BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72638)
(Xem: 62055)
(Xem: 39154)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhã Ca Hồi Ký - Góc Nhìn Từ Thế Hệ Thứ 2

15 Tháng Mười 20197:15 SA(Xem: 1672)
Nhã Ca Hồi Ký - Góc Nhìn Từ Thế Hệ Thứ 2
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Khi cầm cuốn hồi ký của cô Nhã trong tay, tôi đã biết là mình sẽ không đọc như đọc truyện, hay đọc một tác phẩm văn học. Đọc để nhớ lại ngày tháng, thấy lại một quãng thời gian đã qua đi 4 thập kỷ. Tôi biết là sẽ lại thấy hình ảnh của bố mình, của gia đình mình. Sẽ nhớ lại rất nhiều nhân vật mà tôi đã từng có lần cúi đầu khoang tay chào “cô ạ, chú ạ, bác ạ…”. Những người bạn của bố Sỹ- giống như cô Nhã- khi đã trải qua những sóng gió thăng trầm nhất của cuộc đời, thì tôi vẫn còn là một cậu học sinh trung học.
Hình bìa hồi ký nha ca
Đọc hồi ký cô Nhã, người tôi nhớ đầu tiên là chú Duy Trác. Hồi chú đi tù về năm 81, chú ghé thăm bố Sỹ ngay. Kể từ đó, chú thường ghé nhà tôi đánh mạc chược, tham gia những buổi văn nghệ bỏ túi, kể cho lũ con cháu nghe chuyện ở tù. Có một lần, khi nói về tác phẩm “Đi” của bố tôi lén gởi ra xuất bản ở nước ngoài, chú Trác nói như thế này: “… thời buổi này, bên nước ngoài, khi nhắc đến Việt Nam, người ta hay viết về nỗi khổ của những người vượt biên. Có một đề tài mà chưa có mấy người để ý tới: người ở lại. Cuốn “Đi” có nói về chủ đề này. Nhưng mà bố cháu viết còn hiền quá, chưa lột tả hết những bi hùng của những người ở lại…”.

Chỉ chừng một năm sau, cả bố tôi và chú Duy Trác đều đi tù lần thứ hai, trong vụ án “Doãn Quốc Sỹ và đồng bọn”. Bố tôi bị bắt chính vì cuốn Đi, còn chú Duy Trác vì hai ca khúc do chú sáng tác trong tù: Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về, và Tiếng Hát Đêm Noel. Cùng trong vụ này còn có các văn nghệ sĩ Hoàng Hải Thủy, Dương Hùng Cường, Lý Thụy Ý…

Tôi nhớ đến chú Duy Trác,  vì nghĩ rằng nay nếu có đọc Hồi Ký của cô Nhã, chắc chú sẽ nói rằng: viết như vậy là đã kể được chuyện của những người ở lại.

Ở lại! Ở lại Sài Gòn sau 1975. Ở lại để thấy, để nghe, để sống trên quê hương vẫn nhọc nhằn, đầy sợ hãi, lo âu dù chiến tranh đã chấm dứt. Đám thế hệ thứ hai chúng tôi- con nhà Doãn Quốc Sỹ, Duy Trác, Nhã Ca- Trần Dạ Từ… nay thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ở bên xứ Mỹ. Chúng tôi đồng ý với nhau một điều: giai đoạn đáng nhớ nhất của cuộc đời là những ngày còn ở lại Việt Nam sau 1975. Bao nhiêu năm sống sung sướng ở xứ sở văn minh, giàu có này vẫn không có làm cho chúng tôi quên được những ngày tháng khổ cực nhất trong đời người. Có một điều lạ là ngay vào lúc đó, chúng tôi không cảm thấy là mình đang cơ cực. Hình như khi cả xã hội cùng khổ, thì sự chịu đựng trở nên dễ dàng hơn. Sau này khi kể lại chuyện xưa, chúng tôi còn có khuynh hướng dành vị trí “hồi đó gia đình tao khổ hơn gia đình mày…”. Cơ cực trăm bề là vậy, nhưng chúng tôi vẫn có những niềm vui, vẫn có nụ cười, vẫn nuôi dưỡng được tình người. Những hạnh phúc nhỏ bé vào thời điểm đó đáng giá ngàn lần so với sự đầy đủ, tiện nghi thừa thãi của ngày hôm nay.

Những người đã từng ở lại Sài Gòn sau 1975 sẽ cảm thấy mình là một phần trong hồi ký Nhã Ca. Nhà tù nhỏ, trong cái nhà tù lớn hơn. Cô Nhã là người đã từng ở trong hai lớp nhà tù. Đã có lần sau khi được trả tự do về để nuôi con, khi đối chất với cán bộ quản lý, cô Nhã nói rằng sẵn sàng trở lại nhà tù nhỏ nếu cần thiết. Bởi vì nhà tù lớn cũng đầy sợ hãi, bất công, đàn áp. Đối đầu với chế độ công an trị ở ngoài nhà tù lớn cũng không dễ dàng hơn trong nhà tù nhỏ.

Nhà tù nào khổ hơn? Tôi nhớ gia đình cô chú Dương Hùng Cường. Khi chú Cường bị bắt vào năm 1984, cô Cường là một giáo viên trường Hồng Bàng, đã tìm cách bán căn tin trong trường để đủ tiền nuôi con. Rồi sau đó chú Cường mất trong tù. Nỗi khổ chưa dừng lại. Vài năm sau, đến lượt cô Dương Hùng Cường chết vì tai nạn xe cộ. Trong ngày đám tang cô, các người con chắc đều chưa quá 18 tuổi. Đứa lớn nhất là Linh, trong đám tang mẹ hình như em không thể khóc. Chắc tại em còn đang phải hình dung ra những ngày sau này, khi không còn cả bố lẫn mẹ, chị em phải sinh sống ra sao…

Những chuyện như vậy hình như chưa ai kể, và cũng không thể kể hết…

Là thế hệ con cháu, tôi nhớ cô Nhã hay đến nhà tôi cả lúc bố tôi còn ở tù, lẫn khi ông được trả tự do lần thứ nhất năm 1980. Hình ảnh của cô là một người phụ nữ luôn luôn điềm đạm, vững chãi, luôn biết những việc phải làm để đối phó với mọi tình huống khó khăn. Có lẽ vì vậy mà cô là chỗ dựa tinh thần cho mẹ tôi, một người phụ nữ ít ra ngoài xã hội, chỉ biết chăm lo cho chồng con. Sau những lần gặp cô, nghe cô nói về tình hình quốc tế can thiệp như thế nào cho các văn nghệ sĩ ở trong tù, mẹ tôi đỡ lo hơn cho số phận của bố…

Cô kể trong hồi ký về những ngày bác Mai Thảo trốn ở nhà cô cho đến khi vượt biên thoát. Đọc thì biết là vậy. Nhưng phải ở lại Việt Nam trong giai đoạn đó thì mới hiểu hành động này nguy hiểm đến dường nào. Sự sợ hãi, nghi kị bao trùm khắp xã hội Việt Nam. Chỉ cần bị phác giác, cô có thể sẽ vào tù trở lại. Và các em sẽ ở nhà lại tiếp tục không cha, không mẹ. Biết như vậy mà cô vẫn làm. Nếu là một người phụ nữ thông thường, chắc chắn cô phải đặt sự an nguy của con mình lên trên tình bằng hữu. Nhưng cái logic này đã không xảy ra với cô Nhã Ca.

Tiếng công an gõ cửa ban đêm… Bác Mai Thảo trốn lên mái nhà… Đối phó với công an, rồi biết rằng chúng vào nhà không phải vì bác Mai Thảo, mà định bắt lầm con trai của cô Nhã vì trốn nghĩa vụ quân sự, nhưng thực ra em chưa đến tuổi… Chỉ có những người ở lại Việt Nam, mới có thể hiểu được những nỗi sợ hãi đó kinh hoàng, ám ảnh đến như thế nào. ..

Vào năm 1984, ông anh T. của tôi đang trốn nghĩa vụ quân sự. Vào rạng sáng ngày 2 tháng 5 1984- ngay sau khi cả nước vừa nghỉ 2 ngày lễ lớn là giải phóng Miền Nam và ngày QUốc Tế lao động- công an cũng đập cửa nhà tôi. Anh T. cũng trốn lên trần nhà, và nghĩ là đây là một đợt kiểm tra hộ khẩu như thường lệ. Nhưng không. Khoảng 20 tên công an, mật vụ tràn vào nhà, để bắt bố tôi đi lần thứ hai. Chúng lục tung từng góc nhà. Có lên cả trần nhà, nhưng ở một góc khác. Chỉ có phép lạ mới giải thích được tại sao chúng không bắt được anh T. Sáng hôm sau, khi công an rút đi (nhưng vẫn cài người lại theo dõi), anh T. leo ra khỏi mái nhà, nhảy sang nhà bên cạnh, rồi lấy xe đạp đi ra khỏi con ngõ như là một người hàng xóm. Một tuần sau,  anh T. vượt biên thoát. Trước khi đi, anh có chạy sang báo cho Cô Nhã biết là bố tôi bị bắt, và nhắn tin  cho mọi người ai là cô Nhã không bị bắt đợt này.

Những kinh nghiệm sinh tồn như vậy, có khi chỉ xảy ra một lần trong đời…

Là thế hệ thứ hai, lũ trẻ chúng tôi cũng chia ngọt sẻ bùi với nhau như thế hệ cha mẹ. Một trong những nguồn giúp đỡ quí báu, kịp thời đối với các gia đình văn nghệ sĩ Miền Nam trong giai đoạn khó khăn nhất là từ cô Cao Ngọc Phượng (nay là sư cô Chân Không) và Thầy Nhất Hạnh. Khi nhận được những thùng quà từ Pháp, chị T. của tôi là người đi liên lạc với những gia đình văn nghệ sĩ khác để chia sẻ sự giúp đỡ này. Đối với gia đình cô Nhã, gia đình tôi còn có phần thân tình hơn. Chị T. mỗi khi có dịp làm bánh từ bột mì “tiêu chuẩn lương thực” hàng tháng đều đem đến biếu cô. Hôm nào hơi rủng rỉnh tiền bạc, thì bánh có thêm trứng. Có một lần cô Nhã bị bệnh, chi Thanh làm bánh đến thăm. Cô ăn xong, hỏi bánh kỳ này sao ngon hơn lần trước? Chị T. cười, nói rằng bánh lần này có đến 2 trứng! Rồi mỗi khi trong thùng quà có hộp bút chì màu,  có sách tô màu, chị T. để dành cho các em cô Nhã, vì các em còn ở tuổi tiểu học.

Những câu chuyện “ở lại” như vậy, làm sao mà quên được…

Và ngày hôm nay… Thế hệ thứ hai chúng tôi vẫn có dịp gặp lại nhau ở Mỹ. Chúng tôi hay kể cho nhau nghe những chuyện vui của tháng ngày “ở lại”. S.M- cô trưởng nữ của cô Nhã- nhắc đến kỷ niệm đi “ bùm chui” (nhảy đầm chui) với anh T. Còn H.B thì nhớ những đêm họp mặt giao thừa Tây, có chị H. hát Happy New Year của ABBA, sao mà hay thế! Chúng tôi ít nhắc đến những khốn khó đã từng trải qua. Có lẽ con người sinh ra là để hướng về những điều tử tế, tốt lành. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đã quên đi những chông gai mà tuổi thơ đã phải đối mặt và vượt qua. Những ngày tháng đã được cô Nhã ghi lại trong Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng…

Hình như đêm đen đã làm cho giây phút thưởng ngoạn ánh bình mình thêm phần ấm áp…

Tôi nhớ đến giọng hát của Trần Quang Lộc, trong ca khúc “Ở Lại Để Thấy”, bài hát mà chúng tôi rất thường ngân nga trong những tháng ngày “ở lại”:

“Ở Lại để thấy người ra đi rất nhiều

Ở lại để nghe những chuyện dài kể mãi không thôi

Ở lại để thấy những nếp nhăn trên nét mặt người

Ôi nếp nhăn nào tựa vết roi?

Ở lại để viết từng trang thư rất dài

Đêm dài bủa vây tiếng còi tàu dìu dắt tương lai

Ở lại để thấy những oán than trên khắp ngục tù

Ôi tiếng hát nào tựa bóng ma

Ở lại để thấy đường đi không lối về

Ly rượu bầm môi mắt bạn bè ngày hoắm sâu thêm

Ở lại để thấy những nỗi vui không đến tình cờ

Ôi nỗi vui nào cũng âu lo…”

 

Doãn Hưng
Nguồn : Việt Báo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn