BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận đánh tại căn cứ hỏa lực HOTEL 2

11 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 2476)
Trận đánh tại căn cứ hỏa lực HOTEL 2
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84
Sau khi căn cứ Biệt Động Quân Bắc do Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân trấn giữ bị Cộng quân tràn ngập ngày 23 tháng 2, và căn Biệt Động Quân Nam phải di tản 2 ngày sau đó dưới áp lực nặng nề của 2 trung đoàn chính quy địch, lực lượng yểm trợ và án ngữ sườn Bắc đường số 9 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã bị yếu đi rất nhiều. Hai lớp khiên che chở mặt Bắc cho nỗ lực chính gồm quân Nhảy Dù và Thiết Kỵ hoạt động trên đường số 9 với nhiệm vụ đánh thẳng vào mục tiêu chính Tchepone bây giờ chỉ còn một: đó là tuyến phòng thủ gồm Căn Cứ Hỏa Lực 30 (với Tiểu Đoàn 2 Dù) và Căn Cứ Hỏa Lực 31 (với Tiểu Đoàn 3 Dù và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 3 Dù).

Trên trục tiến quân chính tại đường số 9, tình hình cũng không sáng của hơn. Sau khi Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm gồm Lữ Đoàn 1 Dù và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh chiếm được mục tiêu A Lưới chỉ sau 2 ngày hành quân (ngày 10 tháng 2), mũi dùi này bị chận đứng không sao tiến xa hơn được về phía Tây, hướng mục tiêu Tchepone như dự trù. Hơn nữa, vì không đủ lực lượng trải quân dọc đường số 9 để giữ an ninh lộ trình, toán Thiết Giáp đi đến đâu, Cộng quân theo sau tới đó để đặt mìn chống chiến xa ngăn chận đường về.

Theo lời anh phóng viên Okamura của tờ báo Life, người phóng viên ngoại quốc duy nhất đi theo cánh quân Thiết Giáp vào Hạ Lào, một sĩ quan quân đội VNCH đã đưa ra nhận xét: "Tiến chiếm A Lưới tuy chỉ mất có 2 ngày, nhưng khi rút về phải mất hàng tuần."

Ngoài ra, Căn Cứ Hỏa Lực A Lưới hầu như bị bao vây và pháo kích hằng ngày bằng đủ loại đại đạn đại bác, súng cối và hỏa tiển. Các chiến xa quân đội VNCH vừa ra khỏi hàng rào phòng thủ là đã đụng mìn hay bị địch quân phục kích.

Các ổ phòng không của địch bao quanh căn cứ tác xạ rất hữu hiệu mỗi khi nghe thấy tiếng trực thăng khiến việc tiếp tế và tản thương vô cùng khó khăn. Nhìn chung, cánh quân của Chiến Đoàn 1 Đặc Nhiệm tuy không bị thiệt hại nhiều, nhưng bị cô lập nên binh sĩ vừa xuống tinh thần vì những tin tức bất lợi, vừa lo ngại vì bị bao vây và pháo kích thường xuyên.

PHÍA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

Nhìn chung, tình thế thật bất lợi vì bị lâm vào thế thụ động và cô lập: 1. Mũi dùi xung kích chính bị chận đứng tại A Lưới trên trục tiến quân dọc đường số 9. 2. Hai căn cứ Biệt Động Quân tại tuyến phòng thủ mặt Bắc bị địch đánh bứt. 3. Căn Cứ Hỏa Lực Hotel 2 tại mặt Nam phải di tản vì áp lực quá mạnh của Cộng quân. 4. Tất cả các vị trí đóng quân của quân đội VNCH tại Hạ Lào đều bị địch quân bao vây và pháo kích thường trực. 5. Quân sĩ càng ngày càng bị hao hụt, không được bổ xung hoặc tăng viện. 6. Nguy hiểm hơn nữa, trục lộ huyết mạch là đoạn đường số 9 từ biên giới Lào-Việt tới A Lưới bị địch kiểm soát và cô lập khiến việc tiếp tế và tản thương cho các cánh quân đều hoàn toàn nhờ cậy vào trực thăng. 7. Phòng không địch càng ngày càng được bố trí nhiều hơn dọc theo đường bay, và nhất là tại các cao điểm khống chế bãi đáp khiến những phi vụ trực thăng yểm trợ trở thành vo cùng khó khăn và nguy hiểm.

PHÍA CỘNG QUÂN

Lực lượng của Cộng quân càng ngày càng mạnh với các đơn vị chủ lực tăng viện từ vùng Phi Quân Sự tràn xuống:

1. Bộ Binh: Lúc đầu, khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 mới khai diễn, Cộng quân chỉ có 3 trung đoàn chủ lực (Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 320, Trung Đoàn 24B thuộc Sư Đoàn 304, và Trung Đoàn 812 thuộc Sư Đoàn 324B), nay được tăng cường thêm 8 trung đoàn chánh quy, gồm các thành phần sau đây: Toàn bộ Sư Đoàn 308 với 3 Trung Đoàn 102d, 36 và 88 phối trí tại phía Bắc đường số 9. Sư Đoàn 2 với hai Trung Đoàn 1 và 141 phối trí quanh vùng A Lưới và Tchepone. Trung Đoàn 29/SĐ324B (đọc là "Trung Đoàn 29 thuộc Sư Đoàn 324B) phối trí tại phía Nam đường số 9. Trung Đoàn 64/SĐ320 phối trí tại vùng A Lưới. Trung Đoàn 7/SĐ304 phối trí quanh Căn Cứ Hỏa Lực 31. Ngoài ra còn có Trung Đoàn Chiến Xa 202 trợ chiến. Tổng cộng, tại Hạ Lào quân Cộng Sản Bắc Việt chiếm ưu thế về quân số với tỉ lệ 3 trên 1 (50,000 Cộng quân so với 16,000 binh sĩ VNCH).

2. Phòng Không: Cộng quân có tới gần 20 tiểu đoàn phòng không, gồm đủ loại cao xạ từ cỡ 12.7 ly đến 23 ly, 37 ly, và 57 ly. Sau này nghe nói có cả hỏa tiễn tầm nhiện SA-7. Chiến thuật phòng không của Cộng quân không có gì mới lạ. Các ổ súng được thiết trí trên cao điểm dọc theo lộ trình phi cơ phải xử dụng để bay tới những vị trí đóng quân cố định của quân đội VNCH. Những ổ súng này được ngụy trang và chôn dấu khéo léo khiến phi cơ rất khó phát hiện và tiêu diệt. Cộng quân thiết lập hàng rào phòng không thật dầy quanh bãi đáp khiến trực thăng không vượt qua được. Và súng cối được dùng để bắn dữ dội vào bãi đáp mỗi khi có trực thăng đáp xuống.

3. Pháo Binh: Cộng quân xử dụng trọng pháo đủ cỡ: 82 ly, 122 ly, 130 ly... pháo kích liên tục vào những căn cứ của quân đội VNCH. Những ổ súng cối thường được di chuyển đến sát chu vi phòng thủ của các căn cứ hỏa lực để tránh bị phi cơ oanh tạc và để khống chế bãi đáp. Những ổ súng nặng có tầm bắn xa hơn được chôn dấu kỹ càng trong hang núi, chỉ được kéo ra khi tác xạ. Trọng pháo 122 ly có tầm bắn lên đến 24 cây số, đại bác130 ly bắn xa 27 cây số, hơn hẳn các đại bác 107 ly (11 cây số) và 155 ly (15 cây số) của quân đội VNCH tại các căn cứ hỏa lực. Do đó, khi bị pháo kích, quân đội VNCH không thể phản pháo. Ngoài ra, mức độ tiếp vận đạn pháo binh của địch có thể nói là dư thừa.

Rõ ràng địch hoàn toàn được lợi thế về pháo binh. Súng bắn xa hơn, đạn dược đầy đủ, vị trí được che dấu kín đáo. Trong lúc đó, tất cả các vị trí pháo của quân đội VNCH đều đặt lộ thiên không ngụy trang, tiền sát viên địch có thể quan sát và điều chỉnh dễ dàng. Hơn nữa, Hạ Lào là phần đất của chúng nên Cộng quân đã có sẵn địa hình và tọa độ các vị trí pháo của quân đội VNCH.

Bàn về lợi thế của pháo binh Cộng Sản tại Hạ lào, Thiếu Tá Bùi Đức Lạc (Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù đóng tại Căn Cứ A Lưới), một nhân vật có đầy đủ thẩm quyền về pháo binh tại Hạ Lào, đã đưa ra nhận xét: Chỉ cần một hạ sĩ quan pháo binh của ta chỉ huy pháo binh của địch tại trận Hạ Lào, thì tất cả các đơn vị pháo binh của ta sẽ bị tiêu diệt 100 phần trăm. Các bộ chỉ huy cũng hoàn toàn bị tiêu hủy mà chỉ cần tiêu thụ đạn dược bằng một phần mười số đạn chúng đã tiêu thụ."



4. Chiến Xa: Khi cuộc hành quân được thiết kế, tin tình báo cho biết sự đe dọa của chiến xa địch tại Hạ Lào coi như không đáng kể vì địa thế rừng núi hiểm trở không thích hợp cho thiết giáp hoạt động, nhất là các loại chiến xa hạng nặng. Vì vậy, các cánh quân VNCH chỉ được trang bị vũ khí chống chiến xa nhẹ M-72, và đặc biệt không được cấp phát mìn chống chiến xa để đặt quanh hàng rào phòng thủ. Nhưng khi vào đến Hạ Lào, thực tế hoàng toàn trái ngược. Cộng quân có cả một trung đoàn thiết giáp (được trang bị chừng 100 chiến xa đủ loại và nhiều xe yểm trợ và tiếp liệu), nhiều nhất là xe lội nước PT-76 và có cả chiến xa hạng trung T-54.

Trung Tá Robert Molinelli, Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 2 (của Không Đoàn 17 thuộc Sư Đoàn 101 Không Kỵ), đơn vị đặc trách toán không-thám và trực thăng võ trang yểm trợ cho toàn bộ chiến dịch Hạ Lào, là người đã nhiều lần chạm trán với chiến xa Cộng quân tại Hạ Lào. Ông cho biết ngày 18 tháng 2, trực thăng không-thám phát hiện một hình thù kỳ dị trông giống như một mái nhà tranh đang di chuyển. Khi xuống thấp hơn để quan sát, viên phi công mới thấy rõ một nòng súng dài nhô ra khỏi lớp lá. Đó là một chiến xa địch ngụy trang.

Trong trường hợp khác, toán trực thăng võ trang bắt gặp một đoàn chiến xa Cộng quân gồm 14 chiếc, liền nhào xuống xạ kích. Chiến xa địch bắn trả bằng đại bác và đại liên 12.7 ly cơ hữu, nhưng các trực thăng võ trang Cobra xử dụng hỏa tiển chống chiến xa HEAT (High Explosive Anti-Tank) bắn hạ tại chỗ 3 chiếc và làm cho 11 chiếc không di chuyển được. Sau đó, phản lực cơ của Không Quân Hoa Kỳ được gọi tới đế oanh tạc đoàn chiến xa này.

Trong trường hợp khác, Trung Tá Joseph Ganahl, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh hoa Kỳ tại vùng biên giới Lào-Việt, đang bay trên trực thăng chỉ huy, đột nhiên nghe báo cáo có một đoàn chiến xa địch đang tập trung để tấn công một vị trí của quân đội VNCH. Ông liền gọi Pháo Binh bắn vào đoàn xe. Phi cơ quan sát báo cáo có lúc một quả đạn đại bác nổ giữa hai xe tăng địch khiến cả hai xe đều bị lật nhào.

TRẬN ĐÁNH TẠI CĂN CỨ HỎA LỰC HOTEL 2

Căn cứ Biệt Động Quân Bắc là cứ điểm đầu tiên của quân đội VNCH bị Cộng quân tràn ngập. Tuy bị thiệt hại nặng về nhân mạng, cũng như vũ khí, nhưng quân Cộng Sản lại chiếm được thế thượng phong chủ động, dồn các cánh quân VNCH vào thế thụ động, phải chống trả thay vì tấn công. Nhất là sau khi căn cứ Biệt Động Quân Nam phải di tản, địch quân càng gia tăng áp lực uy hiếp nặng các vị trí chiến lược quan trọng của quân đội VNCH tại Hạ Lào, như A Lưới, Căn Cứ Hỏa Lực 30, Căn Cứ Hỏa Lực 31, và cả Căn Cứ Hỏa Lực Hotel 2 ở mặt Nam đường số 9 do lực lượng của Sư Đoàn 1 Bộ Binh chịu trách nhiệm.

Căn Cứ Hỏa Lực Hotel 2 do Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 3 Bộ Binh trấn đóng, nằm cách Căn Cứ Hỏa Lực Hotel (là nơi đặt Bộ Chỉ Huy hành quân của Trung Đoàn 3) chừng 15 cây số về huóng Đông Đông-Nam, cách đường số 9 chừng 8 cây số về hướng Nam, và cách biên giới Lào-Việt chừng 10 cây số về phía Tây.

Vào ngày 23 tháng 2/1971, sau nhiều ngày bị bao vây và pháo kích, Căn Cứ Hỏa Lực Hotel 2 bị Cộng quân tấn công mạnh. Chiến thuật của quân Bắc Việt không có gì mới lạ. Trước hết chúng thiết lập một hàng rào phòng không dầy đặc để cô lập cứ điểm và cắt đứt nguồn tiếp vận duy nhất bằng trực thăng. Sau đó Cộng quân dùng trận địa pháo liên miên cường tập để yểm trợ cho bộ đội xung kích.

Trước áp lực quá mạnh của Cộng quân, Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 3 Bộ Binh liền điều động Tiểu Đoàn 3/3 (đọc là "Tiểu Đoàn 3 thuộc Trung Đoàn 3") đến tăng viện cho Căn Cứ Hỏa Lực Hotel 2. Mặc dầu được phi pháo yểm trợ rất hiệu quả, gây thiệt hại nặng nề cho địch, nhưng Cộng quân vẫn không chịu rút lui mà còn quyết tâm bám sát hàng rào phòng thủ và pháo kích không ngừng vào căn cứ bằng súng cối.

Lo ngại rằng vị trí cũng sẽ bị tràn ngập giống như Căn Cứ Biệt Động Quân bắc trước đây, Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 3 Bộ Binh phải ra lệnh di tản Căn Cứ Hỏa Lực Hotel 2 bằng trực thăng để bảo tồn lực lượng, rồi ngay sau đó sẽ cho pháo đài B-52 oanh tạc phá hủy căn cứ. Đại Tá Không Quân Hoa Kỳ, Gerald Kirklighter, Chỉ Huy Trưởng Tiểu Đoàn 223 thuộc Lữ Đoàn 1 Không Kỵ, là đơn vị chịu trách nhiệm yểm trợ trực tiếp cho cánh quân Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Ông đích thân bay trên trực thăng C&C (Command and Communications --tức là trực thăng của vị chỉ huy trưởng đơn vị) chỉ huy cuộc di tản. Ngoài việc chuyên chở binh sĩ, các trực thăng còn cố gắng câu một ph áo đội đại bác 155 ly ra khỏi căn cứ để những khẩu trọng pháo này không bị lọt vào tay địch quân.

Những trực thăng khổng lồ CH-53 Sea Stallion của Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ đồn trú tại núi Non Nước ở Đà Nẵng được xử dụng để thi hành công tác. Nhiệm vụ ưu tiên của các trực thăng là câu những khẩu trọng pháo 155 ly. Trong đợt đáp thử đầu tiên, hỏa lực phòng không của Cộng quân bắn lên đầy trời, đan thành một màng lưới lửa khủng khiếp khiến hai trực thăng CH-53 không sao vào được bãi đáp. Các trực thăng võ trang yểm trợ lao xuống bắn đại liên và hỏa tiễn vào những vị trí nghi ngờ có đại pháo của Cộng quân, khiến chúng phải tạm ngưng pháo kích.

Lợi dụng cơ hội, hai chiếc trực thăng khổng lồ lại sà xuống bãi đáp lần thứ hai, ráng xuống thấp để câu súng. Mặc dầu Cộng quân lại pháo kích dữ dội vào bãi đáp, các chiến sĩ VNCH vẫn can đảm đội pháo từ giao thông hào xông ra móc được một khẩu súng vào sợi giây câu do trực thăng thả xuống. Đúng lúc khẩu trọng pháo vừa được câu lên, chiếc trực thăng bị trúng đạn rơi xuống bãi đáp. Chiếc trực thăng thứ hai vội nhào xuống, liệng thang giây qua cửa hậu cứu được một phần phi hành đoàn, nhưng hai viên phi công là Trung Tá Charles Pitman và Thiếu Tá Mike Wasco bị kẹt lại. Sau này cả hai người đều được trực thăng của Đại Tá Kirklighter cứu thoát về Khe Sanh.

Cuối cùng, đến trưa ngày 24 tháng 2/1971, nhờ hỏa lực của Không Quân yểm trợ, các trực thăng Hoa Kỳ cũng bốc đi được phần lớn toán quân phòng thủ, nhưng tất cả các khẩu trọng pháo 155 ly đều bị bỏ lại. Trong lúc gấp rút, một toán nhỏ gồm 23 quân nhân VNCH bị kẹt lại trong hàng rào phòng thủ, đúng lúc căn cứ sắp bị địch quân tràn ngập. Các binh sĩ VNCH này vẫn bắn trả vào những đợt xung phong biển người của Cộng quân.

May mắn lúc đó có một phi đội trực thăng thuộc Phi Đoàn 48 blue Star của Không Quân Hoa Kỳ do Đại Úy Smith chỉ huy đang bay trên vùng hành quân nghe được tin cầu cứu khẩn cấp. Ba chiếc trực thăng của phi đội này liền tách khỏi đội hình hướng về Căn Cứ Hỏa Lực Hotel 2 cùng với bốn chiếc trực thăng võ trang hộ tống gồm 2 Cobra và 2 UH-1C. Dưới sự yểm trợ hữu hiệu của các trực thăng võ trang bắn xả vào đám bộ đội Bắc Việt đang tràn lên đồi, lúc đó chỉ còn cách hầm cố thủ của các binh sĩ VNCH chừng 10 thước, các trực thăng chở quân cố xông vào dù đạn súng cối của địch đang cày nát bãi đáp.

Chiếc trực thăng của Đại Úy Smith bị trúng mảnh đạn vào cánh quạt phía sau nên buộc phải bốc lên. Rồi những chiếc trực thăng này lại trở xuống một lần nữa, nhưng bị cả phòng không lẫn súng cối địch bắn quá rát khiến các trực thăng vẫn không sao đáp được. Các trực thăng cấp cứu đành bay quần trên không phận Căn Cứ Hỏa Lực Hotel 2 để chờ cơ hội thuận tiện hơn.

Trên cao, Đại Úy Smith quan sát nhiền thấy rõ một vị trí súng cối của Cộng quân đặt trên một sườn đồi cách hàng rào phòng thủ chừng 500 thước. Được chỉ dẫn chính xác, một trực thăng võ trang lao qua lưới đạn phòng không, bắn một trái hỏa tiển tiêu diệt được ổ súng. Các trực thăng chở quan vội nhào xuống bãi đáp lần thứ ba, mặt dầu súng cối địch vẫn không ngừng pháo kích. May mắn lần này các trực thăng đáp xuống được, dầu tất cả đều bị trúng đạn. Các quân nhân VNCH còn sót trong căn cứ vội phóng lên trực thăng và được cứu thoát. Liền sau đó, địch quân tràn lên cứ điểm, làm mồi cho bom của pháo đài B-52 được gọi tới để oanh tạc tiêu diệt địch quân, cũng như phá hủy các khẩu đại bác 155 ly bị bỏ lại.

Trần Đỗ Cẩm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn