Đó là một trong những tour có hướng dẫn viên đi kèm kỳ quặc nhất tôi từng tham gia. Tôi lái xe đi quanh Berlin cùng với Egon Krenz, nhà lãnh đạo cộng sản cuối cùng của Đông Đức.
"Con phố này từng có tên là Stalinallee!" ông nói khi chúng tôi đi vào đường Karl-Marx-Allee. "Họ đặt lại tên sau khi Stalin mất."
"Còn ở phía kia là Quảng trường Lenin. Trước kia có một bức tượng Lenin rất to. Nhưng họ đã hạ xuống rồi."
"Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) xây dựng toàn bộ thứ này."
Ông Krenz, 82 tuổi, nay sống trong một đất nước khá hơn đất nước mà ông từng cai quản. Cộng hòa Dân chủ Đức - Đông Đức - không còn tồn tại nữa.
Ba mươi năm sau những sự kiện đầy biến động trong năm 1989 và sự sụp đổ của Bức tường Berlin, ông Krenz đồng ý gặp tôi.
Vì sao Krenz yêu Liên Xô
Tôi thì tiếng Đức khá xoàng, còn ông Krenz lại không biết tiếng Anh, cho nên chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga. Đó là thứ ngôn ngữ mà ông ấy rất giỏi. Ông phải giỏi, bởi Đông Đức trước đây là vệ tinh của Moscow.
"Tôi yêu nước Nga, và trước đây tôi yêu Liên Xô," ông nói với tôi. "Tôi vẫn còn có rất nhiều người quen ở đó. Đông Đức là đứa con của Liên Xô. Liên Xô đứng bên nôi khi Đông Đức chào đời. Và, thật đáng buồn, họ cũng đứng bên giường tử khi Đông Đức chết."
"Dù có phải là lực lượng chiếm đóng hay không thì chúng tôi vẫn coi binh lính Liên Xô là những người bạn," ông Krenz nói.
Nhưng là một phần của đế chế Xô Viết thì được lợi gì?
"Cụm từ 'một phần của đế chế Xô Viết'... đó chính là thuật ngữ điển hình của phương Tây," ông đáp. "Trong Hiệp ước Warsaw, chúng tôi coi mình là đối tác của Moscow. Mặc dù vậy, tất nhiên là với nước chúng tôi thì Liên Xô luôn có tiếng nói quyết định."
Krenz đã lên đỉnh cao quyền lực như thế nào
Sinh năm 1937, là con trai một thợ may, Egon Krenz nhanh chóng leo lên trong bậc thang quyền lực của cộng sản.
"Tôi là Thiếu niên Tiền phong. Rồi là đoàn viên Thanh niên Đức Tự do. Rồi tôi vào Đảng Xã hội Thống nhất. Rồi tôi thành tổng bí thư đảng. Tôi đã trải qua tất cả!"
Trong nhiều năm, ông được coi là "hoàng tử bé" - người sẽ lên kế nhiệm nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đông Đức, Erich Honecker.
Nhưng tới lúc ông thay thế Honecker vào tháng 10/1989, đảng cầm quyền đã không còn nắm chắc quyền lực trong tay.
Từ Ba Lan cho tới Bulgaria, quyền lực nhân dân dâng tràn khắp khối Đông Âu. Đông Đức không phải là ngoại lệ.
Krenz sai lầm ở chỗ nào
Một tuần trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, ông Krenz bay tới Moscow họp gấp với nhà lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev.
"Gorbachev nói với tôi rằng nhân dân Liên Xô coi người Đông Đức như anh em," ông nói.
"Và sau nhân dân Liên Xô thì ông ấy yêu nhân dân Đông Đức nhất. Cho nên khi đó tôi hỏi: ông vẫn coi bản thân mình là một người cha của Đông Đức chứ, thì ông ấy nói, 'Tất nhiên, Egon.' Rồi ông ấy nói, 'Nếu như anh định nói tới khả năng thống nhất Đức, thì đó không phải là chuyện nằm trên nghị trình.'"
"Vào lúc đó, tôi đã nghĩ Gorbachev nói rất thành thực. Đó là sai lầm của tôi."
Ông có cảm thấy là Liên Xô đã phản bội ông không? Tôi hỏi.
"Có."
Đông Đức đi đến hồi kết thế nào
Vào ngày 9/11/1989, Bức tường Berlin sụp đổ. Những đám đông người Đông Đức ngây ngất tràn qua đường biên giới mở.
"Đó là đêm tồi tệ nhất đời tôi," ông Krenz nhớ lại. "Tôi không muốn trải qua cảm giác đó thêm một lần nào. Khi các chính trị gia phương Tây nói rằng đó là sự ăn mừng của người dân thì tôi hiểu. Nhưng tôi chịu toàn bộ trách nhiệm. Tại thời điểm trào dâng cảm xúc đó, nếu như có bất kỳ ai bị giết chết trong đêm thì chúng tôi có lẽ sẽ bị hút vào cuộc xung đột quân sự giữa các cường quốc."
Chỉ trong vòng một tháng sau khi Bức tường sụp đổ, Krenz từ chức khỏi vị trí lãnh đạo Đông Đức. Một năm sau, Đông và Tây Đức thống nhất. Cộng hòa Dân chủ Đức trở thành chuyện của lịch sử.
Không lâu sau đó, bản thân Liên Xô cũng tan rã. Nhưng khác với Egon Krenz, trên toàn Đông Âu, Mikhail Gorbachev được coi như người hùng, người đã cho phép xé toang Bức màn Sắt.
Nói chuyện với tôi hồi 2013, cựu Tổng thống Liên Xô nói: "Tôi thường bị cáo buộc là đã đem cho đi Trung và Đông Âu. Nhưng tôi đem cho ai? Ví dụ như tôi đã đem Ba Lan trao lại cho người Ba Lan. Đất nước đó còn có thể thuộc về ai được nữa?"
Ông Krenz mất quyền lực, mất đi đất nước mình.
Tiếp đến, ông mất tự do.
Năm 1997, ông bị kết tội ngộ sát đối với những người Đông Đức bị bắn khi tìm cách chạy sang bên kia Bức tường Berlin. Ông phải ngồi tù bốn năm.
'Chiến tranh Lạnh không bao giờ kết thúc'
Egon Krenz vẫn rất quan tâm đến chính trị. Và ông vẫn ủng hộ Moscow.
"Sau các tổng thống yếu mềm như Gorbachev và Yeltsin, Nga thật cực kỳ may mắn là có [Tổng thống Vladimir] Putin."
Ông cho rằng Chiến tranh Lạnh không bao giờ chấm dứt, mà thay vào đó là nó "đang được chiến đấu bằng những biện pháp khác".
Ngày nay, Krenz sống một cuộc đời lặng lẽ ở vùng duyên hải Baltic của Đức.
"Tôi vẫn nhận được rất nhiều thư, điện thoại của cháu chắt các công dân Đông Đức. Họ nói với tôi rằng ông bà họ sẽ rất vui nếu tôi nói lời chúc mừng sinh nhật. Đôi khi có người gặp tôi, đề nghị tôi ký tặng hoặc chụp ảnh selfie cùng."
Khi chúng tôi bước ra khỏi xe hơi ở trung tâm Berlin, một giáo viên dạy sử cùng nhóm học sinh lớp 10 tới chỗ chúng tôi. Quả là một ngày may mắn đối với họ.
"Thày trò chúng tôi đang có chuyến tham quan từ Hamburg tới để tìm hiểu về lịch sử Cộng hòa Dân chủ Đức," thầy giáo dạy sử nói với ông Krenz.
"Thật tuyệt vời là chúng tôi gặp được ông, một nhân chứng sống. Ông thấy thế nào khi Bức tường đổ xuống?"
"Đó không phải là một lễ hội tưng bừng," ông Krenz nói. "Đó là một đêm vô cùng kịch tính."