Mấy ngày nay người đọc báo Việt Nam được nhiều dịp cười thả ga.
Vì vừa hết vụ Bùi Tiến Dũng khoe vợ có bầu với huấn luyện viên,
thì tiếp đến một tiến sĩ Phật học hiếp dâm trụ trì nhiều chùa! Rồi thì bắt quả tang cán bộ công an Trà Vinh quan hệ với vợ người kinh doanh xăng; sốc với mức lương 01 năm của Công Phượng tại Bỉ bằng cả năm thi đấu của cầu thủ bình thường. Chưa hết, “Chấn động đến tận nhà truy sát ba cha con ở Quảng Nam”.
Nhưng không phải cầu thủ Bùi Tiến Dũng có quan điểm về hôn nhân phá cách đến mức lên báo khoe vợ có bầu với người khác (chứ không phải với mình), hay nhiều trụ trì chùa là người đồng tính và bị ông tiến sĩ Phật học hiếp dâm.
Cũng không phải đơn vị đo lường thời gian của nhân loại trong khi tôi đi ngủ đã kịp thay đổi đến nỗi một năm tại Bỉ thì dứt khoát phải khác cả năm tại Việt Nam.
Cũng không có thằng côn đồ nào tên là Chấn Động đến tận nhà truy sát ba cha con ở Quảng Nam.
Mà sự thật là cầu thủ Bùi Tiến Dũng kể với huấn luyện viên của anh ấy là “Anh ơi vợ em vừa có bầu anh ạ”. Còn tiến sĩ Phật học vốn đang là trụ trì nhiều ngôi chùa nhỏ ở miền Tây, nay bị khởi tố vì hành vi hiếp dâm một em gái 14 tuổi.
Từ “quan hệ” trong ví dụ thứ ba chỉ có ý nghĩa khi độc giả hiểu ra rằng phóng viên nói trại đi từ “quan hệ tình dục”. Nhưng quan hệ tình dục với vợ của người kinh doanh xăng thì có điểm gì đặc biệt khiến phóng viên phải liên kết nó với đạo đức của một cán bộ công an? Hay quan hệ với vợ của ai khác thì được, mà với vợ của người kinh doanh xăng thì mới bị lên án?
Chấn động, à thì là ý phóng viên muốn nói vừa có một vụ việc gây chấn động dư luận, đó là ba cha con bị kẻ côn đồ ngang nhiên đến tận nhà truy sát.
May quá, người đọc thông minh kịp thời cải chính giúp. Chứ không thì Việt Nam lại trở thành điểm đến của thiên niên kỷ nữa mất. Là các nhà xã hội học thế giới đến nghiên cứu sự thay đổi trong quan niệm sống của giới trẻ, nhà tu hành, những người kinh doanh xăng hiện nay và đơn vị đo lường thời gian của Việt Nam ấy mà!
Nhỏ không học
Mặc dù là điều tối kỵ với người làm nghề viết lách, nhưng khoảng năm năm trở lại đây cái lỗi sai chính tả hay ngây ngô ngữ pháp căn bản đã thành chuyện thường ngày ở nhiều bản tin, bài báo. Từ những báo lâu đời cây đa cây đề như Thanh Niên, Tuổi Trẻ… đến các báo điện tử mới nổi đều có, chỉ khác nhau về tần suất.
Mời bạn đọc đọc một đoạn trong blog của blogger Thuyền Lá Tre, nick name của nhà báo Hoàng Liên. Nhà báo này cho biết từng làm việc ở Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Lâm Đồng, nơi có thành phố du lịch Đà Lạt nổi tiếng. Tôi tình cờ đọc được blog này cách đây vài năm. Đến hôm nay đọc lại, nó vẫn nguyên tính thời sự.
“Nhiều năm làm việc, vẫn chỉ quẩn quanh với những tin lễ tân, khai mạc cái này bế mạc cái kia khánh thành cái nọ tặng quà chỗ kia.... vẫn cứ câu cú không chấm không phẩy, vẫn cứ ngơ ngác trước những vấn đề mà cả xã hội đang nhao nhao bàn tán, viết về dân tộc mà không phân biệt được đâu là người Cill, người Lạch, người Mạ hay người Chu Ru; viết về cây cafe thì chịu chết không biết đâu là Robusta đâu là Catimo đâu là Arabica; không phân biệt được đình và đền, không biết hết các đơn vị hành chánh của một địa phương, các thuật ngữ khoa học hay chuyên môn vẻ như là một cánh rừng rậm... có cảm tưởng như chẻ đầu ra đổ chữ vào thì đảm bảo chữ nghĩa cũng sẽ theo tất cả các lỗ có trên đầu trên mặt mà trào tuôn ra hết...”
Viết về dân tộc mà không biết đâu là người Cill hay người Lạch, thôi chuyện này cũng khó. Nhưng anh “nhà báo” còn không biết tấm ảnh chụp đám xe hơi đồ chơi dưới gầm giường mà viết luôn một bài đại gia sưu tập xe sang chục tỷ, mới ghê.
Chính tả ngữ pháp là những kiến thức cấp một đến cấp ba mà còn ngọng thì nói gì đến học những bài học cơ bản của nghề.
Nhiều người làm báo Việt Nam hiện tại thậm chí không buồn nghĩ đến việc kiểm tra nguồn tin. Vì vậy mới có tấm ảnh cá chết ở hồ Mona, bang Michigan, Hoa Kỳ thì được gán là cá chết trên bãi biển Hà Tĩnh (để “đánh” Formosa), cột khói đen do thông lò hơi trước khi tổ máy hoạt động ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong, tình Bình Thuận) thì gán vào “cháy lớn”; anh lính cứu hỏa ở Hà Nội biến thành lính cứu hỏa rừng thông Hà Tĩnh… Mới có những vụ vi phạm nghiêm trọng cả nguyên tắc lẫn đạo đức nghề nghiệp, từ phóng viên biến thành lưu manh khi đưa cái chổi cho nông dân, bảo họ quét lên rau cho mình quay phim, rồi về cắt xén biến thành phóng sự điều tra việc nông dân giả mạo rau sạch, như vụ việc chấn động ở VTV24 cách đây hai năm.
(Xin nói thêm để người đọc rõ: đoạn phóng sự được phát trên VTV ghi lại cảnh nông dân dùng chổi cứng quét trên luống rau non và giải thích trước ống kính là người tiêu dùng không dám mua rau vì sợ phun thuốc, nên mình quét lên rau tạo vết rách lỗ chỗ trông giống như rau bị sâu ăn, để lừa người tiêu dùng đây là rau sạch. Sau khi phát sóng, phóng sự trên bị người dân ở địa phương xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa phản ứng dữ dội. Họ đưa ra bằng chứng cho thấy chính nhóm phóng viên VTV đã đưa chổi cho họ, nhờ họ quét lên luống rau và thoại trước ống kính như trên. Phóng viên VTV buộc phải về tận nơi xin lỗi trước đông đảo người dân. Đoạn clip xin lỗi sau đó được đưa lên mạng nhưng người dân vẫn không hài lòng vì cho rằng nó thiếu thành khẩn).
Đến đây thì phải giải thích vì sao làng báo Việt Nam từng có những thế hệ “vàng” (xin đọc lại bài Pháp luật Tp HCM, Tuổi Trẻ: Những nhạc trưởng nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết), nhưng vàng không đẻ ra vàng, mà “tự diễn biến, tự suy thoái” thành những thế hệ “chì” tồi tệ.
Có một lý do là các tờ báo lớn mạnh được “thay máu” bằng việc cài cắm các vị lãnh đạo số không về nghề nhưng số một về quyền lực. Lý do thứ hai (có lẽ chủ quan vì tôi không nghiên cứu cụ thể), do một thời doanh nghiệp Việt Nam được cởi trói, phát triển nhanh mạnh so với thời kỳ trước đó, nên cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có nhu cầu quảng bá và xem quảng cáo sản phẩm. Doanh nghiệp cũng muốn tài trợ cho các gói truyền thông trên báo chí.
Thị trường màu mỡ này nhanh chóng được các cái tài năng kinh doanh ngửi ra. Họ lập tức đáp ứng: liên kết với các cơ quan chủ quản (có quyền ra báo) vốn luôn viêm màng túi, mở ra hàng loạt tờ báo bao phủ thị trường nhưng không nhằm mục đích làm báo mà chỉ để có chỗ làm quảng cáo, đăng nội dung quảng bá cho doanh nghiệp.
Mục đích như vậy thì phải tuyển các em chân dài, mặt xinh, da dày có thể lả lơi để mời chào doanh nghiệp. Hoặc các chú có máu chém giết, đi lùng sục thông tin bất lợi của doanh nghiệp, đến dọa dẫm, vòi tiền, nếu không chung chi thì “tao đánh cho một bài”. Hoặc tuyển con em của những người có chức tước, máu mặt, để nhờ oai của họ doanh nghiệp tự nguyện đặt vấn đề làm thân (có cách nào làm thân nhanh hơn tặng quà), hay được che chở.
Nhỏ không học, lớn cũng không học
Làm báo đòi hỏi có kiến thức tổng hợp và lao động miệt mài để phát hiện, phân tích và diễn đạt tin tức kịp thời và chính xác cho người đọc. Thông tin rất nhiều và thay đổi nhanh chóng, do vậy người làm báo phải đọc và học không ngừng. Nhưng nếu bắt đầu vào nghề đã hướng đến một mục đích sai lệch, người làm báo sẽ bị biến thành công cụ không hơn không kém, tệ hại hơn là những công cụ chống lại sự tiến bộ của xã hội.
Tôi xin trích dẫn tiếp một đoạn trong blog của nhà báo Hoàng Liên đã thượng dẫn:
“Cứ bảo đấy là nghề nghiệt ngã đòi hỏi cao này kia...nhưng con đường trở thành nhà báo với nhiều người, dễ không thể tả và có thể chẳng cần đến kiến thức trình độ gì ráo trọi, chỉ cần: có bố mẹ anh chị em bà con đang làm ở 1 đài báo nào đấy, kế đó là có tiền, kế nữa là có ông to bà nhớn đỡ đầu...bất luận là ai cũng trở thành nhà báo tất!
Không phải là tất cả, nhưng có lẽ đến 80% là thế! (Tôi xin bổ sung: theo những gì tôi biết thì điều này đúng với các báo bộ ngành ở miền Bắc, hoặc các báo địa phương hơn là các báo tương đối độc lập và có thị trường ở miền Nam-Trần Hòa).
-“Con hát thì mẹ khen hay”. Bố là sếp con là nhân viên, vào cuộc họp bố khen con như sao sáng mới trồi ra. Đi làm thì luôn được bố (mẹ) và những người dưới quyền bố (mẹ) "ưu tiên" hết cỡ, nghĩa là không phải đi vùng sâu vùng xa, đứa nào chạy bục mặt kiếm tin bài chứ những ông bà "con nối" ấy nghiễm nhiên ngày nào cũng có tên trên bảng phân công công việc, đảm bảo mỗi ngày đều có thu nhập. Cuối năm thì nhứt định có 1 suất Thiến sĩ (à quên chiến sĩ) thi đua, he he !
-Không đến mức rớt tốt nghiệp trung học và cũng vào được đại học như ai, nhưng cái sự học hết sức làng nhàng, đại loại chơi nhiều hơn học. Kiểm tra vài kiến thức cơ bản nhất cũng ú ớ. Học cái nghề đòi hỏi đọc nhiều, đi nhiều mà ngại cả đôi thì thôi rồi. Thế nhưng con đường vào nghề từ thực tập cho đến đi làm cứ như trải lụa nhờ bố làm quan to. Đi dù làm cả năm trời vẫn không phân biệt nổi đâu là HĐND (Hội đồng nhân dân), đâu là UBND (Ùy ban nhân dân) nhưng tuyệt đối, không ai phê nàng câu nào cả, mà có khi ngược lại, uy lực của những bữa tiệc chiêu đãi và chức của bố nàng đã thực sự "xoay được ngòi bút biên tập"!
Thôi, tôi kể tới đây thế thôi. Kẻo kể nữa hết đêm. Túm lại, sếp nào thì lính ấy, rau nào sâu ấy. “Người trên ở chẳng thật thà/để cho kẻ dưới ra ma cả đoàn”.
Nhưng cuối cùng chúng mình chịu chung cái ngu của chúng nó
Báo chí có nghĩa vụ cung cấp tin tức trung thực, khách quan và nhiều chiều, do đó nó được tôn trọng, là tiếng nói phản biện của xã hội. Thông qua báo chí, người dân tạo ra đối trọng với hệ thống chính quyền và những nhóm lợi ích chủ yếu đang điều hành những lĩnh vực riêng lẻ, để hướng đến sự hài hòa. Thông qua báo chí, các chính sách tác động đến nhiều người được soi xét và chỉnh sửa để phù hợp nhất với cộng đồng.
Trong quá trình quản trị nhà nước, chính quyền nhờ báo chí mà kịp thời nhận biết phản ứng của người dân cả trước khi, trong khi và sau khi ban hành chính sách. Báo chí phải độc lập và tiên phong, kiến tạo diễn đàn trung lập để xã hội hướng đến những giá trị chung, đề ra những nguyên tắc và luật lệ chung.
Không có báo chí, xã hội không thể phát triển và tiến bộ.
Thế cho nên các sản phẩm báo chí sai lỗi hoặc méo mó, tệ hại… gây ra nhiều tác hại cho xã hội hơn là chỉ tạo ra một tiếng cười hoặc một cái bĩu môi chê cười. Vì nó khiến người mới vào nghề hiểu sai lệch về chuẩn mực và giá trị của nghề báo, do đó tiếp tục tạo ra những thế hệ và sản phẩm báo chí sai lỗi và méo mó. Khi điều đó diễn ra đủ lâu, báo chí bị xã hội khinh miệt và quay lưng.
Nhưng, một khi tiếng nói phản biện bị biến dạng và đánh mất giá trị, cái giá mà cả xã hội phải trả, không trừ một ai, là nhiễu loạn thông tin và thiếu hụt một phương cách phổ quát nhất để tìm biết sự thật.
Trần Hòa
11-7-2019
Nguồn RFA