự làm nuôi lấy mình, lao động để tồn tại, sống bằng ngòi bút, đừng bấu xấu trông chờ tiền thuế của dân. Hãy học các nhà sư (tất nhiên không phải sư quốc doanh), giác ngộ “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (một ngày không làm thì một ngày không có ăn). Nhà chùa gánh trọng trách nặng nề cứu nhân độ thế mà còn biết tự lực cánh sinh vậy, huống hồ nhà văn quen khóc gió than mây.

Nguyễn Thông

Nguồn: https://thongcao55.blogspot.com/2020/12/gui-nha-van-quoc-doanh.html

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn