BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76706)
(Xem: 63121)
(Xem: 40518)
(Xem: 32141)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người lính miền Nam

27 Tháng Hai 20196:25 SA(Xem: 4699)
Người lính miền Nam
516Vote
44Vote
31Vote
22Vote
10Vote
4.523
“Tháng Tư, trời Nam, Biệt Cách Dù

Sa cơ, ngã gục, thật liệt oanh”

Ai từng ghé qua Việt Nam Palace vùng Đông Bắc Mỹ đều biết bà Hà, là giám đốc điều hành nhà hàng. Tuy nhiên, ít người biết đến ông Hà vì ông không trực tiếp đứng ra quản lý và ít khi có mặt. Bà Hà tướng cao người đôn hậu, nhưng ông Hà thì ngược hẳn. Vóc dáng ông gầy và nhỏ con so với kích thước trung bình của người đàn ông Việt Nam.

Năm 1990 khi đến định cư ở thành phố này, lớp trẻ chúng tôi hay lai vãng tới nhà hàng Việt Nam Palace vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ. Thấy bà Hà đứng ở quầy tính tiền hay lay hoay phía sau nhà bếp phụ giúp. Còn ông Hà thường ngồi một mình đăm chiêu ở một góc bàn. Lâu lâu viết lách gì đó? Ông ít nói và giọng ôn tồn nhỏ nhẹ của người miền Trung. Đôi lần thấy ông chào khách quen hay mĩm cười xã giao lấy lệ.

Một lần ai đó cho biết ông Hà từng là cựu sĩ quan Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa? Nhưng đây không tin cho lắm. Người này nói thêm là trước 1975, tướng ông mập mạp và cao ráo hơn? Rồi bẵng đi một thời gian, chúng tôi không còn lui tới nhà hàng Việt Nam Palace thường xuyên và đôi lần đến thì lại không gặp ông nữa.

Câu chuyện ngày đó tưởng chừng như đi vào quên lãng…

Một ngày đẹp trời mới đây, tình cờ gặp lại “cố nhân” đi bộ trên phố.

-Chào chú!

-Chào cháu!

Xã giao qua loa bất chợt nhớ lại:

-Cháu có một thắc mắc… xin phép hỏi chú?

-Được.

Nghe nói chú là cựu sĩ quan Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày trước?

-Không! Chú thuộc Lực Lượng 81 Biệt Cách Nhảy Dù.

Ông khẳng khái trả lời làm đây ngạc nhiên vì người lính Biệt Kích Dù thường trang bị nặng nề súng đạn, lựu đạn, mìn, dao găm, bidon nước, lương thực và đồ dùng cá nhân cho mỗi lần đi toán. Có toán viên phải đeo theo máy truyền tin liên lạc, địa bàn, đèn pin và hỏa hiệu. Trọng lượng tính ra khoảng 35 – 40 lbs (20 kilo)? Cỡ ông ta làm sao mang nổi? Nhưng lỡ hỏi rồi thì phải tiếp tục như thể mình cũng là lính vậy.

quandoivnch-bietcachdu
Cháu được biết chỉ huy trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù là Đại Tá Phan Văn Huấn. Người hùng mặt trận An Lộc là Thiếu Tá Phạm Châu Tài và cũng là Chiến Đoàn Trưởng Bộ Chỉ Huy 3 Chiến Thuật bảo vệ thủ đô Sài Gòn ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Ý nói ra xem phản ứng của ông thế nào? Có phải ông là “thứ dữ” của binh chủng này ngày xưa không? Đồng thời nhắc tên vài cựu sĩ quan thuộc Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật/Bộ Tổng Tham Mưu ở địa Phương và hiện cư ngụ ở Nam California thì thấy ông cũng biết họ.

Trước khi chia tay ông tâm sự về mẩu truyện ngắn “Núi Vẫn Xanh” (1). Nói về số phận của một toán thám sát Biệt Cách Dù gồm sáu người đi thi hành nhiệm vụ vào giờ thứ 25 trước ngày 30 Tháng Tư, 1975. Toán đụng nặng với một tiểu đoàn Việt Cộng đang tiến về Sài Gòn. Toán trưởng gọi phản lực cơ oanh tạc đám con cháu Bác tơi bời. Nhưng riêng toán đã phải trả giá đắt. Bốn toán viên bị thiệt mạng nằm lại trên đồi cùng chung với xác địch. Hai người sống sót còn lại phải băng rừng lội suối về đến quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa để rồi biết được miền Nam rơi vào tay Cộng Sản đã hơn năm ngày sau…

“Núi Vẫn Xanh” là một sáng tác của Hà Kỳ Lam. Một tác phẩm bình dị nói lên nỗi cô đơn cùng cực, “mãnh hổ nan địch quần hồ” và sự can trường của người lính miền Nam đã coi nhiệm vụ trao phó hơn cả tính mạng bản thân.

Thực tế câu chuyện người lính Mũ Xanh, chẳng được sự đãi ngộ khoan hồng của “cách mệnh” khi buông súng đầu hàng ở quận Tân Uyên (trước thuộc tỉnh Biên Hòa) vào ngày mồng 5 Tháng Năm, 1975, như chính sách “lèo” của chúng rao rêu. Các anh bị bắt giam, bỏ đói và cuối cùng mang đi xử bắn một cách tàn nhẫn rồi thả xác trôi sông Đồng Nai. Tất cả là 17 người lính miền Nam bị hy sinh oan uổng sau khi chiến cuộc đã kết thúc (2). Một toán viên may mắn sống sót được một cặp vợ chồng già trong làng cứu vớt và che dấu. Trong nhóm bị sát hại có người sĩ quan tên là Tuấn, ngẫu nhiên trùng tên với nhân vật chính trong truyện của Hà Kỳ Lam?

Hành động tiểu nhân của Việt Cộng với dã tâm trả thù đê hèn người lính miền Nam thuộc đơn vị ưu tú, thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thật bỉ ổi. Trong thời chiến, cứ hai tên bộ đội Cộng Sản mà “chọi” với một người lính Biệt Cách Dù là chúng bị đi đứt. Không tài nào chúng địch nổi binh chủng thiện chiến Biệt Cách Dù với đầy đủ hỏa lực, nên giờ đây các anh hùng bị sa cơ thì chúng ra tay hành quyết cho bỏ ghét.

Những tên du kích Việt Cộng “giết người” Tháng Năm, 1975, giờ đây có lẽ là những tên bí thư, huyện ủy và cán bộ chức quyền của huyện Tân Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương), nơi các anh hùng Mũ Xanh Việt Nam Cộng Hòa âm thầm nghiệt ngã nằm xuống? Lịch sử sẽ phê phán ai “ác ôn” hơn?

Giả sử ngày mai Trung Cộng (miễn dùng danh từ Trung Quốc) áp đặt cai trị Việt Nam như Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam, thì cán bộ Việt Cộng sẽ mất hết quyền lực? Tài sản tham nhũng bóc lột của dân bị tước đoạt. Thậm chí còn bị tù đày như họ đã từng đối xử với quân dân cán chính miền Nam. Nếu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu có câu nói để đời, “đất nước mất, mất tất cả…” thì bánh xe lịch sử sẽ ứng nghiệm với Cộng Sản Việt Nam trong tương lai. Tiếc thay! Chỉ tội cho dân tộc Việt Nam mãi chìm trong bể “khổ.”

Việt Cộng là phường “xảo trá,” không bao giờ họ tự “giải thể” vì quốc gia dân tộc. Chỉ khi nào toàn dân đứng lên “lật đổ” thì mới hy vọng xóa bỏ chế độ độc tài. Lúc đó “đảng ta” sẽ giống số phận hẩm hiu như lãnh tụ Cộng Sản Nicolae Ceauşescu của nước Romania. Hay bị truất phế như độc tài Hosni Mubarak của Ai Cập vậy.

Cho dù chế độ Cộng Sản có tồn tại thêm một thời gian nữa, thì chúng cũng sẽ bị khởi tố lên Liên Hiệp Quốc về danh sách tù “cải tạo” bị sát hại. Vụ hành quyết các chiến sĩ cộng hòa sa cơ không bản án? Diễn tiến luật pháp chẳng khác gì Trung Cộng, Bắc Hàn và Nam Hàn từng kiện chính phủ Nhật tự do về vụ Quân Phiệt Nhật, đã bắt phụ nữ họ phục dịch nô lệ “tình dục” trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Việt Cộng có lối chơi thủ tục đầu tiên, thì người Mỹ hay thích kiện kẻ có tóc, “hẹn gặp ở tòa, ok!”

Xin mời quý vị độc giả trở lại câu chuyện lính Biệt Cách Nhảy Dù ngày 30 Tháng Tư…

Ngày 27 và 28 Tháng Tư, 1975, người viết lúc đó tuy còn nhỏ, nhưng đã chứng kiến những người lính trẻ Biệt Cách Dù mặc quân phục rằn ri đầu đội beret xanh đứng gác gần bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, quanh các góc đường Võ Tánh-Công Lý, Nguyễn Minh Chiếu và Thoại Ngọc Hầu (*). Cứ 3 hay 4 người một tổ. Lưng đeo M16 hay M18 và mang nhiều lựu đạn. Mỗi tổ được phân phát khoảng 4-5 khẩu M72 diệt tăng, để dựa vào chân cột đèn hay ngả trên ba lô. Vài tổ lại có một cấp chỉ huy thiếu úy đi cùng với người lính mang máy truyền tin.

Mọi địa điểm trọng yếu ở ngã tư chính thấy có một hay hai chiếc xe jeep lùn đậu bên lề đường. Người lính nào nhìn cũng nghiêm. Họ tuân theo kỷ luật quân đội với nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Sài Gòn. Có anh đứng hút thuốc lá và có anh thì trò chuyện nho nhỏ với đồng đội. Họ trông rất bình thản như đang đợi “chiến tranh” đến với mình. Trong khi đó, các tướng tá phe ta và gia đình đang binh kế “tẩu vi” cao bay xa chạy. Xe Jeep và xe hơi chạy ngang vùn vụt trước mặt về hướng phi trường Tân Sơn Nhất càng nhanh càng tốt.

Mồng 1 Tháng Năm, một ngày sau khi miền Nam mất. Dân chúng cư ngụ gần bộ Tổng Tham Mưu thấy 4 “cua sắt T-54” bị bắn cháy ngay ngã ba Lăng Cha Cả. Hai xe tăng T-54 sau này kéo về nằm ụ ở khoảng đất trống đối diện cổng Phi Long (phi trường Tân Sơn Nhất). Còn hai chiếc khác được kéo đi đâu để giải tỏa lưu thông thì không biết? Hay có lẽ Việt Cộng ngại tâm lý dân chúng biết được số lượng thiệt hại của chúng?

t54bibanchayganlangchaca-30thang4
Trong khi đó Biệt Đội 817 của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù chỉ có ít M72 để chống trả? Người viết nhìn thấy màu thép xe tăng còn mới. Tòa cao ốc sáu tầng sơn màu trắng của quân đội Mỹ để lại (đối diện bộ Tổng Tham Mưu) bị bắn cháy đen một mảng lớn. Có lẽ lính Biệt Cách Dù đứng trên sân thượng phóng M72 xuống và tăng Việt Cộng bắn lên làm hư hại cao ốc trong lúc giao tranh sáng ngày 30?

Sau khi ngưng chiến, dân chúng chứng kiến quân trang quân dụng của lính giục bỏ đầy đường, nhưng không thấy xác người. Không biết những người lính trẻ Biệt Cách Dù đó đi về đâu? Chỉ thấy nhiều anh lính mặc áo thun hay cởi trần đi chân đất, lầm lũi bước về hướng chợ Ông Tạ. Vài người trong xóm cho quần áo dân sự hay dúi vào tay ít tiền, để các anh làm lệ phí về quê. Tình cảnh thật bùi ngùi cảm động!

Gợi lại hình ảnh tháng tư xưa mà thấy thương cho thân phận người lính thấp hèn. Quê của các anh có lẽ ở tận Cao Nguyên, miền Trung hay Long Khánh? Các vùng đất xa xôi đã mất vào tay giặc cuối Tháng Ba hay giữa Tháng Tư, 1975? Đáng lý các anh có thể bỏ đơn vị và trở về sum hợp với gia đình, nhưng tình nguyện ở lại để thi hành nhiệm vụ cuối cùng của đời chiến binh.

Thi hành nhiệm vụ hay là chết. Người lính không quyết định được thắng bại trên chiến trường mà chỉ biết tuân lệnh. Đúng thế! Người lính Việt Nam Cộng Hòa ngày cuối Tháng Tư, 1975, vẫn còn nặng nợ với quê hương và đồng bào, dù biết mình bị phản bội từ mọi phía. Thực tế phũ phàng từ các cấp lãnh đạo của đất nước. Vết dao đâm sau lưng chịu sao thấu!

Miền Nam mất. Người dân sống trong chế độ cộng sản sau 1975 đã thấm nỗi đau khổ. Ai cấu kết, nuôi dưỡng và che dấu Việt Cộng nằm vùng năm xưa? Nay nhiều người là nạn nhân, bị chúng chiếm đất chiếm nhà. Giờ mới thấy người lính và chế độ nào tốt hơn?

Nếu được cơ hội, có lẽ họ sẽ chọn lại người lính cộng hòa? Tuy hình ảnh và sắc lính của các anh đã qua đi, nhưng người dân miền Nam vẫn luyến tiếc. Họ nhắc lính qua thơ văn, ca nhạc DVD, trên các diễn đàn website hải ngoại và vài bài viết của cựu chiến binh miền Nam còn trong nước.

Riêng lớp trẻ chúng tôi lớn lên sau cuộc chiến tàn, xin được nói với người lính miền Nam một câu ngậm ngùi rơi lệ: “Cảm ơn Anh, người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa!”

Tướng Lê Minh Đảo, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh và là người hùng mặt trận Xuân Lộc Tháng Tư, 1975, có lần nói: “Nếu có kiếp sau, xin được tiếp tục làm người Lính Việt Nam Cộng Hòa.” Mạn phép cùng Thiếu Tướng: “Hãy cho chúng tôi được đầu quân làm người Lính Việt Nam Cộng Hòa, chung với ông nhé…!”

Darren Thăng (DD-2nd)
Nguồn Người Việt

—–

Tài liệu tham khảo:

(1) Núi Vẫn Xanh của Hà Kỳ Lam.

(2) Số phận của sáu toán thám sát của LĐ81/BCND trong chiến khu D(LĐ 81/BCND và Những Ngày Tháng Tư).

Tài liệu Kiểm Chứng:

Biệt Đội 817, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù của Thiếu Uý Minh Cui, khóa 28 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.

Chú Thích:

(*) Đường Võ Tánh trước 75 (nay là Hoàng Văn Thụ), Công Lý (đối diện Bộ Tổng Tham Mưu) (nay là Nguyễn Văn Trỗi), Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) và Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn