BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72625)
(Xem: 62053)
(Xem: 39148)
(Xem: 31015)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những tấm hình

04 Tháng Giêng 20197:06 SA(Xem: 23616)
Những tấm hình
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

Năm 1979, trong khi tôi đang trằn mình nơi miền Bắc lạnh giá thì ở Sài Gòn, mẹ tôi và bé Nga được anh Khinh chồng chị Anh đưa về quê hương Quảng Trị. Ngoài căn nhà nhỏ gần như đã mục nát trong một con hẻm ở Thị Nghè được bán đi với giá đủ để trang trải cho một chuyến xe về quê, chỉ còn lại đống sách báo mà tôi ký cóp tích lũy được trong mấy năm đi lính là có thể đem bán cân lấy chút tiền lẻ. Với quảng đường dài gần cả ngàn cây số, và phải khó khăn lắm mới mua cho được 3 tấm vé xe đò, một mình anh Khinh phải vất vả giành giựt lên xe, giành giựt để tìm chỗ ngồi ít nhất là cho hai mệ cháu, một quá gìa yếu, một quá bé nhỏ, giữa dòng người lúc nào cũng đông nghẹt, chen lấn, xô đẩy. Trong một túi xách chứa đống áo quần cũ kỹ của hai mệ cháu, mẹ tôi đã lén lút để lẫn vào trong đó 3 cuốn album dày cộm mang đầy hình ảnh của tôi đã chụp trong mấy năm đi lính. Mẹ tôi bảo rằng không những bà sợ gặp rắc rối với công an ở dọc đường mà anh Khinh cũng không muốn mẹ mang theo mấy thứ đồ gần như quốc cấm trong chuyến hành trình lúc đó mất cả ba bốn ngày đường với nhiều bất trắc. (Viết đến đây tôi bỗng ngạc nhiên tự hỏi, làm sao trong thời gian 4 năm trời ở đó, mẹ tôi có thể sống yên bình trong căn nhà chứa đầy sách báo, hình ảnh với đầy đủ áo quần lon lá mũ mão mà tôi để lại. Làm sao cất dấu, làm sao trả lời, đối phó với tụi thanh niên, học sinh, sinh viên mới ngày nào ngoan ngoãn dễ thương nay bỗng dưng hóa thành những Hồng Vệ Binh hung tợn, ngày ngày lùng sục, tìm tòi những thứ mà người Cộng sản cho là thứ văn hóa phản động, lai căng, đồi trụy để đem ra đốt làm cháy rực cả một góc phố mà bao quanh là những khuôn mặt non choẹt đang thả sức la hét những lời hoan hô đả đảo với những ngôn ngữ sặc mùi máu?).

nguoi linh viet nam cong hoa - Chiến Sĩ – Tranh Mai Tâm
Chiến Sĩ – Tranh: Mai Tâm


Năm sau, khi tôi trở về từ trại cải tạo xa xôi ấy, những bộ tiểu lễ màu trắng lần lượt được đem nhuộm đen rồi cùng những bộ đồ hải quân màu xanh nước biển, tất cả trước sau theo tôi mỗi ngày đi lao động trên ruộng đồng hay trong lò gạch. Vậy là dấu ấn Hải quân trong tôi hầu như mất hết chỉ sau hai năm lăn lóc với cuộc đời mới. Chỉ còn 3 cuốn album mà mẹ đã cất dấu, vất vả mang theo là những lưu vật cuối cùng mang dấu tích của một thời. Nó trở thành một vật “gia bảo”. Thời gian đầu, sau những buổi làm việc nặng nhọc nơi lò gạch hợp tác xã trở về, tôi thường nằm dài trên giường, chờ bữa cơm trưa đạm bạc mà mẹ đang lúi húi nấu trong căn bếp nhỏ như cái lỗ mũi dưới kia. Rồi để quên đi nỗi buồn thân phận, xót xa cho tương lai, tôi thường lôi mấy cuốn album từ đáy chiếc thùng đạn 20 ly đựng quần áo ra để tìm lại những hình ảnh của quá khứ, từ đó đắm mình vào những hoạt động sôi nổi cuả một thời tuổi trẻ mà quên đi hiện thực khổ ải cùng cái nắng gay gắt của những buổi trưa hè.

Những hình ảnh của một quá khứ không xa đã kéo tôi trở về với bao kỷ niêm: Khi thì ở quân trường Nha trang nắng cháy với buổi đón tiếp của khóa đàn anh ngay tại sân cờ, những ngày lăn lộn trên bãi cát trắng cháy phỏng da trong thời gian huấn nhục, với những đêm di hành, những lần đi biển ói mửa đến mật xanh mật vàng trên Huấn luyện Hạm HQ 475, hay những buổi sáng hăm hở với bộ đồ trắng ra phố Độc lập Nha trang để nghe tiếng “chiều vàng ai ngóng đợi” (Đỗ Quảng) . Khi thì đi thực tập trên đệ thất hạm đội Mỹ để có dịp làm quen với cái không khí được ghé vào những bến bờ xa lạ ở Subic Bay của Phi luật tân; hay Yokosuka, Tokyo, Sasubo của Nhật bản. Khi thì buổi sáng từ trên Tạm trú Hạm đậu ở cầu B bến Bạch đằng Sài Gòn nhìn qua vùng Thủ Thiêm đầy sương khói cho đến đôi mắt rũ kín u buồn trên vùng Năm Căn – Cà Mâu với muỗi mòng chiến địa…Và trên hết là hình ảnh của những người con gái đã đi qua một lần trong đời để rồi bây giờ đã bị lãng quên như đã qua một giấc ngủ dài.

Không hiểu từ đâu mà sau đó cả mấy tháng ròng rã, hầu như ngày nào mấy cô chú học sinh nhóc con học cấp 2 của trường Hải Thượng đi học về cũng kéo nhau vô nhà nài nỉ xem cho được những hình ảnh trong ba cuốn album ấy. Thường tôi không có nhà nên mẹ tôi cứ tự nhiên đem ra cho chúng xem, ngắm nghía, trầm trồ, bàn luận. Căn nhà tranh tre với vách được che bằng những tấm tôn rách do bom đạn nên trống huơ trống hoác bỗng trở thành phòng triển lãm bất đắc dĩ. Nhìn bọn trẻ vui cười, đùa giỡn trên chiếc giường cũ kỹ mà hai mệ cháu nằm, bà vui vẻ và hãnh diện lắm. Đợi đến khi tôi đi làm về, mẹ thường đem những lời bình phẩm đó kể lại trong bữa ăn như một chút gia vị cho bữa cơm và có thể còn ươm mầm cho cuộc sống.

Nhưng không may, trận lụt lịch sử năm 1983 đã xóa đi gần như hết cả 3 cuốn album. Chỉ còn lại vài tấm hình màu chụp khi đi thực tập trên tàu Mỹ là còn  lại chút dấu vết mờ ảo do thuốc màu in lên tấm nylon bao bọc. Sự mất mát này tuy làm tôi buồn tiếc một thời gian nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống, vì từ khi có con, đối phó với những khó khăn mới cũng đã chiếm hết thì giờ và tâm trí. Và rồi thời gian cũng làm quên. Cho đến một ngày khi vợ chồng chúng tôi chuẩn bị cho chuyến hành trình dài qua Mỹ, tôi lại nhớ đến chúng. Vì dù có mờ ảo chăng nữa, nó cũng để lại một ít chứng tích để có thể chứng minh với nhân viên phỏng vấn Mỹ về cái quá khứ đã từng phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Và quả thật, buổi phỏng vấn đã đi qua nhẹ nhàng, một phần cũng nhờ vào mấy tấm hình đã hoen ố .

Bây giờ ngồi đây, đã gần 3 năm sau cái tuổi thất thập, nhìn những người bạn cũng già như mình đang vội vã tìm gặp nhau để tìm lại chút quá khứ, vội vã dùng cell phone để lưu lại chút dấu tích cho những ngày cuối cùng, lòng tôi cũng thấy rộn niềm vui. Rồi một ngày những tấm hình hôm nay cũng sẽ tàn phai vì sau khi khuất bóng, có ai trong đám con cháu chúng ta còn lưu giữ lại chút quá khứ của ông bà? Nhưng nghĩ làm gì xa xôi chuyện ấy, chỉ biết vui với hiện tại, nâng niu trân quý những gì mình có hôm nay để khi ra đi thì nhẹ nhàng thanh thản, mỉm cười như đi về  vùng miên viễn.

Đào Dân
Nguồn http://t-van.net/?p=38175

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn