Để tưởng niệm Lê Xuân Đèo, người bạn cùng Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, đã ngã gục trong lao tù Cộng sản.
Đầu tháng 6/1975, tôi trình diện học tập cải tạo ở Trường Taberd, Sài Gòn. Ba ngày sau bị chuyển lên trại Long Giao (Long Khánh), được vài tháng thì chuyển về trại Suối Máu (Biên Hòa). Vào tháng 5/1976 bị chuyển ra Bắc bằng tàu Sông Hương (một tàu của Việt Nam Thương Tín được cải danh) khởi đi từ bến Tân cảng, Sài Gòn.
Trại cải tạo đầu tiên trên đất Bắc là Trại 2 ở Sơn La. Sau hơn vài tháng ở Sơn La, được “hành quân” chuyển trại về Hoàng Liên Sơn.
Sau một ngày di chuyển bộ với hành trang nhẹ, nhưng cũng rất ngất ngư vì phải vượt qua đèo Lũng Lô, một đèo thật cao giáp ranh Sơn La và Hoàng Liên Sơn; chúng tôi “đi trong mây” suốt chặng đường từ lưng chừng đèo phía Sơn La cho đến gần cuối chân đèo phía Hoàng Liên Sơn.
Tối đầu tiên chúng tôi tạm dừng nghỉ chân ở một trường học. Sáng hôm sau, tiếp tục “hành quân” để về trại mới. Đến khoảng xế chiều, trong khi đang lội bì bõm qua một cánh đồng nước, chúng tôi nghe tiếng gọi ơi ới của một Cán bộ đang cầm cái “đài” trong tay, vừa đi vừa nghe bản tin quan trọng. Người Cán bộ này báo cho các đồng chí khác biết tin mà chúng tôi vô tình nghe lóm được: “Bác Mao vừa qua đời đêm qua”. Thành ra ngày chúng tôi đến một trại mới, có một mốc thời gian đặc biệt để ghi nhớ, đó là ngày 10 tháng 9 năm 1976.
Chạng vạng tối thì chúng tôi đến trại. Trại có lẽ mới được dựng lên bởi một đơn vị bộ đội hay một đơn vị nông trường nào đó. Trên các triền đồi chung quanh có rất nhiều lán trại dành cho “khung” của Cán bộ và Bộ đội, riêng phần cuối chân đồi, chỉ vỏn vẹn có 1 nhà bếp và 4 lán dành cho khoảng 500 tù cải tạo. Các lán được làm bằng nứa kể cả phên, mái và sạp nằm. Chung quanh các lán toàn cỏ dại và cứt bò, cứt trâu vương vãi khắp mọi nơi, kể cả bên trong các lán.
Chúng tôi đã đến Trại 6 Hoàng Liên Sơn nằm trong hốc núi của xã Khe Thắm. Thời gian này, trại vẫn còn do Bộ đội quản lý.
Cán bộ thông báo để tất cả các trại viên “nắm” và “quán triệt”: kế hoạch “trại ta” trước mắt là củng cố xây dựng trại, đồng thời bắt tay vào lao động sản xuất. Tổng thể đơn giản chỉ có thế! Nhưng cả trại “phe ta” đều biết mình sẽ phải bỏ biết bao mồ hôi, biết bao công sức và sẽ đánh đổi biết bao mạng sống cho công trình đơn giản này.
Việc đầu tiên cho ngày hôm sau là lên rừng chặt cây về xây hàng rào trại. Hàng rào trong, hàng rào ngoài, cổng lớn, cổng nhỏ, chòi canh, trạm gác. Ta làm mọi thứ thật là kiên cố để nhốt chính ta thôi! Sau khi làm “rọ” chắc chắn rồi mới tiếp tục làm hội trường, nhà xí, nhà tiểu và tất cả các thứ linh tinh khác. Dĩ nhiên các công trình tiện ích này chỉ được khởi công xây dựng sau khi đã hoàn tất các nhà cùm và nhà kỷ luật!
Còn lao động sản xuất? Một rừng giang bạt ngàn phía Nam của trại và cách trại khoảng 3 cây số đường chim bay. Phải đẳn tất cả giang mang về trại, những cây giang phải dài từ 8 mét trở lên và phải to ít nhất bằng cổ chân trở lên, đó là tiêu chuẩn bắt buộc. Sau mỗi ngày lao động, giờ “nhiệm thu” thật là đứng tim! Những bó giang không đạt chất lượng thì sẽ bị “bất”, ngoài việc nhận khiển trách và cảnh cáo, ngày hôm sau phải làm bù số lượng thiếu của ngày hôm trước cộng với chỉ tiêu của ngày hôm đó. Giang được tập trung để sản xuất về miền xuôi.
Trên nguyên tắc, trại được nghỉ lao động ngày Chủ nhật, nhưng cứ 2 hoặc 3 tuần, trại lại được “tình nguyện đóng góp” lao động Xã hội Chủ nghĩa một ngày Chủ nhật. Và cứ như thế, tù bị thúc từ đằng sau, cứ “hồ hởi phấn khởi” tình nguyện tham gia ngày lao động Xã hội Chủ nghĩa đều đều !
Sau khi các rừng giang được đốn hết, đợi vài hôm cho các cành giang nhỏ và lá giang héo khô, tù phải đi đốt các rừng giang vừa được đốn xong. Giai đoạn kế tiếp là trồng sắn trên các rừng giang cũ, với tro đốt giang trở thành phân bón, thật là một “khoa học hiện đại của Xã hội Chủ nghĩa”!
Ngoài công tác phát quang và trồng sắn, trại còn được đóng góp với một nông trường địa phương, bằng cách xây dựng một “tuyến đường” chạy ngang qua một ngọn núi phía Bắc của trại. Với những thân xác ngày càng gầy guộc vì đói, với những cánh tay trần khẳng khiu, với những chiếc cuốc cùn giống như sức cùn của tù. Và vẫn “sức người là chính”: tù phá núi làm đường.
Việc đầu tiên là phải hạ tất cả các cây lớn, nhỏ của vùng núi dự trù sẽ phóng đường đi qua, kể cả đánh bật tất cả các rễ cây. Có nghĩa là phải gọt sạch phần trên của núi trước đã.
Công tác kế tiếp là vỡ đất núi ra và chuyển khối lượng đất đó xuống vực. Giai đoạn này có 2 khâu chính: khâu vỡ đất và khâu chuyển đất. Khâu vỡ đất: dụng cụ duy nhất là cuốc và xà-beng. Khâu chuyển đất chỉ có 3, 4 “xe cải tiến” (xe bồ ệt) tăng cường để chuyển các tảng đá lớn. Phần còn lại do tù khiêng bằng sọt hoặc dùng “trang”. (“Trang” là một miếng gỗ dài khoảng thước rưỡi, rộng khoảng 4 tấc, được đóng thêm một khung tay cầm và một sợi giây. Trang được xử dụng bởi 2 người, người phía sau cầm khung tay cầm ấn miếng gỗ xuống đất, giống như người thợ cày cầm cái cày; còn người phía trước choàng sợi giây vào cổ như con trâu kéo cái cày để kéo đất đi. Mục đích dùng trang để kéo đất từ một điểm này đến một điểm khác).
Cuối cùng, ngọn núi cũng được bạt đi và một con đường đã được hoàn thành để nối vùng Khe Thắm với một nông trường xa xôi nào đó.
Ngoài ra trại còn có các bộ phận khác như các đội mộc, đội cưa xẻ, đội rau xanh, đội chăn nuôi và dĩ nhiên có cả đội cấp dưỡng (hay đội “anh nuôi”) để cung cấp thức ăn “đói triền miên”, “đói muôn năm” mỗi ngày cho toàn trại!
Đi tù cải tạo, nhất là cải tạo tại miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, mà nói tới cái đói thì cũng bằng thừa, bởi vì chữ đói nó đã dính liền với chữ cải tạo từ những năm một ngàn chín trăm lâu lắm! Biết thế, nhưng không nói cũng không được vì không nói ra nghe nó “anh ách, tưng tức” thế nào. Có thể, nói ra để mọi người cùng nghe, cùng thông cảm, cùng chia sẻ và cùng ngậm ngùi!
Theo thông cáo của cái gọi là “Ủy ban Quân quản Thành phố HCM” vào năm 1975, thành phần “Ngụy quân Ngụy quyền” bị trình diện riêng biệt theo từng cấp bậc hoặc chức vụ. Do đó, khởi đi từ các trại ở trong Nam, cùng cấp bậc thì ở chung cùng trại. Những năm đầu khi ra Bắc, cũng vẫn như thế. Dần về sau, do sự “biên chế” - một hình thức “xáo bài” giữa các trại với nhau - nên tạo ra các trại hổn hợp, hầm bà lằng với nhiều cấp bậc khác nhau kể cả các thành phần phục quốc từ sau 1975.
Từ trong Nam ra đến miền Bắc, tôi thường được ở chung với một số bạn cùng cấp bậc và cùng đơn vị cũ. Mãi đến năm 1976, bắt đầu từ trại 2 Sơn La, người bạn cùng khóa duy nhất tôi có dịp ở chung, đó là Lê Xuân Đèo.
Kể từ ngày ra trường vào tháng 12 năm 1960, đây là lần đầu tiên tôi gặp lại Đèo. Qua chuyện trò, được biết một số tin tức về đời sống của nhau từ sau ngày chia tay ở quân trường, về đời sống riêng tư hoặc đời sống tại đơn vị của thời trước 75. Dĩ nhiên, qua câu chuyện, khi nhắc về thời gian cùng quân trường và đặc biệt là cùng chung khóa thì ôi thôi biết bao là kỷ niệm. Tâm lý chung của con người, kỷ niệm đầu đời, nhất là vào tuổi đôi mươi, lúc nào cũng được ghi đậm nét với những cái vụng về, những cái ngây ngô - nhưng rất đáng yêu - của một thời trong quá khứ! Có được một người bạn cũ cùng đưa nhau về kỷ niệm ngày xưa, đặc biệt là trong thời gian tù hãm này thì còn gì quý hơn. Tôi và Đèo tình thân như được nối lại và được hâm nóng thêm để tưởng chừng có thể làm giảm bớt được cái giá lạnh của thời tiết và cùng chia sẻ nhau cái cùng khổ của kiếp đọa đày.
Ngày đầu tiên khi gặp lại Đèo, tôi nhớ ngay tới câu chuyện không thể nào quên được của khóa chúng tôi. Không biết do “Ban Giám khảo của cuộc thi “cắc cớ” nào hay do những quan sát, so sánh và đánh giá nào của các bạn cùng khóa mà có sự truyền khẩu rất ư là đồng tình qua việc tuyển lựa và xếp hạng về cái “can trường” của giới mày râu trong khóa: “Nhất Trưởng, Nhì Đèo”.
Trong câu chuyện vui, tôi nhắc đến sự xếp hạng này, Đèo cười và chua thêm: “Đời tao chỉ toàn là thứ nhì thôi, khi ra đơn vị tao cũng được xếp hạng “Nhất Đống, Nhì Đèo”. Tôi cười phá lên và nói: “Hạng nhì Quân trường, hạng nhì Toàn quân! Thôi bây giờ tao cho mày cái Giải Xuất sắc Cải tạo cho đủ bộ “tam sên”! Đèo cũng cười theo nhưng khua tay nói: “Bây giờ tao không cần giải gì ráo trọi, chỉ cho tao thêm một củ khoai mì phụ trội cho “ấm lòng cải tạo” là đủ lắm rồi!”
Tôi còn ghi nhớ hình ảnh Đèo, to cao, rắn chắc cộng với cái vẽ “bặm trợn” mà hóm hỉnh của Yul Brynner trong phim “The King and I” mà tôi đã xem từ thuở xa xưa! Đèo cũng kể tôi nghe một số chuyện vui khi đi học khóa “Tổng quản trị căn bản” hoặc những mẩu chuyện buồn vui của đơn vị. Chức vụ và đơn vị cuối cùng của Đèo là: Chỉ Huy Trưởng Trung tâm 2/ Tuyển mộ và Nhập ngũ tại Nha Trang.
Đèo tâm sự thêm là: Năm 75, sau khi mất Nha-Trang, Đèo đã đưa được gia đình vào Sài Gòn và đã xoay xở để cả gia đình được đi Mỹ vào mấy ngày chót của tháng 4/75. Đèo không cùng đi với gia đình lúc đó vì định chạy về nhà một người bà con sắp xếp một số công việc. Giờ chót bị kẹt lại, rồi đi ở tù !
Đèo hỏi về trường hợp của tôi, “Tại sao mày kẹt lại?”, tôi chỉ vắn tắt: “Tao không kẹt, tao chỉ quyết định ở lại mặc dù tao có phương tiện ra đi”. Đèo tức tối: “Sao khùng quá vậy?”. Tôi vặn lại: “Sao không hỏi mày? Mày để bị “kẹt ở lại”, như vậy có khùng không?”. Đèo đăm chiêu một lúc rồi nói: “Thôi thắc mắc làm gì cho mệt! Đôi giày nó còn có số, mình đi tù cũng có 'numero' mà!”. Cả hai cùng cười sảng khoái, nụ cười bất chợt, hiếm hoi, như cố che đậy những u ẩn, những bất trắc sẽ chụp xuống không biết vào ngày N hay giờ G nào đó của tương lai, một tương lai chỉ thấy mịt mù như âm khí của vùng núi rừng Việt Bắc!
Trại Khe Thắm nằm cuối một con đồi, sau lưng đồi là một rặng núi cao. Một con suối không sâu lắm bao quanh mặt trước của trại. Con suối này là nguồn nước duy nhất của tù. Tắm giặt cũng nước suối, nấu ăn cũng nước suối. Con suối ở vào vùng trũng, coi như một thùng chứa tất cả các chất thải từ hai bờ, đặc biệt là những xóm Mường ở rải rác chung quanh nguồn nước. Thôi thì cứt trâu, cứt bò kể cả cứt người thỉnh thoảng trôi lều bều, diễn hành hiên ngang trước mắt tù như một thách thức, một trêu ngươi!
Nhưng ngày qua ngày, tù cũng tự hòa nhập với những trêu ngươi và thách thức đó.
“Lâu rồi đời mình cũng quen!”
Khoảng hơn 3 tháng sau ngày đến Trại Khe Thắm, khi mọi tiện nghi của trại được coi là “ổn định bước đầu” thì hình hài của mọi người tù được ghi nhận là “xuống cấp” trông thấy. Lúc đó đang bắt đầu vào đông, trời Hoàng Liên Sơn quá lạnh. Tù phải mặc tất cả “các thứ gọi là quần áo” vào người để chống rét cho nên ít nhận ra sự “xuống cấp”. Nhưng sau lúc lao động về, ra suối tắm, tù nhìn nhau, mới bắt gặp những cái “dung nhan mùa đông” của nhau: những đôi má lõm sâu, những đôi mắt cũng lõm sâu, ngơ ngáo, lạc thần. Những cái bụng lép kẹp, nhăn nhúm. Những bộ xương sườn, xương sống nhô lên. Mớ thịt mông biến mất hồi nào, làm tăng thêm sự vươn cao ngạo nghễ của đôi xương mông. Cộng với những ống chân, ống tay khẳng khiu, càng tô điểm thêm cho tù cái dáng dấp của cái gọi là “con người ở vào thuở hồng hoang”!
Nhưng nỗi kinh hoàng của tù lúc bấy giờ, ngoài cái lao động khổ sai; ngoài cái đau ốm, bệnh tật; ngoài cái đói, cái rét; còn chịu thêm nỗi lo sợ ám ảnh, trĩu nặng mỗi chiều xuống, đêm về!
Số là, thời gian này cán bộ và bộ đội trại đang có phong trào luyện tập võ thuật. Mấy anh bộ đội trẻ, hiếu động cái kiểu ngựa non háu đá. Vợt với nhau chắc là không thích thú lắm, nên bèn lấy tù ra làm vật tế thần để vợt võ. Đêm đêm vào trại tuần tra, vớ được bất cứ tù nào sơ ý vi phạm kỷ luật, cho dù vi phạm thật sự hay chẳng vi phạm gì cả. Với những lý do vu vơ như: ra ngoài để đi đại tiện hay tiểu tiện mà không báo cáo, hoặc báo cáo không đúng qui cách, hoặc báo cáo “bố láo” vân vân và vân vân ...(qui định của trại là: ban đêm trại viên nào ra ngoài đi tiêu, đi tiểu đều phải báo cáo, không cần biết có hay không có cán bộ/bộ đội bên ngoài. Khi báo cáo, phải báo cáo “rõ to”, ví dụ “Báo cáo cán bộ tôi xin ra ngoài đi tiểu”, hoặc khi xong: “Báo cáo cán bộ, tôi đi tiểu xong, xin trở về buồng”.
Tù nào bị cho là vi phạm, sẽ bị đưa ra vùng hàng rào cấm để làm con nộm cho cán bộ/bộ đội vợt võ. Khi thì bị 1 hoặc 2 cán bộ/bộ đội vợt; khi thì bị “bề hội đồng” bởi 4, 5 cán bộ/bộ đội. (Trại nào cũng có 2 lớp hàng rào cách nhau khoảng 15 mét, vùng đất giữa 2 hàng rào gọi là vùng hàng rào cấm, dĩ nhiên tù không được “xâm nhập” vào vùng này, nếu vi phạm có nghĩa là có ý đồ trốn trại).
Cán bộ/bộ đội đưa tù ra vùng hàng rào cấm vợt võ có 2 điều lợi, thứ nhất: tránh xa các tù khác trong trại, sợ có phản ứng; thứ hai: nếu tù lỡ bị chết thì đổ lỗi cho là tù vượt trại và bị xử lý tại chỗ.
Một số tù là nạn nhân của những đêm vợt võ đã rỉ tai cho các bạn thân khác để chuẩn bị “phòng thủ thụ động” lỡ khi bị làm nạn nhân: đừng đứng hoài để tránh bớt các cú đá song phi. Khi té xuống cứ giả bộ nằm ẹp luôn, nên nằm úp để tránh các cú đạp và đấm vào lồng ngực, bụng và vùng hạ bộ. Nằm úp xuống nhưng phải vòng tay thủ phần đầu và ót. Chấp nhận những cú đá, những cú chặt, những cú đấm hoặc cú đòn bằng cùi chỏ trong vùng không có gì bảo vệ như lưng, mông và hai chân.
Thời gian đó, tôi và Đèo cũng thường rù rì cho nhau những bí kíp “khẩu quyết” để phòng thân. Và cũng từ đó, chúng tôi bắt đầu chứng kiến nhiều bạn tù gục ngã và rơi rụng. Lý do không phải hoàn toàn là nạn nhân của huấn luyện võ thuật mà bởi nhiều lý do khác như: tai nạn lao động, kiệt sức vì lao động, đau yếu, bệnh tật mà không có thuốc men, hoặc vì quá đói nên khi đi lao động đã ăn nhằm những thứ độc như nấm độc, trái cây độc, cóc độc v...v...
Phía Đông của trại khoảng 4 cây số có hai địa danh rất quen thuộc với mọi người tù trại Khe Thắm, đó là “Đồi Máu Chó” và “Đồi 500”.
Đồi Máu Chó là tên của địa phương đã có từ trước, vì vùng này có một loại cây rất đặc biệt, gỗ mềm, lõi cây khi hạ xuống có một dòng nước sền sệt màu đỏ máu, dân địa phương gọi là cây máu chó.
Đồi 500, chắc là tù phe ta đặt vì đây là ngọn đồi yết hầu, muốn lên làm cây rừng ở vùng đồi núi bên kia, phải vượt qua nó trước đã. Mà muốn tới đỉnh đồi phải vượt qua khoảng 500 bậc tam cấp thiên nhiên tạo bằng các thân cây, rễ cây hay các gộp đá. Đồi có độ dốc khá thẳng đứng, leo lên tới nơi là thấy lùng bùng lổ tai rồi, vì hai lý do: cao độ và hơi thở dồn dập. Nhiều bạn tù còn đặt cho mấy cái tên khác nhau như “Đồi Bá Thở” hoặc “Đồi Le Lưỡi”, tuy nhiên “Đồi 500” vẫn được gọi thông dụng hơn.
Rồi một hôm, Đèo được một bạn tù cùng đội xóc nách kè về từ bên kia Đồi 500, dĩ nhiên chỉ tiêu lao động trong ngày không đạt được vì phải bỏ lại hiện trường lao động. Vì Đèo và tôi ở hai đội và hai lán khác nhau, chiều hôm đó khi về trại tôi mới biết tin của Đèo.
Tôi qua thăm Đèo, thấy Đèo nằm thiêm thiếp, hơi thở khò khè. Đèo cho biết có lẽ vì đói bụng nên xây xẩm mặt mày và hai chân muốn sụm, đi không nổi. Người tù đội trưởng chạy đi báo cáo Cán bộ để xin cho người kè Đèo xuống núi về trại.
Cứ tưởng Đèo bị xỉu sơ sài, chỉ nghỉ lao động một hai ngày là có thể hồi sức lại. Nhưng không phải vậy. Đèo cho biết lúc còn ở trại Suối Máu, Biên Hòa, Đèo đã bị bệnh kiết lỵ hơn 1 tháng nên bị mất sức từ đó. Đến khi chuyển ra Trại 2 Sơn La, bắt đầu lao động nặng thật sự; sức khỏe chẳng những không hồi phục mà càng ngày càng tệ thêm. Rồi từ khi chuyển về trại Khe Thắm, chế độ lao động càng nặng hơn, nên sức khỏe càng giảm sút rõ rệt.
Những năm đầu khi mới ra Bắc, Bộ Đội còn quản lý tù và chưa có qui chế thăm nuôi - ngay cả qui chế nhận quà tiếp tế của gia đình cũng chưa có - nên tù chỉ dựa vào phần ăn của trại là chính. Mà phần ăn tù toàn là bắp, khoai mì, khoai lang, giong giềng (củ chuối tây), bo bo, bột mì Liên Xô v...v... ăn với chút nước muối mà chỉ được nuôi ăn khoảng 1/3 nhu cầu trong khi lao động thì cật lực 100%. Do đó “cái đói triền miên”, “cái đói muôn năm” vẫn theo sát và ám ảnh tù. Sáng, trưa, chiều, tối chẳng nghĩ, chẳng thấy gì cả ngoài đói, đói và đói! Đèo bị rơi vào hoàn cảnh đói chung của tù và kiệt sức dần.
Trại Khe Thắm có một Cán bộ Quân y sĩ, ông này dáng tầm thước, nước da trắng trẻo, không có nét gì của “ba đời bần cố nông” cả, nhưng ông ta là một cán bộ rất chuyên chính và rất sắt máu! Lúc nào ông ta cũng lầm lì, nét mặt khó đăm đăm, không chút tình người và chưa bao giờ thấy ông ta cười.
Trong trại có một bác sĩ, B/S Nguyễn Hoa Lý, cựu Chỉ Huy Trưởng một Quân Y Viện ở Cần Thơ. Thay vì để B/S Lý làm y công trại, thì Cán bộ Quân y sĩ bắt B/S Lý đi lao động nặng bên ngoài, rồi bắt anh tù Lê-Văn-Lương làm y-công trại. Khổ một nỗi, về kiến thức y dược, anh Lương cũng chỉ là một “tay ngang” như các bạn tù khác mà thôi!
Theo tổ chức của trại tù, ngoài các tù “đội trưởng”, “y công trại” cũng là một “chức sắc”. Nhiệm vụ của anh y công này là theo dõi và báo cáo tình trạng sức khỏe của tù. Đặc biệt là vào sáng sớm trong những ngày lao động, ai có đau ốm gì, phải báo cáo với anh tù y công để anh này “khám bệnh”, sau đó sẽ quyết định hoặc được cho vài viên thuốc hoặc vẫn phải đi lao động như bình thường. Chỉ khi nào tù bệnh thật sự và gần như sắp “đi tàu suốt”, anh Lương mới chạy đi báo cáo với Cán bộ Quân y sĩ để được đặc ân cho nghỉ một ngày lao động. Còn thường thường thì anh Lương chỉ sờ vào trán rồi phán một câu “Đi lao động”, thế là phe ta vẫn anh dũng tay dao, tay cuốc xuất trại! Tháng nào may mắn lắm có được một số thuốc cho tù thì đó là cả một sự kiện lớn và anh Lương “rộng rãi” ban cho mấy anh tù đến khai bệnh mỗi anh 3 viên xuyên tâm liên rồi lùa họ đi lao động.
Từ khi đi ra Bắc, tù mới nghe và biết về “thần dược” xuyên tâm liên này! Đau đầu, sổ mũi, trặc chân trặc tay, đau lưng đau gối, đau bụng tiêu chảy, đau ngực kể cả đau tim, suyển, đau phổi, bước đi không nổi vì kiệt sức v...v... đều được chữa trị bằng xuyên tâm liên. Nói tóm lại với bá bệnh trên cõi đời ô trọc này, nếu tù vướng phải, thì đã có xuyên tâm liên, và chỉ có xuyên tâm liên mà thôi! Có nhiều người tù ốm nặng, uống xuyên tâm liên vào rồi vẫn đi tàu suốt dài dài, do đó anh em tù “chế” thêm một cái tên mới cho “thần dược” xuyên tâm liên, đó là “xuyên tâm tiễn”! (Mũi tên mà bắn xuyên qua tim thì không “đi đoong” cũng uổng!).
Cái sự đau ốm, bệnh hoạn của tù nói chung và của trại Khe Thắm nói riêng, nó là như vậy. Đèo dĩ nhiên, không những biết mà còn kinh nghiệm, còn thấm đòn hơn ai cả.
Nằm nhà, nghỉ lao động được 2 hôm thì Cán bộ Quân y sĩ trại xuống “tái khám”. Theo lời kể của Đèo, Cán bộ Quân y sĩ chỉ sờ vào trán Đèo, không thấy sốt lắm và quyết định cho Đèo đi lao động lại với cái “toa thuốc”: “ốm vờ vịt”, “trây lười lao động”. Thật ra Đèo đâu phải bị cảm sốt, Đèo bị kiệt sức vì thiếu ăn, thiếu dinh-dưỡng và lao động quá sức. Có trình bày nhưng Cán bộ Quân y sĩ không nghe, còn cho là Đèo bôi bác chế độ! ‘Sáng mai cứ xuất số lao động”, lời phán như một lệnh truyền và y công Lương chỉ theo đó mà thi hành lệnh của Cán bộ Quân y sĩ! Làm sao đi lao động nỗi hỡi Trời! Trời quá cao đâu nghe thấu, chỉ có lời trình bày lên Cán bộ Quân y sĩ, nhưng đã bị bật lại. Thôi đành cố gắng vác dao “xuất số” ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, đội của Đèo phải đi chặt cây làm rui, mè ở “Đồi Máu Chó”. Giờ xuất số lao động, anh em tù ai cũng nhìn Đèo với rất nhiều ái ngại. Trời đã vào Đông, cái lạnh của vùng núi Khe Thắm càng thêm cắt ruột! Những người tù, như những hình nộm vì phải bận thêm nhiều “quần áo” vào để chống rét. Họ lặng lẽ, khấp khiểng rời trại trong làn sương mờ đục lúc ban mai. Với những bước chân nhẹ như bấc và chập chờn như những bóng ma trơi. Và vẫn với những tiếng thét gào hung hãn từ những cái bụng lép kẹp, đói meo. Cái đói “hồi tố” của đêm hôm trước, cái đói “hồi tố” của mấy ngày hôm trước, cái đói “hồi tố” của những tháng ngày tiếp nối từ sau 30 tháng 4/1975!
Chiều hôm đó sau khi lao động về, tôi chạy qua lán của Đèo để hỏi xem hôm nay Đèo lao động ra sao? Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Đèo đã nằm trên sạp nứa từ hồi nào, với thế nằm co quắp và hơi thở nặng, đứt quảng. Đèo thều thào kể tôi nghe là đã lên tới “Đồi Máu Chó”, chỉ chặt được mấy cây làm rui rồi bị ngất xỉu. Bổn cũ tái diễn: anh đội trưởng báo cáo Cán bộ Quản chế và Cán bộ Quản giáo, họ đến “hiện trường lao động” và sau khi “đánh giá tình hình cụ thể” rồi mới cho một anh bạn tù khác dìu Đèo về trại! “Tao cố gắng tối đa nhưng quá kiệt sức, làm không nổi!”, Đèo thều thào bên tai tôi như vậy!
Rồi từ hôm đó Đèo được nằm tại lán dưỡng bệnh. Cả tuần lễ không thấy Cán bộ Quân y sĩ xuống “tái khám”, Đèo rất mừng vì chỉ sợ ông ta “ứa gan” khi thấy Đèo vẫn còn “ăn vạ” tại chỗ và cho Đèo cái toa thuốc “ốm vờ” hoặc “trây lười lao động” thì thêm khổ thân.
Cái bệnh thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng và kiệt sức thì chỉ cần có thêm thức ăn bồi dưỡng và thêm một số thuốc bổ tấp vào, sau một vài tuần là có thể hồi phục được. Khổ nỗi Đèo đang bị rơi vào tình huống xấu nhất của trại lúc bấy giờ.
Về thực phẩm: trại đang trong thời kỳ ăn giong giềng -củ chuối tây-. Khi nhai trong miệng củ giong giềng nát ra như một chất nước lỏng nhưng rất ít chất tinh bột, chỉ được một điểm lợi là “lợi tiểu”!
Ngoài giong giềng, trại còn được ăn “bánh đập” (Bột mì của Liên Xô, trộn với nước thành cục bột. Véo cục bột nhận vào một khuôn hình hộp vuông làm bằng gỗ có tay cầm. Đây là một hình thức “cân, đong, đo, đếm” làm sao cho kích thước của mỗi cục bột tương đối bằng nhau. Trở ngược khuôn gỗ đập mạnh xuống bàn cho cục bột trong khuôn rớt ra. Cục bột này được hấp chín và trở thành một khẩu phần. Tù đặt tên cục bột hấp này là “bánh đập”).
Mỗi bữa cơm, tù được phát cho 2 hoặc 3 muỗng nước muối. Trong tù cấm dùng muối hột vì sợ tù trữ muối hột để trốn trại. Ngoài ra lâu lâu, may mắn lắm thì được mỗi tuần một lần, tù được ăn một bữa canh “toàn quốc” (loại canh rau cải, rau dền hoặc rau tàu bay nhưng số lượng rau quá ít so với cái chảo quá lớn. “Từ cọng rau này đến cọng rau kia phải bơi mất mấy tiếng đồng hồ mới tới “. Một hình ảnh cường điệu tù thường “mô tả” và “diễu” với nhau. Nhìn vào chảo canh , rau cải chỉ là những nét chấm phá tô điểm thêm tí màu xanh cho đời tù vốn đã xanh lơ! Nói tóm lại nồi canh chủ yếu toàn là nước nên tù “văn vẽ” đặt cho cái tên “canh toàn quốc”).
Thức ăn đã vậy, thuốc men lại càng thảm hại hơn. Từ trong Nam ra, khi đến trại Sơn La, tất cả thuốc tây đều bị tịch thu. “Nhà Nước và Bộ Đội quản lý các anh, sẽ đảm bảo sức khỏe tốt cho các anh, các anh không 'no'!”. Cán bộ bảo thế nhưng phe ta vẫn nửa tin nửa ngờ, nên phần lớn tù vẫn lén lút “ém” một số thuốc tây để phòng thân. Qua các cuộc kiểm tra hằng tháng hoặc bất thường ở Sơn La, một số thuốc tây đã bị tịch thu thêm. Tuy nhiên phe ta vẫn “ngoan cố” “ém” một số mang được về trại Khe Thắm. Nhờ vậy mà mấy tháng đầu ở Khe Thắm, phe ta vẫn lén lút chuyền tay nhau các loại thuốc bệnh, thuốc bổ khi có người cần.
***
Nhưng mới 2 tuần trước khi Đèo ngã bệnh, trại có lệnh “hành quân” chuyển trại vào ngày hôm sau. Thế là tất cả các loại thuốc tây “ém” được lấy ra từ các vách nứa, trên các rui, mè (nóc nhà), trong các ống nứa làm sạp nằm và tại bất cứ ngóc ngách nào phe ta có thể “ém” được mà không sợ bị cán bộ phát hiện v..v..
Sáng hôm sau, “hành quân” chuyển trại. Tù với toàn bộ “gia tài” gói ghém trong những cái xách, những cái túi, những cái ba lô đè nặng trên những “đôi vai gầy” của những thân xác khẳng khiu!
Khi cách trại khoảng 3 cây số, tất cả được lệnh tạm nghỉ để đợi một đơn vị khác đến để “tiếp thu” tù.
Đợi đến trưa, cán bộ trại ra lệnh “triển khai”: tất cả các đội được đứng riêng ra với khoảng cách thật xa giữa các đội. “Các anh sẽ được kiểm tra một lần nữa trước khi bàn giao cho đơn vị mới”, cán bộ trại tuyên bố như vậy.
Và tất cả các Quản giáo, Quản chế và Vệ binh xúm lại kiểm tra. Mỗi đội (từ 30 đến 40 tù) được khoảng 15 cán bộ “chiếu cố”. Kể từ ngày ra Bắc, đây là lần đầu tiên tù được thưởng thức một cuộc kiểm tra lạ lùng và gắt gao như vậy.
Trên cánh đồng trống mênh mông, mỗi người tù được giản ra với “cự ly” rất rộng và “bày hàng chợ trời”. Thôi thế là công cóc, bao nhiêu thứ “bí mật” được “ém” bấy lâu nay bây giờ phải phơi bày “chiều nay em ơi, một chăm phần chăm” trước những cặp mắt cú vọ của tất cả cán bộ trại.
“Tịch thu tất”, đó là khẩu lệnh ban xuống cho toàn trại. Tất cả những cái gì có vẻ nghi nghi ngờ ngờ là bị tịch thu. Tất cả những thứ mặc dù thấy thì chẳng có gì là nguy hại nhưng có lẽ “hợp nhãn” cán bộ, là bị tịch thu. Tịch thu chẳng có tiêu chuẩn gì ráo trọi. Từ những cây kim may, kim găm, cái nút đồng, cái gì thuộc về kim loại đều bị tịch thu. Tất cả muỗng, nĩa bằng nhôm, bằng inox, lon gô (lon nhôm đựng sữa bột Guigoz) tất cả ca, gào mên bằng inox đều bị tịch thu. Tất cả thuốc tây, dĩ nhiên là bị tịch thu ưu tiên! Tất cả những cái “nom buồn cười”, “nom hay hay” đối với cán bộ đều bị tịch thu. Có nghĩa là hôm đó “tịch thu tất” như lệnh đã ban ra từ lúc ban đầu.
Đối với tù, đây là trận “thua to trông thấy” và đau nhất vẫn là các “nhà thuốc tây của Ngụy” và các “lon gô” bằng nhôm.Không còn thuốc tây thì khi đau ốm biết trông cậy vào ai, thôi chỉ còn cách duy nhất là trở về với “xuyên tâm tiễn”! Còn mất mấy cái gô cũng là một vấn đề “sinh tử” đối với tù.
Trước 75, đàn ông con trai chẳng ai thèm để ý tới những cái lon nhôm đựng sữa bột mang nhãn hiệu Guigoz. Nhưng từ khi đi tù, nhất là từ khi bị đưa ra Bắc, “cái gô” trở thành người bạn thân thiết, vật bất ly thân, một loại “vũ khí lợi hại”, một cái “hồ lô biến hóa” của tất cả các người tù!
“Sao các anh có lắm “gô” thế!”, đó là nhận xét của cán bộ trại đầu tiên trên đất Bắc, trại 2 Sơn La. Bởi vì rằng mỗi người tù, trong hành trang của họ, thiếu gì thì thiếu, nhưng nhất định không thể thiếu gô. Mỗi tù ít nhất cũng có 3, 4 cái, có người có cả chục!
Công dụng của gô thì nhiều lắm và đa dạng lắm. Gô đựng thức ăn đặc, lõng đều được, kín hơi và không xì nước. Khi đi lao động thì đem nước theo uống, nhưng mục đích chính là làm như cái nồi để “xử lý” những thứ mà cán bộ gọi là “linh tinh ca cóng”! Trong giờ lao động vớ được cái gì, từ con dế, con cào cào, châu chấu, con cóc, con nhái, con ốc sên, con ốc ma. Nếu lao động ở vùng nước thì từ con tôm, con tép, con cá, con cua, con còng đều “ém” vào gô chờ thời cơ đến!
Thời cơ tức là giờ giải lao. Mỗi đội có một “anh nuôi” lo nấu nước cho đội uống và anh nuôi là người duy nhất được phép “nổi lửa lên em”. Giờ giải lao, phe ta bu quanh bếp lửa của anh nuôi, vờ vịt làm như đang uống nước nhưng thật sự là đang “xử lý” những “tang vật” nằm trong gô của mình. Chỉ cần cho tí nước sôi vào gô rồi để ké cái gô cạnh bếp lửa vài phút, thế là phe ta đã có ti tí “prồ tê in” để làm “ấm lòng chiến sĩ”!
Từ sau giờ giải lao đến hết giờ lao động nếu kiếm được “chút cháo” thì làm sao mang về trại, làm sao thoát được sự kiểm tra của cán bộ tại cổng? Phe ta nghĩ ra cách làm gô 2 hoặc 3 đáy. Khi bị xét, phần dưới của gô là các thứ “linh tinh ca cóng” nhưng phần trên của gô chỉ là nước, thành ra thoát được êm ru!
Mùa thu hoạch sắn, kiếm được những “đầu mẫu” sắn, ém vào dưới đáy gô, thoát được vào trại. Làm sao nấu? Có gô là giải quyết tất cả mọi thứ trên đời! Buổi tối, lúc vào buồng, kiếm vài cục than đỏ, chui vào mền, trùm cho thật kín và nấu gô sắn. Thoáng một cái là gô sắn chín ngay và phải thanh toán gô sắn trong lúc trùm mền, đừng bao giờ để hé mền ra vì mùi khoai mì “khuếch đại” dữ lắm!
Nếu để hơi khoai mì xì ra thì chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, làm sao thoát được tai mắt của các “tù ăng ten” (tù hại bạn).
Thành ra, nếu thấy cảnh phe ta đi ngủ sớm, trùm mền kín mít, phải hiểu là phe ta đang “ôm ấp em gô”!
Gô rất thân thiết, quan trọng và hơn thế nữa, rất “sinh tử” đối với tù vì “gô” dính liền khúc ruột của tù từ mấy năm nay. Vậy mà giờ đây tất cả các gô đều bị tịch thu.
Em gô ơi! Sao em đành bỏ ta để vầy duyên cùng với nẫu! Em ra đi, để lại trong ta nỗi buồn này. Nỗi buồn hơn chấu cắn!
Khác với lời Cộng sản thường hô hoán: “Đế quốc Mỹ muốn đưa nhân dân ta, đất nước ta trở về thời kỳ “đồ đá “. Nhưng từ khi mất em gô, trại Khe Thắm thật sự đưa tù trở về thời kỳ “đồ nứa” mất rồi! Những ống bương, ống vầu thay thế cho em gô để đựng nước, đựng thức ăn. Và ngay cả các dĩa nhôm, dĩa sắt cũng được thay thế bằng các rổ, các rá nhỏ đan bằng giang, bằng tre, bằng nứa!
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ kiểm tra, tù buồn xo. Lại thêm thắc mắc không biết sẽ chuyển trại về đâu? Có lao động “căng” như trại này không? Có bị cán bộ đem tù ra làm bia vợt võ không?
Nhưng thôi, thắc mắc làm chi cho thêm mệt, tới đâu hay đó, Đời tù trôi giạt 12 bến nước, rồi ra, bến nước nào cũng đục ngầu như bến nước sông Hồng!
Đợi thêm khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa, sao vẫn chưa thấy ai tới nhận tù? Thời gian này, tất cả cán bộ trại đang lăng xăng “thụ lý” các “tang vật” vừa tịch thu được của tù. Tất cả được bỏ vào bao hoặc gói lại thành nhiều gói lớn và chuyển ra để cạnh lề đường.
Tù xầm xì bàn tán này nọ nhưng cũng không quên lâu lâu nhìn về phía các “núi của” bị tịch thu mà nghe trong lòng “anh ách”!
Đã quá giờ ăn trưa, đói quá rồi! Phe ta lấy phần “bánh đập” ra thanh toán. Vì sáng nay tù được lãnh 2 cái “bánh đập”: một xuất cho buổi trưa và một xuất cho buổi chiều. Rất nhiều người, ngon trớn “đá”
một lúc cả 2 xuất rồi lý luận: no lúc nào hay lúc đó, tối nay đến trại mới ta tính sau!
Nhưng có chuyển trại đâu mà đến trại mới! Vừa ăn uống xong thì có lệnh “thu quân” để trở về Khe Thắm! Tù nhìn nhau lắc đầu, ngán ngẩm. Lại lục đục trở về “mái nhà xưa”!
Khi được tin chuyển trại, mọi người tù đều náo nức với hy vọng và trông chờ đến trại mới may ra có gì thay đổi hoặc có khá hơn chút nào không? Nhất là ngay lúc này được thoát khỏi cảnh “nín tè” mỗi đêm để khỏi bị làm nạn nhân của những đêm vợt võ của cán bộ.
Nhưng bây giờ phải trở lại nơi mình ghê sợ và hãi hùng thì còn gì khổ sở cho bằng.
Nhất là, sáng nay đã tung hê tất cả trong lán, những ổ rơm đã vứt bỏ hết, các vách nứa đã bị giở ra nhiều chỗ, nóc nhà bằng nứa đã bị bung ra; những rui, những mè đã bị xê dịch hay bị giật xuống; những đầu ống nứa, ống tre, ống vầu đã bị đập bể. Nói tóm lại, những nơi nào phe ta “ém” thuốc tây, những thứ linh tinh, những “bí mật nhà nghề”, tất cả đều bị “bật mí”.
Đoàn tù đang thất thểu trở về các lán trại tang hoang nhưng chắc chắn không tang hoang bằng những uất nghẹn đang tung vỡ trong lòng mình!
Phải trở về trại Khe Thắm. Phải trở về với ông “Vũ Như Cẫn”!
Tại sao phải đánh lừa tù? Tại sao phải gạt gẫm và dối trá ngay cả với người đã ngã ngựa? Tại sao và tại sao?
Tù nghe tức uất và văng vẳng đâu đây câu nói ngày nào của ông Thiệu:
(Ít ra, ông Thiệu cũng để lại một câu nói thấm thía và vẫn còn nghiệm đúng).
“Đừng nghe những gì Cộng sản nói. Hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm “.
Tù đã một lần bị gạt, đã nhiều lần bị gạt và sẽ còn nhiều lần bị gạt.
Ôi! Điệu buồn thấm thía đến ngàn sau !!!
***
Đèo vẫn tiếp tục nằm tại lán sang tuần lễ thứ 3. Trần Tường, người bạn nằm sát bên Đèo, đã lấy thêm rạ về để làm ổ rơm của Đèo dày thêm cho được ấm hơn và nhất là để Đèo khỏi bị ê ẩm xương như Đèo thường than thở. Lúc này trông Đèo rạc hẵn, chỉ còn da bọc xương. Mỗi lần ra khỏi lán để đi tiêu, đi tiểu phải có người dìu.
Đến lúc này Cán bộ Quân y sĩ vẫn không đá động gì đến việc cho Đèo đi “viện tuyến trên”. Thật ra khi nghe “viện tuyến trên” tù hãi lắm! Vì từ khoảng 2 tháng trở lại đây, biết bao nhiêu tù được đưa đi “viện”! Mười người đi chỉ có một, hai trở lại, số kia thì chẳng bao giờ thấy trở về.
Vài bạn tù sống sót trở lại trại cho biết, “viện tuyến trên” là trạm xá trên “Đoàn” tại Nông trường chè Trần Phú (cách trại Khe Thắm hơn 2 giờ đi bộ, tù Khe Thắm có vài lần lên Nông trường chè Trần Phú nhận lãnh nhu yếu phẩm).
Có vài trường hợp, tù ốm nặng được chuyển từ “Đoàn” lên một “viện” nào đó xa hơn, dĩ nhiên là không bao giờ thấy các tù này trở lại. Do đó tù nào được cán bộ Quân y sĩ cho đi “viện tuyến trên” thì coi như là đi “chuyến tàu suốt”, đi “chuyến tàu vĩnh biệt”, đi trên cái bè của “The river of no return “.
Tâm trạng của Đèo rất là phức tạp, nửa mừng nửa lo. Mừng vì cú đòn tâm lý: không được (hay bị?) chuyển đi “viện tuyến trên” thì coi như mình chưa đến nỗi nào. Lo vì cứ ở lại Khe Thắm thì chẳng có thuốc men hay được bồi dưỡng thêm gì cả.
Lúc này Đèo mới thấy thấm thía câu “lá lành đùm lá rách”, thật ra, muốn cho sát nghĩa phải nói: “lá tả tơi đùm lá te tua”! Nhờ vào một vài bạn thân đi lao động bên ngoài, kiếm chác được chút đỉnh gì cũng nhín và lén lút mang về “bồi dưỡng” cho Đèo.
Tuần trước, tù được lên Hợp tác xã lãnh bột mì cho trại. Rút kinh nghiệm của những lần đi lãnh trước kia, tù đã có thêm nhiều “sáng tạo”. Mỗi tù phải mang khoảng từ 20 đến 25 cân bột mì bằng một cái bao vải có 2 quai đeo (giống như cái ba lô). Trên đường về, mồ hôi ra ướt lưng và thấm ướt phần bao vải tựa vào lưng. Khi về kho trại, trút bột mì vào các bồ. Trút ngược bao vải và giũ cho bột mì ra hết. Tuy nhiên vẫn có một phần bột mì dính vào bao vải (trở thành ướt vì mồ hôi), tù vô tình được hưởng phần “dính” đó. Về cạo bột “dính” ra, được một cục bột ướt, lén lút luộc cục bột, tù có được một cái “bánh đập” phụ trội nho nhỏ!
Lần sau, khi đi lãnh bột mì, tù tương kế, tựu kế làm cho cái bao ướt đẫm thêm, bằng cách rưới thêm nước vào bao vải đựng bột trên đường về trại. Dĩ nhiên, số bột “dính” nhiều hơn và tù sẽ -như vô tình- có một cái “bánh đập” lớn hơn!
Đi lãnh bột mì lần đó, tôi và một vài bạn thân khác đã “bồi dưỡng” cho Đèo được một bữa no bụng.
Đèo cứ nhắc tôi làm sao “đề mẹc” cho Đèo một cục đường vì Đèo thèm đường lắm lắm! Tôi chạy đi tìm “Định con” để nhờ Định xoay xở dùm. (Định con là cái 'hỗn danh của Thiếu tá Nguyễn Phúc Định, Thủy quân lục chiến. Cái “hỗn danh” này đã có trong Sư đoàn từ trước 75, để phân biệt với Đại tá Ngô Văn Định, lớn tuổi và to con hơn). Lúc này “Định con” đang làm Trưởng bếp trại Khe Thắm. Nhưng Định cũng đành chịu thua, vì ngay cả trên “khung” cũng không có đường, Định nói như vậy! (“khung” là khu vực dành riêng cho cán bộ/bộ đội).
Thường ra, tù rất thèm chất béo về mùa đông và rất thèm chất ngọt về mùa hè. Còn bây giờ đang trong mùa đông mà Đèo lại rất thèm đường. Lạ quá! Đèo cứ thường nhắc tôi về “thèm cục đường lắm lắm” và tôi thì cứ thúc “Định con” ráng lo “đề mẹc” cục đường!
Một buổi tối như thường lệ, sau khi ăn uống xong, tất cả tù bắt buộc phải tham gia giờ sinh hoạt và “học tập báo”. Cứ 2 lán dồn vào một để cho tiện việc sinh hoạt và kiểm soát. Lán 4 của tôi dồn qua lán 3 của Đèo. Giờ sinh hoạt này, thường bắt đầu bằng kiểm điểm (phê và tự phê công tác từng cá nhân và từng đội trong ngày), phổ biến kế hoạch công tác của ngày hôm sau và phần chót là “học tập báo” (nghe một anh bạn tù đọc tin tức của tờ Quân đội Nhân dân).
Thường thì có một Cán bộ Trực ban, Cán bộ Quản giáo hoặc một số cán bộ khác xuống để theo dõi và “cầm chịch” (chủ tọa và điều khiển) cho buổi sinh hoạt. Đêm nay có cả Cán bộ Quân y sĩ đến tham gia.
Khi tất cả tù của 2 lán đã ngồi ngay ngắn trên sạp và trên ổ rơm. Cán bộ Trực ban đi một vòng để kiểm tra xem tù đã chấp hành nghiêm túc chưa. Khi đi ngang chỗ Đèo đang nằm, ông ta hỏi: “Sao anh này lại nằm là thế nào?”, mấy tù ngồi gần đồng thanh: “Dạ thưa cán bộ, anh Đèo bị ốm nặng ngồi không nổi”. Bất ngờ Cán bộ Quân y sĩ từ đằng xa nhào tới, “Anh Đèo hử, anh Đèo hử, ốm đau cái gì? Cứ vờ vịt quen thói! Có ngồi lên không thì bảo?”. Vừa dứt lời, ông ta quát mấy tù ngồi gần Đèo: “Vực anh ta dậy!”. Mấy người ngồi gần đỡ Đèo ngồi dậy để Cán bộ Quân y sĩ bớt cơn thịnh nộ. Ông ta ném tia nhìn giận dữ vào mặt Đèo rồi nói: “Ngày mai tôi cho anh đi lao động!”. Rồi ông ta hầm hầm bước đi đến gần cuối lán và ngồi xuống sạp, theo dõi sinh hoạt.
Gần 2 tiếng đồng hồ sau, buổi sinh hoạt chấm dứt. Trước khi về lán, tôi ghé qua chỗ Đèo. Đèo nằm thiêm thiếp, hơi thở nặng nề và đang rên nho nhỏ. Trần Tường đang căng dùm cái mùng cho Đèo, miệng lầu bầu: “Đau nặng như ri, sáng mai mần răng đi lao động nỗi!”.
Trên đường trở về lán 4, tôi cứ miên man suy nghĩ về Đèo. Sáng mai Đèo sẽ xử trí ra sao? Đi tiểu đi tiêu còn phải có người đỡ huống gì là đi lao động! Nếu không đi nỗi thì sao? Cán bộ Quân y sĩ sẽ áp dụng biện pháp nào? Sẽ “đì” Đèo tới cở nào? Chắc lúc nãy ông ta nổi giận nên nói như vậy, có thể ông ta sẽ đổi ý vào sáng mai? Nhưng ông này “hắc ám” lắm. Rất sắt máu và không có chút tình người. Ông ta dám đẩy Đèo đi lao động lắm!
Cho đến khi đã lên ổ rơm, và ngay cả khi ổ rơm đã ấm chỗ, tôi vẫn cứ miên man suy nghĩ và thắc mắc dùm Đèo cho đến lúc ngủ thiếp đi.
Tin Đèo chết lan nhanh trong trại sáng hôm sau lúc tù đang chuẩn bị cho một ngày lao động. Tôi đang đánh răng đằng sau lán nghe vậy, vội chạy sang thăm Đèo.
Trần Tường đang lăng xăng thu dọn đồ cá nhân của Đèo để riêng ra bên cạnh xác Đèo. Tôi thấy trên đầu sạp Đèo nằm, Tường đã để một cái chén đựng một cái rưỡi “bánh đập”. Tường cho biết, một cái “bánh đập” là phần ăn chiều hôm qua của Đèo, nhưng Đèo ăn không nỗi. Còn nửa cái “bánh đập” kia là phần ăn “gối đầu” của Tường. (Mặc dù đói meo nhưng trong trại đang có phong trào “gối đầu”, nghĩa là tù “đứt ruột” cắt một phần “bánh đập” để dành, phần “gối đầu” sẽ được ăn vào ngày hôm sau. Và ngày hôm sau, cũng cắt “gối đầu” cho ngày kế tiếp. Và cứ như thế.
Việc làm này coi như một “tìm mua cảm giác” và tạo tâm lý “phồn vinh”, làm như ta đang có “của ăn, của để”, hoặc như có “lực lượng trừ bị để phòng khi hữu sự” vậy mà!
Tao để phần “bánh đập” này để cúng nó, Tường nói. Và Tường kể thêm là đêm qua Đèo “quậy” dữ lắm, cứ trăn trở, lăn qua lộn lại, vừa rên la nho nhỏ. Từ sau nửa đêm tao ngủ thiếp đi. Sáng thức dậy, lúc cuốn mùng cho nó, tao mới biết nó đã chết rồi!, Tường nói, và kể thêm là đã đến báo cáo với Đội trưởng để Đội trưởng đi báo với Y công Lương (ở lán 2).
Nhìn vào chén “đồ cúng”, tôi thấy xót xa, tội nghiệp và thương Đèo biết bao nhiêu! Nỗi ray rứt vụt hiện đến trong tôi vì tôi biết mình vẫn còn “mắc nợ” Đèo. Tôi còn nợ Đèo một cục đường. “Mày ráng “đề mẹc” cho tao một cục đường. Tao thèm cục đường lắm lắm!”, lời Đèo như còn văng vẳng bên tai.
Cục đường “đề mẹc” chưa có thì bây giờ Đèo đã chết!
Nhiều lần, tôi đã từng đại diện Tư Lệnh Sư Đoàn tham dự các lễ truy thăng, truy tặng cho các chiến sĩ cùng đơn vị tại Nghĩa trang Quân Đội/Biên Hòa. Các nghi thức dĩ nhiên là buồn và cảm động nhưng thật uy nghi. Và niềm tự hào của gia đình, bạn bè, thân thuộc vẫn còn đó như điều an ủi.
Hình ảnh được ghi đậm nét và đầy xúc động là hình ảnh chiếc quan tài được phủ lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Lá cờ vàng ba sọc đỏ như cuốn trọn, như ôm ấp hình hài tử sĩ để tiễn đưa họ về không, về nơi miên viễn.
Còn bây giờ, Đèo nằm đây, trên ổ rơm nghèo hèn, te tua xơ xác! Thân tù gầy guộc, cứng đơ và chỉ được phủ bởi một cái “gọi là cái mền” với những vá chùm, vá đụp.
Đèo chết vì đói. Chết vì hận thù. Chết vì đọa đày. Chết trong tủi nhục!
Đèo ơi! Ngày cuối cùng của một đời chiến sĩ được kết thúc buồn thảm thế này sao?
Những cơn gió lạnh rít qua phên nứa của lán tù càng làm không khí thêm thê lương, thêm lạnh lẽo.
Tôi đứng nghiêm, chào Đèo theo lối chào tay Quân Đội.
Đèo ơi! Tao chào mày một lần cuối. Chào một người bạn tù. Chào một người bạn cùng khóa thân thương. Chào một lần. Cái chào vĩnh biệt!!!
Tôi nghe như có tiếng phần phật của lá cờ vàng ba sọc đỏ đang bay trong gió, lá cờ nhẹ nhàng lượn xuống, cuốn gọn hình hài của Đèo rồi bay vút lên cao.
Đèo đã được trở về với Tự Do!
Tôi miên man nghĩ về cuộc tự vượt thoát của Đèo. Đèo không còn bị Đảng, Nhà Nước, Trại tù, Cán bộ, Bộ đội kềm chế.
Đèo không còn phải chịu đựng cơn ác mộng của lá cờ có ngôi sao vàng với màu đỏ máu.
Màu đỏ máu đang muốn nhuộm đỏ đời tù.
Màu đỏ máu đang muốn nhuộm đỏ hơn 70 triệu người dân Việt vô tội.
Màu đỏ máu đang muốn nhuộm đỏ cả quê hương!
Trên cao kia, tôi thấy Đèo đang bay lượn.
Đang thoát ra khỏi vùng Khe Thắm, đang thoát ra khỏi vùng Hoàng Liên Sơn, đang thoát ra khỏi vùng trời quê hương đọa đày này.
Đèo đang vượt biển Thái Bình để bay về vùng đất Tự Do bên kia nửa vòng trái đất.
Đèo đang tìm về với vợ con, với người thân, với gia đình.
Nơi ấy.
Mọi người đang ngóng trông.
Một ngày.
Đèo trở về.
Sum họp!!!
Phan Công Tôn
Gửi ý kiến của bạn